Ai từng ở Trà Vinh, từng ăn tô canh chua bông so đũa nấu cá đồng chắc không quên được cái vị ngọt lành của nó. Mùi thơm của bông, của con cá rô hòa quyện đọng hoài trong trí nhớ, miên man mà dai dẳng lắm. Năm đó nó vừa lên mười đã biết phụ mẹ chợ hôm chợ sớm. Mẹ bệnh, nó biết đi mua bông so đũa từ vườn người ta đem ra chợ bán. Xóm chợ hay gọi đùa nó là “bé so đũa”. Mùa nước nổi năm ấy, xóm chợ nghèo xôn xao khi một đoàn Sơn Đông mãi võ ghé qua. Đoàn có “năm người”, một ông già, hai người trai trẻ và một cô gái tuyệt đẹp. Trong đoàn còn có một con khỉ bận áo nhung xanh rất ngộ. Chiều chiều thấy đoàn mãi võ ngả lưng trên sạp chợ, bé so đũa không khỏi chạnh lòng. Họ tài vậy mà có khá giả gì đâu. Buổi diễn cuối, nó bán hết sớm nên chen vào coi. Coi nửa chừng bỗng nghe tiếng còi dẹp chợ vang lên. Người lớn trẻ con xô nhau chạy. Nó không chạy được vì bị xô té, chân sai khớp. Nó khóc. Ông già trong đoàn mãi võ đến bên hỏi han; lấy rượu thuốc xoa bàn chân đau cho nó. Nó vẫn khóc: “Con mất một đồng tiền cắt thuốc cho mẹ rồi”. Ông già gọi chú khỉ con: “Rôla, con lượm một đồng của chị này phải không?”. Nói chưa dứt lời, ông lấy một đồng trong hộp gỗ, vuốt phẳng đưa cho nó. Nó không nhận. “Coi như ông mua trước của con mớ bông so đũa. Mai mốt về lại, ông ghé nhà con ăn tô canh chua bông so đũa con nấu nghe” - ông cười xoa đầu nó. Bé so đũa lớn lên, đi làm ăn xa. Ở thành phố, mỗi lần nhận thư chị nói nước lên lé đé thềm nhà, nó lại giật mình thương mùa bông so đũa; nhớ nụ cười ấm áp của ông già mãi võ Sơn Đông. Trên con đường nhọc nhằn kiếm sống, ông đã không thể dửng dưng trước giọt nước mắt của một đứa trẻ xa lạ là nó ngày xưa; cả cái cách ông “giữ thể diện” cho nó khi muốn chia sẻ một đồng cực nhọc mưu sinh của mình. Một đồng ông “đặt” mua bông so đũa ngày nào đến giờ nó cũng chưa trả được. LÊ THÚY BẢO NHI