Quyển I - HỒI THỨ NHẤT
Thủ Độ viếng chùa, Huệ Tông di chiếu
Đuổi theo hung thủ, trung thần gạt lệ xa vua

    
hùa Chân Giáo, ngôi chùa cổ kính nguy nga tráng lệ nhất Thăng Long, là một kỳ công kiến trúc mà qua mấy trăm năm triều đại nhà Lý đã do chính tay của các vị hoàng đế đích thân đốc thúc xây cất và tu bổ. Câu nói "Nhất hoàng cung, nhì Chân Giáo" đã nói lên sự thâm nghiêm, uy vĩ của ngôi chùa.
Dưới những tàng cây cổ thụ, mái ngói nhô lên như bát úp, hằng ngày tiếng chuông vang vọng ngân nga như rải mùi thiền môn đi khắp kinh đô. Từ bấy lâu nay, tiếng chuông chùa vẫn ngân vang trong sương chiều, gió sớm, nhưng Thăng Long đã thay chủ đổi ngôi, chùa Chân Giáo đã trở thành một cái đinh của triều đại mới! Chùa không còn dập dìu khách hành hương, vắng ngắt ngựa xe, vắng lặng khách mũ điều tay hốt. Tuy không có cảnh binh mã bao vây, nhưng mọi người đều biết ngôi chùa đang bị kín đáo dòm ngó, đề phòng. Nhiều đêm những người sống gần chùa đã nghe tiếng hô hoán, tiếng gươm giáo va chạm nhau chan chát. Buổi sáng người ta vẫn không thấy một xác chết nào, nhưng những vết máu, sự tơi tả của cỏ cây do nhát kiếm, đường gươm không thể nào xóa sạch.
Trước sân chùa, dọc theo con đường lát đá từ cổng đi vào, một hồ sen chiếm trên vài mẫu, hoa chen chúc nở. Chung quanh hồ bao nhiêu thứ hoa cùng đua sắc thắm. Bước chân vào cổng chùa, cảnh sắc đã làm cho lòng người lâng lâng thoát tục. Thế nhưng mấy tháng nay, mỗi sáng hay mỗi chiều, người ta lại thay một nhà sư trạc tuổi trung niên, tướng mạo phương phi nhưng thân hình ốm yếu, lững thững đi qua đi lại, khi thì đứng nhìn hoa hàng giờ, lâu lâu chép miệng thở dài; khi thì cúi xuống nhổ cỏ, hay tỉa một vài cành hoa. Nhà sư đã xuất gia, nhưng có lẽ còn quá nặng mùi tục lụy, khuôn mặt luôn luôn đăm chiêu, đôi mắt tràn đầy u uẩn. Những việc làm trên của nhà sư hình như chỉ để quên bớt những suy tư, khắc khoải trong lòng. Đôi khi nhà sư lại bẻ một vài đóa hoa vò nát trong bàn tay, vung đập trên mặt đất chứng tỏ có tâm trạng đau khổ, giận dữ tột cùng.
Sáng hôm ấy, sau khi lang thang một hồi quanh hồ sen, nhà sư lại cúi xuống nhổ những cây cỏ dại quanh mấy bụi hồng, vừa nhổ cỏ nhà sư vừa lẩm bẩm:
- Trần phi! Trần phi! Nàng đã làm cho ta tan cửa nát nhà, ra thân thất quốc, trở thành một tội nhân đối với tiên nhân nhà Lý. Ta hận nàng thấu xương, thấu cốt, thế nhưng ta cũng không thể nào xua đuổi được hình bóng nàng ra khỏi tim ta. Những ngày tháng chúng ta cùng đan tay nhau thưởng thức ngàn hoa nơi Trần gia, vườn Ngự còn làm cho ta đau khổ hơn đã bỏ mất ngai vàng.
Hình như nhà sư thường trở nên giận dữ khi nhớ đến Trần phi, nhưng hôm ấy, nhà sư chưa kịp bẻ một đóa hoa dày vò, hay đập nát như để trả thù hình bóng giai nhân, thì nhà sư đã nghe xa xa dập dồn vó ngựa đang hướng về phía cổng chùa. Tiếng vó ngựa chỉ làm nhà sư hơi ngẩn đầu nghe ngóng, nhưng tiếng vó ngựa đã làm cho hai nhà sư có tướng mạo vô cùng hiên ngang, uy vũ, đã nhẹ nhàng từ hai tàng cây cổ thụ đáp xuống đứng cung kính sau lưng nhà sư.
Nhà sư không ai khác hơn là Huệ Tông hoàng đế, và hai nhà sư vừa đáp xuống bên Huệ Tông là hai anh em Băng Sơn Nhị Hiệp Lê Phụng Minh, Lê Phụng Dực vốn dòng dõi trung thần Lê Phụng Hiểu.
Khi Huệ Tông bị Trần Thủ Độ ép buộc phải vào chùa Chân Giáo xuống tóc làm sư, thì anh em Lê Phụng cũng từ quan vào chùa với mục đích chiếu cố cho Huệ Tông hoàng đế và mong tìm cơ hội mang Huệ Tông ra khỏi Thăng Long, tính bề khôi phục ngai vàng.
Lê Phụng Hiểu với bốn mươi tám đường Oanh Thiên Đao Pháp đã theo Lý Thái Tổ và phò Lý Thái Tông đánh đông dẹp bắc, đi vào chốn muôn quân như chỗ không người. Khi về già, Lê Phụng Hiểu xin Lý Thái Tông cho lên núi Băng Sơn ném đao, đao bay xa được bao nhiêu thì lấy đất phong bấy nhiêu. Được vua Thái Tông chấp thuận, Lê Phụng Hiểu đứng trên đỉnh Băng Sơn, vận dụng toàn bộ công lực, sử dụng chiêu Oanh Thiên Phi Đao ném ngọn đao xuyên thấu từng mây, bay xa trên mười dặm và được đất phong trên ngàn mẫu. Thần vũ của Lê Phụng Hiểu đã trở thành sự tích trong lịch sử, và về sau đất vua Việt Nam phong cho quan lại được gọi là Thác Đao Điền. Lê Phụng Hiểu thần vũ như vậy, nhưng gần 200 năm qua, con cháu không ai có thể luyện tập được trọn vẹn mấy chục chiêu đao pháp của ông. Anh em Lê Phụng Minh có thể nói là hai nhân tài kiệt xuất của dòng họ đao pháp Băng Sơn, nhưng cũng chỉ luyện chiêu Oanh Thiên Phi Đao mới được ba thành. Ngoài Đoàn Thượng đất Hồng Châu, khắp cả nước anh em Lê Phụng rất khó tìm người đơn thủ độc đấu.
Mặc dù có công phu võ học cao siêu, anh em Lê Phụng vì dành hết thì giờ vào công việc luyện võ, không học văn chương, binh thư đồ trận thành ra họ không được phong giữ các chức quan lớn. Khi nhà Lý suy vi, hai anh em từ giã Băng Sơn ra hộ vệ Huệ Tông, nhưng Huệ Tông lại là ông vua nhu nhược, say đắm Trần Phi không nghĩ đến việc nước, nên cũng không sử dụng được tài của anh em họ.
Từ ngày Huệ Tông vào chùa, Đoàn Thượng ở Hồng Châu, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang đã bao lượt phái người vào Thăng Long nhằm cướp Huệ Tông. Bao anh hùng hiệp khách đã ra đi mà không ngày trở lại. Anh em Lê Phụng thì tự họ có thể xung khỏi vòng vây vô hình của Trần Thủ Độ, nhưng không dám liều lĩnh mang theo Huệ Tông. Vì thế bao tháng qua vua tôi cứ mãi giam chân trong vòng chùa Chân Giáo.
Anh em Lê Phụng Minh vừa đáp xuống bên Huệ Tông hoàng đế, thì một đoàn người ngựa, nhung y rực rỡ đã tiến đến cổng chùa, dẫn đầu là một vị võ quan giáp vàng trụ bạc, tướng mạo bất phàm. Vị võ quan, người không cao lớn nhưng uy nghi hơn người, thì ngựa lại  là giống long câu bảo mã to lớn hơn những con ngựa khác. Người ấy, ngựa ấy dù có đi đầu hay đi cuối cũng nổi bật trong đoàn. Đối với Huệ Tông hoàng đế và anh em Lê Phụng thì không lạ gì người đang đi vào cổng. Chỉ có Trần Thủ Độ, một đại gian thần của nhà Lý, nhưng là một vị khai quốc công thần, uy quyền hiếp chúa, hiện là thái sư của triều đại nhà Trần mới dám ngang nhiên cỡi ngựa vào chùa Chân Giáo, mới đi đâu cũng có một đoàn nha trảo, vệ sĩ vây quanh.
Nhìn thấy Huệ Tông và anh em Lê Phụng, Trần Thủ Độ đưa cương ngựa cho thủ hạ, nhẹ nhàng nhảy xuống đất. Trong đoàn nha trảo, hai lão già gầy gò, thân pháp như lá rụng cũng buông mình đi theo Thủ Độ. Biết Thủ Độ tiến về phía mình, Huệ Tông vẫn cúi đầu nhổ cỏ. Nhổ để dấu sự bối rối, uất hận trong lòng. Cọng cỏ nhỏ nhoi hình như không ra khỏi mặt đất với bàn tay run rẩy của nhà vua. Có cái uất ức nào hơn khi ông vua phải nhìn thấy đứa gian thần làm tiêu tan nghiệp Lý và đang dan díu với Trần Phi, hình bóng mà nhà vua không lúc nào không tưởng nhớ. Nhìn sự đau khổ của nhà vua, Lê Phụng Minh tay nắm chuôi đao, quay lại quắc mắt, nhìn Thủ Độ:
- Nhà ngươi đến đây có việc gì?
Xứng đáng là một kẻ gian hùng khét tiếng, không thèm để ý đến thái độ của Lê Phụng Minh, Thủ Đô vẫn chậm rãi bước về phía Huệ Tông, quì gối xuống đất:
- Thủ Độ xin bái kiến thượng hoàng, chúc thượng hoàng an tu sớm thành chánh quả.
Bất ngờ trước thái độ của Thủ Độ, nhưng Huệ Tông vẫn đứng yên lãnh đạm, Thủ Độ vẫn quì gối:
- Hạ thần đã thờ bệ hạ, sau lại phò công chúa và hiện nay là con rể của bệ hạ. Con trai hay con rể vẫn là con của bệ hạ, vậy thì nhà Lý cũng chỉ có đổi tên mà thôi. Thế nhưng hiện nay, quan lại các nơi đã nhân danh vì bệ hạ mà khởi loạn. Nay mai hạ thần phải đem binh đi đánh dẹp, dù bệ hạ đã khoác áo nâu sồng, thoát mùi tục lụy, hạ thần cũng xin đến vấn an và giã từ bệ hạ trước khi ra quân. Luôn tiện xin tâu cho bệ hạ biết là sự phòng vệ mà hạ thần dành cho bệ hạ lâu nay đã gây xôn xao cho hoàng thành, cúi xin bệ hạ nghĩ cách chu toàn, giúp thần rảnh tay khuông phù phò mã cai trị muôn dân, dẹp yên bọn nhân danh phù Lý...
Huệ Tông nghe tâu, đứng phắt dậy:
- Nhà ngươi muốn...
Thủ Đô vẫn quì gối, nhưng sự tàn khốc lóe lên ánh mắt, tiếng nói hạ xuống nhỏ hơn, rít qua đôi hàm răng:
- Ý của hạ thần thế nào, hoàng thượng cũng đã rõ!
Như một người đóng kịch giỏi, Thủ Độ lại trở lại thái độ cung kính từ hòa, tiếng nói rổn rảng:
- Không dám quấy phiền lâu sự thanh tu của hoàng thượng, hạ thần xin phép về hoàng cung lo việc nước, nay mai nếu hoàng thượng cần gì xin cứ chỉ thị cho hạ thần.
Và không đợi Huệ Tông có phản ứng, hay sợ Huệ Tông có phản ứng, Thủ Độ đứng dậy quay gót ra đi. Có lẽ sợ Huệ Tông còn chưa hiểu ý mình, Thủ Độ nhặt một cọng cỏ, rồi bật cười ra điều vui vẻ:
- Anh em Băng Sơn hiệp khách vẫn theo bên mình bệ hạ mà không giúp bệ hạ nhổ cỏ cho sạch gốc. Hà..hà.. nhổ cỏ thì phải nhổ cho sạch gốc...
Tiếng cười của Thủ Độ là tiếng cười mà người ngoại cuộc nghe rất bình thường, nhưng đối với Huệ Tông như tiếng oan hồn đòi mạng. Nhà vua run rẩy bóp nát cọng cỏ trên tay, anh em Băng Sơn nhị hiệp cầm chặt đốc đao cũng không biết phản ứng thế nào cho hợp lý. Thủ Độ phi thân lên ngựa, đoàn người ngựa lại hấp tấp ra đi, để lại Huệ Tông và anh em Băng Sơn đứng như bất động.
Tiếng chuông chùa lại bắt đầu ngân nga cho giờ nhật tụng, một ngọn gió nhẹ thổi qua đưa hương sen tinh khiết bình yên vào khắp không gian như rửa sạch bụi trần, nhưng một ông vua thất quốc và hai đấng trung thần đã thấy rõ những hiểm nguy trước mắt. Họ có muốn quên hết nợ trần ai, thì nợ trần cũng không tha thứ họ!
Đã khuya lắm rồi, ngoài trời tối đen, nhưng trong căn thiền phòng dành riêng cho Huệ Tông hoàng đế, Phụng Minh đứng yên chờ đợi, Huệ Tông chắp tay đi qua đi lại, ông còn đủ sáng suốt để biết rằng làm theo sự mạo hiểm để anh em Băng Sơn cõng nhà vua đột phá vòng vây quanh chùa không phải là việc dễ dàng. Thủ Độ là một người chín chắn, rất giỏi dùng binh dĩ nhiên rất biết người biết ta. Thủ Độ biết rõ là nếu để Huệ Tông thoát khỏi chùa Chân Giáo, hiệu triệu thiên hạ, thì mình không còn chánh nghĩa nào để giữ nghiệp nhà Trần nên đề phòng vô cùng cẩn mật, một con kiến cũng khó lọt khỏi khuôn viên nhà chùa. Anh em Băng Sơn có đao pháp tinh kỳ mấy lần mạo hiểm thăm dò cũng không kết quả. Cánh kỳ khách nhân hiệp của Đoàn Thượng bao tháng qua cũng không thể vượt màng lưới bao vây. Vậy thì mạo hiểm sẽ được ích gì? Huệ Tông càng suy nghĩ càng chán nản, liên tiếp thở dài. Bên ngoài căn phòng, Phụng Dực cắp đao đi qua đi lại bồn chồn nôn nóng. Đã hai đêm liên tiếp anh em ông đã không thể nào thuyết phục Huệ Tông mạo hiểm tẩu thoát dù Huệ Tông biết rõ là Thủ Độ trước sau gì cũng sẽ tiêu diệt mình để trừ hậu họa, khỏi mất công canh giữ, đêm dài lắm mộng.
Thấy Huệ Tông không dứt khoát, Phụng Minh trở nên cương quyết:
- Thưa bệ hạ, nếu bệ hạ không tự quyết định, hạ thần đành cam tội đại nghịch cột bệ hạ trên lưng mà mang đi chứ không thể nào tụ thủ mà nhìn Thủ Độ muốn giết, muốn mổ chúng ta không biết lúc nào! Thái độ của hắn trong buổi viếng chùa vừa qua đã quá rõ.
- Cái kiến con sâu còn muốn sống thay huống chi là ta!
Huệ Tông trở nên vô cùng bình tĩnh:
- Nhưng ta thấy rằng mạo hiểm chỉ làm khó khăn cho các người. Ta không sợ chết vì đao thương, nhưng chết như vậy chỉ tiện nghi cho Thủ Độ, hắn có thể đổ thừa cho giặc cướp, hay cho các ngươi. Ta ở đây may ra hắn còn chút úy kỵ hay thấy chưa cần phải ra tay.
Huệ Tông quay lại đăm đăm nhìn Lê Phụng Minh một lúc lâu như cân nhắc lại lần cuối cùng, nhà vua kéo ghế ngồi xuống và chỉ một cái ghế bên cạnh:
- Nhà ngươi hãy ngồi xuống. Ta đã dứt khoát quyết định là anh em nhà ngươi bằng mọi cách phải thoát khỏi nơi đây. Vì sao hai nhà ngươi phải ra đi, đây là những điều mà ta cần phải trình bày cho nhà ngươi rõ.
Chần chừ giây lát, Phụng Minh lên tiếng xin phép và ngồi xuống ghế đối diện với Huệ Tông.
Đăm chiêu nhìn ngọn đèn trước mặt, như hồi tưởng và sắp xếp lại câu chuyện, Huệ Tông từ từ lên tiếng, tiếng nói của nhà vua đôi lúc nghẹn ngào, nếu một người không có thính lực như Phụng Minh thì không thể nào nghe trọn vẹn những điều mà Huệ Tông đang nói:
- Ta là một ông vua hôn ám nhất. Ngày xưa vua Kiệt, vua Trụ say mê nữ sắc mà mất nước, thì ngày nay ta cũng vì một người đàn bà mà mất nước...
- Thưa bệ hạ...
- Nhà ngươi đừng ngắt lời của ta. Vâng, ta không độc ác như vua Trụ, vua Kiệt. Ta là một ông vua nhu nhược, không sáng suốt, rượu chè, điên loạn. Ta mất nước vì sự nhu nhược của ta, hoàn toàn không giống như Kiệt, Trụ. Nhưng sự nhu nhược, không tha thiết với việc nước, bỏ bê triều chính để cho anh em họ Trần muốn làm gì thì làm cũng chỉ vì một người đàn bà, thì việc mất nước của ta không khác gì Kiệt, Trụ.
Nhà vua thở dài:
- Trời sinh ta thân thể suy nhược, tiên thiên bất túc. Hỡi ôi! ta yêu nàng tha thiết, ta muốn nàng cũng yêu ta như ta đã yêu nàng, nhưng lần hồi ta biết rằng ta không thể nào thỏa mãn được nàng, ta không thể nào chiếm trọn vẹn được con tim nàng. Điều này đã làm ta buồn bực, mượn chén rượu tiêu sầu, thì rượu đã làm cho ta càng ngày càng mờ ám, thân thể càng ngày càng suy nhược hơn, nàng càng lúc càng xa ta hơn... ta không còn thiết tha điều gì, đến khi Thủ Độ ép ta vào chùa đi tu, thì triều thần chung quanh tất cả đều là tay chân của Trần Thừa, Trần Thủ Độ! Ta không nhường ngôi cho Chiêu Hoàng, thì ta cũng sẽ là một ông vua Hiến Đế. Những ngày ta đến đây, phải nói cũng nhờ ân Phật. Cơm chay nước lã đã giúp ta lần lần sáng suốt, đầu óc lần lần tỉnh táo, và..những lúc gần đây, ta đã biết ta phải làm gì. Thủ Độ muốn giết ta, tại sao hắn lại đến đây nói cho ta biết ý định? Rõ ràng là hắn muốn ta tẩu thoát, dùng những tên võ sĩ vô danh giết ta, rồi như mèo khóc chuột mà tránh tiếng, tránh bớt gây sự phẫn uất cho những trung thần còn có lòng nhớ đến công ơn tiên đế..,
- Anh em hạ thần không sáng suốt được như bệ hạ và chưa nghĩ được điểm này.
- Vì thế, ta thấy ta không nên ra đi và nếu hai anh em nhà ngươi ra đi khỏi nơi đây, Thủ Độ thấy ta không còn hy vọng nào chạy thoát khỏi chùa này, thì có thể hắn lại để yên cho ta một thời gian nữa.
Phụng Minh cúi đầu suy nghĩ và sa nước mắt:
- Anh em hạ thần ra đi thì lấy ai săn sóc cho bệ hạ, lỡ có điều gì xảy ra cho bệ hạ thì anh em thần sẽ ân hận suốt đời.
- Số phận của ta hãy để trời quyết định. Hai anh em nhà ngươi phải ra đi để làm cho ta một sứ mạng quan trọng nhiều hơn việc chiếu cố và săn sóc cho ta.
Phụng Minh nghẹn ngào:
- Thần cung kính nghe lời chỉ dụ của bệ hạ, nhưng nếu thấy không cần thiết lắm thì xin bệ hạ cho phép anh em thần sống chết cùng bệ hạ.
- Mạng ta có nghĩa lý gì so với sự nghiệp của tiên nhân? Tôn tộc nhà Lý còn nhiều, ta muốn hai ngươi đến gặp Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn, bảo chúng tìm người sáng suốt khuông phò lên ngôi cửu ngũ. Đó là kế cứu mạng cho ta. Đã có vua mới, Thủ Độ sẽ không còn thấy ta là điểm tựa cho các quan mà dốc lòng tiêu diệt ta nữa.
- Biết tìm ai cho hợp với lòng dân?
- Cứ tìm con cháu các vị thân vương mà tôn lên ngôi, điều quan trọng là có tài, có đức. Nhu nhược, hôn ám như ta thì có diệt được họ Trần, non sông cũng sẽ vào tay họ khác.
- Thưa, bệ hạ có chọn lựa nào không?
- Ôi! từ lâu ta đâu có để ý đến việc gì? Bây giờ trong tông tộc có những ai, tài năng đức độ ra sao ta nào nắm vững! Các vị tướng quân sẽ có đủ sáng suốt trong việc này.
Rưng rưng nước mắt, Phụng Minh cố nài ép:
- Thưa bệ hạ, chúng ta cứ liều chết ra đi, anh em hạ thần dù xương phơi mặt đất cũng hả dạ. Nếu chúng ta có bề gì thì các tướng chọn người khác cũng vậy mà thôi.
- Nhà ngươi biết một mà không biết hai. Nếu không có chiếu chỉ của ta. Không có người mang chiếu chỉ của ta, các tướng không ai phục ai, họ sẽ không đồng tâm hiệp lực, thì rất khó mà đương cự với Trần Thủ Độ. Nhà ngươi hãy nghĩ đến sự nghiệp của tiên nhân. Nếu nhà ngươi trung thành thì phải theo sự sắp đặt của ta mà cương quyết ra đi. Nhà ngươi có tuân hành mệnh lệnh của ta không?
Nghe Huệ Tông quyết liệt, Phụng Minh sợ hãi, quì gối xuống đất.
- Anh em hạ thần nào không dám tuân theo lệnh dụ. Cúi xin bệ hạ nghĩ đến tình ý của hạ thần mà tha tội.
- Nhà ngươi hãy ngồi lại. Chiếu chỉ ta đã thảo sẵn và trước khi các ngươi lên đường thi hành sứ mạng, ta có điều bí mật cần cho nhà ngươi biết.
- Xin cung kính nghe lời bệ hạ.
- Nhà ngươi biết Thái Tổ nhà ta xuất thân như thế nào không?
- Thần ít học, nhưng vốn là dòng dõi của Đô Thống Thượng Tướng Quân nên sự nghiệp của Thái Tổ đã thuộc nằm lòng từ nhỏ.
- Như ngươi biết, Thái Tổ vốn xuất thân từ cửa thiền môn, ngài là đệ tử tục gia duy nhất của đại thiền sư Vạn Hạnh. Thiền sư là bậc đạo cao đức trọng, tài kiêm văn võ, còn nghe nói ngài là bậc tiên tri, biết việc quá khứ vị lai. Nhân Tông hoàng đế đã ca tụng công đức của người như sau:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích chấn vương kỳ.
Có nghĩa là sư Vạn Hạnh thông ba cõi, đúng với tinh thần sấm ký cổ xưa, ngài vốn ở làng Cổ Pháp, dùng gậy thiền mà bảo vệ quốc gia. Thái Tổ lên ngôi dựng nghiệp cũng chính nhờ thiền sư trên hợp lòng trời, dưới hợp lòng dân mà hướng dẫn, cho nên có thể nói quốc sư là người đã dựng nên sự nghiệp nhà Lý. Trước khi về nước Phật, ngài để lại cuốn kinh Kim Cương, dặn dò là trong hai trăm năm sau sẽ có thể cứu được muôn dân khỏi bị tiêu diệt. Nó chỉ là quyển kinh thường mà thôi, ta không hiểu vì sao các tiên đế rất trân trọng, đích thân gìn giữ, coi nó như quốc bảo. Tính đến nay đã được gần hai trăm năm mà nghiệp Lý cũng đang ngửa nghiêng, vận mệnh ta không biết ngày mai sẽ ra sao cho nên các ngươi phải thay ta gìn giữ để giao lại cho vị vua tương lai. Nhiệm vụ đem quyển kinh rời khỏi nơi đây, phát giác những điểm huyền diệu của nó để cứu vớt muôn dân không phải là nhiệm vụ nhẹ nhàng. Ta trông cậy vào lòng trung thành và võ nghệ của hai anh em nhà ngươi. Các ngươi phải cố gắng chu toàn, người còn kinh còn, người mất kinh mất. Chiếu chỉ ta cũng đã may dấu trong lưng bìa sách, để các ngươi mang đi cho tiện và nếu có bề nào thì người cầm quyển kinh cũng không thể phát giác ra được.
Biết được nhiệm vụ vô cùng trọng đại, Phụng Minh cương quyết:
- Anh em hạ thần vốn nguyện trong lòng cùng sống chết với bệ hạ, nhưng được bệ hạ tin tưởng và giao cho nhiệm vụ trọng đại này, anh em hạ thần xin đem cả tính mạng mà thực hiện cho bằng được.
- Ngoài quyển kinh kỳ bí của đại quốc sư truyền lại, ta còn có một tấm bản đồ chỉ dẫn nơi dấu bảo vật của Nùng Trí Cao. Từ lâu đây cũng là điều bí mật. Vì sợ gây xích mích với Tống triều nên nhà Lý ta không cho người tìm kiếm và cũng không tiết lộ ra bên ngoài. Số là khi Nùng Trí Cao làm phản, chiếm cứ Quảng Nguyên, xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, triều đình đem binh đánh mãi không được, và Nùng Trí Cao thấy cũng không thể xâm phạm thêm đất đai của ta nên đem quân đánh Tống, chiếm cứ luôn tám châu: Hoành, Quí, Cung, Tầm, Đằng, Ngô, Khang, Đoan. Nhà Tống lúc bấy giờ không nhờ tướng tài là Địch Thanh thì không ai có thể dẹp được giặc Nùng. Khi Địch Thanh đã phá được hai cánh quân của Hoàng Sư Mật và Nùng Kiên Trung, thì Nùng Trí Cao thấy cái thế thất bại nên chuyển tài sản cướp được về chôn giấu ở Quảng Nguyên. Nùng Trí Cao sau thất trận chạy về Đại Lý, bị vua Đại Lý bắt giết, thì nơi dấu bảo tàng không còn ai biết. Về sau không hiểu vì sao Lý Thường Kiệt trong lúc đánh Tống đã tìm được bảo tàng đồ này. Nhà Tống về sau cũng đã biết được. Khi sai Triệu Tiết đem quân trả thù nước ta không thành công, phải điều đình giao hảo trở lại, vua Nhân Tông sai Đào Tôn Nguyên đem năm con voi sang làm lễ vật và đòi lại các châu huyện, thì sau đó họ đã tiếc rẻ việc giao lại châu Quảng Nguyên cho ta:
Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khước thất Quảng Nguyên kim
Câu nói này của người Tống không chỉ nhằm nói lên sự luyến tiếc các mỏ vàng ở Quảng Nguyên, còn ám chỉ đến kho tàng của Nùng Trí Cao. Các tiên đế ngại tìm kiếm kho tàng, vốn là của cải Trung Quốc sẽ có thể đưa đến căng thẳng giữa hai nước nên chỉ cất giữ bản đồ này. Ngày nay, việc khôi phục rất cần tiền để nuôi quân sĩ, nên ta cũng giao bản đồ này cho ngươi, chỉ thị các tướng cần vương cho người tìm kiếm nó. Bây giờ hẳn các ngươi thấy được sứ mạng lớn lao mà ta đang trông cậy, vậy các ngươi không nên lưu luyến mà phải cương quyết ra đi, càng sớm càng tốt.
Phụng Minh sa lệ:
- Đã có nhiệm vụ trọng đại mà bệ hạ phó thác, thì anh em hạ thần sẽ lập tức lên đường, nếu anh em hạ thần đi ngay trong lúc này thì rạng đông sẽ thoát khỏi vòng phòng thủ Thăng Long.
- Ta rất mừng thấy ngươi mau chóng nhìn ra đâu là đại nghĩa. Quyển kinh cũ trên bàn kia là quyển kinh mà ta đã nói. Nhà ngươi đã thấy nó lâu nay nhưng đâu biết được giá trị phi thường của nó!
Huệ Tông lấy từ túi áo một tấm da dê bằng lòng bàn tay đưa cho Phụng Minh và nói tiếp:
- Đây là bảo tàng đồ của Trí Cao, nhà ngươi hãy cầm giữ hai bảo vật và sớm hoàn thành sứ mạng. Ta sẽ cho đợi các ngươi.
Khi Phụng Minh cung kính tiếp lấy bản đồ trên tay Huệ Tông thì ông nghe phòng bên cạnh có tiếng động lạ. Bên cạnh là thiền phòng của vị sư già tên Trí Quả, lo việc soạn dịch kinh sách và thảo thư từ cho chùa. Từ lúc đến chùa, anh em Phụng Minh ngấm ngầm tra xét tăng sãi trong chùa coi có ai là tay chân của Trần Thủ Độ hay không? Đối với Trí Quả, Phụng Minh hết lòng tin tưởng là bậc chân tu vì ông xuất gia thời còn niên thiếu, ông đã quá già, hay ho hen ốm yếu luôn. Không nghĩ Trí Quả đã nghe lén, nhưng Phụng Minh cũng chạy sang phòng ông, gõ cửa:
- Đại thiền sư! đại thiền sư còn đang thức?
Trong đêm khuya, tiếng gõ cửa và gọi lớn của Phụng Minh cũng không làm cho Trí Quả lên tiếng. Nghi ngờ càng tăng, Phụng Minh dùng công lực cách tường đẩy chốt cửa bước vào trong. Căn phòng tối om, nhưng với nhãn lực của mình, Phụng Minh thấy Trí Quả vẫn ngon giấc trên giường. Một vị sư già không thể nào ngủ mê như thế! Phụng Minh tiến lại lay nhà sư mới biết ông bị điểm thụy huyệt. Nghe tiếng động, Phụng Dực đang canh gác bên ngoài cũng đã có mặt trong phòng và lên tiếng:
- Chuyện gì đã xảy ra?
- Trí Quả bị người điểm huyệt, có người đã vào phòng đại sư nghe ngóng việc cơ mật mà hoàng thượng đã tiết lộ. Hừ! Ngươi không cần ở đây mà hãy qua bảo vệ hoàng thượng. Chúng ta đang ở trong tình trạng khó khăn.
Vừa bảo Phụng Dực qua hộ vệ Huệ Tông, Phụng Minh lấy đá lửa đánh đèn. Mới mồi xong ngọn đèn, ông đã nghe tiếng kêu la của Phụng Dực:
- Trời ơi! Bệ hạ!
Nghe tiếng kêu của Phụng Dực, biết có biến cố xảy ra, Phụng Minh nóng nảy tung mình nhảy mạnh vào bức tường. Qua cái nhảy của Phụng Minh, bức tường gạch như một miếng đậu hũ, bụi đất bay mù, để lại một lỗ hổng có hình dáng con người như dùng dao đẽo gọt, qua bên phòng Huệ Tông, Phụng Minh nóng nảy:
- Việc gì đã xảy ra?
Phụng Dực mếu máo:
- Chúng đã...đã..thí bệ hạ.
Dưới ngọn đèn dầu lạc, Huệ Tông ngồi gục đầu xuống bàn, miệng ứa máu. Quỳ xuống bên Huệ Tông cầm tay xem mạch, thấy mạch đã tuyệt, Phụng Minh ôm lấy nhà vua khóc ngất:
- Trời ơi! bệ hạ ra nông nỗi này, anh em hạ thần dù chết một trăm ngàn lần cũng chưa đền tội. Nếu không có sứ mạng bên mình thì hạ thần phải tự xử vì sự bất tài của mình.
Nghĩ đến sứ mạng, Phụng Minh giựt mình nhìn lên bàn, cuốn kinh Kim Cương cũ kỹ truyền tay bao đời của các vua nhà Lý trong đó có chiếu chỉ Huệ Tông đã không còn thấy đâu nữa. Kẻ vào giết Huệ Tông đã lấy mất quyển kinh này? Như vậy sứ mạng của ông đã có người hay biết! Ai là kẻ có võ công lẻn vào ẩn nấp mà anh em ông không thể phát hiện? Phụng Minh ôm thi thể Huệ Tông cung kính đặt nằm lên giường, sửa lại thân hình nhà vua cho ngay ngắn ông mới thấy xương cổ nhà vua bị đánh gãy nát mà da thịt bên ngoài không có vết bầm nào. Thương tích của nhà vua làm ông suy nghĩ hơn.
Trong thành phần cao thủ của Trần Thủ Độ hầu như ông điều biết, và không có ai sử dụng nhu kình đến mức xuất thần nhập hóa. Ai là người đã vào đây? Nghĩ đến sư Trí Quả vẫn chưa được mình giải khai huyệt đạo, Phụng Minh quay lại bảo Phụng Dực:
- Hiền đệ qua giải thụy huyệt cho đại sư và mời người qua đây may ra chúng ta có thể tìm được chi tiết nào không?
Trong khi Phụng Dực đứng dậy ra đi, Phụng Minh cố nhớ lại những nhân vật giang hồ mà mình biết, nhưng ông cũng không thể nghi ngờ được ai. Một lúc sau, Phụng Dực đưa sư Trí Quả vào phòng, vị sư già chấp tay niệm phật:
- Nam mô A Di Đà Phật, Phật pháp cứu khổ cứu nạn...
Vì quá đau lòng, Phụng Minh nóng nảy:
- Xin đại sư ngưng niệm Phật mà cho đệ tử biết ai là người điểm huyệt đại sư.
Nhà sư ngạc nhiên:
- Lão nạp đang ngủ, thì Phụng Dực sang đánh thức lão tăng dậy và thuật sơ lại sự việc, lão nạp có biết mình bị điểm huyệt gì đâu!
Phụng Minh thấy mình hơi vô lý, vì kẻ thù có thân pháp mà chính mình cũng không phát giác được thì Trí Quả dù còn thức cũng không thể nhìn được kẻ ra tay điểm huyệt mình. Đại hiệp cau mày suy nghĩ. Kẻ thù không thể là kẻ ở ngoài vào phòng đại sư vì nếu gã mở cửa phòng thì không qua nổi thính lực của mình, hay cũng không thể qua khỏi mắt Phụng Dực. Vậy thì, kẻ ấy phải ở trong phòng Trí Quả từ trước mới được. Nghĩ vậy, Phụng Minh nói với Trí Quả:
-  Xin đại sư cho phép đệ tử xem xét lại căn phòng của đại sư để may ra tìm lại dấu vết của kẻ thù..
- Mô Phật, ấy là việc đương nhiên, thí chủ cứ tùy tiện để may ra tìm được đầu mối.
Phụng Minh và Phụng Dực sang phòng Trí Quả, xem xét hết mọi nơi.
Khi đến gần giường Trí Quả Phụng Dực nhìn thấy trên sàn gạch có nhiều vết bùn còn ướt, ông gọi Phụng Minh:
- Đại ca, những vết bùn này làm tiểu đệ nghi ngờ.
Phụng Minh lại xem các vết bùn, đại hiệp hất tung chiếc giường của Trí Quả sang bên. Dưới gầm giường của Trí Quả có một lỗ hầm vừa đủ một người chui lọt.
Phụng Minh và Phụng Dực không hẹn cùng buột miệng:
- Ồ! Đúng là đây rồi!
Phụng Dực hăm hở muốn nhảy xuống miệng hầm:
- Tiểu đệ theo đường hầm này để dò xem kẻ thù từ đâu tới?
Định gật đầu, nhưng nghĩ lại kẻ thù võ công cao siêu và tìm lại cuốn kỳ thư là một điều cần kíp, Phụng Minh ngăn Phụng Dực:
- Chúng ta qua lạy thi thể hoàng thượng rồi phải đi ngay. Nếu không tìm lại được quyển chân kinh thì có tội muôn đời với hoàng thượng.
Quay lại phòng Huệ Tông, lúc này tăng chúng trong chùa đã hay biết sự việc và lục tục kéo tới. Trong phòng có nhiều người đang cúi đầu niệm Phật sau lưng Trí Quả. Anh em Phụng Minh quỳ xuống, bái lạy long thể Huệ Tông, sau đó gạt nước mắt thưa với Trí Quả:
- Xin đại sư thưa với hòa thượng lo lắng cho nhà vua, hai đệ tử phải gấp ra đi để truy tìm tung tích kẻ thù, không thể nán lại giúp lo tang lễ.
Trí Quả hiền từ:
- Mong hai thí thủ thượng lộ bình an, lo tròn sứ mạng.
Hai anh em Phụng Minh cởi bỏ tăng bào, xếp lại cung kính giao cho Trí Quả, bên trong lớp tăng bào đã mặc sẵn quần áo dạ hành và mang đao nên ra đi mà không cần quay trở lại phòng để thu xếp.
(Chính sử chép về cái chết của Huệ Tông như sau: Khi Thủ
Độ đến chùa thấy Huệ Tông đang nhổ cỏ, mới nói rằng nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc, vài ngày sau Thủ Độ cho người mời Huệ Tông, nhà vua biết ý nên vào phòng thắt cổ tự vẫn).
Đến trước miệng hầm, Phụng Dực giành đi trước:
- Để tiểu đệ đi trước mở đường, địch thủ có thể đợi chờ đàng trước.
Phụng Minh không muốn em mình gánh chịu nguy hiểm nhưng nghĩ sinh mạng của hai anh em ông không cần thiết mà sứ mạng trước mắt mới quan trọng nên gật đầu ưng thuận. Đường hầm đào không lâu, rất chật hẹp. Đất chỗ này hơi thấp nên đường hầm đất bùn nhầy nhụa. Dù võ công cao siêu nhưng phải trườn mình mà đi nên rất chậm chạp. Độ hơn giờ lâu, đường hầm thoai thoải đi lên, khi thấy trên đầu có ánh sáng lóe xuống, Phụng Dực đưa đao che đầu dùng thế lý ngư thăng thiên, vọt mình thoát ra. Ông những tưởng bên trên là đất trống, không ngờ đường hầm lại ăn thông vào một căn phòng khác nên đụng phải trần nhà làm cây ngói rơi lả tả. Phụng Minh đi sau lại tưởng em mình đang gặp địch, nên cũng vọt mình nhanh ra làm cho trần nhà thủng thêm một lỗ nữa. Hạ mình xuống, anh em Lê Phụng thay căn phòng gỗ củi chất đầy. Ở trong chùa đã lâu, nhìn sơ qua họ đã biết đây là phòng chứa củi của chùa. Chùa Chân Giáo rất đông tăng ni, vào những ngày lễ lớn, hàng ngàn tín đồ đến hành hương và trai chay nên trai phòng, hỏa phòng và nhà chứa củi rất lớn. Nhìn căn phòng gỗ củi chất đầy và đằng góc nhà có những thùng gỗ lớn chứa đầy đất cát, Phụng Minh tức giận:
- Hừ! không ngờ tên giữ củi của chùa là một tên đại cao thủ mà chúng ta không biết. Hừ! Hắn ăn ngủ nơi đây, thì đào con đường này không ai ngoài hắn.
- Đại ca có thể đoán được hắn là ai không?
- Vì hắn đã làm việc trong chùa cả mười năm về trước nên đại ca đã không để ý lắm. Đại ca chỉ tìm xem  ai có thể tình nghi là người của Trần Thủ Độ hay không mà thôi. Mười năm về trước Thủ Độ chỉ là một tên tỳ tướng vô danh thì làm sao biết được ngày hôm nay mà gài người vào đây?
- Vậy thì tên giữ củi này..
- Hắn có thể là một cao thủ bên Tàu lặn lội sang đây tìm kiếm bí kiếp võ công của Phật môn, hay có thể hắn bị người của Thủ Độ ép buộc, mua chuộc dùng phòng chứa củi làm nơi đào đường hầm vào phòng hoàng thượng.
- Người của Thủ Độ vào chùa có thể qua được tai mắt hai anh em chúng ta hay sao?
- Có thể họ bảo tên này đào hầm sẵn và mới đột nhập vào đây đêm nay.
- Đại ca bò sau tiểu đệ nên có ý kiến như vậy, nhưng tiểu đệ bò trước thì thấy đường hầm được đào bằng chỉ lực mà không phải bằng cuốc xẻng, đường hầm lại nhỏ, nhiều chỗ tiểu đệ phải dùng khí công ép đất mà trườn qua, phi tay nội gia cao thủ thượng thặng, người thường không ai có thể đào một đường hầm như vậy.
- Điều cần kíp bây giờ là phải tìm cho ra hắn. Nếu là người của Thủ Độ thì giờ này hắn đang ở dinh Thái Sư, nếu không phải là người của chúng, thì nhất định cũng sẽ bị tay chân của Trần Thủ Độ vây chận vì tưởng là người của chúng ta. Chúng ta phải gấp đi tìm.
- Đi về hướng nào?
- Hãy ra khỏi chùa nghe ngóng động tịnh rồi sẽ liệu.
Nói xong Phụng Minh rảo chân ra khỏi nhà, phi thân lên mái. Trong đêm tối hai anh em như hai con dơi, giở khinh công thượng thừa cỡi lên ngọn cây mà đi, thân pháp vô cùng phiêu hốt.
Khỏi khuôn viên chùa không lâu, Phụng Minh trụ khí, dừng chân nghe ngóng:
- Có kẻ dạ hành về phía chúng ta.
Nói xong, ông ra dấu cho Phụng Dực, hai anh em lanh lẹn lẩn vào các cành cây rậm rạp.
Phút chốc, ở đầu đường xuất hiện bốn bóng đen chạy đến như tên bắn. Khi gần đến chỗ núp của anh em Lê Phụng, cách vài trăm thước cả bốn dừng chân. Một tên giả tiếng cú rúc lên vài tiếng, tức thì có những tiếng chim cú khác đáp lại, và sau đó nhiều bóng đen rời chỗ ẩn núp tiến về phía bốn tên mới đến.
Khi có độ mười mấy tên, một tên trong bọn bốn đứa lên tiếng:
- Cách đây vài giờ có người vượt khỏi chùa, chúng ta đang đuổi theo vây bắt, nhưng đây có thể là kế dương đông kích tây của bọn Lê Phụng nên thái sư chỉ thị anh em không được ai rời khỏi vị trí, nếu có người nào chạy về hướng này, anh em không nên ham đánh mà phải dùng tên lửa báo động khẩn cấp rồi ngăn chận sau. Võ công của bọn Lê Phụng rất cao, phải huy động nhiều cao thủ mới cầm giữ chúng được. Ai sính cường và sơ sót điểm này sẽ bị tội rất nặng.
- Hà Đông tứ kiệt an tâm, bọn chúng không thể nào đàn áp chúng tôi trong chốc lát, chúng tôi sẽ có thì giờ báo động cho tứ kiệt.
- Chúng ta có nhiệm vụ tiếp ứng cho anh em phía Tây đuổi theo tên thoát đi vừa rồi, các cao thủ đại nội đang được huy động thêm đến đây, và hình như thái sư cũng cho cả Hoàng Liên nhị lão và Thái Hư Thượng Nhân đến tiếp ứng.
Tên đầu đàn Hà Đông tứ kiệt vừa dứt lời, thì trên bầu trời, có nhiều mũi tên lửa xuyên lên. Bọn Hà Đông vội vã:
- Chúng ta phải đi gấp. Bọn ngươi hãy cảnh giác tối đa!
Nói xong, bọn Hà Đông phi thân, đề khí chạy đi.
Phụng Minh dùng phép truyền âm bảo Phụng Dực:
- Anh em chúng ta cùng ra tay một lúc, phải nhanh chóng tiêu diệt bọn nha trảo trước mắt, đừng để chúng phân tán, và đuổi theo bọn Hà Đông gấp.
Dứt lời, như chiếc pháo thăng thiên, đại hiệp phi vút lên cao, thay đổi thân pháp trên không, như chim ưng vồ mồi sà xuống đầu bọn võ sĩ trong khi chúng đưa mắt nhìn theo những chiếc tên lửa đang phóng lên ở phía tây. Phát giác ra đang bị tấn công, chưa kịp phản ứng, một tên đã bị đường đao sả làm hai mảnh. Đường đao diệt tên thứ nhất, hết đà lại đưa từ dưới lên trên, tên thứ hai bị tiện cả hai đôi chân. Như anh, Phụng Dực cũng như hổ xông vào đàn dê, một nhát đao đưa ra, một thây người ngã gục. Một tên trong bọn, vừa kịp rút gươm ra khỏi vỏ, quát tháo đồng bọn còn lại:
- Phóng tín hiệu khẩn, chúng là anh em Băng Sơn đấy!
Miệng la, tên nọ múa kiếm xông lên tấn công Phụng Minh, kiếm pháp tên nọ cũng rất cương mãnh.
Phụng Minh rít lên:
- Trảm ngư đao pháp, chúng bây đúng là nha cẩu họ Trần, hôm nay đừng hòng có tên nào chạy thoát!