ung sướng lớn của kẻ đứng đường mà đã quá mỏi chân là dừng bước lại, vào buổi chiều ở bờ sông hay trên hè phố để ngắm diều.Không ai ngờ rằng giữa một thành phố chật như nêm là Sàigòn này mà qua mùa nực, chiều nào cũng hằng trăm con diều giấy bay lượn trên không trung.Không trung vô chủ mà không chướng ngại. Cái khó là đưa diều lên tới trên ấy. Nếu ở thôn quê, đất rộng minh mông thì không có vấn đề. Nhưng ở đây, nếu dắt diều bằng dây ngắn rồi chạy giữa phố giúp cho diều nương gió mà lên lần và lần lần tháo dây thì xe hơi có đủ thời giờ cán chết kẻ thả diều. Bằng như dắt diều chạy trên vỉa hè, diều sẽ vướng dây điện, vướng nhánh cây, không lên được.Thành thử khi chiều xuống, diều lên thì những kẻ bỏ quên bóng dáng yêu kiều của phụ nữ bát phố bỗng thấy một sự huyền diệu dưới cái vòm trời xanh lơ kia, không biết họ làm thế nào để giúp những con vật ấy len lỏi vươn lên cao vút trên kia được.Những con vật? Vâng. Diều giấy có sự sống hẳn hòi. Khi diều đã lên cao vút trên kia rồi thì không còn phân biệt được hình thù và màu sắc của nó nữa. Tuy nhiên người ta vẫn nhận diện được từng con một, không con nào giống con nào.Mỗi con diều có cá tính riêng của nó. Có con diều trầm lặng, lang thang, thong thả như người khách nhàn du, dạo mát buổi chiều. Có con diều hung hăng, lồng lộn như ngựa chứng. Có con diều lăng xăng như một anh chàng nóng tánh, ngồi đứng không yên chỗ. Có con diều không biết nhớ đất hay sao mà cứ thỉnh thoảng chúi mũi toan đâm đầu xuống, nhưng rồi lại trèo trở lên ngay vì có lẽ nó biết kiếp diều là phải ở trên đó cho tròn sứ mạng diều.Bầu trời là một bồn cá khổng lồ mà hằng trăm con cá đang lượn quanh những cây thủy thảo vô hình.Ừ, kỳ lạ chưa, diều giấy không giống chim mà lại giống cá, bởi vì chim thì bay đi còn diều thì cứ quanh quẩn mãi trong chu vi nhứt định. Như con cá vàng không thể nào ra khỏi bồn thủy tinh.Có những con diều đứt dây bay về đâu không rõ, và kẻ ngắm diều tự nhiên thấy ngay hình ảnh một đứa bé ngẩn ngơ tiếc, tại một góc phố nào.Thình lình, mình nghe cái gì như là tiếng lá tre khô kêu xào xạc dưới gió.Một con diều giấy ở đâu không biết, đứt dây hồi nào mình không được chứng kiến, rơi xuống ngay trước mặt mình dưới cửa sổ lầu, trong lúc mình bận ngắm, diều rơi xuống và vướng trên một sợi dây điện cao thế.Diều sườn trúc rộng bằng hai cánh tay người lớn dang ra, phất giấy kiếng nhiều màu, đuôi diều dài thậm thượt như đuôi chim trĩ, thấy rõ đây là công trình của người lớn chớ không phải của trẻ con. Ngộ nghĩnh quá, có những kẻ lớn xác rồi mà cứ tiếp tục chơi trò trẻ con mãi!Diều khá nặng nhưng vẫn vướng dính trên sợi dây điện bởi mấy sợi đuôi không hiểu do đâu lại quấn quanh dây điện được.Chính những sợi dây diều dài bằng giấy nhựa ấy đã kêu lào xào như lá tre khô cọ vào nhau.Diều bị treo toòng teng một cách rất là nhục nhã ngay sau hàng tiếng đồng hồ tung hoành oanh liệt trên không. Vâng, hẳn là nó phải oanh liệt vì loại diều công phu như vậy không bao giờ bay dở cả, bởi kẻ nào biết chế loại diều to và rắc rối là kẻ ấy đã thạo kỹ thuật chơi diều lắm rồi.Con diều rơi trước mặt mình, giống như một bức thư xa mà một người bạn quen mà chưa biết, từ cuối thành phố gửi đến cho mình.Quen mà chưa biết, ừ. Chớ lại không quen à, khi cả hai cùng thích như nhau cái thú chơi diều, thú vui của trẻ con mà có lắm ông già năm mươi vẫn còn ham.Mình lẩn thẩn tự hỏi không biết sao cái người đã dám bỏ ra một tuần lễ bện một con diều khéo như vậy lại không ký tên lên đó với địa chỉ của y. Nếu có, mình sẽ cứu vớt xác diều ấy, mang trả cho chủ nó và sẽ được thêm một người bạn mới.Vì thấy rằng diều giấy có linh hồn, mình thương con diều sa cơ này lắm. Mình nghe đau, nghe mỏi như chính mình bị treo.Bây giờ mình mới nhớ ra là dây điện của đường phố đô thành, dẩy đầy xác diều, có thể nói rằng phố nào cũng là nghĩa địa của ít lắm là một con diều, vào mùa gió.Những xác ấy bị treo lủng lẳng như vậy, có xác rơi xuống đất sau vài hôm, một tuần, một tháng, mà cũng có xác trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến mùa mưa mới chịu để cho phong võ làm rã thịt mục xương.Diều sống có cá tánh riêng biệt khi bay lượn, mà chết, xác diều cũng có cá tánh nữa. Không phải xác nào cũng giống xác nào về lối chết và lối an nghỉ ngàn thu trên dây điện.Có những xác diều buông xuôi như cam phận, trái lại có những con diều lúc hấp hối còn nuối tiếc cuộc đời, bất khuất, cứ muốn gượng gạo thoát ra khỏi chỗ nó bị kẹt để bay trở lên hay để rơi xuống đất cũng được, miễn khỏi bị treo như phạm nhân của thời phong kiến.Diều ơi, diều có phải là gốc người Tây Tạng hoặc người của vài bộ lạc Phi Châu mà khi chết xác không thổ táng, hỏa táng mà lại không táng?(Bài này dùng làm vật liệu để viết truyện “Có những xác diều”)1963