Chương Sáu

     ải dựng xe bước vào phòng trà đi lại chiếc bàn trống trên đó có đặt một tấm biển “ bàn đặt trước”. Chiếc bàn được đặt ở một góc xa của tiệm trà. Thấy anh, người phục vụ bàn vội vàng chạy lại.
-Anh vẫn dùng như mọi khi?
Hải khẽ gật đầu. Vừa lúc một đôi trai gái đi lại chiếc bàn kéo ghế định ngồi. Người phục vụ vội vàng ngăn họ lại.
-Xin lỗi anh chị! Xin anh chị chọn một bàn khác. Bàn này đã được đặt trước.
Đôi trai gái dời đi còn người phục vụ bàn đi vội ra chỗ quầy bar và mang đến cho anh một phin cà phê và một bao ba số. Vừa đưa ly cà phê cho Hải anh ta vừa nói nhỏ.
-Cô Vân tối nay hát vào đợt ba.
-Cám ơn!
Vừa nói, anh vừa nhét vào tay người bồi bàn tờ hai chục ngàn. Anh ta vội vàng nhét ngay vào túi rồi quay đi, vừa đi vừa cười thầm.
-Thằng điên!
  Trong con mắt của anh ta thì Hải đúng là điên thật. Làm ở tiệm trà này đã vài năm, anh ta chứng kiến không biết bao nhiêu cây si đã bị những cô ca sỹ ở tiệm trà này đốn ngã nhưng chẳng có một “Cây si xe máy” nào dám mọc ở đây. Ở đây toàn là “Si mẹc”. Những đại gia cưỡi những con mẹc đen bóng khệnh khạng ném chìa khóa cho bảo vệ rồi gào rú, la hét cố làm mình nổi bật trước đám đông mỗi khi một cô ca sỹ là đối tượng của họ xuất hiện. Giữa cái đám “Cây si” ấy đột nhiên lại xuất hiện một anh chàng đi xe máy, im lặng ngồi khuất vào một chỗ và không bao giờ thể hiện mình, điều đó khiến người phục vụ bàn để ý đến. Phải đến mấy tuần liền mà những người phục vụ bàn ở tiệm trà này chịu không biết anh chàng kì quặc này trồng cây si vì ai. Chỉ biết là tối nào anh ta cũng đến và bao giờ cũng ngồi vào một chỗ rất khuất. Một lần, khi anh chàng này đến thì chỗ của anh ta đã bị một đôi khác chiếm mất. Anh ta vẫy người phục vụ bàn lại và đề nghị cho gặp chủ của tiệm trà. Chẳng biết hai người nói với nhau cái gì, chỉ biết sau đó chủ tiệm trà bảo với những người phục vụ bàn giành riêng cái bàn này cho anh chàng kì quái trong những tối mà có cô ca sỹ tên là Vân đến hát.
Hóa ra anh chàng này trồng cây si con Vân. Thằng ngốc! tự nhiên người bảo vệ bỗng nhiên có cảm giác thương hại anh chàng này. Trồng cây si em Vân có đến gần một tá các đại gia, trẻ có, già có người nào cũng giầu có và ga lăng. So với bọn họ anh chàng này đúng là “Quê một cục”. Chỉ có thằng ngốc mới có ý nghĩ dùng xe máy húc đổ ô tô. Anh ta nghĩ vậy. Ở quán trà này, Vân là cô gái được các đại gia tăm tia nhiều nhất. Không phải vì Vân trẻ. Các cô ca sỹ hát ở đây đều sàn sàn tuổi nhau. Cũng không phải là Vân đẹp. Nhiều cô ca sỹ còn đẹp hơn Vân nhiều. Nhất là cô nào cũng chịu khó trang điểm và chịu bỏ tiền mua những bộ trang phục hở hang đầy gợi cảm. Chỉ có Vân là không. Cô gái chỉ có độc nhất một chiếc áo dài trắng. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà cô lại được nhiều người để ý đến. Các cô ca sỹ khi hát bao giờ cũng cầm micro đi xuống các bàn có những đại gia đang gào thét, lắc lư người cố làm nổi mình, vừa hát, mắt vừa lẳng vào những con nai con khờ khạo những cái liếc tình tứ có sức công phá bằng cả tấn thuốc nổ đủ sức xé toang chiếc ví của các đại gia. Chỉ có Vân là không. Bao giờ cô cũng chỉ đứng trên sân khấu để hát. Cái dáng người mảnh mai với những bài hát đượm chất dân ca của cô gái đã dẫn cảm xúc của người nghe hướng đến một cái gì thanh khiết, khiến cho những cây si không ai dám bỗ bã với cô và thế là cô gái chỉ nhận được những tràng pháo tay và những đóa hoa hồng. Chẳng ai khi chạy lên tặng hoa lại nhét vào tay ca sỹ những đồng tiền cả.
-Sao mày ngốc vậy! –Một cô bạn hát đã bảo với Vân. –Cái cổ áo phải hở ra thì mới có chỗ cho người ta nhét tiền vào chứ.
Vân chỉ cười. Ai chẳng biết. Nhưng có phải ai cũng có thể làm được những điều mình biết? Nhưng có một điều Vân thực sự không biết. Đó là trong những thứ nhét vào ngực cô gái không chỉ có tiền mà còn có những mảnh giấy ghi số máy điện thoại, ghi những lời tán tỉnh tình tứ để rồi khi quay trở về đằng sau cánh gà cô gái hét lên vui mừng.
-Lại một con dê già nữa bị hạ!
Các cô gái ở đây chỉ thích những con dê già. Khi hát, họ lẳng quả tình với những con dê non làm cho cu cậu người đờ ra, tay móc tiền mà không biết mình đang làm gì. Nhưng hẹn gặp thì họ lại chỉ hẹn gặp với những con dê già.
--Sao cậu lại hẹn gặp lão ấy? –Có lần Vân đã hỏi Hà,cô gái đã bị biến thành vật bị săn. Khi cô gái này hẹn gặp với một người già gần bằng tuổi bố mình—Tớ thấy cái tay hay ngồi ở bàn số hai có vẻ mê cậu lắm. Mà anh chàng trông rất đẹp trai nữa.
Hà nhìn Vân với ánh mắt thương hại.
 –Nó thì đào đâu ra tiền.
—Không có tiền mà lại vào đây.
Vân cãi lại. còn Hà thì phì cười trước cái ngây thơ của bạn.
. –Đấy là nó tiêu tiền của bố nó.
--Tốt số không bằng bố giầu, tớ thấy người ta vẫn bảo thế.
Hà thực sự ngạc nhiên.
.—Thế cậu nghĩ rằng chúng nó yêu mình thật à?
.—Không phải thế sao?
Vân cũng ngạc nhiên hỏi lại. Hà phá Lên cười. Nước mắt bỗng rớt dài trên má cô gái.
--Cô em ơi! Tất cả chúng nó đều là một lũ khốn nạn. Chúng nó chẳng yêu gì mình đâu. Bọn chúng chỉ dùng tiền để biến mình thành một thứ đồ chơi cao cấp của chúng nó thôi. Vì vậy bất cứ khi nào có điều kiện thì cô em phải lột sạch của chúng nó. Lột đến từng đồng xu. Nhớ lấy! Chúng nó, tất cả đều khốn nạn.
Nghe cái giọng đầy căm hờn của Hà mà Vân sởn cả gai ốc. Hóa ra ở cái tiệm trà này là một đấu trường mà ở đó các đấu sỹ đều hiểu rất rõ về nhau. Những con thiêu thân đến đây đều biết rõ các cô gái ở tiệm trà này, cô nào cũng chỉ có hai chiêu sở trường đó là “Nhiếp hồn đại pháp” và “Âm dương quỷ trảo”Biết! Nhưng khi đôi cánh tay trắng ngần, êm như nhung quấn quanh lấy cổ chàng. Đôi môi chín mọng, bộ ngực căng tròn áp đến đôi môi đang thèm khát của chàng thì dù biết nàng đang dở chiêu nhiếp hồn đại pháp thì mấy con nai tơ cũng chẳng bao giờ biết tiền thoát ra khỏi ví của mình bằng cách nào. Mười ngón tay búp măng thon thả với những cái móng tay hồng hồng chẳng bao giờ chạm đến cái ví của chàng mà tiền cứ tự nó thoát ra. Một hư chiêu thì làm sao có thể chống?
Một đấu trường mà ở đó mọi đấu sỹ ai cũng tự nhận “ Mình là người thắng cuộc”. Tiếc rằng không phải vậy. Chẳng có ai thắng ở đấu trường này. Tất cả đều thất bại. Vân nhận ra điều ấy trong cái đêm đưa Hà đến bệnh viện phụ sản. Khi cô y tá đưa đứa bé con của mình cho Hà cô gái đã bật khóc. Nước mắt của người mẹ trẻ lã chã rơi trên đôi má đỏ hồng của đứa trẻ.
Hải bóc bao thuốc rút lấy một điếu và châm lửa. Thực ra Hải không phải túp người thích những chỗ ồn ào như nơi này. Anh đến đây là vì một tà áo dài. Đã đến lúc anh không thể tự lừa dối được mình nữa. Anh dơ tay nhìn đồng hồ thì một tiếng nói cất lên ngay sau lưng.
-Còn hơn nửa tiếng nữa mới đến phiên em hát cơ.
Hải giật mình quay lại. Vân! Anh khẽ thốt lên. Vân tươi cười tự kéo một cái ghế ngồi xuống.
-Sao hôm nay em đến sớm vậy? –Vừa hỏi, Hải vừa vẫy người phục vụ bàn. –Em uống gì?.
Vân cười, quay sang nói với người phục vụ.
-Anh cho em một ly nước cam vậy.
Người phục vụ bàn nháy mắt với Hải.
-Anh là người may mắn nhất ở quán trà này đấy. Từ xưa đến nay em Vân chưa hề ngồi với bất cứ khách nào.
Nói rồi anh ta quay đi lấy nước cam cho cô gái. Hải nhìn xuống thấy Vân cầm theo một túi xách. Anh biết ngay cô gái định làm gì. Không muốn để cho cô gái bị lúng túng, Hải nói ngay.
-Tay phục vụ này quá ít kinh nghiệm sống. Nếu anh ta mà nhìn thấy em mang gì theo thì chắc anh ta đã không nói “Anh là người may mắn nhất” quán này. Đúng vậy không? Mà sao em phải làm như vậy? Chỉ là một chiếc áo dài có đáng gì đâu.
Vân cười rất tự nhiên. Cô không hiểu tại sao mình lại tự nhiên được đến vậy. Trước lúc đến đây, Vân đã rất căng thẳng. Mình sẽ nói thế nào đây? Vân đã tự đặt mình vào vị trí của người trao tặng. Dù là có bất cứ ý đồ gì đi chăng nữa thì hành động tặng quà là một cử chỉ đẹp. Không thể làm cho anh ta mất mặt. Nhưng biết nói thế nào? Nhất là với anh ta,  một người tặng quà đầy tự trọng. Sau cái đêm tặng quà ấy anh ta mất mặt không đến tiệm trà nữa. Bản năng mách cho cô gái biết đấy là một người tử tế. “Người tử tế” ba từ đó hình như không thích hợp với những chốn ăn chơi như tiệm trà này. Hát ở đây đã gần một năm, Vân nhận ra một điều, ở đây, người ta càng giàu có thì lại càng ít tử tế. Tại sao nhỉ? Có lần Vân đã tự hỏi và rồi cô tự trả lời. “Có lẽ là người ta bán sự tử tế  lấy tiền” Cô gái đã bật cười trước ý nghĩ ấy. Cô gái cũng đã một lần nói ra với hắn cái nhận xét này và hắn đã cười hỏi cô.
-Thế sao em không học theo họ? Bán một chút tử tế đi cho bớt nghèo.
Cô đã cười trêu lại hắn.
-Thật nhé. Có mấy người đang muốn mua. Để đêm nay em bán.
Đúng là có mấy người đang muốn mua thật. Họ nhằng nhẵng gửi quà, hẹn gặp, đứng đợi cô ở cổng quán trà khi cô tan ca.Thậm chí có người còn lẵng nhẵng theo cô về để cho biết nhà. Với những người ấy, cô trả lại những món quà mà chưa bao giờ phải lựa lời để từ chối. Nhưng lần này thì khác. Có một điều gì đó mà chính cô cũng không hiểu đã làm cho cô phải ngần ngừ trước khi quyết định  trả chiếc áo dài cho chủ nhân của nó. Cô tham chăng? Cô trả lại vì muốn một món quà có giá trị hơn chăng? Không! Chắc chắn là không vì những vật cô đã từ chối còn đắt tiền hơn gấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần chiếc áo dài này. Vậy thì vì cái gì? Cô không trả lời được. Một sức hút vô hình đã khiến cô phải ngần ngừ.
Kéo chiếc ghế ngồi đối diện với Hải, cô đặt chiếc túi xách lên mặt bàn cười  thân thiện.
-Nhưng em không có thói quen nhận quà của người lạ,  nhất là của những chàng trai chưa quen biết vì em đã có người yêu rồi.—cô gái nhấn mạnh vào cụm từ “Em đã có người yêu rồi”. -- Em cám ơn nhưng các cụ đã dạy rồi “Không có công thì đừng hưởng lộc”
Hải đăm đăm nhìn cô gái. Anh hơi cắn môi rồi nói nhỏ.
-Em nhầm tôi với những người kia rồi.—Vừa nói  anh vừa hất hàm chỉ về những người đang đứng lên vừa vỗ tay vừa hò hét.—Em rất có công với tôi đấy.
Lời nói của Hải làm cô gái giật mình. Nhìn vẻ mặt anh, cô biết đây không phải là một lời tán tỉnh.
-Công gì ạ?
Cô cười nhẹ, đôi mắt ánh lên một nét ngạc nhiên, tò mò. Hải không trả lời, anh mở hộp quà, rút chiếc áo dài ra.
-Em không nhận cũng không sao vì tôi cũng nghĩ rằng em sẽ không nhận nhưng tôi có một một đề nghị, tối nay em hãy mặc chiếc áo dài tôi tặng để lên hát. Em hãy cho tôi được ngắm em trong chiếc áo dài này một lần. Sau đó, tôi sẽ nhận lại chiếc áo dài này và không bao giờ đến đây làm phiền em nữa.
Lời nói chân thành của chàng trai làm cô gái xúc động. Sao không xúc động được trước sự tử tế hiếm hoi ở giữa chốn xô bồ này.
-Vâng! –cô nói nhỏ --Nhưng anh vẫn chưa cho em biết em có công gì với anh?
-Để sau đêm nay tôi sẽ nói cho em biết, rồi sau đó có nhận chiếc áo dài này hay không tùy em quyết định.
-Vậy đêm nay anh muốn em hát bài gì?
-Em có thể hát bài “Đợi” được không?
-Vâng em sẽ hát.
Nói xong, cô vội vàng cầm chiếc áo dài đi ra đằng sau sân khấu
*
* *
Vân bước ra sân khấu, mắt liếc nhanh về phía góc phòng. Cô thấy Hải đứng dậy hai tay nắm chặt lấy thành chiếc ghế. Không vỗ tay nhưng anh đăm đăm nhìn cô. Ánh mắt như ngỡ ngàng, như đắm đuối  lại vừa như thân thiết. Ánh mắt ấy làm cô nao lòng. Cô cầm lấy micro, hướng về phía Hải.
- Hôm nay, theo yêu cầu của một người hâm mộ tôi xin hát tặng anh ấy bài “Đợi”
Tất cả ồ lên một tiếng. Mọi cái đầu đều quay lại theo hướng ánh mắt của cô gái. Có ai đó hét lên.
-Ai có cái diễm phúc này đấy?
Hải vội vàng ngối xuống.
“Em đứng bên cầu đợi anh” Tiếng hát trong, mượt của cô gái bay lên nôn nao. Hình như người hát hôm nay cũng nôn nao nên câu hát bỗng trở nên vời vợi. “Đứng một ngày đất lạ thành quen. Đứng hai ngày đất quen thành lạ”. “Đợi”! Cuộc đời là những phút giây chờ đợi bất tận. Một chút mong manh không rõ hình hài được giọng ca trong vắt, ấm áp của cô gái se lại thành một sợi tơ vô hình,bay trong không gian và từ từ quấn lấy tâm khảm người nghe. “Đợi”! Bao miếng đất lạ đã trở thành quen?  Và đã có bao miếng đất quen đã trở nên thành lạ? Cuộc đời Hải  đã từng chờ đợi và cũng đã từng “Lạ” “Quen”. Em ơi đừng bao giờ thành lạ. Nhưng…Hải khẽ thở dài.
Khi Vân hát xong, lui vào cánh gà thì người bảo vệ đi lại đưa cho cô một mảnh giấy.
-Xem nào!
Các cô gái giằng ngay lấy, xúm lại. Một cô đọc to.
“ Tôi là bố cô bé bị lạc mà em đã đưa về nhà. Như thế đã đủ cho em nhận chiếc áo dài chưa? Nếu chưa đủ thì em gửi lại chiếc áo cho người cầm giấy này lúc khác tôi sẽ đến lấy.
Hải
Một sự lặng im lạ lùng bỗng trùm lấy đám những cô gái luôn luôn nhộn nhạo này. Một lúc sau, một cô bỗng thở dài rồi nói.
-Chán thật đấy! Mãi mới có một người tử tế xuất hiện thì lại có vợ rồi.
-Anh ấy về rồi à?
Vân hỏi người bảo vệ. Anh ta gật đầu. Hà lấy tay cốc vào đầu cô gái vừa thở dài.
-Thế đứa nào bảo “Dẹp! Đi xe máy mà đòi cưa ca sỹ phòng trà”?.
Cô gái ấy im lặng một lúc rồi buột ra.
-Ừ tiếc thật đấy. Giá như anh ta chưa có vợ nhỉ. Thà đi xe máy nhưng là của mình còn hơn đi ô tô nhưng lại là của người khác.
Mắt Hà đỏ hoe, nước mắt dơm dớm. Các cô gái ôm lấy nhau im lặng. Hóa ra, ẩn rất sâu trong cái vẻ ngoài sôi nổi bất cần đời của các cô gái nơi đây vẫn là một ước mơ từ ngàn xưa bình dị “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng” mà không một ai dám nói ra.  Thiện lương! Đó là thứ tạo hóa ban cho tất cả mọi người ngay từ lúc chào đời. Rồi thời gian trôi đi, con người lăn vào cuộc đời và những vết đen của cuộc đời cứ từng tý một bôi đen đi cái khoảng trắng lung linh mà tạo hóa đã trao tặng. Dưới tầng tầng lớp lớp vết đen của cuộc đời, cái khoảng sáng kì diệu kia  thỉnh thoảng lại cựa mình và những lúc ấy là lúc con người ngồi im lặng và hối tiếc.
Vân gấp chiếc áo dài hoàng yến lại. Hà hỏi.
-Mày định trả lại à?
Vân lắc đầu.
-Không! Tao sẽ nhận. Chủ nhật này tao sẽ đến nhà để cám ơn anh ấy.
-Cẩn thận đấy!
Hà nhắc nhở. Vân cười.
-Ai phải cẩn thận? Tao hay anh ta?
*
* *
Có tiếng chuông, Hải đi ra mở cửa. Anh bỗng sững lại. Vân! Hải thốt lên khe khẽ rồi cứ thế đứng ngây người ra trước cửa. Vân cười rất tự nhiên.
-Sao! Anh không định mời em vào nhà sao? Mà bé Lê đâu anh?
Hải như sực tỉnh. Anh hấp tấp tránh sáng một bên.
-Em vào đi.—Rồi Hải gọi với lên trên gác.—Lê ơi, con xem ai đến đây này.
Từ trên gác hai, một cái đầu ló xuống rồi một tiếng reo trong trẻo.
-Cô Vân!
 Con bé chạy ào xuống cầu thang như một ngọn gió thần kì cuốn đi những cảm giác ngại ngùng giữa hai người. Nó ôm chầm lấy Vân.
-Cháu nhớ cô quá.
Vân cúi xuống bế bổng con bé lên, cắn nhẹ vào má nó.
-Cô cũng nhớ cháu lắm.
-Ứ phải. –con bé giãy nảy. –nhớ mà bây giờ cô mới đến chơi với cháu. Mà cô này, hôm nay cô phải ở đây chơi với cháu cả ngày đấy. Mà bố có biết không. Cô Vân của con hát rất hay nhé. Cô ơi! Hôm nay cô phải hát cho bố cháu nghe nhé. Cháu bảo với bố cháu là cô hát rất hay nhưng bố cháu không tin. Thế có tức không.
-Thế bố cháu bảo thế nào?
-Bố cháu bảo tại vì cháu mê cô quá nên bốc phét lên thế. –Con bé lay lay vai Vân. –Cô hát đi cho bố cháu tin.
Cả Vân và Hải cùng cười. Anh bảo với cô con gái.
--Bây giờ thì bố tin rồi. Cô Vân của con trẻ này, xinh này, hát hay này. Còn gì nữa không?.
Nghe bố hỏi, con bé bặm môi, mặt hơi ngây ra một chút.
--Để con nghĩ đã.—rồi nó chợt nói như reo. –Còn nữa! cô còn hay chơi với con. Tối đi ngủ cô còn kể chuyện cho con nghe nữa.
Nghe con nói mà lòng Hải sắt lại. Anh bỗng thấy thương con mình quá. Con bé cứ ôm choàng lấy cổ Vân nũng nịu.
-Cô ơi! Hôm nay cô cho cháu đi chơi, ăn kem cô nhé.
Nghe con bé nói, Vân bỗng lúng túng. Hải nhận ra điều ấy anh chìa tay đón con nhưbé òa lên khóc. Nó ôm chặt lấy Vân người run bắn. Nó quá sợ. Nhìn nó, cô biết ngay đây là một đứa trẻ con nhà giàu bị lạc. Trẻ con ở khu lao động của cô bằng tuổi này đã rủ nhau đi khắp nơi cùng chốn. Bố mẹ bận mưu sinh, nghèo chẳng đủ tiền cho con đi mẫu giáo, nhà trẻ. Lũ trẻ tụ tập với nhau lại thành từng nhóm lang thang chơi bời với nhau. Chúng đi đâu? Bố mẹ cũng không biết nhưng cứ đến bữa cơm là một lũ loắt choắt lại kéo nhau về.
Vân ôm con bé vào lòng lấy tay khẽ vỗ về nó.
-Con  đừng sợ! Cô sẽ đưa con về nhà.
Thấy trên cổ tay con bé có cái vòng bạc nhỏ có khắc chữ. Cô lấy điện thoại ra bật đèn soi vào đọc.
-Đoàn Lê số nhà 158 Phố….
Cô nhìn đồng hồ. Hơn tám rưỡi. Muộn quá rồi. cô thầm nghĩ. Cô lấy một tờ khăn giấy lau nước mắt cho con bé rồi dỗ nó.
-Bây giờ cô đưa con đi làm với cô. Khi nào làm việc xong cô sẽ đưa con về nhà. Đi với cô thích lắm. Được nghe hát này, được ăn kem này. Con có đồng ý không?
Con bé nhìn Vân gật đầu. Vân bế nó lên xe, đèo con bé đến tiệm trà.
Nhìn thấy cô đèo một đứa bé đến, các cô gái của tiệm xúm lại.
-Con ai thế?
Một cô hỏi, Vân tủm tỉm cười.
-Con của bồ. Đưa nó đi chơi để lấy lòng bố nó.
-Con này ranh thật. Lão ta bỏ vợ à?
Vân chưa kịp trả lời thì một cô gái đã nói chen vào.
-Con ngốc này. –Lão không bỏ vợ mà nó lại dám mang con lão đi chơi à? Có mà nát mặt.
Vừa lúc ấy thì người quản lý tiệm trà đi vào dục cô.
-Nhanh lên cô Vân!. Muộn quá rồi.
Vân vội vàng đi thay quần áo biểu diễn, dắt con bé ra đằng sau cánh gà, lấy một cái ghế cho con bé ngồi, mua một ly kem đưa cho nó.
-Con ngồi im đây nghe cô hát. Không được chạy lung tung đâu đấy.
Rồi cô quay sang một cô bạn hát bảo.
-Mày để mắt đến con bé giúp tao nhé.
Con bé ngoan ngoãn ngồi vừa ăn kem vừa xem cô Vân của nó biểu diễn.
Mười một giờ, Vân kết thúc chương trình biểu diễn của mình. Cô đi đến chỗ con bé đánh thức nó dậy. Nó đã ngủ dụi trên ghế tự bao giờ. Cô đưa nó vào khu vệ sinh, lấy khăn dùng vào nước lạnh rửa mặt mũi cho nó.
-Con đã tỉnh ngủ chưa? Bây giờ cô đưa con về nhà nhé.
Khi lên xe, cô cẩn thận dặn.
-Con không được ngủ gật kẻo ngã đấy. Nhớ chưa?
Để cho con bé khỏi ngủ gật, cô vừa đi vừa hỏi chuyện nó.
-Nhà của con có mấy người.?
Con bé láu táu kể.
-Nhà cháu có bốn người: Ông cháu, bà cháu, bố cháu và cháu.
-Thế mẹ con đâu?
-Mẹ? –Con bé hỏi lại, Vân có cảm giác hình như nó lúng túng không hiểu. –Cháu không có mẹ!.
Con  tim Vân chùng xuống. Một nỗi đồng cảm dâng lên. Vân cũng không có mẹ. Mẹ cô mất từ khi cô còn bé tý đến nỗi giờ đây cô không có một chút ý niệm gì về mẹ. Linh cảm mách bảo cho cô biết cô bé này giàu có nhưng bất hạnh. Một đứa trẻ không được sống trong tình yêu của mẹ thì bất hạnh biết bao nhiêu. Như cô đây. Tuy đã lớn rồi mà nhiều lúc vẫn thấy khát khao một vòng tay êm ái của mẹ nói gì đến một con bé mới mấy tuổi đầu.
Vân đỗ xe lại trước cổng một ngôi biệt thự to lớn. có một khu vườn rộng bao bọc xung quanh. Ngôi biệt thự tối om. Đèn trong các phòng của tòa nhà tắt hết chỉ còn ánh đèn ngoài vườn tỏa ra một thứ ánh sáng vàng đục. “Quái lạ! Con bị lạc mà sao trong ngôi nhà vẫn có vẻ bình yên thế?” Cô nghĩ thầm trong đầu. Nghi ngờ, cô quay lại hỏi con bé.
-Đây có đúng là nhà cháu không?
-Đúng rồi mà. Cô bấm chuông đi.
Cô đi lại bên cánh cổng sắt to và nặng bấm chuông. Trong đêm tĩnh lặng, tiếng bính bong của cái chuông vọng ra nghe rất rõ. Căn biệt thự vẫn im lặng không ai ra mở cổng. Cô nhìn quanh. Khu này toàn biệt thự. Tất cả đã tắt hết đèn. Cô móc điện thoại ra nhìn đồng hồ. Muộn quá mất rồi, cô sợ ông mình ở nhà lo lắng. Chẳng còn cách nào khác,cô ngồi xuống cạnh con bé dỗ nó.
-Nhà con chẳng có ai. Hay là tối nay con về nhà cô ngủ sang mai cô sẽ đưa con về.
-Vâng!
 Con bé đồng ý.
Trên đường về nhà, con bé ngủ dúi ngủ dụi. Sợ con bé ngã, cô đành xuống xe một tay bế con bé còn một tay dắt chiếc xe đạp. Chỉ đi được một đoạn, tay cô đã rời rã. Chẳng còn cách nào khác, cô rút điện thoại ra gọi cho hắn.
-Anh à! anh đến đón em nhé.
Cô cho hắn biết chỗ mình đang đứng, chỉ một thoáng sau, hắn đã phóng xe đến. Nhìn đứa bé đang ngủ gục trên vai cô, hắn đã hiểu ngay ra tất cả. Hắn nói giọng bực bội.
-Đáng lẽ em phải gọi cho anh ngay từ lúc tan biểu diễn. Em đèo nó thế này nhỡ nó ngủ gật ngã ra đường thì sao.
Nghe cái giọng bực bội của hắn, cô bỗng nhiên thấy vui. Cô biết, hắn lo lắng cho cô. Cô cười bảo hắn.
-Sao cái giọng càu nhàu của anh nghe dễ thương thế.
Hắn bật cười.
-Dễ thương cái con khỉ.
Hắn bế lấy con bé, đặt nó ngồi ở phía trước mình,một tay ôm lấy người con bé. Nổ máy. Hắn cho xe máy đi từ từ bên cạnh cô.
-Thôi anh cứ phóng về trước đi. Em đạp xe về sau cũng được.
-Vội gì.
Hắn chỉ nói có thế. Chao ơi hình như trong hắn có hai con người. Một con người lắm mồm luôn luôn cười đùa còn một con người mồm lúc nào cũng như đang ngậm hột thị. Cô yêu cả hai con người trong hắn.
*
* *
Vân hát. Tiếng hát trong vắt của cô gái đè những tiếng ồn ào và thậm chí cả những cái gì thô tục nhất có thể xảy ra ở một quán trà thượng lưu chìm xuống. Những tiếng ồn ào lặng dần. Bàn tay rời khỏi vế đùi non của cô gái và cưới cùng cả phòng trà im lặng.
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” Vân thả hồn theo tiếng hát. Cô thích những giai điệu mượt  mà mang đậm nét dân ca của quê hương cô. Hồi đầu mới đến hát ở phòng trà này khi chủ quán trà đồng ý cho cô hát thử, cô đã định bụng hát một bài hát tiền chiến nhưng không hiểu tại sao, lúc ra đứng ngoài sân khấu cô gái lại hát một bài hát mang đậm dấu ấn dân ca quan họ, bài “ Người ở đừng về”. Và cũng thật là kì lạ bài hát đã chinh phục được những người nghe.
Đang hát, bỗng như có một linh cảm đặc biệt nào đó mách bảo, cô gái đưa mắt nhìn về một góc phòng trà và cô lại bắt gặp cặp mắt ấy đang đăm đăm nhìn mình. Tiếng hát như chợt vấp. Có lẽ anh ta cũng nhận ra chỗ vấp ấy của câu hát. Anh ta mỉm cười, ánh mắt nhìn cô như khích lệ. Vân quay đi không dám nhìn vào chỗ ấy nữa.
Đã mấy tháng nay, lần nào đi hát Vân cũng gặp anh ta và bao giờ cũng vậy,anh ta luôn ngồi vào một góc khuất  và luôn mang theo một đóa hồng nhưng chưa bao giờ anh ta lên tặng hoa cho cô cả. Một lần, chỉ duy nhất một lần, sau khi cô hát xong bài hát, trong tiếng vỗ tay rào rào, cô thấy anh ta cầm bông hồng bước lên một bước rồi không hiểu sao anh ta lại lùi lại, ngồi xuống. Cái mẫn cảm của người con gái đã bảo cho cô biết “Cái gì đang diễn ra trong anh chàng ấy”. Điều đó làm cho cô gái vừa vui, vừa sợ.
-Anh chàng trồng cây si mày rồi đấy. Coi bộ cũng là người đứng đắn. Tiếp cận đi!
Một cô bạn cùng hát tại phòng trà xui cô. Các cô gái ở phòng trà này tinh lắm. Chỉ thoáng một cái, chỉ một cử chỉ khác thường của khách hàng là các cô có thể đọc ra người khách hàng ấy muốn gì.
-Đừng vội!—Một cô gái khác xen vào. –Phải điều tra xem anh ta có phải là đại gia không đã.
-Mày chỉ vớ vẩn. Vào phòng trà này làm gì có bọn kiết xác.
-Nhưng có giầu đến mức để cho mình hi sinh không chứ. –Cô gái kia cãi lại. –Mày không thấy là anh chàng cũng đứng tuổi rồi à?
Nghe các bạn cãi nhau Vân chỉ cười. Họ đâu có hiểu cô. Cô không định “Hi sinh”. Niềm vui của cô chỉ là niềm vui của một cô gái biết là mình đẹp. Một niềm tự hào nho nhỏ của người đàn bà khi biết có người đàn ông đang để ý đến mình chứ  không phải là niềm vui của một kẻ đi săn biết con mồi đã sập bẫy. Cái sợ của cô cũng vậy. Cái sợ của một cô gái thánh thiện. Cô quá rõ những hậu quả khủng khiếp của những cô gái đi săn và rồi lại biến mình thành kẻ bị săn. Ai cũng biết những hậu quả đó nhưng mấy ai thoát khỏi sự cám dỗ đầy ma lực của đồng tiền?
Đã quay nhìn đi chỗ khác rồi nhưng không hiểu vì sao kết thúc bài hát, khi cúi chào thính giả, lúc ngẩng lên cô lại liếc nhanh về phía ấy và cô gái bất chợt nhận ra: Khác với mọi lần, lần này bông hồng của anh ta được đặt trên một cái hộp giấy rất đẹp.
Cô gái vào phòng thay quần áo. Cô gấp chiếc áo dài lại nhét vào trong túi xách, chào mọi người chuẩn bị ra về thì người bảo vệ của cửa hàng đi vào đưa cho cô một chiếc túi xách nhỏ và một bông hồng. anh ta cười.
-Có một con thiêu thân gửi tặng cho em.
Cả bọn con gái ré lên một tiếng xúm lại chỗ cô.
-Mở ra xem nào. Chết nhé!
-Con này ghê thật đấy! Thế mà ai cũng bảo nó hiền.
Chiếc hộp lập tức được mở ra. Một chiếc áo dài mầu hoàng yến.
-Đẹp quá!
 Tất cả cùng thốt lên.
-Sì! Có mỗi chiếc áo dài mà đã nhặng cả lên.
Một giọng nói đầy tức tối cất lên đằng sau cô gái. Không quay lại nhưng Vân biết
  ngay đấy là giọng của Hà, một kẻ đi săn đã bị biến thành con mồi.
-Này có một mảnh giấy này.
Một người kêu lên.
-Đâu! đâu! Đọc lên xem nào.
“Tặng Vân nhân ngày sinh nhật”.
-Ái chà! Lão này giỏi mò thật đấy. Làm sao lão lại biết được ngày sinh nhật của mày? Khai mau! Đi chơi với nhau rồi phải không?
Mặt Vân đỏ gắt. Cô gấp vội chiếc áo dài cho vào trong hộp rồi cầm chạy ngay ra ngoài phòng trà. Chiếc bàn chỗ anh ta ngồi trống không. Anh ta đã bỏ đi. Các cô gái lập tức túm lấy người bảo vệ hỏi dồn.
-Lão ta đến đây bằng xe gì? Mẹc hay Inova?
-Xe máy!
Các cô gái đều sì lên một tiếng.
-Dẹp! Đi xe máy mà dám tán ca sỹ phòng trà.
Vân dắt chiếc xe đạp ra ngoài đường thong thả đạp về nhà. Mọi lần, mỗi khi đi hát về, cô đều phóng xe như bay nhưng không hiểu vì sao đêm nay cô lại đạp xe rất chậm. Thỉnh thoảng cô lại ngoái lại phía sau. Cô thấy vui vui. Gần đến chỗ rẽ về xóm của mình, cô đỗ xe lại, nhìn lại phía sau một lần nữa. Một mong ước tự nhiên len vào tâm trí. Cô mong có một chiếc xe máy đang bám theo sau mình nhưng rồi cô lại lắc mạnh đầu, cố gắng xua đuổi cái ý nghĩ ấy.
-Đời không có chuyện cổ tích. Hãy nhớ đến cái Hà!