Phá cỗ


Bàn việc làng

     ừa có mấy người nộp đám, tất cả được hai trăm bạc, làng họp nhau bàn định để đem dùng món tiền ấy.
Liếc qua nơi sân đình, ta thấy hiện ra một cảnh tượng rất trang nghiêm. Ở giữa (trung đình) các cụ chức sắc ngồi xếp bằng chỉnh chệ. Oai phong như hội viên hội đồng chính phủ; còn hai bên đông đình, tày đình chia nhau thứ vị những thầy khóa, thầy lý, thầy khán, anh nhiêu, anh xã.
Sau khi hút điếu thuốc lào, nhai bỏm bẻm miếng trầu, ông tiên chỉ (tri phủ trí sĩ) hắng đặng hai ba tiếng rồi khai mạc hội đồng:
- Cái khoản hai trăm ấy, ứ... ừ... ừ... ừ... ta nghĩ sao đây?
Ông Tú nhanh nhẩu đáp:
- Bẩm, trên có cụ lớn, cùng các quan, dưới có anh em kỳ lý dân làng, chúng tôi xin bàn nên dùng món tiền ấy để lót gạch nốt quãng đường còn bỏ xót. Bẩm trên có cụ lớn, cùng các quan dưới có anh em kỳ lý, việc hương đảng là việc trọng thưa có phải không ạ...
Bên đông đình, một người ghé tai bảo nhỏ người ngồi cạnh:
- Ông ta bàn thế là vì quãng đường ấy ở ngay trước cổng nhà ông ta.
Ông hàn Kết mỉm cười, nghĩ thầm: “Không được, ta phải phá”.
Ông tú Ba nói tiếp:
- Vậy tôi xin vì hương đảng đứng lên cáng đáng việc ấy.
Ông Kết sừng sộ hỏi:
- Ông người thôn nào? (vì làng có bốn thôn)
Ông tú chưa kịp đáp, ông ta lại hỏi dồn:
- Có phải ông cùng thôn với tôi không? Vậy thì trước khi ra việc làng, ông phải qua việc thôn đã chứ. Ông hãy đem việc lát đường ra trình thôn đã chứ, nhất là quãng đường sắp lát lại thuộc về thôn mình. Nay ông chưa xin phép thôn mà đã dám đứng nhận thầu, thì thật làm mất hết tôn ti trật tự, mất cả thể thống việc hàng thôn.
Rồi ông ta quay lại nói với ông tiên chỉ:
- Bẩm, vậy việc lát đường xin cụ lớn cùng các quan hãy cứ để đấy xem sao nào. Chẳng lát đường thì đã chết ai!
Ông kép Nhạ cười nhạt:
- Phả...ải, từ thượng cổ đến giờ, các cụ ta đi đường đất còn được cơ mà, các cụ chỉ chống cái gậy trúc đi đôi guốc cao mà cũng ra được đến đình bàn việc hương đảng.
- Vâng chính thế. Ngày nay chúng ta chỉ bày vẽ lát với liếc. Để món tiền ấy còn chán việc ích lợi hơn.
Bên tây đình, một anh xã bảo thầm một anh nhiêu:
- Để vào túi các cụ!
Ông tú Ba từ đó ngồi im không bàn thêm nửa lời.
Cụ tiên chỉ có vẻ bằng lòng lắm:
- Việc làng phải tòng cổ. Trước các cụ thế nào sau vẫn phải thế mà theo.
Rồi cụ rung đùi vuốt râu ngâm nga:
- Việc như thế, thế thì vẫn thế.
Ông hàn chữa:
- Bẩm việc như thế, thế thì cứ thế.
Ông kép Nhạ mỉm nụ cười kiêu căng:
- Bẩm, vẫn với cứ đều không đúng. Nguyên vế câu đối ấy của cụ Ngô thời Sĩ là: “Việc như thế, thế thì hãy thế”.
- Không, văn cụ Ngô Thời Sĩ khi nào lại non thế. Hãy không được, quả không được.
Ông giáo Tá hỏi:
- Cụ Ngô Thời Sĩ đời hậu Lê, phải không, thưa các cụ?
Ông hàn nhìn khinh bỉ, vì xưa nay vẫn miệt ông giáo tây không biết chữ nhất là một:
- Cụ Ngô Thời Sĩ làm quan thời Tây Sơn.
- Cụ làm Tổng đốc Lạng Sơn.
- Tuần phủ Lạng Sơn chứ!
- Không, ngày ấy làm gì đã có Tổng đốc, Tuần phủ, cụ làm Bố chánh.
- Không phải cụ làm Ngự sử.
Cãi cọ lung tung ai cũng cho lý mình là phải. Giữa lúc ấy bên gian đông đình, bác khóa Nhàn đứng dậy, khúm núm gãi tai nói nhỏ nhẻ, chậm chạp:
- Bẩm... bẩm... bẩm... trên có cụ lớn, có các quan, dưới có các thầy khóa, anh em kỳ lý, cùng dân làng, chúng tôi xin phép thưa một điều.
Người bên cạnh kéo áo thì thầm:
- Chết! Ngồi xuống.
Ông hàn Két trân trân nhìn bác khóa như nhìn một vật lạ:
- Anh là gì mà dám nói leo? Hử? Hử?
Nhưng cụ tiên chỉ muốn tỏ rằng mình rộng lượng.
- Được, thì cứ để anh ta bàn xem sao nào.
Bác khóa Nhân càng khúm núm, giọng nói càng nhỏ nhẽ, lú nhú, rời rạc:
- Bẩm... bẩm... bẩm... trên có cụ lớn cùng các quan, dưới có các thầy khóa, anh em kỳ lý dân làng, chúng tôi thiết tưởng về câu đối ấy của cụ Ngô Thời Nhậm chứ không phải của cụ Ngô Thời Sĩ, mà là: “Việc gì thế, thế thì phải thế”...
Ông tú Nhạ mắng át:
- Bậy, chỉ nói láo! Học hành chữ nghĩa được mấy dúm dám khoe môi múa mỏ hử?
Ông hàn Kết tiếp luôn:
- Chấp gì anh đồ gàn! Anh ta vẫn điên đấy mà.
Cụ tiên chỉ, sau một cái ngáp dài, liền giải tán hội đồng:
- Thôi thế là việc làng xong xuôi, chúng ta đi về.