Chương hai

     ấy ngày liền, trời luôn ẩm đục với những đám mây chứa đầy hơi nước, chĩu nặng trên đầu ngọn cây. Những cơn mưa thật bất thường khiến không ai có thể đoán trước được. Có sớm, mở mắt ra, thì thấy trời đã mưa, và chừng đó mới hay rằng cơn mưa đã đổ xuống thành phố suốt từ nửa đêm trước. Những đám mây mọng nước trên bầu trời đã cho thành phố một khuôn mặt khác. Khuôn mặt âm u, với những cơn gió lạnh thỉnh thoảng len qua những hàng cây, thả cái rét xuống những làn da, cho người ta cái cảm giác gai gai lành lạnh, buồn buồn, một cách thật là vô cớ.
Báo nói rằng ảnh hưởng của một trận bão từ Phi Luật Tân thổi tới, và thành phố sẽ luôn có những trận mưa rào bất thường hoặc những đám mưa bụi, như phấn mỏng rắc đều lên cảnh vật.
Mẹ tôi nói trời này giống như mùa thu ngoài Bắc. Tôi không biết mùa thu nơi quê hương của mẹ tôi ra sao, bởi tôi được sinh ra ở trong miền Nam này, tôi chỉ quen những mùa nắng và tiếp theo là mùa mưa, có thể kể từ ngày tôi chớm lớn và chớm có nhận xét.
Tuy nhiên, dẫu sao cảnh vật thành phố trong những ngày xanh xám này, cũng phù hợp phần nào với trạng thái tâm hồn tôi.
- Hạnh nghỉ học!
Sự nghỉ học của bất kỳ một bạn nào trong lớp chẳng phải là một biến cố, một cái gì quan trọng đến nỗi phải kinh ngạc và nhắc nhở. Nhưng riêng với tôi, sự vắng mặt ba ngày liền của Hạnh tiếp theo những dữ kiện tôi biết được một cách tình cờ khi theo dõi Hạnh buổi trưa hôm nào, đã là một cái gì gây băn khoăn và thắc mắc, thường xuyên ám ảnh tôi. Hơn nữa trong lớp tôi không thân với ai ngoài Hạnh. Trong lớp học, Hạnh là khung cửa sổ giúp tôi liên lạc với bên ngoài. Vắng Hạnh tôi thấy mình như xa lạ với chung quanh. Đã ba buổi trưa liền, một mình thui thủi qua những con đường nắng, tôi tự hỏi là mình cần Hạnh đến như vậy ư? rồi tôi thấy mình như mệt mỏi và ủ rũ khác thường.
Tôi càng ân hận hơn nữa, khi nghĩ rằng không biết có phải vì thái độ khiếm nhã của ba tôi, khi ông bắt gặp tôi chở Hạnh về học trong buổi trưa trước ngày Hạnh nghỉ?
Thực tình tôi không ngờ ba tôi lại theo sát tôi đến thế. Sau khi bị cảnh cáo lần trước. Tôi đã hết sức đề phòng. Tôi trở về nhà bằng một con đường khác, xa hơn. Con đường đi vòng. Hạnh đã hỏi tôi rằng sao không đi đường cũ cho nhanh? Tôi nói dối là đi đường mới xa hơn một chút nhưng ít xe và do đó đỡ nguy hiểm hơn.
Dù đã đổi lộ trình vậy mà tôi vẫn bị ba tôi bắt gặp. Ông chặn xe tôi lại giữa đường và nhiếc mắng tôi không tiếc lời trước mặt Hạnh. Mặc dù ông không nói thẳng một lời nào với Hạnh. Nhưng qua những gì mà ba tôi nói, hẳn nhiên Hạnh hiểu rằng tội bị rày la chỉ vì đã chở Hạnh về.
Ngay giữa lúc ba tôi còn quát mắng tôi, Hạnh đã đứng ra, nói một câu duy nhất:
- Cháu xin lỗi bác. Đã làm phiền tới Hà và làm phiền bác.
Hạnh chỉ nói có thế, và quay lưng đi ngay, không để cho ba tôi kịp nói gì. Giữa trưa nắng, tôi đứng nhìn theo cái bóng Hạnh gầy gò đổ nghiêng trên con đường trơ trụi những gốc cây bị đốn mà chảy nước mắt.
Tôi đã lên xe phóng về nhà ngay lập tức và tôi cũng không nói một lời nào với ba tôi. Sự tức giận ở nơi tôi đã lên đến cực độ, khiến tôi ríu lưỡi lại, không thể nói được gì.
Về tới nhà, tôi chạy ngay vào buồng, khóa trái cửa lại, và mặc sức úp mặt xuống gối khóc. Mẹ tôi không hiểu chuyện gì, đập cửa và réo gọi ầm ĩ, tôi cũng nhất định không mở.
Mấy ngày qua rồi, bây giờ thì tôi không còn giận ba tôi nữa, mà trong lòng tôi chỉ còn nỗi băn khoăn thắc mắc về Hạnh mà thôi. Tôi nghĩ ngày hôm nay nữa mà Hạnh không đi học, chắc bằng mọi cách, tôi sẽ tìm đến chỗ ở của Hạnh cho được.
Trong giờ ra chơi lúc này, tôi đã xuống văn phòng bà Tổng giám-thị và tôi đã lấy được địa chỉ nơi Hạnh ở. Khi tôi có ý định tới thăm Hạnh, bà Tổng nói với tôi rằng cho bà gửi lời thăm sức khỏe của Hạnh. Bà Tổng cũng thương Hạnh lắm vì Hạnh học giỏi nhất lớp tôi.
Tôi không tin lý do mà Hạnh xin nghỉ mấy bữa nay ở trường: đau nặng.
Cái linh tính bén nhậy của tôi biết như vậy. Đó chỉ là cái cớ để che dấu một sự thực khác. Một sự thực mà chưa chắc gì khi tìm ra nhà Hạnh, gặp Hạnh rồi, mà tôi đã được biết.
Nhưng cứ đến. Tôi nhủ thầm với lòng mình như vậy. Và nếu có cơ hội thuận tiện, tôi sẽ hỏi dò Hạnh về chuyện gia đình của Hạnh. Biết đâu chừng giấc mộng đêm trước của tôi chẳng đúng như ở ngoài đời. Ý nghĩ này làm tôi nôn nao.
Chuông báo hết giờ học. Tôi lấy xe chạy thẳng về nhà.
Không biết vẻ mặt tôi có gì khác thường không mà mẹ tôi nhìn tôi chăm chú và cười cười. Tôi mắc cỡ, hỏi người:
- Gì mà mẹ cười con?
Mẹ tôi gật đầu:
- Con có chuyện gì vui phải không?
Tôi ngạc nhiên:
- Sao mẹ hỏi con vậy?
Mẹ tôi đỡ lấy cặp sách trong tay tôi
- Tại mẹ thấy mặt con có vẻ hớn hở, phải rồi. Mẹ tôi có nhậ xét thật tinh tế. Chẳng qua là suốt dọc đường tôi cứ nghĩ hoài về chuyện của Hạnh với cái cảm tưởng thật mơ hồ, tôi sẽ giúp được Hạnh. Ít ra thì cũng để Hạnh có thể đi học trở lại. Tôi nói:
- Chuyện vui thì không đúng. Nhưng chuyện buồn cũng không hẵn. Mấy hôm nay chính ra là con buồn đấy chứ.
Mẹ tôi tỏ dấu lo lắng:
- Con buồn chuyện gì sao không nói mẹ nghe?
- Chuyện riêng của con mà.
Mẹ tôi trợn mắt:
- Trời ơi, con bây giờ cũng bày đặt có chuyện riêng, chuyện tư đấy sao?
Giọng hốt hoảng của mẹ tôi làm tôi muốn bật cười. Tôi nói đùa thêm xem thử thái độ của mẹ tôi ra sao:
- Bộ mẹ tưởng con không thể có chuyện riêng được sao. Con lớn rồi mà.
Đang đi, mẹ tôi dừng bước lại, ngó tôi chăm chăm, như ngó nhìn một vật lạ. Tôi cố nhịn cười.
Mẹ tôi nói:
- Con biết con bao nhiêu tuổi không?
- Mười ba.
- Vậy là lớn lắm rồi hay sao?
Tôi vẫn nói giọng khơi khơi:
- Ít ra thì con cũng lớn nhất trong cái nhà này, trừ ba má. Con là đầu đàn chớ bộ ít sao.
Mẹ tôi dơ tay như định cú vào đầu tôi. Tôi đứng nghiêm, nhắm mắt chờ đợi. Tôi biết rằng chẳng đời nào mẹ tôi cú đầu tôi hết.
Mẹ tôi bật cười, nói:
- Mở mắt ra, con khỉ.
Tôi cũng cười lớn, mở mắt ra và ôm choàng lấy mẹ tôi.
Vào tới phòng, tôi mới nói cho mẹ tôi biết chuyện Hạnh bị đau phải nghỉ học mấy bữa liền. Và tôi cũng nói luôn với người ý định của tôi là chiều nay sẽ lại thăm Hạnh.
Tưởng khi nghe nhắc đến cái tên Hạnh, mẹ tôi sẽ khó chịu, nhưng không, mẹ tôi không những không tỏ dấu phản đối mà còn nói:
- Con có định cho bạn con cái gì không?
Nghe mẹ nói, tôi mới nhớ ra rằng, tôi đã quên không nghĩ tới việc nên đem cho Hạnh cái gì, dù sự thực Hạnh có đau hay không.
Tôi nói:
- Con quên mất. Con không nghĩ ra.
Mẹ tôi gật đầu dịu dàng:
- Con nên mua quà cho bạn con.
- Con tính con sẽ mua cho nó mấy quả cam.
Sợ mẹ tôi nghĩ ngợi, tôi nói thêm ngay:
- Con sẽ mua cam cho Hạnh bằng tiền con để dành được.
Mẹ tôi lắc đầu:
- Thôi. Con giữ đó mà tiêu, để mẹ mua cho.
Tôi nhìn mẹ, sung sướng. Thái độ ân cần của mẹ dành cho một đứa bạn thân nhất của tôi đã khiến tôi cảm động. Thật trái ngược với tính của ba tôi.
Tôi nói:
- Mẹ không cằn nhằn chuyện con lại thăm Hạnh là con mừng rồi. Còn quà cho bạn con, mẹ để con lo. Con có tiền mà. Lúc sau này, tiền mẹ cho con để ăn quà, con ít có ăn lắm. Con để dành được khá nhiều mà mẹ không biết đó.
- Để dành làm gì mà sao không tiêu hả con?
- Để sửa xe mỗi khi xe hỏng.
Nói rồi tôi ân hận ngay về câu nói của mình, nhưng mặt khác trong lòng, tôi lại cảm thấy hân hoan, như thể đó là một cách chống đối lại thái độ quá đáng của ba tôi.
Mẹ tôi nói:
- Con vẫn còn giận ba nhiều lắm phải không?
Tôi lắc đầu, trong khi mắt thì lại muốn khóc.
- Không. Con chẳng giân gì ba hết.
Mẹ tôi thở dài:
- Con phải hiểu ba mới được. Không hiểu tính ba, con sẽ giận ba hoài à. Việc ba ngăn cấm con chở bạn con, không phải chỉ vì lý do xe hỏng đâu. Ba con nói chuyện với mẹ rằng, con còn quá nhỏ, để con chạy xe một mình, ba con đã chẳng yên lòng chút nào, nay con chở thêm bạn con nữa, nguy hiểm lắm. Lỡ c!!!15802_2.htm!!! Đã xem 2608 lần.


Nguồn: dutule.com
Được bạn: CtLy đưa lên
vào ngày: 4 tháng 1 năm 2016