Vết Sẹo Hồn Tôi

     rang giấy trắng hồn tôi đã lem rồi vết mực và trở thành dấu ấn suốt đời, dù nhiều lần tôi muốn xóa đi, nhưng không sao xóa được.
Hồi đó, trong lớp tụi bạn gọi chết tên tôi "thằng Thoại ròm”, vì hơn mười tuổi mà người tôi cứ gầy đét quắt queo, trông giống như mới lên bảy, lên tám. Đã vậy, da còn đen nhẻm-nhèm-nhem, nhiều đứa vừa thấy tôi bước vào lớp, lại kêu rống hai tiếng: "Thọai mọi”. Ban đầu tôi cũng ấm ức lắm, nhưng nghe riết rồi thành quen. Có điều, tôi không tỏ ra mặc cảm - bởi về học lực - chưa bao giờ có một bạn cùng lớp, đứng trước tôi. Liên tục năm năm Tiểu học, kết thúc niên khóa nào, phần thưởng "xuất sắc toàn khối” cũng thuộc về tôi. Tuy thích trêu chọc tôi về "sắc, vóc”, nhưng đám bạn vẫn luôn "tội nghiệp” sự đèo đẹt, đen đúa ấy của tôi. Chơi đùa, lúc nào chúng cũng tỏ ra nhường nhịn, bênh vực và che đở cho tôi. Con nít mà! "ác miệng”, chứ có bao giờ "ác ý” đâu?! Tuổi thơ tôi sẽ mãi là chuổi ngày dài êm đẹp, nếu như không có một biến cố….
Đó là buổi sáng tháng chạp, tiết trời khá lạnh; còn cuộn mình trong chăn ấm, thì bàn tay cô luồn vào vai tôi, lay lay. Giọng khẽ khàng:
- Con dậy, rửa mặt ăn sáng nhanh đi. Rồi thay quần áo, theo cô.
Thường khi, cô cũng đánh thức tôi giờ ấy. Chuẩn bị quần áo, cặp vở xong là tôi ăn sáng; sau đó cô đưa tôi đến trường. Hôm nay sao lại – thay quần áo, theo cô?
"Đi đâu”? - Tôi suy nghĩ mãi, không ra câu trả lời.
Cô tôi là một phụ nữ chân quê. Ông bà nội không giàu có, nên không để lại cho cô bác tôi của cải. Ông, bà suốt đời một nắng hai sương "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lam lũ tìm cái sống. Chuyện cơm áo, lo cho con học hành, đó là tâm nguyện của hai ông bà Tuy sinh ra và lớn lên chốn ruộng đồng, nhưng lúc còn mài đũn quần trên ghế nhà trường, tâm hồn cô tôi sớm: "treo ngược cành cây”…Nghe đâu thời tuổi trẻ, "Mối tình đầu của cô là Bài Thơ Dang Dỡ”. Người Bộ đội nằm lại cánh rừng ở miền tây Campuchia năm ấy, đã mang theo tuổi thanh xuân và cả trời mơ mộng của cô tôi đi vào cõi vĩnh hằng. Như bóng nắng qua thềm, khép lại những ngày vui nông nổi, cộng thêm chút kỹ lưỡng, thừa hưởng từ bà nội. ….cô thích thu mình trong mọi mối quan hệ. Lần đó, cô đưa tôi đi thi Học sinh giỏi vòng huyện về, thoáng thấy chú Tâm công tác ngành Nông nghiệp, từ ngõ nhà chạy ra, cô cố tình chạy chậm chờ chú qua khỏi.
Trong bửa cơm, bà nội nói gần, nói xa rồi khen:
- Thằng Tâm, nó cũng được người, hiền hậu, lại có công việc làm ổn định, ba năm rồi nó thật lòng đeo đuổi, con còn suy nghĩ gì nữa?
Cô tôi vừa và cơm, vừa nói tỉnh rụi:
- Con có suy nghĩ gì đâu? Tại anh Tâm tự tạo cái cực cho mình. Má cũng đừng bận lòng. Con rất sợ: rồi sẽ làm khổ cho ai đó… khi cuộc đời con bị ràng buộc. Hạnh phúc nhất với con bây giờ là được gần gũi má và chăm sóc cho bé Thoại.
Hồi mấy tháng trước hễ chủ nhật hoặc ngày nghỉ, cô thường đưa tôi đi đây đó: Khi thì viếng chùa Vĩnh Tràng, khi tham quan trại rắn Đồng Tâm, lúc sang Cồn Phụng thăm cơ ngơi ông Đạo Dừa. Xa hơn nữa, cô chở xuống Tân Thành cho tôi tắm biển, bắt nghêu - chiều trở về mặt mày tôi đỏ au vì nắng gió; còn hành trang của cô sẽ thêm vài câu thơ, để quyển "nhật ký” ngày một dày. Hôm nào không mục đích, hai cô cháu vào thành phố ăn điểm tâm, loanh quanh đâu đó, rồi ra công viên Lạc Hồng ngồi dưới tán cây si già, hóng mát. Tôi vừa ăn kem, vừa chiêm ngưỡng tượng đài Thủ khoa Huân – và thích thú đến say mê, khi nghe cô kể bao chuyện về giòng Bảo Định. Cho đến bây giờ, kí ức tôi vẫn nhớ vẹn nguyên câu cô nói: " Con biết không - cũng trên giòng sông này - giặc Pháp đã đưa người anh hùng dân tộc về chính quê nhà – Mỹ Tịnh An, để xử trảm….”. Cô sớm phả vào tâm trí thơ trẻ của tôi những bài tình ca thắm thiết về Quê Hương, những trang sử liệt oanh và hào hùng của dân tộc Việt…
….Nhưng đó là chuyện của nửa năm về trước, ở những ngày lễ hoặc chủ nhật. Còn sáng nay mới thứ tư!? Gần đây không khí gia đình lại ngột ngạt - mặc dù rất cưng yêu tôi, nhưng cô vẫn không còn thời gian để chiểu theo ý thích của tôi được nữa….
"Hay là bửa nay cô phá lệ, để hai cô cháu được xả hơi”? Nghĩ thế, tôi liền hỏi:
- Mình sẽ đi đâu hở cô?
- Vô tòa án.
Giọng cô khô cong như mặt ruộng tháng tư, khiến lòng tôi chùng lại.
"Vô tòa án” ư? để làm gì?!
Tôi thoáng rùng mình. Trong đầu, hiện lên một ngôi nhà to, màu vàng sậm trang nghiêm, nằm trên con đường có hàng me xanh lá.. "Tòa án” – năm trước, cô đưa tôi đến một lần, để xem phiên xử. Phạm nhân là kẻ giết người, cướp của…. Tôi chỉ nhớ khi tòa tuyên án xong, cử tọa vỗ tay cổ vũ rào rào. Cô tôi là một trong số những người nhiệt tình đó. Trên đường về - ngồi sau xe - tôi thắc mắc:
- Tại sao tòa tuyên án xử người ta chết, mà cô và mọi người vỗ tay hoan nghênh?
Cô chẫm rãi giải thích:
- Mạng sống con người rất quý con ạ! Cô không vui khi biết có một ai đó sắp từ giã cõi đời. Cô và mọi người cổ vũ, là ca ngợi sự nghiêm minh của luật pháp. Kẻ ấy đã gian manh, âm mưu giết người một cách tàn nhẫn, nếu tòa không xử như vậy, mai này hậu quả sẽ tồi tệ hơn. Xử đúng người đúng tội, chứng tỏ luật pháp nghiêm minh, đó con!
Tôi lại vẫn vơ nghĩ – hôm nay, lần nữa cô dẫn tôi đến tòa án, hẳn là phải có phiên đặc biệt? nên thích thú, hỏi:
- Vậy phiên tòa này xử án gì hở cô?
Cô không trả lời, vẫn lặng lẽ lia chổi quét nhà. Tôi thấy tấm lưng thon thả mọi ngày của cô như oằn theo từng nhát chổi đưa.
Vừa nhai khúc bánh mì kẹp trứng, món ăn tôi thích mà sáng nào cô cũng dành phần, tôi nghĩ ngợi mông lung….Có phải vì tối qua mẹ mắng oan tôi, cô đã góp ý, nên mẹ và cô xích mích. Sáng nay để bù lại, cô cho tôi nghỉ học và đưa đi xem tòa xử chăng?
Tôi đã ở hẳn với cô từ năm lên bốn, lúc ba tôi bắt đầu đi làm ăn xa. Tuy ra riêng, nhưng nhà cô tôi sát nhà bà nội (bà nội đang sống chung với ba mẹ), cô thương và chăm sóc tôi như con đẻ, nhất là cô dốc tâm lo chuyện học hành, dạy dỗ cho tôi từng li từng tí….. Cô thường khuyên "con phải cố gắng học thật giỏi, để sau này vào đời đỡ vất vã…”. Suốt năm năm Tiểu học, tôi luôn đứng đầu lớp, chưa bao giờ cô cho tôi bỏ học một ngày, ngoại trừ bệnh hoạn đột xuất.
Tôi được mệnh danh: " một cây thuộc bài”. Chỉ cần đọc qua, nắm ý, tôi nhớ ngay. Vậy mà tối qua, bài Lịch sử chưa quá tám câu, tôi "nhơi” hơn nửa tiếng, đến ngủ gục cũng không sao thuộc được. Vì vậy sáng nay nghe cô bảo nghỉ, lòng tôi khấp khởi mừng thầm.
Cô dừng xe dưới tán me bên đường.
Vẫn ngôi nhà to, màu vàng sậm nghiêm trang ấy, trước sân lác đác vài người qua lại. Cô gửi xe, tôi nôn nao hình dung phiên tòa sắp tới, có lẽ rất quan trọng. Nếu không, cô đâu bỏ cả việc nhà, cất công đưa tôi đi trong một ngày không phải ‘chủ nhật’ hay ‘lễ’ như vậy?!
Nhưng kia! Sao vẻ mặt cô bần thần và tối sầm, khác hẳn với lần đi trước? Cảm giác nôn nao chờ đợi trong tôi bây giờ xen lẫn nỗi bồn chồn lo lắng, không hiểu có phải vì hôm nay lần đầu tôi bỏ hoc mà không lý do?
Chẳng kịp để tôi nghĩ ngợi mông lung, cô đến dắt tay tôi, gương mặt buồn sắt lại: " Mình vô đi con!”
Theo bên cô, tôi rụt rè đặt từng bước chân nặng nề vào một căn phòng rộng lớn. Vẫn căn phòng màu vàng sậm, với những dãy bàn ghế nghiêm lạnh.
Nhưng kìa! Tôi chợt khựng lại, khi gặp đủ ba, mẹ tôi và cả em Ngọc nữa. Tôi ngạc nhiên – tại sao ở hai hàng ghế đầu - ba mẹ, hai người ngồi hai phía, chẳng chung nhau như ngày xưa khi tôi còn nhỏ xíu, ba thường đưa mẹ với tôi đi chơi?
Mẹ bế em Ngọc mà mắt đỏ hoe. Hình như mẹ tôi đang khóc? Sao sáng nay mẹ tôi hốc hác, tiều tụy đến vậy? Còn ba ngồi trầm tư lặng lẽ, đôi mắt đăm chiêu, cứ rít thuốc liên tục, môi mím chặt như suy nghĩ điều gì ghê gớm lắm. Trông khuôn mặt ba khó đăm đăm, điều này xưa nay tôi ít gặp nơi ba. Thoáng thấy tôi và cô, giọng ba uất nghẹn:
- Trời! Chị dẫn thằng nhỏ vô đây làm gì?
Cô tôi im lặng, nhìn ba một giây, rồi kéo tay tôi xuống hàng ghế sau cùng. Tôi muốn hỏi -vì sao hôm nay cả nhà mình đều có mặt ở đây? Nhưng nhác thấy khuôn mặt u -uất của cô, tôi đành thu mình ngồi yên lặng.
Một hồi chuông dài báo hiệu đến giờ làm việc. Tôi ngước nhìn lên thấy những vị mà trước kia cô tôi giải thích: là thẩm phán, là công tố viên, là hội thẩm đoàn….Tự nhiên cái nôn nao ở giây phút đầu bây giờ không còn trong tôi nữa, tôi lo sợ và linh cảm phiên tòa này có liên quan đến ba mẹ tôi.
Thật vậy, linh cảm ấy không đánh lừa tôi. Mặc dù chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn muốn rũ người gục xuống khi thấy ba, mẹ lần lượt lên đứng trước vành móng ngựa. Ba tôi thì nói, nói nhiều lắm. Bình thường ở nhà mẹ vốn lắm lời hơn ba. Mỗi khi mẹ giận, la lớn… là ba lẳng lặng dắt xe ra đi, bà nội ở nhà gạt nước mắt khóc thầm. Thế sao hôm nay, mẹ chỉ đứng gục đầu nức nở? còn ba, sao không năn nỉ như mọi khi mẹ đã khóc? Và tại sao ba bảo bé Ngọc không phải là con của ba, mà là con của chú Vũ???
Tôi ôm đầu đau đớn, tự hỏi - có phải vì những tháng ngày đi làm lụng nơi xa - nỗi vất vã đã khiến ba tôi đổi tánh? Nhưng không! nhất định không. Không phải thế! Chính giây phút này, hình như tôi lờ mờ…. hiểu ra tất cả.
…. Phải rồi, chú Vũ là cán bộ đo đạc ở tỉnh, được cử về xã công tác 6 tháng. Chú Vũ lịch sự, đẹp trai và trẻ hơn ba. Chú thường đến quán mẹ tôi uống nước và nói chuyện với mẹ đến khuya lơ, khuya lắc. Nghe đâu, quê chú ở tận miền Trung, mỗi năm chú chỉ về quê vào dịp lễ Tết. Mẹ nói vợ chú Vũ đã qua đời vì một căn bệnh nan y….. Sau khi hoàn thành công việc, đoàn cán bộ trở về tỉnh, chú Vũ vẫn năng trở xuống thăm mẹ. Có khi chú chở mẹ đi đâu, suốt tối không về. Quán đành đóng cửa.
Đến bây giờ tôi đã hiểu: vì sao gia đình tôi trước kia rất yên ấm hòa thuận, mà kể từ khi chú Vũ xuất hiện trong nhà thì mẹ hay cãi vã với bà nội và cô. Tôi đã hiểu vì sao - mỗi khi chú Vũ đến quán – bà nội hay sang bên nhà cô, hai người nói gì đó, rồi bà tôi lắc đầu thở dài thườn thượt. Và tôi nhớ rất rõ, trong một chuyến ba về thăm gia đình (sau cái đêm chú Vũ ngủ lại nhà tôi), không hiểu lí do gì, đang ngồi học bài ở nhà cô, tôi nghe ba mẹ cãi nhau ghê lắm. Tiếp theo là tiếng đồ đạc vỡ. Rồi ba tôi xách xe đi… Sáng hôm sau mẹ tôi to tiếng với bà nội, bà phải sang nhà cô tôi ngồi khóc. Bà khóc rất nhiều, khóc y như lần bà được tin chú Út hi sinh ở chiến trường nước bạn vậy…
Dòng kí ức đang chảy miên man, bỗng tôi giật bắn người, khi từ bàn thẩm phán có tiếng gọi tên tôi dõng dạc. Một chú cao cao, đến dắt tay tôi lên trước mặt mọi người. Bác lớn tuổi giọng nghiêm, tuyên bố:
- Tòa đã nghị án li hôn giữa hai đương sự xong, bây giờ cháu Nguyễn Trần Minh Thoại được toàn quyền yêu cầu, cháu muốn sống với ai? Cha hay mẹ?
Tôi giống như thân cây sắp đổ gục trong cơn mưa bão, mà sự thật: gia đình tôi đang có cơn bão lớn. Bây giờ tôi đã hiểu điều hệ trọng và đau đớn nhất đời tôi đã xảy ra. Thế là hết. Ba mẹ ơi! Đã từ lâu, dù rằng con sống với cô, dù rằng con thiếu bàn tay chăm sóc của ba mẹ; nhưng trong con bao giờ cũng còn niềm kiêu hãnh với bạn bè - mình có đủ cha lẫn mẹ… Còn bây giờ con sẽ mất một trong hai. Con biết chọn ai đây.?
Kìm lòng không đươc, tôi bật chạy về chỗ cũ, úp mặt vào lòng cô tôi …
Phiên tòa kết thúc. Tôi lủi thủi lê từng bước nặng nề bên cô. Ra đến cổng, cô đi lấy xe. Cái nắng ban trưa gay gắt đổ xuống đầu, tôi đứng nép mình bên cánh cổng, vô tình thấy chú Vũ đã đợi ở đó tự bao giờ. Ngần ngừ một chút như e ngại, mẹ tôi bế em Ngọc, đảo mắt nhìn quanh, rồi vội vàng ngồi lên yên sau. Mẹ không thèm ngó tôi, dù một thoáng. Tôi thấy nhói lòng. Nhớ mấy năm trước, tôi đã vào lớp Một, nhưng vẫn thường được mẹ bế bồng, nựng nịu. Mỗi lần như vậy, tôi hay nép đầu vào ngực mẹ để nghe mùi thơm quen thuộc từ người mẹ, để nghe sau làn áo mỏng, trái tim mẹ đang đập những nhịp yêu thương….Còn bây giờ, sao mẹ lạnh lùng với đứa con trai của mình đến vậy?! Tôi bàng hoàng, thét to:
- Me….ẹ…!
Nhưng chiếc "Đờ-Rim” do chú Vũ lái đã nhẹ lướt trên con đường láng nhựa, rợp lá me rơi… rồi mất hút, bỏ lại trước mặt tôi khoảng trống vô hình. Tôi hụt hẫng, chới với như người từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu…
Cô không đưa tôi về nhà, mà chở vòng vèo qua các phố, cô hỏi:
- Con đói chưa?
Tôi nghe miệng mình đắng chát, nên trả lời:
- Dạ, con không thấy đói.
- Con có mệt không?
Tôi lắc đầu, hỏi lại:
- Cô đi đâu vậy?
- Cô muốn chạy vài vòng rồi đưa con ra công viên hóng mát một lát cho thư giãn, con nha.
Mặc dù trong lòng không một chút hứng thú như mọi khi, nhưng tôi vẫn yên lặng.
Hai cô cháu về tới nhà, trời đã xế bóng.
Trước bậc thềm, bà nội ngồi ủ rủ, đưa đôi mắt lạc thần dõi ra đường.
Hai cô cháu vừa ngừng xe, nước mắt lưng tròng, bà nói giọng uất nghẹn:
- Mẹ con đã đi rồi Thoại ơi!
Tôi vội tụt khỏi xe cô, chạy ù vào nhà. Trước mắt tôi, chuyện xảy ra…
không thể hình dung được…..
Căn buồng ấm cúng của ba mẹ tôi từ lâu, nay hoàn toàn trống trải, vắng bóng. Tấm rèm hoa luôn rũ hờ bên cửa sổ trông nên thơ ngày nào, nay không còn nữa, để lộ khung sắt trơ trẻn nhìn ra bầu trời lồng lộng đến sắt se. Trên chiếc giường lớn, tấm nệm Kim Đan mẹ mới mua hồi tháng trước đã được cuốn đi rồi, thế vào đó chiếc chiếu hụt đầu hụt đuôi, trải xộc xệch.
Tôi cảm thấy thắt lòng khi nhìn ba nằm trên đó, chân trên giường, chân dưới đất. Ba tôi chưa kịp tháo giày, thay quần áo, đầu nằm chẳng gối chăn. Trong giấc ngủ nặng nề, miệng ba lẩm bẩm điều gì, nghe không rõ. Tôi đến gần, hơi thở của ba sặc nồng mùi rượu.
Vừa tháo giày cho Ba, tôi lầu bầu trách móc:
- Từ xưa, ba đã từng lên án rượu kia mà.
Bà và cô tôi bước vào.
Bà nhẹ nhàng kê gối, đắp chăn và lấy khăn ướt lau mặt cho ba.
Cô dắt tôi ra ngoài., nói trong tiếng thở dài:
- Thật khổ thân bà nội con. Tuổi già chừng đó, vẫn chưa được vui bề con cháu.
Dù rất thương mẹ, rất nhớ em Ngọc, nhưng tôi không khỏi bực bội về hành động của mẹ, nên bằng giọng cáu gắt, tôi hỏi cô:
- Tại sao mẹ đã có ba, có con rồi mà không ở nhà, lại bỏ đi theo chú Vũ. hở cô?
Cô tôi cắn môi đến rướm máu, im lặng một lúc, mới bật ra thành tiếng:
- Tại ba con thường đi làm xa, ít ở nhà.
- Chớ sao ông nội chết đã lâu - ba kể lại - bà nội vẫn sống làm lụng vất vã: nuôi cô, nuôi ba con và chú Út ăn học, mà bà có đi theo ai đâu, trong khi mẹ con rất sung sướng? Nhà mình thật sự tan vỡ rồi phải không cô?
- Trời ơi, tội nghiệp cháu tôi!
Cô nấc lên, gục mặt vào tóc tôi, hai vai run run. Mấy giây sau, giọng cô sũng nước:.
- Thôi, con ráng học đi. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, con nha.

*

Vâng lời cô, tôi cố gắng hết mình.
Mười hai năm trôi qua kể từ ngày ba mẹ chia tay, tóc cô tôi giờ chớm bạc. Cô chắt chiu nhựa sống đời mình để lo manh quần tấm áo, cả cái ăn… cho tôi yên tâm học tập. Hơn bốn năm nơi giảng đường Đại Học, nhu cầu tiền bạc ngày càng cao, cô tôi cố bòn nhặt từ mảnh ruộng cằn khô, từ những bài viết còm cỏi của mình để gởi cho tôi, cô không muốn tôi đi làm thêm, phải toàn tâm trong chuyện học hành. Có lần tôi đã quay mặt, giấu giòng nước mắt khi thấy cô - lột đôi bông vàng của bà nội cho, đem bán, cầm tiền đưa tôi để làm đồ án tốt nghiệp. Ngày nhận bằng, biết tôi tốt nghiệp loại Giỏi, cô ra tận cổng đón tôi. Hai cô cháu ôm nhau, niềm vui vỡ òa, cũng là lúc chú Tâm chở vợ con đi ăn giỗ quê ngoại trở về. Họ chào, cô tôi cũng mĩm cười chào lại… Tôi thoáng thấy trên gương mặt bừng sáng của cô, chợt có áng mây buồn lặn sâu trong đáy mắt. Tôi thầm nghĩ: có lẽ cô chạnh lòng trước hạnh phúc của chú Tâm, mà đúng ra – cô là người được hưởng?!
Mười hai năm trôi qua, cây nhiều lần thay lá, bà nội tôi đã qua đời, ba tôi mấy năm trước lại đi thêm bước nữa. Ba tôi và cô Hảo có chung hai con – một trai, một gái. Chúng rất ngoan, mỗi lần tôi đi học xa về, cô Hảo và chúng luôn gần gũi, dành cho tôi những tình cảm ấm nóng, ruột rà…..
Mặc dù tôi vẫn thương ba, kính trọng cô Hảo và quí mến hai em…., nhưng giữa lòng tôi mãi mãi có một vết cứa, không sao lành miệng được. Đó là mẹ tôi, từ sau phiên tòa năm ấy…. không một lần trở lại mái nhà xưa!!! Nhiều khi nhớ mẹ đến cháy lòng, tôi chỉ biết vùi đầu vào sách vở.
Trong tôi nhiều lần nảy lên ý định "đi tìm mẹ và em Ngọc”, nhưng khả năng đứa học trò sống bằng sự bảo bọc của cô, tôi chưa thực hiện được điều mơ ước đó. Tôi chẳng dám mong ước xa xôi, là ba mẹ sẽ cùng về sống chung nhau, để tôi được tắm đẫm trong không khí hạnh phúc, yêu thương như thuở nào….. Lòng tôi chỉ canh cánh – muốn biết tin về mẹ và em Ngọc.
Hồi tôi chuẩn bị thi Tốt nghiệp Phổ thông, có người quen ghé nhà, kể lại với cô rằng - Lúc đi buôn chuyến đường xa, tình cờ gặp mẹ tôi và biết được chú Vũ đã bỏ rơi mẹ để theo một phụ nữ khác. Họ dắt díu nhau về quê cũ miền Trung. Còn mẹ tôi tiếp tục lập gia đình cùng người đàn ông gốc Khơme, hai người đã đưa nhau sang Nam-Vang làm ăn. Tôi không nghe người ta nhắc đến em Ngọc. Tôi chẳng hiểu em bây giờ ra sao? Ba mẹ chia tay nhau ngày ấy, tôi còn được người cô hết lòng thương yêu, đùm bọc và tận tình chăm sóc dạy bảo. Em Ngọc của tôi nhỏ nhoi như chiếc lá, liệu hồi mẹ còn ở bên chú Vũ, có ai để ý chăm lo cho em không? Liệu giờ đây mẹ tôi về sống chung cùng ai đó…em Ngọc có yên ấm hạnh phúc không? hay em lại sớm lăn vào đời tìm miếng sống? Thường đọc báo, thấy những mảnh đời đen tối của trẻ thơ khi cha mẹ bỏ nhau…., tôi thầm cầu mong em Ngọc của tôi đừng rơi vào hoàn cảnh không may ấy!
Nhớ buổi chiều học kì 2, năm thứ nhất…Lúc tan trường, đang lang thang định về kí túc xá, tôi chợt sững sờ, người run bắn… Đi phía trước, cách tôi vài mươi bước, một phụ nữ giống tạc mẹ tôi, tay dắt bé gái độ chín mười tuổi. Trống ngực tôi đánh liên hồi – không lẽ mẹ dẫn em Ngọc đi tìm tôi giữa đất SàiGòn? Vẫn cái dáng thon thả, vẫn mái tóc cắt cao để lộ chiếc cổ trăng ngần… nhất định là mẹ tôi, chứ không ai khác. Lồng ngực muốn vỡ tung khi ngĩ đến niềm vui được gặp mẹ, tôi bật chạy nhanh theo. Muốn làm cho mẹ và em bất ngờ, tôi chạy vọt lên trước một khoảng, rồi quay lại, định gọi to tiếng "Me…ẹ..”, nhưng người phụ nữ kia đã dẫn đứa bé tạt vào lề, nhường đường cho tôi… Tôi dừng lại, thở hào hển và đôi chân muốn khuỵu xuống, bởi trước mắt tôi là người phụ nữ vô cùng xa lạ. Giữa lòng tôi như một triền sông bị sạt lỡ trôi tuột, cuốn phăng tất cả…. Hai tay bưng lấy mặt, tôi muốn khóc thật to trong nỗi cay đắng tột cùng….
Sau khi tốt nghiệp Đại Học, dành thời gian hơn nửa tháng, tôi xin phép cô lên đường tìm mẹ và em gái, nhưng duyên may chưa đến, thì tôi nhận quyết định đi làm. Tôi cũng gửi thông tin đầy đủ về mục "Như chưa bao giờ có cuộc chia li” của Đài Truyền hình, mà gần nửa năm rồi vẫn chưa nhận tin phản hồi… Trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng: một ngày thật gần, tôi sẽ tìm được mẹ và em tôi, miễn là mẹ và em còn sống trên cõi đời này.

*

Chiều nay ba mươi Tết.
Vì đặc thù công việc, chắc Ba tôi cũng sẽ về muộn. Có năm, mãi gần đón giao thừa, tiếng xe của Ba mới dừng trước cổng trong niềm vui òa vỡ của mọi người.
Tôi cắt mấy cành mai vàng cắm bên di ảnh ông, bà nội và chú Út. Nhìn mâm cơm cuối năm.trên bàn thờ nghi ngút khói hương, thấy cô tôi lặng lẽ lâm râm khấn vái…. Tôi nhớ vô cùng, nhớ đến quăt quay không khí ấm cúng của gia đình vào những ngày Tết, khi tôi còn thơ bé…Cũng chiều nay tôi được súng sính trong bộ quần áo mới, quanh tôi có bà nội, có cô và cả ba mẹ, ai cũng dành cho tôi những bao lì xì nho nhỏ. Ngôi nhà tôi tràn ngập tiếng cười. Niềm hạnh phúc lan tỏa như nắng mùa Xuân chan hòa cùng vạn vật…Tôi thầm nhủ: giá như….
Hai đứa em - con cô Hảo và ba tôi - mặc dù đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng ngoài việc học, chúng cũng biết phụ giúp mẹ lo toan việc nhà. Nhìn chúng ríu rít như chim bên cô Hảo, đang bày chuyện nấu nướng…tôi nghe cổ họng mình nghẹn đắng…
Tôi tự hỏi: không hiểu trong cuộc sống li hương - chiều nay, mẹ tôi có thắp nhang đón Tết? Và em Ngọc của tôi, nơi nào đó có đón mùa Xuân an lành với tuổi hồn nhiên của mình???
PHAN NGỌC HẢI