à Helen Tworkov, nguyên là Biên Tập Viên Tạp Chí Tricycle, là một nhân chứng đã sống qua nhiều giai đoạn của lịch sử Phật giáo ở Mỹ. Bà là một trong những người đầu tiên sang Á châu để tìm hiểu Phật giáo, một trong những người đã góp công vào việc biến những danh từ Phật giáo như Nghiệp, Niết bàn và Giác ngộ thành những từ ngữ quen thuộc ở cửa miệng người Mỹ.Là người thành lập cũng như biên tập của tạp chí Tricycle, một tạp chí PG rất được ưa chuộng ở Mỹ, bà Helen Tworkov đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn, tu tập với các vị thầy Phật giáo có nhiều ảnh hưởng ở cả Đông và Tây phương. Có lẽ hơn ai hết, bà có thẩm quyền để nhận xét về sự hình thành, phát triển của Phật giáo ở Mỹ.Khi được hỏi về lý do đầu tiên khiến bà hướng về PG, mắt bà sáng lên, xúc động hồi tưởng về những động lực đã khiến bà chọn con đường đi khác với mọi người ở tuổi đời trẻ trung đó.Bức xúc về chiến tranh ở Việt Nam, thất vọng về một nền văn hóa hầu như bế tắc, Helen Tworkov, cũng như nhiều người thuộc về thế hệ của bà đã hướng về Á châu, về PG để tìm sự chuyển đổi cho bản thân họ cũng như cho xã hội Mỹ lúc bấy giờ.Ở khoảng thời gian đó, bà đã được đọc những bài viết của Thiền sư D.T Suzuki về vô thường và cái chết. Bà nói: “Thật là khác với những điều xã hội đã nói với chúng tôi, những điều chúng tôi đọc được thật chính đáng, và hoàn toàn không có tính cách thần thoại hay lạ lẫm”. Nên khi vừa tròn hai mươi hai tuổi, Helen Tworkov đã sang Nhật, trở thành một trong những người Tây phương đầu tiên, cũng như một trong những người phụ nữ Tây phương đầu tiên trên đường tìm đến nền văn hóa tâm linh của Đông phương.Sau đây là lược dịch bài phỏng vấn của Amy Edelstein, phóng viên Báo What is Enlightenment, với Helen Tworkov.***+ Bà đã theo dõi sự phát triển của PG suốt 25 năm qua với tư cách là Phật tử cũng như trong vai trò biên tập viên của tạp chí Tricycle. Bà có thể nói gì về những thay đổi mà bà nhận thấy được?-Có rất nhiều thay đổi. Ngày nay PG được nhiều người biết đến và Phật pháp được nhiều người chú tâm nghiên cứu. Ngày nay, hiện tượng đó không phải là một hình thức phản kháng xã hội. Nhưng vào những năm sáu mươi, đã có phong trào chống đối xã hội, đòi hỏi chuyển đổi xã hội, chuyển đổi con người, lúc đó khó mà phân biệt là PG bắt nguồn từ phong trào chống chiến tranh hay ma túy. Lúc đó người ta cảm thấy quá thất vọng về xã hội đương thời, rất nhiều người trong chúng tôi bắt đầu hướng về PG, không biết có vì một động lực chung nào đó không, như với chúng tôi ngày xưa, điều đó thì tôi không rõ.+Tu viện và sự thoát ly cuộc sống thế gian là truyền thống của PG. Nhưng ở các Giáo hội PG Mỹ, gần như người ta tránh nói về sự thoát ly đó. Hình thức tu viện không được các Phật tử Tây phương chấp nhận lắm. Vậy mà có những người như giáo sư Robert Thurman lại cho rằng PG sẽ không thể trường tồn ở Mỹ nếu như không có sự phát triển của các tu viện truyền thống. Ý kiến của bà thế nào?-Tôi cũng nghĩ như thế.+Vì hình thức tổ chức của tu viện là quan trọng hay chính vì sự các tu viện đòi hỏi người sống ở đó từ bỏ cuộc sống thế gian là quan trọng?-Tôi nghĩ là người ta cần phải có một không gian vật lý cụ thể để tạo áp lực cho sự tu tập. Rất khó tập trung chuyên sâu vào Phật pháp khi chúng ta không có một nơi mà ta có thể nói: “Ở đây ta chỉ cần chuyên tu”. Ngày nay người ta thấy các vị tu sĩ lăng xăng đây đó, vừa phải lo việc giác ngộ, phải tiếp xúc với người này người nọ, phải nhớ giữ giới luật. Nhưng không phải chỉ có vậy, một số ít còn phải lo phát triển nghề nghiệp, tạo dựng nhà cửa, làm thứ nọ thứ kia. Trong khi công việc của một tu sĩ là phải lo hành Phật pháp.+Bà đã so sánh tu viện như những chiếc nồi áp suất – nhưng áp suất của cái gì? Để tạo ra gì đó, hay để chuyển đổi vô minh thành giác ngộ? Hình như đó là điều mà ít người Tây phương muốn để ý đến.-Đúng thế. Ông đã nêu vấn đề xã hội Tây phương cảm thấy dị ứng đối với sự phát triển của các tôn giáo. Tôi thấy xã hội này đặc biệt không chấp nhận sự yên lặng, thanh tịnh. Sự yên lặng dễ làm xã hội Mỹ cảm thấy bị đe dọa. Đó là lý do tại sao người ta ít thấy các tu viện được hình thành ở đây, ngay cả các tu viện Công giáo cũng dần dần biến mất. Vì tu viện là biểu tượng của sự im lặng. Tu viện là không gian vật lý, nhắc nhở chúng ta rằng: “Hãy ngừng lại, hãy chậm bước, hãy lắng dịu xuống”. Nhưng xã hội Mỹ không thích những điều như thế. Người ta cảm thấy bị đe dọa trước sự yên lặng, nhưng sự ồn ào, náo động thì lại được đón tiếp nồng hậu.+Điều gì sẽ giúp chúng ta duy trì được sự giác ngộ truyền thống?-Tôi nghĩ chính là các tu viện. Các tu viện giúp duy trì truyền thống giác ngộ. Không phải vì chỉ có ở tu viện người ta mới đạt được giác ngộ, nhưng tu viện là biểu tượng, là hình ảnh gợi cho ta nhớ đến tính khả thi của giác ngộ. Không có các tu viện, điều này rất khó thực hiện.+Như thế bà có nghĩ là các tu sĩ Tây phương thực hiện được điều đó không?-Tôi mong cho tất cả các tu sĩ đều hoàn toàn đạt được giác ngộ. Nhưng điều đó không thể có rồi. Thực tế là càng ngày tôi càng thấy có một số giảng sư giảng giải Phật pháp nhưng không hiểu gì lắm về những điều mình nói. Đó là điều khó thể tránh được.+Nhưng ý kiến của bà thế nào về những điều ấy?-Có rất nhiều Thiền sư hay đạo sư Thiền, nếu ở trong môi trường lý tưởng của Thiền truyền thống, có lẽ ít nhất họ cũng đạt được kinh nghiệm về…+Bất nhị nguyên?-Tôi chắc là họ phải có ít nhiều kinh nghiệm về điều đó. Quan trọng là họ đạt được điều đó qua sự hiểu biết của chính mình. Nhưng rõ ràng sự thực không phải thế. Khi nhìn lại các vị thầy đã huấn luyện các thế hệ trước đó, và nhìn lại thế hệ truyền thừa của các vị thầy ở Mỹ ngày nay, bạn sẽ thấy một sự cách biệt rất lớn. Và đó là nhận xét chung cho tất cả tông phái, không riêng gì PG Tây Tạng, Nguyên thủy hay Thiền tông. Và có lẽ người nhận biết rõ điều đó không ai khác hơn chính là các vị thầy người Mỹ - những người đã được học hỏi với các vị thầy chân chính. Họ biết điều ấy hơn ai hết.Tuy nhiên cũng khó nói với những người vừa tìm đến với PG gần đây – thế hệ Phật tử thứ hai và thứ ba – rằng vào những năm 60, 70, chúng ta đã quá may mắn được tiếp nhận các vị đạo sư từ những nơi khác tới đây. Theo tôi, các vị ấy không phải là những nhà truyền giáo bình thường. Họ là các vị đạo sư được tuyển chọn, xuất sắc ngay trong xứ của họ. Trước Đức Đạt lai Lạt ma, chúng ta đã có các vị như Dudjom Rinpoche, Kalu Rinpoche, Karmapa và Trungpa Rinpoche. Và họ mang theo nguồn pháp tuyệt vời đến trao tặng cho ta.+Kết luận, bà nghĩ là Phật giáo đã mang đến cho chúng ta những gì?-Tôi nghĩ là Phật giáo mang đến cho chúng ta những gì văn hóa chúng ta không có, thí dụ như các phương pháp kiểm soát tâm. Giúp ta hiểu được rằng tâm có khả năng tạo ra bao đau khổ cho chính bản thân, cho người quanh ta, nhưng đồng thời tâm cũng có thể hóa giải những đau khổ đó. Và quan trọng là bất cứ ai cũng có thể ứng dụng lời Phật dạy để làm cho cuộc đời họ thêm hạnh phúc.Diệu Liên Lý Thu Linh(Trích dịch từ Is Buddhism Surviving In America, Tricycle 1998)