CHƯƠNG 14

     ình muốn chết Lần đầu tiên nghĩ đến cái chết không sợ nhưng thấy vô lý thế nào ấỵ.
"Nếu con người sinh ra để mà chết thì tốt nhất đừng sinh ra". Chả nhớ ai nói câu này nhưng mà đúng.
Mình đúng là con hâm, tự nhiên cứ loay hoay giữa sống và chết.
Quyết định: Phải sống. To live and to live.
Ném mẹ bọc thuốc ngủ đi con hâm!

*

Hà Nội đi xa thì nhớ, sống cùng thì chán. Hoàng về nhà ngủ đẫy mắt đúng một ngày, thêm ba ngày hẹn hò nhậu nhẹt với đám bạn cánh hẩu kể chuyện quê nhà, xong rồi chẳng biết làm gì nữa. Sáng ra ngõ gặp bà hàng phở, chiều quay về thấy ông bia hơi lạc rang. Quay đi quay lại vẫn con phố đó, hàng cây đó và những gương mặt quen thuộc đến nhàm chán.
Bỏ quên Hoàng được ba ngày, chiều tối Ly Ly xông vào căn phòng ám khói của anh. Em biết ba ngày nay anh làm gì rồi. Ngủ - rượu... rượu - ngủ... ngủ - rượu... đúng thế không? Chứ còn gì nữa! Hoàng bế Ly Ly đặt lên đùi. À quên, và còn nhớ em nữa. Có mà mốc xo! Ly Ly đập cái bụng lép kẹp của Hoàng. Chưa hết nhớ em Thùy Linh còn nhớ ai. Hoàng gật gù cạ cằm đầy râu lên gáy Ly Ly. nhớ thì không nhớ, thèm thì có thèm. Em cũng vậy, chỉ thèm giai chẳng nhớ thằng đếch nào. Ly Ly cười hé he he.
Hoàng ném Ly Ly lên giường, quyết lột hết lốt cáo cô vẫn che đậy. Chỉ cần nụ hôn ấm ngọt đặt lên môi là những gì ngổ ngáo táo tợn Ly Ly vẫn cố giương vây bỗng đâu biến mất. Con cáo đáng ghét lột xác ngay tức thì, giờ là con nai mềm ngọt, thật dữ dội khi vào cuộc nhưng là con nai đáng yêu. Vừa xong hiệp một Hoàng lại vùng lên đòi vào hiệp hai. Mắt Ly Ly lóng lánh, chẳng phải vui mừng vì có thêm một cú đúp, ấy là hạnh phúc của đàn bà khi biết mình vẫn được yêu.
Ly Ly kê gối lên hõm gáy ngửa mặt ngủ ngon lành, tiếng thở nhẹ nhàng thuần khiết, gương mặt ngây thơ trong trắng lạ thường. Rung lên trong Hoàng một niềm thương, niềm thương của người lớn tuổi với trẻ thơ. Anh vuốt nhẹ từng sợi tóc mai bết mồ hôi của Ly Ly, muốn hát một câu hát ru của Thùy Linh vẫn hát ru con, hát thật khẽ. Không hát được. Có gì nghèn nghẹn nơi cổ họng, cố hát thì lại khóc, khỉ thế...
Anh không ngủ à? Ly Ly mở mắt. ờ kìa, sao lại khóc? Hoàng gạt nước mắt, cười. Khỉ thế đó, anh nằm nhớ một câu hát ru tự nhiên lại khóc. Câu gì? Cái bống đi chợ Cầu Canh/ Con tôm đi trước, củ hành theo sau/ Con cua lạch đạch theo hầu/ Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua. Có gì đâu mà khóc? Anh thương con cua. Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua. Ly Ly cười hí hi hi, thụi bụng Hoàng mấy thụi. Hâm! Hâm! Hâm!... Nhà văn nhớn ơi... dở hơi vừa thôi.

*

Ly Ly kéo Hoàng dậy, vui vẻ lôi tờ báo trong đó có kì một phóng sự của cô. Tham ô hài cốt liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy biến thành bãi chứa xương động vật Anh đọc chua? Ly Ly dí sát mặt Hoàng cái tít thật giật gân giăng hàng ngang to đùng ở trang một. Đọc làm gì, điên à. Hoàng gạt tờ báo, ngáp. Ly Ly không giận, cô biết tính Hoàng, Chưa bao giờ Hoàng mơ tới báo nhà kể cả khi báo có đăng bài của anh. Đúng là bi kịch. Ly Ly gật gù, hai chân thi nhau đá lên. Thảo nào lão Bốn viết một khẩu hiệu to đùng trên bảng tin tòa soạn: Đọc báo nhà là yêu nước.
Thì thằng Bốn cũng thế, nó đâu biết báo nhà méo hay tròn. Hoàng trợn mắt gầm gừ. Ly Ly cười hí hí. He khi nào Ly Ly nhắc tới lão Bốn là Hoàng lại gầm gừ. Anh vẫn ấm ức mãi vụ lão Bốn dắt Ly Ly vào Thanh Hóa gần nửa tháng. Chẳng biết lão có làm ăn được gì không, cứ nhớ đến là Hoàng lại khó chịu. Ly Ly thừa biết. Kệ. Được tí ghen càng thích. Có đấy. Ly Ly cãi. Lão Bốn còn biết lướt qua trang một còn anh thì đến cầm tờ báo nhét vào cặp cũng không.
Chà. Hoàng gạt phắt. Nó lướt qua trang một xem có gì hay để gọi điện khoe với Thủ tướng đây. Anh đừng có mà trâu cột ghét trâu ăn. Ly Ly vêu miệng trêu chọc. Anh thử gọi điện cho Thủ tướng xem ông có nhấc máy không nào.
Hoàng cười trừ. Anh lấy tờ báo đọc kĩ cái phóng sự. Công nhận cô bé viết khéo, không cần nói năng băm bổ hùng hổ làm gì, lạt mềm buộc chặt là cách của cáo già làng báo vẫn khéo dùng, không ngờ cô bé hai lăm tuổi dùng nó còn khéo hơn.
Kì một coi như đã xong. Chỉ cần đưa ra một vài con số khái quát cộng với lời bình mềm và đau nhất định Ly Ly sẽ buộc dư luận chú ý. Phải tạo cho độc giả biết số này chỉ mới khơi mào, còn nhiều vấn đề bí ẩn dữ dội vẫn đang nằm ở các số báo sau, trong khi lại phải cho đối tượng cảm giác tài liệu mình tung ra thế là đã hết, nhử cho đối tượng một cú phản đòn nhằm kéo tuột cả lũ vào tròng.
Sau kì một, nhất định tòa soạn sẽ nhận được thư trả lời của ủy ban huyện Tuy với lời lẽ khiêm nhường nhưng sổ toẹt hết các chứng cứ mà Ly Ly đưa ra. Đồng Thời với cái thư gửi tòa soạn là giải trình của lão Phó Chủ Tịch Văn Xã lên Sở, lên Bộ, kể cả Thủ tướng lão cũng gửi liều nhằm chứng minh tất cả những gì lão làm là đúng, chỉ có một vài sai sót nhỏ mà bài báo đã phóng đại, nâng cấp thành vấn đề nghiêm trọng.
Sẽ có những cú điện thoại yêu cầu Tổng Biên Tập dừng lại loạt bài phóng sự, đừng có bé xé ra to. Tổng Biên Tập sẽ gọi Ly Ly lên. Lão ngồi khoanh tay ngửa cổ lim dim mắt nghe Ly Ly trình bày sự thật cô đã khui được và kế hoạch vừa đánh vừa nhử mồi các kì tiếp theo của phóng sự. Được đấy! Làm tới đi! Tổng Biên Tập khoát tay quả quyết như một vị chỉ huy can trường. Lão đi đi lại lại, miệng ngậm cán bút, mắt lim dim tính toán các chiêu thức cần phải tung ra sau phóng sự.
Nhất định Tổng Biên Tập sẽ điều một nhóm võ sĩ hạng nặng lâm trận, chuẩn bị đòn vu hồi. Một cái thư độc giả sống nơi sự việc đang diễn ra, vài cái 'Tin thêm về vụ..." có vẻ vu vơ nhưng hút hồn bạn đọc và làm cho đối tượng phải giật mình toát mồ hôi hột trước những cứ liệu nốc ao. Nhất định lũ này sẽ kéo cờ trắng xin hàng.
Đấy là lúc Tổng Biên Tập vào mùa thu hoạch. Cách thức lão thu hoạch sau mỗi vụ tiêu cực thế nào Ly Ly không cần biết. Cô chỉ cần loạt phóng sự ra đời trót lọt, không để lại điều tiếng gì, thế là xong. Ly Ly sẽ ẵm một mớ nhuận bút được thưởng gấp đôi, gấp ba cộng với tiền công tác phí đặc biệt dành cho phóng viên đi điều tra những vụ lớn, cả thảy có thể trên ba chục triệu. Thế là đủ, không cần nhiều hơn. Lạc bất khả mãn, phàm cái gì tiền nhân đã khuyến cáo chớ có dại dột bất tuân.
Hoàng đọc đi đọc lại bài báo, anh săm soi xem Ly Ly có đụng đến Xê Trưởng không, sốt ruột, Ly Ly giật tờ báo trong tay Hoàng. Anh định học thuộc lòng hay sao. Kỳ hai viết chưa? Viết rồi. Mai đăng. Cho anh xem chút được không? Ly Ly chắp hai tay kính vái. Cảm ơn nhà văn nhớn quá. Em khóc đây. Khóc thật to để tạ ơn nhà văn nhớn đã đòi đọc trước bài báo của cô nhà báo hỉ chưa sạch mũi.
Hoàng cốc đầu Ly Ly. Nói toạc ra xem nào. Ly Ly cốc trả đầu Hoàng. Yên tâm đi, sẽ không có một chữ nào động đến Xê Trưởng của anh đâu. Hoàng ôm Ly Ly cạ râu cằm lên gáy cô. Giỏi lắm. Thế mới là người yêu của anh chứ. Lối cạ râu của Hoàng thật hay, không gây ngứa ngáy khó chịu, trái lại nó luôn gợi cho Ly Ly niềm hứng thú được tạ ơn. Thời buổi này niềm hứng thú ấy thật khó tìm.
Tưởng ngấm Hoàng đến từng lỗ chân lông, Ly Ly không ngờ cô mới phát hiện ra mỗi khi Hoàng muốn tỏ lòng biết ơn cô anh lại ôm cô cạ râu cằm lên gáy. Nhiều lần Hoàng đã ôm Ly Ly cạ râu cằm lên
gáy nhưng cô không để ý. Cô nghĩ đó chỉ là lối vuốt ve của đám mày râu lớn tuổi, cách thức mơn trớn tốn ít năng lượng nhất của trai già với gái trẻ. Chẳng ngờ không phải thế, Hoàng bao giờ cũng khác người.
Bốn kì phóng sự hoàn tất, Thủ tướng ra ngay chỉ thị "cần điều tra và làm rõ", lãnh đạo huyện Tuy kéo cờ trắng đầu hàng nhanh chóng, hứa sẽ kiểm điểm nghiêm túc và công bố trước công luận. Ly Ly nhẹ cả người, cô ôm đủ ba chục triệu tiền công tác phí, nhuận bút và tiền thưởng của cả hai người tung tăng chạy đến Hoàng. Xiền... xiền đây rồi! Ly Ly lượn quanh Hoàng nhảy nhảy múa múa líu lo. Tèn ten... Từ ngày hôm nay chỉ còn lại tiếng ca... tèn tèn ten...
Hoàng kéo Ly Ly vào lòng ôm chặt. Anh lại cạ râu cằm lên gáy cô. Anh muốn cưới em quá đi mất. Ly Ly cù nách Hoàng. Thật không đấy chàng? Hoàng vẫn cạ râu cằm lên gáy cô. Tiên sư thằng nào bốc phét. Ba chục triệu vừa đủ đám cưới ba trăm người. Anh sẽ mời Xê Trưởng ra làm chủ hôn. Xời... lại Xê Trưởng. Ly Ly bẹo nhẹ má Hoàng. Để ông nhà quê đó làm chủ hôn đám cưới của người ta à. Đấm chết giờ. Nói vậy thôi, Ly Ly thừa hiểu Hoàng muốn cảm ơn cô, phóng sự của cô không nhắc đến Xê Trưởng một chữ nào.

*

Tháng sau có tin đình chỉ công tác Chủ tịch huyện Tuy. Tháng sau nữa khởi tố vụ án hài cốt liệt sĩ, Trưởng Phòng Thương binh Xã hội bị bắt. Tia-ra tờ báo đột khởi tăng thêm tám vạn bản. Ly Ly như đi trên mây. Cô kéo cổ Hoàng nhậu hết trận này sang trận khác.
Làm báo khổ nhất là vác bút đi chống tiêu cực, cực nhục đủ đường, nguy hiểm phủ phục khắp nơi, ăn không ngon ngủ không yên. Bù lại nó có niềm vui của người lính xông trận. Xong một phóng sự trút một gánh nặng, nếu phóng sự thành công gây được tiếng vang, đi đâu cũng được chào đón vồ vập, thật không gì hạnh phúc hơn.
Ly Ly không bận tâm đến sự nổi tiếng, thậm chí cô còn ghét nó. cô cũng chẳng hy vọng cứ sau một thành công đồng nghiệp sẽ yêu quí nể trọng cô hơn. Nghề viết lách bĩ lắm. Văn mình vợ người, có năm người nể trọng hơn nhất định có năm người khác khinh ghét căm tức hơn; có năm người mừng vui trước thành công của mình nhất định có năm kẻ khác hậm hực khó chịu. Ly Ly tự thu hẹp niềm vui của cô. Mỗi khi xong một phóng sự cô không nhận được những cú điện thoại chửi rủa mạt sát đòi xin tí tiết và tia- ra báo tăng nhanh, túi tiền anh em đầy thêm một chút. Thế thôi. Thế cũng đủ cho đời vui phơi phới.
Ly Ly vẫn kéo Hoàng đến quán rượu trứng góc đường Phan Chu Trinh. Đó là quán rượu tình nhân, người ta ngăn thành từng ô nhỏ kín đáo cho trai gái nhậu nhẹt và hú hí. Hoàng không mấy hào hứng, cuộc rượu nào anh cũng cằn nhằn. Tại sao để sổng thằng chủ mưu, thằng Phó Chủ Tịch Văn Xã vẫn yên vị là thế nào? Bốn kì phóng sự của em thì có hai kì em dành cho nó. Thế đấy.
Ly Ly vừa hầu rượu Hoàng vừa cố giảng giải món tư pháp cù nhằng mà anh tắc lưỡi chấp nhận mù tịt. Yên tâm đi. Để sổng thằng Phó Chủ Tịch Văn Xã còn ra cái gì. Thằng này không bị dựa cột là may. Người ta còn phục xem nó chạy thế nào để kết tội luôn thể đấy. Ly Ly nói như đinh đóng cột. Chắc không? Chắc. Ai nói với em? Lão Bốn. Em thì lúc nào cũng lão Bốn. Hoàng nhăn mặt. Ly Ly tủm tỉm cười không nói gì. Hoàng thừa biết ai chứ lão Bốn nói thì khó sai, tin của lão Bốn là tin Chính phủ.
Còn Chủ Tịch Huyện? Hoàng cạn cốc rượu rót thêm cốc nữa, anh quay sang hỏi Ly Ly. Đuổi nó về cũng đáng nhưng anh cứ thấy tồi tội thế nào. Anh đừng có mà tình yêu bao la. Ly Ly miệng nói tay xua. Đám chăn vịt nhà quê đó tiếc làm gì. Toàn đám chăn vịt, đuổi hết đi bầu sao kịp? Anh toàn ngồi lo bò trắng răng. Hoàng cười khà, cái cười hiếm khi thấy ở anh.
Ly Ly kể Hoàng nghe tình cảnh của Chủ Tịch Huyện. Thoạt đầu Chủ Tịch Huyện hãy còn tự tin lắm. Bài phát biểu của ông rặt mỗi chữ "không ngờ". Chủ trương đi tìm hài cốt liệt sĩ, không ngờ cấp dưới thu mua xương động vật mang về. Chủ trương bốc hết xương động vật ra khỏi nghĩa trang liệt sĩ, không ngờ cấp dưới đi đào mồ lấy hài cốt của dân thế vào. Một trăm lần hỏi lần nào cấp dưới cũng trả lời tốt đẹp ngon lành, không ngờ trăm sự nát như tương. Chua xót quá.
Cái chữ không ngờ định mệnh. Sau phát biểu "'không ngờ" của Chủ Tịch Huyện, Phó Chủ Tịch Văn Xã đứng lên. Thật khoan thai thật từ tốn hắn phê phán Chủ Tịch Huyện sai từ cái gốc, vì chủ quan duy ý chí mà sai từ cái gốc. Chủ Tịch Huyện chủ trương làm nghĩa trang liệt sĩ quá to, khắp cả nước không một huyện nào có nghĩa trang hai ngàn mộ như nghĩa trang huyện Tuy. Anh em can gián mãi ông không chịu nghe, ông thích hoành tráng thích phỉ phê quyết làm cho kì được. Rồi ông ép anh em đi kiếm cho bằng được hai ngàn bộ hài cốt liệt sĩ trong khi ông thừa biết liệt sĩ huyện Tuy từ thời kháng Pháp đến giờ không quá bốn trăm người. Anh em đề đạt chỉ kiếm giỏi lắm một trăm bộ hài cốt, ông không chịu, dứt khoát bắt anh em phải tuân lệnh. Túng thì phải tính, cấp dưới phải làm liều.
Chủ Tịch Huyện ngơ ra. Ua chà tui nói khi mô hè. Ai can gián tui khi mô hè. Tui nói chi anh em cũng nhất trí, có ai can gián mô hè. Chẳng ngờ mọi người đua nhau nói. ồng thường vụ này nói ông đã nói thế này thế kia. ông thường vụ kia nói họ đã can gián thế này thế kia. Thêm ba bốn thường vụ tranh nhau chỉ trích ông sai lầm có hệ thống, căn bệnh duy ý chí của ông mọc mầm từ mười năm trước chứ chẳng phải bây giờ. Chủ Tịch Huyện sốc nặng. Té ra toàn bộ thường vụ hùa theo Phó Chủ Tịch Văn Xã.
Nhờ Ban tổ chức Tỉnh ủy rỉ tai chân Bí Thư Huyện Ủy huyện Tuy khóa tới Tỉnh ủy đã chấm Phó Chủ Tịch Văn Xã, chỉ trong ba tháng hắn đã lôi kéo cả thường vụ hùa theo hắn. Công nhận thằng này quá tài, thế mà ông không biết, chó thế! Đau nhất là thằng đệ tử ruột của ông, nguyên là lái xe riêng mười tám năm trời được ông cất nhắc lên thường vụ huyện ủy chánh văn phòng Ủy ban huyện cũng đập ông tơi tả về căn bệnh chủ quan duy ý chí, căn bệnh mà ông tưởng cả nước đều mắc phải, chỉ có ông là không.
Than ôi chữ Nhân của cụ Khổng trải mấy nghìn năm bây giờ đã nát như tương! Tam cương hãy còn đấy nhưng là cương đểu, cương bịp, cương bóp cổ chặn hầu, cương nồi da xáo thịt. Ngũ thường thì rối loạn tùm lum. Đâu là Lễ? Đâu là Nhân? Đâu là Nghĩa? Đâu là Trí? Đâu là Tín? Cặc! ông không biết, ông về đây! Chủ Tịch Huyện khạc một bãi dòm, hất mặt lên trời bước ra khỏi cổng Ủy ban huyện.
Hoàng cười sặc rượu, ồng chăn vịt nói hay quá nhỉ! Ly Ly vui vẻ chạm cốc Hoàng. Quên lũ chăn vịt đi. Quan trọng Xê Trưởng của anh không việc gì là được. Hoàng ngửa cổ dốc nốt cốc rượu. Anh thả cốc quay sang ôm choàng lấy Ly Ly cạ râu cằm lên gáy cô. Yêu em quá đi mất. Anh thề theo em đến tận cùng trời cuối đất. Cái mặt nịnh của Hoàng bành ra. Ly Ly cười khúc khích. Xời, sao không nói thêm dù gan óc lầy đất? Hoàng vung nắm đấm xin thề. Dù gan óc lầy đất! Ly Ly hót cổ Hoàng đặt lên môi Hoàng nụ hôn dài, kết thúc một tuần vui như Tết.

*

Sáng thứ hai nào Hoàng cũng tới trễ, anh tránh cuộc họp giao ban Tổng Biên Tập lúc nào cũng nói dai như đỉa. Lão Bốn vừa chui ra khỏi phòng họp gặp Hoàng đi tới. Biết tin gì chưa? Lão kéo Hoàng ra một góc. Tin gì? Huyện Tuy vừa cho nhập kho một số thằng. Những ai? Hoàng lo lắng hỏi. Lão Bốn lắc đầu cười. Nghe công an tỉnh thông báo một lô một lốc, chả nhớ thằng nào ra thằng nào. Có ai tên Xuyến không? À có có. Thằng tổ trưởng tổ quản trang chứ gì? Thằng này thì đầu bảng.
Hoàng tái mặt. Anh sững lại giây lát rồi quay ngoắt lao xuống cầu thang, tút thẳng ra cổng. Anh Hoàng! Anh Hoàng! Ly Ly từ tòa soạn chạy đuổi theo. Hoàng quay lại chụp lấy cổ cô nghiến răng day đi day lại. Tôi đã bảo mà, cô đã thấy chưa... đã thấy chưa hả! Chết tôi rồi... cô giết bạn tôi rồi! Mặt Ly Ly méo xệch. Nhưng em có làm gì đâu? Làm gì đâu hả! Hoàng dí mặt mình sát mặt Ly Ly. Chống tiêu cực của cô đấy... cô thấy chưa!
Hoàng hầm hầm bỏ đi. Ly Ly đuổi theo. Anh Hoàng... đứng lại em bảo này! Cô ra sức nài nỉ. Câm mồm đi! Hoàng quay lại gầm lên như sấm. Từ nay đừng có nhìn mặt thằng này nữa nghe chưa! Hoàng lao thẳng ra đường, quên cả quay vào tòa soạn dắt xe máy.
Ly Ly trào nước mắt.

*

Tiếng còi ô tô kêu gắt sau lưng. Hoàng giật mình tạt vào lề đường. Anh Khiết đài trưởng P12 tiểu đoàn tên lửa năm xưa ló mặt ra cửa xe tươi cười. Bây giờ mới gặp mày đây. Mà lòng đã chắc từ ngày... đánh nhau. Hoàng siết chặt tay anh Khiết. Lên xe đi. Anh em mình kiếm chỗ nào lai rai chút. hơn hai chục năm rồi còn gì. Hoàng tắc lưõi lên xe. Thôi thì nhậu chút, quên chuyện bực mình kia đi cho nhẹ đầu.
Hồi ở lính Hoàng chơi thân với anh Khiết chỉ vì anh luôn có chè mạn, thuốc lào. Bất kì ở đâu anh cũng kiếm được hai món quí hiếm này, kể cả khi đóng quân ở những cánh rừng không dân như núi Sĩ Cào. Anh Khiết mê thơ Hoàng, cứ có bài nào của Hoàng đăng trên báo tường tiểu đoàn là anh chép vào sổ tay, nằm vắt chân chữ ngũ ngâm tới ngâm lui ra chiều đắc ý lắm. Này! Anh Khiết vỗ vai Hoàng. Đám nhà thơ đều dở hơi chập mạch. Mày tỉnh như sáo sao vẫn làm thơ hay được nhẩy?
Mũi Hoàng phồng to như hai quả cà, cả tạ thơ gửi về báo quân chủng chẳng bài nào được đăng, được anh Khiết khen thật đã. Chè mạn thuốc lào là phần thưởng anh Khiết dành riêng cho Hoàng, cả tiểu đoàn không thằng nào được hưởng. Lính tráng thằng nào cũng thế, có miếng gì ngon con gì béo phải nhớ ngay công thức này: Đông = Vui = Hao, ít = Buồn = đỡ tốn. Chục đồng lương trung sĩ tiêu không đủ ba ngày, Hoàng được anh Khiết ưu tiên cho hưởng suất chè mạn thuốc lào khác nào được quí nhân phù trọ.
Thuốc lào ngon nhất điếu đầu tiên chào buổi sáng. Sáng nhảy ra sân xoi món thể dục chiếu lệ, Hoàng liền tót sang P12, trung đội ra đa dẫn đường của anh Khiết. Tụt xuống cái dốc dài, lội qua một cái khe mùa mưa nước ngập ngang cổ mùa hạ sỏi đá chỏng cho, chạy qua ba quả đồi sim cằn, Hoàng tót vào lán anh Khiết đã thấy anh ngồi chống điếu cày đầu gật gật thân rung rung. Anh vừa rít xong điếu thuốc chào buổi sáng, say dứ đừ. Mẹ... quá đã... như vừa xong quả đ... Anh run run đưa cái điếu cày cho Hoàng, nói líu cả lưõi.
Hoàng đón lấy ống điếu, rít một hơi dài, thả cái điếu cày chống hai tay xuống đất, cứ thế há mồm cho khói thuốc tuôn ra, mắt đò đò mặt ngây ngây. Anh Khiết xốc ấm pha trà. Xong điếu thuốc lào nhấp ngụm chè mạn thấy đời hết chê. Hoàng ngồi nhấp từng ngụm trà Thơm điếc mũi, nghe anh Khiết bốc phét chuyện múc gái, toàn gái con nhà lành, lính tráng gọi là gái sinh thái, nghe cứ mê đi.
Mình vào đây nhá! Anh Khiết kéo Hoàng vào quán gọi chai black label, món rượu sang trọng Thời thượng. Tao ra quân năm bảy sáu, học nốt đại học, đi Liên xô giật cái bằng Phun thuốc sâu, tức là đi buôn lậu. Anh Khiết túc tắc rót rượu túc tắc kể. Tiền đầy túi thì tếch về lấy vợ sinh con. Vợ không đẹp nhưng con ngoan, gọi là mỹ mãn. Kể qua vậy cho chú mày mừng. Hoàng nâng cốc rượu. Còn em vợ con không. Tiền bạc không. Chấm hết. Hoàng cạn cốc, ngồi nom nớp lo anh Khiết lôi chuyện đào ngũ của Hoàng ra. Từ khi gặp nhau đến giờ Hoàng ón mỗi chuyện ấy.
Rất may anh Khiết chỉ chú mục ép Hoàng uống rượu liên tù tì, say sưa chuyện múc gái. Tiểu đoàn gái sinh thái của anh kể một năm chưa hết. Con bé lúc nãy xinh phết đấy, múc chưa? Anh Khiết nheo mắt cười cười. Con nào? Con bé đứng khóc với mày ở cổng tòa báo ấy. À vâng. Mày yêu nó à? Hoàng cười nhạt. Vâng, thì yêu. Anh Khiết đập đùi Hoàng. Tao thích cái chữ 'Thì" của mày quá, đúng là nhà văn.
Lại chạm cốc. Lại trăm phần trăm. Hoàng biết mình sẽ say nhưng chối không được. Mày biết bố con bé là ai không? Hoàng nhấp rượu nửa chừng, ngơ ngác. Con nào? Lại con nào, chán cái thằng này! À vâng... Hoàng lắc đầu thật thà. Em nhớ có lần anh dặn em vào nhà gái cần tránh hai thứ, bố nó và con chó. Thành thử em tuyệt không thấy mặt bố cô bé lần nào, tất nhiên tên ông ấy lại càng không biết. Anh Khiết cười khà khà. Thằng này nhớ dai ghê!
Anh Khiết gọi thêm chai rượu. Bố nó là ông Cảnh sư phó sư mình đó. Vậy a? ừ. uống đi, làm ly nữa rồi tao kể cho mà nghe. Anh Khiết rót đầy hai cốc, chạm cốc cái cạch, cạn cốc, khà một tiếng khoan khoái. Ông Cảnh không có con. Của ông nhũn như con chi chi có làm ăn gì được đâu. ông nhắm mắt làm ngơ để vợ ngoại tình kiếm đứa con. vẫn không có. Khốn thế. May trời thương cho ông nhặt được bé gái lạc nhà, đem về nuôi từ bé đến giờ, là con bồ mày đó.
Tim Hoàng đập mạnh, linh tính báo trước có điều gì bất thường. Khi ông Cảnh nhặt được, cô bé mấy tuổi? Hoàng run run hỏi. Ba bốn tuổi gì đó tao cũng chẳng biết, con nít miền Trung bé tí, đứa nào đứa nấy đen thui, gầy đét. Nhặt được ở đâu? Hoàng gần như nghẹt thở. ở miền Trung, gần đèo Ngót đèo Nghét gì đó, tận năm bảy hai lận. Năm nào? Hoàng run lên.
Năm bảy hai. uống đi mày, gì mà mặt xanh như đít nhái thế? À không. Hoàng gắng cười. Sao anh biết rõ thế? Thì tao đi ra Hà Nội nhận khí tài với ông Cảnh mà. Vừa nhận được quyết định trợ lý kĩ thuật sư đoàn đúng một ngày ông Cảnh lôi tao ra Hà Nội liền. Nói cho biết, ra đa P12 tao là số một sư đoàn, nhận khí tài không có tao không xong.
Hoàng à vâng và ngồi im, mặt mày nhợt nhạt. Hoàng muốn hỏi một câu nữa, một câu nữa thôi, nhưng sợ... sợ sự thật bỗng đâu dội xuống đầu. Anh Khiết không để ý vẫn vui vẻ rót rót uống, uống đi mày, xong rồi tao đưa mày đi múc mấy em, bảo đảm gái sinh thái chính hiệu. Có thật anh đi cùng ông Cảnh không? Hoàng cắt ngang. Sao không, ơ cái thằng này, tao phét mày làm gì! Hoàng uống một chén, thêm một chén nữa. Phải hỏi, phải hỏi thôi.
Anh nhớ con bé nói tên mẹ nó là gì không? Tao quên mất. Hình như nó có nói tên nó, cả tên mẹ nó nữa. Anh Khiết ngửa mặt miệng lẩm bẩm cố nhớ. Bỗng đập mạnh đùi Hoàng. À, tao có ghi nhật kí. Để tao về tìm cuốn nhật kí năm bảỵ hai xem sao. Liệu có còn không? Còn! Nhưng sao mày hỏi kĩ thế? Hoàng lại à vâng và lại uống. Không hỏi, không hỏi nữa... uống, uống nữa... Nửa giờ sau Hoàng gục xuống bàn, mê man trong con say bất tử.
Ngày 28/7/1972
Theo thủ trưởng Cảnh ra Hà Nội nhận khí tài. Lần đầu được ngồi xe u Oát, sướng củ tỉ. Xe chạy suốt đêm, thằng lái giỏi, nó thức trắng vẫn rất tỉnh táo. Nó cùng tâm trạng giống mình, chỉ mong ra Hà Nội múc mấy em. Gái Hà Nội thơm ngon tinh khiết mới đúng gái sinh thái.
Thủ trưởng Cảnh nghiêm quá, đéo nói tục được chán bỏ mẹ. Nghe nói ông này yếu sinh lý, chưa đi chợ đã hết tiền, đêm nào vợ cũng cào cho rách mặt.
Ngày 29/7/1972
Tới gần đèo Ngốt bị bom, may không ai việc gì. Thủ trưởng Cảnh phát hiện một bé gái bị bom hất xuống ruộng, chỉ xây xát nhẹ. Con bé ba tuổi đi đâu lạc nhà, nó khóc đòi về. Hỏi nó con ai, ở đâu? Nó bảo mẹ nó tên Linh hay Lin gì đó, ở Xóm Cát. Đéo biết Xóm Cát ở đâu, hỏi dân quanh đấy chẳng ai biết. Thủ trưởng Cảnh cho đánh xe chở nó về huyện, huyện cũng đéo biết. Người ta chỉ biết tới xã thôi, cùng lắm là làng, làm sao biết tới xóm.
Thủ trưởng Cảnh bàn giao con bé cho huyện, họ chối đây đẩy, nói huyện sắp sơ tán không giữ được con nít. Thủ trưởng Cảnh quyết định đem con bé về Hà Nội làm con nuôi. Mai mốt hòa bình tìm được bố mẹ nó thì trả lại. Sáng kiến hay. Nhưng mà không làm cho vợ thòi con ra phải tìm con nuôi thì cũng đéo hay. Suy cho cùng đàn ông bùôi là nhất.
Tới Vinh rồi.
Ngày 2/8/1972
Dù có lên giời Hà Nội vẫn nhất. Nhà mình vẫn nhất.
Ba ngày tìm con bé học lớp mười không thấy. Sư bố nó lặn đi đâu? Ngày mình nhập ngũ nó thề thốt ghê lắm, thấy mình về là nó biến mất tăm. Tính bỏ quách cho xong nhưng mà tiếc, con này vú to.
Đang lượn vè vè tìm gái thì gặp thủ trưởng Cảnh, ông bắt theo ông lên Hà Tây ngay. Xui thế. ông kể vợ ông không thích con nuôi, lạnh nhạt với con bé. Con bé không chịu ăn uống gì cả, suốt ngày ra cổng ngồi khóc ti tỉ, đòi về nhà cho bằng được. Khổ thân thủ trưởng Cảnh.
Hoàng úp mặt vào cuốn nhật kí nhầu nhĩ rách nát của anh Khiết, nước mắt đầm đìa. Sao lại có những ngẫu nhiên khủng khiếp thế này?