Họa sĩ
Phong Điệp

     ôi phết những gam màu lên toan mỏng”
1. Hàng ngày có những người khách tới chuyển hàng cho mẹ. Chị tôi thường đứng lấp ló sau rèm cửa, ghi chép cẩn thận. Còn tôi tranh thủ trò chuyện với họ một cách hào hứng. Họ gọi tôi là cô bé vui tính và nháy mắt về phía chị tôi. Những lúc ấy mặt chị đỏ bừng.
- Con gái phải biết ý tứ, ăn nói giữ lời...
Tôi cũng cảm thấy thật nặng nề, nhưng im lặng.
- Cũng không hẳn do em nó đâu mẹ ạ!
Chị tôi khẽ khàng lên tiếng. Tôi đưa mắt nhìn chị. Chỉ gặp những đường nét khắc khổ, cam chịu. Muốn vùng vẫy, vùng vẫy để bay bổng lên. Trong chốc lát thôi cũng được.
2. Nhà có ba người. Mẹ đi làm cả ngày. Tôi đi học. Chị lo mọi công việc ở nhà. Ngày xưa, lúc sinh chị, mẹ tôi bị ốm. Vì vậy mà chị rất yếu. Học xong đại học, chị không nồng nhiệt lắm với chuyện xin việc. Ngoài ra còn một số lý do bí ẩn khác mà chị vẫn ở nhà, chờ đợi. Chờ đợi ai hay điều gì thì ngay cả mẹ cũng không hiểu. Nhưng mẹ thương chị.
Nhà chỉ có ba người. Nhiều lúc tôi cảm thấy thực sự thiếu vắng một cái gì đấy. Lại dắt xe, đi lông bông trên phố. Mỗi lần rời nhà, tôi như con chim sổ lồng. Song nhảy nhót mãi cũng chồn chân. Đạp xe về nhà. Bắt gặp dáng hao gầy của chị bên cửa sổ. Lặng lẽ, âm thầm. Lòng tôi lại rũ buồn.
Bữa ăn thì tuyệt vời. Điều này dẫu tôi có cố gắng chắc cũng không làm được. Đôi lúc có giận chị, tôi cũng khó lòng từ chối những món ăn quá hấp dẫn ấy. Biết đâu vì lý do này mà tôi sẽ không lấy chồng (!).
Mẹ mắng:
- Trẻ người non dạ. Học hành tử tế đi!
Tôi nhìn mặt chị thoáng nét bối rối.
3. Hè đến, chúng tôi thường đi bơi. Bể bơi không xa nhà lắm nên chúng tôi có thể đi bộ đến. Chị đi rất nhanh. Như sợ ai đuổi được, bắt được. Nhiều lúc tôi phải chạy gằn mới kịp. Tự nhiên tôi thấy thương chị. Thương mà không lý giải nổi. Chị đẹp - cái đẹp không phải người con gái nào cũng có và không phải ai cũng nhìn nhận được. Chị luôn ngập mình trong những gam màu xám xịt của tâm tư và khắc kỷ. Đến mức nghiệt ngã. Những ngày hè bên chị tôi cảm thấy thời gian bị kéo dài vô tận và cắt khúc nham nhở. Nhiều lúc như ngột thở, chỉ muốn gào lên, hét lên.
4. Mẹ có ý định bán nhà. Ở đây chật chội, lại tầng ba nữa. Mẹ đi xem rồi. Ông thầy bảo: “Muốn phát phải chuyển đất. À, hay mẹ mời thầy đến nhé!”
Tôi thì thế nào cũng được. Nhưng chị phản đối quyết liệt. Tôi không hiểu nữa. Ông thầy đến thật. Trẻ và rất đẹp là đằng khác. Thoạt đầu tôi ngỡ là người đến giao hàng cho mẹ. Tôi giục chị đi lấy sổ sách còn mình thì xăng xái ra mở cửa.
Quả là tôi quan sát kém thật. Cái túi đen sì của thầy buộc kín nhưng chắc là nhang đèn. Lại còn bộ quần áo cũ kỹ. Tôi thở dài, thất vọng bỏ đi chơi. Lúc qua mặt thấy thầy đang ngồi chịu trận. Chẳng hiểu sao, tôi bật cười, cười rất lớn. Tôi đã vô tâm đến thế?
Thầy về trước khi mẹ có mặt ở nhà. Dù sao thầy cũng đã ngồi tới ba tiếng đồng hồ. Và chị tôi... Chưa bao giờ tôi thử nói chuyện với ai ba tiếng liền...
5. Mẹ vẫn quyết liệt chuyển nhà. Hàng ngày mẹ theo những người chỉ trỏ đi xem nhà. Mọi việc không đơn giản. Giá tăng vọt. Mẹ gầy sụp đi.
Đột nhiên, chị tôi có những biến đổi. Có bữa mẹ vừa đi làm là chị đi. Vội vàng, tất bật. Thực ra tôi cũng không bận tâm nhiều. Nhưng những bữa ăn... Tôi phải tự nấu, hôm sống, hôm nhão khiến tôi chật vật... Mẹ không hề biết. Trưa người ở lại cơ quan. Hàng họ có người đến nhận. Còn tôi, dù sao cũng chưa buộc phải đối diện với chuyện kiếm sống. Mà như thế nghĩa là con người còn nhởn nhơ lắm, vô tâm lắm.
6. Tôi đi bơi một mình. Làm quen với những người vui nhộn. Chúng tôi cười suốt và cùng cảm thấy hết sức thú vị. Cả bọn còn rủ nhau đi chơi: “Biên giới của chúng ta là những con đường bất tận”.
Chúng tôi gom góp số tiền ít ỏi trong túi mình, cười ồn ã, đi và đi... “Vô sản chúng ta liên hiệp lại”. Những lúc ấy tôi sống hết mình. Quên đi những gam màu xám xịt của tâm tư, những vị mặn mòi của nỗi buồn.
7. Mẹ bắt đầu nhận ra sự thay đổi nơi chị. Nhà vẫn chỉ có ba người. Điều này khiến tôi ngao ngán. Tôi luôn muốn có sự thay đổi. Song chỉ biết thụ động ngồi chờ. Lẽ ra tôi phải là người biết mọi chuyện đầu tiên. Nhưng để công bằng, tôi luôn là người biết cuối cùng. Như vậy tốt hơn. Bởi rất có thể tôi sẽ làm tan nát những mảnh vụn cuối cùng. Một cách vô tâm. Một cách đáng thương. Và tôi lại phải xót xa cho chính mình.
Ngày nọ, có người đàn ông đến tìm chị. Trời tối nên tôi không nhìn rõ mặt. Nhưng nghe giọng nói, tôi cảm thấy đã từng biết người này. Anh ta ngồi đợi trong phòng khách. Đăm chiêu. Đầy tâm trạng. Sau đó anh ta mượn quyển an-bom của tôi trên mặt tủ và ngồi xem với vẻ chăm chú đặc biệt. Tôi hào hứng quan sát và nghĩ rằng anh ta có ấn tượng về tôi. Chẳng thế mà sau đó anh ta dừng lại rất lâu ở tấm ảnh có lẽ là đẹp nhất. Bức ảnh đôi, tôi chụp với chị lúc hoàng hôn. Người thợ đứng ở góc chéo, lấy hơi hất lên, tạo độ đậm nhạt rất hài hòa cho khuôn mặt của hai chị em.
Tôi cảm thấy tim mình đập rộn lên:
- Anh nghĩ bức ảnh đẹp ấy đẹp chứ?
Anh ta giải thích những khái niệm về nghệ thuật. Về gam màu. Về linh hồn của bức ảnh. Tóm lại là rất nhiều. Chúng khiến tôi ngây ngất và tự huyễn hoặc mình. Có quan trọng gì đâu! Anh ta đã gieo cho tôi những suy nghĩ mới mẻ, lạ lẫm và đầy hấp dẫn. Điều ấy là quá đủ với tôi.
8. Tôi đi ngủ với nhiều mộng mị. Những giấc mơ có cánh. Để rồi sau đó tôi làm rơi rụng hết trên đất cỗi cằn. Tôi lao ra phố với những dự định mới mẻ: “Biên giới của chúng ta là những nẻo đường bất tận”.
Chợt nhớ Lỗ Tấn: “Trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường mà thôi”. Hóa ra tôi chỉ đi lại những con đường mà người khác đã qua, thậm chí không còn nhớ đến nó nữa. Nhưng điều ấy có quan trọng lắm không? Tôi đang đi, đang đi mà.
Thực ra, người ta nghĩ ra được những giấc mơ. Cái người lạnh lùng ấy vẫn về tìm tôi. Không phải tình yêu sao tôi vẫn nhớ nhung, vẫn muốn một chút ích kỷ cho riêng mình. Dù chỉ mình mình biết và rồi sẽ tự quên.
9. Đã có chuyện gì đó xảy ra với chị tôi. Khi không còn gì để nói thì tôi mới lơ mơ biết.
Bạn bè đã lớn cả. Chúng bàn đến tương lai trong những bữa ăn “vô sản”. Cười ít hơn. Buồn nhiều hơn. Mấy chốc tôi thành kẻ lạc lõng. Không cười, không buồn ắt hẳn sẽ lạc lõng.
Bể bơi hết mùa, nước xanh rêu. Những đám lá mục trôi lập lờ. Tôi ngẩn ngơ đi quanh bể. Lục khục cười mà nước mắt muốn ứa ra. Thì ra từ trước đến nay mình vẫn đáng thương thật. Đến khi mọi cái đều rành mạch thì hoặc nhạt nhẽo hoặc hết sức nặng nề. Tôi sợ cả hai. Nhưng không thể tránh.
10. Chưa bao giờ mẹ tức giận như thế. Người đàn bà khi không kiềm chế nổi mình nữa thật kinh khủng. Chị chưa về. Một mẩu tin tức cũng không. Hết thảy là sự đồn đại. Còn ít chỉ là cái lông gà. Quá ngưỡng nó đã thành cả đàn gà trúng bão, rắc tơi tả vào mẹ. Khi tôi tỉnh táo nhìn nhận mọi việc cũng là lúc tôi biết mình chỉ là kẻ bất tài.
Tôi nhìn về tương lai khi đêm xuống. Và cố vẽ cho mình một con đường. Cứ từng nét đứt đoạn, chắp vá với nhau...
11. Nhà chỉ còn hai người. Tôi thèm khát con số ba của ngày trước. Có phải đến tận lúc người ta đánh mất mới biết được mình đã có gì?
Tôi tiếp tục công việc ghi chép số lương các loại hàng hóa. Tôi mong chị trở về với “người của chị”. Nếu tôi là chị, tôi cũng sẽ chờ chàng họa sĩ của mình.
Chúng tôi cùng hòa những gam màu.
Nhà có mỗi hai người...
7-1995