Phá cỗ


Ba nước cờ

     gọc đến chơi nhà Kim thấy trên bàn có cái hộp Nhật Bản xinh xắn. Chàng cầm ngắm nghía khen ngợi nét vẽ, rồi mở ra xem: hộp đựng một quân cờ ngà đã lên nước.
- Trời ơi! Anh cao cờ lắm nhỉ?
Kim cười:
- Sao anh biết tôi cao cờ?
- Không cao mà lại chơi quân cờ ngà?
Ngọc đem kể cho bạn nghe câu chuyện cổ tích:
- Ngày xưa một tay danh kỳ có ba bộ quân cờ: bộ sừng để tiếp những khách đánh năm đồng (người ấy chỉ đấu cờ tiền), bộ xương để tiếp khách đánh mười đồng và bộ ngà để tiếp những ông khách đánh từ hai mươi đồng trở lên.
Kim lại cười:
- Vì thế mà anh biết tôi cao cờ đây?
Ngọc kể tiếp:
- “Một hôm có người đến xin đấu cờ. Người ấy nói chỉ mang theo đúng năm đồng, nhưng nếu chủ nhân ưng tiếp bằng bộ quân ngà thì xin hầu một ván, vì xưa nay chưa từng chơi quân sừng hay quân xương bao giờ.
Chủ nhân nghe nói biết khách là tay kỳ tài liền đem bộ quân ngà ra tiếp. Hai bên mới đi được ba nước, thì khách không nhìn tới bàn cờ nữa, ngửng lên hỏi thăm gia đình chủ nhân, rồi liên miên bàn về kỳ sử, kỳ trận, đến nỗi chủ nhân phải nhắc:
- Nhưng mời ngài đi...
Khách mỉm cười hỏi:
- Còn đi nữa kia à? Tưởng ngài biết rằng ngài thua rồi.
Chủ nhân xin vào nhà trong nghĩ lại. Loay hoay gần nửa ngày bàn tính với con, chàng ra xin chiu thua,
- Vâng, bốn mươi nước nữa, tôi sẽ bị thua về nước pháo bí.
Khách gật gù:
- Ngài tính được đến bốn mươi nước, kể đã khá lắm. Tính riết ra thì phải bốn mươi ba nước”.
Câu truyện cổ tích làm hai người cười ngất. Rồi Kim mời Ngọc đấu một ván cờ để đọ tài cao thấp.
- Vậy anh bảo đem bàn ra.
Ngọc yên trí rằng Kim đã có bộ quàn cờ ngà như thế kia, thì chắc chắn cái bàn cờ cũng chẳng phải là cái bàn cờ tầm thường. Nhưng chàng kinh ngạc biết bao khi thấy bạn mở ngăn kéo lấy ra một tờ giấy bìa mỏng gấp đôi mà nói rằng:
- Bàn cờ đây.
Những quân cờ ngà bày ra lên trên tờ bìa nâu trông không có một chút mỹ thuật nào.
Đi được ba nước - cũng đi được ba nước như trong câu chuyện cổ tích - Ngọc dừng cuộc đấu, ngừng lên bảo Kim:
- Sao anh chẳng sắm lấy một cái bàn cờ bằng gỗ lát, gỗ gụ, hay gỗ trắc chẳng hạn. Đánh bàn cờ giấy không những phí bộ quân ngà, mà lại mất hết cả nước cao.
Kim mỉm cười:
- Ấy, trước tôi vẫn có một cái bàn cờ bẳng gỗ gụ đẹp lắm.
- Thế bây giờ đâu?
- Tôi dùng làm mặt bàn ngủ rồi.
- Sao lại dùng bàn cờ làm mặt bàn ngủ? Anh thích ngủ hơn đánh cờ?
- Cũng chẳng thích hơn, nhưng vì một cớ quan trọng.
Ngọc tò mò hỏi:
- Có thể cho tôi biết cái cớ quan trọng ấy được không?
- “Sao lại không được. Có gì đâu. Một hôm tôi đến chơi anh Thuyết. Tới nhà không thấy Thuyết đâu. Nhưng dưới sập, nằm bên cạnh nhau hai đôi giầy, hai đôi giầy ta lớn nhỏ khác nhau.
Tôi ngẫm nghĩ: ‘Quái! Sao lại hai đôi giầy!’
Bỗng nghe có tiếng ‘huỵch huỵch’ ở sân sau. Tôi chạy vội ra.
Một cảnh tượng rất kinh dị, rất buồn cười, rất đau đớn, rất ngộ nghĩnh, rất hài hước hiện ra trước mắt tôi: hai người một tay dằng co cái bàn cờ, một tay giơ lên đấm vào đầu nhau.
Tôi đến gỡ ra thì là anh Thuyết và anh Ngôn.
Tôi hỏi:
- Các anh điên à?
Anh Thuyết vừa thở vừa đáp:
- Anh tính thế này thì có tức không. Mới ra quân được ba nước, tôi đặt lầm quân xe vào chân mã nó, chưa kịp buông tay lên nó đã vồ lấy, tôi không cho nó vồ, nó cầm bàn cờ phang tôi.
Ngôn không để cho Thuyết nói hết câu, cãi lại:
- Lại còn chưa buông tay ra. Đặt yên chỗ rồi, người ta mới chặt, lại còn bảo người ta vồ!
Tôi can một câu:
- Đánh cờ cần nước cao thấp, chứ sao lại cướp!
Thuyết được thể:
- Đấy, anh nghĩ có phải không?
Ngôn cãi:
- Thế ván trước, anh kém quân mà lừa chiếu tôi nước pháo bí, tôi chịu thua ngay, chứ có hượm anh đâu?
- Chiếu thua khác, bắt quân khác chứ!
- Khác thế nào? Cờ gì lại cờ hượm! Cờ gì lại cờ con khỉ thế!
Thuyết giật ngay cái bàn cờ ở tay tôi vừa phang bừa vừa thét:
- Anh bảo ai khỉ hở?
Nhưng anh Ngôn né mình về một bên, cái bàn cờ giáng mạnh xuống vai tôi. May mà chỉ đau thôi.
Bấy giờ hai nhà kỳ địch mới chịu hòa để cùng nhau xin lỗi tôi và lấy dầu long não bóp chỗ thương cho tôi.
Về đến nhà, tôi cất biệt ngay cái bàn cờ gụ của tôi đi. Rồi nhân một cái bàn ngủ đã mọt, lấy bàn cờ thay vào.
Vì thế mà hôm nay tôi chỉ được tiếp anh với cái bàn cờ giấy, tuy anh là một nhà danh kỳ, xin anh cũng lượng tình tha thứ cho”.
Ngọc vỗ tay cười. Kim cúi xuống bàn cờ, bảo bạn:
- Nhưng mời anh đi cho!
Ngọc vẻ mặt kinh ngạc:
- Còn đi nữa kia à?
- Chứ sao?
- Thế ra anh chưa biết anh thua.
Kim quên bẵng câu truyện cổ tích ban nãy, chau mày nói câu:
- Cờ này mà anh bảo tôi thua? Mới đi được ba nước, mà anh đã bảo tôi thua? Tôi lại cầm bàn cờ phang vào đầu cho anh mấy cái bây giờ!
Ngọc phá lên cười:
- May mà bàn cờ của anh chỉ còn là bàn cờ giấy!