Phá cỗ


Tiệc tranh

     ãn Sinh, phóng viên đặc biệt báo Mỹ Thuật Thanh Thanh, còn nhớ và sẽ nhớ mãi buổi khánh thành phòng triển lãm của hội họa Nguyễn Quân.
Hôm ấy, con mắt sành mỹ thuật và ngọn bút không thiên tư của phóng viên đã làm việc lung lắm, và đã thêu nên một bài phẩm bình nồng nàn như sâm banh, ngọt ngào như chiếc bánh đường, mặn mà như chiếc bánh mì kẹp thịt ướp muối, dịu dàng thom tho như chén trà mạn ướp sen.
Là vì lúc Lãn Sinh ngồi bóp trán nắn ra những lời cẩm tú để đăng báo tán dương, thì men rượu, mùi bánh, hương trà, vừa được họa sĩ thết hãy còn man mác trong tâm hồn, phảng phất trong hơi thở, sôi nổi trong dạ dầy... Than ôi! Ngờ đâu ngũ vị lại có liên lạc mật thiết với mỹ thuật và văn chương đến như thế? Không trách thi sĩ Tản Đà ví văn chương giỏi với chả chim, với mâm gỏi, thực đã chí lý lắm vậy.

 

Hôm nay, hồi tưởng đến bữa tiệc xem tranh Lãn Sinh ngồi mỉm cười ngẫm nghĩ: “Giá các nhà hội họa cứ thi nhau mở phòng triển lãm thì cũng hay hay. Mà nếu các nhà văn lại thi nhau mở hàng triển lãm văn thì càng hay lắm. Như thế, mình sẽ có nhiều dịp biểu lộ cái tài phê bình của mình ra”.
Giữa lúc ấy, Tô Giang, bạn chàng, đến vỗ vào vai mà bảo rằng:
- Mời anh chiều nay bảy giờ rưỡi đến xem tranh nhé!
Lãn Sinh giật mình hỏi lại:
- Xem tranh?
- Vâng, xem tranh.
- Anh mở phòng triển lãm?
Tô Giang nhún nhường:
- Anh nói to tát quá!... Nghĩa là tôi bày ít tác phẩm ở phòng vẽ riêng của tôi, mời anh em bạn đến xem mà dạy cho biết những chỗ vẽ còn vụng.
Lãn Sinh cười:
- Anh cũng nói to tát! Chúng tôi dạy sao nổi anh. Vậy anh mời có đông không?
- Chỗ anh em quen biết cả, và mấy nhà báo, tất cả độ bốn chục người trở lại thôi.
Lãn Sinh mỉm cười có ý nhị:
- Vâng, thế nào chiều nay tôi cũng xin đến.
Nhưng chợt nghĩ: “Ta phải hỏi cho biết chắc chắn bữa tiệc tranh có những thực phẩm gì để xem nên ăn cơm trước rồi hãy đến”. Chàng liền nói đắn đo:
- Anh mở phòng triển lãm như thế chắc cũng tốn phí nhiều lắm đấy nhỉ?
- Chẳng tốn mấy! Chỉ có tiền đóng khung và sơn tường là đáng kể. Nhưng cũng chẳng là bao.
Lãn Sinh hơi chột dạ:
- Xem tranh, thế có thấy tranh sâm banh không?
- Có, sao anh biết?
Lãn Sinh vui vẻ, khôi hài:
- Tranh sâm banh thì thực tuyệt, chẳng còn tranh mầu mỡ, nồng nàn bằng? Hẳn có cả tranh hoa quả, tranh nước chè!
- Có cả thực. Quái, tôi giấu kín không cho ai hay, thế mà sao anh tò mò biết trước được. Lạ thực!
Chủ trân trọng tiễn khách ra tận cổng rồi quay vào dặn vợ:
- Chiều nay tôi không ăn cơm nhà.
Vợ cau có đáp:
- Lại đã tiệc tùng gì thế?
- Tiệc tranh.
- Tiệc xem tranh? Hay mình nói dối để đi hát đấy?
Lãn Sinh gắt:
- Chỉ nói bậy! Người ta đi về việc nhà báo!

 

Bảy giờ mười lăm phút, Lãn Sinh đã có mặt tại nhà riêng của Tô Giang. Họa sĩ mời chàng ngồi chơi ở phòng khách. Hồi mỗi lần có người đến lại một lần chủ nhân giới thiệu đôi bên.
Lãn Sinh đưa mắt nhìn quanh phòng: tranh chẳng có mà tiệc cũng không. Chỉ thấy mời sơi nước chè với hút thuốc lá hoài.
Một người hỏi chủ nhân:
- Tác phẩm của họa sư trưng ở đâu? Cho chúng tôi xem nào.
- Thưa, ở trên gác.
Lãn Sinh nghĩ thầm “À, ra tiệc bày trên gác”.
Nhưng khi lên gác xem tranh cũng chẳng thấy bóng cái bàn dài phủ trắng trên bày những chai rượu lớn và những cốc pha lê trong. Lãn Sinh lại nghĩ thầm: “Chắc ở bên buồng ăn”.

 

Đồng hồ treo đánh chín giờ. Tiếng chuông trong trẻo ngân nga như hát. Song mỗi tiếng là một nhát vồ nện vào dạ dày của Lãn Sinh chứa đầy nước chè và khói thuốc lá.
Lãn Sinh đứng dậy cáo từ, nhưng Tô Giang khẩn khoản cố giữ. Vả anh em chuyện trò đương vui mà một mình vội về cũng không tiện, đành phải gượng cười và giấu những cái ngáp dài, rán ngồi lại với cái bụng rỗng không, thầm kêu đói. Oán tức Tô Giang đã lừa dối mình nói dối mình nói có sâm banh, bánh ngọt, đủ thứ, mà kỳ thực, chẳng có gì, chàng thề độc với chàng rằng sẽ “phết” cho một bài phê bình nên thân làm cho họa sĩ “tiêu hết sự nghiệp”.
Bỗng một người hỏi chủ nhân:
- Thưa ngài, mấy bức tranh tĩnh vật đã ai nhận mua chưa?
- Thưa chưa.
- Vậy tôi xin ngài để cho tôi một bức.
Tô Giang vui vẻ:
- Thưa ngài muốn lấy bức nào? Bức vẽ hoa quả hay bức vẽ chai sâm banh và mấy cốc pha lê, hay là bức vẽ đĩa bánh ngọt?
Lãn Sinh vụt hiểu:
“À ra thế! À, ra ‘bức tranh sâm banh’ thực!”