Một

     áng nay đi học sớm, lớp còn vắng hoe. Oanh vào bàn, cất cặp. Anh chàng “xì” lên một tiếng dài như tiếng xe đạp bị tuột đầu van. Chả là chiều hôm qua có trận mưa to, bác lao công vô ý không đóng cửa sổ lớp, nước bắn vào đầy bàn nhớp nhúa không chịu được. Oanh loay hoay tìm một mảnh giấy lau. Anh chàng cho cả hai tay vào hộc bàn, quờ quạng. May quá có một tờ giấy trong đó thật. Oanh định vò lại, lau bàn ngay. Nhưng bất chợt Oanh ngừng tay, mắt anh chàng rơi đúng vào dòng chữ “Mến gởi chị Mai Ngọc Oanh” viết theo chữ in trên giấy. Tờ giấy gấp làm ba rồi cuộn lại, xỏ hai đầu vào nhau. Tò mò Oanh mở ra đọc:
“Trong lớp, ngày... 196...
Chị Oanh dễ thương,
Chưa được hân hạnh chiêm ngưỡng dung nhan chị, nhưng Thủy đã thấy mến và thương chị làm sao. Thủy học Tam C, buổi chiều, ngồi cùng chỗ với chị đấy.
Để Thủy đoán xem nhé: thế nào chị cũng phải có một suối tóc dài đến ngang lưng, mắt chị giống mắt bồ câu, với hàng mi cong vút, mũi chị xinh xinh làm sao, miệng chị hình trái tim và chị cười chắc có duyên lắm. Úi chu choa, cứ hình dung như vậy, Thủy đã thấy mê mẩn cả tâm... thần.
Vừa ca vọng cổ chị nghe đấy. Mà thôi! Dài dòng mãi, hẳn chị muốn biết con nhỏ này định nói cái gì phải không? Đây này: Thủy nghĩ chúng mình hằng ngày ngồi cùng một chỗ mà không quen nhau thì thiệt là kỳ. Thủy đề nghị thế này nhé, để đặt nền tảng cho những “liên hệ bình thường”, chiều nay chị lại trường cho Thủy gặp nghe. Muốn cho dễ nhận chị cứ cầm một cái khăn tay màu đỏ ở tay trái nhé. Thủy cũng sẽ dùng dấu hiệu ấy.
Mong chị ghê lắm,
Thủy
TB. Để làm quen, Thủy gởi chị hai trái me, có cả gói muối ớt nữa đấy. Chị cứ tìm ở hộc bàn bên phải sẽ thấy. Hay chị lại thấy me trước khi đọc thư cũng không biết chừng”.
Đọc thư xong, công việc đầu tiên của Oanh là thò tay vào hộc bàn lần nữa. Quả nhiên Oanh đụng phải hai quả me khá to, và gói muối ớt, vì để đã lâu nên hơi chảy nước.
Oanh nhắm mắt lại, rồi mở ra, rồi nhắm lại... hai ba lần như thề, đó là thói quen cố hữu của Oanh mỗi khi gặp câu chuyện rắc rối. Anh chàng lẩm bẩm:
- Ủa, nếu không lầm thì mình là... con trai mà!
Nhưng bốn chữ “Chị Mai Ngọc Oanh” to như con gà mái ngay trước mắt như một thực tại phũ phàng và khiêu khích. Bây giờ thì mặt Oanh nó thuỗn ra, anh chàng lật qua lật lại mảnh giấy rồi đọc lại lần nữa. Đến câu “thế nào chị cũng phải có một suối tóc dài đến ngang lưng” bất giác Oanh đưa tay lên sờ đầu. Không, đầu Oanh vẫn to như cái giành, tóc rễ tre mọc lởm chởm. “Mắt chị giống mắt bồ câu”! Mẹ ơi, mắt Oanh là mắt ốc nhồi mà! Ở nhà mẹ chẳng bảo thế là gì. “Miệng chị hình trái tim và chị cười chắc là có duyên lắm”, làm gì có chuyện ấy, miệng Oanh đã rộng sẵn, mỗi lần nở một nụ “cười duyên” nó ngoác ra đến phát khiếp, chị Yến vẫn nói với mẹ: “Mẹ ạ, thằng Oanh mà cười thì chỉ có ma mới thương nổi”.
Anh chàng ngửa cổ lấy ngón tay cái xoa mãi chiếc cằm mọc mấy sợi râu lởm chởm như hàng rào ấp chiến lược, ra dáng suy nghĩ. Bỗng mắt anh chàng sáng lên, bàn tay bỏ xuống, vỗ vào đùi thật mạnh! Anh chàng nghĩ ra rồi! Oanh cho rằng lại một ông bạn quý nào chơi xỏ mình đây, chắc tên Việt chứ chẳng sai. Bỗng nhiên Oanh đâm ghét cái tên của mình thậm tệ, nó chả có chút xíu con trai tính nào.
Oanh nhìn Việt, hắn ngồi dưới Oanh hai bàn, đang thản nhiên rung đùi, miệng gặm khúc bánh mì to tổ bố. “Chắc là nó đang chờ phản ứng của mình đây”. Oanh nghĩ thầm thế rồi lẩm bẩm:
- Chơi xỏ ông nhé! Con nhà Việt lì thiệt! Nhưng... chớ vội đắc chí! Được rồi, ta cứ việc ăn hết me cho hắn tức!
Thế là Oanh bình tĩnh ngồi bẻ hai quả me chấm muối ớt ăn ngon lành. Tiếng nhai tóp tép đều đều vang lên làm mấy cô nữ sinh ngồi bàn trên quay xuống, nhưng mấy cô vội quay lên sau khi cùng nuốt nước bọt đánh “ực” một cái. Một cô thỏ thẻ vào tai bạn:
- Gớm, thứ con trai gì mà ăn quà như ma ấy. Mới sáng bảnh mắt mà ăn me làm người ta... phát thèm!
Hai tiếng “phát thèm” cô ta nói thật nhỏ, chỉ như một hơi gió thoảng, nhưng Oanh nhà ta có một đôi tai rất thính, hắn nghe rõ mồn một. Đắc chí, Oanh vừa ăn vừa xuýt xoa:
- Úi giời, cái thứ me quỷ gì mà chua như ma ấy!
Anh chàng ra bộ khoái chí lắm vì đã dùng được cả hai chữ ma, quỉ trong một câu, cứ ngoác cái miệng rộng quá khổ ra cười mãi. Phần mấy cô bàn trên thì có vẻ đau khổ lắm, cứ thấy ngó ngoáy cái đầu mãi.
Oanh vừa kịp tiêu thụ hết hai quả me thì chuông vào học, giáo sư Quốc Văn vào lớp. Trong các thầy của Oanh, có thầy này là chăm chỉ, có lương tâm nghề nghiệp nhất; cứ dứt tiếng chuông là ông đã có mặt trong lớp rồi. Nhiều lúc, Oanh đâm nghĩ nhảm: chắc ông ấy cứ chờ sẵn ngoài cửa lớp, nghe chuông reo là chạy vào ngay.
Vẫy tay cho học sinh ngồi xuống, thầy không ngồi vội, móc túi lấy cặp kính trắng, cẩn thận “khoác” lên đôi vành tai rồi đưa mắt nhìn đám học trò suốt lượt. Thầy có cái nhìn như thôi miên khiến những đôi mắt nghịch ngợm nhất cũng phải lẩn tránh tia nhìn của thầy.
Lớp học im phăng phắc, không một tiếng động. Ra vẻ bằng lòng lắm, thầy mỉm cười phán:
- Các em đã học hết về Nguyễn Công Trứ. Hôm nay tôi ra mấy câu hỏi kiểm soát, mỗi em lấy ra một tờ giấy trắng sửa soạn viết đầu bài.
Sau lời tuyên bố của thầy, một vài tiếng xuýt xoa nổi lên lẫn với tiếng mở vở loạt soạt. Có tiếng cãi nhau chí chóe ở cuối lớp:
- Sinh năm bao nhiêu?
- 1787
- Bậy, 1877 thì có.
Đã có mấy tiếng rúc rích như chuột nhắt kêu. Lát nữa, một giọng khá to ông ổng:
- Chúng mày lầm hết, tao nhớ rồi, 8177!
Lần này không còn phải tiếng rúc rích nữa mà là những giọng cười ré lên từng hồi. Dịch cười lan tràn còn mạnh hơn bệnh sốt rét ngã nước, xâm nhập khắp lớp. Sáu bảy chục “bệnh nhân” mặt mũi nhăn nhó hoặc há miệng to tướng khoe những “hàm răng trắng đẹp như ngà”. Mấy cô nữ sinh lúc đầu còn ra vẻ lễ phép, nghiêm trang, dần dần cứ hết cô nọ đến cô kia, bật cười phì phì, nằm cả ra bàn. Một câu khôi hài chả lấy gì làm duyên dáng cho lắm, nhưng nếu được phát thanh trong lớp, đôi khi gây ra hậu quả bất ngờ.
Thầy có vẻ giận, nghiêm giọng quát:
- Em nào ăn nói như ở giữa chợ thế? Muốn xuống phòng Tổng Giám thị phải không? Cả lớp yên lặng! Em nào làm ồn, tôi cho số không bài làm.
Lời cảnh cáo của thầy bao giờ cũng có hiệu quả, mấy tiếng rúc rích còn sót lại cũng im bặt. Thầy cao giọng:
- Mấy em sửa soạn viết, tôi đọc đây.
Rồi thầy bắt đầu đọc, giọng rõ và ngắn.
Chép xong đầu bài, Oanh xoa hai tay vào nhau cười hí hí xem bộ khoái chí lắm. Bài dễ quá, chỉ chừng mười lăm phút hay hơn chút xíu là xong. Ấy, hình dạng của Oanh lộ cộ như vậy chứ anh chàng tài hoa ra phết. Hơn nữa, đi học về Oanh ít đi đâu, chỉ ở nhà “gạo” bài nên anh thường đứng nhất lớp luôn. Mấy anh học trò con trai có vẻ ghen tức lắm, còn mấy cô học cùng lớp thỉnh thoảng nhìn Oanh thán phục. Oanh thì cứ tỉnh bơ, ai ghét cũng mặc, ai ưa cũng mặc luôn. Oanh chỉ ra sức học và ra sức nghịch. Oanh vẫn viết chơi cái công thức này lên giấy nháp: Học + Nghịch = Học trò, và đã hãnh diện vì đã “sáng tác” được cái công thức ấy.
Đúng như dự tính, chỉ mười lăm phút sau Oanh đã làm xong bài, rất “đẹp đẽ, sạch sẽ, hợp vệ sinh”. Oanh đóng nắp bút ngồi mơ màng nhìn qua cửa sổ. Trời hôm nay thật trong, xanh ngắt một màu, lãng đãng phía xa vài cụm mây trắng nõn đang chơi rượt bắt. Cạnh cửa sổ, con chim sâu đậu trên cành, mỏ ngậm mẩu bánh mì. Những hình ảnh linh động đó làm hồn Oanh mát rợi. Nổi máu thi sĩ, Oanh nguệch ngoạc viết vào cuốn vở nháp:
Buổi sáng trời trong xanh
Con chim sâu trên cành
Mẩu bánh mì ngang mỏ
Trông đẹp như bức tranh
Làm đến đó thì tịt, Oanh ngồi gãi tai một lúc, phun thêm ra được tám câu:
Trong tranh có trời xanh
Có chim sâu trên cành
Thế còn ở trong lớp
Thì có một thằng Oanh
Thằng Oanh ngồi làm bài
Không một câu nào sai
Chỉ trong mười lăm phút
Ngon lành nhất trần ai!
Oanh khoái quá cười khì khì tự tán thưởng bài thơ con cóc của mình. Hắn đưa tay sờ cằm, mấy sợi râu vừa nhú ra một tí đâm vào ngón tay hắn nhồn nhột. Oanh khoái chí toét miệng cười. Hắn chỉ mong râu mình dài ra thật rậm, hắn sẽ giả bộ quên không cạo để cho nó mọc lởm chởm, trông vừa có vẻ nghệ sĩ vừa người lớn ra, lúc đó chắc là thú lắm.
Rồi Oanh lại nhớ đến bức thư thằng Việt viết trêu mình hồi nãy, anh chàng gật gù cái đầu lẩm bẩm:
- Mi dám chơi xỏ ta, láo thật! Mấy hôm nữa râu ta mọc nhiều hết trêu ta là con gái nhé!
Nhưng Oanh chợt ngồi ngớ ra, mặt cứ ngây ngô như anh Mán nghe kèn, bây giờ Oanh mới nhớ một điều rất quan trọng mà lúc vào lớp, vì quá chú ý đến nội dung bức thư nên Oanh không để ý: chữ viết trong thư không phải chữ thằng Việt, chữ Việt xấu lắm, to như con gà mái cơ mà!
Trong khi Oanh nhà ta đang ngồi nghĩ ngợi lơ tơ mơ, đầu óc chứa bao nhiêu ý tưởng lộn xộn như vậy thì thầy cũng đang chăm chú nhìn hắn. Nhiều lúc thầy buồn cười quá vì vẻ mặt Oanh cứ thay đổi luôn, y như một diễn viên sân khấu hay điện ảnh trình bày những bộ mặt “thất tình” cho người ta chụp hình. Trong lớp, thầy quí Oanh, tên học trò này nghịch không ai bằng, nhưng hắn “nghịch có trật tự” lắm, vì chỉ nghịch trong giờ chơi thôi, chứ đã đến giờ học rồi, có cạy miệng ra hắn cũng chả thèm nói, mà coi chừng, ông bạn nào ngoan cố gợi chuyện mãi, hắn còn thụi ngầm cho mấy cái cũng nên. Oanh lại học giỏi, bài luận nào của Oanh cũng được thầy xem đi xem lại một cách đắc chí, còn những bài kiểm giáo khoa thì “suya” không chịu nổi.
Thấy Oanh gác bút, nhìn ra ngoài, miệng nói lảm nhảm, thầy biết anh chàng đã làm bài xong rồi, nhưng vẫn hỏi:
- Thế nào, Oanh! Ngồi làm gì đó mà không viết bài? Xong chưa?
Oanh giật mình, lật đật trả lời:
- Thưa thầy, xong rồi ạ!
Có mấy tiếng lào xào ở bàn trên tỏ ý thán phục. Thầy trìu mến nhìn đứa học trò cưng, tỏ vẻ rất bằng lòng.
Thấy thầy nhìn đi chỗ khác, Oanh yên chí thò tay vào cặp lấy ra bức thư hồi sáng xem lại một lần nữa. Nét chữ nhỏ hơi nghiêng về phía trước rất là... con gái, đặc biệt cái đuôi chữ g lại vòng thêm một vòng nhỏ trước khi hất lên, Oanh thấy yêu yêu cái đuôi chữ g ấy. “Quái, sao hôm nay thằng Việt viết chữ đẹp thế này?” Bỗng Oanh đập tay vào trán, nghĩ thầm: “Mình ngốc quá, nó đã cố ý trêu mình thì phải có mánh khóe chứ!” Trong óc Oanh thoáng qua hình ảnh Kim, cô em gái khá xinh nhưng nghịch bằng trời của Việt, con trai có lý sự mấy cãi nhau với Kim cũng nhất định chỉ... thua. Oanh nghĩ: “Chắc vụ này là một âm mưu của Việt và Kim đây, chữ này là chữ Kim viết. Anh em nhà này ghê thật”.
Một gót guốc dẫm lên chân Oanh làm anh chàng tỉnh mộng. Tâm, cô nữ sinh ngồi bàn trên quay xuống thì thào:
- Câu nhất trả lời làm sao? Chỉ coi!
Bình thường ai có hỏi, Oanh đều tìm cách đưa cho họ xem. Nhưng hôm nay anh chàng ghét cái giọng trịch thượng của cô Tâm làm phách không phải lúc, hơn nữa còn bị dẫm chân đau điếng, anh chàng giận quá, giả bộ tỉnh khô khe khẽ nói:
- Xin em đừng hỏi em ơi... xin em đừng hỏi em ơi... sẽ không trả lời đâu.
Tâm ức lắm, định tìm câu nào “pháo kích” lại cho hả giận. Nhưng cô bé Thu ngồi bên cạnh khôn hơn, bấm tay Tâm ra hiệu bảo im, rồi Thu quay xuống ngọt ngào:
- Sao anh Oanh làm bài nhanh thế? Thu chả biết trả lời gì cả. Eo ơi, bài này mà kém điểm, thế nào về cũng bị mẹ mắng thôi. Anh làm ơn chỉ Thu đi nghe...
Trong bất cứ một đứa con trai nào cũng nấp sẵn một ông anh hùng luôn luôn đợi dịp để ra tay cứu khốn phò nguy. Vậy thì ông anh hùng của Oanh vừa thức dậy sau câu than vãn của Thu. Oanh nghĩ: “Thu hiền lành, xinh xinh thế này mà bị mẹ mắng thì tội quá, phải cứu Thu mới được”.
Quên cả luật “không được nói chuyện trong lớp”, Oanh cố lấy giọng ngọt ngào “tuy thế nó vẫn cứ ồ ồ” bảo Thu:
- Tôi để bài ở cạnh bàn đấy, câu nào không làm được thì cứ việc chép. Ấy quên, phải làm khác khác đi một tí không thầy giáo cho zêrô cả đám đấy.
Thu khoái quá gật đầu lia lịa, còn tay thì chép như bay. Dĩ nhiên cô nàng Tâm ngồi bên cạnh cũng chịu khó “sao y bản phụ” theo Thu.
Oanh vừa lấy làm khoan khoái, vừa run run, lỡ thầy biết việc mình làm thì nguy, vì Thu làm bài một cách hăng hái quá. Trong lòng đang hồi hộp như vậy thì cu cậu Việt từ phía sau dẫn xác lừ lừ đi lên. Oanh ngạc nhiên: “Quái, hôm nay thằng này làm bài giỏi nhỉ? Nộp bài trước cả mình”.
Việt đi qua chỗ Oanh kín đáo để trước mặt bạn một mảnh giấy rồi lững thững đến gần bàn giáo sư. Thầy giật mình hỏi:
- Đi đâu?
Việt lễ phép:
- Thưa thầy con đi giặt cái giẻ lau bảng một tí, không lát nữa thầy xóa bảng bụi nó bay bẩn cả quần áo thầy.
Thầy chớp mắt cảm động vì không ngờ lại có đứa học trò thương mình đến thế, dịu dàng:
- Ừ, nếu anh làm xong bài rồi thì chịu khó giặt hộ cái khăn lau bảng cho thầy.
Được lời như cởi tấm lòng, Việt nhanh nhẹn chụp lấy cái giẻ lau bảng, hấp tấp đi ra khiến thầy hơi ngạc nhiên.
Ở dưới, Oanh liếc qua tờ giấy của Việt:
“Oanh
Chỉ tớ làm hai câu sau đi, hỏi cái gì mà khó như ma ấy! Tớ”
Cái thư nhận được như hiện rõ trong đầu Oanh, anh chàng tức quá, nghĩ thầm:
- Tên này lì thiệt, trêu cho nhiều vào, bây giờ còn bày đặt nhờ vả. Ông cóc thèm chỉ nữa! Đã sao!
Tuy nghĩ như vậy, nhưng rồi, Oanh cũng lấy ra một mảnh giấy viết hai câu trả lời cho Việt. Dù sao thì Việt cũng là bạn thân của Oanh mà. Thằng này thích trêu Oanh nhưng tử tế lắm, ngày nghỉ rủ Oanh đi xi-nê luôn, hai thằng rất có nhiều kỷ niệm với nhau.
Viết xong hai câu trả lời, còn thừa giấy Oanh đã định vẽ hình con voi theo lối hí họa rồi ghi chú ở dưới: “Thừa giấy vẽ voi”. Nhưng nghĩ sao lại thôi, và mỉm cười vẽ một chiếc lá có ba cái que xỏ qua. Bên dưới Oanh viết:
“Mày thiệt là ba que xỏ lá, đáng ăn đấm lắm nghe Việt. Giờ chơi ta phải xỉ vả cho mày một trận mới được.
Tao”.
Oanh vừa hạ bút chấm xong cái chấm cuối cùng thì Việt cũng lò dò ngoài cửa lớp đi vào. Đặt cái khăn lau ở góc bàn thầy, cúi đầu chào cẩn thận, Việt mới lững thững đi xuống, đi qua chỗ Oanh, nó vê hai đầu ngón tay thay cho câu “Đâu? Đưa đây” Oanh lườm nó một phát rồi kín đáo đưa mảnh giấy ra. Việt nhanh nhẹn chụp lấy như đã chụp cái giẻ lau bảng lúc nãy.
Chuông đã báo hiệu giờ chơi. Việt chạy bay lại nộp bài, xem ra vẻ hăng hái lắm. Xong lại chỗ Oanh, nó cười khì khì:
- Thì đây, xỉ vả gì thì xỉ vả đi cho nó khoái cái miệng. Tại hôm qua tớ mắc xách nước cho má, tớ mới không học bài đó chứ. Đầu năm tới giờ cậu có thấy tớ không thuộc bài bao giờ đâu!
Oanh lườm lườm:
- Thôi đừng giả bộ nữa, xỉ vả là tớ nói đến cái vụ kia cơ.
- Vụ nào? À, vụ “qua mặt” thầy ý hở? Hì... hì... hơi xấu xa thật, nhưng cũng phải có mánh khóe một chút chớ!
Oanh xua tay:
- Không, tớ muốn nói...
Nhưng thấy mặt thằng Việt cứ nghệt ra như mán nghe kèn, Oanh đâm thắc mắc, không nói tiếp nữa. Ừ, biết đâu lại là thằng khác chứ không phải nó. Nghĩ thế, Oanh đánh trống lấp:
- Ừ, cậu dối thì dối ai chứ sao lại dối thầy. Đức Khổng Tử đã phán (Oanh phịa): “Không thầy đố mầy làm nên” mà cậu trả ơn thầy như vậy đó hả?
Rồi Oanh pha trò:
- Không thầy đố mày làm nên
- Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
- Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Ở sao cho xứng những ngày... Việt ơi!
Hai tên ôm nhau cười ha hả. Xung quanh, mấy tên con trai nô đùa ầm ỹ như con nít, rượt nhau chạy trong lớp muốn gãy cả bàn ghế, còn mấy cô nữ sinh thì ngồi ở góc lớp, rủ rỉ rù rì những gì không biết, thỉnh thoảng lại rúc rích cười như chuột nhắt.
Việt kéo Oanh ra ngoài sân, tìm nước uống.

*

Oanh thắc mắc vô cùng. Vụ “bức thư” tưởng đã chìm vào “dĩ vãng” nào ngờ sáng nay Oanh lại nhận được một bức thư nữa. Cái này ngắn hơn và nội dung mang một vẻ giận dỗi rất là... con gái. Nét chữ vẫn như trước không có gì thay đổi chứng tỏ vẫn “cùng một tác giả”. Thư rằng:
“Trong lớp, ngày... 196...
(Giờ Anh Văn)
Chị Oanh,
Em buồn ghê đó chị! Em biết trước mà, chị đâu có thèm chơi với “con nhỏ” này. Ừ, thì con nhỏ này học dốt, mới có đệ tam trong khi chị đệ nhị, con nhỏ này vô duyên, con nhỏ này xấu xí...
Thôi, Thủy đùa đó chị Oanh, đừng giận Thủy nghe. Hay là... lễ ra mắt của Thủy đơn sơ quá? Vậy thì lần này Thủy gửi biếu chị một gói ô mai thật bự (12 trái đấy). Chiều nay đến cho Thủy gặp nghe. Dấu hiệu như lần trước. Hết.
Thủy”
Oanh sờ cằm, trán nhăn lại ra chiều suy nghĩ. Kể ra anh chàng lấy làm thắc mắc cũng phải: hôm nọ Oanh cứ nghi là không phải Việt thì cũng một “tay” nào đó trong lớp trêu mình chơi. Nhưng hôm nay giả thuyết đó đã hoàn toàn sụp đổ! Tụi bạn Oanh kiết ghê lắm, trong khi đó 12 trái ô mai khổng lồ này theo giá thị trường mỗi lúc một lên cao ít nhất cũng phải hơn 30 tiền. Oanh biết rõ tánh tụi bạn mình, chả lẽ vì một trò chơi không lấy gì làm thú vị cho lắm mà một nhân vật nào đó thuộc hội “kiết” lại dám bỏ ra hơn 30 tiền mà chả được sơ múi gì.
Vậy thì ai? Không lẽ... thật...? Oanh xấu hổ vì ý nghĩ của mình: cô nào thèm chơi, thèm giỡn với Oanh. Nghĩ mãi cũng chẳng thấy trong óc lóe ra được tia sáng nào, Oanh đưa mắt nhìn gói ô mai. Những quả ô mai to hơn cỡ thường, màu đỏ gạch nằm chen chúc nhau trong túi ni lông trông thật... dễ thèm. Oanh chợt nhớ con em ở nhà, con bé thích ô mai tệ, miệng lúc nào cũng nhóp nhép. Oanh chặc lưỡi:
- Để lát nữa về hỏi con Nga coi, biết đâu nó lại chả giúp mình được vài việc. Dành lại ô mai cho nó vậy.

*

Buổi trưa ăn cơm xong, Nga dọn dẹp mâm bát rồi lên lầu ngay. Đừng tưởng Nga đi ngủ, cô bé bắt đầu chép thơ đấy. Đứng ở đầu cầu thang, hơi cúi người nhìn xuống, Nga thấy nhà dưới trống trơn, cả nhà đi ngủ rồi. Nga hình dung đến dáng ba nằm với thói quen úp tờ báo lên mặt. Yên chí, Nga đi nhón gót về phía bàn học lục trong cặp lấy ra tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” của Lệ Khánh. Mấy hôm nay cô bé miệt mài chép tập thơ này dù Nga chả xấu tí nào, phải nói Nga xinh mới đúng.
Nga chép được nhiều thơ lắm. Cô bé có đến ba quyển bìa cứng bọc plastic cẩn thận, bìa trang hoàng đẹp thật đẹp, ở trong toàn là thơ thôi. Bài nào cũng được chép sạch sẽ trong một khung đầy hoa lá. Nga nâng niu mấy tập thơ này như báu vật vậy.
Mở những tờ báo cũ nhà Nga, người ta thường thấy những “khoảng trống”. Phải nói rõ khoảng trống ở đây không phải là những chỗ bị kiểm duyệt đục trắng đâu, mà nó là những khoảng không có giấy! Đó là nhờ công trình “đục khoét” của Nga. Ở nhà, ba mua mỗi tháng tới ba tờ báo, tờ nào cũng có mục thơ cả, nhà lại mua thêm hai tờ tạp chí, mỗi tờ đều dành hai trang đăng thơ... Nga tha hồ cắt. Cứ thấy bài nào vừa ý là Nga cẩn thận cắt dán vào một tập giấy bìa cứng, thơm ngát mùi hoa lan và đầy hoa hòe, hoa sói. Giá tác giả những bài thơ trên biết được công việc làm của Nga, chắc phải xổ thêm ra một lô thơ nữa!
Tuy không bao giờ nói ra nhưng Nga vẫn thường ghen với các bạn. Ba má Nga không “phát lương” cho Nga như một số phụ huynh học sinh khác vẫn thường làm, Nga cho đó là một sự thiệt thòi ghê gớm. Những bạn Nga được lĩnh lương tháng như thế, có được một số tiền kha khá, muốn mua sắm cái gì cũng dễ. Có điều hơi khổ một chút là nếu đầu tháng lỡ thích chí mua sắm nhiều quá, giữa tháng rủi có hết tiền cũng “chịu khó” vậy, không xin ai được. Tuy vậy Nga vẫn thích, mà thích luôn cả cái tâm trạng những con bạn giữa tháng hết tiền. Một đứa tâm sự với Nga:
- Mày biết không, hôm nọ nghe rằng quyển “Người Việt cao quí” của ông Pazzi hay lắm, tao định mua, sực nhớ ra hết cả tiền rồi, đành ở nhà vậy. Mày không biết, những hôm hết tiền không bao giờ dám bước chân vào tiệm sách; lỡ vào đó thấy hay mà không có tiền mua thì khổ lắm! Suốt mấy ngày cứ ngẩn ngơ như phải bùa mê ý, không chịu được.
Chả là con nhỏ này ham đọc sách ghê lắm. Nga thấy cái sự túng tiền của nó có vẻ hay hay và... nghệ sĩ ghê.
Phần ba má thì không thế, cứ mỗi sáng thì ông bà phát cho Nga hai chục ăn điểm tâm, mà phải ăn ở nhà cơ. Ba bảo: “Con đến trường ăn uống vớ vẩn, đau bao tử thì khốn”. Nhiều hôm muốn mua cái gì, Nga phải để dành từng đồng một, bớt đi năm ba đồng trong phần điểm tâm của mình, cho tới ngày “đủ số”. Có hôm, chờ ba đưa tiền xong, Nga lén cất đi hết. Ba hỏi, Nga bảo: “Hôm nay con thấy hơi đau bụng”. Để dành được tới hai chục một lúc, khoái lắm! Nhưng lâu lâu mới dám làm một lần thôi, không có ba biết được âm mưu thì chết.
Ngoài ra cần mua sắm gì, Nga cứ việc nói với ba, ông sẽ cho tiền ngay, miễn vật mua sắm phải có ích lợi thực sự. Thành thử tuy Nga rất đầy đủ nhưng không bao giờ có tiền dư để mua những gì theo ý riêng mình. Nga rất thích thơ nhưng chưa bao giờ mua được một tập thơ mới phát hành. Muốn mua, Nga phải đợi chừng ba, bốn tháng sau tìm ở những hàng bán sách cũ ở đường Lê văn Duyệt, ở đó, những tập thơ bán với giá đồng hạng mười đồng một cuốn. Dù năm nay Nga mới học Đệ Tứ, chưa phải thi cử gì cả, nhưng ba má vẫn cứ muốn Nga phải thật chăm chỉ. Sợ Nga sao lãng việc học, ông bà không muốn Nga thích một cái gì cả. Bởi vậy dù thích thơ đến đâu, Nga cũng phải đợi đến trưa ba đi ngủ mới dám đem ra chép. Nga nghĩ mà buồn! Đối với giới nữ sinh Đệ Tam, Đệ Tứ, phong trào sưu tầm và phổ biến thơ rất mạnh, vậy mà Nga không được đương nhiên gia nhập cái phong trào đầy quyến rũ và... trí thức đó.
Đang chép dở bài thứ hai, Nga bỗng nghe tiếng huỳnh huỵch ở cầu thang, cô bé giật mình tưởng “ông cụ” lên kiểm soát. Hoảng hốt, Nga đút đại tập thơ đang chép dở vào ngăn bàn và nhanh tay lôi ngay quyển đại số để trước mặt, tay cầm bút mở sẵn, ra vẻ đang chăm chú học tập.
Nhưng Nga tẽn tò! Không phải “ông cụ” mà là ông anh quí hóa. Nga tức quá, nói dỗi:
- Bắt đền anh đó, làm Nga hết hồn!
Vừa nói Nga vừa để bàn tay lên ngực.
Oanh cười khì khì, tinh ranh:
- Hết hồn cái gì? Thôi đúng rồi! Cô lại chép thơ chứ gì? Thế cô không sợ tôi sao? Tôi mà xuống mách ba thì cũng như ba lên chứ gì.
Nga cười thật xinh làm lành:
- Ứ, ừ. Anh cứ trêu Nga hoài. Anh đừng mách ba cho Nga nhá.
Oanh lân la lại ngồi gần em:
- Ừ, thì có bao giờ anh mách em đâu. Để rồi anh phải chép cho Nga mấy bài thơ mới được.
Mắt Nga sáng lên:
- Anh nói thật nhá. Chữ anh đẹp lắm. Anh viết, em mang vào lớp khoe chắc tụi bạn nó lác mắt luôn.
Oanh được khen khoái quá cười khì khì làm Nga chỉ lo ba ở dưới nhà thức dậy, “suỵt” anh mấy lần. Oanh bô bô:
- Được rồi, anh hứa danh dự mà. À, Nga đang chép tập thơ gì đấy? - Liếc trên bàn - Ủa, tập thơ gì lạ quá, sao lại đặt tên là “Đại số”?
Nga cười khúc khích:
- Ấy, anh nói be bé chứ, ba mà thức thì chết. anh cứ giả bộ trêu Nga hoài. Nga đang chép tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” của Lệ Khánh đó. Anh có đọc thơ của Lệ Khánh bao giờ chưa?
Oanh nhà ta có biết thơ thẩn gì đâu, cũng chẳng cần biết Lệ Khánh, Lệ Khiết gì cả, nhưng sợ cứ thông thống ra mình chưa đọc thơ của một người mà Oanh đoán là được học sinh ưa thích, sợ Nga chê mình quê nên đành nói dối:
- À, anh đã đọc qua tập thơ em nói rồi. Kể ra thơ của ông Lệ Khánh cũng khá hay, ngôn ngữ cũng như vần điệu khá điêu luyện, chỉ có cái là mềm yếu quá mà thôi. Nhưng mà... em xinh thế này sao lại chép tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”?
Nga nghe rõ ràng Oanh nói là “ông Lệ Khánh” nhưng thấy anh phê bình chì quá nên cứ ngỡ là anh đùa, vả lại Nga cũng đang sung sướng vì được khen là xinh, nên không chú ý đến cái ngố vĩ đại của Oanh. Nga chớp mắt:
- Sao anh cứ trêu em hoài, em chả chịu đâu. Nhưng mà nếu em có xinh thật (Nga lại khúc khích cười) thì cũng có sao. Anh chẳng hiểu tâm lý bọn con gái tí nào, để em “a na ly” cho anh nghe: tụi em đứa nào cũng thích mình xinh hết, nhưng muốn ra vẻ mơ mộng đứa nào cũng thích làm ra vẻ cô đơn sầu mộng. Mà muốn cô đơn thì cứ phải tưởng tượng là mình xấu, không ai thèm chơi với mình. Thành ra bọn em đứa nào cũng thích thơ Lệ Khánh.
Oanh chỉ biết lắc đầu cười, anh chàng cảm thấy làm con gái mà sao sống khó khăn thế. Chả trách đã có người bảo: “Tôi hơi buồn vì Thượng Đế sinh ra tôi trong cảnh nghèo! Nhưng tôi cũng rất cảm ơn Thượng Đế vì Ngài đã cho tôi làm đàn ông”. Bây giờ, giá như Oanh làm con gái, chắc anh chàng không biết sống ra làm sao nữa.
Bỗng Oanh nhớ đến mục đích việc gặp Nga của mình. Anh chàng không cười nữa, tần ngần không biết bắt đầu thế nào. Mãi đến lúc Nga bắt đầu ngạc nhiên vì sự im lặng đột ngột thì Oanh mới tìm được câu “nhập đề”, một câu nhập đề theo kiểu... lung khởi:
- Thế Nga chép thơ với lại cắt thơ làm gì vậy?
- Thì để vào lớp khoe bạn.
- Eo ơi, thế bạn của Nga chỉ có trong lớp thôi à? Sao kém thế! Anh có những bạn học ở lớp khác, trường khác nữa cơ.
Nga cải chính ngay:
- Đâu, bạn Nga cũng nhiều lắm chứ. Nga quen cả mấy chị học Đệ Tam C buổi chiều nữa cơ, mấy chị này cũng có nhiều thơ lắm.
Thấy cơ hội đã đến, Oanh chuyển dần sang phần thân bài:
- Quen cả mấy chị Đệ Tam C nữa? Nga hay thật! Có hôm nào Nga lại lớp mấy chị ấy chơi không? Lớp đó chắc nhiều nữ sinh hơn nam sinh.
- Anh nói đúng đấy. Thì đã bảo Đệ Tam C mà. Con trai các anh mấy người thích học cái ban đó. Để Nga nhớ lại xem nào... Đúng rồi. Nam sinh chỉ chiếm dãy bàn ngoài cùng còn hai dãy trong toàn là các chị cả.
Thôi đúng rồi! Oanh ngồi dãy giữa, vậy thì buổi chiều chỗ của Oanh cũng có một cô nữ sinh “ngự trị”. Oanh đã qua được phần mở bài và thân bài, bây giờ đã biết được điều mình muốn biết, Oanh không biết kết luận ra sao nữa. May quá, Nga đã tiếp:
- Nga quen chị Thủy ở lớp đó. Úi giời, chị này có nhiều thơ ghê lắm, mấy tập thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử chị ấy đều có cả...
Oanh buột miệng:
- Chị Thủy à? Phải chị ấy ngồi ở đầu bàn thứ tư, dãy giữa không?
Nga mở to mắt:
- Phải đấy. Vậy ra anh cũng quen chị Thủy à?
Oanh chối phắt:
- Đâu có, tại nghe Nga nói dãy giữa của nữ sinh nên anh đoán chơi vậy thôi mà. Anh đoán đúng hả? Vì anh là thầy bói trứ danh mà.
Nói xong, Oanh lại giả bộ khì khì cười. Nga cũng định nói: “Anh chả nói em cũng biết. Cái mặt anh nó hãm tài thế kia, cô nào thèm quen với anh”.. Nhưng nghĩ thương hại anh, Nga lại thôi.
Bầu không khí đột nhiên im lặng. Lần này cố gắng lắm Oanh mới lại “nhập đề” được, tuy nhiên vì bí quá Oanh phải nhập đề theo kiểu trực khởi:
- Nga này...
- Gì anh?
- Nga... Nga... có cái khăn tay nào màu xám đỏ không?
Nga hơi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Có chứ anh, có tới hai cái cơ. Nhưng mà anh hỏi làm gì?
- Thì hỏi cho biết vậy. Mà Nga ơi, sao mẹ sắm cho Nga khăn đủ màu như thế, còn anh độc mỗi khăn tay xám của nhà binh Mỹ.
Nga cười:
- Chuyện, tại sao, tại anh là con trai chứ sao. Con trai đâu cần diện, đâu cần làm dáng. Chỉ học giỏi là khối người thích (Nga nói thế nhưng lại nghĩ khác). Thử anh là con gái như em xem, mẹ lại không sắm sửa cho anh hơn cả em đấy à?
Oanh chẳng cần nghe Nga trả lời ra sao, anh chàng lại gạ chuyện:
- Nga này...
- Dạ.
- À... Nga này...
- Em đã dạ rồi.
- Cho anh mượn khăn tay đỏ đi?
- Eo ơi, cho anh mượn rồi anh bôi bẩn đầy ra ấy à?
- Không, anh giữ thật là cẩn thận!
- Nhưng mà anh mượn làm gì chứ? Con trai dùng mùi xoa đỏ họ cười cho đấy. Hay mùi xoa anh bẩn hết rồi phải không? Để đó lát Nga giặt cho.
- Không, anh cần có một cái khăn đỏ.
- Để làm gì?
- Làm việc cần.
- Việc gì mà lạ rứa?
Oanh đã định quát, “việc gì thì kệ người ta, tò mò thế” nhưng anh chàng nghĩ lại: Nga chỉ thích ngọt thôi, cứ kheo khéo một tí thế nào cũng xong. Anh chàng liền thuỗn mặt ra như mặt “bò suôn”, bắt đầu phịa bằng một giọng rầu rầu:
- Thằng bạn anh sáng nay nó dám xỉ nhục anh một cách ác ôn, côn đồ, dã man, tàn nhẫn và vô nhân đạo. Trước một đám đông, nó dám hạ anh...
Nga nóng ruột:
- Nó đánh anh à? Trời ơi anh to như ông Hộ Pháp thế này mà bị nó hạ. Thế mấy miếng võ Vovinam chú Quỳnh dạy anh, anh để quên ở nhà à?
Giọng Oanh lại càng thêm rầu rĩ:
- Nga để yên anh nói hết cho mà nghe. Thằng khốn nào mà dám đánh anh, anh chỉ lấy trảo mã tấn, đúng 16 thành công lực tung ra ba chưởng là nó vỡ đầu, sứt tai ngay. Khổ một cái là nó đánh võ mồm, Nga ạ.
Nga hốt hoảng:
- Chết, nó cắn anh hả? Coi chừng nó bị chó dại cắn, nó nổi cơn đấy, khéo phải đi viện Pasteur anh ạ.
Oanh buồn cười quá, mấy lần đã định té ra cười rồi câu chuyện muốn ra sao thì ra, may quá anh chàng sì-tốp được:
- Không phải đâu Nga ơi! Sao em ngây thơ thế? Nó mà cắn anh thì anh... cắn lại chứ anh sợ gì nó. Võ mồm có nghĩa là nó mắng anh ý.
- A, Nga hiểu rồi. Mà nó bảo sao?
- Nó bảo nhà anh nghèo thành ra anh là một thằng vừa bần cùng vừa hà tiện nhất lớp. Thế rồi nó oang oang nói: “Chúng mày xem tao nói có đúng không? Cả đời nó cũng không mua được một cái khăn tay màu đàng hoàng, chúng mày để thử coi, nó chỉ chuyên dùng khăn tay xám phân ngựa”.
- Thế anh bảo sao?
- Anh tức quá, tuyên bố bừa là anh có một tá khăn tay đỏ ở nhà. Sở dĩ anh chuyên xài khăn tay xám là vì... rằng thì là... anh muốn... muốn biểu lộ rằng cái tâm hồn anh lúc nào nó cũng... đơn sơ, giản dị mà thôi. Rồi anh còn bạo phổi tuyên bố rằng ngày mai anh sẽ mang khăn tay đỏ đến lớp cho chúng nó xem.
Rồi Oanh hạ thấp giọng cho thêm phần thảm thiết:
- Nga ơi, ngày mai mà không có khăn tay đỏ mang đến lớp thế nào bọn quỉ con đó cũng phong cho anh cái chức “Nghèo và hà tiện nhất lớp”. Nói thật, anh đâu phải là người ham chức tước, nhất là cái chức nó định phong tặng anh...
Mặt Nga đỏ bừng, Nga tức lắm! Tên nào dám xỉ nhục anh Oanh? Nó hành động như vậy tức là nó đã gián tiếp “hạ” Nga. Nga đâu có chịu thế? Cô bậm môi ngắt lời anh:
- Được rồi, anh không việc gì phải lo. Nga chỉ có hai cái khăn đỏ nhưng nếu anh cần đem cho tụi bạn anh xem đến mười hai cái Nga cũng lo đủ cho anh. Xem nào: chị Yến nhà mình cũng có hai cái, con Ngân, con Vân, con Mai, bọn em đó đứa nào mà khỏi có vài cái. Nếu không đủ chiều nay em lại trường mượn chị Thủy...
Oanh giật mình. Anh chàng xua cả hai tay lia lịa:
- Không cần! Không cần! Anh chỉ muốn mượn Nga có một cái thôi. Chỉ cần cho chúng nó biết là anh không nghèo và hà tiện như chúng nó tưởng. Mình đâu có ý khoe của, nhất là của ấy không phải của mình.
Nga vẫn còn hậm hực nhưng thấy anh nói có lý, liền buông xuôi:
- Ừ thì thôi cũng được. Thế để Nga giặt cái khăn đỏ của Nga cho thật sạch, ủi kỹ lưỡng, “tẩm” nước hoa đàng hoàng, mai Nga đưa cho.
Oanh lại xua tay:
- Không cần! Không cần! Anh không thích bị mang tiếng là đỏm dáng. Nga cứ cho anh mượn ngay bây giờ, anh chạy lại nhà nó, ném cái khăn vào mặt nó cho nó biết. Nói xong, Oanh sợ câu nói của mình làm Nga phật ý, vội vàng cải chính:
- Không, anh quên! Anh sẽ chạy lại nhà nó, anh cẩn thận cầm cái khăn bằng hai tay đưa lên tận mắt nó, cho nó biết.
Oanh vừa nói vừa ra cử chỉ làm Nga phì cười. Cô lại tủ quần áo chọn một chiếc khăn đưa cho anh.
Oanh cười khì khì, đưa tay đỡ chiếc khăn, gật đầu luôn mấy cái. Nghĩ rằng đã đến lúc thưởng cho cô em dễ thương, Oanh nói:
- Bây giờ Nga nhắm mắt lại, há miệng ra, anh làm cái này hay lắm!
Nga dẫy nẩy:
- Ứ ừ! Kỳ quá!
- Có gì mà kỳ đâu. Anh hứa không có trêu, không có dọa gì Nga hết.
Rồi Oanh lấy giọng ngọt ngào:
- Nào! Chóng ngoan. Há miệng, nhắm mắt lại. Anh đếm đến ba thì phải xong đấy nhé. Đếm này: một... hai...
Nga xua tay:
- Xí! Xí! Nhất định không được dọa Nga cái gì nghe.
- Được rồi, yên chí đi. Miễn là Nga phải nhắm mắt cho thật chặt, không chơi trò “ti hí mắt lươn” đâu. Và miệng phải há rộng đến độ anh đếm được tất cả mọi cái răng.
Nga vẫn ngài ngại:
- Thì làm đây. Nhưng Nga vẫn sờ sợ...
Cô bé nhắm mắt thật chặt và há miệng. Sau khi quan sát thấy “địch” đã giữ đúng lời cam kết, Oanh thò tay vào túi lấy gói ô mai, tìm một quả to nhất bỏ vào miệng em.
Cô bé vừa kịp kêu “ái” một tiếng thì chất ngọt, chất mặn, chất chua từ quả ô mai thơm ngon đã tiết ra. Nga mở mắt, ngậm miệng, rồi reo lên:
- Ô mai! Cám ơn anh nhé. Ngon ghê gớm!
Oanh chìa túi ô mai ra phía trước, xoay cái dây cao su cho nó quay tít.
- Cho Nga đấy.
- Tất cả à?
- Ừ, tất cả.
- Sao anh không ăn?
- Anh muốn để dành cho Nga, anh biết Nga thích ô mai.
- Nhưng mà ở đâu anh có?
- Bạn nó cho.
- Bạn nào mà tốt thế?
- Mới quen.
- Chắc anh ấy giàu lắm nhỉ!
Oanh đã định cãi: “Không phải anh ấy” nhưng thôi được, bảo em:
- Chả biết nữa, nhưng Nga cầm đi.
Nga đón lấy túi ô mai, cảm động:
- Cảm ơn anh thật nhiều, nhưng anh phải ăn với Nga, không có Nga chả lấy đâu.
Rồi Nga tiếp:
- Anh đã biết rồi nhưng vẫn phải nhắm mắt, há miệng như Nga. Rồi chưa?
Oanh nhắm tít hai mắt lại. Cái miệng rộng quá khổ mở lớn. Nga bỏ vào miệng anh một quả ô mai lớn rồi cười rúc rích.
Hai hàng cây bên đường đứng bất động. Trời nắng chang chang. Nóng ghê đi! Nga nghiêng nghiêng vành nón sang bên che ánh nắng, bước vội vàng.
Nhà Vân kia rồi! Nó hiện ra rực rỡ với mái ngói đỏ chói dưới ánh nắng. Nga bấm chuông. Con Tô Tô chồm ra sủa ầm ĩ, nhưng thấy người quen nó lại thôi, kêu ủng oẳng.
Vân từ trong nhà bước ra, một tay khum lại che nắng, mắt hấp háy vì chói. Thấy bạn, cô bé reo to:
- Nga! Vui quá! Vào đây chơi. Nắng quá mà bồ cũng chịu khó lại thăm tui.
Vân mở cửa, Nga lách vào, lấy nón che đầu cho Vân:
- Sao không nói chú Hai ra mở cửa, Vân đang đau mà, coi chừng nằm luôn thì chết.
Vân cười ròn:
- Khỏe rồi bồ ơi. Bị cảm mất mấy ngày, hôm nay ăn trả bữa quá xá.
Đưa bạn lên phòng riêng, Vân bật quạt, rót nước:
- Uống cho khỏe đi bồ.
Nga táy máy ngồi nghịch con nai bằng thủy tinh Vân để trên bàn, rồi mở xách tay, lấy ra mấy quyển vở.
- Nè Vân, tập Vạn Vật với Lý Hóa, mình viết cho Vân rồi đây; còn quốc Văn thì mình mang tập của mình lại cho Vân chép. À, thầy Quốc văn hỏi thăm Vân đấy.
Chưa cầm vội mấy quyển vở, Vân hỏi:
- Thầy nói sao?
- Thầy hỏi cái cô bé Vân hay nghịch ngầm đâu rồi mà cả tuần không thấy đi học. Con Hà nói đùa là Vân ốm nặng sắp chết rồi, làm thầy tưởng thật, hỏi dồn mãi.
Vân cười:
- Con Hà như thế thì thôi. Tính trù yểu người ta chắc! Rồi sao nữa?
- Rồi mình phải nói thật là Vân chỉ ốm sơ sơ thôi, sắp khỏi, sắp đi học rồi. Lúc đó thầy mới yên tâm. Gớm! Học trò cưng có khác.
Rồi chợt nhớ, Nga vỗ vai bạn:
- Quên! Báo cho Vân một tin mừng: Bài luận văn thi đệ nhất lục cá nguyệt Vân đứng nhất đấy. Thầy đọc bài cho cả lớp nghe. Vân làm luận hay thiệt.
Rồi không để Vân kịp vui mừng, Nga hỏi ngay:
- Hỏi thiệt nhé! Thực đơn của Vân mỗi ngày gồm những gì mà Vân làm luận hay vậy?
Vân cười thật tươi, làm bộ bí mật:
- Suỵt! Khe khẽ chứ! Cái này gia truyền, chỉ nói cho mình Nga nghe thôi: thịt bò viên nè, bánh cuốn nè, sâm bổ lượng nè, ổi nè, me nè...
Cả hai cùng cười. Vân hỏi lại:
- Thế còn mỗi bữa Nga ăn những gì mà giỏi Lý Hóa thế?
Đến lượt Nga kê khai:
- Thịt bò khô nè, bò bía nè, chè khoai nè... và tráng miệng bằng ô mai.
Nói xong Nga lôi trong xách ra một túi ô mai.
Vân xuýt xoa:
- Ô mai ở đâu mà lớn ác vậy? Làm Vân “tiết tâm linh” quá xá đây nè.
Nga giả bộ lấy giọng người lớn:
- Tiết tâm linh thì cũng rán chịu. Ba mình nói ai mới khỏi đau, ăn phải ô mai sẽ đau trở lại, nặng hơn trước nữa.
Vân chẳng kém:
- Đúng rồi! Ba mình cũng nói vậy. Nhưng đó là trường hợp ăn một trái đó, còn ăn ba trái trở lên thì người lại hồng hào, mập mạnh, lên cân, sống lâu thêm ba tuổi.
Nga phá ra cười:
- Chịu Vân thôi! Đi học nghề quảng cáo thuốc Sơn Đông ở đâu hay vậy?
Đôi bạn chia nhau gói ô mai, ăn ngon lành.
Vừa ăn, Vân vừa hỏi:
- Ở đâu mà có thứ ô mai lớn như vậy hở Nga?
- Anh Oanh cho đó.
- Anh Oanh nào?
- Anh của Nga đó. Quên chưa nói với Vân, Nga có một ông anh, tên Oanh, anh ấy hiền ghê lắm, cưng Nga một cây!
Vân xuýt xoa:
- Thích quá nhỉ! Vân mong có một ông anh mà chả được.
Nga khoe:
- Mình còn có một ông anh nữa cơ, nhưng mà đi lính rồi.
Rồi chợt nhớ, Nga an ủi bạn:
- Nói vậy chứ, anh hay chị thì cũng vậy thôi. Như chị Thủy đấy, chị chả cưng Vân là gì. Trời ơi, Vân có người chị như vậy là nhất rồi.
Vân đổi buồn làm vui:
- Ừ, anh hay chị cũng thế, hé. Cứ cưng mình là được rồi.
Rồi Vân khoe luôn:
- Vân lại sắp sửa có một chị nữa cơ!
Nga ngạc nhiên. Vân lại tiếp:
- Chị đó cũng tên là Oanh, trùng tên với anh của Nga đó.
- Nhưng mà chị làm sao chứ?
Vân cười:
- Chị kết nghĩa. Thật ra là chị kết nghĩa của chị Thủy cơ, nhưng Vân là em của chị Thủy thì cũng sẽ là em chị Oanh.
Rồi Vân khoe:
- Chị ấy có cái tên đẹp lắm cơ: Mai Ngọc Oanh. Hay không Nga?
Nga giật mình, hỏi dồn:
- Chị ấy học ở đâu? Người như thế nào?
Vân vui vẻ đáp lời bạn:
- Chưa gì mà Nga đã có vẻ thích chị ấy rồi. Muốn làm em chị ấy không? Để rồi Vân giới thiệu cho. Chị ấy cũng học ở trường mình, học Nhị C. Còn người thì...
- Thì làm sao?
- Thật ra Vân cũng chưa biết rõ nữa. Nhưng chắc chắn là phải đẹp lắm. Nghe cái tên cũng đủ đẹp rồi. Chiều nay chị Thủy về là biết kết quả.
- Thế là làm sao?
Vân giơ tay:
- Yên, để Vân kể đầu đuôi cho mà nghe. Chuyện dài dòng ghê lắm. Thế này nhé: chị Thủy học buổi chiều, còn chị Oanh học buổi sáng.
Vân cử động bàn tay như thể tìm ý, tiếp:
- Lớp của hai chị ở cùng một phòng. Một hôm tình cờ chị Thủy bắt được một bài làm của người buổi sáng ngồi cùng chỗ để quên lại, mở ra thấy tên chị Mai Ngọc Oanh, chị Thủy là chị hai ở nhà nên rất thích có chị để mà làm nũng, mới viết thư làm quen với chị Oanh. Chị ấy bảo là viết hai cái thư rồi và thế nào hôm nay cũng gặp chị Oanh. Chị ấy nói để hôm nay về sẽ... thông báo kết quả.
Kể xong, Vân hỏi:
- Thế nào, Nga hiểu không?
Nga trả lời lơ đãng:
- Hiểu, hiểu...
Rồi hỏi lại bạn, ra chiều suy nghĩ:
- Hai chị gặp nhau có gì làm dấu hiệu không? Nếu không làm sao nhận ra nhau?
Vân nhanh nhẩu:
- Có chứ! Mỗi người sẽ cầm một cái khăn tay đỏ.
Nghe xong Nga thở dài, dáng điệu chán nản:
- Thôi! Đúng rồi...
- Đúng làm sao?
Nga để bàn tay rơi xuống bàn đến bịch một cái, bảo bạn:
- Điều này Nga nói không biết có đúng hẳn không, nhưng có vẻ xác đáng lắm. Cần nhất Vân phải yên lặng, đừng ngắt lời Nga, chịu không?
Vân quả quyết:
- Chịu.
Nga bắt đầu:
- Nga đoán rằng chị Thủy đã lầm, chả có chị Mai Ngọc Oanh nào học lớp Đệ Nhị C cả.
Ngừng một chút dò phản ứng của bạn, Nga tiếp:
- Chỉ có một ông con trai tên Mai Ngọc Oanh học lớp Đệ Nhị C, ông con trai đó là anh Oanh của Nga.
Quên mất lời cam kết, Vân chen vào:
- Làm sao Nga biết?
Giữ tay bạn, Nga điềm nhiên bảo:
- Yên, để Nga nói tiếp cho mà nghe: trưa hôm nay anh Oanh phịa ra một câu chuyện để mượn Nga một chiếc khăn đỏ, dấu hiệu nhận nhau của chị Thủy và chị Oanh tưởng tượng nào đó. Một lý do. Trong câu chuyện loanh quanh với Nga, anh ấy có nhắc đến tên chị Thủy. Nga hỏi anh có quen chị ấy không, anh ấy chối phắt. Hai lý do. Khi Nga bảo để đến mượn khăn tay đỏ của chị Thủy đưa cho anh ấy, anh ấy có vẻ hoảng hốt và gàn lấy gàn để. Ba lý do.
Mấy lý do đó cho phép Nga kết luận rằng chả có chị Oanh nào học lớp Nhị C cả, chị Thủy lầm đấy. Nguyên do chỉ bởi ông anh của Nga có cái tên liễu yếu đào tơ quá. Thế thôi.
Đến lượt Vân thở dài, cô bé gõ mấy ngón tay trên bàn, chậm chạp:
- À, ra thế!
Nga bàn:
- Nhưng mà có lẽ lát nữa chị Thủy về, Vân đừng có hỏi hay nói gì hết, chị ấy xấu hổ tội nghiệp.
Vân gật đầu bằng lòng nhưng bảo bạn:
- Có lẽ chính chị ấy lại nói với Vân cũng nên. Chị ấy thành thật lắm, nhất là với Vân.
Nga đứng lên:
- Thôi, Nga về.
Vân giữ tay bạn lại:
- Về làm gì sớm thế? Ở chơi với Vân chút xíu. Hay... chờ chị Thủy về luôn xem sao.
Thấy bạn còn ngần ngại, Vân tiếp luôn:
- Trong khi chờ đợi thì tụi mình lấy lý hóa ra làm.
Nghe nói đến lý hóa, Nga vui vẻ ngồi xuống ngay. Chả là Nga rất giỏi lý hóa và xem việc làm lý hóa như một môn giải trí lành mạnh. Vân biết cái tính ấy nên đánh trúng tâm lý bạn ngay.
Vân vừa đi ra phía cửa, vừa nói:
- Chờ Vân chút xíu nghe.
Còn lại một mình, Nga ngồi vơ vẩn trong phòng. Nhưng chỉ lát sau Vân đã vào ngay, hai tay bưng khệ nệ mấy chiếc dĩa, tươi cười:
- Kẹo này, bánh bích quy này, đậu phộng da cá này, mứt quất này, cộng thêm ô mai lúc nãy nữa, tụi mình phải dọn cho hết đó.
Vân rất hiểu bạn và săn sóc bạn một cách rất tế nhị. Sở dĩ Vân dọn nhiều “món ăn chơi” như vậy vì nhớ hôm nào Nga nói cho Vân nghe về những thói quen của mình. Hôm ấy Nga bảo:
- Lúc mà Nga làm bài ấy à, ít nhất phải có một đĩa bánh kẹo để trước mặt. Nga cứ cắm cúi làm, nhưng đến lúc nào... tắc tị là phải ăn một miếng bánh hay ngậm một viên kẹo để... hỗ trợ tinh thần. Nhờ vậy mà Nga làm xong bài, ngon lành như ăn bánh kẹo.
Vân reo lên:
- A, cái thói quen của Nga hay quá nhỉ, mà lại thực tế nữa.
- Chả biết hay hay dở, chỉ biết là tốn tiền lắm.
Hôm nay nhớ lại câu chuyện nói với nhau từ dạo nào, Vân dọn ra đủ món. Vừa để mấy đĩa bánh kẹo lên bàn, Vân vừa nói:
- Mấy thứ này dùng để hỗ trợ tinh thần cho tụi mình.
Nga cười theo bạn:
- Nhưng mà nó “đông” quá, coi chừng tinh thần mình lại làm nô lệ cho nó thì có.
Vân đã bắt đầu thu dọn lại bàn cho gọn ghẽ rồi lấy sách vở ra. Cả hai cắm cúi làm bài.

*

Cho chiếc khăn tay vào tận đáy túi quần, Oanh hăm hở leo lên con ngựa sắt, đạp lấy đạp để. Vừa đạp Oanh vừa dùng phương pháp tự kỷ ám thị, anh chàng lẩm bẩm luôn miệng:
- Phải can đảm! Không có gì đáng sợ!
Chán câu đó, Oanh chuyển sang câu khác:
- Tôi là người can đảm! Tôi chả biết sợ là gì. Tôi không ngán ai hết.
Vài đứa bé đi đường chỉ chỏ Oanh rồi cười với nhau. Chắc chúng nó tưởng Oanh là một ông điên hay một ông say rượu.
Sự thật thì không có gì đáng sợ cả, đúng như câu tự kỷ ám thị của Oanh. Oanh cũng biết vậy, nhưng trong lòng cũng thấy ngan ngán. Oanh cũng không biết tại sao! Tại mình không quen tiếp xúc với các cô? Cũng có thể, nhưng trong lớp, mỗi khi cần nói chuyện với “bọn họ” mình có sao đâu. Còn hôm nay thì... nó như thế nào ấy. Bởi vậy Oanh mới phải dùng đến phương pháp tự kỷ ám thị để trấn an tinh thần.
Lúc nãy, mượn được chiếc khăn đỏ của Nga rồi, Oanh nghĩ như vậy là xong chuyện, nhưng đến lúc ra đường Oanh mới thấy là chuyện chưa xong, chắc chắn còn hứa hẹn nhiều rắc rối về sau.
Đã gần tới trường, Oanh nhìn thấy từng đoàn học sinh lũ lượt trong ánh nắng gay gắt, những tà áo trắng phất phơ trông đẹp tệ, người ta ví như những cánh bướm tung tăng kể cũng không quá. Hình ảnh đoàn nữ sinh vui bước đến trường có một vẻ đẹp hồn nhiên, làm tươi mát phố phường.
Các ông nam sinh ít đi bộ, phóng xe ào ào dưới đường. Một thằng bạn học cùng lớp năm ngoái, thấy Oanh đang thẫn thờ đạp xe, nó ngoái cổ lại gọi ầm ĩ. Oanh giật mình, thấy mình như một tên bất lương làm điều phi pháp bị bắt quả tang.
Đến cổng trường, Oanh đã giơ tay làm hiệu để qua đường, nhưng không biết làm sao, Oanh lại đạp dấn mấy cái phóng xe đi thẳng. Đi rồi, Oanh thấy trong mình có một cảm giác khó chịu, bứt rứt. Anh chàng nghĩ:
“Sao mình lại không vào trường nhỉ. Trời ơi, mình mà lại nhát thế cơ à!”
Nhưng Oanh biết không phải mình nhát, có gì mà sợ đâu, chỉ có... như thế nào ấy! “Hay là quay lại” Nhưng Oanh bỏ ngay ý định đó, quay lại bây giờ thì còn quê hơn nữa, và rồi Oanh quyết định đi luôn.
Chắc bây giờ Thủy đang chờ ghê lắm, nghĩ cũng tội nghiệp. Oanh nghĩ mai vào lớp mình cũng phải một lần chơi cái trò con gái là viết thư bỏ hộc bàn. Oanh sẽ can đảm viết, đại ý rằng: “Cô Thủy ơi, tui là con trai đó chứ không như cô tưởng đâu. Vậy thì cô nghỉ tui ra luôn đi, đừng có viết thư và gởi quà cho tui nữa”. Chỉ vài hàng như vậy là xong, thế là tâm hồn Oanh sẽ bình an, không phải lo nghĩ, thắc mắc cái gì hết. Ừ, chỉ có thế thôi mà mấy hôm nay Oanh nghĩ không ra! Dĩ nhiên viết một cái thư như vậy thì lòng mình có hơi buồn đấy, nhưng Oanh là một người can đảm cơ mà (Oanh nghĩ thế), Oanh sẽ coi cái buồn không ra kí lô nào cả, nó sợ quá nó phải bỏ đi, thế là xong.
Nhớ rằng mình còn mấy chục trong túi, tiền này mẹ mới giấu ba dúi cho hôm qua, Oanh nghĩ cách tốt hơn là mình nên vào một rạp chiếu bóng...
Mấy giờ đồng hồ sau, Oanh lững thững ra khỏi rạp, lòng thảnh thơi khoan khoái. Phim hay và vui quá, anh chàng thích chí ngồi xem tới hai lần. Ít khi Oanh xem lại như thế. Oanh nghĩ tới những thằng bạn, có hôm vô công rỗi nghề, vác một cây bánh mì dài gần bằng cây mía vào rạp hát, rồi cứ thế vừa ăn vừa xem suốt năm sáu tiếng đồng hồ! Khiếp thật! Oanh thì chẳng có ngày nào được rỗi rảnh như thế. Oanh bận rộn suốt ngày! Ngoài việc học, Oanh vẫn phụ ba mẹ làm công việc nhà, nhất là nếu chạy chỗ này chỗ khác thì chỉ có Oanh là nhanh nhẹn nhất. Nhận được “lệnh” của ba, Oanh thót ngay lên con ngựa sắt, phóng một mạch, lát sau trở về không một chút mệt mỏi, lại còn có vẻ khỏe ra là khác. Đạp xe là một môn thể thao thanh nhã và kết quả bảo đảm nhất, Oanh vẫn nghĩ thế.
Bây giờ thì Oanh nhà ta lại lững thững đạp xe về nhà, vừa đạp vừa nghêu ngao nho nhỏ bài “Nắng chiều”. Oanh có cái tật, cứ đạp xe là phải lâm râm cái miệng, không nói lảm nhảm thì cũng hát vớ vẩn. Nhiều khi thấy cũng kỳ kỳ, Oanh muốn bỏ nhưng không được.
Đường về nhà phải qua trường, lòng Oanh đang vui vẻ, phơi phới, bỗng nhiên lại thoáng buồn rầu. Anh chàng nhớ đến câu chuyện buổi trưa. Tuy đã nhất định là ngày mai, cứ viết cho cô Thủy nào đó cái thư “tự xưng” mình là con trai là xong chuyện, Oanh vẫn thấy nghĩ ngợi về câu chuyện ấy, khó mà yên tâm được.
Trường đã tan học được một lúc lâu, đường chỉ còn thấp thoáng một vài tà áo trắng về chậm, và ở trường, hình ảnh đơn lẻ của mấy cậu nhỏ đệ thất, đệ lục đang chờ anh chị đến đón về ấy làm Oanh thêm buồn.
Qua một khúc rẽ, đường vắng hẳn. Để đánh tan cái buồn đang xâm chiếm, Oanh hát to bài “Dừng bước giang hồ” và nhún nhảy trên yên xe. Oanh cho rằng khi cả con người mình hoạt động một cách hăng hái thì cái buồn không thể nào quấy rầy mình được nữa. Nhưng hát chưa trọn bài Oanh đã nín bặt! Cái cảnh trước mắt làm Oanh khó chịu và bực mình: Hai tên con trai chở nhau trên một chiếc Mobylette đang rề rề theo sát một cô nữ sinh áo trắng đi nép vào vệ đường, thỉnh thoảng hai tên lại cười lên hô hố coi rất... đểu. Cái cảnh thật ngứa mắt. Oanh khó chịu và bực mình, một phần tội cho cô học trò nọ, chắc là cô bé đang sợ lắm, một phần nữa cảm thấy bị nhục lây vì hành động của hai tên nọ, chắc chắn trong khi sợ hãi, cô bé kia cũng cảm thấy khinh bỉ bọn con trai. Chỉ nghĩ đến thế, Oanh đã thấy nóng mặt. Không thể trách cô học trò được vì quả nhiên “bọn con trai” đang theo chọc phá cô với những cử chỉ lố bịch.
Oanh bắt kịp “bộ ba” bất đắc dĩ này một cách dễ dàng, gần đến nơi bỗng thấy cô học trò đứng hẳn lại, nói lớn:
- Lần cuối cùng tôi nói cho hai anh biết, nếu hai anh còn theo chọc phá tôi, tôi gọi cảnh sát cho mà xem!
Cả hai tên cười phá lên, một tên vừa cười vừa nói:
- Cô bé nói cái gì mà giận dữ thế? Ở đây làm gì có cảnh sát. Với lại chuyện chúng mình đang vui vẻ, đem cái nhà ông cảnh sát vào làm gì cho nó mất vui.
Đã bực sẵn, nghe nói càng thêm lộn ruột, tuy nhiên Oanh nghĩ: “Đầu tiên thử dùng chiến thuật mềm dẻo xem sao”... Nghĩ thế nên Oanh nói với hai tên kia:
- Này hai anh, để cho cô ta về chứ, muộn rồi. Với lại hai anh cứ làm như thế, vô tình xui cho cô ta khinh bọn con trai tụi mình đấy.
Hai tên kia hơi giật mình, nhìn Oanh nhưng thấy Oanh bé hơn mình, cả hai cười rộ. Tên mặc áo xanh bảo:
- Chú nhỏ, đi chỗ khác cho người lớn làm ăn, lộn xộn tụi này đánh chết bỏ à.
Máu nóng bốc lên mặt, Oanh cố gắng lắm để giữ giọng ôn hòa:
- Chúng ta nói chuyện lịch sự với nhau, yêu cầu hai anh đừng dùng lời nói kiểu du đãng.
Nhưng câu nói này không những không làm cho hai tên kia “lịch sự” hơn chút nào. Trái lại, khi nghe xong, một đứa chửi thề luôn miệng rồi xấn xổ:
- À, thằng này ngon. Tụi tao đánh chết mẹ mày.
Giọng Oanh vụt cứng như thép:
- Tôi không muốn đánh nhau, nhất là đánh nhau vì chuyện các anh chọc phá đàn bà con gái. Nói thật, hai anh nên về đi thì hơn. Còn nếu các anh ngoan cố, tôi sẵn sàng tiếp.
Oanh đưa mắt nhìn quanh rất nhanh, đường vắng không một bóng người mà trời đã gần tối. Oanh bảo cô gái đang đứng nép vào một gốc cây lề đường:
- Cô đi về trước đi, để tôi giữ chân hai ông bạn này cho.
Nhưng một đứa trong bọn đã nhảy lại gần lề đường, ngăn:
- Cô em đừng đi đâu hết! Cứ đứng đây xem tụi anh mần thịt thằng nhỏ ngu ngốc này.
Phần cô học trò nhỏ, cô cũng không muốn về, tuy trong lòng lo sợ vô cùng. Cô cảm thấy mình mang một phần trách nhiệm lớn trong cuộc đụng độ này, cô về làm sao đành, nếu chẳng may cái người đến can thiệp kia bị thua. Mà chuyện đó dễ xảy ra lắm, anh ta chỉ có một mình, trong khi hai tên kia đều to lớn hơn anh ta cả. Cô thấy một cái gì uất ức dâng lên cổ và đôi mắt đã đỏ hoe.
Trong lúc đó đầu óc Oanh lại vang lên mồn một những điều luật thật cao đẹp mà Oanh đã lấy đó như một phần lớn lý tưởng đời mình.Hơn ba năm Oanh theo học một cách kín đáo ở võ đường Vovinam, cả nhà không ai biết chỉ trừ có Nga biết lờ mờ anh mình võ vẽ vài thế đòn, vì thỉnh thoảng Nga thấy anh tập lại những thế võ vào những lúc tối, chỉ còn hai anh em thức trên lầu học bài. Nga có hỏi, Oanh bảo là được anh Quỳnh, anh của một người bạn chỉ cho.
Sự thật thì không thế, Oanh là một võ sinh xuất sắc của võ đường Vovinam, và võ sư Quỳnh (chứ không phải anh Quỳnh, anh của một người bạn như Oanh nói với Nga) đã coi Oanh như học trò ruột, hết sức truyền dạy cho Oanh những thế đánh lạ lùng và hiểm hóc để khắc chế các thế đánh của các môn võ khác. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên Oanh đụng độ thật sự. Trận đánh bắt đầu mau lẹ, một đứa đứng giữ xe, còn tên to hơn nhào lại phía Oanh, Oanh hất chiếc xe đạp cho ngã chổng chơ lên lề đường, bình tĩnh thủ thế.
Đối phương ra tay trước, “niềm nở” với hai đòn nhu đạo nhập môn, Oanh tránh được cả. Địch nhập đòn thứ ba đưa Oanh vào thế và quật. Oanh nhận thế quật đó, nhưng khi thân hình chưa rơi xuống đất, Oanh xòe bàn tay phải đập mạnh vào cạnh sườn địch, vừa lúc mình chạm đất, Oanh lộn một vòng, đứng dậy, không đau đớn chút nào.
Tên kia có vẻ nao núng và đau đớn vì cái đập của Oanh vào cạnh sườn. Nhưng chỉ một thoáng sau, hắn gầm lên xô thẳng vào người Oanh, đấm đá túi bụi, hắn đánh khi thì có thế đàng hoàng, lúc lại đánh loạn xa. Trước tình thế đó, Oanh chỉ dùng tài lanh lẹ để tránh né. Lúc thường coi Oanh lù khù, chậm chạp bao nhiêu, bây giờ Oanh nhanh nhẹn bấy nhiêu khiến cho đòn của đối phương tung ra chỉ đánh vào không khí.
Cho địch tha hồ múa may quay cuồng một hồi, Oanh nghĩ đã tới lúc kết thúc trận đấu, liền bất chợt hét lên một tiếng lớn, liên tiếp dùng hai đòn chân tuyệt đẹp nhắm vào đầu và chân đối phương, hai đòn đó đều trúng đích, địch hoảng hốt nhảy lùi ra xa, tìm đường thoái lui.
Nhưng nhanh như một con én, Oanh chao mình tới, cánh tay giang rộng, quạt mạnh bàn tay cứng như thép vào sườn địch khiến hắn lăn ra đất. Đứng trên lề đường, cô bé học trò rú lên sợ hãi, Oanh quay lại bảo im.
Thật ra cả ba đòn kết thúc, Oanh đều không dùng hết sức mạnh và cố ý đánh chệch đi một chút, nếu không có thể đã gây ra án mạng. Nhận ba đòn vừa rồi, địch chỉ đau điếng và ê ẩm toàn thân trong ba, bốn ngày chứ không đến nỗi nguy hiểm.
Tên còn lại định xông vào tiếp cứu nhưng Oanh đã nhảy ra xa nói lớn:
- Quả thực tôi không muốn hại các anh đâu, hai anh đưa nhau về đi, chúng ta hòa...
Nếu có một mình Oanh, chắc đề nghị đó được chấp thuận ngay, phiền một cái là lại có cô bé học trò xinh xắn đứng kia, bỏ cuộc, dắt díu nhau đi thì có vẻ bẽ bàng quá. Thành thử tên kia làm gan, liền liều mạng xô lại phía Oanh, tới tấp tung ra một loạt đòn. Oanh chỉ tránh và lựa lúc địch sơ hở, Oanh đá mạnh vào mắt cá chân địch, giữa lúc tên nọ co chân lên định đạp vào ngực Oanh. Đau điếng, hắn ngồi xệp ngay xuống đất.
Cô bé học trò vẫn đứng ở vệ đường, cái xe đạp đã được cô dựng lên, dựa vào gốc cây tự lúc nào.
Oanh lại gần, mặt cô bé tái xanh vì sợ hãi. Oanh thấy tội nghiệp, bảo:
- Tối rồi, để tôi đưa cô về.
Nhìn chiếc xe đạp cũ rích của mình, Oanh hơi xấu hổ, nhưng vẫn tiếp:
- Cô chịu khó ngồi sau cái xe đạp cũ này vậy,
Cô bé ngoan ngoãn nghe lời, Oanh đạp xe phóng như bay. Cho xe quặt sang đường khác, Oanh mới hỏi:
- Nhà cô bé ở đường nào, bây giờ phải chỉ lối cho tôi đi chứ. Cô bé trả lời, rồi lo sợ hỏi thêm:
- Nhỡ bọn chúng nó đuổi theo thì sao? Mình đi xe đạp, bọn chúng có mobylette.
Oanh cười:
- Cô đừng lo, nhận mấy đòn vừa rồi, bọn chúng không thể đuổi theo mình được.
Không ngờ câu trả lời đó làm cho cô bé hoảng sợ:
- Eo ơi, như vậy chúng nó có... chết không hở anh? Nó mà chết thì ghê quá, tội nghiệp, mà mình cũng bị phiền phức nữa.
Oanh phải trấn an ngay:
- Không sao đâu, chỉ chừng mười hay mười lăm phút nữa cả hai có thể đứng dậy chở nhau ra về, tuy vẫn còn đau đớn nhưng không nguy hiểm. Tôi chỉ có ý làm cho bọn đó không thể đuổi theo mình gây thêm phiền phức thôi.
Rồi Oanh hỏi luôn:
- Mà sao cô đi học về muộn vậy? Giá tan trường về ngay, nhiều bạn bè thì ai dám làm gì!
Nghe câu hỏi có vẻ trách móc, cô bé ngập ngừng:
- Tại... tại... (cô bé không biết xưng hô thế nào) tại ở lại chờ một người bạn mới quen.
Rồi cô tiếp, giọng buồn bã:
- Nhưng mà người ấy lại chẳng đến.
Cả hai im lặng. Oanh cứ cho xe rẽ dọc rẽ ngang theo lời “hướng đạo viên” ngồi sau xe. Lát sau, cô bé chợt bảo:
- Tới rồi, cái nhà có cổng xanh ấy... Đúng rồi... anh đậu lại đi.
Oanh hãm phanh chờ cho cô bé xuống xe rồi chào:
- Thôi, tôi về, lần sau đi học cô nhớ về sớm với các bạn nhé. Đi một mình nguy hiểm đấy.
Nhưng cô bé nắm lấy ghi đông xe đạp:
- Không, anh vào nhà chơi chút đã.
Oanh chỉ muốn về, vì trời đã tối, thú thật:
- Tôi phải về, không có... ba mẹ tôi mắng.
Cô bé nhìn mặt Oanh, lém lỉnh:
- Anh mà về bây giờ càng bị ba mẹ mắng thêm. Eo ơi, mặt mũi tay chân anh lem luốc như mới đi ăn trộm gà ấy. Thôi anh chịu khó vào nhà chơi, rồi rửa sạch mặt mũi chân tay đi đã, xong xuôi hãy về trình diện.
Oanh đành nghe lời vậy, tuy bước xuống xe mà lòng vẫn còn xốn xang. Ít khi Oanh về tối, lần này về thế nào cũng bị mắng, có khi còn bị đòn là khác, vì ba rất nghiêm.
Cô bé nhận nút chuông. Tiếng chuông kêu rộn rã và một đám người chạy ra, kèm theo hai con chó.
Mắt Oanh hoa lên! Hình như trong đám người đó có cả Nga, em Oanh.
Trời tối, Oanh sợ nhìn lầm, cứ căng mãi mắt ra. Nhưng đúng là Nga rồi, không lầm vào đâu được.
Có tiếng đàn bà:
- Trời ơi, sao con về trễ vậy Thủy? Ba đang giục chú Hai lấy xe đi tìm con đấy.
Rồi chợt nhìn thấy Oanh, giọng người đàn bà chậm lại, ngập ngừng:
- Còn... ai đây... Thủy?
Trong lúc đó cô bé Nga bấm bạn đang đứng bên cạnh, giọng ngạc nhiên:
- Ơ, anh Oanh của Nga đó Vân ơi. Sao mà hai người lại thân nhau lẹ thế.
Còn Vân thì cứ mở to đôi mắt con nai vàng ngơ ngác hết nhìn chị lại nhìn nhân vật lạ lùng kia. Cô bé quay sang nói với bạn:
- Tôi cũng chả hiểu ra làm sao cả.
Cô bé học trò (được gọi là Thủy) giục mẹ:
- Ơ, anh bạn mới của con đấy, nhưng mẹ mở cửa cho con đã, rồi vào nhà con kể chuyện cho.
Tiếng khóa mở lách cách, cánh cổng được mở rộng. Thủy đưa mắt nhìn Oanh:
- Vào chơi đi anh.
Oanh nhà ta thẫn thờ dắt xe vào sân giữa một đoàn người xa lạ, trừ Nga. Cô bé lại gần anh, nói nhỏ:
- Cái khăn tay đỏ của em coi vậy mà có hiệu quả gớm nhỉ!
Rồi cô tiếp:
- Người quen cả ấy mà. Em là bạn Vân, em chị ấy.
Nga chỉ Vân cho Oanh, Vân đang đi cạnh Thủy, hai chị em thầm thì cái gì không rõ.
Tất cả tụ tập ở phòng khách. Ba nhìn Thủy, nhìn Oanh như có vẻ dò hỏi. Bây giờ mới là lúc Thủy được kể lại câu chuyện xảy ra trên đường về học một cách rành mạch. Mẹ Thủy thì mặt cứ xanh đi và biến đổi theo lời nói của con, còn ba Thủy yên lặng ngồi nghe. Nga nhìn Vân, cả hai cùng cười.
Nghe xong, cả ba lẫn mẹ Thủy đều cảm ơn Oanh rối rít làm mặt anh chàng cứ đỏ như gấc chín. Nga chen vào:
- Dạ, có điều này chắc hai bác chưa rõ: anh Oanh là anh ruột cháu đấy.
Mẹ Thủy vui vẻ:
- Thế à! Thật là tình cờ.
Rồi bà tiếp:
- Thật là may, không có cậu ấy thì chẳng biết thế nào nữa.
Mọi người đều giục Oanh rửa mặt, rồi ăn cơm. Ai nấy đều trút hết lo âu và cảm thấy đói tợn.
Sau bữa cơm, bốn người ra phòng khách. Oanh vẫn còn có vẻ ngượng ngập, nhưng cảm thấy được tự do hơn trước. Qua câu chuyện, dần dà cả Thủy, Vân, Nga, Oanh đều hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện rắc rối mà từ trước mỗi người chỉ hiểu được một phần.
Vân vui vẻ:
- Vân cứ mong có được thêm một chị, bây giờ không thêm được chị nào nhưng lại có anh càng vui.
Có Thủy là cảm thấy ngượng. Thủy không ngờ trước giờ mình cứ viết thư gọi một vị húi cua bằng chị ngọt sớt.
Câu chuyện tuy kết thúc một cách bất ngờ, nhưng thật vui, đầy đủ cả hỉ, nộ, ái, ố...
Oanh thò tay vào túi, lấy ra cái khăn tay đỏ trả Nga. Cả bốn cười ròn.
Oanh nói với Thủy:
- Xin lỗi Thủy nhé! Tại Oanh mà Thủy về trễ, bị một lần hú vía.
Hai anh em Oanh, Nga vào chào ba mẹ Thủy, Vân để về. Mẹ Thủy bảo:
- Tối quá rồi, thôi để bác nói bác tài lấy xe đưa hai anh em về.
Vân xin mẹ:
- Mẹ cho con với chị Thủy đi theo với, để nói rõ sự thể cho ba mẹ Nga biết, không có anh Oanh với Nga bị mắng, tội nghiệp.
Oanh ngập ngừng:
- Còn...
Mẹ Thủy hiểu, nói ngay:
- Cái xe đạp phải không? Cho nó vào thùng xe hơi ấy, rồi buộc lại.