CHƯƠNG 9
ĐỔ BỘ XUỐNG TRÁI ĐẤT

     on người mới chỉ đặt chân lên Mặt trăng và tiến hành thăm dò các hành tinh lân cận Trái đất bằng phi thuyền không người lái. Khoảng không bên ngoài những hành tinh lân cận này vẫn còn là một ẩn số với chúng ta bởi chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của những vệ tinh thăm dò cỡ nhỏ. Nhưng chính hành tinh của người Nefilim với quỹ đạo khổng lồ như một đài thiên văn di động đã giúp họ bao quát quỹ đạo của tất cả các hành tinh phía bên ngoài và tạo điều kiện cho họ tiến hành những quan sát đầu tiên về hầu hết các hành tinh trong hệ mặt trờiHệ Mặt trời.
Con ngườiặ vàlân cận Trái đấtKbên ngoài những hành tinh lân cận này còn là một ẩn số với chúng ta bởi chúng nằm ngoài tầm kiểm soát củavệ tinhcỡ nhưđã giúp họ bao quát phíahệ mặt trờiThế nên việc họ đổ bộ xuống Trái đất và mang theo một lượng lớn tri thức về lĩnh vực thiên văn và toán học vũ trụ là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Người Nefilim, “Các vị Thần của Thiên đường” trên Trái đất, đã dạy Con người cách quan sát bầu trời – giống như Đức Giê-hô-va đã thúc giục Abraham làm như vậy.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay cả các bức tượng và hình vẽ cổ xưa nhất, thô sơ nhất đều mang các ký hiệu thiên văn về các chòm sao hay các hành tinh; và rằng khi các vị thần được mô tả hay cầu khẩn, người ta dùng các biểu tượng thiên văn của họ như một ký hiệu tạo hình. Bằng cách cầu khẩn các biểu tượng thiên văn (“thần linh”), Con người không còn cảm thấy cô đơn; những biểu tượng này kết nối Nhân loại với người Nefilim, Trái đất với Thiên đường, Con người với vũ trụ.
Chúng tôi tin rằng một vài biểu tượng trong số đó cũng chứa đựng các thông tin mà chỉ có thể liên quan đến hành trình vũ trụ tới Trái đất.
Các nguồn tư liệu cổ cung cấp cho chúng ta rất nhiều những ghi chép và danh sách về các thiên thể và các vị thần khác nhau gắn liền với chúng. Thói quen gán nhiều tên gọi khác nhau cho cả các thiên thể lẫn các vị thần của người cổ đại khiến cho việc xác định của chúng ta ngày nay gặp nhiều khó khăn. Ngay cả trong những trường hợp đã được xác minh như sao Kim/Ishtar thì bức tranh nhận thức tổng thể cũng bị xáo trộn bởi những thay đổi giữa các vị thần. Đó là lý do tại sao trước đây người ta đã từng gán hình ảnh sao Kim với vị thần Ninhursag.
Các chuyên gia đã nghiên cứu và dần có thêm những thông tin phân loại thống nhất hơn về các nguồn tư liệu cổ này như E. D. Van Buren (Symbols of the Gods in Mesopotamian Art – Biểu tượng của các vị thần trong nghệ thuật của người Mesopotamia). Ông đã thu thập và sắp xếp hơn 80 biểu tượng của các vị thần và thiên thể được tìm thấy trên các con dấu lăn, tượng điêu khắc, bia đá, phù điêu, tranh tường và đặc biệt trên các cột đá (kudurru trong tiếng Akkad). Khi việc phân loại các biểu tượng cổ hoàn tất thì người ta thấy rõ rằng ngoài việc đại diện cho một số chòm sao nổi tiếng ở phía nam hay phía bắc (chẳng hạn như biểu tượng Rắn biển cho chòm sao Thủy Xà), những biểu tượng cổ này còn đại diện cho 12 chòm sao hoàng đạo (chẳng hạn như biểu tượng Con cua cho chòm sao Hổ Cáp), 12 vị Thần của Thiên đường và Mặt đất, hay 12 hành tinh của Hệ Mặt trời. Trên chiếc cột đá kudurru được Melishipak, vua xứ Susa, dựng lên có trình bày 12 biểu tượng cung hoàng đạo và biểu tượng của 12 vị thần gắn liền với 12 thiên thể.
Một tấm bia đá của vua Assyria, Esarhaddon mô tả vị vua này đang cầm chiếc Cốc Trường sinh đối diện với 12 vị Chủ thần của Thiên đường và Mặt đất. Chúng ta nhìn thấy 4 vị thần đứng trên các con thú, trong đó ta có thể xác định rõ ràng rằng Ishtar ở trên con sư tử và Adad giữ tia chớp trên tay. 4 vị thần khác được thể hiện bằng các dụng cụ đặc biệt gắn liền với họ, như Thần Chiến tranh Ninurta là chiếc quyền trượng đầu sư tử. 4 vị thần còn lại được thể hiện bằng hình ảnh các thiên thể - Mặt trời (Shamash), Quả cầu có Cánh (hành tinh thứ Mười hai, cung điện của Anu), hình lưỡi liềm của Mặt trăng và một biểu tượng nữa gồm 7 chấm tròn. (Hình 116)

Hình 116

Mặc dù sau này vị thần Sin thường được gán với hình ảnh Mặt trăng với hình ảnh lưỡi liềm tượng trưng nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy ở “thời xa xưa”, hình lưỡi liềm là biểu tượng của một vị lão thần râu dài và rậm, một trong những vị “lão thần” đích thực của người Sumer. Thường được mô tả với hình ảnh những dòng nước vây quanh, vị thần này chắc chắn là thần Ea. Hình lưỡi liềm cũng gắn liền với khoa học đo lường và tính toán, lĩnh vực mà Ea là vị thần bảo trợ. Vì vậy, việc Thần Biển cả và Đại dương Ea được gán với biểu tượng Mặt trăng, thiên thể tạo nên thủy triều của đại dương là điều dễ hiểu.
Vậy biểu tượng 7 chấm tròn có ý nghĩa gì?
Có nhiều bằng chứng khẳng định rằng đây là biểu tượng thiên thể của Enlil. Bức họa Cánh cổng của Anu (Quả cầu có Cánh) với Ea và Enlil tháp tùng 2 bên (xem Hình 87) thể hiện 2 vị thần này bằng biểu tượng hình lưỡi liềm và 7 chấm tròn. Trong số những bức họa biểu tượng thiên thể rõ ràng nhất được Ngài Henry Rawlinson (The Cuneiform Inscriptions of Western Asia – Các ghi chép chữ hình nêm của vùng Tây Á) tỉ mỉ sao chép lại thì vị trí trang trọng nhất được dành cho một nhóm 3 biểu tượng đại diện cho Anu cùng 2 người con trai tháp tùng; điều này cho thấy biểu tượng của Enlil có thể là 7 chấm tròn hoặc “ngôi sao” 7 cánh. Chi tiết đặc biệt và quan trọng trong biểu tượng thiên thể của Enlil chính là con số 7 này (Ninhursag, con gái của thần Enlil đôi khi cũng xuất hiện trong các bức họa này và được thể hiện bằng hình ảnh chiếc kéo cắt dây rốn). (Hình 117)

Hình 117

Các chuyên gia đã không thể lý giải được lời tuyên bố của Gudea, vua xứ Lagash, rằng “số 7 trên trời là 50”. Những nỗ lực về số học – sử dụng một số công thức để biểu diễn hoặc diễn giải mối liên hệ giữa số 7 và số 50 – đều thất bại. Tuy nhiên, ta có thể nhìn thấy một câu trả lời đơn giản: Gudea tuyên bố rằng thiên thể liên quan đến con số “7” là biểu tượng của vị thần “50”. Thần Enlil, vị thần có con số thứ bậc 50 có thiên thể đại diện là hành tinh thứ bảy.
Vậy hành tinh nào là hành tinh của Enlil? Chúng ta hãy nhớ lại những ghi chép nói về thời xa xưa trong phần trước của cuốn sách này, khi các vị thần đầu tiên xuống Mặt đất, khi Anu ngự trị trên Hành tinh thứ Mười hai và 2 người con trai của thần đã xuống Trái đất thông qua bắt thăm. Ea được giao “cai quản Vùng nước Sâu”, còn “Mặt đất chịu sự cai quản” của Enlil. Và câu trả lời cho câu hỏi trên dần được hé lộ từ ý nghĩa của những cứ liệu cổ này:
Hành tinh của Enlil chính là Trái đất. Đối với người Nefilim, Trái đất chính là hành tinh thứ bảy.

*

Vào tháng Hai năm 1971, Mỹ đã phóng một phi thuyền không người lái thực hiện nhiệm vụ dài hơi nhất cho đến nay. Phi thuyền này đã du hành suốt 21 tháng trong vũ trụ, đi qua sao Hỏa và vành đai thiên thể, tới địa điểm gặp gỡ đã được hoạch định chính xác với sao Mộc. Sau đó, đúng như dự đoán của các chuyên gia NASA, lực hấp dẫn cực lớn của sao Mộc đã “tóm lấy” phi thuyền này và phóng nó vào vũ trụ bên ngoài.
Với suy đoán rằng chiếc tàu Pioneer 10 này đến lúc nào đó sẽ bị lực hấp dẫn của một “Hệ Mặt trời” khác hút vào và rơi xuống một hành tinh nào đó trong vũ trụ, nên các nhà khoa họ của tàu Pioneer 10 đã gắn vào chiếc tàu này một tấm nhôm chứa đựng “thông điệp” đi kèm. (Hình 118)

Hình 118

Thông điệp này sử dụng ngôn ngữ tượng hình - với những ký tự và ký hiệu không khác nhiều so với những ký hiệu chữ viết tượng hình đầu tiên của người Sumer. Thông điệp này sẽ cho bất cứ ai tìm thấy tấm nhôm này biết rằng Con người gồm có đàn ông và đàn bà, có kích thước liên quan tới kích thước và hình dạng của chiếc phi thuyền. Nó tượng trưng cho 2 nguyên tố hóa học cơ bản của Trái đất ngày nay và vị trí của chúng ta trong mối tương quan với một nguồn phát xạ vô tuyến nhất định giữa các vì sao. Thông điệp cũng khắc họa Hệ Mặt trời của chúng ta với Mặt trời và 9 hành tinh nhằm giám tiếp nói với người tìm thấy tấm nhôm này rằng: “Chiếc phi thuyền mà bạn tìm thấy đến từ hành tinh thứ ba tính từ Mặt trời”.
Nền thiên văn học của chúng ta gắn liền với quan niệm cho rằng Trái đất là hành tinh thứ ba – đó là sự thực nếu ta bắt đầu tính từ Mặt trời, trung tâm hệ thiên văn của chúng ta.
Nhưng đối với những người ở gần Hệ Mặt trời của chúng ta tính từ bên ngoài vành đai thiên thể thì hành tinh đầu tiên mà họ gặp sẽ là sao Diêm Vương, hành tinh thứ hai là sao Hải Vương, hành tinh thứ ba là sao Thiên Vương chứ không phải Trái đất. Thứ tư là sao Thổ; thứ năm, sao Mộc; thứ sáu, sao Hỏa.
Và Trái đất sẽ là hành tinh thứ bảy.

*

Không ai ngoại trừ người Nefilim sau khi du hành tới Trái đất qua sao Diêm Vương, sao Hải Vương, sao Thiên Vương, sao Thổ, sao Mộc, sao Hỏa lại có thể coi Trái đất là “hành tinh thứ bảy” cả. Ngay cả khi có những ý kiến phản biện cho rằng chính cư dân Mesopotamia cổ đại chứ không phải những vị khách đến từ vũ trụ là người có kiến thức hay trí thông minh để tính toán vị trí của Trái đất không phải từ trung tâm Mặt trời mà từ ngoài rìa của Hệ Mặt trời thì vấn đề đặt ra là những cư dân cổ đại này phải biết về sự tồn tại của sao Diêm Vương, sao Hải Vương và sao Thiên Vương. Bởi vì họ không thể tự mình biết được những hành tinh ở phía ngoài Hệ Mặt trời này nên chúng tôi cho rằng chắc hẳn người Nefilim đã truyền lại những thông tin này cho họ.
Dù xuất phát từ bất cứ giả thuyết nào đi chăng nữa thì chúng ta đều đi đến kết luận: Chỉ có người Nefilim mới có thể biết đến sự tồn tại của các hành tinh bên ngoài sao Thổ và vì thế Trái đất khi được tính từ bên ngoài Hệ Mặt trời sẽ là hành tinh thứ bảy.
Trái đất không phải là hành tinh duy nhất có vị trí thứ tự trong Hệ Mặt trời được thể hiện bằng ký hiệu. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng sao Kim được khắc họa thông qua hình ảnh một ngôi sao 8 cánh: sao Kim là hành tinh thứ tám, tiếp ngay sau Trái đất, khi được tính từ bên ngoài. Ngôi sao 8 cánh này cũng là biểu tượng của nữ thần Ishtar, vị nữ thần được gán với hình ảnh sao Kim. (Hình 119)

Hình 119

Nhiều con dấu lăn và các di vật hình ảnh khác khắc họa sao Hỏa là hành tinh thứ sáu. Một con dấu lăn thể hiện vị thần gắn liền với sao Hỏa (ban đầu là thần Nergal, sau đó là thần Nabu) ngự trên một ngai vàng bên dưới biểu tượng một “ngôi sao” 6 cánh. (Hình 120) Các biểu tượng khác trên con dấu này tượng trưng cho Mặt trời, giống như cách chúng ta khắc họa ngày nay; Mặt trăng; và hình chữ thập tượng trưng cho “Hành tinh Băng qua” − Hành tinh thứ Mười hai.

Hình 120

Thời Assyria, “thứ tự thiên văn” của hành tinh tương ứng với một vị thần thường được thể hiện bằng số lượng biểu tượng các ngôi sao tương ứng được đặt bên cạnh ngai vàng của vị thần đó. Vì vậy, trên một chiếc đĩa khắc họa thần Ninurta có 4 biểu tượng ngôi sao cạnh ngai vàng của vị thần này. Hành tinh sao Thổ của vị thần này trong thực tế là hành tinh thứ tư theo cách tính của người Nefilim. Người ta cũng tìm thấy những hình vẽ tương tự cho phần lớn các hành tinh khác.

*

Sự kiện tôn giáo chính của người Mesopotamia cổ đại, Lễ hội Năm Mới kéo dài 12 ngày, tràn ngập những hình ảnh tượng trưng liên quan đến quỹ đạo của Hành tinh thứ Mười hai, quá trình hình thành của Hệ Mặt trời và chuyến đi của người Nefilim tới Trái đất. Tài liệu chân thực nhất ghi lại những “lời xác nhận niềm tin” này là các nghi lễ mừng Năm Mới của người Babylon; nhưng có bằng chứng cho thấy rằng người Babylon chỉ sao chép những phong tục có nguồn gốc từ lúc khởi đầu nền văn minh Sumer.
Ở Babylon, lễ hội này được diễn ra với một nghi thức rất nghiêm ngặt, chi tiết và bài bản; mỗi phần, mỗi hành động, mỗi lời cầu nguyện đều có nguyên do phong tục và ý nghĩa nhất định của nó. Các nghi lễ bắt đầu vào ngày đầu tiên của Nisan – tháng đầu tiên của năm – trùng với thời điểm xuân phân. Trong 11 ngày đầu, các vị thần theo địa vị của mình đến gặp thần Marduk theo thứ tự định sẵn. Vào ngày thứ 12, từng vị thần lần lượt rời khỏi cung điện của Marduk và vị thần này còn lại một mình trong ánh hào quang chói lọi. Từ đây ta thấy rõ mối liên hệ về sự xuất hiện của Marduk trong Hệ Mặt trời, “chuyến thăm” của ngài đến “nhà” của 11 thành viên khác và chia tay vào ngày thứ 12 – để vị Thần thứ 12 này tiếp tục giữ vị trí Chủ thần tách biệt hẳn với những vị thần còn lại.
Các nghi thức của lễ hội mừng Năm Mới diễn ra theo hành trình của Hành tinh thứ Mười hai. 4 ngày đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị, tương ứng với hành trình Marduk vượt qua 4 hành tinh đầu tiên (sao Diêm Vương, sao Hải Vương, sao Thiên Vương, sao Thổ). Kết thúc 4 ngày đầu tiên này, người Babylon tổ chức nghi lễ đánh dấu sự xuất hiện của hành tinh Iku (sao Mộc) trong tầm nhìn của Marduk. Lúc này Marduk đang di chuyển tới gần nơi diễn ra trận chiến; vị tư tế cấp cao của lễ hội bắt đầu ngâm “Thiên sử thi Sáng tạo” tượng trưng kể về trận chiến trên bầu trời đó.
Đêm thứ tư của lễ hội là một đêm không ngủ đối với người dân Babylon. Khi câu chuyện về trận chiến trên bầu trời được xướng lên và giây phút chuyển giao sang ngày thứ năm, theo nghi thức, mọi người tuyên bố Marduk là “Chúa tể” 12 lần, xác thực rằng sau trận chiến đó, Hệ Mặt trời có 12 thiên thể. Tiếp đến, họ xướng tên 12 thành viên của Hệ Mặt trời và 12 chòm sao hoàng đạo.
Nhiều khi, vào ngày thứ năm, thần Nabu – con trai và là người thừa kế của Marduk – đi thuyền từ nơi thờ cúng mình ở Borsippa đến đây. Nhưng vị thần này chỉ bước vào khu đền ở Babylon vào ngày thứ sáu, bởi vì vào thời kỳ này, Nabu là một thành viên trong nhóm 12 vị thần của người Babylon và hành tinh gắn liền với vị thần này là sao Hỏa – hành tinh thứ sáu.
Cuốn Sáng Thế Ký kể với chúng ta rằng vào ngày thứ sáu, “Trời đất cùng vạn vật” đã được sắp xếp đâu vào đó. Các nghi thức của người Babylon kỷ niệm những sự kiện dẫn đến sự hình thành của vành đai thiên thể và Trái đất cũng kết thúc trong 6 ngày đầu tiên của năm này.
Vào ngày thứ bảy, lễ hội này hướng trọng tâm vào Trái đất. Tuy các cứ liệu chi tiết về nghi thức của ngày thứ bảy rất hiếm nhưng H. Frankfort (Kingship and the Gods – tạm dịch: Vương quyền và các vị thần) tin rằng trong các nghi thức này có một sắc lệnh chung của các vị thần do Nabu đứng đầu tuyên bố giải phóng Marduk khỏi sự giam cầm trong “Dãy núi Đất thấp”. Sau khi tìm thấy những ghi chép mô tả chi tiết những cuộc đấu tranh giữa Marduk và và các vị thần khác đòi quyền cai trị Trái đất, chúng ta có thể nhận định rằng các sự kiện diễn ra trong ngày thứ bảy là những nghi thức tái hiện lại cuộc đấu tranh giành ngôi vị tối cao trên Trái đất (“hành tinh thứ Bảy”) của Marduk, những thất bại ban đầu, chiến thắng cuối cùng và việc soán đoạt được quyền lực của vị thần này.
Vào ngày thứ tám trong lễ hội mừng Năm Mới ở Babylon, theo bản sử thi Enuma Elish đã bị chỉnh sửa, Marduk sau khi giành chiến thắng trên Trái đất đã được trao các quyền năng tối cao. Sau đó, tất cả các vị thần với sự trợ giúp của nhà vua và dân chúng sẽ lên thuyền vào ngày thứ chín trong một lễ rước Marduk từ ngôi đền của mình trong khu cấm thành tới “Đền thờ Akita” nằm đâu đó bên ngoài thành. Marduk và 11 vị thần tới ở lại đó trong ngày thứ 11; vào ngày thứ 12, các thần chia tay và trở về cung điện của mình, lễ hội kết thúc.
Điểm nổi bật của lễ hội mừng Năm Mới ở Babylon có nguồn gốc xa xưa từ Sumer này chính là chi tiết về Đền thờ Akitu. Một số công trình nghiên cứu, như cuốn The Babylonian Akitu Festival – tạm dịch: Lễ hội Akitu của người Babylon của S. A. Pallis, cho rằng ngôi đền này là nét đặc trưng nổi bật trong các nghi lễ tôn giáo của người Sumer từ thiên niên kỷ 3 TCN. Bản chất của nghi lễ này là một đám rước đưa vị thần trị vì rời cung điện hay đền thờ của mình đi qua một số điểm dừng chân để tới một địa điểm bên ngoài thành. Người ta sử dụng một con thuyền đặc biệt được gọi là “Thuyền Thần linh” trong đám rước. Sau khi vị thần này hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào ở Đền thờ A.KI.TI, ngài trở về ngôi đền cũ của mình bằng chính chiếc Thuyền Thần linh đó theo đúng tuyến đường cũ trong sự ăn mừng và hân hoan của nhà vua và dân chúng.
Thuật ngữ A.KI.TI trong tiếng Sumer (có nguồn gốc từ từ akitu trong tiếng Babylon) có nghĩa đen là “tạo nên sự sống trên Mặt đất”. Thuật ngữ trên cùng với nhiều phương diện khác nhau của cuộc hành trình bí ẩn đưa ta tới kết luận rằng đám rước này tượng trưng cho chuyến đi đầy hiểm nguy nhưng cuối cùng cũng thành công của người Nefilim từ cung điện của mình tới hành tinh thứ bảy, Trái đất.
Từ kết quả của những cuộc khai quật được tiến hành trong khoảng 20 năm trên vùng đất Babylon cổ đại kết hợp khéo léo với các ghi chép nghi thức của người Babylon, các nhóm chuyên gia do F. Wetzel và F. H. Weissback đứng đầu (Das Hauptheiligtum des Marduks in Babylon – tạm dịch: Đền thờ của Marduk ở Babylon) đã tiến hành tái tạo lại khu đền thiêng của Marduk, các đặc điểm kiến trúc của tòa kim tự tháp cổ ziggurat và Đường Rước mà phần lớn tổ hợp này được dựng lại trong Bảo tàng Cận Đông cổ đại ở Đông Berlin.
Những cái tên mang tính biểu tượng của 7 điểm dừng chân và tên gọi của Marduk tại mỗi điểm dừng chân đều được xướng lên theo cả tiếng Akkad và tiếng Sumer – chứng tỏ nguồn gốc lâu đời của đám rước này và hệ thống biểu tượng của nó từ Sumer cổ đại.
Điểm dừng chân đầu tiên của Marduk, nơi tên gọi của vị thần này là “Đấng Trị vì Thiên đường”, được gọi là “Đền Thiêng” trong tiếng Akkad và “Đền Nước Sáng” trong tiếng Sumer. Tên gọi của vị thần này ở điểm dừng chân thứ hai vẫn còn là một ẩn số, còn điểm dừng chân này được gọi là “Nơi Cánh đồng Phân chia”. Tên điểm dừng thứ ba đã bị mất một phần và chỉ còn những từ đầu tiên là “Nơi đối mặt với hành tinh…”; và tên gọi của vị thần này được đổi thành “Chúa tể Phun lửa”.
Điểm dừng chân thứ tư được gọi là “Thánh địa của Số mệnh” và Marduk được gọi là “Chúa tể Bão tố các dòng nước của An và Ki”. Tên của điểm dừng chân thứ năm ít gây tác động mạnh hơn. Nó được gọi là “Con đường” và tên gọi của Marduk là “Nơi Lời của Đấng Chăn chiên xuất hiện”. Hành trình thuận buồm xuôi gió cũng được thể hiện qua tên gọi của điểm dừng chân thứ sáu “Con tàu Lữ khách” và tên gọi của Marduk được đổi thành “Vị thần của Lối ra”.
Điểm dừng chân thứ bảy là Bit Akitu (“Đền thờ tạo nên Sự sống trên Mặt đất”). Ở đó Marduk được gọi là “Vị thần của Ngôi đền Nghỉ ngơi”.
Theo chúng tôi thì 7 điểm dừng chân này trên đường rước của Marduk tượng trưng cho chuyến hành trình vũ trụ của người Nefilim từ hành tinh của mình tới Trái đất; rằng “điểm dừng” đầu tiên, “Ngôi đền Nước sáng” tượng trưng cho sao Diêm Vương; điểm dừng thứ hai (“Nơi Cánh đồng Phân chia”) chính là sao Hải Vương; điểm thứ ba, sao Thiên Vương; điểm thứ tư – điểm dừng của của Số mệnh với những trận bão – chính là sao Thổ. Điểm thứ năm, nơi “Con đường” trở nên rõ ràng, “Nơi Lời của Đấng Chăn chiên xuất hiện” chính là sao Mộc. Điểm thứ sáu, nơi chuyến hành trình chuyển sang “Con tàu Lữ khách” chính là sao Hỏa.
Và điểm thứ bảy là Trái đất – đích đến của cuộc hành trình, nơi Marduk đến được “Ngôi đền Nghỉ ngơi” (“đền thờ tạo nên Sự sống trên Mặt đất” của vị thần này).

*

“Cơ quan Hàng không và Vũ trụ” của người Nefilim đã quan sát Hệ Mặt trời như thế nào trong chuyến hành trình tới Trái đất?
Về mặt logic – và trong thực tế – họ đã quan sát Hệ Mặt trời theo 2 phần. Phần thứ nhất là hành trình bao quanh khoảng không vũ trụ có 7 hành tinh từ sao Diêm Vương tới Trái đất. Phần thứ hai là khu vực, nằm ngoài cuộc hành trình du ngoạn bằng thuyền gồm 4 thiên thể – Mặt trăng, sao Kim, sao Thủy và Mặt trời. Trong thiên văn học và bảng phả hệ các vị thần thì 2 nhóm hành tinh này được coi là riêng biệt với nhau.
Về phương diện phả hệ, thần Sin (gắn liền với Mặt trăng) là vị thần đứng đầu nhóm “Bộ Tứ”. Shamash (Mặt trời) là con trai và Ishtar (sao Kim) là con gái của thần Sin. Người chú Adad (sao Thủy) là em trai của Sin, người luôn đồng hành với người cháu trai Shamash và (đặc biệt là) với người cháu gái Ishtar.
Trái lại, nhóm “Bộ Bảy” lại được nhóm lại với nhau trong các ghi chép về những biến cố của cả thần linh lẫn con người cùng với các sự kiện trên bầu trời. Họ là “7 vị quan tòa”, “7 sứ giả của vua Anu” và từ đó con số 7 trở thành con số thiêng. Chúng ta có “7 thành phố cổ”; các thành có 7 cửa; các cửa có 7 then cài; những lời ban phước cho 7 năm sung túc; những lời nguyền cho nạn đói và dịch bệnh kéo dài trong 7 năm; các đám cưới thần linh được tổ chức sau “7 ngày phối ngẫu”, v.v....
Trong suốt thời gian diễn ra các nghi lễ trọng thể như nghi thức kèm theo những chuyến viếng thăm hiếm hoi của thần Anu và phu nhân xuống Mặt đất, các vị thần đại diện cho Bộ Bảy Hành tinh được giao những vị trí và mặc những bộ lễ phục nhất định, trong khi nhóm Bộ Tứ được đối xử riêng biệt. Ví dụ, các quy định về nghi thức cổ cho rằng: “Các thần Adad, Sin, Shamash và Ishtar được ngồi lại trong sân điện đến tận bình minh.”
Ngưởi Sumer cho rằng mỗi nhóm trên nằm ở những khu vực riêng trên bầu trời và và tồn tại một “rào chắn vũ trụ” ngăn cách 2 nhóm này với nhau. Theo A. Jeremias (The Old Testament in the Light of the Ancient Near East – Kinh Cựu ước dưới quan điểm của vùng Cận Đông cổ đại), thì “có một ghi chép dạng thiên văn, thần thoại nổi bật” về một sự kiện vũ trụ khác thường nào đó, khi Bộ Bảy “tràn qua ‘Rào chắn’ Vũ trụ này”. Trong cuộc nổi dậy, hiện tượng 7 hành tinh sắp xếp thẳng hàng nhau một cách khác thường, “họ kết đồng minh với người anh hùng Shamash (Mặt trời) và Adad dũng cảm (sao Thủy)” – có lẽ hiện tượng này đồng nghĩa với việc tất cả các hành tinh này cùng tạo ra hấp lực tập trung vào một hướng duy nhất. “Trong khi đó, Ishtar (sao Kim) đang tìm kiếm một “nơi trú ngụ vinh quang” và phấn đấu trở thành Hoàng hậu của Thiên đường”. Người phải chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là Sin (Mặt trăng). “Bộ Bảy không sợ các điều luật… Đấng ban Ánh sáng Sin bị vây hãm dữ dội”. Theo ghi chép này, sự xuất hiện của Hành tinh thứ Mười hai đã giải thoát Mặt trăng đang chìm trong bóng tối và giúp nó “tỏa sáng trên Thiên đường” trở lại.
Bộ Tứ các hành tinh này nằm trong vùng trời mà người Sumer gọi là GIR.HE.A (“những dòng nước vũ trụ nơi tên lửa nhiễu loạn”), MU.HE (“sự nhiễu loạn của tàu vũ trụ”), hay UL.HE (“khu nhiễu loạn”). Ý nghĩa của những thuật ngữ khó hiểu này đã được phơi bày khi ta biết rằng người Nefilim quan sát vùng không gian vũ trụ của Hệ Mặt trời dưới góc độ hành trình của họ. Mới gần đây, các kỹ sư của Comsat (Tập đoàn Vệ tinh Liên lạc) mới phát hiện ra rằng Mặt trời và Mặt trăng “đánh lừa” các vệ tinh và “khóa chúng lại”. Các vệ tinh của Trái đất có thể bị “nhiễu loạn” bởi cơn mưa các mảnh vụn bắn ra từ bão mặt trời hay bởi những thay đổi trong sự phản xạ các tia hồng ngoại của Mặt trăng. Người Nefilim cũng ý thức được rằng các tàu tên lửa hay tàu vũ trụ đi vào “vùng nhiễu loạn” khi vượt qua Trái đất và đến gần sao Kim, sao Thủy và Mặt trời.
Tách biệt với nhóm Bộ Tứ bởi một chiếc rào chắn vũ trụ tưởng tượng, nhóm Bộ Bảy nằm trong khu vực mà người Sumer gọi là UB. Vùng ub này gồm có 7 phần trong tiếng Akkad được gọi là giparu (“nơi cư trú ban đêm”). Người ta có chút hoài nghi rằng đây có thể là nguồn gốc của tín ngưỡng về “7 Thiên đường” ở vùng Cận Đông.
7 “thiên thể” hay “quả cầu” của vùng ub này tạo thành kishshatu (“sự trọn vẹn”) trong tiếng Akkad. Thuật ngữ này có nguồn gốc là từ SHU trong tiếng Sumer, ám chỉ rằng “đây là phần quan trọng nhất”, là Khu vực Tối cao. Bởi vậy đôi khi nhóm Bảy Hành tinh này được gọi là “7 vị Ngời sáng SHU.NU” – nhóm Bảy hành tinh này “nghỉ ngơi trong Khu vực Tối cao”.
Thực tế, nhóm Bộ 7 này được mô tả chi tiết hơn nhóm Bộ Tứ. Các danh sách thiên thể của người Sumer, Babylon và Assyria đều mô tả chúng với nhiều tên gọi khác nhau và liệt kê chúng theo thứ tự chính xác. Đa số các chuyên gia với quan niệm cho rằng các ghi chép thời cổ đại không thể nào đề cập tới các hành tinh bên ngoài sao Thổ nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác các hành tinh được mô tả trong các ghi chép đó. Nhưng những phát hiện của chúng tôi đã khiến cho việc xác định và hiểu được ý nghĩa những tên gọi đó trở nên khá dễ dàng.
Hành tinh đầu tiên mà người Nefilim gặp khi tiến vào Hệ Mặt trời là sao Diêm Vương. Tên gọi của hành tinh này trong các danh sách của người Mesopotamia là SHU.PA (“người giám sát SHU”), hành tinh canh gác lối vào Khu vực Tối cao của Hệ Mặt trời.
Như chúng ta sẽ thấy, người Nefilim chỉ có thể hạ cánh xuống Trái đất khi tàu vũ trụ của họ được phóng lên từ Hành tinh thứ Mười hai ngay trước khi hành tinh này đi vào vùng lân cận với Trái đất. Vì thế họ có thể băng qua quỹ đạo của sao Diêm Vương không chỉ với tư cách là những cư dân trên Hành tinh thứ Mười hai mà còn là những nhà du hành trên một chiếc tàu vũ trụ đang chuyển động. Một ghi chép thiên văn mô tả hành tinh Shupa là nơi “thần Enlil định ra số phận của Xứ sở” – nơi vị thần phụ trách chiếc tàu vũ trụ này thiết lập đường đi chính xác cho Trái đất và Xứ sở Sumer.
Tiếp sau Shupa là IRU (“vòng lượn”). Ở khu vực của sao Hải Vương, có lẽ chiếc tàu vũ trụ của người Nefilim bắt đầu hành trình theo một đường cong lớn hay “lượn vòng” về phía mục tiêu cuối cùng. Trong một bản danh sách khác, hành tinh này được gọi là HUM.BA, có nghĩa là “đầm lầy tươi tốt”. Liệu đến ngày nào đó khi chúng ta tiến hành khám phá sao Hải Vương, chúng ta có thể phát hiện ra rằng hành tinh này được gán với hình ảnh đại dương là do những đầm lầy ngập nước mà người Nefilim đã từng nhìn thấy?
Sao Thiên Vương được gọi là Kakkab Shanamma (“hành tinh kép”). Sao Thiên Vương quả thật là người anh em song sinh với sao Hải Vương về kích cỡ và diện mạo. Có một danh sách của người Sumer gọi hành tinh này là EN.TI.MASH.SIG (“hành tinh của sự sống xanh tươi sáng ngời”). Phải chăng sao Thiên Vương cũng là một hành tinh được bao phủ bởi những đầm lầy xanh tươi?
Qua sao Thiên Vương là sao Thổ, một hành tinh khổng lồ (có kích thước lớn gần gấp 10 lần Trái đất), nổi bật với vành đai có kích thước lớn gấp đôi đường kính của hành tinh thứ Mười hai này. Được trang bị lực hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ và vành đai bí ẩn, sao Thổ là hành tinh tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đối với người Nefilim và chiếc tàu vũ trụ của họ. Điều này lý giải tại sao họ gọi hành tinh thứ tư này là TAR.GALLU (“kẻ phá hoại khổng lồ”). Hành tinh này còn được gọi là KAK.SI.DI (“vũ khí chính nghĩa”) và SI.MUTU (“người ra tay vì công lý”). Khắp vùng Cận Đông cổ đại, hành tinh này là biểu tượng cho vị quan tòa công minh. Liệu những tên gọi này là biểu hiện nỗi sợ hãi hay là sự liên tưởng đến những tai nạn thực sự xảy ra trong vũ trụ?
Như chúng ta đã thấy, các nghi thức Akitu đề cập đến “bão tố của các dòng nước” giữa An và Ki trong ngày thứ tư khi chiếc tàu vũ trụ đi đến giữa Anshar (sao Thổ) và Kishar (sao Mộc).
Một ghi chép rất cổ xưa của người Sumer trong lần xuất bản đầu tiên của nó vào năm 1912 đã được cho là “một ghi chép cổ đại kỳ diệu” chắc hẳn đã ghi lại thiệt hại của một con tàu vũ trụ và 50 người trên đó. Ghi chép này kể lại việc Marduk khi tới Eridu đã hối hả đến thăm người cha Ea của mình và thông báo những tin tức khủng khiếp:
“Nó được tạo ra như một vũ khí;
Nó phóng về phía trước như tử thần…
Nó đã đánh trúng
50 Anunnaki
Chiếc SHU.SAR hình con chim
đã bị nó đánh trúng ngực.”
Ghi chép này không mô tả rõ “nó” ở đây là gì mà có khả năng phá hủy SHU.SAR (chiếc “tàu bay lớn nhất”) cùng với 50 phi hành gia. Nhưng nỗi sợ hãi về hiểm nguy trong vũ trụ rõ ràng chỉ có thể liên quan đến sao Thổ.
Có lẽ người Nefilim đã vượt qua được sao Thổ và thấy sao Mộc đang hiện ra trước mắt và thở phào nhẹ nhõm. Họ gọi hành tinh thứ năm này là Barbaru (“hành tinh sáng”) cũng như SAG.ME.GAR (“Đấng Vĩ đại, nơi ‘bộ quần áo vũ trụ’ bị thắt chặt). Một cái tên khác của sao Mộc là SIB.ZI.AN.NA (“người dẫn đường đích thực trong không gian”) cũng thể hiện vai trò của hành tinh này trong chuyến hành trình tới Trái đất của người Nefilim: Nó là “biển báo” giúp phi hành đoàn vượt qua khúc cua đầy khó khăn giữa sao Mộc và sao Hỏa và khu vực vành đai thiên thể đầy hiểm nguy. Từ những tên gọi này ta có thể thấy rằng dường như từ điểm mốc này người Nefilim mới khoác lên mình những bộ me, những bộ quần áo vũ trụ của họ.
Tên gọi thích hợp dành cho sao Hỏa là UTU.KA.GAB.A (“ánh sáng nơi cánh cổng của các dòng nước”), gợi cho ta nhớ về những mô tả của người Sumer và Kinh thánh về vành đai thiên thể, chiếc “vòng trang sức” vũ trụ chia tách “những dòng nước trên” với “những dòng nước dưới” của Hệ Mặt trời. Sao Hỏa còn được gọi chính xác hơn là Shelibbu (“kẻ ở gần trung tâm” Hệ Mặt trời).
Một bức vẽ lạ trên một con dấu lăn cho thấy khi vượt qua sao Hỏa, con tàu vũ trụ của người Nefilim lúc này liên tục kết nối đường truyền với “Trung tâm Điều khiển” trên Trái đất. (Hình 121)
Vật thể nằm ở trung tâm bức họa cổ đại này là Quả cầu có cánh − hình ảnh mô phỏng biểu tượng của Hành tinh thứ Mười hai. Tuy nhiên trông nó cứng cáp hơn. Những chiếc “cánh” của nó trông giống hệt như những tấm pin mặt trời trên các tàu vũ trụ Mỹ được trang bị để biến năng lượng mặt trời thành điện năng. Hai chiếc ăng-ten đặc trưng gắn liền với hình ảnh Quả cầu có cánh cũng được mô phỏng trong bức họa này.

Hình 121

Chiếc tàu vũ trụ thân tròn có cánh với phần đỉnh giống một chiếc vương miện và 2 chiếc “râu” này đang ở trên bầu trời, giữa sao Hỏa (ngôi sao 6 cánh), Trái đất và Mặt trăng. Trên Trái đất, một vị thần đang giơ tay chào đón nhà du hành vẫn còn đang ở trong vũ trụ gần với sao Hỏa. Nhà du hành này đội một chiếc mũ bảo hộ có tấm che mặt và che ngực. Phần dưới của bộ quần áo trông giống như “người cá” – có lẽ đây là thiết bị bảo hộ bắt buộc trong trường hợp phải hạ cánh khẩn cấp xuống đại dương. Nhà du hành này đang cầm một thiết bị trên một tay, tay còn lại đang đáp lại lời chào đón từ Trái đất.
Trái đất, hành tinh thứ bảy đang dần hiện ra. Trong danh sách “7 vị thần trên trời”, hành tinh này được gọi là SHU.GI (“chốn nghỉ ngơi của SHU”). Nó cũng có nghĩa là “nơi kết thúc của SHU”, của Khu vực Tối cao trong Hệ Mặt trời – đích đến của cuộc hành trình vũ trụ dài hơi.
Trong khi ở vùng Cận Đông cổ đại, âm gi đôi khi được biến thành âm ki (“Mặt đất”, “đất cạn”) quen thuộc hơn thì ở thời đại chúng ta cách phát âm và âm tiết gi vẫn giữ được nghĩa gốc của nó, giống như cách hiểu của người Nefilim: geo-graphy (địa lý), geo-metry (hình học), geo-logy (địa chất học).
Ở dạng chữ viết tượng hình cổ xưa nhất, ký hiệu SHU.GI cũng có nghĩa là shibu (“thứ bảy”). Và các ghi chép thiên văn giải thích như sau:
Shar shadi il Enlil ana kakkab SHU.GI ikabbi
“Chúa tể của những Dãy núi, thần Enlil, đồng nhất với h
ành tinh Shugi”
Tương ứng với 7 địa điểm dừng chân trong chuyến hành trình của Marduk, những cái tên của các hành tinh cũng cho ta biết về một chuyến bay trong vũ trụ. Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến hành trình này chính là hành tinh thứ bảy, Trái đất.

*

Chúng ta có thể không bao giờ biết được bao nhiêu năm nữa thì có ai đó trên một hành tinh khác sẽ tìm thấy và hiểu được thông điệp khắc trên tấm bản nhôm gắn trong tàu Pioneer 10. Và chúng ta cũng cho rằng ước muốn tìm thấy trên Trái đất một tấm nhôm như vậy – một tấm biển gửi đến cho Con người những thông tin về vị trí và đường đi của Hành tinh thứ Mười hai sẽ mãi rơi vào vô vọng.
Vậy mà bằng chứng phi thường đó lại tồn tại.
Bằng chứng này là một tấm đất sét được tìm thấy tại phế tích Thư viện Hoàng gia ở Nineveh. Giống như nhiều tấm đất sét khác, đây là một bản sao mà người Assyria chép lại từ bản gốc của người Sumer. Tuy nhiên, không giống như những tấm đất sét khác, nó lại có dạng hình tròn; và mặc dù một số ký tự hình nêm trên chiếc đĩa này vẫn còn nguyên vẹn đến mức hoàn hảo nhưng các chuyên gia đảm nhiệm việc giải mã tấm đất sét này cuối cùng phải gọi nó là “tài liệu khó hiểu nhất của người Mesopotamia”.
Năm 1912, L. W. King, sau này trở thành người phụ trách các cổ vật Assyria và Babylon ở Bảo tàng Anh đã tạo ra một bản sao chính xác đến từng chi tiết của chiếc đĩa này, vốn được chia làm 8 phần. Những phần chưa bị hư hại thể hiện những khối hình học chưa từng thấy trên bất cứ đồ tạo tác cổ đại nào khác, được thiết kế và vẽ ra với sự chính xác đáng nể. Chúng gồm có những mũi tên, những hình tam giác, các đường thẳng giao nhau và thậm chí có cả một hình elip – một hình cong toán học mà trước đây được cho là chưa từng được biết đến trong thời cổ đại. (Hình 122)

Hình 122

Chiếc đĩa đất sét lạ thường và khó hiểu này lần đầu tiên thu hút sự chú ý của cộng đồng các nhà khoa học trong một báo cáo được đệ trình lên Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh vào ngày 9 tháng Một năm 1880. Trong một trong những bài thuyết trình đầu tiên về chủ đề “Nền thiên văn học Babylon”, R. H. M. Bosanquet và A. H. Sayce đã gọi chiếc đĩa này là một bình đồ địa cầu (mô phỏng tái hiện bề mặt của một quả cầu trên mặt bản đồ phẳng). Họ tuyên bố rằng một số ký tự hình nêm trên chiếc đĩa này “nói về các phép đo… và có vẻ như chúng chứa đựng ý nghĩa kỹ thuật nào đó”.
Nhiều tên gọi của các thiên thể xuất hiện trên 8 phần của chiếc đĩa này thể hiện tính chất thiên văn của nó khá rõ ràng. Bosanquet và Sayce đặc biệt tò mò với 7 “dấu chấm” trong một phần của chiếc đĩa. Họ nói rằng nếu không chạy dọc theo một đường thẳng gọi tên “ngôi sao của các ngôi sao” là DIL.GAN và một thiên thể có tên là APIN thì 7 dấu chấm này có thể tượng trưng cho các tuần trăng.
Các nhà khoa học này cũng cho rằng “không ai có thể nghi ngờ bức đồ hình khó hiểu này hợp với một lời giải thích đơn giản.” Tuy nhiên nỗ lực của họ trong việc đưa ra một lời giải thích đơn giản như vậy lại không có gì hơn ngoài việc đọc được chính xác các ý nghĩa ngữ âm của những ký tự hình nêm này và đi đến kết luận rằng chiếc đĩa là một bình đồ địa cầu.
Khi Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh xuất bản một bản phác thảo của bình đồ địa cầu này, J. Oppert và P. Jensen đã đạt thêm thành tựu trong việc đọc được tên của một số ngôi sao và hành tinh. Tiến sĩ Fritz Hommel trong bài báo “Die Astronomie der Alten Chaldaer – Thiên văn của người Chaldea cổ đại” đăng trên một tạp chí Đức năm 1891 đã hướng sự chú ý của mọi người tới thực tế rằng mỗi mỗi phần trong 8 phần của chiếc bình đồ địa cầu này đều tạo thành một góc 45 độ, từ đó ông kết luận rằng chiếc đĩa cổ này thể hiện bao quát toàn bộ 360° của bầu trời. Ông đưa ra ý kiến cho rằng tiêu điểm của chiếc đĩa đánh dấu một vị trí nào đó “trên bầu trời của người Babylon”.
Vấn đề không được đưa ra thảo luận cho đến khi Ernst F. Weidner trong bài báo xuất bản lần đầu vào năm 1912 (Babyloniaca: Zur Babylonischen Astronomie – tạm dịch: Babyloniaca: Thiên văn học của người Babylon) và sau đó trong cuốn giáo trình Handbuch der Babylonischen Astronomie – tạm dịch: Hướng dẫn về thiên văn học của người Babylon (năm 1915) đã tiến hành phân tích chiếc đĩa này một cách toàn diện chỉ để đi đến kết luận rằng nó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Sự bối rối của Ernst F. Weidner là do đâu?
Chúng ta phát hiện ra rằng tuy các hình dạng hình học và tên các ngôi sao hay hành tinh được viết trong các phần của chiếc đĩa khá dễ đọc và dễ hiểu (ngay cả khi ý nghĩa hay mục đích của chúng không rõ ràng) thì những chữ khắc dọc theo các đường thẳng (tạo với nhau các góc 45 độ) lại không hề có nghĩa. Chúng luôn là một chuỗi những âm tiết lặp đi lặp lại theo ngôn ngữ Assyria. Chẳng hạn như chúng được viết như sau:
lu bur di lu bur di lu bur di
bat bat bat kash kash kash kash alu alu alu alu
Weidner kết luận rằng chiếc đĩa này được dùng cho cả mục đích về thiên văn lẫn chiêm tinh như một tấm bảng thần niệm chú, giống như những ghi chép chứa đựng các âm tiết lặp đi lặp lại khác. Với kết luận này, ông đã chôn vùi tất cả những ý định tìm hiểu thêm về chiếc đĩa độc đáo này.
Tuy nhiên, những dòng chữ được khắc trên chiếc đĩa này lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác nếu chúng ta thử đọc chúng không phải theo dạng ký tự từ của người Assyria mà theo dạng âm tiết từ của người Sumer; vì chắc chắn chiếc đĩa này là một bản sao mà người Assyria chép lại từ bản gốc của người Sumer trước đó. Khi xem xét một trong số những miếng ghép của chiếc đĩa (mà chúng ta có thể đánh số là I), những âm tiết vô nghĩa
na na na na a na a na nu (dọc theo đường thẳng đi xuống)
sha sha sha sha sha sha (theo viền đường tròn)
sham sham bur bur Kur (dọc theo đường nằm ngang)
trở nên có nghĩa dưới góc nhìn của các âm tiết từ trong tiếng Sumer. (Hình 123)

Hình 123

Chúng ta sẽ nhìn thấy một bản đồ hành trình đánh dấu con đường mà thần Enlil “đã đi qua các hành tinh” kèm theo một số hướng dẫn vận hành. Đường thẳng nằm nghiêng 45° mô phỏng đường hạ xuống của con tàu vũ trụ từ một điểm “cao cao cao cao”, xuyên qua “các đám mây hơi nước” và vùng thấp hơn không có hơi nước, hướng thẳng về điểm nằm ngang, nơi gặp gỡ giữa bầu trời và mặt đất.
Trong phần bầu trời gần với đường chân trời, các hướng dẫn dành cho phi hành đoàn rất dễ hiểu: Họ được yêu cầu “cài đặt cài đặt cài đặt” các thiết bị cho lần tiếp cận cuối cùng; sau đó, khi họ đến gần mặt đất, các “tên lửa tên lửa” được kích hoạt để giảm tốc độ của phi thuyền vốn phải tăng độ cao (“bay lên”) trước khi đến điểm hạ cánh vì phải vượt qua địa hình cao hoặc gồ ghề (“núi núi”).
Các thông tin được đưa ra trong miếng ghép này rõ ràng liên quan đến về một chuyến hành trình vũ trụ của chính thần Enlil. Ở miếng ghép thứ nhất này chúng ta nhìn thấy một phác họa hình học chính xác của 2 tam giác nối với nhau bằng một đường thẳng đổi hướng tại một góc. Đường thẳng này tượng trưng cho tuyến đường đi nhờ dòng chữ rõ ràng trên phác họa: “thần Enlil đi qua các hành tinh”.
Điểm xuất phát của cuộc hành trình là hình tam giác ở bên trái, tượng trưng cho những nơi xa xôi bên ngoài Hệ Mặt trời; đích đến nằm ở bên phải, nơi tất cả các phần của chiếc đĩa đều hướng về điểm hạ cánh.
Hình tam giác ở phía bên trái với cạnh đáy mở ra giống như một ký tự trong chữ viết tượng hình ở vùng Cận Đông mà nghĩa của nó được dịch ra là “lãnh địa của Đấng Trị vì, Vùng Núi non”. Hình tam giác ở phía bên phải được xác định bằng dòng chữ shu-ut il Enlil (“Đạo Enlil”); thuật ngữ được dùng để chỉ thiên cầu phía bắc của Trái đất.
Còn đường thẳng nằm xiên nối nơi mà chúng tôi tin là Hành tinh thứ Mười hai – “lãnh địa của Đấng Trị vì, Vùng Núi non” – với bầu trời Trái đất. Tuyến đường này đi qua 2 thiên thể là Dilgan và Apin.
Một số chuyên gia vẫn giữ quan điểm rằng đây là tên của những vì sao hoặc vệ tinh của chòm sao xa xôi nào đó. Hiện nay các phi thuyền có người lái và không người lái hiện đại của chúng ta định hướng bằng cách lấy một “điểm cố định” trên những ngôi sao sáng định sẵn, nên không loại trừ khả năng người Nefilim cũng sử dụng phương pháp định hướng tương tự. Tuy nhiên ý kiến cho rằng 2 cái tên này là những vì sao xa xôi lại phần nào mâu thuẫn với nghĩa của chúng: DIL.GAN có nghĩa đen là “điểm dừng thứ nhất”; còn APIN có nghĩa là “nơi thiết lập đường đi đúng”.
Ý nghĩa của những danh từ này thể hiện các điểm dừng chân, các mốc đi qua. Chúng tôi có xu hướng nhất trí với các chuyên gia như Thompson, Epping và Strassmaier, những người xác định Apin chính là sao Hỏa. Nếu vậy thì ý nghĩa của bức hình phác họa này trở nên rõ ràng: Tuyến đường nối liền giữa Hành tinh của Vương quyền và bầu trời Trái đất đi qua sao Mộc (“điểm dừng đầu tiên”) và sao Hỏa (“nơi thiết lập đường đi đúng”).
Các thuật ngữ mà trong đó danh từ mô tả các hành tinh gắn liền với vai trò của chúng trong chuyến hành trình vũ trụ của người Nefilim này khớp với các danh từ và tên gọi trong danh sách 7 Hành tinh Shu. Dòng chữ trên chiếc đĩa nói rằng đây là tuyến đường của Enlil được viết dưới một hàng 7 dấu chấm – 7 Hành tinh trải dài từ sao Diêm Vương cho đến Trái đất càng khẳng định thêm về kết luận của chúng tôi.
Không ngạc nhiên khi 4 thiên thể còn lại, những thiên thể trong “vùng nhiễu loạn”, được trình bày riêng biệt, ở ngoài thiên cầu phía bắc của Trái đất.
Những dẫn chứng chứng tỏ rằng chiếc đĩa này là một bản đồ vũ trụ hướng dẫn bay cũng xuất hiện trên tất cả các phần chưa bị hư hại của nó. Đi tiếp theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, những gì còn đọc được của miếng ghép tiếp theo có dòng chữ sau: “nắm nắm nắm thả thả thả hoàn tất hoàn tất”. Miếng ghép thứ ba với một phần hình elip khác thường có những dòng chữ sau: “kabkab SIB.ZI.AN.NA… phái viên của AN.NA… thần ISH.TAR” và một câu gợi trí tò mò: “Thần NI.NI giám sát việc hạ xuống”.
Miếng ghép thứ tư dường như cung cấp những hướng dẫn về cách xác định điểm đến theo một nhóm sao nhất định và đường đi xuống được xác định là đường chân trời: Từ trời được lặp lại 11 lần bên dưới đường thẳng này.
Có phải miếng ghép này mô tả giai đoạn bay đến gần Trái đất, gần điểm hạ cánh hơn của con tàu vũ trụ hay không? Đoạn chữ nằm phía trên đường chân trời: “đồi đồi đồi đồi đỉnh đỉnh đỉnh đỉnh thành phố thành phố thành phố thành phố” được cho là nhằm lý giải cho giai đoạn này. Dòng chữ ở chính giữa viết rằng: “kakkab MASH.TAB. BA [Song Tử] có điểm giao cắt cố định: kabkab SIB.ZI.AN.NA [sao Mộc] trao tri thức”.
Trong trường hợp này, nếu như các miếng ghép của chiếc đĩa được sắp xếp theo một quy trình tiếp cận thì ta có thể chia sẻ với người Nefilim cảm giác vui sướng khi đến gần “sân bay” Trái đất. Miếng ghép tiếp theo tiếp tục xác định đường xiên đi xuống là “trời trời trời” cũng có nội dung rằng:
đèn của chúng tôi đèn của chúng tôi đèn của chúng tôi
thay đổi thay đổi thay đổi thay đổi
quan sát đường và địa hình cao
… đất bằng…
Lần đầu tiên đường chân trời có các con số:
tên lửa tên lửa
tên lửa lên lượn
40 40 40
40 40 20 22 22
Đường phía trên của miếng ghép tiếp theo không còn ghi “trời trời” nữa, mà thay vào đó là các chữ “kênh kênh 100 100 100 100 100 100 100 100”. Chúng ta có thể nhận ra một hình vẽ trong phần bị hư hại nhiều này. Dọc theo một đường thẳng trên miếng ghép có chữ: “Ashur” (“Ngài là người quan sát” hay “đang quan sát”).
Miếng ghép thứ bảy bị hư hại nặng nên chúng tôi không thể nghiên cứu gì thêm; chỉ nhận ra một vài âm tiết có nghĩa là “xa xa… tầm nhìn tầm nhìn” kèm lời hướng dẫn là “nhấn xuống”. Miếng thứ 8 và thứ 9 gần như còn nguyên vẹn. Các đường chỉ hướng, các mũi tên và các dòng chữ đánh dấu một tuyến đường nằm giữa 2 hành tinh. Những hướng dẫn “vọt lên núi núi” thể hiện 4 bộ chữ thập lặp lại 2 lần cụm từ “nhiên liệu nước ngũ cốc” và 2 lần cụm từ “hơi nước nước ngũ cốc”.
Liệu miếng ghép này có phải mô tả công tác chuẩn bị cho chuyến bay tới Trái đất hay quá trình chuẩn bị nhu yếu phẩm trở về Hành tinh thứ Mười hai? Khả năng thứ hai có vẻ đúng với trường hợp này, vì đường thẳng có mũi tên nhọn chỉ về phía điểm hạ cánh trên Trái đất lại đi kèm với một “mũi tên” khác ở đầu kia chỉ theo hướng ngược lại và có dòng chữ “Trở về”. (Hình 124)
Khi Ea sắp xếp cho sứ giả của Anu “dọn đường cho Adapa lên Thiên đường” và Anu phát hiện ra mưu mẹo này, ngài đã ra lệnh được biết:

Hình 124

Tại sao Ea, lại tiết lộ kế hoạch Thiên đường - Mặt đất
với một con người vô giá trị
trao cho hắn quyền năng xuất chúng,
làm cho hắn một Shem?
Trong chiếc bình đồ địa cầu vừa mới được giải mã, chúng tôi thực sự đã nhìn ra một bản đồ tuyến đường, một “kế hoạch Thiên đường - Mặt đất”. Bằng ngôn ngữ ký hiệu và lời nói, người Nefilim đã vẽ ra tuyến đường nối liền hành tinh của họ tới hành tinh của chúng ta.

*

Những ghi chép bí ẩn khác về các khoảng cách vũ trụ cũng trở nên dễ hiểu khi được xem xét theo quan điểm bám sát vào cuộc hành trình vũ trụ từ Hành tinh thứ Mười hai. Một ghi chép như vậy được tìm thấy tại khu phế tích ở Nippur có niên đại được cho là khoảng 4.000 năm và hiện đang được bảo tồn tại Phòng sưu tầm Hilprecht thuộc Đại học Jena, Đức. O. Neugebauer (The Exact Sciences in Antiquity – Các khoa học chính xác thời cổ đại) cho rằng tấm bảng chi chép này chắc chắn là một bản sao “của một bản gốc có niên đại cổ hơn”; nó đưa ra các thông số về khoảng cách vũ trụ bắt đầu từ Mặt trăng tới Trái đất và sau đó tới sáu hành tinh khác trong vũ trụ.
Phần thứ hai của ghi chép này đưa ra các công thức toán học để giải quyết hầu hết các vấn đề liên hành tinh với nội dung như sau (theo một số cách hiểu):
40 4 20 6 40 x 9 là 6 40
13 kasbu 10 ush mul SHU.PA
eli mul GIR sud
40 4 20 6 40 x 7 là 5 11 6 40
10 kasbu 11 ush 6½ gar 2 u mul GIR tab
eli mul SHU.PA sud
Các chuyên gia chưa hoàn toàn thống nhất được cách hiểu chính xác đối với các đơn vị đo lường trong phần ghi chép này (có một cách hiểu khác được Tiến sỹ J. Oelsner, phụ trách Phòng Sưu tầm Hilprecht ở Jena đề xuất với chúng tôi trong một bức thư). Tuy nhiên, rõ ràng là phần thứ hai của ghi chép này tính toán các khoảng cách từ SHU.PA (sao Diêm Vương).
Chỉ có người Nefilim, những người đã đi qua nhiều quỹ đạo hành tinh khác nhau mới có thể đưa ra những công thức này và chỉ có họ mới cần đến những dữ liệu như vậy.
Xét thấy hành tinh của chính mình và mục tiêu Trái đất luôn không ngừng chuyển động, người Nefilim phải hướng phi thuyền của mình không phải tới vị trí của Trái đất tại thời điểm phóng mà là nơi nó đi qua tại thời điểm đến đích. Ta có thể lập luận chắc chắn rằng người Nefilim tính toán đường đi cho mình giống như các nhà khoa học ngày nay lên kế hoạch cho các nhiệm vụ tới Mặt trăng và các hành tinh khác.
Phi thuyền của người Nefilim ắt hẳn phải được phóng lên từ Hành tinh thứ Mười hai theo hướng quỹ đạo của hành tinh này, ngay phía trước điểm đến của nó ở khu vực gần Trái đất. Dựa trên luận điểm này và rất nhiều yếu tố khác, Amnon Sitchin, tiến sỹ về hàng không và cơ khí đã vạch ra cho chúng ta thấy 2 đường đi khác nhau của chiếc phi thuyền này. Theo đường đi thứ nhất thì người Nefilim bắt buộc phải phóng phi thuyền từ Hành tinh thứ Mười hai trước khi quỹ đạo của nó đến điểm cực viễn. Chỉ cần ít lực đẩy, chiếc phi thuyền sẽ không phải thay đổi hành trình nhiều khi giảm tốc. Trong khi Hành tinh thứ Mười hai (con tàu không gian khổng lồ) tiếp tục di chuyển theo quỹ đạo hình elip rộng lớn của nó, thì chiếc phi thuyền sẽ đi theo một đường đi hình elip ngắn hơn và đến Trái đất trước Hành tinh thứ Mười hai. Đường đi này có thể mang lại cả những thuận lợi và bất lợi cho người Nefilim.
Quãng thời gian 3.600 năm Trái đất vốn được áp dụng cho các nhiệm kỳ trị vì và nhiều hoạt động khác của người Nefilim trên Trái đất cho chúng ta thấy rằng hẳn là họ có xu hướng sử dụng đường đi thứ hai hơn, bởi vì đó là hành trình ngắn hơn và nằm ngay trên bầu trời Trái đất trùng với thời điểm Hành tinh thứ Mười hai đến gần Trái đất. Nếu vậy, người Nefilim phải phóng phi thuyền (C) khi Hành tinh thứ Mười hai đi được nửa đường từ điểm cực viễn trở về. Tốc độ của hành tinh này tăng lên nhanh chóng vì thế chiếc phi thuyền cần phải có động cực mạnh để vượt qua hành tinh mẹ và tới Trái đất (D) một vài năm Trái đất trước Hành tinh thứ Mười hai. (Hình 125)

Hình 125

Từ các dữ liệu kỹ thuật phức tạp, cũng như những gợi ý trong các ghi chép của người Mesopotamia, chúng ta thấy rằng dường như người Nefilim đã sử dụng cách tiếp cận Trái đất giống như cách NASA tiếp cận Mặt trăng: Khi tàu mẹ đến gần hành tinh mục tiêu (Trái đất), nó lượn vòng trong quỹ đạo quanh của hành tinh này và một phi thuyền nhỏ hơn tách khỏi tàu mẹ và thực hiện nhiệm vụ hạ cánh.
Việc hạ cánh chính xác xuống địa điểm xác định trên Trái đất đã khó, việc rời khỏi còn khó khăn hơn. Chiếc phi thuyền con phải quay trở lại tàu mẹ, sau đó con tàu này khởi động và tăng tốc độ tối đa để bắt kịp Hành tinh thứ Mười hai đang di chuyển theo quỹ đạo, vượt qua điểm cực cận của nó ở giữa sao Hỏa và sao Mộc với tốc độ di chuyển cao nhất. Tiến sĩ Sitchin đã tính toán được rằng có 3 điểm trên quỹ đạo Trái đất mà chiếc tàu mẹ của người Nefilim có thể lựa chọn làm bàn đạp bắt kịp Hành tinh thứ Mười hai từ 1,1 đến 1,6 năm Trái đất.
Lộ trình phù hợp, sự hướng dẫn từ Trái đất và sự phối hợp hoàn hảo với hành tinh mẹ là những yếu tố cần thiết giúp con tàu vũ trụ của người Nefilim đã hoàn thành cuộc hành trình của mình một cách hoàn hảo.