Ba Tôi

    
 ếu là Họa sĩ, tôi sẽ khắc họa chân dung Ba tôi một cách hoàn chỉnh cho riêng mình. Nếu là Nhà văn, tôi sẽ gửi gấm vào từng trang sách, hình bóng ba tôi lung linh như một tấm gương soi, để anh em tôi mỗi khi nhìn vào đó mà sống tốt hơn… Tiếc thay, tôi chỉ là người bình thường, nên chắt chiu từng dòng chữ từ sâu thẳm trái tim mình – như một nén hương lòng dâng lên Ba trong những phút giây … buồn, nhớ!
Như câu ví từ nghìn xưa, Ba tôi giống "cây trụ” vững chải chống đỡ cho mái ấm gia đình vượt qua bao cơn sóng gió… và trở về tháng ngày bình yên viên mãn.
Nghe kể lại: Ông Ngoại không có con trai, nên Ngoại xin Nội cho ba tôi về ở rể quê vợ; nhưng không vì thế mà Ba cam phận " Chó nằm gầm chạn”. Trong ba người con rể của Ngoại, Ba tôi là rể út, được ông Ngoại tin tưởng và yêu thương như con đẻ, bởi tính Ba ngay thẳng và tháo vác. Chuyện trong ngoài "tay hòm chìa khóa” Ngoại giao tất cho Ba nắm giữ.
Tuy ở rể xa quê, chẳng vì thế mà Ba xao nhản nhiệm vụ người trai trưởng đối với gia đình bên Nội trong những dịp lễ tết hay giỗ chạp; nhất là những lúc ông Nội đau ốm … luôn có Ba cận kề.
Thế mà khi ông Ngoại vừa nhắm mắt, lo lễ tang xong, Ba họp các Dì Dượng, rồi trao chìa khóa và bàn giao lại tất cả giấy tờ tài sản. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Ba điềm tĩnh giải thích rằng sỡ dĩ xưa nay Ba làm như vậy là để đẹp lòng ông Ngoại và vui lòng Má tôi.
Ba dẫn má và anh trai rời ngôi nhà ông Ngoại với chiếc xe và đôi bò tự tạo. Thấy thế, bên Nội lại gọi Ba về chia đất và và giao phần hương hỏa cho con trai trưởng, nhưng Ba không nhận vì cho rằng mình bấy lâu đã đi làm rể xứ xa.
Thương má, Ba vẫn nhận Hòa Đồng làm quê hương thứ hai, mặc dù Bình Phục Nhứt là nơi Ba sinh trưởng. Từ đó với chiếc xe bò, Ba má cật lực làm lụng, lần lượt tôi và em trai ra đời. Dù không giàu có bằng người, nhưng ba anh em tôi vẫn sống trong ngôi nhà khang trang ấm áp tiếng cười. Má tôi vốn ốm yếu, mọi công việc gia đình đều đỗ lên đôi vai của Ba. Má tôi luôn kính nể Ba, chuyện nhỏ lớn nhỏ trong nhà … Ba dành phần đỡ đần gánh vác, vậy mà chưa bao giờ Ba to tiếng với Má!
Hình như sự hy sinh của Ba chưa thấu nổi lòng trời – vào một đêm mưa gió tháng mười, Má tôi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay bất lực và đôi mắt thẩn thờ hoang dại của Ba. Suốt đời, không bao giờ tôi quên được ánh mắt lạc thần và tuyệt vọng của Ba tôi giây phút ấy.
Ba tôi suy sụp hẳn một thời gian, nhiều khi đang đêm, chợt giật mình thức giấc, tôi thấy Ba vẫn ngồi một mình ũ rũ, đôi mắt hoang hoãi không rời di ảnh của Má. Tôi biết trong lòng Ba đang đầy giông bão, Ba tôi gầy đi trông thấy.
Buổi chiều, sau một ngày lao động vất vã trở về - Ba ra vườn tình cờ nhìn em trai tôi (Phan Minh Hùng) ngủ ngon bên thềm mộ má, bên cạnh còn lưng tô cơm…. Ba tôi ôm em vào lòng khóc nức nở! Cả đời tôi ghi khắc mãi những giọt nước mắt của Ba, những giọt nước mắt của người đàn ông – nó xa xót vô cùng! Những giọt nước mắt đã nhuộm đắng tuổi thơ tôi trong nhiều năm.
Từ đó, trách nhiệm người cha … tạo nên nghị lực phi thường trong Ba tôi. Ba quên hẳn niềm riêng, chỉ dốc tâm làm lụng không quản nhọc nhn để lo cho các con khôn lớn từng ngày.
Với tuổi năm mươi, khỏe mạnh và cường tráng – Ba tôi cũng có nhiều góa phụ muốn được "nâng khăn sửa túi”, nhưng Má tôi ra đi đã để lại trong Ba một khoảng trống về tình cảm quá lớn … không gì bù đắp nỗi. Đôi ba lần, Ba tôi cũng khảng khái trả lời với Cô, Bác tôi "không muốn cho ba đứa con phải chịu cảnh Mẹ ghẻ con chồng” … khi các Cô Bác có ý làm mai mối.
Từ hai bàn tay trắng chắt chiu, Ba đã nuôi các con "cơm no áo lành” và ăn học đến nơi đến chốn. Ba nằm xuống, đã để cho ba anh em chúng tôi – tuy không giàu có - nhưng ruộng nương, đất đai và tài sản … chúng tôi không phải hổ thẹn với bất cứ một người Cha nào trên thế gian này.
Trong giòng họ thường bảo – Tôilà con gái, yêu thơ văn và đôi chút lãng mạn, là "gien” di truyền của bà Ngoại và Má! (Bà Ngoại ru tôi bằng những câu hò điệu lí, thường kể tôi nghe những tích xưa chuyện cũ. Má tôi thuộc Ca dao và Kiều … hơn cả chính tôi). Còn cái tính ngang bướng, nhất là trước những khó khăn … quyết san bằng, chứ không chịu nhụt chí – đó là thừa hưởng từ tính cách của Ba tôi?!
Dù là một nông dân chân đất, không học hàm học vị … nhưng Ba là biểu tượng rất sáng đẹp trong tâm hồn ba anh em chúng tôi. Kế thừa những gì đã có, chúng tôi luôn cố gìn giữ để cho hai cháu Hiếu Hiển và những thế hệ sau này. Mỗi khi nhìn lại, chúng sẽ tự hào về người Ông, cũng như ba anh em tôi luôn tự hào về Ba tôi vậy!
PHAN NGỌC HẢI
Đêm quê nhà – nhớ Ba!
23:00 – 23/12/2013