Dịch giả: Việt Dung
Chương 7

     au chuyến thăm của sứ thần, ông thợ Min đâm ra cau có và khó tính khó nết hơn trước. Thay cho những mệnh lệnh cộc lốc, thô bạo, ông lại cao giọng thuyết giảng dài dòng cho đứa học trò mỗi khi có dịp. Sau đó ông rơi vào sự câm lặng ngột ngạt kéo dài cho tới đợt “bùng nổ” tiếp theo.
Mộc Nhĩ làm việc cật lực hơn bao giờ hết, cả người nó căng ra đề phòng, ông chủ nó đang làm những chiếc bình hình quả dưa đã làm vui lòng vị sứ thần. Mộc Nhĩ nhận thấy hình như trước nay chưa bao giờ ông thẳng tay loại bỏ nhiều sản phẩm ra khỏi bàn xoay đến thế; suốt ngày, hòa điệu cùng với những lời rủa sả của ông, Mộc Nhĩ nghe thấy tiếng đất sét bị ném phịch xuống đất đầy bất mãn.
Cuối cùng, sau hai ngày trong tâm trạng như thế, ông mới hỏi Mộc Nhĩ cái câu hỏi mà nó đã chờ đợi bấy lâu.
“Sao”, ông thợ Min làu bàu, “mày sẽ nói cho tao nghe hay để tao phải ngồi đó mà đoán hả?”
Ông Min là thợ gốm duy nhất không ghé xem quầy hàng của bác thợ Kang vào cái hôm ấy. Dù thành thật hay làm bộ như thế, bản tính chỉ tập trung vào công việc của mình ở ông vẫn không bao giờ suy suyển, nhưng Mộc Nhĩ biết rõ là ông vẫn để ý đến việc mọi người hò nhau xúm đến và bầu không khí râm ran những lời trầm trồ thích thú chung quanh quầy hàng của bác thợ Kang.
“Kỹ thuật khảm, thưa ông chủ”, Mộc Nhĩ trả lời ngay. Lời của bác Sếu vang lên trong đầu nó. Bây giờ ý tưởng đó đã thuộc về mọi người. Nó tiếp, “Nước áo màu đỏ và trắng sau khi nung sẽ biến thành trắng và đen. Hình hoa cúc...”
Ông thợ Min không nói gì, vì thế Mộc Nhĩ thêm: “Xấu lắm”.
Nếu Mộc Nhĩ đoán đúng thì đây là lần đầu tiên trong đời mình, người thợ gốm già vốn tính cáu bẳn như một con cú, ngả đầu ra sau cười ha hả.
“Ha ha ha!” ông bật ra một tràng, ho sặc sụa, rồi tằng hắng nhặng lên. Ông nhìn thằng bé với ánh mắt gần như là trìu mến. “Xấu hả, mày nói vậy phải không? Hẳn rồi! Tên Kang kia còn có thể làm được cái gì khác ngoài những thứ đó? Hắn chỉ làm hổ thẹn cho thợ gốm chúng ta mà thôi”. Đột nhiên, ông vỗ hai bàn tay vào nhau đánh bốp và hét to: “Vậy thì đi mau. Đất sét đỏ và trắng, lọc, để làm men...”
Mộc Nhĩ đứng phắt dậy. Ông Min nói chưa dứt lời thì nó đã chạy bay ra đường với chiếc xe đẩy lao như tên bắn trước mặt.
Mấy ngày trước, Mộc Nhĩ đã đánh dấu những địa điểm dọc theo bờ sông có đất sét màu tốt nhất, và bây giờ nó chỉ việc đi thẳng tới điểm đầu tiên. Đào và xúc đất lên xe, sự hăng hái của nó liên tục thể hiện qua nhịp điệu công việc. Cái mai chưa bao giờ lại nhẹ hẫng như ngày hôm đó.
Suốt mấy ngày tiếp theo, ông thợ Min phác họa đến cả trăm mẫu hoa văn. Để giúp chồng, bà Min dùng than chì vẽ đi vẽ lại hình quả dưa lên những mảnh gỗ. Ông chồng thêm vào đó các họa tiết cho phần khảm, nhưng rồi lại giận dữ vứt đi, trao lại miếng gỗ cho vợ để bà lau sạch và sử dụng lại.
Trong khi đó, Mộc Nhĩ bận rộn lọc đất sét. Hai lần, ba lần, bốn lần - và đến lần thứ năm với đất sét màu trắng, thì có gì đó xảy ra.
Mộc Nhĩ đang vò phần đất lắng tụ giữa những ngón tay như nó vẫn thường làm. Bất chợt đầu ngón tay nó có cảm giác tê tê rất kỳ lạ. Không hiểu sao Mộc Nhĩ liên tưởng ngay đến cái lần nó nghỉ chân trên sườn núi, trong khi đi đốn củi. Nó đang nhìn mông lung vào cái trảng xanh xanh trong rừng thì một con nai thình lình xuất hiện ngay trong tầm nhìn. Con nai đã ở đó khá lâu rồi và nãy giờ Mộc Nhĩ cũng nhìn thẳng vào nó. Thế nhưng chỉ đến khoảnh khắc cuối cùng nó mới thật sự nhìn thấy con nai.
Bây giờ, điều tương tự đang xảy ra, chỉ có điều là thay vì nhìn thấy bằng mắt thì nó đang cảm nhận bằng những ngón tay. Đất sét mang đến cảm giác thật dễ chịu - mịn, dẻo, mướt - nhưng chưa sẵn sàng.
Mộc Nhĩ sững người, toàn thân bất động, trừ những đầu ngón tay chạm đất sét. Điều gì khiến nó nghĩ như thế? Óc nó không thể tìm ra được những từ chính xác. Đất sét đã từ lâu không còn lợn cợn, nhưng bằng cách nào đó, nó biết, rằng phải thêm một lần lọc nữa - có thể là hai... Điều này cũng giống như việc đột ngột nhìn thấy con nai vậy - một hình ảnh rõ ràng chợt ló ra từ một giấc mơ mờ mịt.
Và trong lúc Mộc Nhĩ lọc đất sét lại một lần nữa, nó dường như bừng tỉnh khỏi giấc mơ mà trong đó những lời lẽ tả lại cảm giác của nó về đất sét mãi mãi là bí mật.
Cuối cùng, khi đã chọn được mẫu hoa văn vừa ý, ông thợ Min bắt tay vào chạm khắc. Đây là phần việc tỉ mỉ nhất, và ông không thích có ai nhòm ngó. Những lúc Mộc Nhĩ quét sân, hoặc mang đất sét qua lại từ hố lọc về nhà xưởng, nó cô liếc xem được chút nào hay chút ấy. Điều đó thường diễn ra đúng vào lúc ông thầy nó đang khắc hình; bây giờ khi Mộc Nhĩ đã nắm được mọi khía cạnh trong công việc của sư phụ, nó thích nhìn thấy những nét khắc hiện dần lên hơn cả cái thời nó ngẩn người ra ngắm nhìn những chiếc bình lớn dần lên trên bàn xoay.
Ông Min dùng những cái dùi nhọn và sắc đủ kích cỡ. Trước hết, đường nét của mẫu hoa văn được phác qua trên xương gốm thô bằng cái dùi có đầu nhọn nhất. Sau đó, ông đồ lại theo hình mẫu từng chút một. Khác với những thợ gốm khác thường khắc luôn mẫu hoa văn hoàn chỉnh ngay từ những nét chạm khắc ban đầu, ông Min thỉnh thoảng lại thay đổi những nét vẽ vừa được phác ra; công việc của ông diễn ra theo một dòng chảy tự do và linh hoạt hơn, cả khi thực hiện lẫn khi hoàn thiện sản phẩm.
Nước men đọng nhiều ở những đường rạch họa tiết, khiến nó hơi sậm màu hơn so với bề mặt còn lại. Một khi xương gốm được đem nung, những đường rạch sẽ mờ đi hoặc có lúc gần như vô hình. Công việc chạm khắc của ông thợ Min hướng đến việc tạo thêm một tầng ý nghĩa thứ hai đầy hứng thú, một cảm giác khoan khoái nữa cho mắt nhìn, mà không làm giảm đi nét duyên của dáng bình và sự huyền diệu của màu sắc, vốn là những chuẩn mực hàng đầu cho cái đẹp của một sản phẩm.
Bây giờ thì ông Min đang khắc những bông sen mãn khai cùng những bông mẫu đơn chen giữa những đường kẻ sọc của một trong những chiếc bình hình quả dưa. Cứ hết một ngày làm việc, Mộc Nhĩ lại cố gắng đảo qua những chiếc kệ của ông chủ, xem công việc đã tiến triển tới đâu. Lúc này ông đang chú tâm vào việc khảm, chứ không chỉ chạm khắc đơn thuần, nên một số cánh hoa và lá hoa được khắc hơi lõm sâu xuống một chút. Nhưng mới chỉ thế thôi mà Mộc Nhĩ đã có thể thấy rõ tác phẩm của ông thầy mình tinh tế và sắc nét hơn những hoa văn của bác thợ Kang biết chừng nào. Những đóa hoa nhiều cánh hơn, dáng đẹp hơn; cuống và lá hoa quấn vào nhau như đang lay động trong gió nhẹ.
Mộc Nhĩ âm thầm vui sướng trước tác phẩm của ông chủ. Nó không đủ sức chờ đợi để chiêm ngưỡng món đồ sau khi đã được nung. Không còn nghi ngờ gì nữa, phen này chắc chắn sứ thần sẽ nhận ra rằng tác phẩm của ông thợ Min vừa tôn vinh những giá trị truyền thống vừa thể hiện ngón nghề mới theo một cách thức xứng đáng với sứ mệnh chuyên cung cấp đồ gốm cho triều đình.
Vài ngày sau, ông thợ Min đến hố lọc đất sét để kiểm tra công việc của học trò. Bởi vì chỉ cần một lượng rất nhỏ, nên nó chỉ lọc đất sét đỏ và trắng trong những cái bát thay vì ở trong hố. Ông thợ Min nhắm mắt lại mỗi khi ông chạm ngón tay vào những gì đọng lại trong bát.
Vài giây sau, ông mở mắt ra và khịt khịt mũi. “Mày làm thế là đủ lâu rồi”, ông nói một cách hờ hững, rồi đi về nhà cầm theo cả hai cái bát.
Mộc Nhĩ mím chặt môi lại cố không cười ngoác miệng ra khi ông chủ của nó quay lưng đi. Đây là lần đầu tiên nó tự làm ra được thứ nước men hoàn hảo như vậy mà không cần có thêm chỉ thị nào của ông thầy nữa.
Ông Min làm một lúc năm chiếc bình hình quả dưa giống hệt nhau. Khắc hoa văn rồi sau đó khảm từng chi tiết của hoa văn bằng nước áo màu là công việc chiếm rất nhiều thời gian, nên Mộc Nhĩ ở lại nhà ông cho đến khi trời tối mịt để phụ giúp ông bất cứ việc gì nó có thể làm được. Cứ mỗi lần khắc và khảm xong một chiếc bình, ông thợ Min lại đổ đi chỗ nước áo còn thừa. Cuối cùng, bình được nhúng vào men. Chưa bao giờ Mộc Nhĩ lại lọc đất sét cẩn thận đến thế; chính ông Min cũng tự tay lọc đất lần cuối cùng và pha chế men.
Ông thợ Min tựa như người bị quỷ ám. Ăn rất ít, ngủ cũng ít và cho dù làm việc dưới ánh sáng mặt trời hay dưới ánh đèn đêm thì hai con mắt ông cũng luôn long lanh một tia sáng mạnh mẽ. Mộc Nhĩ có cảm giác bầu không khí làm việc dưới mái hiên sống động hẳn lên với những tiếng thì thầm và tiếng xuýt xoa đầy âu lo: sứ thần sắp quay lại.
Cuối cùng thì cái ngày họ chồng những chiếc bình vào lò nung cũng đến. Mỗi chiếc bình được đặt cẩn thận lên ba chiếc vỏ sò xếp thành hình tam giác ở trên đỉnh một trong những dàn lò bằng đất sét, ở vị trí gần giữa bầu lò, nơi ông cho rằng sức nóng phù hợp nhất. Sau đó củi được xếp bắt chéo nhau với nhiều lớp rất phức tạp và rất chính xác. Củi mồi lửa gồm cành khô và lá thông được nhóm lên nhờ một hòn đá lửa, chỉ khi lửa cháy đượm theo đúng quy cách thì cửa lò mới được niêm kín lại.
Canh chừng sức nóng của lò nung là việc cực kỳ khó. Lò phải được làm nóng lên từ từ - nếu tăng nhiệt quá nhanh vào lúc khởi đầu thì đồ gốm có thể bị rạn nứt. Chỉ riêng việc làm nóng lò đã mất đứt một ngày. Sang đến ngày thứ hai, các thanh củi thỉnh thoảng được tiếp thêm vào qua những lỗ giòi trên vách lò. Vào ngày thứ ba hoặc thứ tư, khi thợ gốm hi vọng đã đạt tới nhiệt độ chính xác thì các lỗ giòi này được bít kín lại bằng những nút đất sét. Sau đó ngọn lửa cháy rực lên đến cao độ, cho tới khi nó đốt hết không khí bên trong lò và bắt đầu tàn dần. Phải mất từ hai đến ba ngày để cho lò nguội hẳn.
Ông thợ Min rất muốn nung bộ bình năm chiếc của mình thành hai mẻ. Nhưng vì sứ thần sắp quay trở lại nên chỉ còn đủ thời gian cho một mẻ nung mà thôi.
Bao giờ ông Min cũng đứng cạnh lò trong suốt giai đoạn quan trọng đầu tiên là làm nóng lò và tiếp thêm củi, chỉ trở về nhà sau khi những lỗ giòi đã được bịt kín. Nhưng lần này ông ở lại lò trong suốt thời gian nung. Mộc Nhĩ ôm những bó rơm lên sườn đồi lót chỗ cho ông thợ Min ngồi, hố mắt của ông thâm quầng lại vì mệt mỏi quá sức. Mệnh lệnh ông ban ra vẫn cộc lốc như thường lệ, nhưng có nhẹ nhàng hơn.
Mộc Nhĩ hầu như không thể tin nổi điều này - lẽ ra ông thợ Min phải quát mắng nó mới đúng là ông ấy. Sự im lặng này thật đáng báo động. Nó mang đồ ăn từ nhà đến cho thầy, nhưng ông hầu như không đụng đến. Ông sai nó đi lại như con thoi giữa nhà và lò nung với đủ thứ việc lặt vặt. Cuối một ngày làm việc, Mộc Nhĩ lại nhón chân lẳng lặng ra về, như thể bất kỳ tiếng động nào cũng có thể phá vỡ sự tập trung của ông thầy và có thể làm hỏng mất mẻ nung.
Mộc Nhĩ không thể biết tiếng bước chân của nó đã đánh thức bác Sếu dậy hay bác đang nằm đợi nó về nhà. Bất kể nó về muộn đến thế nào, ông bạn già cũng chào đón nó khi nó về đến dưới chân cầu. Giọng nói của bác cũng không bao giờ khê khê vì ngái ngủ.
Những ngày làm việc dài đằng đẵng cho ông thợ Min khiến hai người bạn không còn thời gian để đi dạo hoặc để cùng làm những việc khác; thay vào đó, bác Sếu bắt đầu thích kể chuyện. Từ khi Mộc Nhĩ còn bé tí tẹo, bác vẫn hay kể chuyện những con lừa ngu ngốc hay những chú cọp can đảm. Nhưng đó là nhiều năm về trước, và Mộc Nhĩ vẫn mong ngóng có dịp được nghe lại những câu chuyện bịa ngày xưa. Có cả những chuyện dài mới nữa, những giai thoại về những nhân vật anh hùng nữ cũng như nam của đất nước Triều Tiên. Những mẩu chuyện đó là một trò giải trí thật cần thiết, bởi vì sau một hồi nghe giọng của bác Sếu, Mộc Nhĩ cảm thấy thư thái và chìm vào giấc ngủ không mộng mị.
Vào ngày cuối cùng, ông thợ Min bảo Mộc Nhĩ ở nhà cả buổi chiều để quét dọn sân xưởng. Nó sẽ quay trở lại lò nung sau khi mặt trời lặn. Những chiếc bình sẽ được dỡ ra khỏi lò lúc màn đêm đã trùm kín ngôi làng gốm nho nhỏ.
Vầng trăng khuyết một nửa sáng mờ mờ đã lên tới đỉnh đầu vào lúc Mộc Nhĩ quét sạch tro trên lối vào lò nung. Tay cầm cái đèn dầu, nó đứng sang một bên để ông thợ Min bò vào lò. Ông dùng một cái kẹp gỗ đặc biệt gắp ra từng chiếc bình vẫn còn nóng, và cẩn thận đặt chúng vào chiếc xe đẩy đã được Mộc Nhĩ trải sẵn một cái nệm rơm. Ánh trăng không đủ sáng để Mộc Nhĩ nhìn thấy thật rõ ràng, khi chiếc bình cuối cùng ra khỏi lò thì Mộc Nhĩ bò trở vào lò để lấy cái đèn.
Dưới ánh đèn dầu chập chờn khi mờ khi tỏ thật khó mà kiểm tra kỹ những chiếc bình. Họa tiết khảm dát phẳng lì dưới ánh đèn dầu lừa mị. Chỉ thấy ông thợ Min thở dài và lắc đầu, phải đợi tới lúc trời sáng mới biết được kết quả.
Thầy trò Mộc Nhĩ cùng nhau chèn thêm rơm vào giữa những chiếc bình. Sau đó, ông Min giơ đèn lên soi đường trong khi Mộc Nhĩ cẩn thận đẩy chiếc xe về nhà. Một đêm thật yên tĩnh, ngoại trừ tiếng ếch nhái ộp ộp bên bờ sông, và thoang thoảng tiếng kêu như than vãn của một con chim đi ăn đêm.
“Đêm nay sao con về trễ vậy, anh bạn nhỏ?”, bác Sếu nói và soi đèn lên khi Mộc Nhĩ trượt xuống bờ đê.
“Con phải dỡ lò”, Mộc Nhĩ đáp. “Con xin lỗi, bác phải chờ cơm lâu quá”.
Bác Sếu phẩy chiếc nạng như thể phủi đi lời xin lỗi. “Dạo này ta ăn quá nhiều rồi. Ta càng ngày càng béo phị và lười biếng mất rồi”, bác đùa.
Mộc Nhĩ mệt tưởng chết đi được. Nhưng nó căng thẳng đến nỗi không thể nằm xuống ngủ. Nó ngồi dậy nhìn người bạn lớn tuổi của mình ăn tôi. Ngọn đèn le lói thắp sáng lên một chút khoảng không gian nho nhỏ dưới gầm cầu và bờ đê. Mộc Nhĩ bất giác nhận ra ý nghĩa của việc nhìn thấy rõ ràng những đồ vật vốn luôn hiện hữu ở đó. Giống như trông thấy con nai bằng mắt, hoặc cảm nhận đất sét với những ngón tay...
Vài cái nồi, mấy cái bát được xếp lên một cái kệ nhỏ bằng những phiến đá, vài đôi đũa, một cái thìa và con dao của bác Sếu xếp thành hàng ngay ngắn. Cái chiếu của Mộc Nhĩ cuộn lại và xếp ở một góc. Hai cái rổ do bác Sếu đan, một cái đựng nấm dại; còn cái kia đựng dăm ba món đồ lặt vặt dùng vào lúc cần thiết - mấy mảnh vải vụn, sợi dây bện, hòn đá lửa. Tất thảy đều quá quen thuộc với Mộc Nhĩ. Bác Sếu đã sống bao nhiêu năm dưới chân cầu, đối với bác những vật dụng này giờ đây có lẽ gần như vô hình.
Mộc Nhĩ buột miệng nói trước khi kịp suy nghĩ. “Bác Sếu à, hồi đó khi bác bị mất nhà cửa và gia đình, sao bác không lên chùa?”
Những người không có nơi nào để về bao giờ cũng tìm đến nương nhờ cửa Phật. Sư sãi trên chùa đón nhận họ, cho họ cái để ăn, việc để làm. Cuối cùng, nhiều người trong số họ đã xuống tóc đi tu. Đó chắc hẳn là con đường mặc định dành sẵn cho những người có hoàn cảnh bất hạnh như bác Sếu, và Mộc Nhĩ tự hỏi tại sao trước kia mình không bao giờ hỏi bác ấy câu này.
Bác Sếu lộ vẻ không vui nhưng chỉ thoáng qua. Sau đó môi bác nhệch ra trong một nụ cười ngượng ngập. “Chà, cũng có lý do, nhưng nghe vớ vẩn lắm. Mà nếu kể ra thì còn vớ vẩn hơn”.
Mộc Nhĩ im lặng chờ đợi.
“Hừm”, cuối cùng bác Sếu nói. “Thật ngu xuẩn khi ta làm một điều gì đó thật ngốc nghếch để rồi sau đó không thể cười nhạo cái ngốc nghếch của mình! Một con cáo. Phải, chính là một con cáo đã làm ta tránh xa nhà chùa”.
“Một con cáo ư?”
Cáo là loài thú đáng sợ. Không to lớn hay hung tợn giống như gấu và cọp thường lảng vảng trên núi, cáo vốn là loài cực kỳ tinh khôn nham hiểm. Một số người thậm chí còn tin cáo có ma thuật. Người ta kể rằng cáo có thể dụ dỗ người ta đi đến chỗ chết, lừa họ đi vào hang ổ của nó, nơi ấy nạn nhân sẽ thành con mồi cho bầy con của nó.
Chỉ cần nghe đến những chuyện đó thôi đủ khiến Mộc Nhĩ ớn lạnh xương sống.
“Căn nhà đã bị bán đi”, bác Sếu kể. “Ta thì nhặt nhạnh số vật dụng ít ỏi và sẵn sàng đến gõ cửa tam quan. Ta vẫn còn nhớ đó là một ngày đẹp trời, ta đã đi một quãng đường dài rồi leo lên sườn núi”.
“Trời đã nhá nhem tối mà ta thì vẫn còn cả một chặng nữa mới tới nơi. Không biết từ đâu, một con cáo xuất hiện ngay trước mặt ta. Nó đứng đấy, ngay giữa đường, nhe hết bộ răng trắng nhởn ra, thè lưỡi liếm mép, trợn trừng mắt lên, cái đuôi rậm chậm chạp quất qua quất lại...”
“Thôi!” Hai mắt Mộc Nhĩ mở to kinh hãi. “Rồi... rồi sau đó thì sao ạ?”
Bác Sếu nuốt nắm cơm cuối cùng vào miệng. “Chẳng có gì xảy ra hết”, bác nói. “Giờ thì ta tin rằng cáo không thể nào tinh khôn như người ta nghĩ về chúng. Thì đấy, ta đứng đó, gần đến mức có thể chạm vào con cáo được, với một cái chân què - vậy mà hôm nay ta vẫn còn sờ sờ ngồi ở đây đấy thôi”.
“Nhưng vào cái đêm đó, dĩ nhiên, ta không thể tiếp tục cuộc hành trình đã định. Ta khập khễnh đi xuống núi, chốc chốc lại hãi hùng ngoái ra đằng sau. Con cáo không bám theo ta. Thực ra nó đã nhanh chóng lủi mất, cũng đột ngột như khi nó hiện ra vậy. Đêm hôm đó, ta dùng chân cầu làm nhà. Chắc con biết rõ, lúc ấy ta không thể nào ngủ được”.
“Nhiều ngày trôi qua, cả trong trí ta cũng không dám nghĩ đến việc ra đi lần nữa, thời gian trôi qua, cho đến khi nơi này...” bác Sếu vung đôi đũa trong khoảng không gian chật hẹp “... bắt đầu trở thành nhà của ta. Nhiều ngày trôi qua thành tháng, nhiều tháng thành năm. Thế rồi con xuất hiện”. Bác Sếu mỉm cười kết thúc câu chuyện. “Quãng thời gian giữa lúc con cáo và con xuất hiện, số mệnh đã an bài: ta không bao giờ trở thành một thầy tu!”
Mộc Nhĩ trải chiếu ra, nằm xuống. Chỉ được một lát, nó quỳ gối nhỏm dậy, nhìn lom lom vào khoảng tối bên ngoài cầu. Phải chăng có hai con mắt đang lấp lánh - hay đó chỉ là hình ảnh phản chiếu của những vì sao soi bóng xuống dòng sông?
Như thường lệ, bác Sếu hình như biết Mộc Nhĩ đang làm gì, ngay cả trong bóng tối. “Đi ngủ đi!” bác ra lệnh, nghe tựa như ông thợ Min. “Hay là con đang cố tình làm cho ta cảm thấy mình là một tên đại ngốc đã rắp tâm gieo rắc điều ngu muội vào đầu con?”
Thằng bé lắc đầu, mỉm cười và cuối cùng cũng nằm xuống.
Mộc Nhĩ ngạc nhiên quá đỗi. Ngày hôm sau, mới sáng sớm bà Min đã đứng chờ nó ở ngoài đường, ngay trước nhà. Bên cạnh bà là chiếc xe đẩy và cái thuổng. Mặc dù gương mặt bà vẫn bình thản và hiền từ như mọi khi, nhưng Mộc Nhĩ cảm nhận trong mắt bà ẩn chứa một nỗi lo âu nặng trĩu, đến cả nụ cười chào đón dịu dàng của bà cũng không thể che giấu được.
“Thêm đất sét, Mộc Nhĩ”, bà lặng lẽ nói. “Cả đất trơn lẫn đất màu”.
Mộc Nhĩ cúi mình đáp lời. Bà Min quay trở vào nhà. Nó chạy đi một đoạn. Đoán chắc bà đã vào trong nhà, nó mới dựng xe bên lề đường, rón rén vòng ra phía sau ngôi nhà.
Mộc Nhĩ bỗng cảm thấy bao nhiêu máu đều rút khỏi mặt mình trước cảnh tượng khủng khiếp bày ra trước mắt nó. Cái sân sau lổm ngổm đầy những mảnh gốm vỡ, có đến hàng trăm mảnh.
Nó hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra - vẻ mặt của bà Min đã nói cho nó biết. Bà không nổi giận cũng không sợ hãi, chỉ một nỗi buồn thâm trầm sâu sắc. Điều đó chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Chính tay chồng bà đã đập vỡ những chiếc bình.
Mộc Nhĩ đếm trên đầu ngón tay của nó - năm đống mảnh vỡ, tất cả năm chiếc bình hình quả dưa. Một trong số đó đã bị quăng đi xa đến nỗi mấy mảnh vỡ nằm tơ hơ cách chỗ nó trước kia vẫn đứng nhìn trộm phía sau góc nhà có vài bước. Mộc Nhĩ liếc nhanh chung quanh, rồi rón rén đi vài bước vào trong sân, lén nhặt lên vài mảnh gốm vỡ lớn. Nó hấp tấp nhét vội vào chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng rồi phóng ra chỗ để chiếc xe đẩy.
Ra đến bờ sông, Mộc Nhĩ hạ càng xe xuống, thò tay vào chiếc túi nhỏ nơi thắt lưng lấy ra những mảnh gốm vỡ. Hình khảm dát không một vết gờ, những cánh hoa tinh tế và duyên dáng, ngay cả trên những mảnh vỡ nó đang cầm. Nhưng nước men... Mộc Nhĩ chau mày và nheo mắt lại.
Những đường vạch màu nâu kinh tởm lem vào nước men, mảnh vỡ nào cũng vậy; một số bị ố hẳn thành những vệt màu nâu. Đây là những mảnh vỡ của cùng một chiếc bình, nhưng cả năm chiếc đều bị đập, có nghĩa là bình nào cũng có lỗi. Ông thợ Min đã tự mình chế tạo men, vậy là lỗi chỉ có thể ở khâu nung - cái công đoạn mà ngay cả với tài nghệ của mình, ông Min cũng không hoàn toàn làm chủ được.
Mộc Nhĩ nắm chặt những mảnh vỡ. Nó thét vang khi ném chúng xuống dòng sông, thậm chí không biết rằng một mảnh trong số đó đã cứa vào lòng bàn tay mình.
Không còn thời gian nữa. Rất có thể vào lúc này, thuyền của sứ thần đang đậu ở bến cảng cũng nên.