Chương ba

     ôi tưởng trời sẽ chẳng bao giờ dứt cơn mưa, và trong trường hợp đó, chẳng đời nào mẹ tôi lại chịu cho tôi ra khỏi nhà.
Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ, trời cũng động lòng trước sự mong mỏi và nôn nóng của tôi, nên cơn mưa dần dần đã dứt. Trời chiều đã muộn. Cũng khoảng hơn bốn giờ, nhưng mưa dứt như thế là may mắn lắm rồi.
Tôi thay quần áo vôi vàng và xin phép mẹ ôi đi ngay. Cho tới lúc leo lên yên xe, tôi tôi vẫn còn ngay ngáy lo lỡ trời xụp mưa bất thần, khi ấy mới thật là phiền.
Buổi chiều, sau cơn mưa, bầu trời sáng lên với những đám mây mang nhiều màu tươi đỏ.
Nắng quái hiện ra ở đường chân trời bên một đoạn mây ngũ sắc, hình cầu vồng.
Từ chỗ tôi ở đến xóm của Hạnh, không xa lắm. Nhưng vấn đề khó khăn cho tôi là phải làm sao để tìm ra nhà Hạnh, giữa một khu xóm chẳng chịt những ngõ ngách và nhà cửa lụp xụp, na ná nhau.
Càng đi vào sâu, càng thấy nhiều con hẻm nhỏ khác hơn và chằng chịt hơn. Tôi có cảm tưởng như mình đã đi lạc, và nếu có tìm được đường trở ra đường cái thì chắc trời cũng đã tối mịt.
Tuy nhiên, chẳng lẽ đã cất công lặn lội vào tận giữa xóm như thế này rồi mà lại trở ra, về không? Tôi nghĩ tiếc và tiếp tục cuộc tìm kiếm với cái cảm tưởng không gì gian nan, hồi hộp hơn.
Những đám trẻ con trong xóm, phần lớn ở trần truồng, đứa lớn một chút ôm giữ đứa bé, chạy chơi và ngồi nằm tràn lan cả ngõ. Tôi phải hết sức cẩn thận chăm chú để khỏi đụng ngã chúng. Những người đàn bà lam lũ với những khuôn mặt bủng nước, lom khom trước cửa ngó nhìn tôi bằng con mắt xa lạ, không một chút thiện cảm.
Tôi hỏi thăm từng đoạn ngắn. Vào tới hết xóm, cùng đường, là một con đường hỏa xa bỏ hoang. Cỏ mọc lan trên hai con đường sắt hean rỉ này. Bên kia thiết lộ là bãi rác mênh mông cao như một ngọn núi nhỏ, với mùi tanh nồng nặc, người không quen như tôi, ngửi phải là bắt buồn nôn và hắt hơi ngay lập tức.
Đứng tần ngần một lát. Tôi cầm bằng như chỉ còn có nước hỏi thăm đường đi ra, thì may sao, tôi gặp được một người, chắc là có bà con hay quen biết gì đó với gia đìnhHạnh. Bà ta thấy tôi ngơ ngác, chắc dáng điệu và vẻ mặt của tôi khi ấy trông nó kỳ cục, buồn cười lắm, nên hỏi tôi muốn kiếm nhà ai.
Tôi nói:
- Cháu muốn kiếm nhà người bạn mà không thấy.
Người đàn bà nhìn tôi khá lâu, mắt dừng trên người tôi làm tôi cảm thấy lo ngại. Những ý nghĩ đen tối. Khiếp đảm chạy xẹt nhanh trong óc tôi.
Người đàn bà nói, giọng dịu dàng và tử tế:
- Bạn chau tên chi?
Tôi ngập ngừng không biết có nên nói không hay chỉ nên lặng lẽ đi ra và hỏi thăm người khác đường ra về.
Ngập ngừng một lát, rồi cuối cùng, tôi nghĩ mình có nói ra thì cũng chẳng sao. Trong ngõ này đông người, sợ gì.
Tôi đáp:
- Dạ tên Hạnh.
Người đàn bà nói ngay:
- Có phải là con gái của bà Ba làm nón không?
Tôi ngơ ngác, bởi tôi đâu có biết mẹ Hạnh làm nón và tên Ba hay Tư gì đâu.
Tôi chưa kịp nói gì, người đàn bà đã mau mắn tiếp liền:
- Phải con nhỏ đó học trường... đó. Không?
Tôi mừng rỡ:
- Dạ. Đúng vậy, thưa bà. Cháu học cùng lớp với Hạnh. Mấy bữa thấy bạn cháu nghĩ nên hôm nay lại thăm coi sao.
Người đàn bà làm như không chú ý lắm tới lời nói của tôi, bà lại tiếp:
- Nếu đúng nhà con nhỏ đó thì đi theo tui. Nó ở gần nhà tui.
Nói xong, người đàn bà te tái bước đi, không cần nhìn xem phản ứng tôi ra sao.
Nghe nói bà ta biết nhà Hạnh, tôi mừng quá, nên cũng chẳng cần đắn đo, dắt xe bước vội theo bà ta cho kịp.
Người đàn bà đi trước, bà ta đi rất nhanh, tôi lẽo đẽo theo sao, chốc chốc phải rảo cẳng mới bắp kịp. Phần đường đi trong ngõ hẻm quá hẹp và gồ ghề, phần tôi dắt bộ không quen và phải chú ý tránh lách những mái hiên, những đám trẻ con và đồ đạc gồm cả giường, chõng, người ta kè bừa cả ra ngoài lối đi.
Tôi không thể ghi nhận được rằng đã đi qua bao nhiêu ngõ ngách, vì nó quá ngoặt nghẹo. Nhưng phỏng đoán theo hướng đi thì tôi có cảm tưởng như chúng tôi tiến xích ra ngoài đường lộ.
Người đàn bà không nói chuyện gì thêm với tôi như thế trong vòng nửa tiếng, hoặc có thể là ít hơn, không chừng.
Cuối cùng bà ta ngừng lại ngay trước cửa một ngôi nhà lụp xụp, với một chiếc chõng tre kê ngay dưới mái hiên hẹp, giữa một khung cửa sổ làm bằng những miếng gỗ gỡ ra từ những chiếc thùng đựng đạn. Vách nhà là những miếng tôn nhỏ mà người ta thường gọi là "tôn cao bồi", trên đó có in đủ các thứ hình và nhiều mầu chói mắt.
Tôi ngừng xe, theo người đàn bà, trong khi người đàn bà khom lưng, ngó mặt vào căn nhà tối thầm thầm, nói lớn:
- Con Hạnh có nhà không? Có người kiếm đây nè.
Tôi chắc mẩm rằng đây đúng là nhà của Hạnh. Và cùng lúc, ở trong tôi, một nổi kinh ngạc không thể giải thích. Tôi không thể tưởng tượng được rằng, một người có đôi mắt và làn da với cung cách thật sang, thật quý phái, dễ thương lại là con của một người mẹ lao động, ở trong một xóm ổ chuột, chui rúc như thế này.
Trong khi tôi chưa hết kinh ngạc thì Hạnh thò đầu ra. Tôi dựng xe đợi.
Thấy tôi, Hạnh tròn xoe mắt. Miệng Hạnh mở, mà không nghe được một tiếng nói nào.
Chắc con nhỏ cũng kinh ngạc không kém gì mình. Tôi nghĩ thầm.
Hai đứa giương mắt nhìn nhau một lúc lâu, rồi không dưng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, như hai chị em thất lạc sau bao nhiêu ngày, giờ mới tình cờ gặp lại.
Hạnh nói, hỏi rối rít làm tôi không kịp trả lời nữa. Tôi chỉ biết cười trừ và nhìn Hạnh với tất cả nỗi xúc động thành thật và tội nghiệp.
Trong lúc hai đứa tiu tít với nhau, người đàn bà chỉ đường giúp tôi vẫn còn đứng đó. Bà ta nói:
- Con nhỏ này, sao không mời cô ấy vào nhà chơi?
Chúng tôi cùng quay ra nhìn bà.
Tôi nói:
- Cảm ơn bà đã chỉ giúp đường cho tôi.
Hạnh nói:
- Dạ, dì về giờ đó sao? Để cháu bảo bạn cháu vào nhà.
Người đàn bà gật đầu:
- Ừ. Thôi, ở lại chơi nha. Tui về.
Tôi chắc câu nói đó dành cho tôi. Tôi vội gật đầu đáp lại.
Người đàn bà bước thẳng hướng ra ngoài ngõ. Chúng tôi cùng nhìn theo.
Tôi hỏi Hạnh:
- Ai má tốt quá vậy?
Hạnh nắm lấy tay tôi:
- Một người quen cùng xóm.
- Không bà con gì với Hạnh hết sao?
- Không Hà à. Gia đình Hạnh ở đây, không có bà con nào hết. Họ ở nơi khác...
Hạnh ngừng nói. Câu nói đó, tôi nghĩ rằng nó chưa hết. Chắc Hạnh ngại ngùng muốn dấu.
Tôi gợi chuyện tiếp:
- Ở giữa nơi xa lạ như vậy rồi lỡ mình có chuyện chi rồi sao? Có người thân ở gần bao giờ cũng hơn chứ Hạnh?
Hạnh mỉm cười, gật đầu. Đôi mắt "hoàng hôn" của Hạnh long lanh.
Hạnh nói:
- Bà con nào họ chịu vào ở trong cái xóm như thế này. Hơn nữa, mẹ mình bảo mình nghèo, hóa cho nên hầu như từ ngày lớn lên, Hạnh chỉ biết có mỗi một gia đình người cậu, em ruột của mẹ Hạnh mà thôi.
Tôi vừa định hỏi gia đình người cậu của Hạnh ở đâu thì Hạnh đã nói ngay sang chuyện khác. Hạnh hỏi:
- Thế ra bà vừa rồi chỉ đường cho Hà đấy hả?
Tôi gật đâu:
- Không có bà ta chắc Hà đành phải về không rồi.
Hạnh cười ròn:
- Hèn chi. Hạnh ngạc nhiên tưởng mình mơ ngủ khi trông thấy Hà ngay trước cửa nhà. Đường vào nhà Hạnh, như đi vào chiến khu ấy phải không Hà? Nếu không có người chỉ dẫn thì chẳng những không tìm ra nhà mà còn lạc mất luôn cả lối ra nữa. Hà đi tới đâu thì gặp bà ta?
Tôi chỉ tay vào phía trong cùng của con ngõ:
- Tới đường rày xe lửa.
Hạnh kêu lên:
- Trời ơi. Như vậy là cùng đường rồi còn gì. Đến đó là hết đường. Là bãi rác rồi đó Hà à.
Tôi nhìn Hạnh cười cười:
- Hà đã hơi lo không biết làm cách nào để trở ra rồi đấy chứ.
Hạnh vuốt ve mái tóc thả lỏng sau lưng tôi, nói:
- Ai bảo! Ai bảo đi tìm nhà Hạnh mà không cho Hạnh biết trước.
Tôi lườm yêu người bạn dễ thương thân thiết nhất của mình:
- Xí. Hạnh nghỉ ở nhà bảo thông báo? Làm sao thông báo cho được. Hơn nữa, nếu nói trước, chưa chắc gì Hạnh đã chỉ nhà cho Hà. Hạnh kỳ thấy mồ.
Hạnh cúi mặt, như nhận lời trách của tôi là đúng.
Hạnh im lặng một lát rồi nói:
- Tại nhà Hạnh có ra nhà đâu, hóa cho nên Hạnh chẳng muốn cho ai biết hết.
- Hạnh nói thế sao được. Hạnh.
- Hạnh nói thực đó Hà. Không phải tại Hạnh không quý, không yêu bạn bè đâu.
Câu nói của Hạnh làm thức dậy mối trắc ẩn trong tâm hồn tôi.
Tôi muốn nói sang chuyện khác, để Hạnh đừng nghĩ ngợi thêm về chuyện đó nữa.
Tôi ngắm nhìn Hạnh một lát, xong tự dưng tôi bật cười.
Hạnh ngạc nhiên hỏi:
- Hà cười gì Hạnh vậy?
Tôi càng cười lớn hơn. Trên nét mặt dịu dàng thoáng động nhiều nét u hoài của Hạnh biện rõ vẻ bối rối.
Cuối cùng, tôi mới nói:
- Trông Hạnh chẳng có gì là ốm nặng hết. Vậy mà bà Tổng bảo gửi lời thăm sức khỏe của Hạnh đó.
Nghe tôi nói, Hạnh hiểu ra và cũng bật cười, rồi đáp:
- Sao Hà biết Hạnh nghỉ học vì đau bệnh?
Tôi lúc lắc cái đầu:
- Thế mới tài chứ.
Tôi sửa lại cái cổ áo xốc xếch cho Hạnh và nói tiếp:
- Nói chơi vậy thôi. Hạnh biết không... Hạnh nghỉ liên tiếp mấy ngày, làm Hà sốt ruột và Hà... nhớ quá. Không biết làm sao để biết tin về Hạnh, Hà đành phải hỏi thăm bà Các. Bà giám thị lớp mình đó Hạnh. Chính bà Các bảo cho Hà biết Hạnh nghỉ học vì đau nặng đó chứ.
Hạnh cười bẽn lẽn. Có lẽ Hạnh hơi ngượng ngập về sự nói dối của mình. Hạnh nói tiếp:
- Rồi Hà lấy địa chỉ ở đâu?
- Ở bà Tổng.
Hạnh le lưỡi:
- Hà dám gặp và Tổng cơ à?
Thường chúng tôi rất ngại gặp bà Tổng giám thị. Đứa nào bà Tổng gọi lên là y như có chuyện bị bố, bị rầy la. Bà già rồi và thật là nghiêm khắc. Hễ cứ thấy cái dáng khệ nệ của bà từ đằng xa, là chúng tôi tự động " tan hàng" lảng đi chỗ khác chơi. Hóa cho nên, Hạnh ngạc nhiên khi nghe tôi dám gặp bà ta.
Tôi nói:
- Gặp bà Tổng! Hà thấy bà cũng dễ chịu. Bà có chi khó khăn lắm đâu. Không những bà cho Hà địa chỉ mà bà còn hỏi thăm Hạnh nữa chứ.
Hạnh cười, đôi mắt biếc sáng của Hạnh như ngước lên và ngó về phía xa.
Hạnh nói:
- Chắc tại Hạnh có làm sổ cuối năm cho bà Tổng hồi năm ngoái cho nên bà nhớ Hạnh.
Hạnh hỏi thăm luôn tôi về tất cả các giáo sư và một số bạn học mà Hạnh nhớ tên. Tôi nói về từng người một, với một vẻ tức tối vì không nhớ rõ mặt.
Nghe xong Hạnh bảo:
- Sao Hạnh mới nghỉ có ba ngày mà Hạnh đã có cảm tưởng như Hạnh đã xa cách lớp học của mình lâu lắm rồi không bằng í.
- Rồi chừng bào Hạnh đi học lại?
Hạnh lắc đầu buồn bã:
- Hạnh cũng chưa biết chắc nữa, Hà à. Nói dứt câu, Hạnh quay nhìn vào trong nhà. Như chợt nhớ ra là đã để tôi đứng ngoài lối đi khá lâu, Hạnh nắm lấy tay tôi:
- Chết thật. Hạnh đoảng quá. Gặp Hà rồi mừng quýnh lên, tíu tít, quên cả mời Hà vào nhà.
Hạnh bước đi và kéo lôi tôi theo.
Vừa cúi người khom lưng chui vào nhà của Hạnh, Hạnh đã nói:
- Nói là nhà cho nó sang chứ thức ra nó chẳng hơn gì một cái lều cỏ giữa đồng hoang. Phải không Hà?
Trong bóng tối nhờ nhờ của căn nhà tối tăm và ẩm thấp, tôi thấy đôi mắt Hạnh như hai vì sao rực sáng và được tráng một lớp nước mỏng.
Tôi nghe lòng mình tê buốt với một cảm giác bùi ngùi, thảm thảm.
Tôi nói nhỏ với cái nhìn dừng lại khá lâu nơi hai vì sao long lanh chớp chớp lánh như ở trên tít ngọn cao của một bầu trời nhiều mây tím thẫm ấy.
- Đừng nói như thế nữa với Hà. Hạnh. Hạnh không chú ý tới lời nói của tôi. Hay là Hạnh có để ý mà tôi không biết, vì giữa lúc đó, tôi thấy Hạnh lấy tay quệt ngang mặt.
Hạnh phủi phủi một khoảng trên chiếc đi văng nhỏ kê ngay ở bên cửa ra vào nói với tôi:
- Hà ngồi chơi đỡ đây nha. Để Hạnh đi rót nước trà cho Hà uống.
Hạnh cười lớn. Giọng cười vang âm căn phòng. Không có lối thoát, khiến tôi có cảm tưởng như nó chạy quanh và vang dội nhiều lần trong tai tôi. Cái giọng cười gượng gạo không mấy tự nhiên.
Hạnh nói, giọng kịch:
- Chả mấy khi rồng đến nhà tôm.
Tôi cười:
- Phải nói là tệ xá chứ.
Hạnh gật gù, đáp:
- Phải rồi. Đúng là "tệ tệ xá".
Hạnh nhấn mạnh mấy tiếng sau. Tôi cười lớn hơn để khỏa lấp màng lưới chua chát vừa được giăng ra một cách vô tình giữa hai chúng tôi.
Một khoảng khắc im lặng ngắn xen giữa hai đứa. Tôi lên tiếng trước để đánh tan sự im lặng sượng sần này. Tôi nói:
- Bác có nhà không, Hạnh?
Hạnh gật đầu:
- Mẹ Hạnh đau.
Tôi à lớn một tiếng. Tôi đã hiểu lý do tại sao Hạnh phải nghỉ học.
Hạnh nói tiếp:
- Mẹ Hạnh bị đau mắt, bà cụ không đi đâu được, nhà lại không có ai ngoài Hạnh, nên Hạnh phải ở nhà, vừa trông coi nhà cửa, vừa lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ Hạnh.
- Mùa này có nhiều người bị đau mắt lắm. Hạnh coi chừng đó. Kẻo mắt đau nặng khó chữa.
Nghe tôi nói.Hạnh gật đầu:
- Hạnh có nghe người ta nói về một chứng bệnh đau mắt mới. Nhưng trường hợp mẹ Hạnh, Hạnh biết không phải tại thời khí bây giờ gây ra.
Tôi tò mò muốn biết nguyên do nhưng chỉ nhìn Hạnh ra ý hỏi mà không nói.
Hạnh ngập ngừng, nhìn vào trong nhà xong quay ra nhìn tôi. Hạnh nói nhỏ, như thầm thào chỉ đủ cho một mình tôi nghe:
- Hà biết không, tại nhà Hạnh ở thiếu ánh sang. Đèn điện lại không có. Đêm tối chỉ thắp đèn dầu, mà mẹ Hạnh làm nghề đan nón. Hà biết không? đan nón cực lắm. Mắt cứ phải dí sát vào những tấm lá dứa để đơm những mũi chỉ, thêm nữa, nguyên do chính là tại cứ đến mùa mưa là mẹ Hạnh hay buồn lắm.
- Khóc hoài à. Vì thế cho nên thường cứ mỗi năm có một thời gian mẹ Hạnh bị đau mắt như thế này. Hạnh đã nói cả trăm lần để mẹ Hạnh đừng có buồn nghĩ vơ vẫn, nhất là đừng có hà tiện chút dầu, dù ban ngày, nếu trời có tối, cũng nên thắp đèn cho sáng mà làm việc nhưng mẹ Hạnh không nghe...
Hạnh thở dài nghẹn ngào không nói được nữa.Tôi cũng bùi ngùi xúc động, im lặng, tôi ngồi xuống phản, và kéo Hạnh ngồi xuống theo, nhưng Hạnh gỡ tay tôi ra, Hạnh nói:
- Để Hạnh vào trong này chút.
- Đừng có rót nước cho Hà nghe Hạnh. Hà không khát đâu. Hà chỉ muốn đi thăm Hạnh, giờ gặp được Hạnh rồi, Hà mừng lắm. Thế là đủ rồi. Hà ngồi đây chơi một lát với Hạnh rồi Hà phải về. Cũng trễ rồi. Mai mốt Hà lại với Hạnh lâu hơn.
Hạnh đứng thẳng người, tần ngần:
- Hà không thể ngồi lâu lâu với Hạnh được sao?
Tôi nhìn Hạnh ái ngại:
- Để lần khác. Sắp tối rồi. Chút xíu nữa là Hà phải về, không có ở nhà mẹ Hà trông.
Hạnh như chợt nhớ ra điều gì đó, mặt Hạnh thoáng một vài nét đau đớn, buồn tủi.
Hạnh nói:
- Ờ, mà thôi. Hạnh không dám giữ Hà ở lại đâu. Lỡ có chuyện gì cái lại khổ cho Hà nữa.
Tôi hiểu, Hạnh muốn nói tới chuyện xẩy ra cách đây mấy bữa, khi ba tôi gặp tôi chở Hạnh ở giữa đường.
Tôi không biết nói sao để cho Hạnh đừng giận, đừng buồn ba tôi, vì sự thực ba tôi chỉ lo cho tôi chứ chẳng phải là vì ghét bỏ gì Hạnh cả. Thêm nữa, đó là do tính người.
Nhưng tôi ngập ngừng không biết có nên nhớ lại câu chuyện đó không. Tôi nghĩ nhắc lại, nếu Hạnh không thông cảm mà Hạnh còn buồn hơn thì thật chẳng nên chút nào.
Tôi nắm tay Hạnh và nhất định kéo Hạnh ngồi xuống phản.
Hạnh dùng dằng, nhưng cuối cùng, rồi Hạnh cũng chiều theo ý tôi. Hạnh ngồi sát bên cạnh tôi.
Tôi nói:
- Hạnh có thương Hà không?
Có lẽ câu hỏi của tôi quá đột ngột, nên Hạnh hơi dang xa một chút, Hanh nhìn chăm chắm, lộ vẻ khó hiểu. Tôi lay động cánh tay Hạnh và lập lại câu hỏi của mình.
Hạnh nhìn đi chổ khác, đáp:
- Hà tử tế lắm, Hà tử tế với Hạnh nhất trong những người bạn cùng lớp với Hạnh. Làm sao Hạnh không mến Hà cho được. Nhưng...
Tôi vội chặn ngang lời Hạnh:
- Không có nhưng gì hết. Hạnh đã thương Hà, như Hà thương Hạnh,thì Hạnh không có được giận hờn hay nghĩ ngợi gì cả. Chuyện đáng tiếc hôm nọ xẩy ra là tại Hà. Hà không nghe lời ba. Ba Hà sợ Hà nhỏ quá lại đèo thêm Hạnh nữa, rồi lỡ có chuyện gì xẩy ra, như tai nạn chẳng hạn, thì khổ cho cả hai đứa. Tất cả chỉ vì lý do đó. Nhưng tính ba Hà nóng nẩy nên ba Hà đã mắng Hà ngay khi có mặt Hạnh. Mà Hạnh phải hiểu rằng ba Hà giận Hà bởi vì ba Hà đã lưu ý Hà nhiều lần về việc đó, mà Hà không nghe. Tuy nhiên ngay khi về đến nhà ba Hà có nói với Hà rằng, nếu có gặp Hạnh thì bảo Hạnh đừng buồn gì cả. Ba Hà quá nóng nên ba Hà la rày Hà, thế thôi chứ ba Hà không có ý gì hết. Hạnh đừng để tâm.
Tôi nói một hơi và tôi bịa luôn cả lời ba tôi nói nữa cho Hạnh đỡ tủi thân, chứ thực tình ba tôi chẳng nói gì hết. Hình như trong thâm tâm ba tôi vẫn còn ghét Hạnh ghê gớm lắm. Đó là điều khó hiểu mà tôi chưa đoán được nguyên nhân sâu xa của sự kiện đó. Phải. Tôi không thể nào hiểu được. Bởi tôi nghĩ không ai có thể ghét bỏ Hạnh được một khi đã gặp Hạnh.
Những lời nói của tôi, không ngờ đã có một kết quả tốt đẹp. Hạnh lắng nghe tôi nói và im lặng, không nói thêm gì nữa.
Tôi cũng thế. Sự giả dối trong lời nói của chính mình làm tôi cảm thấy bực dọc với ba tôi đôi chút.
Hạnh đứng lên, sau khi bảo tôi:
- Sự thực thì Hạnh cũng chẳng có quyền gì để giận hờn bác hết. Nhưng dẫu sao thì lời nói vừa rồi của Hà cũng làm cho Hạnh thấy bớt tủi thân một phần nào. Thôi để Hạnh vào rót nước cho Hà với lại thưa với mẹ Hạnh rằng có Hà lại chơi. Mẹ Hạnh mà nghe có Hà tới, chắc bà cụ vui lắm. Hạnh nói chuyện về Hà với mẹ Hạnh hoài à.
Tôi hỏi.
- Bác có nhà sao?
- Có. Trong kia. Chắc mẹ Hạnh đang ngủ.
- Vậy thôi, Hạnh à. Hạnh để bác ngủ yên. Đừng nói gì hết. Hà về giờ Hạnh ơi. Mai mốt gì Hà sẽ lại Hạnh chơi nữa cơ mà. Hà biết nhà rồi, Hà sẽ lại luôn cho mà xem. Chừng đó đừng có than là chị Hà quấy rầy nghe hông?
Hạnh cười. Tiếng cười reo vui thơ dại. Có lẽ lúc gặp Hạnh đến giờ tôi mới nghe được một tiếng cười tự nhiên như thế.
Hạnh nói:
- Còn lâu Hạnh mới nghĩ thế... Chỉ sợ Hà đi tìm nhà Hạnh một lần rồi Hà tởn, lần sau có mời Hà cũng không thèm tới ấy chứ.
Tôi cũng cười:
- Ai chứ riêng Hà thì Hạnh khỏi cần mời. Tin không?
Hạnh lắc đầu:
- Không. Chừng nào Hà lại hoài với Hạnh kia, Hạnh mới tin.
Hạnh nói và đi vào trong. Tôi ngồi nhìn theo cái bóng mời mờ của Hạnh di động trong tối, như một bóng dáng hư ảo hoang đường. Tôi cố hình dung ra gương mặt của mẹ Hạnh đằng sau tấm màn gió màu nước dưa thả thõng quây quanh một chiếc giường gỗ kê ở góc trong cùng của nhà.
Tôi thấy Hạnh đi ngang qua đó và dừng lại vén tấm màn lên, đứng im lặng nhìn một lát rồi lại bỏ xuống, đi thẳng vào nhà bếp.
Tôi thầm nghĩ bà cụ phải là người đàn bà đẹp như thế nào thì mới có thể có một người con gái như Hạnh được. Chỉ tiếc rằng cái nghèo của gia đình Hạnh, phần nào, đã làm mất cái tươi trẻ thơ ngây của Hạnh. Tôi tưởng tượng rằng nếu Hạnh sinh trưởng trong một gia đình giàu có hay trung lưu thôi, không biết rồi Hạnh sẽ được nâng nui chiều chuộng tới mức nào, một khi Hạnh lại thông minh, học giỏi và siêng năng ngoan ngõan như thế kia.
Đang nghĩ vẩn vơ thì Hạnh bước ra với một ly nước trà trên tay còn nghi ngút khói.
Đưa cho tôi, Hạnh nói:
- Mẹ Hạnh đang ngủ.
Tôi gật đầu:
- Hà đã nói rồi. Hãy để bác ngủ yên. Hạnh có mua thuốc về nhỏ mắt cho bác không?
Hạnh gật đầu:
- Có. Mấy thứ lận. Mà sao hình như kỳ này mẹ Hạnh bị đau nặng hơn mọi năm hay sao ấy. Nó không bớt gì cả.
- Vậy phải mua thuốc khác cho bác chứ?
Hạnh ngập ngừng:
- Hạnh cũng nghĩ vậy. Hạnh tính chờ thêm một hai ngày nữa mà không hết, chắc Hạnh phải mua thuốc khác, một loại nặng hơn. Lọ thuốc mà Hạnh đang tra cho bà cụ cũng thuộc loại nặng và đắt tiền lắm.
Tôi đưa ý kiến:
- Hay Hạnh thử đưa bác vào nhà thương cho người ta coi xem sao, chứ để nhà lâu ngày, chữa không khỏi còn phiền thêm.
Hạnh lắc đầu:
- Hạnh có nói mà bà cụ không chịu. Bà cụ cứ gạt phắt đi và bảo không có sao hết. Dăm ba ngày rồi nó khỏi.
Tôi cười:
- Bao giờ cũng thế. Mấy cụ nhiều tuổi rồi, thường ngại lui tới nhà thương. Nghe nhà thương, nhà thuốc là các cụ đã sợ rồi.
Hạnh cười nhìn tôi:
- Hà đoán thử xem mẹ Hạnh bao nhiêu tuổi?
Tôi nhìn Hạnh thám dò, nhưng không thể nhìn thấy số tuổi của mẹ Hạnh trên mặt Hạnh, tôi lắc đầu:
- Chịu. Nhưng Hà đoán chắc bác cũng đã khá nhiều tuổi.
- Nhiều là chừng bao nhiều chứ?
Tôi nói đại:
- Ngoài bốn mươi không?
Hạnh cười vang:
- Hà đoán đúng đấy. Nếu trông bề ngoài thì mẹ Hạnh khoảng ngoài bốn mươi rồi, nhưng sự thực mẹ Hạnh mới ba mươi sáu tuổi thôi, Hà à.
- Bác còn trẻ vậy sao? Như vậy là bác cũng sấp sỉ ngang với mẹ Hà đó.
- Bác nhà bao nhiêu?
Tôi nheo mắt cố nhớ tuổi đích xác của mẹ tôi.
- Ba mươi tư.
- Vậy là bác thua mẹ Hạnh hai tuổi. Nhưng chắc chắn là bác nhà trẻ hơn mẹ Hạnh nhiều. Tại mẹ Hạnh vất vả, khổ sở từ lúc mới lớn nên mẹ Hạnh già trước tuổi nhiều.
Tôi nghĩ tơi việc thăm dò quá khứ của gia đình Hạnh, nhưng nghĩ lại, lại thôi.
Để dịp khác. Cũng chẳng gấp gì. Có những việc khác cấp bách hơn, chẳng hạn như làm thế nào để có thể giúp Hạnh chữa mắt cho mẹ Hạnh, để bà cụ mau khỏi cho Hạnh có thể đi học trở lại.
Tôi cũng không hiểu sao, tôi lại có nhiều lo lắng như vậy dành cho Hạnh.
Tôi nói:
- Thôi để Hà về. Mai Hà trở lại, nếu Hạnh còn nghỉ học.
Hạnh hơi buồn khi nghe tôi nói phải về.
Hạnh nói:
- Chắc là mai Hạnh cũng vẫn chưa thể đi học được đâu. Nếu Hà có thể đi học được đâu. Nếu Hà có đến Hạnh, Hà nhớ mang tập cho Hạnh mượn, Hạnh chép bài nha Hà.
Tôi gật đầu và tự trách mình sao không nghỉ ngay tới việc đó mà để Hạnh phải nói trước.
Tôi đáp:
- Ừ. Để mai Hà đem vở đến cho Hạnh mượn. Cũng chẳng có bao nhiêu bài đâu Hạnh à.
Tôi đứng lên va hướng mắt nhìn vào trong nhà. Hạnh hiểu ý, nói:
- Thôi được, Hà. Mẹ Hạnh đang ngủ. Hà cứ về đi. Lát mẹ Hạnh tỉnh lại, Hạnh sẽ nói cho mẹ Hạnh hay. Chắc là mẹ Hạnh sẽ mắng Hạnh sao không gọi bà cụ dậy rồi đó.
Tôi cười cười:
- Mai Hà lại nữa, lo gì!
- Ừ, Nhá! Thế nào mai Hà cũng lại nhà Hà. Hạnh chờ đó.
Hạnh nói và xiết chặt tay tôi.
Cử chỉ của Hạnh làm cho tôi cảm động. Tôi để im tay mình trong bàn tay nhơm nhớp mồ hôi của Hạnh.
Lát sau, Hạnh thả tay tôi ra và chỉ cho tôi lối đi để đi ra tới đường cai dễ và gần nhất.
Đến khúc quanh, nhìn lại, tôi vẫn còn như trông thấy dáng Hạnh gầy guộc in trên mái lá với đôi mắt huyền mơ của ca dao ngọt ngào.
Buổi chiều, sáng ở trên cao,với những đám mây trắng xốp. Những cơn gió từ đâu đó thổi tới, mang theo trong nó, những tiếng rì rào của lá cây, của thân cỏ.
Tôi nghĩ, không biết trời có dành sẵn một số đặc ân nào đó không cho những người nghèo khổ, những người kém may mắn như gia đình Hạnh, trong những năm tháng dài sẽ tới?
Đèn đường đã bật khi tôi ra tới lộ chính. Những ồn ào nối tiếp của giòng xe cộ không dứt, như không hề biết rằng chẳng cách bao nhiêu, ngay sau lưng những dãy nhà cao to, sang trọng là cả một thế giới mù mịt, cùng khổ của hàng ngàn con người đang sống lẩn lút như những con chuột trong những cái hang đất sâu hoắm và hôi hám ẩm thấp.
Hình ảnh Hạnh với người mẹ già trước mắt tôi theo nhịp xóc của bánh xe lăn nhanh...