CHƯƠNG 5
NGƯỜI NEFILIM: DÂN TỘC VỚI NHỮNG QUẢ TÊN LỬA

    
ua các ghi chép của người Sumer và Akkad, ta có thể khẳng định những dân tộc sinh sống ở vùng Cận Đông cổ đại đều chắc chắn rằng các vị thần của Thiên đường và Mặt đất có thể bay từ Mặt đất lên Thiên đường cũng như tùy ý dạo chơi trên Mặt đất.
Trong bản ghi chép mô tả việc Inanna/Ishtar bị một nhân vật không xác định cưỡng hiếp, hắn ta phân trần cho việc làm của mình như sau:
Một ngày nọ Nữ hoàng của ta,
Sau khi băng qua Thiên đường, băng qua Mặt đất
Inanna,
Sau khi băng qua Thiên đường, băng qua Mặt đất
Sau khi băng qua Elam và Shubur,
Sau khi băng qua…
Tên tá dịch mệt lử và thiếp đi.
Ta nhìn thấy nàng từ bờ vườn nhà ta;
Hôn nàng, hòa vào nàng.
Ở đây Inanna được mô tả đang lang thang trên bầu trời trên khắp các vùng đất xa xôi - việc chỉ có thể thực hiện được bằng hành động bay - và chính nàng cũng kể về một dịp “cưỡi mây về gió” khác. Trong một ghi chép mà S. Langdon (trong Revue d’Assyriologie et d’Archéologie Orientale – tạm dịch: Tạp chí Atxiri và Khảo cổ học phương Đông) đặt tựa đề là “Nghi thức tế lễ Innini cổ điển,” nữ thần này kêu than về việc bị trục xuất khỏi thành phố của mình. Theo chỉ đạo của Enlil, một thiên sứ “mang đến cho ta ý chỉ của Thiên đường” bước vào Cung điện của nàng, “bàn tay chưa tẩy rửa của người đó đặt lên người ta,” và sau nhiều hành vi sỉ nhục khác,
Từ đền thờ của ta,
Họ đưa ta bay lên;
Từ thành trì của mình, một Nữ hoàng như ta,
được họ đưa bay lên như một con chim.
Năng lực này của Inanna cũng như nhiều vị thần lớn khác thường được các họa sỹ thời cổ đại thể hiện bằng cách khắc họa hình ảnh các vị thần giống như con người theo mọi góc độ như ta đã thấy ngoại trừ việc họ có cánh. Những chiếc cánh xuất hiện trong nhiều bức họa này không phải là một bộ phận của cơ thể – chúng không phải là những chiếc cánh tự nhiên – mà là một vật trang trí gắn vào trang phục của vị thần. (Hình 58)
Inanna/Ishtar, nữ thần với những chuyến du ngoạn xa xôi được nhắc đến trong nhiều ghi chép cổ đại, thường xuyên ngược xuôi giữa lãnh địa xa xôi đầu tiên ở Aratta và cung điện mơ ước của mình ở Uruk. Nàng tới gặp Enki ở Eridu và Enlil ở Nippur và ghé thăm người anh trai Utu tại tổng hành dinh ở Sippar. Nhưng chuyến đi nổi tiếng nhất của nàng là xuống Âm Phủ, lãnh địa của người chị Ereshkigal. Chuyến đi này là chủ đề của những câu chuyện sử thi cùng các bức họa đầy nghệ thuật trên những con dấu lăn − hình con dấu sau thể hiện nữ thần này với những chiếc cánh nhằm nhấn mạnh thực tế rằng nàng đã bay từ Sumer tới Âm Phủ. (Hình 58)

Hình 58
Những ghi chép về chuyến hành trình đầy hiểm nguy này mô tả việc Inanna tự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình 7 đồ vật trước khi bắt đầu chuyến đi và việc nàng phải bỏ chúng lại khi qua 7 cánh cổng dẫn tới cung điện của chị mình. 7 đồ vật đó cũng được đề cập đến trong những ghi chép khác kể về các chuyến không trình của Inanna:
  1. SHU.GAR.RA mà nàng đội lên đầu.
  2. “Hoa tai đo đạc” gắn vào tai.
  3. Những chuỗi đá xanh nhỏ đeo quanh cổ.
  4. Cặp “đá” trên 2 vai.
  5. Một ống hình trụ bằng vàng nắm trong tay.
  6. Những dải đai gài trên ngực.
  7. Bộ trang phục PALA nàng mặc trên người.
Tuy đến nay vẫn chưa ai có thể lý giải được bản chất và tầm quan trọng của 7 đồ vật đó nhưng chúng tôi cảm thấy câu trả lời đã có từ lâu. Từ năm 1903 đến 1914, khi tiến hành khai quật kinh đô Assur của Assyria, Walter Andrae và các cộng sự của mình đã tìm thấy trong Đền thờ Ishtar một bức tượng không còn nguyên vẹn thể hiện một vị nữ thần với nhiều “thiết bị kỳ lạ” gắn trên ngực và sau lưng. Năm 1934, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật ở Mari cũng bắt gặp một bức tượng tương tự nhưng còn nguyên vẹn bị chôn vùi dưới mặt đất. Đó là một bức tượng nguyên mẫu một người phụ nữ đẹp có kích thước như người thật. Chiếc mũ kỳ lạ của nàng có gắn một cặp sừng, chứng tỏ nàng là một nữ thần. Đứng quanh bức tượng 4.000 năm tuổi này, các nhà khảo cổ rùng mình trước vẻ sống động như thật của nàng (nếu nhìn thoáng qua, ít ai có thể phân biệt được đâu là bức tượng đâu là người thật). Họ đặt tên cho nàng là Nữ thần trong chiếc bình, bởi nàng được đặt trong một vật hình trụ. (Hình 60)
Không giống như các bức họa chạm khắc hay hình đắp nổi, bức tượng 3 chiều theo kích thước thật này của vị nữ thần tiết lộ nhiều đặc điểm thú vị về trang phục của nàng. Thứ nàng đội trên đầu không phải là một chiếc mũ của phụ nữ mà là một chiếc mũ bảo hộ đặc biệt; thò ra từ 2 bên của chiếc mũ đó và trùm khít lên tai là 2 đồ vật trông giống như tai nghe của phi công. Quanh cổ và trên ngực nàng là một chiếc vòng cổ gồm nhiều viên đá nhỏ (chắc hẳn là đá quý); nàng nắm trong tay một vật hình trụ có vẻ quá dày và nặng để làm một chiếc bình đựng nước.
Trên chiếc áo choàng làm bằng chất liệu trong suốt, 2 đai dây song song bắt chéo qua ngực nàng, hướng về phía sau và cố định một chiếc hộp kỳ lạ có hình chữ nhật. Chiếc hộp này được cố định vào phía sau cổ của nữ thần và nó được gắn chặt với chiếc mũ bảo hộ bằng một đai ngang. Dù chiếc hộp đó có chứa gì bên trong thì chắc hẳn nó phải rất nặng, bởi nó được gia cố thêm bằng 2 miếng đệm vai lớn. Trọng lượng của chiếc hộp này được tăng thêm bởi một chiếc ống được gắn với đế bằng một cái móc hình tròn. Toàn bộ gói thiết bị hoàn chỉnh này − bởi chắc chắn chúng là như vậy − được cố định bằng 2 dải dây đai bắt chéo sau lưng và trước ngực của nữ thần.
Sự tương đương giữa 7 đồ vật mà Inanna chuẩn bị cho những chuyến không trình của mình với trang phục và đồ vật trên người bức tượng ở Mari (và cũng có thể giống với bức tượng không còn nguyên vẹn được tìm thấy trong đền thờ Ishtar ở Ashur) là điều rõ ràng. Chúng ta thấy “hoa tai đo đạc” − tai nghe − trên tai nàng; những hàng hay “chuỗi” hạt đá nhỏ quanh cổ; “cặp đá” − 2 miếng đệm vai − trên vai nàng; “ống hình trụ bằng vàng” trên tay nàng và những sợi đai móc bắt chéo trước ngực. Thực tế nàng đang mặc “trang phục PALA” (“trang phục của Đấng Trị vì”) và nàng đội trên đầu chiếc mũ bảo hộ SHU.GAR.RA - một thuật ngữ có nghĩa đen là “thứ giúp đi xa vào vũ trụ.”
Tất cả những điều đó gợi ý cho ta rằng thứ trang phục mà Inanna mặc chính là trang phục của một phi hành gia hoặc nhà du hành vũ trụ.
Kinh Cựu ước gọi những “thiên thần” của Đức Chúa là malachim - theo nghĩa đen là “thiên sứ,” người truyền những thông điệp và thực hiện mệnh lệnh của các vị thần. Qua nhiều ví dụ, ta thấy rằng họ chính là những thiên binh: Jacob nhìn thấy họ đi lên một chiếc thang trời, Hagar (nữ tỳ của Abraham) được họ gọi từ trên trời cao và họ chính là những người gây ra sự hủy diệt từ trên không đối với Sodom và Gomorrah.
Những sự kiện trong Kinh thánh diễn ra trước khi 2 thành phố đầy tội lỗi đó bị phá hủy minh chứng cho thực tế rằng những thiên sứ này một mặt nhìn hoàn toàn giống như con người và mặt khác, họ có thể được xác định là “thiên thần” ngay khi người ta nhìn thấy. Chúng ta biết rằng họ xuất hiện rất đột ngột. Abraham “ngước mắt lên thì thấy 3 người đang đứng gần ông.” Sau khi cúi chào và gọi họ là “Ngài”, ông khẩn khoản “Xin đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ của Ngài” và mời họ rửa chân, nghỉ ngơi và ăn uống.
Làm theo những gì Abraham cầu xin, 2 vị thiên sứ (“người” thứ 3 hóa ra chính là Đức Chúa) hướng tới thành Sodom. Lot, cháu của Abraham “đang ngồi ở cửa thành Sodom; và khi thấy họ ông đứng lên và cúi sấp mặt xuống đất nói: Thưa các ngài, kính xin các ngài ghé lại nhà tôi tớ các ngài đây để rửa chân và nghỉ đêm.” Sau đó “ông làm tiệc thết đãi và mời họ thưởng thức.” Khi tin tức về 2 người khách này loan truyền trong thành, “tất cả người dân trong thành, từ trẻ đến già, bao vây ngôi nhà và gọi Lot ra rồi hỏi: Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi?”.
Làm sao mà những người này − những người cũng ăn uống, ngủ nghỉ và rửa ráy đôi chân rã rời − lại có thể bị nhận ra ngay lập tức là thiên sứ của Đức Chúa như vậy? Lời giải thích hợp lý duy nhất chính là do những thứ họ đang mặc − mũ bảo hộ hay trang phục − hay thứ họ đang mang − vũ khí − khiến cho người khác nhận ra họ ngay lập tức. Việc họ mang những vũ khí đặc biệt chắc chắn là một khả năng: 2 “người” ở Sodom, sắp bị đám đông “hành hình” đã “khiến cho những người ngoài cửa ngôi nhà bị mù… khiến chúng không sao tìm thấy cửa ra vào.” Và một vị thiên sứ khác, lần này là xuất hiện trước mặt Gideon khi ông được chọn làm Quan tòa của Israel, trao cho ông một dấu hiệu thần linh bằng cách chạm chiếc gậy vào một hòn đá và từ hòn đá đó bùng lên một ngọn lửa.
Nhóm khai quật do Andrae dẫn đầu lại phát hiện ra một bức họa kỳ lại khác của Ishtar tại đền thờ nữ thần này ở Ashur. Bức họa này giống tượng điêu khắc trên tường hơn là hình đắp nổi, nó thể hiện vị nữ thần với một chiếc mũ bảo hộ trang trí hoa văn ôm sát đầu với những chiếc “tai nghe” thò ra như thể chúng có những chiếc ăng-ten phẳng riêng, cùng với một cặp kính đặc biệt cũng là một phần của chiếc mũ bảo hộ đó. (Hình 61)
Khỏi phải nói, bất cứ ai trông thấy một người dù là đàn ông hay đàn bà mặc loại trang phục đó sẽ nhận ra ngay lập tức rằng mình đang gặp một phi hành gia thần linh.
Những bức tượng đất sét được phát hiện trong các địa điểm khai quật ở Sumer với niên đại được cho vào khoảng 5.500 năm có thể là biểu tượng thô sơ của những malachim đó với vũ khí hình gậy trong tay. Ở một bức tượng, khuôn mặt lộ ra qua tấm che mặt của mũ giáp. Ở bức tượng khác, vị “thiên sứ” đội một chiếc mũ thần linh hình nón độc đáo và mặc một bộ trang phục đính những vật hình tròn không rõ chức năng. (Hình 62, 63)
Những đường viền xung quanh mắt hay những “mắt kính” của các bức tượng trên là đặc điểm thú vị nhất bởi vùng Cận Đông vào thiên niên kỷ 4 TCN tràn ngập những bức tượng hình đĩa khắc họa phần thân trên của các vị thần theo phương thức cách điệu hóa, nhấn mạnh đặc trưng nổi bật nhất của họ: một chiếc mũ hình chóp với tấm che mặt hay cặp mắt kính hình elip. (Hình 64) Một kho những bức tượng như vậy được tìm thấy ở Tell Brak, địa điểm thời tiền sử trên dòng sông Khabur, dòng sông mà nhiều thiên niên kỷ sau, Ezekiel đã trông thấy cỗ chiến xa thần thánh.
Chắc chắn không chỉ đơn thuần là sự trùng hợp khi người Hittite vốn giao lưu với người Sumer và Akkad qua ngả Khabur đã sử dụng ký hiệu làm biểu tượng chữ viết cho “các vị thần”, rõ ràng từ này đã được mượn từ “mắt” của các bức tượng đất sét đó. Cũng không có gì nghi ngờ khi biểu tượng hay ký hiệu tượng hình cho “thần linh” dưới dạng nghệ thuật hóa này đã thống trị nền nghệ thuật không chỉ ở vùng Tiểu Á mà còn của cả Hy Lạp sơ kỳ trong thời kỳ Minoa và Mycenaea. (Hình 65)

Hình 61

Hình 62

Hình 63

Hình 64

Hình 65

 
Các ghi chép cổ đại chỉ ra rằng các vị thần mang loại trang phục đặc biệt đó không chỉ trong các chuyến bay trên bầu trời Mặt đất mà còn cho các chuyến đi tới Thiên đường xa xôi. Khi kể về chuyến thăm thường lệ tới Thiên cung của Anu, chính Inanna giải thích rằng nàng có thể thực hiện được những chuyến hành trình như vậy bởi vì “chính Enlil đã tự tay khoác bộ trang phục ME thần thánh lên người ta.” Ghi chép đó trích dẫn lời Enlil nói với nàng:
Ngươi phải nhấc bộ ME lên,
Ngươi phải buộc chặt ME vào tay mình,
Ngươi phải thu nhặt ME,
Ngươi phải gắn ME lên ngực mình…
Hỡi Nữ hoàng của tất cả ME, hỡi tia sáng
Cùng với bàn tay của nàng nắm chặt 7 ME.
Một vị vua Sumer cổ đại được các vị thần mời lên Thiên đường tên là EN.ME.DUR.AN.KI, có nghĩa đen là “nhà vua có me kết nối Trời và Đất.” Một bản khắc của Nebuchadnezzar II mô tả quá trình xây dựng lại gian nhà đặc biệt để chứa “cỗ xe trời” của Marduk khẳng định rằng đây là một phần của “ngôi nhà được gia cố chứa 7 me của Thiên đường và Mặt đất.”
Các chuyên gia cho rằng me ở đây chính là “đồ vật chứa đựng năng lượng thần linh.” Theo nghĩa đen, thuật ngữ này bắt nguồn từ khái niệm “bơi trong dòng nước trên trời.” Inanna đã mô tả chúng là các phần của “bộ trang phục thần linh” mà nàng mặc mỗi khi du hành trong chiếc Tàu Thiên đường. Như vậy me chính là các bộ phận của thiết bị đặc biệt được mang trên người để bay lượn trên bầu trời Mặt đất cũng như vào vũ trụ.
Câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Icarus kể rằng chàng đã tìm cách bay lên bằng cách dùng sáp gắn đôi cánh lông vũ lên người. Những bằng chứng từ vùng Cận Đông cổ đại chỉ ra rằng tuy các vị thần được khắc họa cùng với những đôi cánh để thể hiện khả năng bay lượn của họ − hay đôi khi mang trên mình bộ trang phục có cánh như một dấu hiệu chứng tỏ khả năng biết bay − nhưng họ không bao giờ cố gắng sử dụng những đôi cánh để bay. Thay vào đó, họ sử dụng phương tiện để thực hiện các chuyến không trình của mình.
Trong Kinh Cựu ước, ta biết rằng Jacob khi nghỉ đêm trên cánh đồng bên ngoài Haran đã nhìn thấy “một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời” trên đó “các sứ thần của Thiên Chúa” bận rộn lên xuống. Còn Thiên Chúa đứng trên đầu chiếc thang. Và Jacob vừa ngạc nhiên, vừa “sợ hãi nói”:
Quả thật, có Ðức Chúa ở nơi này
mà tôi không biết…
Nơi này đáng sợ thay!
Ðây là nhà của Thiên Chúa
và là Cửa Trời, chứ không phải là gì khác.
Câu chuyện này có 2 điểm thú vị. Điểm thứ nhất là những sứ thần lên xuống chiếc “Cổng Trời” này bằng cách sử dụng một công cụ cơ khí - một “chiếc thang.” Điểm thứ hai là cảnh tượng đó khiến cho Jacob hoàn toàn ngạc nhiên. “Ngôi nhà của Thiên Chúa,” “chiếc thang” và “các sứ thần của Thiên Chúa” không ở đó khi Jacob ngả lưng xuống để ngủ trên cánh đồng. “Bỗng nhiên cảnh tượng kỳ diệu đó xuất hiện. Và đến sáng thì ‘nhà của Thiên Chúa’, ‘chiếc thang’ và các sứ thần trên đó biến mất.”
Chúng ta có thể kết luận rằng thiết bị mà các sứ thần sử dụng là một loại tàu bay nào đó treo lơ lửng ở một vị trí nhất định và rồi lại biến mất khỏi tầm mắt sau đó một lúc.
Kinh Cựu ước cũng kể rằng nhà tiên tri Elijah không chết trên Mặt đất mà “bay lên Trời bằng một cơn Lốc Xoáy.” Đây không phải là sự kiện đột ngột ngoài dự kiến: việc Elijah thăng thiên đã được sắp đặt từ sẵn. Ông được yêu cầu tới Beth-El (Ngôi nhà của Thiên Chúa) vào một ngày nhất định. Các môn đệ của ông loan truyền tin đồn rằng ông chuẩn bị được đưa lên Trời. Khi họ chất vấn người phụ tá rằng tin đồn đó có phải là sự thực hay không, người phụ tá xác nhận rằng, quả thật “ngày hôm nay Thiên Chúa sẽ đưa Sư phụ đi xa.” Và sau đó:
Bỗng xuất hiện một cỗ xe lửa,
và những con ngựa lửa…
Rồi Elijah bay lên Trời
bằng một cơn Lốc Xoáy.
Nổi tiếng hơn và được mô tả kỹ càng hơn chính là cỗ xe trời xuất hiện trước mặt nhà tiên tri Ezekiel, người sống cùng những người bị lưu đày xứ Judaea bên bờ sông Khabur phía bắc Mesopotamia.
Thiên đường mở ra,
và ta nhìn thấy hình bóng của Thiên Chúa.
Những gì Ezekiel nhìn thấy là một sinh vật giống người tỏa ánh hào quang chói lọi đang ngồi trên một chiếc ngai ngự trên một “vòm trời” bằng kim loại bên trong cỗ xe. Cỗ xe có thể di chuyển theo mọi hướng trên những chiếc bánh lồng bánh và cất lên khỏi mặt đất theo phương thẳng đứng này được nhà tiên tri mô tả như một cơn lốc rực sáng.
Và ta thấy
một cơn Lốc Xoáy đến từ phía bắc,
như một đám mây lớn chớp lòe ánh lửa
và ánh sáng tỏa rạng xung quanh.
Và trong nó, bên trong ánh lửa,
ánh sáng rực rỡ như vầng hào quang.
Một số chuyên gia nghiên cứu về mô tả trong Kinh thánh hiện nay (như Josef F. Blumrich thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ) đã đưa ra kết luận rằng “cỗ xe” mà Ezekiel nhìn thấy chính là một chiếc trực thăng có khoang lái nằm trên 4 cột, mỗi cột có một cánh quạt – quả là một “cơn lốc xoáy” thực.
Khoảng hai thiên niên kỷ trước, khi vị vua người Sumer tên là Gudea cho xây ngôi đền thờ phụng thần Ninurta, ông viết rằng trước mặt ông xuất hiện “một người tỏa sáng như Người Trời… với chiếc mũ bảo hộ trên đầu, ngài là một vị thần.” Khi Ninurta và 2 vị thần đồng hành xuất hiện trước Gudea, họ đứng bên cạnh “con chim gió thần màu đen” của Ninurta. Hóa ra mục đích chính của việc xây dựng ngôi đền là để tạo ra một khu an toàn, một căn phòng kín đặc biệt bên trong khuôn viên đền thờ cho “con chim thần” này.
Gudea kể rằng việc xây dựng căn phòng này đòi hỏi phải có những chiếc rầm lớn và rất nhiều đá được đưa đến từ những nơi xa xôi. Chỉ khi “con chim thần” được đặt vào trong căn phòng đó thì việc xây dựng ngôi đền mới được coi là hoàn thành. Và khi được đặt vào vị trí thì “con chim thần” này “có thể tác động tới Trời” và có khả năng “đưa Trời và Đất sát lại gần nhau.” Vật thể đó quan trọng – “thiêng liêng” tới mức nó thường xuyên được canh giữ bởi 2 “thần khí” là “thợ săn siêu hạng” và “sát thủ siêu hạng”, những vũ khí phóng ra các chùm sáng và tia sáng chết người.
Chúng ta có thể thấy sự giống nhau rõ ràng trong Kinh thánh và các ghi chép của người Sumer về các phương tiện và những sinh vật trong đó. Qua việc họ mô tả rằng những phương tiện này là “chim”, “chim gió” hay “lốc xoáy” có thể vừa bay lên trời vừa tỏa sáng khiến chúng ta tin chắc rằng chúng là loại cỗ máy có khả năng bay nào đó.
Những bức tranh tường bí ẩn được tìm thấy ở Tell Ghassul, một khu vực nằm ở phía đông Biển Chết mà ta chưa rõ thời cổ đại có tên là gì, có thể soi sáng cho vấn đề này. Có niên đại vào khoảng năm 3500 TCN, những bức tranh tường này khắc họa một chiếc “la bàn” 8 cạnh, đầu của một người đội mũ bảo hộ trong một gian hình chuông và 2 bản vẽ tàu bay cơ khí rất có thể là những “cơn lốc xoáy” của thời cổ đại. (Hình 66)

Hình 66
Các ghi chép thời cổ đại cũng miêu tả loại phương tiện nào đó đưa các phi hành gia bay lên trời. Gudea kể rằng khi “con chim thần” bay vòng quanh vùng, nó “chớp chớp trên những tòa nhà cao.” Căn phòng được bảo vệ cẩn mật kia được gọi là MU.NA.DA.TUR.TUR (“nơi nghỉ ngơi bằng đá cứng của MU”). Urukagina, vua xứ Lagash đã nói về “con chim gió thần màu đen” như sau: “Chiếc MU sáng bừng lên như ngọn lửa ta đốt bay cao và mạnh hơn.” Tương tự, Lu-Utu, vua xứ Umma vào thiên niên kỷ 3 TCN đã cho xây dựng một nơi dành cho mu “xuất hiện từ ngọn lửa” của thần Utu “tại một địa điểm được định sẵn trong ngôi đền của thần.”
Vua Nebuchadnezzar II của Babylon trong bản ghi chép về việc xây dựng lại ngôi đền thiêng thờ thần Marduk đã nói rằng phía trong những bức tường được gia cố bằng gạch nung và đá cẩm thạch mã não:
Ta dựng lên phần đầu của con tàu ID.GE.UL
Cỗ xe của hoàng tử Marduk;
Con tàu ZAG.MU.KU mà ta nhìn thấy lối vào của nó,
Phương tiện tối ưu nối liền Trời và Đất,
nằm chính giữa căn phòng ta cho xây kín,
hai bên thân được che chắn.
ID.GE.UL, tên gọi đầu tiên được sử dụng để chỉ loại “phương tiện tối ưu” hay “Cỗ xe của Marduk” này có nghĩa đen là “vươn cao lên trời, tỏa sáng trong đêm.” ZAG.MU.KU, tên gọi thứ 2 chỉ phương tiện – rõ ràng là một “con tàu” được giấu trong một căn phòng đặc biệt – có nghĩa là “MU sáng rực để đi xa.”
Thật may mắn, chúng ta có thể chứng minh được sự tồn tại thực sự của chiếc mu – vật thể hình nón có đầu hình bầu dục được cất giấu trong căn phòng thiêng bên trong những ngôi đền của các vị Thần Vĩ đại trên Thiên đường và Mặt đất. Tại vùng Byblos (trong Kinh thánh là Gebal) bên bờ biển Địa Trung Hải thuộc Lebanon ngày nay người ta đã tìm thấy một đồng tiền cổ có hình Ngôi đền Vĩ đại của Ishtar. Tuy người ta cho rằng ngôi đền này được xây dựng vào thiên niên kỷ thứ nhất TCN nhưng thực tế các ngôi đền được xây đi xây lại trên cùng một địa điểm và tương ứng với thiết kế ban đầu chắc chắn đồng nghĩa với việc chúng ta đang được chứng kiến những thành tố cơ bản của ngôi đền Byblos nguyên thủy có niên đại nhiều thiên niên kỷ trước.
Đồng tiền này thể hiện hình ảnh một ngôi đền có 2 phần. Phần phía trước là cấu trúc đền chính đầy ấn tượng với cổng vào dạng cột. Phía sau nó là một khu đất kín, hay “khu vực thiêng” được che chắn và bảo vệ bởi những bức tường cao và dày. Rõ ràng đây là một khu đất cao, bởi người ta chỉ có thể lên đó bằng cách bước trên nhiều bậc thang. (Hình 67)
Chễm chệ chính giữa khu đất thiêng này là một chiếc bệ đặc biệt, cấu trúc dầm ngang của nó giống như của tháp Eiffel, như thể nó được dựng lên để chịu một trọng lượng lớn. Và trên bệ đó chính là vật thể được che chắn và bảo vệ: vật thể này chỉ có thể là một chiếc mu.

Hình 67
Giống như đa số các từ âm tiết của tiếng Sumer khác, mu có một nghĩa chính, đó là “thứ vươn lên thẳng đứng.” Trong số hơn 30 nghĩa khác nhau của nó có những nghĩa như “độ cao”, “lửa”, “mệnh lệnh”, “một thời kỳ được tính” cũng như sau này là “thứ mà một người được nhớ đến.” Nếu lần theo ký hiệu chữ viết của mu từ chữ cách điệu hóa hình nêm trong tiếng Assyria và Babylon tới chữ tượng hình Sumer nguyên thủy thì chúng ta sẽ có được những bằng chứng hình tượng sau:
Từ những hình ảnh này chúng ta thấy rõ một khoang hình nón hoặc có gắn thêm hình mũi tên. “Từ Khoang Vàng trên trời cao ta sẽ dõi theo các ngươi” là lời hứa của Inanna với vị vua người Assyria. Có phải chiếc mu này chính là “Khoang Vàng” đó?
Một bài hát ngợi ca Inanna/Ishtar và những chuyến hành trình của nàng trên chiếc Tàu Thiên đường chỉ rõ rằng mu là phương tiện mà các vị thần dùng để du hành trên bầu trời cao:
Nữ thần của Thiên đường:
Nàng khoác lên mình trang phục của Thiên đường.
Nàng can đảm hướng tới Thiên đường.
Trên mọi xứ sở của con người
nàng bay qua trong chiếc MU của mình.
Nữ thần trong chiếc MU
tới những tầng cao Thiên đường bằng những đôi cánh hạnh phúc
Qua những chốn nghỉ ngơi
nàng bay trong chiếc MU của mình.
Đây là bằng chứng chỉ ra rằng người dân phía đông Địa Trung Hải đã từng nhìn thấy một vật thể có hình dạng tên lửa như vậy không phải trong một gian phòng kín phía trong đền thờ mà đang thực sự bay trên bầu trời. Chẳng hạn như những hình chạm khắc của người Hittite thể hiện những tên lửa hành trình, tên lửa gắn trên bệ phóng và một vị thần phía trong một chiếc khoang rực sáng trên nền trời đầy sao. (Hình 68)

Hình 68
Giáo sư H. Frankfort với cuốn Cylinder Seals (tạm dịch: Những con dấu lăn) nghiên cứu nghệ thuật chế tạo những con dấu lăn của người Mesopotamia cùng các đối tượng được khắc họa trên những con dấu đó ở thế giới cổ đại đã tiến hành tái tạo hình ảnh trên một con dấu được tìm thấy ở đảo Crete có niên đại vào thế kỷ XIII TCN. Hình ảnh trên con dấu đó khắc họa rõ ràng một tàu tên lửa đang di chuyển trên bầu trời và được đẩy lên bằng những ngọn lửa phụt ra từ sau đuôi. (Hình 69)
Những con ngựa có cánh, những con vật quyện lấy nhau, những quả cầu có cánh và vị thần với những chiếc sừng nhô ra từ trên mũ là tất cả những chủ đề của người Mesopotamia mà ta biết. Ta có thể khẳng định chắc chắn rằng quả tên lửa trên con dấu tìm thấy tại đảo Crete cũng là một vật thể quen thuộc khắp vùng Cận Đông cổ đại.
Quả thật, ta có thể thấy hình quả tên lửa có “cánh” hay vây và có “thang” leo trên một tấm đất sét được tìm thấy tại Gezer, một thị trấn thuộc Canaan cổ đại nằm ở phía tây Jerusalem. Hình khắc kép trên một con dấu tương tự cũng thể hiện một quả tên lửa trên mặt đất cạnh một cây cọ. Thuộc tính bay hoặc đích đến của các vật thể đó được thể hiện bằng các biểu tượng Mặt trời, Mặt trăng và các chòm sao hoàng đạo trang trí cho con dấu. (Hình 70)
***
Các ghi chép của người Mesopotamia đề cập đến các gian phòng kín trong đền thờ, hay những chuyến hành trình lên Thiên đường của các vị thần, hay thậm chí những trường hợp người phàm lên Thiên đường đều sử dụng thuật ngữ mu của người Sumer hoặc từ phái sinh của nó trong tiếng Semite là shu-mu (“thứ là một mu”), sham, hay shem. Bởi thuật ngữ này cũng có nghĩa là “thứ mà nhờ nó một người được nhớ đến” nên nó cũng mang nghĩa là “tên gọi”. Nhưng khi áp dụng rộng rãi từ “tên gọi” này cho các ghi chép cổ đề cập đến vật thể dùng để bay thì nó lại khiến cho ý nghĩa thực sự của các ghi chép này trở nên khó hiểu.
Bởi vậy mà G. A. Barton (The Royal Inscriptions of Sumer and Akkad – tạm dịch: Những ghi chép của Hoàng gia Sumer và Akkad) đã đề ra cách diễn dịch được chấp nhận rộng rãi cho bản ghi chép về đền thờ của Gudea – rằng “MU của nó sẽ ôm trọn các xứ từ chân trời tới chân trời” được dịch thành “Tên của nó sẽ tràn ngập các xứ.” Một bài hát ca ngợi Ishkur tán dương chiếc “MU phát ra tia sáng” của chàng có thể vươn lên các tầng cao của Thiên đường có thể được diễn tả như sau: “Tên của ngươi tỏa sáng, nó vươn tới thiên đỉnh.” Tuy nhiên, với cảm nhận rằng từ mu hay shem này có thể là chỉ một vật thể chứ không phải là “tên gọi” nên một số chuyên gia đã coi thuật ngữ này như một hậu tố hay một hiện tượng ngữ pháp không cần phải dịch nghĩa và nhờ đó hoàn toàn tránh được tranh cãi.
Việc lần theo từ nguyên của thuật ngữ này và nguồn gốc để cụm từ “khoang trên trời” mang nghĩa “tên gọi” không phải là quá khó. Người ta đã tìm thấy nhiều bức tượng điêu khắc thể hiện một vị thần bên trong một khoang hình tên lửa như trong vật thể có niên đại cực kỳ cổ xưa này (hiện nay đang thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Đại học Philadelphia), trong đó tính chất bay được của khoang được thể hiện bằng hình 12 quả cầu trang trí xung quanh. (Hình 71)

Hình 69

Hình 70
Tương tự nhiều con dấu cũng khắc họa một (có khi là hai) vị thần bên trong “khoang thần” hình bầu dục như vậy; đa phần các vị thần bên trong những hình bầu dục thiêng liêng được khắc họa này là các đối tượng được tôn thờ.
Với nguyện ước thờ phụng các vị thần trên khắp xứ sở chứ không chỉ trong “ngôi nhà” chính thức của từng vị thần, con người cổ đại đã hình thành phong tục mô phỏng vị thần đó trong chiếc “khoang trên trời” thần thánh. Những cột đá mô phỏng phương tiện hình bầu dục được dựng lên ở các địa điểm được chọn và hình ảnh của vị thần được khắc vào cột đá đó để thể hiện rằng ngài đang ở trong vật thể này.
Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các vị vua và Đấng Cai trị – những người coi những cột đá đó (được gọi là bia đá) gắn liền với khả năng bay tới Thiên cung – bắt đầu khắc họa hình ảnh của chính mình lên tấm bia này như một cách tự kết nối với Cung Vĩnh hằng. Nếu thân xác họ không thể thoát khỏi quy luật của sự quên lãng thì điều quan trọng là ít nhất “tên tuổi” của họ cũng được nhớ đến muôn đời. (Hình 72)

Hình 71

Hình 72

Hình 73
Ta có thể biết thêm về mục đích mô phỏng một chiếc phi cơ phản lực của những cột đá tưởng niệm này qua thuật ngữ mà người cổ đại sử dụng để chỉ những tấm bia đá đó. Người Sumer gọi chúng là NA.RU (“cột đá bay lên”). Người Akkad, Babylon và Assyria gọi chúng là naru (“vật thể phát ra ánh sáng”). Người Amurru gọi chúng là nuras (“vật thể phụt lửa” – trong tiếng Hebrew, ner vẫn còn có nghĩa là một chiếc cột phát ra ánh sáng, nên hiện nay có nghĩa là “nến”). Trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu của người Hurrian và Hittite, bia đá này được gọi là hu-u-ashi (“con chim lửa bằng đá”).
Các cứ liệu trong Kinh thánh cũng đề cập đến hai loại bia tưởng niệm tương tự là yad và shem. Nhà tiên tri Isaiah đưa những người dân đau khổ xứ Judaea tới tương lai an toàn và tươi sáng hơn mà Thiên Chúa hứa hẹn:
Và ta sẽ cho họ,
Trong Ngôi nhà và bên trong những bức tường của ta,
Một yad và một shem.
Dịch theo nghĩa đen thì đây là những thứ làm nên lời hứa đưa đến cho dân chúng “bàn tay” và “tên gọi” của Thiên Chúa. May mắn thay, từ những bia tưởng niệm được gọi là yad vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở Vùng đất Thánh, chúng ta biết rằng chúng được nhận biết bằng phần đầu có hình chóp tháp. Trong khi đó, shem lại là bia tưởng niệm có chóp hình bầu dục. Có vẻ như cả 2 loại bia này là sự mô phỏng của “Khoang Trời”, loại phương tiện mà các vị thần sử dụng để bay tới Cung Vĩnh hằng. Thực tế, ở Ai Cập cổ đại, những tín đồ sùng đạo thực hiện các chuyến hành hương tới một ngôi đền đặc biệt ở Heliopolis để chiêm ngưỡng và cúng bái ben-ben – một vật thể hình chóp tháp mà các vị thần sử dụng để xuống Mặt đất từ thời thượng cổ. Các vị pharaoh Ai Cập khi băng hà đều được tổ chức lễ “mở miệng”, qua đó người ta cho rằng họ sẽ được đưa lên Cung điện của Sự sống Vĩnh hằng bằng một chiếc yad hay shem tương tự. (Hình 73)
Những người giải thích Kinh thánh khăng khăng diễn giải tất cả những từ shem mà họ gặp bằng ý nghĩa “tên gọi” đã phớt lờ nghiên cứu nhìn xa trông rộng của G. M. Redslob (trong cuốn Zeitschrift der Deutschen Morgenlandischen Gesellschaft – tạm dịch: Tạp chí xã hội phương Đông Đức) được xuất bản hơn một thế kỷ trước, trong đó ông chỉ ra rằng thuật ngữ shem và shamaim (“thiên đường”) bắt nguồn từ từ gốc shamah, có nghĩa là “thứ ở trên cao”. Redslob cho rằng khi Kinh Cựu ước kể về việc Vua David “chế tạo một shem” để đánh dấu chiến thắng trước người Aramaic thì chắc chắn không phải vị vua này “tạo một tên gọi” mà là dựng một bia tưởng niệm hướng lên trời.
Việc nhận thức rằng từ mu hay shem trong các ghi chép của người Mesopotamia không phải có nghĩa là “tên gọi” mà phải đọc là “phương tiện bay” đã mở ra một hướng tiếp cận cho việc hiểu thấu ý nghĩa thực sự của nhiều câu chuyện cổ, trong đó có cả câu chuyện về Tháp Babel trong Kinh thánh.
Chương 11 trong cuốn Sáng Thế Ký kể về nỗ lực của con người nhằm dựng lên một shem. Sự kiện trong Kinh thánh này được kể bằng ngôn ngữ súc tích (và chính xác) đề cập đến thực tế lịch sử. Thế nhưng nhiều thế hệ các chuyên gia và các dịch giả đã tìm cách diễn giải câu chuyện này chỉ theo nghĩa bóng bởi theo những gì họ biết thì đó là một câu chuyện đề cập đến khát khao tự mình “tạo dựng một tên gọi” của Nhân loại. Hướng tiếp cận đó đã bỏ khuyết ý nghĩa thực tế của câu chuyện; trong khi kết luận của chúng ta về ý nghĩa thực sự của từ shem khiến cho câu chuyện lấy lại được ý nghĩa như nó phải có đối với chính những con người cổ đại.
Câu chuyện về Tháp Babel trong Kinh thánh kể về những sự kiện diễn ra sau quá trình phục hồi dân số Mặt đất sau trận Đại Hồng thủy, khi một số người “đến từ phía đông và tìm thấy một đồng bằng trên vùng đất Shin’ar thì đã định cư ở đó.”
Vùng đất Shin’ar tất nhiên là Xứ Sumer, thuộc vùng đồng bằng nằm giữa 2 con sông phía nam Mesopotamia. Và những con người đó, với kiến thức đã biết về cách làm gạch và xây dựng công trình cao tầng của nền văn minh đô thị, đã nói:
Ta hãy xây cho mình một thành phố,
và một tháp có đỉnh cao chọc trời;
và ta hãy làm cho mình một shem,
để khỏi bị phân tán trên khắp Mặt đất.
Nhưng Đức Chúa không tán thành kế hoạch này của con người.
Ðức Chúa xuống trần,
xem thành và tháp con cái loài người đang xây.
Ðức Chúa phán: “Ðây,
tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng,
chúng mới khởi công mà đã như thế;
Thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm
mà không làm được.
Và Đức Chúa nói với một số người đồng hành mà Kinh Cựu ước không nêu tên:
Nào, ta cùng xuống,
và làm xáo trộn tiếng nói của chúng,
Khiến chúng không thể hiểu nhau được nữa.”
Thế là Ðức Chúa phân tán họ từ chỗ đó
ra khắp nơi trên Mặt đất,
và họ phải ngừng xây thành phố.
Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel,
vì ở đó, Ðức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên Mặt đất,
Cách giải thích nghĩa truyền thống của từ shem là “tên gọi” đã khiến cho câu chuyện trở nên tối nghĩa với nhiều thế hệ. Tại sao những cư dân cổ đại của thành Babel – người Babylon – phải tự “tạo một tên gọi”, tại sao “tên gọi” này lại được đặt trên ngọn “tháp có đỉnh cao chọc trời” và tại sao việc “tạo một tên gọi” có thể chống lại việc Con người bị phân tán khắp Mặt đất?
Nếu tất cả những gì mà những người này muốn làm nên (theo cách giải thích của các chuyên gia) là “danh tiếng” cho chính mình thì tại sao nỗ lực này lại làm phiền lòng Đức Chúa? Tại sao việc tạo dựng một “tên gọi” lại được Đức Chúa coi là kỳ công sau khi “chẳng có gì chúng định làm mà không làm được”? Cách giải thích truyền thống chắc chắn là không phù hợp trong việc giải thích tại sao Đức Chúa thấy cần thiết phải triệu tập những vị thần không được nêu tên khác xuống trần và chấm dứt nỗ lực này của Con người.
Chúng tôi tin rằng câu trả lời cho những vấn đề trên trở nên hợp lý, hay thậm chí là rõ ràng hơn, khi chúng ta hiểu nó với nghĩa “phương tiện bay” thay vì “tên gọi” cho từ shem, thuật ngữ được dùng trong bản gốc tiếng Hebrew của Kinh thánh. Như vậy câu chuyện này đề cập đến nỗi lo ngại của Nhân loại rằng khi họ bị phân tán trên Mặt đất, họ sẽ mất liên lạc với nhau. Thế nên họ quyết định chế tạo một “phương tiện bay” và xây một tháp phóng cho phương tiện đó để họ cũng có thể bay trong một chiếc mu “trên khắp xứ sở của Con người” như nữ thần Ishtar chẳng hạn.
Một phần bản ghi chép của người Babylon có tên là “Sử thi Sáng tạo thế giới” kể rằng “Cánh cổng của các Vị thần” đầu tiên được chính các vị thần xây dựng ở Babylon. Những vị thần bình thường, Anunnaki được lệnh:
Xây dựng Cánh cổng của Các Vị thần…
Hãy đúc gạch cho công trình đó.
Shem của nó phải được đặt vào nơi đã định.
Trong 2 năm, các Anunnaki làm việc cật lực – “áp dụng cách xây… bằng gạch đúc” – cho đến khi “chúng vươn tới đỉnh Eshagila” (“Ngôi nhà của các vị Thần Vĩ đại”) và “xây tháp bậc thang vươn đến tận Trời cao.”
Như vậy Nhân loại quả là táo tợn khi tự xây tháp phóng cho mình trên địa điểm vốn từng phục vụ cho mục đích của các vị thần, bởi địa danh Babili của nó có nghĩa đen là “Cánh cổng của các Vị thần”.
Còn dẫn chứng nào khác khớp nối câu chuyện trong Kinh thánh với cách diễn giải của chúng ta về nó nữa không?
Nhà thơ, nhà sử học người Babylon, Berossus, người biên soạn lịch sử Nhân loại vào thế kỷ thứ III TCN, đã kể rằng: “những cư dân đầu tiên của xứ sở nổi tiếng vì sức mạnh của mình… đã tiến hành dựng một tòa tháp có ‘đỉnh’ vươn tới tận trời.” Nhưng ngọn tháp đó đã bị các vị thần và những cơn gió mạnh làm đổ, “và các vị thần làm xáo trộn ngôn ngữ của họ, những người trước đó vẫn cùng nói chung một thứ tiếng”.
George Smith (The Chaldean Account of Genesis – tạm dịch: Sáng Thế Ký dưới cái nhìn của người Chaldea) phát hiện trong các ghi chép của nhà sử học Hy Lạp Hestaeus có một báo cáo rằng những người sống sót sau trận Đại Hồng thủy đã tới vùng Senaar ở Babylon theo đúng “các truyền thống xưa” nhưng ở đó họ bị phân rẽ khắp nơi vì sự xáo trộn của ngôn ngữ. Nhà sử học Alexander Polyhistor (thế kỷ thứ I TCN) viết rằng tất cả những người đó vốn cùng nói một loại ngôn ngữ. Sau đó họ tiến hành xây dựng một tòa tháp cao lớn để “trèo lên trời”. Nhưng các vị Chủ thần đã làm tiêu tan công trình của họ bằng cách tạo ra một cơn lốc xoáy; mỗi bộ tộc được trao một loại ngôn ngữ khác nhau. “Thành trì diễn ra sự kiện này là Babylon.”
Đến nay ít ai có thể nghi ngờ rằng những câu chuyện trong Kinh thánh cũng như những báo cáo của các sử gia Hy Lạp 2.000 năm trước và bậc tiền bối Berossus của họ đều có nguồn gốc ở Sumer. A. H. Sayce (The Religion of the Babylonians – Tôn giáo của người Babylon) kể về việc đọc được trên một tấm đất sét bị vỡ trong Bảo tàng Anh “dị bản câu chuyện xây Tháp Babel của người Babylon”. Trong tất cả các trường hợp, nỗ lực vươn tới trời xanh dẫn đến hậu quả sự bất đồng ngôn ngữ là những yếu tố cơ bản của dị bản này. Người Sumer cũng có những ghi chép khác về việc một vị thần nổi giận đã cố ý tạo ra hiện tượng bất đồng ngôn ngữ của Con người.
Có vẻ như Con người thời đó không sở hữu công nghệ cần thiết cho một dự án hàng không như vậy; vì thế họ cần sự hướng dẫn và hợp tác của một vị thần hiểu biết. Liệu có vị thần nào đã bất chấp các vị thần khác để giúp đỡ Con người không? Một con dấu của người Sumer khắc họa cuộc đối đầu giữa những vị thần có vũ khí dường như là vì tranh cãi xoay quanh việc xây dựng một tòa tháp bậc thang của Con người. (Hình 74)
Một chiếc cột đá của người Sumer hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris có thể là minh chứng cho sự việc xảy ra trong cuốn Sáng Thế Ký. Chiếc cột này được Naram-Sin, vua xứ Akkad làm ra vào khoảng năm 2300 TCN và các chuyên gia cho rằng nó thể hiện những chiến thắng của nhà vua trước kẻ thù. Nhưng nhân vật trung tâm trên con dấu này là một vị thần chứ không phải là một vị vua của người trần, bởi nhân vật này đội một chiếc mũ có sừng – dấu hiệu độc quyền của các vị thần. Hơn nữa, nhân vật trung tâm này dường như không phải đang lãnh đạo nhóm người nhỏ hơn mà là đang chà đạp họ. Còn nhóm người này dường như không phải đang tham gia vào cuộc chiến tranh mà đang tiến lên phía trước và thể hiện lòng ngưỡng mộ vật thể hình nón có kích thước tương đương vốn cũng đang thu hút sự chú ý của vị thần. Với vũ khí là một cây cung và một cây thương trong tay, có vẻ như vị thần này nhìn vật thể đó với ánh mắt đe dọa hơn là ngưỡng mộ. (Hình 75)
Vật thể hình nón này được thể hiện vươn tới 3 thiên thể. Nếu như kích thước, hình dạng và mục đích thể hiện rằng nó là một chiếc shem, thì con dấu này khắc họa hình ảnh một vị thần giận dữ được trang bị vũ khí đầy đủ đang giày xéo lên những con người ca ngợi việc dựng lên một shem.
Các ghi chép của người Mesopotamia lẫn các câu chuyện trong Kinh thánh đều truyền đạt một bài học như nhau: Những cỗ máy bay được là dành riêng cho các vị thần, không phải cho Con người.
Cả các ghi chép của người Mesopotamia và Kinh thánh đều khẳng định rằng con người chỉ có thể lên tới được Thiên Cung theo ý muốn của các vị thần. Và trong trường hợp đó, chúng ta lại có thêm nhiều những câu chuyện về các chuyến đi tới Thiên đường và thậm chí là những chuyến bay vào vũ trụ.
***
Hình 74
Hình 75
Kinh Cựu ước ghi nhận một vài trường hợp người trần lên tới Thiên đường.
Người đầu tiên là Enoch, vị tổ phụ trước thời kỳ Đại Hồng thủy, là bạn và là người “sánh bước cùng Thiên Chúa”. Ông là vị tổ phụ thứ 7 trong dòng dõi của Adam và là cụ của Noah, người anh hùng trong trận Đại Hồng thủy. Chương thứ 5 của cuốn Sáng Thế Ký liệt kê phả hệ của tất cả các vị tổ phụ và tuổi thọ của họ - ngoại trừ Enoch, “người đã được Đức Chúa đưa đi xa”. Theo truyền thuyết và ám chỉ thì Đức Chúa đã đưa Enoch lên trời để thoát khỏi trần tục trên mặt đất. Người trần thứ hai là nhà tiên tri Elijah, người đã được nhấc lên khỏi mặt đất và bay về trời trong một “cơn lốc xoáy”.
Trường hợp thứ ba ít người biết đến là câu chuyện trong Kinh Cựu ước về một người trần đã đến Thiên Cung và được trao cho trí tuệ lớn, đó là câu chuyện về Đấng Trị vì xứ Tyre (kinh đô của người Phoenicia ở bờ biển phía đông Địa Trung Hải). Trong Chương 28 của Sách Tiên tri Ezekiel có viết rằng Đức Chúa lệnh cho nhà tiên tri nhắc nhở nhà vua hoàn hảo và thông thái về việc Đức Chúa cho phép ông ta tới gặp các vị thần:
Ngươi là mẫu người tuyệt hảo
đầy khôn ngoan và đẹp tuyệt vời.
Ngươi cư ngụ tại Eden, thửa vườn của Thiên Chúa;
áo của ngươi đính toàn đá quý…
Ta đặt ngươi làm Cherub chở che;
ngươi ở trên núi thánh của Thiên Chúa,
ngươi như một vị thần,
di chuyển bên trong Đá hồng Phụt lửa.
Đoán trước rằng vua Tyre sẽ chết trong tay của những kẻ ngoại bang ngay cả khi Vua xưng với chúng rằng: “Ta là một vị thần”, sau đó Đức Chúa bảo với Ezekiel nguyên do: Sau khi nhà vua được đưa tới Thiên Cung và được tiếp cận với sự khôn ngoan và giàu có, trái tim ông ta “trở nên ngạo mạn”, ông ta sử dụng trí khôn ngoan của mình một cách lầm lạc và làm ô uế các đền thờ.
Vì ngươi đem lòng tự cao tự đại nên ngươi đã nói:
“Ta là thần;
ta ngự trên ngai các thần, giữa trùng dương.”
Ngươi chỉ là người, chứ không phải là thần
mà lại dám cho mình ngang hàng với thần thánh.
Các ghi chép của người Sumer cũng kể về một số người có đặc ân được lên Thiên đường. Một trong số đó là Adapa, “hình mẫu Con người” do Ea tạo ra. Ea đã “trao cho chàng sự thông thái nhưng không trao cho sự bất tử.” Sau nhiều năm trôi qua, Ea quyết định cứu vớt Adapa khỏi quy luật sinh lão bệnh tử của trần thế bằng cách trao cho ông một chiếc shem giúp ông có thể lên tới Thiên Cung của Anu để được hưởng chút Bánh Trường sinh và Nước Trường sinh. Khi Adapa đến Thiên Cung của Anu, Anu muốn biết ai đã cho Adapa chiếc shem đưa ông tới Thiên đường.
Có nhiều dẫn chứng quan trọng được tìm thấy trong cả Kinh thánh và các câu chuyện của người Mesopotami về những chuyến đi hiếm hoi lên Thiên Cung của Con người. Giống như vua xứ Tyre, Adapa cũng là “mẫu người” tuyệt hảo. Tất cả họ đều phải sử dụng shem – “đá phụt lửa” – để lên tới “Vườn Eden” trên trời. Một số người bay lên rồi sau đó trở về Mặt đất; những người khác, giống như người anh hùng của Mesopotamia trong trận Đại Hồng thủy, đã ở lại bầu bạn cùng các vị thần. Vị Vua Sumer, Gilgamesh đã theo đuổi hành trình tìm kiếm vị “Noah” của Mesopotamia này và biết được từ ông bí mật của Cây Trường sinh.
Cuộc tìm kiếm Cây Trường sinh trong vô vọng của Con người là chủ đề của một trong những bản sử thi dài nhất, hào hùng nhất mà nền văn minh Sumer để lại cho kho tàng văn hóa của nhân loại. Được các chuyên gia đương đại đặt tên là “Sử thi Gilgamesh”, câu chuyện cảm động kể về vị vua xứ Uruk vốn là con của người cha trần tục và người mẹ thần thánh. Kết quả Gilgamesh được coi là “2/3 là thần, 1/3 là người”, trạng thái thúc giục ông tìm cách thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử của người trần.
Qua truyền thuyết ông biết được rằng một trong những ông tổ của mình, Utnapishtim – người anh hùng trong trận Đại Hồng thủy – đã được bất tử và được đưa lên Thiên Cung cùng với vợ mình. Vì vậy Gilgamesh quyết định tới đó và xin ông tổ của mình ban cho bí quyết để có cuộc sống bất tử.
Vị vua này cho rằng động lực thúc đẩy ông theo đuổi mục đích của bản thân là lời mời của Anu. Đoạn sử thi nghe giống như đoạn mô tả về cảnh tượng một quả tên lửa hết nhiên liệu rơi xuống Mặt đất. Sau đó Gilgamesh thuật lại với mẹ mình là nữ thần NIN.SUN như sau:
Mẹ của con,
Suốt đêm qua con cảm thấy rất hân hoan
và con bước đi giữa những nhà quý tộc.
Những ngôi sao tụ tập trên bầu trời.
Đồ vật của Anu rơi về phía con.
Con tìm cách nhấc nó lên; nó quá nặng.
Con tìm cách di chuyển nó nhưng bất lực!
Người dân thành Uruk tụ tập xung quanh nó,
Trong khi các quý tộc hôn chân nó.
Khi con quyết tâm, họ cùng trợ giúp con.
Con nhấc nó lên. Con mang nó tới đây cho mẹ.
Phần giải thích của mẹ Gilgamesh cho sự việc đó trong bản ghi chép đã bị mất nên chúng ta không biết rõ. Nhưng rõ ràng, Gilgamesh đã được tiếp thêm động lực bởi cảnh tượng vật thể rơi đó – “đồ vật của Anu” – để khởi hành chuyến phiêu lưu của mình. Trong phần mở đầu của thiên sử thi, người kể chuyện gọi Gilgamesh là “Đấng Thông thái, người có khả năng chiêm nghiệm được mọi thứ”:
Ngài nhìn thấy những điều bí mật
Ngài biết những gì mà con người còn chưa tỏ tường;
Ngài còn mang đến những cơn thủy triều
vào thời kỳ trước trận Đại Hồng thủy.
Ngài cũng thực hiện chuyến hành trình xa xôi,
đầy nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy;
Ngài trở về và cho khắc những việc làm của mình
lên một cột đá.
“Cuộc hành trình xa xôi” mà Gilgamesh thực hiện tất nhiên là chuyến đi tới Cung điện của các vị Thần cùng với người đồng hành Enkidu. Đích đến của họ là Xứ Tilmun, nơi Gilgamesh có thể phóng chiếc shem của mình. Các bản dịch ngày nay dịch nghĩa từ mu tiếng Sumer hay shumu tiếng Akkad trong các ghi chép cổ là “tên gọi”; tuy nhiên, chúng tôi sử dụng từ shem thay thế trong các bản dịch nghĩa để làm nổi nghĩa thực của thuật ngữ này là “phương tiện bay”:
Vua Gilgamesh
quyết định hướng về Xứ Tilmun.
Ngài nói với người đồng hành Enkidu:
“Hỡi Enkidu…
Ta sẽ vào xứ đó, dựng lên shem của ta.
Ở nơi những chiếc shem được phóng lên
Ta sẽ phóng lên chiếc shem của mình.”
Không thể làm lung lay ý chí của vị vua này, cả các vị bô lão thành Uruk lẫn các vị thần được Gilgamesh hỏi ý kiến đều khuyên ông xin sự chấp thuận và hỗ trợ của Utu/Shamash trước. “Nếu ngài vào xứ đó, hãy báo cho thần Utu,” họ cảnh báo nhà vua. Họ nhắc đi nhắc lại rằng “Xứ đó là địa hạt của thần Utu.” Được báo trước và khuyên răn như vậy, Gilgamesh đã cầu xin sự cho phép của thần Utu:
Xin hãy cho ta vào xứ này,
Xin hãy cho ta dựng lên chiếc shem của mình.
Ở nơi những chiếc shem được phóng lên,
Xin hãy để ta phóng lên chiếc shem của mình…
Xin hãy đưa ta tới bãi đáp…
Xin ngài hãy che chở cho ta!
Thật không may đến đoạn này thì tấm đất sét bị vỡ nên chúng ta không biết được địa điểm “bãi đáp”. Nhưng dù nó có nằm ở đâu chăng nữa thì rốt cuộc Gilgamesh và người bạn đồng hành cũng đã tới được vùng ngoại vi của nó. Đó là một “khu vực cấm” được những người lính canh dữ dằn bảo vệ. Mệt mỏi và buồn ngủ, cả hai quyết định nghỉ ngơi qua đêm trước khi tiếp tục.
Ngay khi họ rơi vào giấc ngủ thì có thứ gì đó đã đánh thức họ. Gilgamesh hỏi người bạn đường: “Ngươi đánh thức ta phải không?” “Ta đang thức sao?”, ông tự hỏi, vì ông đang nhìn thấy những cảnh tượng lạ đầy ấn tượng đến mức ông phải tự hỏi mình đang tỉnh hay mơ. Ông nói với Enkidu:
Bạn của ta, trong giấc mơ, ta thấy núi cao sụt xuống.
Nó kéo ta xuống, giữ chặt chân ta…
Ánh sáng chói lòa!
Một người xuất hiện;
con người đẹp đẽ nhất trên xứ sở.
Vẻ đẹp của người đó…
Người ấy kéo ta lên từ dưới đống đất sụt.
Đưa nước cho ta uống; trái tim ta mới yên bình.
Người đó là ai, “người đẹp đẽ nhất xứ sở”, người đã kéo Gilgamesh ra khỏi trận lở đất, đưa nước cho ông uống, “làm yên bình trái tim ông”? Và “ánh sáng chói lòa” đi kèm với trận lở đất bí ẩn đó là gì?
Gilgamesh lại thiếp đi trong băn khoăn, lo lắng – nhưng không được lâu:
Đến nửa đêm ngài thức giấc.
Ngài nhỏm dậy, nói với bạn mình:
“Bạn của ta, ngươi vừa gọi ta phải không?
Cớ sao ta lại thức giấc?
Ngươi có chạm vào ta không?
Cớ sao ta giật mình?
Có phải có vị thần nào đó đi qua không?
Cớ sao da thịt ta tê cóng?”
Lại bị đánh thức một cách bí ẩn, Gilgamesh tự hỏi không biết ai đã chạm vào người mình. Nếu đó không phải là người bạn đường thì liệu có phải là “vị thần nào đó” đi ngang qua hay không? Một lần nữa Gilgamesh lại thiếp đi, rồi lại tỉnh giấc lần thứ ba. Ông kể lại sự việc xảy ra với bạn mình.
Cảnh tượng ta thấy thật kinh khủng!
Bầu trời rung chuyển, mặt đất gầm lên;
Ánh mặt trời tắt lịm, bóng đêm kéo đến.
Ánh chớp sáng lòe, một ngọn lửa phụt ra.
Những đám mây tràn ra, rơi xuống sự chết chóc!
Rồi ánh sáng rực rỡ biến mất; ngọn lửa tắt theo.
Và những thứ rơi xuống biến thành tro bụi.
Không cần phải quá giàu trí tưởng tượng, chúng ta cũng có thể nhận ra những câu thơ này đang kể về việc chứng kiến một vụ phóng tàu tên lửa. Đầu tiên là âm thanh trầm dữ dội khi động cơ tên lửa khởi động (“bầu trời rung chuyển”), kèm theo đó là chấn động của mặt đất (“mặt đất gầm lên”). Những đám mây khói và bụi bao trùm khu vực phóng (“ánh mặt trời tắt lịm, bóng đêm kéo đến”). Sau đó là ánh sáng phát ra của động cơ đã được khởi động (“ánh chớp sáng lòe”); khi tàu tên lửa bắt đầu phóng lên trời, “một ngọn lửa phụt ra”. Đám mây bụi và mảnh vụn “tràn” ra tứ phía; sau đó nó bắt đầu rơi xuống, “rơi xuống sự chết chóc!” Rồi tàu tên lửa đã bay cao lên trên bầu trời (“ánh sáng rực rỡ biến mất; ngọn lửa tắt theo”). Chiếc tàu tên lửa đã bay khỏi tầm mắt; và những mảnh vụn “rơi xuống biến thành tro bụi”.
Tuy cảm thấy sợ hãi trước những gì được chứng kiến nhưng nhà vua lại càng quyết tâm đạt được mục đích của mình hơn bao giờ hết. Một lần nữa Gilgamesh cầu xin thần Shamash che chở và ủng hộ mình. Vượt qua những “lính canh quái vật”, ông đến được ngọn núi Mashu, nơi có thể nhìn thấy Shamash “bay lên vòm trời”.
Giờ thì nhà vua đã đến gần với mục tiêu đầu tiên – “nơi những chiếc shem được phóng lên”. Nhưng lối vào khu vực này ăn sâu vào núi và được những tên lính canh dữ dằn bảo vệ:
Vẽ dữ dằn của họ thật ghê gớm, cây thương của họ quả là chết người.
Ánh đèn chiếu lung linh của họ quét qua những ngọn núi.
Họ canh gác cho Shamash,
Khi ngài thăng thiên và giáng trần.
Một con dấu (Hình 76) có hình Gilgamesh (thứ hai từ bên trái) và người đồng hành Enkidu (ngoài cùng bên phải) có thể đang mô tả cảnh tượng một vị thần đề đạt với một trong những người lính canh trông giống như robot, những người có thể quét sạch khu vực này bằng ánh đèn chiếu và những tia sáng chết người. Cảnh tượng này khiến ta nhớ đến một đoạn trong cuốn Sáng Thế Ký nói rằng Đức Chúa đặt “lưỡi gươm quay tròn” tại lối vào Vườn Địa Đàng để ngăn chặn Con người đến đó.

Hình 76
Khi Gilgamesh giải thích thân thế thần thánh một phần và mục đích chuyến đi của mình (“ta muốn hỏi Utnapishtim về cái chết và sự sống”) và thực tế, ông lên đường với sự chấp thuận của thần Utu/Shamash, lính gác cho phép ông đi qua.
Tiến bước “dọc theo con đường của Shamash”, Gilgamesh chỉ thấy quanh mình toàn là bóng tối; ông hét lên trong sợ hãi “không nhìn thấy gì trước mặt hay sau lưng”. Qua nhiều beru (đơn vị thời gian, khoảng cách, hoặc hình cung của Thiên đường), bóng tối vẫn tràn ngập quanh ông. Cuối cùng, “mọi thứ trở nên sáng sủa khi ông qua được 12 beru”.
Bản ghi chép bị hủy hoại và mòn mờ này tiếp tục kể rằng Gilgamesh tới được một khu vườn tráng lệ nơi cây quả được chạm khắc trên đá bán quý. Đó chính là nơi Utnapishtim cư ngụ. Khi đề đạt thắc mắc của mình với ông tổ, Gilgamesh nhận được câu trả lời đáng thất vọng: Utnapishtim nói rằng Con người không thể cưỡng lại số phận trần tục của mình. Tuy nhiên, ông bày cho Gilgamesh cách trì hoãn cái chết và chỉ cho nhà vua nơi có Cây Tuổi trẻ − hay còn được gọi là “Cây Cải lão Hoàn đồng”. Gilgamesh không giấu được vẻ hân hoan khi có được nó. Nhưng như số phận đã định, ông lại làm mất nó một cách ngớ ngẩn trên đường trở về và trở lại Uruk với 2 bàn tay trắng.
Gạt qua một bên những giá trị văn học và triết học của câu chuyện sử thi này, chúng ta chỉ quan tâm đến những khía cạnh “không gian” trong câu chuyện về Gilgamesh là chính. Chiếc shem mà Gilgamesh cần có để lên được Cung điện các vị Thần ắt hẳn là một chiếc tàu tên lửa mà ông đã chứng kiến một con tàu cùng loại được phóng lên khi đến gần “bãi đáp”. Có vẻ như những tàu tên lửa đó được bố trí bên trong một ngọn núi và khu vực này là khu vực cấm được canh gác nghiêm ngặt.
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hình ảnh nào mô tả những gì mà Gilgamesh nhìn thấy. Nhưng một bức họa được tìm thấy trong ngôi mộ của một quan cai trị vùng đất xa xôi của Ai Cập mô tả một đầu tên lửa lộ trên mặt đất ở nơi có nhiều cây cọ mọc. Thân của quả tên lửa rõ ràng được đặt ngầm dưới đất, trong một hầm chứa do Con người xây với những ống đốt hình trụ và được trang trí bằng da báo. (Hình 77)

Hình 77
Các họa sỹ cổ đại cũng vẽ mặt cắt ngang của chiếc hầm chứa ngầm dưới mặt đất giống như cách thức của các nhà thiết kế đương đại. Ta có thể thấy rằng chiếc tên lửa này gồm nhiều ngăn. Ở ngăn dưới có 2 người được bao quanh bằng những chiếc ống cong. Phía trên họ là 3 tấm bảng hình tròn. So sánh kích thước của phần đầu chiếc tên lửa – chiếc ben-ben – với kích thước của 2 người bên trong tên lửa và với những người phía trên mặt đất thì phần đầu chiếc tên lửa này – tương đương với chiếc mu “Khoang Trời” của người Sumer – có thể dễ dàng chứa được một hoặc 2 người điều khiển hay hành khách.
TIL.MUN là tên của vùng đất mà Gilgamesh tìm đến. Cái tên này có nghĩa đen là “vùng đất của tên lửa”. Đó là vùng đất nơi những chiếc shem được phóng lên, vùng đất đặt dưới sự cai quản của thần Utu/Shamash, vùng đất nơi người ta có thể nhìn thấy vị thần này “bay lên vòm trời”.
Tuy thiên thể đại diện cho thành viên trong Nhóm 12 vị Thần Vĩ đại này là Mặt trời nhưng chúng tôi cho rằng tên của ngài không có nghĩa là “Mặt trời” mà đó là một tên gọi thể hiện chức năng và trách nhiệm của thần. Cái tên Utu của thần trong tiếng Sumer có nghĩa là “Đấng đi vào rực sáng”. Trong tiếng Akkad, ý nghĩa cái tên của vị thần này – Shem-Esh – còn rõ ràng hơn: Esh có nghĩa là “lửa” và giờ thì ta đã biết nghĩa gốc của từ shem là gì.
Utu/Shamash chính là “Đấng của những tàu tên lửa phụt cháy”. Chúng tôi cho rằng vị thần này chính là chỉ huy trưởng sân bay vũ trụ của các vị thần.
***
Vai trò chỉ huy của Utu/Shamash đối với các chuyến hành trình tới Thiên Cung cùng với những chức năng của các thuộc cấp của ngài trong đường vận chuyển này còn được thể hiện chi tiết hơn trong một câu chuyện khác của người Sumer về chuyến lên trời của một người trần.
Danh sách các vị vua Sumer cho ta biết rằng vị vua thứ 13 của Kish là Etana, “Đấng bay lên trời”. Câu khẳng định ngắn gọn này không cần phải giải thích tỉ mỉ thêm, bởi câu chuyện về một vị vua trần thế bay lên Thiên đường cao nhất đã quá nổi tiếng khắp vùng Cận Đông cổ đại và trở thành chủ đề của rất nhiều bức họa khắc trên dấu.
Chúng ta biết rằng Etana được các vị thần giao phó mang lại cho Con người sự an toàn và thịnh vượng mà Vương vị – một nền văn minh có tổ chức – lấy đó làm tiêu chí. Nhưng dường như Etana không thể có con trai kế vị vương triều. Phương thuốc được biết đến duy nhất là loài cây Sinh sôi mà Etana chỉ có thể lấy được bằng cách mang nó về từ Thiên đường.
Giống như Gilgamesh sau này, Etana cũng đã cầu xin sự chấp thuận và hậu thuẫn của thần Shamash. Đọc tiếp thiên sử thi này, ta mới thấy rõ Etana cầu xin thần Shamash một chiếc shem!
Hỡi Chúa tể, cầu xin người ban lệnh!
Trao cho ta Cây Sinh sôi!
Chỉ cho ta nơi có Cây Sinh sôi!
Loại trừ những bất trắc!
Cho ta một chiếc shem!
Hài lòng với những lời cầu khấn tâng bốc và thỏa thuê với những con cừu hiến tế, Shamash đồng ý chấp nhận yêu cầu xin một chiếc shem của Etana. Nhưng thay vì đề cập tới một chiếc shem, Shamash lại nói với Etana rằng một con “đại bàng” sẽ đưa Người tới Thiên đường mong ước.
Đưa Etana tới chiếc hầm chứa con Đại bàng, Shamash thông báo cho con Đại bàng về thời gian của nhiệm vụ đã định. Trao đổi những thông điệp mã hóa với “Chúa tể Shamash”, con Đại bàng nhận được lệnh: “Ta sẽ đưa một người tới chỗ ngươi; anh ta sẽ nắm lấy tay ngươi… đưa anh ta tới đây… làm bất cứ điều gì anh ta nói… làm như ta nói.”
Đến ngọn núi mà Shamash chỉ cho mình, “Etana nhìn thấy chiếc hầm” và bên trong “có con Đại bàng”. “Theo lệnh của Đấng Shamash can trường”, con Đại bàng bắt đầu giao tiếp với Etana. Etana một lần nữa trình bày mục đích và đích đến của mình; ngay sau đó Đại bàng bắt đầu hướng dẫn Etana quy trình để “nâng Đại bàng lên khỏi hầm chứa”. 2 lần thử đầu tiên thất bại, nhưng đến lần thứ ba Đại bàng được nâng lên hoàn toàn. Lúc rạng đông, Đại bàng thông báo với Etana: “Bạn của tôi… tôi sẽ đưa bạn tới Cung điện của Anu!” Sau khi hướng dẫn Etana cách ngồi vững, Đại bàng cất cánh – và họ bay lên cao với tốc độ nhanh.
Giống như các nhà du hành vũ trụ đương đại quan sát Trái đất nhỏ dần khi con tàu vũ trụ bay lên, người kể chuyện của thời xưa cũng mô tả Mặt đất ngày càng nhỏ dần như thế nào trong mắt Etana:
Khi đã bay cao được một beru,
Đại bàng nói với Etana:
“Nhìn xem, bạn của tôi, xem cảnh tượng mặt đất ra sao!
Nhìn vào biển cả bên sườn ngọn Mã Sơn:
Mặt đất giờ đây nhìn chỉ như một ngọn đồi,
Biển cả trông chỉ như một cái bồn.”
Đại bàng càng bay cao, Mặt đất bên dưới nhìn càng nhỏ bé. Khi đã bay tới beru thứ hai, Đại bàng nói:
“Bạn của tôi,
Hãy nhìn xem cảnh tượng mặt đất ra sao!
Mặt đất giờ như một luống cày…
Biển cả trông chỉ như một giỏ bánh.”…
Khi nhà vua bay tới beru thứ ba,
Đại bàng nói với Etana rằng:
“Nhìn xem, bạn của tôi, xem cảnh tượng mặt đất ra sao!
Mặt đất giờ như cái rãnh của người làm vườn!”
Và rồi khi họ tiếp tục bay lên, Mặt đất đột nhiên biến mất khỏi tầm mắt.
Khi ta nhìn quanh, mặt đất đã biến mất,
và biển rộng trải dài ngút tầm mắt mà ta không thấy đâu bờ bến.
Theo một dị bản của câu chuyện này, Đại bàng và Etana đã tới được Cung điện của Anu. Nhưng một dị bản khác lại kể rằng Etana trở nên sợ hãi khi không còn nhìn thấy Mặt đất và ra lệnh cho Đại bàng đảo ngược hành trình và “lao xuống” Mặt đất.
Một lần nữa, ta lại tìm thấy câu chuyện tương tự kể lại cảnh tượng Mặt đất nhìn từ khoảng cách rất xa phía trên cao. Khi ca ngợi Đức Giê-hô-va, nhà tiên tri Isaiah nói về ngài rằng: “Ngài là Đấng ngự trên quỹ đạo của Mặt đất và những cư dân bên dưới trông như những con côn trùng.”
Câu chuyện về Etana cho ta biết rằng trong quá trình tìm một chiếc shem, Etana phải giao tiếp với một con Đại bàng bên trong hầm chứa. Một hình khắc trên dấu mô tả một cấu trúc cao có cánh (một tháp phóng?) phía trên có một con đại bàng cất cánh. (Hình 78)
Vậy con Đại bàng đã đưa Etana tới Thiên đường xa xôi là ai hay là cái gì?
Chúng ta không thể không liên tưởng câu chuyện cổ này với thông điệp được Neil Armstrong, chỉ huy tàu du hành Apollo 11 truyền về Trái đất vào tháng Bảy năm 1969: “Houston! Đây là Căn cứ Yên bình (Tranquility Base). Đại bàng đã hạ cánh!”
Anh đang báo cáo về chuyến đổ bộ đầu tiên của Con người lên Mặt trăng. “Căn cứ Yên bình” là địa điểm hạ cánh; Đại bàng là tên của mô-đun mặt trăng tách ra từ tàu mẹ và đưa hai nhà du hành bên trong xuống Mặt trăng (và sau đó quay trở về tàu mẹ). Khi mô-đun mặt trăng vừa tách ra để bắt đầu tự bay trong quỹ đạo Mặt trăng, các nhà du hành báo cáo với Trung tâm Điều khiển ở Houston: “Đại bàng đã tung cánh.”
Nhưng “Đại bàng” cũng là biểu tượng của các nhà du hành điều khiển con tàu vũ trụ. Trong sứ mệnh Apollo 11, “Đại bàng” cũng là biểu tượng của của chính các nhà du hành, được đeo như một huy hiệu trên quần áo của họ. Giống như trong câu chuyện về Etana, họ cũng là những chú “Đại bàng” có thể bay, nói chuyện và giao tiếp. (Hình 79)
Làm thế nào mà nhà thơ cổ đại mô tả được những phi công trên con tàu của các vị thần? Phải chăng với sự tình cờ nào đó họ được miêu tả như những chú đại bàng?
Đây chính xác là điều mà chúng tôi đã phát hiện ra. Một con dấu của người Assyria có niên đại vào khoảng năm 1500 TCN thể hiện hai “mình người đầu đại bàng” đang đứng chào một chiếc shem! (Hình 80)
Rất nhiều những bức họa về “Đại bàng” mà các chuyên gia gọi là “điểu nhân” như vậy đã được tìm thấy. Phần lớn các bức họa thể hiện những điểu nhân này bên cạnh Cây Trường sinh, như thể để nhấn mạnh rằng họ, với những chiếc shem của mình, tạo ra mối liên kết giữa với Thiên Cung nơi có Bánh Trường sinh và Nước Trường sinh. Trong thực tế, hình ảnh thường thấy của những chú Đại bàng này là một tay cầm Quả Trường sinh, tay kia cầm Nước Trường sinh, hoàn toàn phù hợp với những câu chuyện về Adapa, Etana và Gilgamesh. (Hình 81)
Những hình ảnh khắc họa Đại bàng này cho thấy rằng họ không phải là những quái vật mình người đầu chim mà là những sinh vật hình người mang trang phục hay đồng phục khiến cho họ có vẻ ngoài như chim đại bàng.
Câu chuyện của người Hittite về sự biến mất của thần Telepinu kể rằng “các vị thần vĩ đại và các vị thần cấp thấp hơn bắt đầu tìm kiếm thần Telepinu” và “Shamash đã cử một Đại bàng nhanh nhẹn” đi tìm.
Việc cuốn Sách Xuất hành kể Đức Chúa đã nhắc nhở con dân của Israel rằng “ta đã mang các ngươi trên đôi cánh của Đại bàng và mang các người đến với ta” dường như đã chứng tỏ rằng con đường đến với Thiên Cung là trên những đôi cánh của Đại bàng – giống hệt như câu chuyện về Etana. Thực tế, có nhiều đoạn Kinh thánh mô tả Đức Chúa là một người có cánh. Boaz chào mừng Ruth gia nhập vào cộng đồng người Judea đồng nghĩa với việc “bước vào đôi cánh chở che” của Đức Giê-hô-va. Những người soạn thánh thi tìm kiếm sự an toàn “dưới bóng đôi cánh của ngài” và mô tả việc Đức Chúa từ Thiên đường xuống Mặt đất. “Ngài cưỡi trên một Cherub và bay đi; ngài vút lên trên đôi cánh rộng.” Khi phân tích những điểm tương đồng giữa El trong Kinh thánh (được sử dụng như danh hiệu hay thuật ngữ chung cho Đức Chúa) và El của người Canaanite, S. Langdon (Semitic Mythology – Thần thoại Semite) chỉ ra rằng trong các ghi chép và trên các đồng tiền, cả 2 vị đều được khắc họa là những vị thần có cánh.

Hình 78

Hình 79

Hình 80

Hình 81

Hình 82

Các ghi chép của người Mesopotamia luôn có sự hiện diện của thần Utu/Shamash như một vị thần phụ trách bãi đáp của các shem và Đại bàng. Và cũng giống như các thuộc cấp, có lúc vị thần này được thể hiện đang mặc trên mình đầy đủ các dấu hiệu của trang phục Đại bàng. (Hình 82)
Với quyền hạn này, ngài có thể trao cho các vị vua đặc quyền được “bay trên đôi cánh của những con chim” và “di chuyển từ thiên đường thấp tới thiên đường cao hơn”. Và khi ngài được phóng lên trong một chiếc tên lửa đẩy, ngài chính là “người đi qua những quãng đường xa lạ trong vô số giờ”. Hay “lưới của ngài là Mặt đất, còn bẫy của ngài là bầu trời xa.”
***
Thuật ngữ của người Sumer để chỉ những đồ vật liên quan đến việc lên trời không chỉ gói gọn trong bộ me, phục trang của các vị thần hay các mu là những “cỗ xe” hình nón của họ.
Những ghi chép của người Sumer mô tả về Sippar kể rằng xứ này có một khu trung tâm được che chắn và bảo vệ bằng những bức tường cao. Bên trong những bức tường này là đền thờ Thần Utu, “ngôi nhà trông giống như Thiên Cung”. Ở sân bên trong ngôi đền này và cũng được bảo vệ bằng những bức tường cao là “APIN hùng vĩ vươn cao” (“vật thể cày qua” – theo các dịch giả).
Bức họa được tìm thấy tại ngôi đền thờ thần Anu tại Uruk cũng thể hiện vật thể như vậy. Nhiều thập kỷ trước có lẽ chúng ta khó đoán được vật thể đó là gì; nhưng giờ chúng ta có thể khẳng định rằng đó là một tên lửa vũ trụ nhiều tầng, phía trên có một chiếc mu – hay khoang lái hình chóp. (Hình 83)
Ta có thể thấy bằng chứng về việc các vị thần Sumer không chỉ sở hữu những “khoang bay” chao lượn trên bầu trời Mặt đất mà còn có những tàu vũ trụ tên lửa đa tầng qua việc giải thích những ghi chép mô tả các linh vật trong đền thờ Utu tại Sippar. Người ta kể rằng các nhân chứng ở tòa án tối cao Sumer được yêu cầu tuyên thệ tại sân trong của đền thờ, đứng cạnh cánh cổng vào, họ có thể nhìn thấy và đối diện với 3 “linh vật”. Những linh vật này được gọi là “quả cầu vàng” (khoang lái của phi hành đoàn?), GIR và alikmahrati – thuật ngữ có nghĩa là “máy làm tàu chuyển động”, hay theo cách gọi của chúng ta ngày nay là mô-tơ, động cơ.
Điều đáng chú ý ở đây là nó khiến ta liên tưởng đến một con tàu tên lửa có 3 phần, phần khoang lái hay mô-đun điều khiển ở phía trên cùng, động cơ ở phía dưới cùng và phần gir ở giữa. Từ gir này là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực liên quan đến các chuyến bay vũ trụ. Những người lính canh mà Gilgamesh gặp tại lối vào bãi đáp của Shamash được gọi là người gir. Trong ngôi đền thờ Ninurta, khu nội điện thiêng liêng được bảo vệ cẩn mật nhất được gọi là GIR.SU (“nơi gir bay lên”).
Theo nhiều người biết thì gir là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một vật thể có cạnh sắc. Khi xem xét kỹ càng ký hiệu hình tượng của từ gir chúng ta sẽ hiểu hơn về bản chất “thuộc về thần linh” của nó, bởi thứ chúng ta nhìn thấy là một vật thể dài hình mũi tên được chia làm nhiều bộ phận hay tổ hợp khác nhau:
Việc chiếc mu có thể tự bay lượn trên bầu trời Mặt đất, hay cất cánh khi được gắn cùng với một gir, hay nó là mô-đun điều khiển nằm phía trên một apin đa tầng là minh chứng cho kỹ năng cơ khí điêu luyện của các vị thần Thiên đường và Mặt đất của Sumer.
Qua xem xét chữ tượng hình và chữ viết ghi ý của người Sumer ta có thể khẳng định rằng người vẽ ra những ký hiệu này dù là ai đi chăng nữa thì hẳn người đó cũng rất quen thuộc với hình dáng và mục đích của những quả tên lửa phụt lửa ở đuôi, những phương tiện giống như tên lửa và những “khoang lái” bay được.
Cuối cùng, hãy nhìn vào ký hiệu tượng hình của chữ “các vị thần” trong tiếng Sumer. Thuật ngữ này là một từ gồm hai âm tiết: DIN.GIR. Chúng ta đã biết từ GIR biểu tượng cho cái gì: một tên lửa hai tầng có cánh. Âm tiết đầu tiên DIN có nghĩa là “chính nghĩa”, “thuần khiết”, “sáng láng”. Khi kết hợp chúng lại với nhau, từ DIN.GIR chỉ “các vị thần” hay “thần linh” mang nghĩa “Đấng Chính nghĩa của những vật thể phát sáng có mũi nhọn” hay rõ ràng hơn là “Đấng Thuần khiết của những tên lửa phụt sáng”.
Ký hiệu tượng hình của từ din là:
khiến ta dễ dàng liên tưởng tới một động cơ phản lực mạnh mẽ đang phụt lửa ở đuôi và phần đầu để mở một cách khó hiểu. Nhưng sự khó hiểu này lại biến thành thú vị khi ta “đánh vần” từ dingir bằng cách ghép 2 ký hiệu tượng hình lại với nhau. Phần đuôi của chiếc gir trông giống như cái vây này khớp khít với chỗ mở ra ở đầu chiếc din! (Hình 84, 85)
Kết quả thu được thật đáng kinh ngạc: một tàu vũ trụ tên lửa đẩy gắn khớp cùng một tàu đổ bộ hệt như mô-đun mặt trăng gắn trên tàu mẹ Apollo 11! Thực tế nó là một phương tiện có 3 tầng, tầng này gắn chặt vào tầng kia: phần động cơ đẩy chứa động cơ, phần giữa chứa đồ dự trữ và thiết bị, phần “khoang lái” hình nón chứa những người được gọi là dingir – các vị thần thời cổ đại, các nhà du hành vũ trụ cách đây hàng thiên niên kỷ.
Vậy liệu ta có thể cho rằng người cổ đại khi gọi những vị thần của mình là “các vị thần của Thiên đường và Mặt đất”, họ muốn biểu thị rằng các vị thần đó là những người ở nơi khác đến với Mặt đất từ Thiên đường?
Nhờ bằng chứng về các vị thần cổ đại và phương tiện của họ này ta có cớ để tin rằng những vị thần đó cũng từng là những sinh vật sống bằng da bằng thịt, những con người từ trên trời xuống đất theo đúng nghĩa đen.
Ngay cả những con người cổ đại đã soạn ra Kinh Cựu ước – những người dâng hiến Kinh thánh cho một vị Thần duy nhất – cũng thấy cần thiết phải thừa nhận rằng những sinh vật đó đã từng hiện diện trên Mặt đất ở thời kỳ thượng cổ.
Phần đầu Chương 6 cuốn Sáng Thế Ký là một đoạn văn khó hiểu và là nỗi kinh hoàng của các dịch giả và các giáo sư thần học. Nó là sự đan xen giữa việc khái quát lại quá trình phát triển đông đúc của Con người qua các thế hệ sau Adam và câu chuyện về sự giải mê của các vị thần với Con người diễn ra trước trận Đại Hồng thủy. Nó khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng vào thời kỳ đó:
các con trai của Thiên Chúa
nhìn thấy con gái loài người xinh đẹp;
và họ lấy làm vợ
những cô họ ưng ý.
Những ám chỉ trong các câu thơ này, cùng sự tương đồng với các câu chuyện của người Sumer về các vị thần và con cháu của họ, cùng những đứa con á thần, kết quả của sự kết hợp giữa các vị thần và con người càng tăng lên khi ta đọc tiếp trong Kinh thánh:
Có người Nefilim ở trên Mặt đất,
thời bấy giờ và cả sau đó nữa,
khi con trai của Thiên Chúa
ăn ở với các con gái của Adam,
và các cô này sinh cho họ những người con.
Họ là những Đấng Bất tử hùng mạnh
Những Con người của shem.
Đây không phải là bản dịch truyền thống. Trong một thời gian dài, câu “Có người Nefilim ở trên Mặt đất” đã được dịch thành “có những người khổng lồ trên mặt đất”; nhưng gần đây một số dịch giả đã nhận ra sai sót và “chữa cháy” bằng cách đơn giản là để nguyên thuật ngữ Nefilim trong tiếng Hebrew trong bản dịch. Câu “những con người của shem” đã được hiểu theo nghĩa “những con người có tên” nên được dịch là “những con người có tên tuổi”. Nhưng như chúng tôi đã nói, thuật ngữ shem phải được hiểu theo nghĩa gốc của nó, đó là tên lửa, tàu tên lửa.
Vậy thuật ngữ Nefilim có nghĩa là gì? Có nguồn gốc là từ NFL (“được đưa xuống”) trong tiếng Semite, nghĩa của nó chính xác như những gì nó thể hiện: Những người được đưa xuống Mặt đất!
Các nhà thần học và học giả Kinh thánh đương đại đều có xu hướng né tránh đoạn Kinh thánh rắc rối này bằng cách giải thích theo kiểu ẩn dụ hoặc đơn giản là phớt lờ chúng luôn. Nhưng các ghi chép của người Do Thái vào thời kỳ Đền thờ Thứ hai đã ghi nhận âm hưởng của những truyền thuyết cổ về “những thiên thần giáng trần” trong các câu thơ trên. Thậm chí một số công trình nghiên cứu trước đây còn đề cập đến tên của các thần linh “xuống từ Thiên đường và ở trên Mặt đất thời đó” là: Sham-Hazzai (“người canh giữ shem), Uzza (“hùng mạnh”) và Uzi-El (“quyền năng của Thần”).
Malbim, người thuyết giảng Kinh thánh Do Thái nổi tiếng vào thế kỷ XIX đã ghi nhận những nguồn gốc xa xưa này và giải thích rằng “thời cổ đại đấng trị vì của các nước là con trai của các vị thần đã xuống Mặt đất từ trên Thiên đường để cai trị Mặt đất, lấy những người con gái loài người làm vợ và con cái của họ là những đấng anh hùng vĩ đại, những hoàng tử và quốc vương”. Malbim cho rằng những câu chuyện này là về các vị thần tà đạo, “con trai của các vị thần bị rơi từ trên Thiên đường xuống Mặt đất từ thời thượng cổ… đó là lý do tại sao họ tự gọi mình là ‘Nefilim’ có nghĩa là Những Người Rơi Xuống”.
Dù ý nghĩa thần học của những câu chuyện này có là gì đi chăng nữa thì nghĩa đen nguyên thủy của những câu thơ trên vẫn không thể nào thay đổi: Con trai của các vị thần xuống Mặt đất từ trên Thiên đường chính là người Nefilim.
Và người Nefilim chính là Người của Shem – Người của Tàu Tên lửa. Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ gọi họ bằng tên trong Kinh thánh.