Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương Kết

     áng hôm sau ngủ dậy tôi thấy người đau ê ẩm. Có lẽ lâu ngày không đánh nhau nên cơ thể nó phản ứng thế này chăng? Tôi còn đang nằm nghĩ rằng, thế này thì không còn gì mà tự hào nữa, thì bà chủ nhà mang báo địa phương Tứ Quốc vào, đặt dưới gối. Thực ra xem báo cũng thấy mệt, nhưng chả lẽ đàn ông mà mới có một tí thế này đã chịu bẹp hay sao. Nghĩ thế nên tôi cố gắng vừa nằm sấp, ẹp bụng xuống giường, giở tờ báo ra xem. Giở trang hai tờ báo, tôi giật thót mình. Vụ đánh nhau hôm qua được báo đưa tin khá dài. Việc báo đăng tín về vụ này thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vấn đề là bài báo. Sau khi viết: "Gã Hot- ta, giáo viên trường trung học và một tay xấc xược mới từ Tokyo đến nhận việc ở trường, đã xúi giục các em học sinh hiền lành gây rối loạn. Hai gã đã trực tiếp có mặt ở hiện trường để chỉ huy cuộc đánh nhau, và đã đánh các học sinh trường sư phạm tơi bời theo ý muốn của chúng", bài báo bình luận: "Từ trước đến nay, trường trung học của tỉnh ta, với bản chất hiền hòa, nghiêm túc, đã là tấm gương và mục tiêu phấn đấu cho cả nước. Vậy mà do hai gã trẻ tuổi vô tích sự này, niềm kiêu hãnh độc quyền của trường đã bị tan vỡ. Cả tỉnh lấy làm xấu hổ về vụ này và chúng ta căm phẫn, đòi phải làm rõ trách nhiệm. Chúng ta tin rằng nhà đương cục có biện pháp xử lí thích đáng hai kẻ vô lại này, không cho phép chúng có mặt trong nghề nhà giáo nữa, trước khi chúng ta phải ra tay." Dưới những dòng chữ này đều có gạch đen để nhấn mạnh. Tôi nằm trong chăn văng tục "đồ ăn cứt" rồi tung chăn nhảy phắt dậy. Rất lạ là, thân thể tôi, từ nãy đến giờ đau ê ẩm là thế, mà lúc này thấy nhẹ bẫng, vừa nhảy một cái là đau đớn biến tất. Tôi vo viên tờ báo, ném tọt ra vườn, vẫn chưa cảm thấy vừa lòng, tôi lại nhặt, đem ném vào nhà xí. Báo chí chỉ là cái đồ toàn nói láo. Trên đời này, thằng nói láo giỏi nhất chính là báo. Những cái điều, lẽ ra chính tôi phải nói thì chúng lại đi tự mình bịa ra mà viết. Đã thế lại còn "gã xấc xược mới từ Tokyo đến..." Thử nghĩ xem trên đời này có ai tên là "gã" bao giờ không? Tôi đây tôi cũng có tên, có họ đầy đủ hẳn hoi chứ! Còn nếu muốn xem gia phả nhà tôi, tôi sẵn sàng cho xem hết tổ tiên dòng họ, không thiếu một người nào kể từ đời Ta- da- no Man- ju- u trở lại.
Tôi đi rửa mặt, thấy một bên má đau nhói. Tôi tìm bà chủ nhà để mượn cái gương soi, bà ta hỏi:
- Thầy đã đọc báo sáng nay chưa?
Tôi bảo:
- Đọc rồi. Tôi đọc xong vứt vào trong nhà xí ấy. Nếu bà muốn xem thì đi mà nhặt.
Bà chủ nhà sững sờ, không dám hỏi nữa.
Tôi soi gương thấy mặt vẫn còn vết thương như hôm qua. Đây cũng là một bộ mặt đáng giữ gìn đấy chứ! Thế mà tôi đã làm cho nó bị tổn thương, lại làm cho bản thân bị gọi là "một gã xấc xược" như thế là quá đủ rồi.
Nếu để cho mọi người nghĩ rằng vì tôi sợ bài báo hôm nay mà không dám đến trường thì sẽ nhục suốt đời, nên tôi vội ăn cơm và đến trường sớm nhất. Những người khác đến sau, cứ nhìn thấy mặt tôi là ai cũng cười. Không hiểu họ cười cái gì nhỉ? Có phải đây là bộ mặt đã được các vị sửa soạn cho tôi đâu mà cười.
Hề Trống đến. Hình như đã chuẩn bị sẵn để trả thù việc bị đánh hôm liên hoan, vẫn cái ngón sở trường mọi khi, hắn giễu cợt:
- Ôi, đây chắc là chiến tích vinh quang, phải không?
Tôi bảo:
- Đừng có chõ mõm vào việc người khác. Hãy cứ ngậm cái bút vẽ của mình cho tốt đi.
- À, thế thì xin lỗi vậy. Nhưng trông có vẻ đau lắm nhỉ.
- Đau hay không đau thì cũng là mặt của tôi, tôi không khiến anh lo. Tôi quát. Hắn đi về chỗ của mình nhưng vẫn nhìn tôi và nói gì với ông thầy lịch sử ngồi bên cạnh vẻ bí mật, rồi cả hai cùng cười.
Đến lượt Nhím ló mặt đến. Sống mũi hắn sưng tím, tưởng như nếu ấn vào đó thì sẽ chảy mủ ra mất. Có lẽ vì hay vênh váo, nên mặt hắn bị nặng hơn mặt tôi. Ghế của tôi và của Nhím kê liền nhau. Tôi với hắn có mối quan hệ là hai kẻ gần nhau nhất trong những người đồng nghiệp ngồi gần xung quanh nhau. Đã thế, bàn chúng tôi lại kê đối diện với cửa ra vào chính, nên lại càng không may. Hai cái mặt kì quặc chụm vào một chỗ để cho những kẻ khác buồn chán lại đưa mắt liếc nhìn cho vui. Bọn ấy, ngoài miệng thì nói tội nghiệp "tai bay vạ gió" đấy, nhưng trong bụng thì chắc lại nghĩ "đúng là hai thằng gàn!" chứ chẳng sai đâu. Nếu không thì sao họ cứ thì thà thì thầm với nhau rồi cười khúc khích như vậy?
Khi tôi vào lớp thì bọn học trò đã vỗ tay để chào đón tôi. Một vài thằng còn hô "thầy muôn năm". Tình hình xem ra có vẻ tốt đẹp đấy, nhưng có thể chúng nó coi thường cũng nên. Trong khi tôi và Nhím trở thành mục tiêu cho mọi người chú ý thế này thì Áo Đỏ vẫn như bất kì lúc nào, bình thản đến cạnh hai đứa tôi, tỏ vẻ như tạ lỗi, sổ ra một tràng:
- Thật là một tai nạn không dưng đem đến. Tôi thấy hai anh thật tội nghiệp. Tôi cũng đã nói chuyện với hiệu trưởng về bài báo và đã làm thủ tục giấy tờ, đề nghị đính chính. Các anh đừng lo. Thằng em tôi đã rủ anh Hot- ta đi, cho nên chuyện này xảy ra tôi cũng có lỗi. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thu xếp vụ này. Mong các anh đừng bận tâm, lo phiền nhiều.
Đến tiết thứ ba, hiệu trưởng từ trong phòng đi ra, vẻ hết sức lo lắng, nói:
- Báo đưa chuyện rắc rối quá nhỉ. Nếu mà chuyện này không thành ra lôi thôi thì cũng không sao, nhưng...
Tôi chả thấy lo lắng gì cả. Nếu họ muốn miễn chức tôi thì trước khi họ ra lệnh, tôi làm đơn xin thôi việc, thế là xong. Nhưng mình không làm gì sai mà lại tự nhiên xin rút lui thì cái bọn báo chí bốc phét càng được nước. Vì thế tôi sẽ cứ giữ vị trí của mình và bắt bọn báo chí chúng phải sửa sai, đính chính mới hợp lẽ. Tôi có ý định, trên đường về hôm nay, tôi sẽ ghé qua tòa soạn đàm phán với họ. Nhưng nghe nói nhà trường đã có thông tri yêu cầu phủ định bài báo rồi, nên lại thôi...
Nhằm lúc hiệu trưởng và hiệu phó có thời gian rảnh, tôi và Nhím đã trình bày một loạt những chỗ đã bị vu cáo. Hai người lắng nghe và kết luận "Thì ra là thế! Vì tòa báo thù nhà trường, nên đã cố tình đăng bài như thế." Áo Đỏ đi thanh minh với từng người trong phòng về hành vi của chúng tôi. Hắn còn bộc bạch rằng chính em mình đã rủ thầy đi nên đó cũng là thiếu sót của hắn. Tất cả đều cho là tờ báo sai. Hai chúng tôi quả là bị tai nạn không may.
Trên đường về Nhím nhắc tôi:
- Này cậu, thằng cha Áo Đỏ là thối lắm đấy, phải cẩn thận, không thì nó cho ăn quả đậm đấy. Chẳng phải chỉ có hôm nay nó mới giở dói đâu. Cậu không thấy à? Từ hôm qua nó đã chả âm mưu lôi bọn mình đi để đẩy bọn mình vào cuộc đấy là gì?
Thì ra là thế. Tôi không nghĩ được như Nhím. Tôi phục hắn, trông thì có vẻ tuệch toạc, thế mà lại thông minh hơn tôi.
- Chính hắn đã đưa bọn mình vào cuộc, rồi lại tìm cách cho báo chí đăng tin như thế. Đúng là đồ quái vật.
- Bài báo cũng là do Áo Đỏ à? Thế thì khiếp thật. Nhưng sao tòa báo nó lại dễ dàng nghe lời Áo Đỏ như vậy?
- Sao lại không nghe? Trong tòa báo nhất định phải có bạn của nó rồi.
- Có bạn à?
- Nhất định rồi. Nó nói láo, bịa chuyện thế nọ thế kia, thế là bạn nó viết.
- Thật là đồ độc ác. Nếu đây là âm mưu của Áo Đỏ thì có lẽ kì này bọn mình bị đuổi việc cũng nên!
- Nếu họ cố tình chơi xấu thì chúng mình có khả năng bị đấy.
- Nếu thế thì tôi sẽ đưa đơn xin thôi việc và về Tokyo ngay. Tôi chẳng cần phải cậy cục để mà ở lại cái nơi hạ đẳng này làm gì.
- Ừ nhỉ! Thế thì chúng ta phải làm thế nào để cho nó cũng phải chịu thua thiệt chứ nhỉ?
- Cái đồ gian ngoan ấy, trước khi làm cái gì nó cũng nghĩ kĩ, sao cho không ai có cớ gì mà bắt bẻ nó được. Cho nên mình muốn làm gì nó cũng khó.
- Gay go nhỉ, thế thì mình đành chịu oan à? Không được. Công lí, lẽ phải thì phải được phân định rõ ràng theo lẽ tự nhiên chứ.
- Nếu thế thì chúng ta phải chờ mấy hôm nữa xem thế nào. Nếu không có gì khác thì chỉ còn mỗi cách là chờ bắt quả tang hắn ở dưới phố nước nóng nữa thôi.
- Còn vụ đánh nhau là đánh nhau. Đó là chuyện khác à?
- Đúng thế. Chúng ta phải bấm đúng huyệt của nó.
- Như thế cũng được đấy. về mưu trí thì tôi kém lắm, trăm sự nhờ anh lo. Khi nào cần, tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì.
Chúng tôi nói thế rồi chia tay nhau. Nếu quả thật Áo Đỏ đã làm như điều Nhím suy đoán thì tay này độc ác thật. Chỉ đấu trí bình thường thì nó không để cho mình dễ thắng nó được. Phải thật cao tay mới có thể trị được nó. Thì ra, vì thế mà trên thế giới này không bao giờ hết chiến tranh. Ngay cả cá nhân với cá nhân thôi, cũng đòi hỏi phải cao tay mới sống được!
Ngày hôm sau tôi nôn nóng chờ có báo để giở ra xem thì thấy chẳng những không đính chính, cũng chẳng có chỗ nào nói phủ định bài báo hôm qua. Đến trường, tôi giục ông Ta- nu- ki, ông ta bảo chắc ngày mai sẽ có bài cải chính. Hôm sau nữa, trên mục điểm tin, chữ nhỏ li ti, mới có một dòng ngắn ngủn nói rút bỏ bài báo hôm trước.
Tất nhiên, phía tòa báo không chịu cải chính. Tôi lại yêu cầu ông hiệu trưởng thì ông ta bảo không thể làm gì hơn được nữa. Hiệu trưởng chẳng qua chỉ là một tay có bộ mặt Chồn, mặc áo đuôi tôm mà chẳng có năng lực gì cả. Không thể bắt một tờ báo nhà quê xin lỗi vì đã đăng bài không có sự thật. Tôi tức giận bảo nếu thế thì một mình tôi sẽ đi gặp chủ bút. Ông ta vội bảo: "Làm như thế không được. Nếu anh làm thế thì chỉ tổ làm cho họ lại viết bài nói xấu thêm. Có nghĩa là cái gì đã bị viết lên báo rồi thì dù đúng, dù sai, dù thế nào cũng đành chịu thôi. Không có cách nào khác cả." Hắn còn lên lớp thêm cho tôi một tràng dài như nhà sư giảng đạo nữa. Nếu quả báo chí là cái thứ như vậy thì sao không dẹp đi sớm ngày nào hay ngày ấy cho chúng ta nhờ nhỉ. Hôm nay nghe Ta- nu- ki giảng giải, tôi mói hiểu ra rằng một người bị báo chí viết bài về mình thì cũng giống như bị ba ba cắn vậy.
Ba hôm sau, buổi chiều, Nhím đến tìm tôi, hăm hở báo:
- Thời cơ đã đến rồi, tôi định thực hiện cái kế hoạch hôm trước ta đã bàn nhau đây!
Tôi bảo:
- Thế à? Thế thì tôi sẽ cùng làm với anh. Tôi cũng nhập cuộc ngay.
Nhưng Nhím ngoẹo cổ do dự rồi bảo tôi:
- Thôi, cậu không nên tham gia thì hơn.
Tôi hỏi tại sao thì hắn bảo:
- Cậu có bị hiệu trưởng gọi lên, yêu cầu xin thôi việc không?
Tôi bảo:
- Không. Còn cậu thế nào?
Nhím bảo là hôm nay ở phòng hiệu trưởng, hắn đã bị gọi lên và hiệu trưởng bảo là "cũng thật là tội nghiệp cho anh, nhưng sự việc nó đã thế thì đành phải chịu. Xin tùy anh quyết định."
- Không thể có cái kiểu xử như thế được. Cái thằng cha Ta- nu- ki này hay vỗ bụng quá đáng, nên dạ dày hắn bị lộn ngược rồi chăng? Cậu và tớ cùng đi dự lễ mừng chiến thắng, cùng xem múa kiếm Không- chi, cùng nhảy vào dẹp đám đánh nhau. Nếu bắt thôi việc thì phải bắt cả hai cùng thôi mới công bằng chứ. Tại sao cái trường nhà quê này, một lẽ phải rành rành như thế cũng không hiểu nổi nhỉ? Thật là khó chịu quá.
- Cái đó là do bàn tay của Áo Đỏ mà ra thôi. Từ trước đến nay, tôi với hắn lúc nào cũng như lửa với nước. Còn cậu thì không có trở ngại gì cho hắn cả.
- Tôi mà lại hòa hợp với Áo Đỏ được hay sao? Tưởng để tôi lại cũng chẳng sợ gì thì láo quá.
- Chắc hắn cho cậu là người tuệch toạc, để cậu ở lại trường thì hắn muốn múa may, làm xiếc kiểu gì cũng không sao.
- Nghĩ thế thì lại càng láo hơn. Ai mà để yên cho hắn?
- Hơn nữa, vừa rồi anh Không- ga vừa mới đổi đi. Vì trục trặc nên người thay thế chưa kịp về, nếu bây giờ lại đẩy cả mình và cậu đi cùng một lúc thì sẽ ảnh hưởng đến học tập của học sinh. Dạy dỗ chệch choạc, học sinh nó sẽ chán học ngay.
- À, thế ra họ dùng mình để lấp chỗ trống đây. Cái bọn người vô lại này, không thể để cho chúng thao túng như thế được!
Hôm sau đến trường, tôi vào ngay phòng hiệu trưởng, đàm phán về chuyện này:
- Tại sao ông không đề nghị tôi cũng xin thôi việc?
- Sao? Ta- nu- ki ngạc nhiên há hốc mồm.
- Bảo Hot- ta thôi việc mà lại không bảo tôi, cái luật nào có cái luật như vậy không?
- Cái đó là vì hoàn cảnh của trường...
- Hoàn cảnh của nhà trường là sai. Nếu mà tôi có thể không thôi việc thì Hot- ta cũng phải như thế chứ.
- Cái này cũng khó giải thích để anh hiểu. Việc anh Hot- ta thôi việc là việc bắt buộc không thể đừng được. Nhưng còn anh, nếu anh xin thôi, chúng tôi cũng không chấp nhận.
Đúng là cái đồ Chồn Cáo, liến láu toàn những lời lẽ không đâu, mà lại còn tỏ ra rất ung dung điềm đạm nữa. Tôi không biết làm gì, đành nói:
- Nếu thế thì tôi cũng xin thôi việc. Các ông thì có thể nghĩ là Hot- ta cứ việc thôi việc, còn tôi thì cứ ung dung mà ở lại cũng không hề gì. Nhưng tôi thì tôi không thể sống theo kiểu thiếu tình nghĩa như thế được.
- Nếu vậy thì gay quá nhỉ. Nếu anh Hot- ta đi rồi mà anh cũng đi, thì trường ta sẽ không có ai dạy toán…
- Mặc kệ. Cái đó tôi không biết.
- Anh không nên nói ngang như thế. Anh cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của trường một chút chứ. Hơn nữa, anh mới về trường chưa đầy một tháng mà đã xin thôi việc thì lí lịch của anh sau này sẽ bị ảnh hưởng. Cái đó, anh cũng phải nghĩ tới chứ.
- Lí lịch của tôi thế nào cũng được. Đạo lí còn quan trọng hơn lí lịch.
- Cái đó rất đúng. Những điều anh nói cũng rất đúng. Nhưng anh cũng phải thông cảm những điều tôi đã nói. Nếu anh cứ khăng khăng đòi thôi việc thì cũng được, nhưng xin hãy chờ cho đến khi có người về thay. Bây giờ mong anh hãy cứ suy nghĩ lại cho kĩ đi đã.
Suy nghĩ lại! Chuyện đã rõ rành rành ra như thế, chả cần phải suy nghĩ gì cả. Song nhìn thấy mặt Ta- nu- ki cứ đỏ lên lại tái đi trông cũng tội nghiệp, nên tôi cũng rút lui và hứa là sẽ suy nghĩ lại. Tôi không thèm nói chuyện với Áo Đỏ nữa. Đằng nào cũng sẽ trừng trị hắn thì cứ để tất cả tội của hắn đó, rồi dồn vào trị một thể.
Tôi nói lại với Nhím về tình hình cuộc thương lượng giữa tôi và hiệu trưởng vừa qua thì hắn bảo đại loại hắn cũng đoán như vậy. Quả đúng như Nhím đã nói, họ giữ tôi lại chẳng qua để tránh sự hụt hẫng, chệch choạc của môn toán trong trường. Nhím quả thật thông minh hơn tôi, từ nay mọi việc tôi sẽ làm theo lời hắn.
Cuối cùng, Nhím đã đưa đơn xin thôi việc, chào từ biệt tất cả giáo viên, công nhân viên trong trường, rồi dọn đến ở dưới nhà trọ Mi- na- to ở mãi tận dưới bãi biển. Sau đó, Nhím lại bí mật trở lại nhà hàng Ma- su- ya, ở trên tầng hai, phía mặt tiền nhà hàng và bắt đầu khoét một cái lỗ trên cửa lùa bằng giấy để theo dõi. Việc này thì chỉ có một mình tôi biết. Buổi tối, Áo Đỏ thường mò đến đây, nhưng còn sớm thì sợ bị học sinh hay mọi người biết, nên bao giờ cũng cứ khuya, sau chín giờ mới tới. Hai đêm đầu tiên, tôi cũng thức theo dõi tới quá mười một giờ nhưng không thấy hắn tới. Đêm thứ ba, chúng tôi rình từ chín giờ đến mười giờ rưỡi cũng không được. Không còn gì dở hơn là thất bại trở về vào lúc nửa đêm. Được năm sáu hôm như vậy thì bà chủ nhà bắt đầu có vẻ lo lắng nhắc nhở: "Thầy đã có gia đình rồi, đừng đi chơi đêm như vậy." Chơi đêm này là một loại chơi khác. Chơi này là trò chơi thay trời trừng phạt kẻ gian ác.
Nhưng rồi một tuần trôi qua vẫn không có kết quả, tôi bắt đầu thấy nản. Vốn bản tính nóng nảy, bộp chộp nên lúc hăng thì tôi có thể thức suốt đêm cũng được, song bù lại, lại chẳng làm cái gì được lâu. Dù cho đây là việc thay trời trị tội kẻ gian mà cuối cùng tôi cũng thấy chán. Hết ngày thứ sáu, tôi thấy nản. Sang ngày thứ bảy tôi định bỏ cuộc. Trong lúc đó, Nhím vẫn kiên trì, suốt đêm từ chập tối cho tới mười hai giờ đêm, lúc nào cũng dán mắt vào cửa nhìn xuống chân cột đèn của nhà hàng Ka- do- ya. Mỗi khi đến tôi lại ngạc nhiên nghe hắn tuyên bố con số thống kê của hắn là hôm nay nhà hàng có bao nhiêu khách, bao nhiêu người ở lại đêm, bao nhiêu cô gái làng chơi đến đó...
Tôi bảo kiểu này chắc nó không đến đây chăng, thì đôi khi Nhím khoanh tay thở dài nói: "Không, nhất định nó có đến mà." Tội nghiệp Nhím, nếu mà Áo Đỏ không đến đây cho một lần thì hắn sẽ không bao giờ thực hiện được ý định thay trời trừng phạt của hắn mất thôi.
Đến ngày thứ tám, tôi rời khỏi nhà trọ lúc bảy giờ. Đầu tiên tôi thong thả đi tắm nước nóng. Sau đó ra phố mua tám quả trứng gà. Đấy là phương sách của tôi để đối phó với khoai sọ kho của bà chủ nhà. Tôi bỏ vào mỗi bên ống tay áo bốn quả trứng, quàng chiếc khăn tắm màu đỏ lên vai, xỏ tay trong ngực áo, leo lên cầu thang nhà hàng Ma- su- ya. Vừa mở cửa phòng, thấy mặt Nhím rạng rỡ như thần Vi Thái Thiên, khoe rối rít: "Có triển vọng rồi. Có triển vọng rồi!"
Cho đến tận tối hôm qua, trông mặt hắn ỉu xìu xìu đến nỗi tôi nghĩ bụng "rõ thật là cái đồ hãm tài!" Thế mà bây giờ nhìn hắn tôi cũng vui hẳn lên, chẳng kịp hỏi han gì đã vội reo "vui quá, vui quá!"
- Tối nay, lúc bảy rưỡi, cô đào Su- zu đã đến nhà hàng Ka- do- ya rồi.
- Đi cùng với Áo Đỏ à?
- Không.
- Thế thì hỏng rồi.
- Hắn có hai cô kia. Nhưng dù sao cũng có triển vọng rồi.
- Tại sao?
- Là bởi vì hắn là thằng rất cáo, cho nên có thể hắn để cho nàng vào trước rồi mới lẻn vào sau.
- Có thể là như vậy. Bây giờ đã chín giờ rồi còn gì?
- Bây giờ mới có chín giờ mười hai phút.
Nhím vừa nói vừa vạch tay áo nhìn chiếc đồng hồ Niken và bảo tôi: "Tắt đèn đi. Để bóng hai cái đầu in vào cửa sổ thế này kì lắm. Thằng cáo ấy nó sẽ nghi ngay."
Tôi thổi phụt ngọn đèn dầu đang để trên chiếc bàn bọc giấy dầu. Cửa sổ chỉ còn lờ mờ ánh sao. Trăng vẫn chưa lên. Tôi và Nhím nín thở, áp mặt vào cửa sổ. Đồng hồ ngoài cột đường kêu "boong" một tiếng, báo hiệu chín rưỡi.
- Này, liệu nó có đến không nhỉ? Nếu mà đêm nay nó cũng không đến thì tôi sẽ bỏ cuộc đấy!
- Tôi thì chừng nào còn tiền tôi còn phục.
- Tiền à? Hết tất cả bao nhiêu?
- Đến hôm nay là tám ngày, mất tất cả năm yên sáu mươi sên rồi. Tôi trả tiền từng ngày để muốn đi lúc nào thì đi.
- Anh tính nước như thế hay đấy. Nhà trọ họ có ngạc nhiên không?
- Về nhà trọ thì không sợ gì, nhưng bị giam hãm thế này hơi mệt.
- Thay vào đó, ban ngày anh ngủ chứ gì?
- Ngủ thì ngủ, nhưng không được đi đâu ra ngoài, chán lắm.
- Thực hiện sự trừng phạt của trời cũng mệt nhỉ. Nhưng mà nếu lưới trời để lọt kẻ gian thì cũng buồn.
- Cậu nói gì vậy. Đêm nay nhất định nó sẽ đến mà. Kìa, nhìn kìa, nhìn kìa. Hắn khẽ reo lên làm tôi cũng hồi hộp.
Dưới chân cột đèn nhà hàng Ka- do- ya, một gã đàn ông đội mũ đen đứng nhìn lên rồi đi thẳng về chỗ có bóng tối. Nhầm rồi! chà, chà... Tôi nghĩ thế và đồng hồ lại điềm nhiên điểm, báo mười giờ. Kiểu này chắc đêm nay lại hỏng mất.
Tất cả xung quanh đã im ắng. Tiếng trống từ lầu xanh nghe rõ như gần ngay bên cạnh, tưởng chừng có thể giơ tay ra là với được. Từ phía sau ngọn núi, ở phố nước nóng, trăng đã nhô lên. Đường sáng vằng vặc. Rồi nghe thấy tiếng guốc lẹp kẹp. Nghiêng mắt về phía đó thì thấy có hai bóng người đang đi đến.
- Thôi, bây giờ chẳng còn sợ gì nữa nhỉ. Tống được cái gai đi rồi.
Đây đúng là tiếng của Hề Trống.
- Chỉ mạnh mẽ mà không có mưu trí thì cũng chả làm được trò gì.
Đây thì là tiếng Áo Đỏ.
- Cái thằng đó cứ như thằng du côn khốn kiếp, lại được thêm cái thằng công tử bột, phổi bò nữa, nên càng ra vẻ ta đây.
- Nào là không thích lên lương à, nào là đòi xin thôi việc à. Đến nước ấy thì đúng là thần kinh dị dạng rồi...
Tôi những muốn mở cửa sổ, nhảy từ tầng hai xuống, giã thẳng thừng cho bọn chúng ngay, nhưng đành phải cố nén chịu thêm chút nữa. Hai tên cười hí hí rồi chui qua chân đèn, vào trong nhà hàng Ka- do- ya.
- Hử.
- Đến rồi đấy.
- Ừ, thế là cuối cùng chúng đã đến.
- Thế này là yên tâm rồi.
- Cái thằng Hề Trống chó đẻ, nó dám gọi tôi là "công tử bột yêng hùng"!
- Còn nó nói "cái gai" là ám chỉ mình đấy. Thật láo lếu quá chừng.
Tôi và Nhím phải phục kích, chờ lúc hai tên đó ra về, nhưng không biết khi nào thì chúng mới ra. Nhím xuống tầng một, nói với nhà hàng là đêm nay có việc, có thể giữa đêm phải ra ngoài, nên nhà hàng đừng đóng cửa. Bây giờ nghĩ lại mới thấy nhà hàng đó thật là dễ tính. Lẽ ra người ta phải nghi ngờ đây là quân ăn trộm mới phải!
Khi phục chờ Áo Đỏ đến đã thấy chán lắm rồi, bây giờ chờ chúng quay ra lại càng thấy chán nữa. Không được ngủ, cứ phải dán mắt vào cửa sổ mà nhìn thì đã chán, lại thêm sự nôn nóng sốt ruột nữa, thật là không có lúc nào cảm thấy chán như lúc phải làm việc này. Thực ra, đã có lúc tôi đề xuất sáng kiến là cứ nhảy vào nhà hàng Ka- do- ya bắt chúng tại chỗ đi. Nhưng Nhím chỉ nói một cái là tôi rút lui ý kiến ngay. "Nếu bọn mình nhảy vào giờ này thì nhà hàng họ coi bọn mình là lũ côn đồ hành hung, họ chặn lại ngay. Còn nếu nói rõ lí do và yêu cầu cho vào thì người ta sẽ nói là không có, hoặc dẫn mình vào phòng khác. Nếu cứ xông bừa vào thì có bao nhiêu là phòng, biết nó ở phòng nào? Cho nên, dù chán cũng phải chờ cho đến lúc nó ra, chứ không còn cách nào khác được." Thế là chúng tôi đành phục cho đến năm giờ sáng.
Vừa nhìn thấy bóng hai thằng ra khỏi nhà hàng Ka- do- ya là tôi và Nhím bám theo ngay. Chuyến tàu đầu tiên trong ngày vẫn chưa có, nên chúng phải đi bộ đến đường phố dưới chân lâu đài. Ra khỏi thị trấn suối nước nóng, thì có một rặng thông dài chừng nửa con sào nằm giữa hai bên là ruộng trũng. Đi khỏi rặng thông này, thì có một con đê chạy thẳng đến đường phố dưới chân lâu đài và lác đác có một vài ngôi nhà. Nếu ra khỏi rặng thông thì chúng tôi có thể đuổi kịp chúng bất cứ lúc nào. Nhưng tốt nhất là nên tóm chúng ở chỗ rặng thông vắng vẻ này. Chúng tôi bám riết ngay sau lưng chúng. Vừa ra khỏi thị trấn, lập tức chúng tôi chạy vụt đến chỗ hai thằng như một luồng gió. Tôi thét "Dừng lại!" và nắm ngay lấy vai một thằng vừa ngoái lại vì giật mình, tưởng có gì xảy ra.. Hề Trống vội co cẳng định chạy như con sói, tôi liền nhảy lên trước chặn lại.
- Làm chức hiệu phó mà sao lại đi chơi đêm và ngủ lại trong nhà hàng Ka- do- ya? Nhím bắt đầu hỏi tội.
- Nhưng có quy định nào cấm ngủ đêm trong nhà hàng Ka- do- ya không nhỉ? Áo Đỏ vẫn bình tĩnh nói nhưng mặt thì hơi tái.
- Một người nghiêm chỉnh đến mức nói là không nên đến các hiệu bánh, hiệu phở, phải làm gương cho học sinh, mà sao lại đi ngủ đêm trong nhà hàng với các cô gái ả đào?
Thấy có cơ hội, Hề Trống lại định chuồn. Tôi liền đứng chặn trước mặt hắn, quát: "Mày nói ai là công tử bột ngu xuẩn hả?"
- Không, tôi có nói cậu đâu. Hoàn toàn không phải thế.
Hề Trống nói láo xược. Lúc này tôi mới để ý thấy hai tay mình vẫn giữ chặt ống tay áo. Vì khi chạy, những quả trứng trong đó cứ lủng lẳng, vướng nên tôi phải nắm tay để giữ và cứ nắm như thế mà chạy. Tôi liền thọc tay vào ống tay áo, móc ra hai quả, vừa thét vừa đập mạnh vào mặt Hề Trống. Hai quả trứng vỡ bét, lòng đỏ chảy ròng ròng từ sống mũi hắn, chảy xuống. Bị bất ngờ, Hề Trống kêu "úi" rồi ngã bệt xuống đất, miệng kêu "cứu tôi với". Tôi mua trứng định để ăn chứ không phải để đập như thế này, nhưng vì quá tức nên dù không định cũng đã làm. Thấy Hề Trống ngã bệt xuống, tôi thấy mình làm thế mà hay nên còn lại sáu quả tôi đập tất vào mặt hắn, vừa đập vừa mắng "đồ con lợn, đồ con lợn". Mặt hắn biến thành một màu vàng khè. Trong lúc tôi đập trứng vào mặt Hề Trống thì cuộc đấu khẩu giữa Nhím và Áo Đỏ đang vào hồi cao điểm nhất.
- Anh có chứng cớ nào chứng minh là tôi đã dẫn cô đào vào ngủ trong nhà hàng không?
- Lúc chập tối, tao đã trông thấy cô ả quen của mày vào trong nhà hàng ấy. Đừng có mà lấp liếm.
- Không cần gì phải lấp liếm cả. Tôi và anh Yo- shi- ka- wa cùng ở với nhau có hai người. Còn lúc chập tối, có cô nào vào hay không thì cũng chẳng có liên quan gì với tôi cả.
- Im mồm đi! Nhím lên gân, nện cho hắn một quả. Áo Đỏ lảo đảo người nhưng vẫn nói:
- Thế này là hành động thô bạo, là hành hung. Không nói cho ra lí ra lẽ mà chỉ dùng tay để nói chuyện như thế này là không đúng!
- Không đúng cũng đủ quá rồi. Nhím lại giáng thêm một quả nữa. Cái loại gian giảo như mày, không nện thì không xong... vừa nói vừa tiếp tục đấm "bụp... bụp..."
Cùng lúc đó, tôi cũng tới tấp nện Hề Trống. Cuối cùng, cả hai thằng ngồi thụp xuống gốc thông. Không biết là chúng đã bị rệu rã không còn cử động được nữa, hay là đã bị hoa mắt, không còn nghĩ đến bỏ chạy nữa!
- Đủ chưa? Nếu chưa thì bọn tao còn giã nữa!
Chúng tôi vừa hỏi vừa tiếp tục thụi "bịch... bịch..." Áo Đỏ kêu "Đủ rồi!" Tôi cũng hỏi Hề Trống:
- Còn mày, đã đủ chưa?
- Tất nhiên là đủ rồi! Hề Trống đáp.
- Chúng mày là đồ gian ác. Đây là sự trừng phạt của Trời. Từ rày phải nhớ lấy và chừa đi.
Dù có bẻm mép, cãi giỏi đến mấy thì chính nghĩa cũng không tha cho đâu, nghe chưa? Nhím nói. Cả hai thằng im bặt, không nói năng gì. Hay là chúng thấy sợ lúc này mà nói cũng mệt.
- Tao không bỏ chạy mà cũng không trốn tránh gì cả. Từ giờ cho đến năm giờ chiều nay, tao có mặt ở nhà hàng Mi- na- to dưới bãi biển. Nếu cần gì, hay đi báo cảnh sát thì cứ việc.
Nhím nói thế xong, tôi nói theo:
- Tao cũng không chạy, không trốn, cũng cùng ở chỗ anh Hot- ta. Nếu muốn báo cảnh sát thì cứ đi mà báo.
Nói xong, hai đứa tôi đàng hoàng bước đi rất hiên ngang.
Tôi về đến nhà trọ trước bảy giờ. Vào đến phòng là tôi xếp hành lí ngay. Bà chủ nhà thấy thế, ngạc nhiên hỏi:
- Thầy làm sao thế? Tôi bảo:
- Tôi về Tokyo để đưa vợ đến đây, bà ạ.
Nói xong, tôi thanh toán tiền nhà rồi đi tàu luôn xuống bãi biển. Vào nhà hàng Mi- na- to, thấy Nhím đang ngủ trên tầng hai. Tôi định viết ngay đơn xin thôi việc mà chẳng biết nên viết như thế nào. Cuối cùng chỉ viết được là "Vì lí do cá nhân của mình mà tôi xin thôi việc để về Tokyo. Vậy kính mong quý Ngài chấp nhận cho tôi được đội ơn vạn bội." Viết xong tôi gửi cho ông hiệu trưởng theo đường bưu điện.
Tàu thủy khởi hành vào lúc sáu giờ chiều. Tôi và Nhím đều mệt nên ngủ khò khò một mạch. Khi mở mắt ra thì đã quá hai giờ, hỏi các cô hầu phòng là có thấy cảnh sát đến không? Các cô trả lời là chẳng thấy ai đến cả.
- Thế là Áo Đỏ cũng không báo, Hề Trống cũng không báo cho cảnh sát gì nhỉ!
Hai chúng tôi cười ầm lên với nhau. Tối hôm đó, tôi và Nhím rời bỏ mảnh đất dữ dằn này. Tàu càng rời xa bờ, càng cảm thấy dễ thở. Tôi đi thẳng một mạch từ Kô- bê đến Tokyo. Khi về tới Shin- ju- ku mới thực sự cảm thấy mình đã trở lại trần thế. Từ khi chia tay Nhím hôm đó đến nay, tôi chưa có dịp gặp lại hắn lần nào.
Tôi quên chưa nói về bà Ki- yô. Về đến Tokyo, tôi chưa về nhà trọ mà xách nguyên cả hành lí, tìm đến chỗ bà:
- Bà Ki- yô, cháu đã về đây này.
- Ôi cậu nhỏ. Cậu đã về sớm nhỉ. Bà vừa nói vừa nước mắt lã chã. Tôi cũng phấn khởi nên nói luôn là tôi sẽ không đi về nhà quê nữa, sẽ ở lại Tokyo, làm nhà và sống cùng với bà.
Sau đó, nhờ có người giới thiệu, tôi vào làm nhân viên kĩ thuật cho sở tàu điện thành phố, mỗi tháng được hai mươi lăm yên tiền lương, trả tiền thuê nhà mất sáu yên. Mặc dù không phải là ngôi nhà có tiền sảnh, nhưng bà Ki- yô rất hài lòng. Nhưng tội nghiệp, tháng hai vừa rồi bà đã mất vì bị viêm phổi. Trước khi mất một ngày, bà gọi tôi đến cạnh, trăng trối:
"Cậu nhỏ ơi! Nếu tôi chết thì xin cậu cho tôi ở trong chùa của cậu nhé. Tôi sẽ nằm trong mộ mà vui mừng chờ đợi cái ngày cậu cũng vào trong đó đấy!"
Vì thế cho nên bây giờ mộ của bà vẫn nằm trong chùa Dưỡng Nguyên ở Không- bi- na- ta.

HẾT


Xem Tiếp: ----