NHỮNG VÒNG TRÒN KỶ NIỆM
1. Khung trời cư xá

     ừ những ngày còn bé, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm - kỷ niệm tuổi thơ - kỷ niệm tuổi học trò và kỷ niệm những ngày sống nhờ vả vào tình thương họ hàng thân thuộc. Đôi khi tôi muốn quên lãng tất cả, đừng bao giờ nhớ một chút nào nữa, nhưng tôi không thể nào chôn vùi được kỷ niệm của tôi. Cái gì đó phải rời xa mới thấy nhớ và luyến tiếc mãi. Tôi không hiểu những ngày sống ở Huế, trong cư xá đó đã cho tôi từng nào kỷ niệm mà bây giờ, mỗi khi hình dung lại cuộc sống êm đềm ấy, tôi lại thấy nao nao buồn. Tôi lại thấy nhớ thêm về con đường đưa tôi đi đến trường. Con đường về mùa Thu có hàng ngàn chiếc lá bàng rơi rụng xuống mặt đường. Nhớ Đập Đá những tháng Hè chúng tôi thường ra đó chạy tung tăng quanh viên đá hay ngồi ở ven sông nhìn từng chiếc thuyền trôi nhè nhẹ.Và nhớ giòng Hương Giang cùng với gốc me già cằn cỗi mà ngày nhỏ tôi và Minh đã từng khóc hàng giờ bên ngôi mộ nhỏ của chú chim sâu hai đứa chôn. Tôi không hiểu sao, thuở bé chúng tôi lại nhiều nước mắt đến thế được. Dù bị mẹ mắng hoài, nhưng hai đứa vẫn tỉ tê khóc cho con chim sâu bé nhỏ mà Minh lỡ tay làm chết. Ngày nào hai đứa cũng đem nhang đến thắp lên mộ chim sâu - Vào mùa Thu có từng nụ hoa me rơi đầy trên nền đất xấu và rơi ngập lên mộ chú chim sâu. Chúng tôi thản nhiên nhặt những nụ me non ấy, đưa lên miệng ăn một cách ngon lành. Hương vị chua chua của hoa me làm chúng tôi thích thú.
Rồi theo thời gian lớn lên. Những bé bỏng của tuổi thơ chúng tôi được thay thế bằng số tuổi vô tư của học trò. Ngôi mộ nhỏ của chim sâu cũng dần bị biến mất theo từng mùa trong ký ức. Đôi khi chợt nghĩ đến, tôi và Minh cười cho cái tuổi trẻ con quá mức của mình, rồi hai đứa rủ nhau ra gốc me già tìm lại dấu vết của ngôi mộ. Nhưng tất cả đã không còn gì nữa. Chỉ còn cây me già vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Mỗi năm tôi không biết nó có già hơn được từng nào không mà cứ bị gắn thêm một tuổi trong người. Và với thời gian nữa, tôi và Minh lại quên đi, thật nhanh chóng như mức lớn của chúng tôi.
… Tôi cứ nghĩ rằng mãi mãi tôi sẽ lớn lên và sống thật bình thản ở đây. Trong cư xá này với những đứa bạn thân. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày phải xa chúng nó. Thế nhưng những ngày dần lớn, một đứa bạn bỏ vùng cư xá ra đi. Kỷ niệm cũ được chúng tôi nhắc lại trong những lá thư gởi cho nhau. Và, lại thêm hai đứa nữa đi theo. Trong cư xá buồn và vắng. Những gia đình khác đổi tới. Nhưng, chả có đứa nào để thay thế những đứa bạn nhỏ của tôi ngày xưa. Căn nhà của Minh, của Thuý, của Ngọc không người ở nên rộng mênh mông. Giàn hoa “rau muống rừng” trước cửa nhà Minh không ai chặt bớt nên có những chú chim sâu rủ nhau vào làm tổ ca hát suốt ngày. Tôi lại nhớ đến Minh, hôm đi hai đứa đã khóc rất nhiều. Lại những giọt nước mắt ngày xưa hai đứa đã khóc bên mộ chú chim sâu. Giờ giọt nước mắt ấy chúng tôi khóc cho những kỷ niệm. Minh không muốn rời xa căn nhà này với giòng sông với gốc me già đang đơm hoa. Còn tôi, khóc vì thấy mình thích khóc. Lúc ấy, tôi chưa phải là kẻ rời xa kỷ niệm nên chưa thấy nhớ nhung nhiều. Và rồi cuối cùng cũng là tôi, kẻ ra đi sau chót trong đám bạn thân. Ngày cuối cùng rời khỏi vòm cong của cư xá, tôi bùi ngùi nhìn mải miết cái cổng sơn xanh. Cái cổng đã bao bọc gia đình tôi từ những ngày đầu ba tôi đổi đến Huế. Trong giờ phút rời xa nó, không có một đứa bạn nào trong lòng cư xá đưa tiễn tôi vì chúng nó đã đi trước cả. Tôi nghĩ rằng trong cư xá bây giờ sẽ có những gia đình khác đổi tới và những đứa trẻ nhỏ trong đó sẽ sống như tôi, Minh, Thuý, Ngọc ngày nào. Tôi bất chợt thấy luyến tiếc và muốn níu kéo lại tất cả. Cũng như Minh ngày xưa, tôi không muốn phải rời xa căn nhà êm ấm với giòng Hương Giang cùng gốc me già nhiều kỷ niệm, tôi không muốn phải rời xa vùng cư xá này. Từ thuở bé thơ tôi đã lớn lên và sống ở đây, giờ tôi muốn đuợc ở đây mãi mãi. Tôi mong cho cái cổng sơn xanh này khóa chặt lại thật chắc để cho gia đình tôi đừng bước khỏi vòm cổng thân yêu. Nhưng, tất cả đã không chiều ý tôi khi hai cánh cổng cư xá bao giờ cũng mở rộng để chúng tôi tự do đi, cũng như tự do vào. Nó vô tri đến độ hững hờ, không có một lời từ giã. Tôi đành ngậm ngùi nhìn lại lần chót khu cư xá rồi rời xa kỷ niệm.
Bây giờ tôi lại không muốn rời xa thành phố này nữa. Tôi muốn ở mãi nơi đây để tôi đừng phải ghi thêm một lần những kỷ niệm trong xóm lao động nghèo nàn này - kỷ niệm những ngày ngỡ ngàng của tôi khi mới đặt chân đến - Vì như thế, rồi những vòng tròn kỷ niệm sẽ nối tiếp mãi trong tôi…
2. Chị em tôi.
Bao giờ cũng vậy khi mẹ tôi bắt đầu mắng một đứa nào đó trong chị em chúng tôi, mẹ cũng bắt đầu bằng câu:
- Nghĩ mà chán, nhà mang tiếng có hàng đống con gái mà lúc nào cũng bẩn như cái thùng rác. Chẳng bao giờ tự nhiên mà chúng nó dọn dẹp, có bảo thì chỉ dọn cho có lệ vậy thôi. Nhất là… và mẹ sẽ chỉ đứa nào đó. Có thể lúc ấy mẹ đang tức chị Ái thì mẹ sẽ cho cái “nhất là” là chị Ái. Mà chả may trong “nhất là” ấy lại là tôi thì không còn gì khổ bằng:
- Nhất là con Dung con gái con lứa lớn bằng từng đó rồi suốt ngày chỉ “chạy rong” ngoài đường thôi. Không bao giờ nhà bẩn mà tự ý nó đi dọn cả. Đã vậy mà lại còn thích dắt bạn, dắt bè vào cơ, mở mắt ra mà nhìn con Thủy kia mới 16 tuổi mà làm đủ chuyện. Rồi mẹ kể cho bằng được nào là: giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn. Con gái 17, 18 tuổi rồi nồi cơm không biết nấu.
Mẹ mắng cái gì thì mắng chứ mẹ bảo tôi không biết nấu cơm thì thật là một điều oan ức vô cùng mà nhận tôi nấu cơm ngon thì không đúng nữa. Khi nồi cơm tôi nấu lên, cả nhà đều nhăn mặt. Chỉ có ba tôi là hài lòng nhất vì ba khoái ăn cơm nhão mà tôi thì lại là vua nấu cơm nhão. Trong lúc cả nhà xúm vào chê bai nồi cơm của tôi thì ba và tôi thản nhiên ngồi ăn, ba còn bảo:
- Ăn cơm nhão dễ tiêu chứ làm sao?
Mẹ gắt:
- Đang đói mà nhì nồi cơm là hết muốn ăn ngay. Thật là con gái… đoảng.
Lại con gái, cái gì mẹ cũng con gái hết. Tại sao mẹ không mắng con trai đoảng đi. Bây giờ thử bảo anh Khánh nấu cơm thử xem có được không nào. Tôi nghĩ như vậy và khi tôi nói lên thì mẹ gạt ngang - con trai khác - con gái khác. Tôi không hiểu khác ở chỗ nào nên cứ thắc mắc hoài và cũng vì “ấm ức” nên tôi nhất định không thèm nấu cơm khô nữa. Bởi vậy, bao giờ nấu cơm mẹ cũng dặn:
- Đừng để cho con Dung nấu cơm nghe Ái, bà ấy lại đổ nước thành cháo đặc cho mà xem.
Chị Ái nhìn tôi cười tinh nghịch. Tôi thì rất bằng lòng với “điều luật” của mẹ đưa ra, vì đỡ phải hơ người vào lửa, khô hết cả da mặt.
Thật sự, nếu nói về ăn uống thì không ai có thể chiều nổi chúng tôi. Mỗi lần mẹ bận, chị Ái đi chợ mặt cứ méo đi mà than:
- Chợ đông quá mà hàng thì đắt, con không biết mua, trả rẻ họ mắng cho ê cả mặt nên chả mua được món nào vừa ý ông Khánh cả.
Cuối cùng mẹ phải ra lệnh:
- Vì lý do chợ búa dạo này đắt đỏ nên không thể chiều ai nổi. Từ nay đi chợ cứ mua cho mẹ 2 món thôi, một món canh và một món xào, nấu gì ăn đó, đứa nào ăn được thì ăn, đứa nào giỏi thì cứ nhịn.
Lúc đầu chúng tôi tưởng mẹ nói đùa. Không ngờ mẹ áp dụng thật sự vào sáng hôm sau.
Chúng tôi ngồi nhìn mâm cơm chán nản, đứa nào cũng định “tuyệt thực” nhưng cuối cùng đành đua nhau ăn vì kiến bò bụng. Chị Ái ăn xong rồi mới kêu lên:
- Trời nóng nực thế này, mẹ bắt ăn cá kho nuốt không vô.
Anh Khánh và miếng cơm cuối cùng, tiếp:
- Hôm nay thì tha hồ uống nước đây.
Tôi vẫn chả nói gì mà lại thấy tội nghiệp mẹ. Mẹ thản nhiên cười và bảo:
- Ăn cho quen đi! Con nhà nghèo mà lại cứ thích ăn ngon cơ, bây giờ đang đắt đỏ, giá hàng cứ lên vùn vụt.
Thế rồi mẹ kể cho một lô những thứ đắt. Chúng tôi đứa nào đứa nấy câm như hến và lo làm phận sự, không thôi mẹ sẽ thuyết trình cho hàng giờ cũng chưa xong. Những ngày cuối tháng đối với chúng tôi mới chán làm sao chứ. Buổi chiều tôi đi học về mặt nhăn nhăn và gắt gỏng mẹ biết ngay là tôi chưa đóng tiền học được mời xuống văn phòng rồi. Anh Khánh, Thanh và Hiệp cùng chung số phận. Mẹ biết vậy buồn và an ủi:
- Mốt ba lãnh lương rồi, con chịu khó khất với văn phòng vài ngày nữa không được sao?
Tôi đang bực nhưng nhìn mẹ tôi lại thấy thương thương nên đành nghỉ tạm ở nhà vậy. Cũng may là chúng tôi chỉ phải chịu cảnh này độ 2 ngày là cùng, đến khi ba có lương là trong nhà lại tấp nập, vui vẻ như ngày hội ấy thôi. Chị Ái được xúm vào bếp với mẹ hoài, còn tôi thì chỉ được giữ phận sự dọn nhà, công việc thật chán ngấy nên tôi thường bỏ lên gác xem “kiếm hiệp” hay dư thì giờ thì săn sóc cho cái bàn học đầy hình tài tử của tôi mà thỉnh thoảng lại nghe tiếng réo gọi của chị Ái:
- Dung ơi! Dung, bà hàng “cơm ruợu” hỏi thăm Dung kìa.
Hay:
- Con bé hàng chè chờ Dung dưới nhà đó.
Chị Ái mồm thì gọi tôi như vậy mà “miệng” thì vẫn thản nhiên ăn như thường, khiến mẹ tôi phải thêm một lần lên tiếng:
- Khiếp quá! Con gái, con đứa gì mà ăn quà cả ngày vậy. Cứ cái đà này thì chúng mày đến ế chồng mất thôi. Ai mà nhìn cái kiểu ăn của chúng mày thì họ cũng chạy dài.
Nghe mẹ mắng, tôi chả thấy buồn chút nào cả mà lại ghé vào tai chị Ái nói nho nhỏ:
- Ế chồng càng tốt, ai thèm lấy chồng nhỉ?
Chị Ái cười phát biểu thêm ý kiến:
- Sách có câu “ăn được ngủ được là tiên” cơ mà.
Thanh tự nhiên vọt miệng:
- Thế mà chị Dung không ế chồng đâu mẹ, có anh chàng “mắt mèo” mới dọn nhà đến để ý chị ấy rồi đấy. Hồi sáng anh chàng đứng ngắm chị Dung ăn bò viên coi bộ khoái lắm, cứ tủm tỉm cười hoài.
Tôi giật nảy mình như điện giật, hỏi Thanh:
- Thấy hồi nào hả?
- Hồi sáng, lúc chị đang “sì sụp” húp nuớc đó.
Tôi đỏ mặt và ngượng chín cả người khi hình dung lại cái điệu ăn không mấy đẹp của mình mà nóng mặt.
- Con này ngốc thật tại sao lúc ấy mày không chịu nói cho tao biết.
Thanh cười nham nhở:
- Dại gì nhỉ? Để cho anh ấy “chiêm ngưỡng” cái tài ăn quà của chị chứ. Kẻo anh ấy không biết thì uổng lắm.
Tôi nổi nóng thật sự quát ầm lên:
- Thôi im đi, con nít biết quái gì!
Thanh cũng không vừa cãi lại. Thế là hai đứa bắt đầu đấu “võ mồm” với nhau thì tiếng mẹ:
- Chỉ thế là không ai bằng thôi. Ăn xong là đóng đám cãi nhau, chị em chúng mày thật…
Không đợi mẹ nói hết câu tôi lườm Thanh và bỏ lên lầu, con bé ngúng nguẩy sì một tiếng quay đi. Báo hại suốt ngày hôm đó tôi không dám bước chân ra cửa vì sợ đụng độ với cặp “mắt mèo” biệt hiệu của anh chàng mới dọn nhà đến. Chúng tôi không biết tên nên gọi là “mất mèo” vì anh chàng có cặp mắt to nâu, nhìn ai là nhìn chăm chú đến khó chịu. Điều bực mình hơn nữa là anh chàng cứ nhìn sang nhà tôi hoài. Không hiểu là có phải anh chàng đã “mến” cái tài ăn quà của chị em chúng tôi không? Và cũng vì vậy mà Thanh và chị Ái suốt ngày chọc tôi với “mắt mèo”. Khiến đôi lúc tôi thấy tức kinh khủng khi muốn ăn một hàng gì đó ngoài cửa, chị Ái nói:
- “Mắt mèo” nhìn kìa Dung.
Tôi chợt nhìn lên và vụt chạy vào nhà vì “mắt mèo” đã đứng đó từ bao giờ. Thanh và chị Ái cười hoài. Tôi xấu hổ quá hóa nóng và tuyên bố sẽ không thèm mắc cở nếu lỡ có ăn gì mà “mắt mèo” trông thấy.
Những ngày nghỉ học ít khi tôi chịu ở nhà lắm, nếu có ở nhà thì không cãi nhau với chị Ái cũng cãi nhau với Thanh để rồi cuối cùng nghe mẹ mắng con gái, con đứa… Tôi không hiểu sao người lớn lại ưa bắt nạt trẻ con thế không biết. Khi tôi đi chơi, muốn đánh một chút phấn lên mặt thì mẹ bảo:
- Con còn nhỏ lắm đừng nên đánh phấn làm gì trông mất cả vẻ ngây thơ đi.
Từ đó, tôi tin mình còn bé nên đi chơi không bao giờ đánh phấn như chị Ái. Vậy mà khi tôi và nhóc Thanh cãi nhau mẹ lại mắng:
- Con gái, con đứa, lớn bằng từng ấy rồi, không nết na thùy mị chút nào cả. Đánh nhau, đùa giỡn cả ngày. Không sợ hàng xóm người ta cười cho à.
Tôi bực mình nhất ở điểm đó, cái gì mẹ cũng bênh ý của mẹ. Làm người lớn mẹ cũng không cho mà làm trẻ con mẹ cũng không cho. Đã thế mẹ còn lôi thêm hàng xóm vào nữa “Hàng xóm, cái gì cũng hàng xóm” tôi nghĩ thầm như vậy. Giá tôi ở một mình chắc chả bao giờ tôi sợ hàng xóm đâu. Trái lại bao giờ mẹ cũng sống hiền hòa và chịu đựng, mẹ hòa hợp với tất cả mọi người, còn chúng tôi thì không thế, “ không cần dư luận của hàng xóm ”.
Có hôm, nhìn tôi mặc chiếc “ jean ” chật bó, mẹ nói:
- Đầu tháng mẹ may áo dài cho con mặc cho đứng đắn một chút, lớn rồi còn gì.
Tôi bằng lòng và mẹ may thật. Lần đầu tiên tôi hí hửng mặc áo dài tưởng là đẹp. Đến lúc soi gương, tôi mới thấy kỳ kỳ làm sao cơ chứ. Tôi ngượng ngùng chả dám đi đâu cả. Bởi 2 vạt áo dài thướt tha khiến tôi có cảm tưởng mình sẽ ngã, cả nhà xúm vào cười. Mẹ khen:
- Dung mặc áo dài trông lớn ghê. Mới mặc thấy ngượng chứ vài ngày sau nó quen đi chứ.
Tôi không hiểu rồi tôi có quen được không. Nhưng dù sao chiếc áo dài cũng bị tôi nhét trong xó tủ. Lâu lâu Thanh đem ra bảo tôi mặc thử. Để “mắt mèo” lé một mắt chơi vì không ngờ chị Dung mà cũng biết mặc áo dài nữa cơ. Tôi gắt khẽ:
- Cất di, ai muợn mày đó.
Mẹ cũng thêm vào:
- Mặc nó! Từ nay đừng có mong mẹ may áo dài cho nữa nhé.
Chị Ái cười tinh nghịch:
- Này, Dung mặc áo dài đẹp thật đấy. Trông thướt tha cứ như “ông địa” ấy thôi.
Cả nhà phá lên cười và chắc mẹ cũng nhận thấy như vậy nên từ đó, chả bao giờ nhắc đến việc mặc áo dài của tôi nữa. Thoát nạn “áo dài” tôi nhẹ hẳn người ra.
Một buổi chiều, tôi đi học về vừa đến nhà thì gặp ngay cái nhìn tinh quái của nhóc Thanh. Con bé thấy tôi, vọt miệng ngay:
- “Mắt mèo” của chị đi rồi.
Tôi dừng ngay ở cửa.
- Đi đâu?
- Đi lính.
Tôi nhăn mặt lập lại:
- Đi lính,và nhún vai: bỏ. Tôi đi nhanh lên lầu, Thanh cười nói theo:
- Sao lại bỏ, “mắt mèo” gửi lời chào chị đó.
Câu nói của nhóc Thanh bắt buộc tôi phải dừng lại.
- Ai thèm quen mà chào.
Tôi đổi giọng:
- “Mắt mèo” đi Thủ Đức hả Thanh?
- Không! đi Hải Quân, em nghe con bạn nói vậy. Anh “mắt mèo” gọi chị là cô bé cao bồi, tức nhỉ?
- Không tức! Tôi nói với Thanh và chợt thấy bâng khuâng, buồn buồn khi hình dung đến cặp mắt mèo vẫn đứng nhìn chị em chúng tôi bên cửa sổ.
3. Thành
Tin Thành chết đến với tôi thật bất ngờ, bất ngờ đến nỗi tôi không thể nào tin được đó là sự thật.
Khi anh Quang ( bạn Thành) đến báo tin trên cả nhà đều sửng sốt, mẹ luôn mồm kêu tội nghiệp, chị Ái nước mắt rưng rưng, những đứa em ngơ ngác. Không hiểu sao với cái tin đột ngột này tôi không khóc, không thể nào khóc được thì đúng hơn. Với tôi, Thành chết chỉ là một giả thuyết. Tôi cứ nghĩ thầm như vậy.
Thành quen gia đình tôi lâu lắm rồi, quen từ những ngày tôi bắt đầu vào đệ nhất. Đối với Thành, tôi thương anh như tình thương anh trai và Thành cũng vậy, anh xem gia đình tôi cũng như gia đình mình. Ba, mẹ thường nhận đùa Thành là con nuôi, vì Thành mồ côi cha mẹ, hiện tại anh ở với một bà cô già khó tính nên có thể nói là Thành luôn luôn “đóng đô” trong gia đình tôi. Những buổi chiều nghỉ học, chúng tôi lại bắt Thành dắt đi xem hát, đi ciné. Lần nào cũng vậy, Thành không bao giờ từ chối hay tỏ vẻ khó chịu.
Tôi thương Thành nhiều ở điểm đó bởi tuổi trẻ bao giờ cũng thích được chiều chuộng thương yêu. Nhiều lúc, chị Ái cằn nhằn Thành:
- Thành chiều Dung nhất nhà đấy, vì vậy nên chẳng bao gờ nó thèm sợ Thành đâu.
Nghe chị Ái nói tôi thấy hãnh diện thầm khi biết mình được Thành chiều nhất. Mẹ thì mắng tôi nho nhỏ:
- Hai đứa nó cứ như hàng tôm, hàng cá ấy thôi. Chiều gì, cứ động nói chuyện với nhau là cãi nhau.
Thật vậy, không hiểu sao những lúc vắng Thành tôi thấy nhớ anh kỳ lạ, nhưng đến lúc có Thành là bắt đầu gây. Có lẽ cũng vì Thành và tôi hay “bất đồng” nhau về chuyện lính. Lần nào nói chuyện với tôi Thành cũng bảo anh yêu đời lính, còn tôi thì lại tuyên bố ghét lính nhất đời. Thành thì cố chấp còn tôi thì cãi. Thế là hai đứa lại “ tố” nhau. Nhưng bao giờ Thành cũng phải nhịn tôi trước khi tôi bắt đầu giận dỗi. Thấy vậy chị Ái và Thanh lại chế Thành:
- Gớm! Thành đã mang tiếng là ông thầy cãi (tôi thường gọi Thành là thầy cãi vì năm ấy anh đang học năm thứ hai trường Luật) mà không địch nổi Dung cơ à?
Thành chỉ cười mà không nói gì cả. Lúc có Thành, không khí trong gia đình nhộn hẳn lên. Những đứa em bao giờ cũng xúm xít quanh Thành bắt anh kể chuyện. Thành còn có thêm phận sự là kèm cho tôi và Thanh học. Tôi thì lười kinh khủng nên chẳng bao giờ ngồi học được lâu, chỉ có Thanh là chịu khó nghe lời Thành răm rắp, vì vậy bao giờ Thành cũng khen Thanh ngoan nhất nhà và hứa sẽ dắt Thanh đi chơi nhiều hơn tôi. Tôi vẫn tỉnh bơ khi nghe Thành nói vì biết rằng chả bao giờ anh nói thật, có hôm Thành hứa sẽ dắt tôi, Thanh đi ciné, nhưng đến giờ chót anh đến báo tin là không đi được. Báo hại cho Thành hôm đó phải dỗ hai đứa gần hết hơi chúng tôi mới chịu ở nhà, Thanh thì vẫn còn thắc mắc khi thấy Thành diện thật đẹp, con bé hỏi ngay:
- Tại sao anh diện thế? Chắc anh đi chơi với bồ chứ gì?
Tôi cũng chợt nhớ ra như vậy và tự dưng thấy buồn buồn muốn khóc trong lúc Thành lúng túng đáp liều:
- Đừng nói bậy, hôm nay anh mắc hẹn với một người bạn, thôi để mai anh sẽ dắt Dung, Thanh đi xem.
-Tôi giận dỗi gắt khẽ:
- Ai thèm, mai người ta đi học chứ bộ.
- Ừ nhỉ, thôi, nhất định chủ nhật tuần sau vậy.
Nói xong, không kịp chờ phản ứng của hai đứa, Thành vội phóng ra đường, chị Ái nhìn theo cười và bảo tôi:
- Thế là hai cô bé hôm nay bị lỡ bộ rồi, Dung biết Thành hẹn với ai mà diện thế không? Với “Vân”, bồ Thành đấy.
Tự nhiên tôi thấy tức bực và đâm ra gắt gỏng ngang. Lòng tự nhủ sẽ không bao giờ thèm đi chơi với Thành nữa.
Buổi chiều, tôi nhìn thấy dáng Thành thật buồn khi bước vào cửa, tôi giận dỗi quay đi. Chị Ái hỏi mới biết được anh chàng bị “mèo” cho leo cây, không hiểu sao với cái tin ấy tôi lại thấy vui vui lạ, có lẽ tại lòng ích kỷ mà ra, tôi không muốn Thành quen thêm với một nào ngoài chị em chúng tôi. Những giận hờn lúc nãy giờ tan biến hiết trong tôi. Chiều đó, anh ở lại dùng cơm với gia đình tôi. Bữa cơm buổi chiều thật đầm ấm. Mọi người đem tôi ra làm đế tài chế riễu vì nồi cơm tôi nấu bị khê. Thành luôn miệng khen ngon. Biết anh chàng chọc tức, tôi vẫn thản nhiên ăn. Chỉ có ba là khen tôi một câu:
- Dung nấu cơm khá lắm chứ. Ba ăn cơm khê còn ngon hơn là cơm sống của Ái nấu, cứ cái diệu này thì các cô đến ế mất thôi.
Chị Ái đỏ mặt thẹn thùng tôi thì vẫn phớt tỉnh. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng mai sau mình sẽ lấy chồng cả. Thành luôn miệng nói chuyện với chị Ái, nhìn hai người, tự dưng tôi thấy mình hơi bất mãn. Tại sao? tôi cũng chả hiểu nữa.
Sau bữa cơm chiều, sáng hôm sau đi học về tôi được biết Thành đi lính. Chị Ái nói và trao cho tôi miếng giấy Thành viết.
“Nghe Dung nói ghét lính, thế mà anh lại cứ đâm đầu đi lính đây, Dung ghét không? Dung ngây thơ quá đi mất thôi, ghét lính nhiếu thế lỡ mai kia Dung có bồ mà bồ Dung lại yêu đời nhà binh thì sao? Thôi, ở nhà chóng ngoan và chăm học đi nghe cô bé, bao giờ được về anh sẽ kể chuyện thật nhiều cho Dung nghe”. Thư Thành chỉ có thế, vậy mà tôi đọc hoài và chợt buồn như mất mát một cái gì. Từ ngày Thành đi lính, chúng tôi biệt tăm tin tức của anh luôn. Chị Ái hay nói đùa:
- Không khéo ông ấy bị… thịt rồi cũng nên.
Mẹ cắt ngang và mắng cho chị Ái nói gở. Tôi cũng thấy bực mình về câu nói ấy. Bẵng đi một thời gian. Một hôm tôi đang ngồi xem báo trước bàn Thành lù lù đi vào. Một phút ngỡ ngàng đi mau, tôi reo lên thảng thốt:
- A, anh Thành.
Thành cười, bây giờ trông anh đen và dạn dĩ hơn, không còn cái vẻ thư sinh như ngày xưa nữa. Câu đầu tiên Thành hỏi tôi là:
- Dung vẫn còn ghét lính chứ?
Tôi cười:
- Ghét nhất đời đấy.
Chợt nhìn đến bộ đồ Thành mặc, tôi nhăn mặt kêu to:
- Khiếp trời nóng thế này mà nhìn anh khoác bộ đồ lính Dung có cảm tưởng là mình đang nhìn vào một lò lửa.
- Ồ, sao Dung quê thế. Bộ đồ trông le thế này mà Dung lại chê nữa hở?
Nói xong Thành đi thẳng vào trong nhà, dáng đi có vẻ hùng ghê lắm. Tất cả đều vui mừng khi gặp Thành, bé Việt khoái nhất khẩu súng Thành đeo bên mình. Chị Ái và Thanh bắt Thành kể chuyện đời lính và sự mất tích mấy năm nay. Tôi chẳng thích nghe chuện lính của Thành nên bỏ lên gác làm… thơ. Ngồi một mình trên căn gác hẹp nghe những tiếng cười nói vui vẻ dưới nhà tôi thấy nóng ruột mấy lần định chạy xuống hòa vào cuộc vui với mọi người. Nhưng vì tự ái nên tôi lại thôi.
Thành được nghỉ phép đúng một tuần, anh bảo thế. Lần này gặp Thành tôi cảm thấy gần gũi anh hơn, nhưng không bắt Thành chiều chuộng như ngày xưa nữa. Có lẽ, bây giờ tôi thấy mình người lớn hơn một chút. Thành đdắt chúng tôi đi chơi thật nhiều. Tôi hỏi Thành về chị Vân. Với nụ cười buồn anh bảo chị Vân ghét anh rồi.
- Thế bây giờ anh có chị khác rồi phải không?
- Ừ, bây giờ anh chỉ có chị “tầu bò” yêu quý thôi.
Tôi ngúng nguẩy quay đi:
- Gớm, anh thì chỉ suốt đời nhắc đến tầu bò với lại tầu bay thôi. Từ nay nói chuyện với Dung anh không được nhắc nữa đấy.
Những lúc nhìn tôi và Thành nói chuyện với nhau chị Ái cười tinh nghịch hỏi Thành:
- Thành và Dung không còn cãi nhau nữa chứ.
Thành cười, anh phác một cử chỉ lúng túng:
- À… vâng, dạo này Dung lớn rồi, đâu còn trẻ con như ngày xưa nữa.
Tôi ngượng ngập và cảm thấy má mình nóng bừng, tự nhiên đâm ra bối rối mối khi gặp cái nhìn của Thành. “Ngày xưa có bao giờ mình thấy như vậy đâu”. Tôi cứ tư nghĩ như vậy mà chẳng biết trả lời. Ngày nghỉ phép cuối cùng Thành đến báo tin, tôi bỗng thấy hốt hoảng và bơ vơ lạ. Có một cái gì đó làm cho tôi linh cảm là sẽ phải xa anh vĩnh viễn. Tôi nói rõ ý nghĩ ấy cho cả nhà và Thành nghe. Mẹ ngắt ngang và mắng:
- Dung nói bậy nào.
Thành thì vẫn thản nhiên, anh nói:
- Dung đừng lo, anh không chết đâu mà sợ. Số anh sống lâu lắm mà.
Đêm đó tôi thao thức. Đây là lần đầu tiên trong đời học trò tôi thao thức để nghĩ đến một người con trai, nhất là người con trai ấy là Thành. Tôi cố dỗ giấc ngủ bằng những câu an ủi, rồi mai mốt Thành sẽ về cơ mà. Nghĩ rồi lại thấy bực mình. Mỗi khi nhắm mắt lại thấy Thành. Tại sao vậy nhỉ? Lúc nào cũng Thành, cái gì cũng Thành, “ngày xưa, có bao giờ mình thèm nghĩ đến Thành đâu”.
Thế rồi thời gian vẫn trôi đi, cho đến bây giờ khi tôi gần quên anh trong ký ức thì tin anh chết lại đến với tôi. Kể từ ngày Thành đi, đây là lần thứ hai tôi được biết tin Thành. Lần thứ nhất anh gửi về cho tôi một lá thư, Thành kể chuyện nhớ gia đình, nhớ chị Ái, nhớ Thanh và nhớ nhất là Dung. Anh vẫn bảo thế. Tôi biết tính Thành rất lười viết thư nên không bao giờ trách anh cả. Lần thứ hai thì được tin Thành chết sau cuộc xung kích ở chiến trường miền Tây. Thành gục xuống trong tiếng reo hò chiến thắng của đồng đội.
Tôi thẫn thờ ôm cặp bước lên lầu. “Ô, Thành chết thật sao nhỉ?” Vô tình tay tôi đụng vào cuốn Album. Tôi lật nhanh tới chỗ dán hình Thành. Tấm hình tôi và Thanh đã ăn cắp của anh. Ở dưới tôi bị chú “Đây là ông thầy cãi”. Nhìn Thành với khuôn mặt buồn muôn thủa, với mái tóc tài tử với cặp mắt sáng trong, bỗng dưng tôi thấy Thành thật linh động, trong một lúc tôi có cảm tưởng rằng Thành cười với tôi nụ cười buồn như khóc. Một sự sợ hãi len nhẹ trong tôi. Tôi ngồi thừ trước bàn học, cái gì ở đây tôi cũng thấy như có Thành. Tấm hình tài tử “Sandra Dee” Thành đã cắt và treo cho tôi trên bàn học, quyển sổ tay của anh, những bài thơ dang dở. Tất cả đối với tôi bây giờ thật là linh động. Hình như bao nhiêu kỷ niệm của Thành đã bị tôi chôn vùi, giờ được bùng dậy và chúng như được giải thoát khi nước mắt tôi chan hoà nhỏ xuống. Tôi khóc thật nhiều, khóc mà không hiểu tại sao nữa. Cái gì của Thành đối với tôi cố tình chôn vùi giờ cũng trở thành quan trọng. Có lẽ đến giờ tôi mới hiểu rõ lòng tôi thì tất cả đã muộn màng. Tôi gục đầu xuống bàn học nức nở và cảm thấy nhớ Thành thật nhiều.
Sài Gòn 1965