Mả cũ bên đường

     ôm qua tôi đi thăm một chị bạn ở đường Lý Trần Quán. Cạnh nhà chị, trên lề cỏ sát con đường nhựa láng quyên, đứng sững lên một cái tháp cao vọi.
Công trình kiến trúc này không biết có phải tên là đồ phù hay không, nhưng chắc chắn đó là mộ của một vị sư nào, cạnh một cảnh chùa cất trên mảnh đất này hồi thuở Tân định chưa thành ngoại ô Sàigòn.
Ngôi mộ có vẻ đẹp của những vật điêu tàn, hay ít ra, của những vật cổ kính, mặc dầu chưa chắc nó đã xây lên được tám mươi năm.
Thành phố Sàigòn chỉ mới cất hôm qua đây, nên chi một ngôi mộ xưa chừng nửa thế kỷ cũng được ta mừng rỡ liệt vào hạng di vật lâu đời.
Liệt những món còn mới ràng ràng ấy vào hạng đồ cổ để mà thương cái đô thị chưa có kỷ niệm này.
Những tư tưởng đóng rêu, ta muốn vứt đi cho khỏi vướng bận tinh thần. Nhưng một thềm nhà cũ, một thếp đèn xưa, càng đóng bụi thời gian bao nhiêu, càng đẹp hơn lên bấy nhiêu.
Tôi không hiểu người Do Thái làm sao thương được nước Israel. Riêng tôi tình quyến luyến một ngôi nhà, một làng hẻo lánh, một thành phố, một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nước mắt và nụ cười của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, vào người.
Đất, có ở lâu, tình đất mới sâu.
Có người ngại tình đất sâu, gây hủ hóa. Họ chỉ có lý phần nào thôi.

 

Trở về Sàigòn mới mẻ của chúng ta.
Những chiếc đá mả vừa mới đóng rêu, những cây trồng chưa “thành đoàn cổ thụ già”, mà tình đất đã thấm nhuần được lòng dân Sàigòn nào còn biết nhớ xưa, nhớ cái thuở mà văn minh chưa đến hay mới đến Sàigòn nê địa, nhớ thuở mà:
Thượng thơ bán giấy,
Thủ ngữ treo cờ.
Hoặc cái thuở mà:
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm.
Con đò Thủ Thiêm đã nhường chỗ cho một bác thợ máy lái chiếc xà lang. Nhưng hình ảnh của cô lái đò xưa luôn luôn rung cảm mỗi khi câu ca dao trên đây vang lên trong một khoang thuyền.
Tình đất Sàigòn tản mát trong người, trong vật. Nhứt là trong vài câu ca dao hiếm hoi. Vì hiếm hoi nên tình như không thỏa. Vì không thỏa nó mới cố lắng sâu như để tìm chính mình, trong chỗ không có gì hết.
1952