Phần II

     ượng đã xem xong tờ nhật trình. Mọi trưa, cứ gần hết mục thời sự Hà Nội là chàng đã díp mắt lại. Nhưng trưa nay, không hiểu tại sao chàng cứ trằn trọc không ngủ được. Chàng nhớ thuốc lá cũng có, chàng băn khoăn về chỗ cô Quỳ cho mình là con người nói dối cũng có. Mồm thấy nhạt phèo mà bụng thì nôn nao.
Bà Xuân Thái là bạn của mẹ chàng xưa kia từ hồi hai người còn con gái. Mẹ chàng mất đi, cái giao tình của hai nhà cũng không vì thế mà gián đoạn. Trong ba năm chàng học ở Bưởi, cha chàng gửi chàng trọ học nhà bà Xuân Thái. Bà Xuân Thái rất yêu chàng, mà cô Quỳ lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng đối với chàng cũng rất là quấn quýt. Năm Vượng đỗ bằng Cơ thủy thì cha chàng, một công chức ở tỉnh nhỏ qua đời, chàng phải xin thôi học, kiếm việc làm để nuôi ba em. Lúc đầu thì thật là chật vật, nhưng dần dần nhờ vào sự thông minh và chăm chỉ của chàng, ảnh ngộ cũng khá dần, chàng đã trở nên một chánh kế toán của một hãng buôn lớn với số lương một trăm bạc.
Chàng nhớ hôm chàng từ giã nhà bà Xuân Thái, cô Quỳ, năm ấy mới có mười bốn tuổi, nắm lấy áo chàng khóc rưng rức, và bà Xuân Thái hai mắt cũng đỏ hoe. Cả nhà bà Xuân Thái, ai cũng mến chàng, từ Hồ, là anh Quỳ cho đến Tý, là em Quỳ, đều coi chàng như anh cả.
Hồ bây giờ đã là ông Tham và Tý đã lên lớp nhất, Quỳ năm nay đã hai mươi mốt mà chàng thì đã hai mươi tám rồi.
Xưa kia, cứ chủ nhật chàng dắt các em lại chơi nhà bà Xuân Thái, ăn buổi cơm chiều ở đấy, rồi mãi khuya, anh em mới dắt nhau về. Nhưng từ khi Đạt và Thịnh lớn lên, chàng thấy hai em không thích bỏ phí ngày chúa nhật vào những câu chuyện vô vị ở đấy, nên chàng không dắt hai em lại nữa. Mà chàng thì dần dần cũng thưa đến. Chàng thưa đến, không phải vì chàng không thích. Chàng thích lắm, chàng thích nhìn cái cười tươi thắm của Quỳ, cái dáng đi khoan thai của cô và vẻ mặt phúc hậu hiền từ của bà Xuân Thái mà chàng coi như mẹ. Nhưng sở dĩ chàng không dám đến là vì chủ nhật nào nhà bà Xuân Thái cũng đánh tổ tôm và bà cứ ép chàng phải ngồi một chân. Chàng sợ thua, và chàng đã thua to mấy lần rồi. Sổ chi thu của gia đình chàng đã dự tính sát từng đồng bạc, thua năm ba đồng là thiếu thốn, chàng cũng lại chẳng muốn cho các em nhìn thấy cái nghèo của gia đình.
Luôn luôn, chàng nghĩ đến cái hôm bi đát mà ba em chàng ôm lấy chàng khóc sướt mướt, cạnh thi hài của cha chàng. Vuốt mắt cho cha, chàng nguyện với vong hồn người đã khuất rằng, chàng sẽ làm đầy đủ cái bổn phận thiêng liêng đối với các em.
Lúc ấy, chàng cũng chỉ mới có hai mươi tuổi, chàng cũng chỉ là một thằng bé con, nhưng một thằng bé con, lớn hơn những đứa bé con mồ côi cả cha lẫn mẹ kia.
Lòng thương em đem đến cho chàng nghị lực và sự nhẫn nại. Chàng đem các em về Hà Nội. Những ngày đầu thì cũng khốn đốn, nhưng dần dần nhờ sự làm việc, cái no ấm đến dần. Ngày nay như thế này, kể cũng là mát mặt, mặc dầu không tháng nào chàng có thừa tiền để tiêu những cái tiêu nhảm, những cái tiêu vô ích, nhưng chính là những cái nó đem thi vị đến cho cuộc đời.
Nằm ở sập, chàng nhớ thuốc lá, nhớ luôn tới những ngày thơ ấu mà nhờ tấm lòng thương con của cha chàng, chàng và các em chàng không bị đau đớn mấy về nỗi mất mẹ. Cha chàng không bao giờ chịu tục huyền, cha chàng không bao giờ chịu để cho một người không phải là mẹ chàng có thể sai bảo được chàng.
Các em chàng còn nhỏ không biết, nhưng chàng lớn chàng biết. Lúc còn mẹ chàng, cha chàng cứ thứ bảy chủ nhật là tổ tôm, cô đầu. Nhưng từ khi mẹ chàng mất đi, thì cha chàng thôi hẳn. Lương tháng dè sẻn từng xu, và săn sóc đến con lại có phần chu đáo hơn một người đàn bà. Tỉnh Hải Dương đã đặt cho cha chàng cái biệt hiệu: “vú đực”. Cái biệt hiệu ấy mới êm ái cho lòng chàng biết bao!
Cha chàng lương mỗi tháng cũng gần trăm bạc, nhưng sở dĩ lúc chết đi chỉ còn mấy trăm đủ ma chay là vì phải chu cấp cho họ hàng anh em nhiều. Bác chàng và chú chàng đều nghèo. Tháng nào cũng như tháng nào, cha chàng đều gửi cho mỗi người năm đồng. Lúc cha chàng mất đi, chàng sưu tập các giấy má, nhìn thấy tập cùi măng-đa, chàng rưng rưng nước mắt. Chàng thề sẽ bắt chước cha ăn ở hết lòng với các em. Trong tám năm nay, lời thề ấy chàng giữ đúng. Vì thế cho nên, tuy yêu Quỳ mà không bao giờ chàng dám nghĩ đến việc lấy cô, mặc dầu chàng biết chắc rằng nếu chàng ngỏ lời ra thì bà Xuân Thái bằng lòng ngay. Bà Xuân Thái hiểu chàng, biết những đức tính và rõ tấm lòng trung hậu của chàng. Bà không cầu mong gì hơn cho con gái bà lấy được một người chồng như chàng.
Cái mối băn khoăn của chàng buổi trưa hôm nay gây ra bởi sự thiếu thuốc lá cũng có, nhưng một phần là bởi cái ý nghĩ: chẳng biết Quỳ có đợi chàng được ba năm nữa không? Hay trong cái thời hạn ấy, có người hỏi, Quỳ sẽ đi lấy chồng? Chàng thì chàng không thể ngỏ lời trước thời hạn ấy. Còn ba năm nữa, Đạt mới ra trường. Lúc ấy, Đạt mới kiếm được tiền để giúp đỡ cho sự học hành của Thịnh. Bây giờ, chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình, chàng không thể.
Vả lại hiện nay, anh em đang hòa thuận. Nhàn đang giữ quyền thu, quyền phát trong nhà; chàng lấy vợ về, để cho Nhàn xuống cái địa vị số hai, để trong anh em có những điều xích mích, chàng không sao vui lòng được.
Thực ra Vượng phải sống với sự sợ hãi, sợ hãi cái tin nó báo cho chàng biết Quỳ sắp đi lấy chồng. Trong sự sợ hãi ấy lại xen vào những đau đớn của một tình yêu chưa đi tới đích, nhưng dù sao, lòng thương em của kẻ làm anh vẫn mạnh hơn.
Không ngủ được, Vượng trở dậy, lên gác, lục túi áo xem có còn điếu thuốc lá nào không. Trong túi chàng, chỉ còn có cái vỏ, chàng cầm lấy đưa lên mũi hít một hơi dài, rồi vò ném ra ngoài cửa sổ. Cái vỏ bao thuốc lá vướng chấn song, bật lại gần bàn học. Đạt đang xem sách, nghe tiếng động, ngửng đầu lên, nhìn thấy, quay lại:
- Anh không ngủ trưa à?
- Không hiểu sao trưa nay không ngủ được.
Đạt mỉm cười:
- Hay tại không có thuốc lá hút bị nó hành đấy? Hút một vài điếu hại gì.
Vượng vội vàng nói:
- Không. Có thấy gì đâu. Tôi lên tìm cái... này. Thuốc lá có phải thuốc phiện đâu. Tôi chả thấy thèm gì cả.
Vượng lại ngồi cạnh Thịnh, Vượng nhìn vào quyển sách triết lý mà Thịnh đang xem:
- Chú chắc thi về ban triết, chứ không thi về ban số học như chú Hai?
- Vâng.
Vượng đọc mấy câu ở đầu trang:
- Trước kia, thầy vẫn hy vọng cho tôi vào trường Luật. Thầy hy vọng cho tôi một ngày kia sẽ ra làm quan. Nhưng tôi... Thôi, chú Hai đã vào học trường thuốc thì chú sau này sẽ vào trường Luật. Cái điều thầy mong muốn cho tôi, tôi không thể đạt được thì chú vậy. Một khi chú đỗ được luật khoa cử nhân thì thầy hẳn là bằng lòng lắm. Tưởng tượng một ngày kia, về làng, có người gọi chú bằng quan lớn... Ở đấy, tôi đã nhìn thấy cái cười nở như hoa đại của chú Lý.
- Nhưng nếu tôi có vào học trường Luật thì cũng không phải để cho chú Lý bắt nạt mọi người.
- Ừ thì đành thế, nhưng biết làm thế nào. Xưa kia, mỗi lần chú lên thăm thầy, thầy vẫn khuyên chú đừng đè nén con em, nhưng tính chú hống hách thế biết làm sao. Tôi nhớ có một lần không biết chú ức hiếp ai, họ lên mách với thầy, thầy viết thư về gọi chú lên. Thầy gắt om nhà rồi... không biết chú nói thế nào, thầy bắt chú nằm thầy đánh chú một trận đau lắm. Chú khóc rưng rức, rung cả bộ râu tôm. Tôi cứ nghĩ đến lúc chú nằm dài khóc sướt mướt mà tôi cười nôn ruột. Bộ điệu của chú lúc ấy trông thiểu não và thương hại lắm. Có lẽ vì thầy thấy thế mà thầy dỗ. Và có lẽ vì thế mà thầy không bắt chú từ lý trưởng. Khi về, thầy cho chú cái điếu ống khảm. Từ đấy thì bất cứ đi đâu, chú cũng sai người mang cái điếu ấy đi theo. Thầy vẫn bảo chú tốt, nhưng phải cái tội hống hách xằng, chẳng bù với bác cả, cứ hiền như bụt.
Đạt và Thịnh đều chăm chú nghe Vượng nói. Đồng hồ đánh một tiếng. Vượng giật mình:
- Chết, tôi làm mất thì giờ của hai chú.
- Không, chúng em học thuộc cả rồi. À thế bác cả có bao giờ mắng chú Lý về cái tội hống hách không?
- Bác cả hiền như đất ấy, còn mắng ai, nhưng chú Lý cũng sợ bác cả lắm. Đi đâu với bác cả, chú ấy không dám mang tráp điếu đi theo. Tôi nhớ năm nào về quê ăn tết, bao giờ thầy cũng tạt vào thăm bác cả trước, rồi mới về nhà. Mà chú Lý thì bao giờ cũng đến thăm thầy ngay. Thầy không bao giờ dám ngồi cùng giường với bác cả, cũng như chú Lý không bao giờ dám ngồi cùng giường với thầy. Kể như thế thì cũng khí quá, nhưng tôi xem sự thủ lễ ấy cũng có chỗ hay. Nó cũng là một đặc điểm của phong tục Á Đông. Nhờ nó mà không bao giờ có sự cãi cọ trong anh em. Trong làng ta, hễ nhà nào có anh chị em cãi nhau là y như người ta nhắc đến sự trên kính dưới nhường của nhà ta. Các chị em dâu cũng ăn ở với nhau như bát nước đầy; và một khi anh em đã như thế thì đời nào các chị em dâu dám cãi nhau. Gia đình lúc nào cũng vui vẻ và cứ êm như ru. Các chú còn nhỏ không biết, chứ tôi, tôi được chú Lý dắt đi chơi luôn, tôi thấy rõ mọi sự. Chú Lý sợ thầy như cọp, nhưng chú ấy mê cờ bạc lắm, thành ra chú ấy liều. Có một lần, chú ấy đang đánh bạc, thầy đến; chú ấy vội vàng dắt tôi chui vào gầm giường. Thầy ngồi ngay lên cái phản mà hai chú cháu đang trốn...
- Thầy có biết không?
- Không biết có biết không! Nhưng thầy chỉ ngồi một tí rồi thầy đi; chủ nhà sai đun nước mời thầy, nhưng thầy không ở. Hai chú cháu ở dưới nghe thầy nói: “Thôi, tôi đã uống nước đằng kia rồi” mừng quá. Lúc thầy ra rồi, hai chú cháu liền trèo qua rào đi đường tắt về ngồi ở nhà trước. Tôi nhớ lần ấy chú cho tôi một hào và dặn “Hễ thầy có hỏi thì bảo tao với mày đi ra chợ về nhé. Mày mà bảo đi đánh bạc thì tao đánh mày chết”. Hai chú cháu ngồi một chốc thì thầy về. Chú ấy vờ khéo lắm:
- Gớm, chợ hôm nay đông quá, bác chả ra. Tôi định ra xem có con mèo nào đẹp, mua biếu bác một con để bác đem lên tỉnh, trên ấy chuột lắm, nhưng chả có con mèo nào vừa ý.
Thầy không trả lời, rồi thầy nắm tai tôi:
- Mày đi đâu về mà mạng nhện chằng chịt đầy đầu thế này?
Tôi nhìn chú Lý, rồi tôi vội vàng nói:
- Con cũng ra chợ với chú.
Thầy tủm tỉm cười:
- Chợ mà có mạng nhện thì thần tình thật!
Đạt và Thịnh đều nói:
- Thế là thầy biết, chứ lỵ.
- Có lẽ. Thầy xoắn tai tôi: “Đi đâu về phải nói ngay?”. Tôi luôn luôn chối: “Thưa thầy, con đi chợ mua mèo với chú thật”. Chú Lý ngồi chết cứng ở tràng kỷ. Đến khi chú thấy thầy buông tai tôi, rồi sai tôi xuống bảo người đun nước để pha trà tàu cho chú uống, chú mừng như bắt được vàng. Hôm thầy mất, chú khóc thảm thiết. Và có một sự lạ mà không ai có thể ngờ là từ khi thầy mất, chú ấy thôi đánh bạc. Khi còn thầy thì chú mê lắm. Thôi thì trong nhà có cái gì bán ráo, lúc nào cũng chẳng có một xu dính túi.
- Có lẽ vì chú ấy thương thầy.
- Chính thế. Chú ấy thường than thở với mọi người rằng thầy mất đi thì không còn ai để mắng chú ấy nữa, chú ấy phải tự tu tỉnh lấy.
Vượng đặt tay lên vai Thịnh:
- Thầy thường bảo em giống chú lắm. Mà em giống chú thật.
Rồi Vượng cười:
- Cái đức làm dáng của em cũng giống chú. Ai đời làm lý trưởng mà lúc nào cũng sa tây, giầy “ban” như quan huyện.
Ba anh em đang ôn lại những kỷ niệm thì Nhàn lên.
- Kìa anh cả không ngủ ư?
- Hôm nay, anh không thấy buồn ngủ.
- Thế thì đi làm mệt chết.
Nhàn nhìn đồng hồ:
- Bây giờ mới có một giờ mười lăm. Anh xuống ngủ đi cũng còn được một giờ. Hai rưỡi, anh mới phải đi làm cơ mà. Hôm nay khi ra sở, anh bảo thằng xe về ngay, để nó kéo em đi mua bán nhé.
- Thôi thế thì anh nhường xe cho em. Đây ra sở mấy bước, hôm nay lại mát trời. Ba giờ, em mới đi thì sợ cơm chiều muộn chăng.
Vượng xuống nhà, đặt mình lên sập, nhưng quá giấc, chàng không sao ngủ được, chàng lại nhỏm dậy.
Nhàn lúc ấy đã sắm sửa xong sắp đi.
- À, cô có đi, nhớ tạt vào chơi bà Xuân Thái nhé. Đã lâu lắm, chúng mình chưa lên chơi bà ấy.
- Em hiểu rồi. Và em hẹn với bà ấy đến chủ nhật anh lên chơi nhé.
Vượng lưỡng lự:
- Nhưng anh chỉ lo bà ấy bắt đánh tổ tôm.
- Thì anh đánh. Nhỡ được biết đâu?
- Nhưng nhỡ thua.
- Thua thì thua, có sao?
Vượng cười:
- Đành thế. Nhưng...
Vượng vừa nói, vừa vuốt lại mấy sợi tóc xòa xuống mặt em:
- Cô mặc cái màu này trông nổi lắm.
Nhàn sung sướng:
- Chị Quỳ, chị ấy cũng bảo thế. Chị ấy cứ hẹn em hôm nào lên phố dắt chị ấy đi mua một áo như áo này; anh Ba chọn cho em đấy.
- Thằng ấy tinh mắt thật.
Rồi Vượng như nói một mình:
- Cô Quỳ mặc áo này chắc cũng nổi.
- Nổi hơn em, vì cái “co” cô ấy đẹp hơn. Cô ấy cao hơn.
- Chả chắc.
- Thôi em đi nhé. Em đi trả tiền nhà nhân thể.
Nhàn ra đến cửa, Vượng còn dặn với:
- Em nhớ tạt vào nhà bà Xuân Thái, và nhớ bảo vì anh bận việc nên không năng lên chơi được nhé.

 

Không ngủ được, Vượng trở dậy đi bách bộ trong nhà. Nhìn thấy chiếc xe đạp của Đạt đầy bùn mà thằng xe vì phải kéo Nhàn đi, chưa kịp lau, chàng đi lấy giẻ ra lau. Quay cái “pê đan” thấy lịch kịch, chàng bèn lấy đồ tháo tung ra, cho dầu mỡ và thay bi.
Hí húi đến hai giờ thì vừa xong. Chàng nhìn chiếc xe bóng nhoáng bằng một con mắt sung sướng; chàng tưởng tượng đến sự vui vẻ của Đạt, khi phóng như bay ở trên đường nhựa với một chiếc xe êm ái như thế này.
Nhìn một lát, chàng lên gác mặc quần áo đi làm.
Đạt lúc ấy đã thôi học, đang lúi húi đánh giày. Thấy Vượng lên, Đạt nói ngay:
- Giày anh đi lâu hỏng quá, còn mới nguyên trong khi của tôi với thằng Thịnh thì đã gần hỏng rồi.
- Tôi đi xe nhà, hai chú đi xe đạp, kể gì. À nhớ lúc đi học, khóa cửa lại cẩn thận, rồi đưa gửi chìa khóa bên bà giáo nhé. Em nó phải lên phố.
Thịnh lẩm bẩm:
- Nó lại lên cô Quỳ thôi!
- Nó đi mua bán nữa.
- Cô Quỳ độ này đến đây luôn.
Vượng nhìn em, Thịnh lại nói:
- Cô ấy độ này diện lắm lắm. Đi chợ mà cũng ví đầm, giày cao gót như đi chơi.
Đạt đang đánh giày, ngừng tay:
- Đó là quyền của cô ta. Tại sao chú cứ hay bình phẩm người ta?
- Tôi nhận xét thấy như thế, chứ có phải tôi bình phẩm đâu.
Đạt tủm tỉm:
- Nhận xét có nghĩa là bình phẩm rồi. Tôi thì tôi cho người đàn bà có quyền làm đẹp.
- Nhưng cô ấy làm đỏm quá. Mà đàn bà làm đỏm quá thì không tốt.
- Thế đàn ông làm đỏm quá như chú thì tốt hay sao?
- Tôi cũng không làm đỏm quá.
Vượng vừa thắt dây giày, vừa bảo Thịnh:
- Bà Xuân Thái là bạn thân của nhà ta. Dẫu sao đối với cô Quỳ, em cũng nên lịch sự, không bà ấy có thể giận. Chúng ta không nên quá... khắc nghiệt với những người bạn.
- Không, thì em chỉ nói với anh em mình đây.
Vượng lại hồi hộp bảo em:
- Chắc là em không ưa cô ấy?
Thịnh không rõ mối tình u ẩn của Vượng đối với Quỳ, nói trắng ngay:
- Ưa làm sao được một người môi đánh đỏ chót và mặc áo gần chấm đất như thế.
Vượng có cảm tưởng như vừa bị một vật gì nhọn đâm vào ngực. Đạt phá lên cười:
- Người ta thường bảo những kẻ giống nhau thì ưa nhau. Cái “ca” của chú với cô Quỳ thì trái ngược hẳn. Chú thích làm dáng mà chú lại không ưa sự làm đỏm của cô Quỳ thì lạ thật. Anh cả trông cái đầu nó chải, thật là cả một công trình vĩ đại, ngay ở nhà, nó cũng sợ rối tóc.
Vượng cố gượng cười:
- Chú nghĩ thế nào, chú cũng chỉ nên để bụng, chứ một khi cô ấy đến chơi đây, chú đừng tỏ ra cho cô ấy biết. Bà Xuân Thái là bạn thân của mẹ.

 

Vượng xuống nhà, nhưng khi qua buồng em gái, chàng không thể không vào để xét xem lời phê bình của Thịnh có đúng không, chàng biết có bức ảnh của Quỳ ở trong ấy. Nhìn bức ảnh, chàng thấy không đúng một tí nào. Áo tuy dài, nhưng Quỳ cao, chẳng có gì là chấm đất, và “mốt” mới như thế lại ưa nhìn. Vượng thầm xin lỗi với bức ảnh những lời phê bình gay gắt của em chàng.
Rồi nhìn trước nhìn sau không thấy ai, chàng sẽ cúi đầu đặt môi lên bức ảnh, đặt môi ngay vào cái gấu áo mà em chàng chê là chấm đất.
Trước khi quay ra, chàng nhìn gian buồng một lượt. Trong gian buồng của cô trinh nữ, có một cái gì làm cho chàng cảm động, chàng nghĩ đến gian buồng của Quỳ. Có lẽ nó cũng thanh nhã và ấm cúng như gian buồng này, cái gian buồng sáng nhất, mát nhất, đẹp nhất của nhà này.
Khi bắt đầu dọn tới đây, cả ba anh em đều đồng tình nhường gian buồng xinh xẻo này cho em gái. Chính vì thấy gian buồng đẹp mà Vượng đã tự mình lên phố Hàng Sũ đặt làm một bộ “phòng ngủ” cho nó xứng đáng với gian buồng. Hôm giường, bàn, tủ đem về đây, chính Vượng tự kê cho em gái, cái miếng gỗ lót ở dưới chân giường để cho nó khỏi cập kênh kia, chính tay chàng đẽo. Chàng nhớ hôm ấy, em gái chàng bảo:
- Bây giờ anh mua cho em thì em hãy nằm, khi nào anh lấy vợ, em lại nhường cho chị.
Vượng không thể lấy vợ trước khi Nhàn lấy chồng bởi vì như thế tức là đuổi em gái ra khỏi gian buồng nó đang yêu quý. Cách bày biện chứng tỏ tấm lòng yêu tha thiết ấy. Tưởng tượng em gái chàng phải rời bỏ gian buồng ấm cúng này, xuống ngủ ở chiếc sập phòng khách trống hốc trống hác mà chàng vẫn ngủ, chàng thấy cái hạnh phúc lấy Quỳ của chàng có một chỗ không đầy đủ, và hình như trong đó lại có xen vào một cái gì như hối hận. Chàng thấy chàng chỉ có thể sung sướng khi nào sự sung sướng của chàng không làm giảm sự sung sướng của các em chàng.
Nhà có bốn gian. Gian ngoài ở dưới rộng, để làm phòng khách. Vượng đem cái tủ chè, cái sập, bộ “sa lông” tàu của cha mình thuở xưa bày ở đấy. Trưa và tối, Vượng đều ngủ ở chiếc sập này. Chàng không lên gác ngủ với Thịnh và Đạt vì chàng sợ có mặt chàng ở đấy, hai em không được tự do. Gian trong làm buồng ăn. Hai buồng trên gác thì một buồng để cho Nhàn, còn buồng ngoài thì vừa làm buồng ngủ và buồng làm việc của Thịnh và Đạt.
Bao nhiêu sự tiện lợi ở trong nhà này, Vượng đều để dành cho các em, còn mình thế nào cũng xong. Chàng không dám có một sở thích, nhưng các em đã ngỏ lời thích cái gì là chàng chiều ngay. Ôn lại cái lịch sử Vượng gom góp tiền để mua xe đạp, để sắm giường, tủ cho em, thật là ôn lại cả một sự kiên nhẫn và một lòng yêu thương không bờ bến.
Chính chàng là người kiếm tiền và chủ trương trong cái gia đình này, nhưng chàng chỉ kiếm tiền và chủ trương cho các em, vì các em. Tất cả mọi thứ đều vì các em mà mua, mà sắm, mà làm, chứ chàng thì không, chàng không cần một thứ gì cả. Chàng chỉ cần sao cho các em được no ấm và luôn luôn vui vẻ.
Đời chàng không biết một thứ tiêu khiển, mặc dầu trước kia, lúc gạo chưa đắt, mỗi tháng chàng cũng góp số tiền năm đồng với anh em trong sở để đi ăn, đi hát. Chàng thuận góp số tiền ấy là vì muốn được yên thân với bạn đồng nghiệp mà thôi.
Những buổi chiều thứ bảy, hễ ngồi vào bàn tiệc linh đình đặt tại một hiệu cao lâu lớn phố Hàng Buồm là Vượng nghĩ đến bữa cơm xoàng xĩnh ở nhà. Vì điều nghĩ ấy mà thành ra chàng ăn những món vây, yến thấy không được ngon mấy. Từ sau, mỗi lần đi ăn, chàng đều bảo Nhàn phải làm gà, làm vịt, làm thang, nem, chả, để ở nhà ăn.
Những tối chàng đi hát với anh em là những tối chàng khổ sở nhất. Nhưng không đi không được, thành ra lòng rầu rười rượi mà vẫn phải cười nói.
Như người ta, sự đi hát như thế là một khoái trá, nhưng đối với chàng, chẳng những không khoái trá mà nó lại còn là khó chịu. Không phải chàng không thích gái. Chàng thích lắm, nhưng lòng thích gái của thằng người không mạnh bằng lòng thương em của người chàng. Chàng chỉ lo các em biết. Và như thế, chàng thấy như chàng đã tự làm giảm cái oai quyền của người anh, đã phạm lỗi và do thế, làm giảm cả lòng yêu và lòng kính trọng của các em chàng đối với chàng.
Gái thích chàng và chàng cũng thích gái, nhưng bao giờ đi hát, cứ đến nửa đêm là chàng cũng về. À quên, chàng chỉ ở lại có một đêm. Lần ấy là lần đầu, mà cũng là lần cuối. Cái đêm đã gây cho chàng biết bao hổ thẹn và bực tức, luôn luôn, chàng vẫn giữ một kỷ niệm hãi hùng.
Hôm ấy ở cao lâu, vì anh em nài ép, chàng uống hơi say, rồi khi đến nhà hát, chị em mời mọc quá, chàng lại hút mấy điếu thuốc phiện. Rồi thì Huệ, một cô đầu nhất ở đấy đã quý mến chàng từ lâu, hết sức giữ chàng ngủ lại. Sức mạnh nồng nàn của gái nhờ rượu và thuốc phiện giúp sức, một phen đã thắng, thắng cái xác thịt của tuổi hai mươi sáu, rồi trong một lúc say sưa vì sắc đẹp, vì rượu và vì thuốc phiện, chàng đã không cưỡng nổi mệnh lệnh của nó. Đêm ấy, chàng đã làm cho Huệ sung sướng, nhưng chàng thì sau khi xác thịt đã được thỏa mãn, chàng bỗng thấy mình biến thành một người khổ sở. Chàng khổ sở bởi vì mặt trời đã mọc trên những nóc nhà của phố Khâm Thiên, chàng mới bừng tỉnh giấc mê ly. Chàng khổ sở khi phải bước chân về nhà trông thấy mặt ba em. Chàng thẹn không biết ngần nào khi Nhàn vui mừng chạy ra nắm tay chàng:
- Hôm qua anh đi đâu cả đêm, làm cho chúng em ở nhà nóng ruột quá. Em tưởng anh lên đánh tổ tôm trên nhà bà Xuân Thái, em cho thằng xe lên đón, nhưng bà ấy bảo anh không lên đấy.
Ở sở, Vượng đã nghĩ sẵn một câu nói dối, nên chàng nói cũng trôi chảy:
- Hôm qua đi ăn cỗ ở nhà bà Chín Cao, rồi họ rủ tổ tôm. Anh cũng định đánh vài ba hội rồi về, ai ngờ mình lại được. Ăn non coi không tiện, thành ra cứ phải ngồi đánh mãi cho tới sáng.
Rồi chàng lấy ra chục bạc mà chàng đã vay ở “két” đưa cho Nhàn:
- Đây anh được chục bạc, em xem nhà có thiếu gì thì mua.
Thịnh đang nằm ở trên sập xem báo, liền nhảy xổ ngay xuống:
- Ồ, thế thì để cho em mua một cái đồng hồ đeo tay.
Vừa nói, Thịnh vừa toan đưa tay cướp lấy chục bạc, Nhàn du Thịnh ra:
- Không, để cho em. Chị Quỳ chị ấy có một cái đồng hồ đẹp đẹp là.
Đạt đi học về, đứng ở cửa, nghe biết chuyện liền bảo:
- Ở nhà này, nếu có một người phải cần đến đồng hồ đeo tay là em. Con Nhàn, mày ở nhà cần gì đồng hồ, thằng Thịnh, mày đi học một ngày hai buổi cần gì đồng hồ. Tao lúc ra nhà mổ, lúc ra cao đẳng, lúc đi nhà thương mới phải cần đồng hồ chứ. Tao vẫn định bảo anh cả mua cho tao một cái, nhưng thấy chưa có tiền thành ra tao chửa dám xin. Bây giờ, anh cả được cái bổng trời cho này thì chính là trời dành cho tao hưởng. Tao đã nhìn thấy ở Tràng Tiền một cái đồng hồ mạ kền kiểu Suisse đẹp lắm mà chỉ có chín đồng rưỡi. Đưa mười đồng đây, tao mua đồng hồ, còn năm hào, tao rẽ vào Gô Đa mua kẹo cho mà ăn.
Nhàn đưa mười đồng ra một cách tiếc rẻ:
- Thế là chị Quỳ có đồng hồ mà em không có.
Đạt đút mười đồng vào túi:
- Thế mày thấy người ta có ô-tô, sao mày không than phiền rằng không có ô-tô.
Vượng thấy vẻ mặt tiu nghỉu của Nhàn liền bảo:
- Thôi chú Hai cũng đừng mua vội. Để sáng chủ nhật, anh dắt đi mua cả cho ba người một thể.
Ấy thế là Vượng phải đi vay của một người cho vay lãi số tiền ba chục, trả làm sáu tháng, mỗi tháng sáu đồng để cho bằng lòng cả các em.
Suốt mười hôm sau, Vượng cứ lo ngay ngáy rằng, không khéo mình bị bệnh, bởi chàng thấy anh em sở dĩ vì đi hát mà bị bệnh nhiều quá. Ngày thứ mười một chàng mới thở dài một cái thở dài khoan khoái. Nhưng sự khoan khoái ấy không lâu. Buổi chiều, Huệ, vì ỷ cái quyền của một đêm hiến thân, đến tìm chàng tại sở. Thoạt nghe người loong toong nói có một người đàn bà hỏi chàng, chàng ngỡ em gái chàng đến gọi chàng vì nhà xảy ra việc gì quan trọng, chàng thấy rủn cả người. Nhưng khi ra, nhìn thấy Huệ, chàng mới lại hồn, vui vẻ mừng lộ ra nét mặt.
Huệ lại lầm tưởng rằng sự vui mừng ấy là vì mình:
- Sao đã lâu anh không xuống? Làm cho em nóng cả ruột. Anh đối với em tệ bạc quá.
Vượng tuy vì thương các em, mà thành ra khắc khổ, nhưng vốn không phải là người tàn nhẫn, thành ra lòng tốt của chàng buộc chàng phải tìm cách nói dối:
- Anh bận quá. Thôi để thứ bảy này anh xuống.
- Thật nhé? Anh thề đi nào.
- Anh bảo anh xuống là anh xuống, hà tất phải thề.
- Không, anh thề đi em mới tin cơ.
Vượng không bao giờ có thể thề bậy, dù là đối với một cô đầu:
- Nếu em đa nghi đối với anh thì em còn đến tìm anh làm gì?
Chàng nói xong bỗng thấy thẹn, vì chàng biết chàng không thể xuống và không bao giờ chàng xuống nữa.
Trái lại, Huệ nghe chàng nói thế mừng hớn hở:
- Ừ thế hôm nay anh xuống nhé. Không em lại tận nhà đón anh đấy.
Sấm nổ ngang đầu làm cho Vượng giật mình bằng câu nói ấy. Chàng tưởng tượng ngay khi Huệ lững thững vào nhà, rồi các em chàng biết.
Chàng bối rối, rồi sự bối rối làm cho chàng thành cộc cằn:
- Nếu cô đến nhà tôi thì tôi không bao giờ thèm nhìn mặt cô nữa.
Huệ hốt hoảng:
- Anh sợ vợ anh biết hay sao? Sao các anh ấy bảo anh chưa có vợ?
- Tôi có vợ hay chưa, không cần biết, tôi chỉ cấm cô không được bước chân tới nhà tôi.
Vượng nói xong, quay phắt vào để mặc Huệ đứng trơ đó với sự ngơ ngác của mình.

 

Không phải rằng trong đời Vượng đã không có những cuộc tình ái. Trước khi yêu Quỳ một mối tình u ẩn và nồng nàn, Vượng lúc còn là học sinh trường Bưởi đã yêu cô hàng bạc ở trước cửa nhà bà Xuân Thái. Anh cô lại là bạn học với Vượng. Vì thế hai người đã có dịp để hò hẹn với nhau, một khi Vượng đỗ ra, sẽ nói thật với nhà để xin cưới. Mối tình ấy tuy không đằm thắm như mối tình đối với Quỳ ngày nay, nhưng nó cũng đủ sức mạnh làm cho khi biệt ly, Vượng phải ngẩn ngơ mất mấy tháng, bởi vì đó là mối tình đầu. Cô hàng bạc đi lấy chồng gieo vào tâm hồn Vượng một bâng khuâng không bờ bến. Cô đi lấy chồng bởi vì Vượng thôi học, Vượng không đỗ “đíp lôm”, Vượng không đỗ tú tài, Vượng không vào trường Luật, Vượng không thi ra làm quan, cái mộng mà cô hàng bạc đã ôm ấp từ bao lâu trong đầu.
Lúc cha mất, thấy mình có cái bổn phận phải kiếm ngay tiền để nuôi các em không thể theo học được nữa, Vượng có viết cho cô một bức thư trần tình, và xin xóa lời hẹn ước. Cô viết cho Vượng một bức thư trả lời rằng dù thế nào, cô cũng nhất quyết trung thành với Vượng. Cái thư ấy viết được ba tháng, trong thời gian Vượng còn bận ở Hải Dương thu xếp việc nhà, thì một hôm Vượng được tin cô đã đi lấy chồng, lấy một ông tham tòa sứ.
Cái tin ấy nếu đến trong những lúc khác, thì có thể làm cho Vượng đau đớn, nhưng may cho Vượng, nó lại đến trong lúc này, đến trong lúc mà lửa thiêng của bổn phận đang ngùn ngụt đốt tâm hồn. Vì thế cho nên Vượng dễ tha thứ. Vượng tự nhủ: “Mình vì nghĩa vụ nên phải bỏ cả nguyện vọng một đời, thì biết đâu cô ấy lại không vì muốn được trọn chữ hiếu với gia đình mà phải nghe theo lời cha mẹ?”.
Trước những trách nhiệm phơi bày ra trước mắt, mà Vượng đang dấn mình vào, Vượng chỉ nghĩ đến cô như một đứa bé nghĩ đến cái đồ chơi đã vỡ, cái đồ chơi tuy đẹp, nhưng cũng không phải là không thể có nữa.
Vượng đem ba em về Hà Nội tìm việc làm, chàng năng đi lại nhà bà Xuân Thái. Bà biết cảnh Vượng, biết lòng Vượng, nên coi Vượng như một đứa con. Bà tìm hết cách để giúp Vượng.
Lòng kính người mẹ bỗng kéo đến lòng yêu người con. Vượng được nhìn cái sắc đẹp của Quỳ nảy nở dần từ ngây thơ đến e thẹn, từ e thẹn đến tình tứ.
Cái sắc đẹp ấy thấm dần, thấm dần vào tâm hồn Vượng, rồi đến khi Vượng nhận thấy, thì tim chàng đã đầy ắp rồi. Vượng nhận thấy rằng mình yêu khi Quỳ còn mười tám, lúc Đạt đã đỗ tú tài. Lúc ấy, giá Vượng hỏi thì bà Xuân Thái gả ngay, và Quỳ cũng ưng thuận, nhưng Vượng không hỏi, và cũng chưa bao giờ ngỏ một ý tứ gì, mặc dầu đã nhiều lần, bà Xuân Thái gọi đến.
Vượng giả mù, giả điếc, vì chàng còn có những nguyện vọng cao xa cho em.
Hôm được tin Đạt đỗ, bà Xuân Thái có đặt tiệc mừng. Rồi khi tan tiệc, bà bảo Vượng:
- Bây giờ cậu Hai đã đỗ, đã có thể kiếm việc làm, cậu lo cho em thế cũng là chu đáo rồi. Vậy bây giờ, cậu cũng nên xem có chỗ nào thì... liệu đi, chứ cậu đã lớn rồi.
Vượng nhìn Đạt, nhìn Thịnh, nhìn Nhàn lẳng lặng không nói thì bà Xuân Thái lại nói tiếp:
- Bây giờ đỗ tú tài, xin đi dạy học hay làm ở tòa sứ cũng dễ. Lo cho anh trước, rồi em sau. Cậu liệu thế nào?
Vượng kéo Nhàn lại lòng, vuốt má, rồi hỏi Đạt:
- Chú có thích đi làm không?
Đạt ngần ngừ:
- Bây giờ đi làm thì... Nhưng... nếu...
Vượng nhìn vào mắt, đã hiểu ý em:
- Chú thường nói với anh chú thích vào trường thuốc cơ mà?
- Thích thì thích, nhưng tiền đâu mà học?
Vượng nắm tay em:
- Chỉ sợ chú không có chí, chỉ sợ chú không thích, chứ chú muốn thì tại làm sao không có tiền? Phải, anh cũng nghĩ thế. Thầy vẫn ao ước cho chúng mình được vào học cao đẳng, nay anh đã không vào được thì chú phải vào.
Rồi Vượng ngoảnh mặt đi, không dám nhìn Quỳ lúc ấy đang ngồi ở trước mặt chàng.
Bà Xuân Thái kéo tráp trầu lại cạnh mình:
- Cậu nghĩ thế rất là tốt, nhưng học Cao đẳng thì tốn tiền lắm, và nghe đâu học trường Thuốc thì những năm năm mới thi ra. Tôi chỉ sợ cậu không lo được, dở dang thì âu bằng đi làm từ bây giờ. Vả lại, cậu năm nay đã hai mươi nhăm, cậu cũng phải nghĩ đến chuyện vợ con chứ. Nếu cậu bằng lòng, tôi sẽ làm cho mối cho... đám này... cũng xứng đáng.
Bà vừa nói, vừa nhìn Quỳ. Quỳ còn ngây thơ không hiểu cái nhìn ý nghĩa ấy nên cười khanh khách:
- Mợ làm mối, không khéo lại phải đền đấy thôi.
Vượng nén tim, nói với bà Xuân Thái:
- Bà có lòng thương con như thế, con cũng đa tạ bà. Nhưng con định chờ cho các chú nó đỗ đạt cả rồi, con mới có thể tính được việc ấy. Nay cha mẹ con mất đi, các chú ấy chưa trưởng thành mà, con không lo thì sao cho phải.
Bà Xuân Thái không bằng lòng:
- Thế cậu định chờ đến bao giờ? Cậu định chờ đến khi già khụ mới lấy vợ hay sao?
Vượng muốn khóc:
- Chờ đến bao giờ thì chờ, nhưng ít nhất thì cũng phải chờ đến khi chú Hai ra trường.
Rồi như muốn tạ lỗi với bà Xuân Thái, chàng nói:
- Năm năm nữa, chứ bao lâu!
Bà Xuân Thái nhặt miếng trầu bỏ vào mồm:
- Năm năm! Năm năm cậu tưởng chóng lắm đấy hay sao? Lúc ấy thì có lẽ tôi đã chết ngỏm rồi.
Vượng sốc lại chiếc “ca vát” cho Thịnh, không trả lời.
Bà Xuân Thái lại nói bằng một giọng giận dỗi:
- Tôi muốn tính việc vuông tròn cho cậu là vì tôi nghĩ cái tình của bà nhà, cậu không bằng lòng thì tùy cậu.

 

Sự cảm động làm cho Vượng ăn bữa cơm trưa chủ nhật ấy không thấy ngon. Chàng cảm động vì nhiều lẽ. Chàng sung sướng vì sắp được gặp Quỳ, được nói với nàng và nghe nàng nói. Chàng lo sợ về chỗ bà Xuân Thái sẽ ép chàng đánh tổ tôm. Từ chối thì chàng không thể rồi, vì đó là một cơ hội để chàng có thể gần Quỳ được lâu. Nhưng nếu chẳng may chàng bị thua?
Từ đêm hôm qua, Vượng đã chải kỹ càng cái mũ mà Đạt không dùng nữa, và chàng đã phun rượu vào để cho nó cứng, hết những dấu vết nhàu nát. Bộ tropical đã là, cái “ca vát” đã là, đôi giày đã đánh bóng. Cơm xong là chàng lên gác mặc quần áo; chàng nhờ Thịnh bóp hộ cái mũ cho nó có vẻ sang. Thịnh nhìn ngắm khuôn mặt anh một lát lâu:
- À, nếu anh đội thì phải bóp bẹt theo lối Y pha nho. Mặt anh nghiêm, đội thế này thì trông nó trẻ, nó chữa bớt cái đạo mạo đi.
Vượng tủm tỉm cười:
- Tùy chú. Anh chẳng hiểu gì về ăn mặc cả.
Thịnh bóp xong, đội lên đầu cho anh:
- Ồ, trông như mũ mới. Bao nhiêu vết hằn biến vào trong cả. Anh đội cái mũ bóp như thế này trông... “công tử” lắm.
Lòng Vượng bỗng tràn ngập một niềm vui sướng. Chàng ngắm bóng mình trong gương:
- Ừ, trông tôi khác hẳn đi thật. Y phục cũng ảnh hưởng đến tuổi tác của con người ta nhiều quá nhỉ. Trông thế này, đố ai biết tôi đã già?
Đạt mở tủ lấy chiếc mùi soa mới đưa cho anh:
- Chả thế thì anh cũng chả già. Anh năm nay bao nhiêu?
- Hai mươi tám.
- Anh hơn tôi ba tuổi. Hai mươi tám mà đã già à? Có anh lo nghĩ nhiều thì trông mặt anh có vẻ nghiêm nghị thế thôi.
- Ấy thế mà có khi tôi thấy trong người tôi già đáo để. Thế nào hai chú có lại chơi nhà bà Xuân Thái với tôi không?
Đạt lắc đầu:
- Tôi đã hẹn anh Tộ đi xem đá bóng.
Còn Thịnh thì bĩu môi:
- Tôi quý bà Xuân Thái thật, nhưng tôi không “tiêu” nổi cô Quỳ.
Vượng chẳng qua hỏi chiếu lệ như thế, chứ chàng cũng không muốn cho hai em theo mình. Chàng sợ hai em đến đấy buồn cũng có, chàng sợ Thịnh làm điều gì thất thố để buồn cho bà Xuân Thái và Quỳ cũng có.
- Thế chú có đi chơi đâu không?
- Hôm nay có phim hay, có lẽ tôi đi xem chớp bóng.
- Thế chú cho em Nhàn nó đi với. Hôm nay chủ nhật, ăn cơm chậm một chút cũng được.
- Úi thôi, chịu thôi. Đi với nó thì nó kềnh càng lắm. Với lại tôi đi một mình thì tôi ngồi hạng bét được, chứ đi với nó, ít ra cũng phải ngồi hạng nhì.
- Thì hạng nhì. Cho nó đi với chú cho vui. Chú không thương nó một tí nào cả. Nếu tôi đã không trót hẹn với bà Xuân Thái thì tôi đưa nó đi ngay.
Câu trách ấy làm cho Thịnh thắng nổi cái ý nghĩ về những khó chịu mà Nhàn sẽ gây ra cho chàng:
- Ừ thì cho nó đi. Nhưng tôi chỉ còn có ba đồng.
- Thì nó giữ tiền đấy. Bảo nó bỏ ra lấy vé. Thôi, hai chú ở nhà nhé.
Bước đi hai bước, Vượng lại quay lại:
- Chú có đi với em thì đừng có gắt, chứ không, cho em đi, vui được một tí lại chả bõ. Phải cái đứa hay tủi thân, chịu khó chiều nó một tí.
Lòng nhân ái của Vượng đưa Thịnh đến những nhượng bộ:
- Thì tôi vẫn chiều nó đấy chứ. Anh xem tôi có gắt gỏng với nó bao giờ đâu?
Vượng sung sướng:
- Cũng có. Nhưng ai chẳng có lúc bực mình. Nó là út, mình...
Đạt ngắt lời anh:
- Thôi, anh cứ đi đi. Để Nhàn đi xem đá bóng với tôi. Như thế là chắc chắn không xảy ra cự nự. Và đỡ tốn tiền. Chứ đi với thằng ông mãnh thì nó hếch mắt lên, nó coi gì đến em đấy!
- Nhưng phải hỏi nó xem, nó thích đi đâu đã chứ?
Vượng xuống đến dưới nhà thì Nhàn đã chờ chàng ở buồng ăn với mười đồng bạc:
- Anh cầm tiền đi, nhỡ người ta mời đánh tổ tôm.
Vượng ngần ngừ:
- Anh chỉ sợ thua. Thôi anh lấy năm đồng, nhỡ thua còn chạy được.
- Thì anh cứ cầm cả đi. Nhỡ nửa chừng hết tiền thì có ê không? Tiền em đưa là mát tay lắm. Anh không sợ thua.
- Đúng chứ?
- Đúng lắm lắm. Anh cứ vững dạ.
Vượng cầm lấy số tiền:
- À, thế hôm nay cô định đi xem chớp bóng với chú Ba hay đi coi đá bóng với chú Hai?
- Em đi ciné. Chứ đi coi đá bóng chán lắm.
- Thế chú Ba chú ấy có... gì thì mặc kệ chú ấy nhé. Cái tính chú ấy thế, nhưng bụng tốt lắm.
- Em hiểu rồi. Thế anh có ăn cơm nhà không?
Hỏi xong, Nhàn lại tự trả lời:
- Chắc thế nào bà Xuân Thái cũng giữ anh ở lại ăn cơm, và đánh tổ tôm đến khuya. Nhưng chúng em cũng cứ chờ anh đến bảy giờ. À, anh nhớ bảo với chị Quỳ mai đến chơi nhé.

 

Bà Xuân Thái tiếp Vượng thân mật như một đứa con.
Đang ngồi trên sập, thoáng thấy Vượng ở trên xe bước xuống, bà vội vã chạy ra. Bà trách Vượng bằng một câu trách êm ái của những người mẹ:
- Gớm, lâu lắm. Cậu tệ quá!
Rồi bà liền chữa nhẹ lời trách:
- Tôi định nếu chủ nhật này cậu không lại thì tôi cho em nó xuống triệu cậu lên.
- Con bận quá.
- Bận thì chủ nhật cũng phải được nghỉ chứ?
- Có khi con làm cả chủ nhật. Mỗi chủ nhật đi làm, chủ trả thêm cho con ba đồng.
Bà Xuân Thái nhìn kỹ mặt Vượng:
- Cậu cũng không nên cố lắm. Nhỡ một cái thì khốn.
Nhà đã có hai bà khách, nhiều lần đánh tổ tôm với Vượng. Thấy Vượng vào, hai bà mừng rỡ:
- Ồ, thế thì chỉ còn thiếu có một chân nữa. Cụ cho đi gọi ai đi.
- Được rồi, được rồi, không thiếu. Để cậu cả cậu ấy uống ấm nước đã. Này cậu cả, tôi mới ướp được mấy lứa chè ngon quá. Cậu thử xem có ngát không nhé.
Bà giục u già đi đun nước, rồi mở tủ lấy lọ chè. Bà bốc ra một dúm, đặt vào lòng bàn tay Vượng:
- Tôi định hôm nào cậu lên chơi, cho cậu mấy lạng để cậu đem về uống, nhưng chờ mãi chả thấy cậu lên. Mà tôi thì vợ chồng thằng Cả đi làm xa, bận quá, chằng đi đến đâu được.
Vượng đưa chè lên mũi ngửi rồi khen:
- Thơm quá!
Chàng khen chiếu lệ như thế, chứ thật ra, lúc ấy, chàng có ngửi thấy gì đâu. Cả tâm hồn chàng còn đang xao xuyến về chỗ sắp được gặp Quỳ.
Chàng đăm đăm nhìn về phía cầu thang. Ấm nước chè đã tàn, mà Quỳ vẫn chưa thấy xuống.
Vượng bứt rứt không thể chịu được nữa:
- Cậu Tý đi đâu ấy nhỉ?
- Ấy nó đi bẻ răng. Hôm qua đau răng khóc cả đêm. Lúc nãy, chị nó phải đưa nó đi bẻ. Cũng sắp về bây giờ. Nó nhắc đến cậu luôn. Thế nào, đánh tổ tôm nhé. Để tôi gọi bà Cả Lợi.
Vượng nghĩ ngay đến cái lỗ hổng của ngân sách, nếu chẳng may mình bị thua.
Nhưng lúc đó, tình ái mạnh hơn tấm lòng lo về gia đình. Vả lại, chàng chưa được gặp mặt Quỳ:
- Vâng, nhưng đánh nhỏ chứ.
- Thì cũng như mọi lần. Tôm ba, gà ba, sáu chín mười hai.
Một bà khách xen vào:
- Thế là nhỏ lắm rồi.
- Thôi hôm nay không đánh gà nữa.
Bà Xuân Thái nhìn Vượng:
- Ồ, không gà thì buồn chết. Cậu sợ thua à? Thua tôi cho vay.
Bà khách lúc nãy, lấy ngón tay cái quẹt mép:
- Cao như cậu đánh với chúng tôi thì chỉ có phần được.
Vượng nói một cách lo lắng:
- Cao chẳng có bài, cũng chả làm gì.
Thoạt vào cuộc, Vượng ù ngay ván đầu, bài lại có tôm. Chàng đã vững dạ. Ván sau lại ù thông. Lúc này thì Vượng hết hẳn hồi hộp. Chàng thấy tỉnh táo lắm rồi. Chàng đinh ninh rằng canh này thế nào cũng được. Ván thứ ba bài lên tốt như ngọc, chạm chờ tứ sách xuyên cân lại có lèo. Nhà đầu cánh đánh tứ sách, bà Xuân Thái đã gọi phỗng, nhưng sau một khắc ngẫm nghĩ, bà lại thôi:
- Chả phỗng nữa nhường cậu.
Bà Cả Lợi xuýt xoa trong khi Vượng hạ tam ngũ:
- Người ta ù thông, phải phỗng đi chứ. Tốt thế kia lại ù thông thôi.
Vừa lúc ấy thì Quỳ về. Vượng mừng rỡ hoa cả mắt thành ra không nghĩ đến xoay, bỏ ù bát văn. Đến khi bà Xuân Thái bốc yêu, chàng hạ ù thì bà Cả Lợi nhận thấy.
Bà Xuân Thái mắng các con:
- Chúng mày tíu tít để cho anh nó bỏ ù. Thôi thế là mất ván bài gần ba đồng.
Quỳ cười hỏi Vượng:
- Thế anh có tiếc không?
Vượng chưa trả lời thì bà Xuân Thái đã lại nói:
- Con hỏi dở, sao không tiếc?
Từ đấy, Vượng không ù một ván nào. Quỳ thấy thế cứ băn khoăn:
- Tại em đấy.
- Đâu phải. Tại tôi xoay chậm.
Hết hai hộ, Vượng vẫn không ù, Quỳ bảo chàng đứng dậy:
- Để em cầm cho. Thay tay em nó thế nào.
Vượng không còn mong gì hơn: vừa để giải đen cũng có, vừa được ngồi gần Quỳ cũng có.
Quỳ cầm hộ sáu ván, bài vẫn cứ nát như tương. Lúc ấy thì Vượng đã thấy mất hẳn cái thú được ngồi cạnh Quỳ. Cái lỗ hổng của ngân sách đã hiện ra một cách ghê sợ! Và chàng đã gần hết tiền. Mà vay thì chàng không muốn:
- Thôi, thưa các cụ hội này, xin cho đánh hút đấy.
Bà Xuân Thái không bằng lòng:
- Cứ đánh đi. Hội sau nó khắc lại bài. Cậu có hết tiền, tôi cho vay. Dở dang thế thì chán lắm. Cậu phải ở đây ăn cơm, tôi đã bảo nó làm cơm rồi.
Vượng không làm sao được, phải bằng lòng. Lúc ấy, ruột chàng đã nóng như lửa đốt. Chàng không còn đủ bình tĩnh để hưởng cái khoái cảm gây ra bởi bàn tay Quỳ lâu lâu chạm vào bàn tay chàng nữa. Chàng nghĩ đến lúc hết tiền phải hỏi vay bà Xuân Thái. Chàng thấy ngượng ngùng không thể nói.
Vừa lúc ấy thì Đạt vào. Quỳ thấy Đạt liền buông bài:
- Thôi xấu lắm trả anh.
Rồi nàng chạy ra đón Đạt, bà Xuân Thái thấy Đạt reo lên:
- À, thế cả hai anh em ở đây ăn cơm.
Đạt lắc đầu:
- Con phải về, vì con không dặn ở nhà.
- Thì tôi sẽ cho em Tý xuống bảo.
Đạt lại ngồi cạnh anh:
- Anh được hay thua?
- Mấy hội trắng chân. Hội này không khéo lại đến “bạch cược” nốt.
Đạt cầm lấy bài ở tay anh:
- Để em cầm cho. Em cầm là phải đỏ. Hôm nay, em đánh cuộc được bốn đồng đấy.