HỒI THỨ 17
Mưa không ướt áo, tiết lộ võ công
Kỳ nữ thử tài, Thanh Ngân khó che thân thế

    
hải chia tay Đặng lão, Tố lan và Trương  Xán trong lòng  Thanh Ngân rất quyến luyến.  Không muốn kéo dài giây phút biệt ly, kẻ ở dõi bóng người đi nên đã xử dụng đến khinh công. Võ công đã đến hàng thượng đỉnh nên chỉ trong một lúc đường quan lộ đã hiện ra trước mắt, sợ người chú ý nên thu hồi cước bộ, thong thả như một thư sinh đang dạo bước. Trên đường cái quan, mỗi lần  Thanh Ngân đi ngang qua những nơi bán trà ế khách, các cô  gái buông lời chọc ghẹo bằng những câu thơ tình tứ như:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại hỏi han đôi lời
Trà xanh, ngọt nước, mát người
Tay em nâng chén đón mời thi nhân...
 Thanh Ngân cũng cảm thấy vui vui với những lời chọc ghẹo văn vẻ như thế. Đôi  lúc  cũng muốn hát lại một vài câu trả lời, nhưng kiềm chế ngay, rảo bước đi nhanh qua ải và đôi lúc cũng phải nghe những lời ngỗ ngáo:
Thoáng trông kỳ mạo hình dong
Tiền lưng, bạc cắc hẳn không đồng nào
Mặc chi áo nhiễu khăn điều
Để đành phải uống nước ao hỡi chàng!
 Thanh Ngân nghe những lời chế nhạo như vậy cũng phải mỉm cười. Đi đến trưa,  trời trở nên nóng bức, phương nam mây đen nổi lên cuồn cuộn, những trạm khách dừng chân nơi nào cũng đông người,  không một cô gái bán trà nào còn để ý đến người khách bộ hành đơn độc như  Thanh Ngân. Không còn ai chọc ghẹo,  chào mời, thì  Thanh Ngân muốn tìm chỗ trú chân để tránh cơn mưa sắp tới, nhưng không thấy nơi nào thuận tiện, đành tiếp tục hành trình.
Đoạn đường xuyên qua cánh đồng  rộng minh mông, không nhà cửa, không một  tàng cây, mưa bắt đầu rơi lác đác,  Thanh Ngân bèn dùng thuật phi hành tìm chỗ trú.  
Thanh Ngân đi nhanh như bay biến, nhưng cũng không tránh được cơn mưa như trút đang đổ tới. Nhớ đến công phu mà mình đã học,  Thanh Ngân thử vận dụng chân khí che chở toàn thân và thấy nước mưa không đụng đến, ngay cả quần áo của mình. Vẫn còn tính trẻ con,  Thanh Ngân vui thích, sung sướng thong thả đi dưới  cơn mưa. Vài giờ sau, cơn mưa ào ạt chỉ còn rơi rớt rồi ngưng hẳn, thì trước mắt  đã thấy làng mạc. Đầu làng là một ngôi đình lớn, người trú mưa rất đông, một số đang lục tục gồng gánh ra đi. Trước sân đình, một cỗ xe sang trọng, có hai tráng hán vạm vỡ đang lau chùi. Bảy, tám con ngựa giống Mông Cổ to lớn cột bên cạnh cũng có mấy người đang dùng khăn lau khô mình mẩy chúng. Trời đã quang đãng, nhờ chân khí hộ thể áo quần cũng không ướt, nên  Thanh Ngân thấy cũng không cần phải dừng chân, nhưng  mới đi qua ngôi đình một đoạn ngắn, thì có người phi thân theo:
- Xin công tử lưu bước, chủ nhân tại hạ muốn được diện kiến cùng công tử.
 Thanh Ngân quay lại, thấy người lên tiếng gọi là một lão già vận võ phục màu tro, trạc độ sáu mươi, đôi mắt lấp loáng thần quang, hai huyệt thái dương  gồ cao đang đi tới và cung tay vái chào.
 Thanh Ngân cũng vội làm lễ, và nói:
- Chủ nhân lão trượng là ai? Tiểu sinh sợ lão trượng đã nhìn lầm người.
Lão già cười lớn:
- Công tử hẳn không nhớ câu “tứ hải giai huynh đệ”. Chủ nhân của lão nhất định không nhìn lầm. Mong công tử lưu bước trong giây lát sẽ biết chủ nhân tại hạ là ai ngay.
Nghe lão nói, Thanh Ngân cũng nổi tính tò mò, nên nói:
- Nếu lão trượng đã bảo vậy, tiểu sinh cung kính không bằng phụng mạng.
Lão già vui vẻ:
- Xin mời công tử.
Lão già nhường  Thanh Ngân đi trước rồi rảo bước theo sau.
 Thanh Ngân vào sân đình, một thanh niên vận võ phục trắng, trạc độ hai mươi từ trong hàng hiên bước ra đón khách.
Theo sau thanh niên là hai nữ nhân trạc bốn năm mươi. Thanh niên thân hình cân đối, không cao không thấp. Đặc biệt da trắng như ngọc và đôi mắt đen lay láy. Thoáng nhìn,  Thanh Ngân liên tưởng đến Kiều Linh đã giả trai và nghĩ người trước mặt cũng là gái giả trai. Thanh niên nhìn  Thanh Ngân mỉm cười, cung tay làm lễ tương kiến:
- Tại hạ là Bảo Ngọc, họ Nùng, thấy huynh đệ cũng thích màu y phục trắng như mình nên muốn gặp mặt. Mong thứ cho tội đường đột.
Qua tiếng nói của người trước mặt,  Thanh Ngân biết chỉ cố giả cho giống giọng đàn ông mà thôi, nhưng cũng chắp tay làm lễ:
- Tại hạ họ Lê, tên  Thanh Ngân rất hân hạnh được Nùng huynh quan tâm đến.
Nghe  Thanh Ngân xưng tên, mặt thanh niên thoáng biến sắc, nhưng lấy lại bình tĩnh ngay. Tuy nhiên, hai nữ nhân đi sau  Thanh Ngân và lão già họ Đinh không hẹn cùng buột miệng:
- Lê  Thanh Ngân!
 Thanh Ngân biết ngay có chuyện, nhưng vẫn bình tỉnh hỏi Bảo Ngọc:
- Hẳn tại hạ đã có điều gì thất thố?
Thanh niên cười lớn. Qua tiếng cười, Thanh Ngân càng xác quyết người trước mặt là gái giả trai. Sau tiếng cười như khánh ngọc, Bảo Ngọc nói:
- Nhất thời có chuyện ngộ nhận, mong Lê huynh đừng để vào tâm. Số là gần đây cả Vạn Trúc Sơn Trang và Thủy Ma Cung đều ra sát lệnh truy tầm một cậu bé mười lăm tuổi tên là Lê Thanh Ngân mà tên của Ngân huynh lại không khác gì tên cậu bé ấy.
Thanh Ngân nghe nói biết Vạn Trúc Sơn Trang và Thủy Ma Cung đang truy tầm, và biết thân thể mình đã thay đổi, ngoài Kiều Loan thì không ai biết, nên làm mặt tỉnh:
- Hà! Không ngờ tên họ của một thư sinh như tại hạ lại trùng tên với một cậu bé bị giang hồ truy lùng như vậy.
Bảo Ngọc nheo mắt:
- Ngân huynh là thư sinh đọc sách hay cao thủ trên giang hồ khó mà biết được.
 Thanh Ngân nghiêm chỉnh:
- Tại hạ không bái sư, không thuộc một môn phái nào trên giang hồ hiện nay. Mong Nùng huynh đừng hiểu lầm tại hạ.
Kẻ học võ công điều tối kỵ là từ chối môn phái, nên nghe  Thanh Ngân nói vậy, Bảo Ngọc cau mày, rồi cười lớn, cùng với tiếng cười, Bảo Ngọc đưa tay nắm tay  Thanh Ngân.  Biết Bảo Ngọc đang dùng một thế cầm nã kỳ bí, hiểm độc vô cùng. Tuy nhiên, muốn chứng tỏ không phải là kẻ biết võ công,  Thanh Ngân liền thu liễm chân khí, đứng yên để Bảo Ngọc dễ dàng nắm lấy.  Thanh Ngân nghe bàn tay Bảo Ngọc mát lạnh, càng khẳng quyết  gã là gái. Nắm tay  Thanh Ngân một cách dễ dàng, Bảo Ngọc không ngờ, và đã lỡ bèn làm ra vẻ rất thân thiện:
- Bèo nước tương phùng, mới gặp Ngân huynh, nhưng đệ tưởng như đã thân tình, mời Ngân huynh uống vài chén trà để đệ được nghe lời cao luận.
 Thanh Ngân để yên cánh tay mình trong tay Bảo Ngọc, sánh vai  vào hiên đình như đôi bạn tri kỷ lâu ngày gặp lại.
Trong hiên đình, người tháp tùng Bảo Ngọc đã bày ra một chiếc bàn con, có hai cốc trà thơm bốc khói.  Thanh Ngân đoán biết người của Bảo Ngọc đã dùng nội công làm sôi nước nên mới pha trà nhanh chóng như vậy, nhưng cũng làm bộ ngạc nhiên:
- Không ngờ mưa mới tạnh, cây cỏ còn ướt mà Bảo huynh đã có trà ngon mời tiểu đệ.
Bảo Ngọc mời  Thanh Ngân ngồi và nói:
- Đó là những kỹ thuật mọn của kẻ giang hồ. Mong nước mưa pha trà không làm  cho Ngân huynh chê bai.
 Thanh Ngân vui vẻ:
- Tiểu đệ được uống Vũ Di trà nơi chốn thôn quê như thế này thật có phước vô cùng. So niên kỷ tiểu đệ hẳn còn thua Nùng huynh ít năm. Xin  Nùng huynh gọi đệ là Ngân đệ.
Bảo Ngọc cười vui:
- Chỉ nghe hương trà đã biết gốc gác của trà, Ngân đệ đúng là người kiến văn quảng bác. Được kết bạn với một người như Ngân đệ ta rất lấy làm mãn nguyện, không uổng chuyến Nam du.
 Thanh Ngân:
- Được kết bạn với một hào khách giang hồ, một thế gia vọng tộc như Nùng huynh tiểu đệ vô cùng hân hạnh. Nếu đệ không lầm, Nùng huynh hẳn là con cháu của Nhân Huệ Hoàng Đế.
Bảo Ngọc:
- Chúng ta sắp lên đường không tiện mời Ngân đệ uống dăm ly rượu quế. Mấy tiếng Nhân Huệ Hoàng Đế của Ngân đệ nói lên làm ta muốn mời Ngân đệ mấy chung. Nếu Ngân đệ không chê ta là kẻ võ biền, là dân bộ tộc, ta rất muốn được kết nghĩa đệ huynh cùng Ngân đệ.
Trong lòng đã đoán Bảo Ngọc là gái giả trai, đề nghị kết nghĩa với Bảo Ngọc làm  Thanh Ngân lo lắng, nhưng đâu còn cách gì từ chối nên đành nói:
- Nùng huynh đã có lòng, tiểu đệ đành phải... chấp nhận... cái phước đức lớn lao của mình vậy.
Bảo Ngọc cười lớn, nheo mắt:
- Ngân đệ thật khéo nói. Có lẽ từ nay nói chuyện với Ngân đệ ta phải dụng tâm mới khỏi hiểu lầm.
Và Bảo Ngọc nói với lão già họ Đinh đang đứng hầu sau lưng:
- Đinh thúc thúc bảo chúng chuẩn bị dùm ta hương đèn để kết nghĩa cùng Ngân đệ.
Lão già cau mày, hơi chần chờ. Hai nữ nhân thì cùng kêu lên:
- Cung chủ!
Bảo Ngọc quắc mắt:
- Các ngươi không được lý vào chuyện của ta.
Thấy Bảo Ngọc cương quyết, Đinh lão cung kính:
- Xin tuân lệnh.
 Thanh Ngân nhìn Đinh lão và nói:
- Đinh đại thúc hẳn là dòng dõi của đại tướng Đinh Ứng Long năm xưa nổi tiếng với một trăm lẻ tám đường Khai Sơn Đao Pháp.
Bảo Ngọc nhấp một ngụm trà nhỏ, nhìn  Thanh Ngân đăm đăm:
- Có vẻ Ngân đệ hiểu nhiều về nhân sự của Đại Lịch quốc xưa kia.
 Thanh Ngân cười lớn:
- Tiểu đệ là người đọc sách. Chỉ  căn cứ vào sử sách nói ra mà thôi. Những tướng tài của Nhân Huệ Hoàng Đế như Quách đại sư, Hoàng Sư Mật, Đoàn Hồng, Nguyễn Dư Phương, Đinh Ứng Long ngày nay nhắc đến dân chúng chín châu của Tàu cũng còn sợ uy khiếp vía, thì làm sao tiểu đệ không biết được.
Bảo Ngọc:
- Đa số người Đại Việt nhắc đến tên Nhân Huệ Hoàng Đế thì coi như loại loạn thần phản nghịch, Ngân đệ lại không có ý này, ngu huynh xin đại diện cho những người họ Nùng, mượn trà làm rượu mời Ngân đệ một ly.
 Thanh Ngân nâng ly trà cạn chén cùng Bảo Ngọc, lòng tò mò định hỏi Bảo Ngọc xuống miền Nam làm gì, nhưng sợ có hơi đường đột, thì Bảo Ngọc hỏi:
- Ngân đệ đang định đi về đâu?
 Thanh Ngân đáp:
- Tiểu đệ vốn sinh ở kinh thành Thăng Long, thân phụ mẫu đều mất sớm, theo Thanh Vân cư sĩ học hành chữ nghĩa, nay gia sư tạ thế nên định về kinh du ngoạn ít lâu.
Bảo Ngọc không dấu sự mừng rỡ:
- Ngu huynh cũng đang trên đường xuống Thăng Long có chút việc riêng, nếu không gì trở ngại, Ngân đệ tháp tùng cùng ta để có thêm thời gian anh em đàm đạo với nhau.
 Thanh Ngân nghe nói vui vẻ:
- Tiểu đệ đang nghĩ đến đường trường cô độc một mình, được
tháp tùng cùng Nùng huynh thật là phương tiện cho tiểu đệ.
Và nheo mắt, hóm hỉnh:
- Cái lưỡi của tiểu đệ lại cũng được thưởng thức trà ngon, rượu qúi và..thức ăn ngon...mà một nho sinh nghèo chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Bảo Ngọc đưa cặp mắt sáng nhìn Thanh Ngân chăm chăm. Cái nhìn làm  Thanh Ngân hơi bối rối, không hiểu Bảo Ngọc đang có phản ứng gì, thì Bảo Ngọc nói từng tiếng:
- Mới gặp ta đã thấy mến Ngân đệ, nhưng hình như Ngân đệ không thành thật với ta.
 Thanh Ngân:
- Xin Nùng huynh cứ thẳng thắn.
Bảo Ngọc:
- Mới nghe hương đã biết Vũ Di trà, Ngân đệ không phải là công tử nhà đại quan, thì cũng không phải là một Nho sinh tầm thường. Hơn nữa trên đoạn đường không nhà cửa, xuyên qua một cánh đồng minh mông, trời tạnh cơn mưa ta đã thấy Ngân đệ, nhưng áo quần Ngân đệ khô ráo, không dính một hạt nước, một Nho sinh nghèo có thể như vậy được ư? Trước khi chúng ta kết nghĩa chi giao, ta muốn được biết rõ về thân thế Ngân đệ.
 Thanh Ngân nghe Bảo Ngọc nói, biết  nàng tinh tế vô cùng. Sỡ dĩ Bảo Ngọc cho người  mời mình vì nghĩ mình là một cao thủ giang hồ, huyền công hộ thể phát huy đến mức đi dưới mưa chẳng ướt. Và  Thanh Ngân nghĩ khi dùng chiêu cầm nã, dễ dàng nắm lấy huyệt đạo trên cánh tay, nhưng không phát hiện được nội lực mình, Bảo Ngọc cũng chưa từ bỏ sự nghi ngờ, nên đề nghị kết bạn sanh tử chi giao để dần dần tìm ra sự thật. Và bây giờ đã đến lúc.
Nghĩ vậy,  Thanh Ngân cười lớn:
- Chúng ta bèo nước mới gặp nhau, đệ cũng chưa biết Nùng huynh là ai, gốc gác ra sao, đang làm những việc gì? Đệ đang đi trên đường thì Nùng huynh gọi lại. Tứ hải giai huynh đệ được kết bạn với Nùng huynh thì cũng tốt. Nùng huynh đã có ý nghi ngờ, thì chúng ta chia tay cũng chẳng sao. Đệ thấy hôm nay chúng ta không phải vội gì thắp hương kết nghĩa huynh đệ với nhau.
Bảo Ngọc nghe nói biến sắc, chưa kịp lên tiếng, thì hai người đàn bà sau lưng  Thanh Ngân tức giận hét lớn:
- Ngươi dám vô lễ với cung chủ!
 Thanh Ngân nghe họ hét, cười khẩy:
- Đối với tại hạ, đương kim hoàng  đế cũng vậy, mà kẻ ăn xin ở đầu đường cũng thế, ai cũng là con người xương thịt do cha mẹ sinh ra mà thôi. Liên hệ giữa người và người mến thì đến nhau, ghét thì xa lià. Nùng huynh có là cung chủ gì đó là cung chủ của
các ngươi, chẳng phải cung chủ của ta!
Lão họ Đinh nghe  Thanh Ngân nói, râu tóc dựng ngược, phi thân lại vung tay như muốn giáng vào mặt  Thanh Ngân. Bảo Ngọc nhanh nhẹn đưa tay cản lại và tức giận:
- Đinh lão đầu ngươi làm gì vậy?
Nghe Bảo Ngọc trách cứ, lão họ Đinh tỏ vẻ lo sợ:
-  Thanh Ngân.. Thanh Ngân dám vô lễ với cung chủ.
Bảo Ngọc gằn từng tiếng:
- Ta chẳng phải là cung chủ của Ngân đệ. Ngươi đã làm xong điều ta giao phó chưa?
Đinh lão sợ sệt:
- Bẩm cung chủ, hương đèn không mang theo, Nùng Hổ phải vào xóm tìm mua mới về, tiện chức sẽ lo liệu ngay, xin cung chủ xá tội.
Bảo Ngọc khoát tay:
- Ngươi hãy đi đi và nhớ không được lỗ mãng như vậy!
Lão họ Đinh được xá tội cúi rập đầu:
- Đa tạ cung chủ.
Lão họ Đinh bước ra sân, lại chỗ bọn người tháp tùng Bảo Ngọc đang tụ tập, thì Bảo Ngọc đứng lên nhìn  Thanh Ngân với cặp mắt tha thiết:
- Ngu huynh lỡ lời, và bộ hạ của ngu huynh cũng đã lỡ vô phép với Ngân đệ, rất mong Ngân đệ niệm tình tha thứ cho.
 Thanh Ngân cũng giữ lễ đứng dậy nói:
- Tiểu đệ cũng mong Nùng huynh không để ý đến những lời nói thẳng thắn của tiểu đệ.
Bảo Ngọc cười sảng khoái:
- Có thử thách mới biết, Ngân đệ đúng là người có tâm khí của bậc anh hùng, uy vũ bất năng khuất. Ngân đệ có võ công hay không, Ngân đệ là gì, Ngân đệ cũng là kẻ anh hùng mà ta được gặp. Ta, Nùng Bảo Ngọc, cung chủ Đại Lịch cung tại Quảng Nguyên mong được cùng Ngân đệ kết nghĩa sinh tử chi giao, có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia, mong Ngân đệ không từ chối.
 Thanh Ngân nhìn vẻ chí tình của Bảo Ngọc, không nỡ làm phật lòng nên cũng vui vẻ:
- Tiểu đệ đâu dám chẳng vâng lời Nùng huynh.
Bảo Ngọc nắm tay  Thanh Ngân:
- Hay lắm! hay lắm, chúng ta vào bàn thờ của đình làng này thắp lên nén hương kết nghĩa để thổ thần chứng giám.
Không hiểu người thủ đình đi đâu, cửa đình đang đóng chốt bên trong, nhưng Bảo Ngọc đưa tay chạm đến cánh cửa, thì chốt bên trong bật ra, và đẩy cửa kéo  Thanh Ngân vào. Đinh lão vội vàng mang hương đèn chạy vào theo, đến bàn thờ lão nhanh nhẹn đánh lửa thắp lên và nhanh nhẹn rút lui ra ngoài. Bảo Ngọc đưa mắt ra hiệu cho  Thanh Ngân cùng qùy xuống bái kết huynh đệ, nguyện không đồng sinh, nhưng cùng đồng tử, chia xẻ hoạn nạn với nhau, ai trái lời thề qủy thần trách phạt.
Giao bái xong, đứng dậy, Bảo Ngọc nói:
- Từ nay Ngân đệ gọi ta là Bảo Ngọc ca, thay vì Nùng huynh. Cửa Đại Lịch cung, từ nay lúc nào cũng rộng mở để chờ đón Ngân đệ. Bất cứ đều gì Ngân đệ cần đến, Bảo Ngọc còn hơi thở quyết cũng không để Ngân đệ buồn lòng.
 Thanh Ngân chớp mắt cảm động:
- Tiểu đệ không ngờ mình lại có được một nghĩa huynh như Bảo Ngọc ca!
Bảo Ngọc cười:
- Thì ta cũng không ngờ mình có một nghĩa đệ như Ngân đệ.
Bảo Ngọc vui mừng nắm tay  Thanh Ngân sóng bước ra ngoài.
Ra khỏi cửa, Bảo Ngọc phất tay, hai cánh cửa đóng lại, và Thanh Ngân cũng nghe chốt cửa bên trong rớt xuống. Nhìn thân thủ của Bảo Ngọc,  Thanh Ngân biết võ công của nàng cũng không kém Thiềm Mục lão nhân.
Bảo Ngọc như có điều lo lắng, nhìn mông lung một lúc rồi nói với  Thanh Ngân:
- Ta có nhiều việc phải làm, Ngân đệ không biết võ công, đi cùng với ta có thể rước lấy nguy hiểm, vì thế có lẽ tốt hơn ta phải chia tay với Ngân đệ ở đây.
Thanh Ngân cau mày:
- Chúng ta mới thề có phước cùng hưởng, có họa cùng chia, thế mà Bảo Ngọc ca đã vội quên rồi!
Bảo Ngọc cười lớn:
- Ngân đệ đã nói vậy thì tiểu huynh đành xin Ngân đệ xá lỗi. Từ đây đến Thăng Long cũng còn khá xa, tiểu huynh được đàm đạo cùng Ngân đệ thêm một thời gian nữa.
Bảo Ngọc ra lệnh cho Đinh lão, lần này nàng không gọi ông ta cộc lốc là Đinh lão đầu như trong lúc nóng giận mà gọi là Đinh thúc thúc.
- Đinh thúc thúc! chúng ta lên đường!
Nghe lệnh, hai nữ nhân vội vàng đến cỗ xe đứng hai bên vém rèm chờ đợi, và Đinh lão khom lưng:
- Xin cung thỉnh cung chủ lên xe.
Bảo Ngọc nhìn cỗ xe chần chừ, rồi nói:
- Để cho ta hai con ngựa. Ta muốn được thong thả chuyện vãn cùng  Thanh Ngân hiền đệ. Đinh thúc thúc liệu lý phương tiện cho anh em. Ta thấy đem cổ xe vào Thăng Long cũng có điều bất tiện. Hai vị cung vệ liệu đem những đồ đạc cần dùng của ta theo mà thôi.
Hai nữ nhân đang vén rèm xe, đưa mắt nhìn Đinh lão, thì lão nói:
- Cung chủ đã có lệnh, hai ngươi tìm chỗ gởi, rồi phi ngựa theo chúng ta.
Hai tráng hán dắt ngựa đến cho Bảo Ngọc và  Thanh Ngân.  Thanh Ngân theo những động tác của kẻ không biết võ công leo lên yên.
Đã nhìn thấy cách điều khiển ngựa của Kiều Linh nên cũng không bối rối lắm, và khi Bảo Ngọc thúc ngựa ra đi, thì  Thanh Ngân cũng thúc ngựa cùng đi song kề. Có lẽ muốn thử tài văn học của  Thanh Ngân, qua những nơi thắng cảnh Bảo Ngọc đề nghị  Thanh Ngân làm một vài câu thơ đề tặng. Đến một di tích lịch sử thì Bảo Ngọc nhờ  Thanh Ngân giải thích về giai đoạn lịch sử đó cho mình nghe. Mỗi mỗi  Thanh Ngân đều làm Bảo Ngọc vui lòng, kinh ngạc và thầm phục kiến văn của  Thanh Ngân.
Càng trò chuyện, Bảo Ngọc càng thêm thân mật với  Thanh Ngân và tiếng cười, tiếng nói của ông cung chủ Bảo Ngọc đã không biết bao lần không thể che dấu được giọng thanh tao của nàng Bảo Ngọc, nhưng Thanh Ngân vẫn cố tình làm ngơ. Đoàn người ngựa tháp tùng với Bảo Ngọc vẫn giữ khoảng cách xa xa với hai người để họ được tự do trò chuyện.
Bảo Ngọc và Thanh Ngân lỏng buông tay khấu. Trời sau cơn mưa rào vẫn còn oi bức, nhưng liếc nhìn thấy người  Thanh Ngân vẫn không một giọt mồ hôi, Bảo Ngọc thầm nhủ:
- Hừ! Ngươi tưởng che dấu ta được hay sao? Ngươi ở trong chốn đồng không đi dưới cơn mưa không ướt, đi dưới trời chiều oi bức như ngồi trong nhà mát. Ngươi làm bộ thư sinh khéo lắm nhưng ta tin cặp mắt của ta không thể nào lầm lẫn.
Tin tưởng Thanh Ngân là người có võ công cao siêu, và mọi thử thách về văn học, lúc nào  Thanh Ngân cũng đối đáp xuôi như nước chảy, Bảo Ngọc càng nghe càng khâm phục nhưng cũng phải phân vân, tự hỏi phải chăng mình lầm lẫn vì làm sao một người còn trẻ như  Thanh Ngân lại có cả văn lẫn võ đến mức độ như vậy?
Trời gần tối họ đến bến đò Thiên Đức. Nhìn thấy dân chúng trên bộ, dưới thuyền tấp nập, Bảo Ngọc đề nghị tạm trú qua đêm và giục ngựa đến một tửu lâu sang trọng.  Thanh Ngân đành cho ngựa theo sau.
Vào tửu lâu Bảo Ngọc kêu một bình Mai Quế Lộ, mấy thức nhấm và mời Thanh Ngân nâng chén, thì đoàn tùy tùng của nàng cũng đến nơi. Đinh lão và hai người đàn bà ngồi vào một bàn cách xa Bảo Ngọc không xa, kêu thức ăn cho mình, trong khi những người khác thì lại chia nhau ngồi rải rác trong phòng.  Thanh Ngân liếc thấy, khen thầm sự bố trí nhân sự để bảo vệ chủ và đề phòng bất trắc của Đại Lịch cung. Sau năm ba ly khuôn mặt Bảo Ngọc hây hây đỏ, đôi mắt càng lúc càng ướt át.
 Thanh Ngân từ nhỏ đến giờ chưa uống rượu nhiều lần nào nên cũng thấy bắt đầu say say, buột miệng:
- Bảo Ngọc ca không khác gì Phan An, Tống Ngọc phục sinh. Kỳ này ca ca đến Thăng Long sẽ không biết bao nhiêu tiểu thư mê mệt.
Bảo Ngọc mỉm cười:
- Ngân đệ văn tài lỗi lạc, anh khí hơn người, huynh nhất định sẽ mai mối cho Ngân đệ một bậc cân quắc anh thư mới được.
Nhìn nụ cười xinh đẹp của Bảo Ngọc,  Thanh Ngân rùng mình, ngầm vận công giải rượu rồi cười lớn:
- Đa tạ lòng tốt của đại ca, tiểu đệ đã có hôn thê nên ý tốt của đại ca khó có thể nào chấp nhận.
Bảo Ngọc nghe  Thanh Ngân bảo đã có hôn thê, thoáng vẻ thất vọng, nhưng lấy lại sắc thái bình thường ngay, nâng chén chúc mừng:
- Mừng Ngân đệ. Không hiểu ngày nào ca ca có thể thật sự uống chén rượu mừng? Hôn thê của Ngân đệ, nếu ta không lầm nhất định là một tiểu thư đài các, cầm kỳ thi họa nhất mực hơn người.
 Thanh Ngân không quen nói dối, nên cười:
- Bảo Ngọc ca đã đoán sai rồi, hôn thê của tại hạ lại là một thiếu nữ chỉ biết múa quyền, rút kiếm mà chẳng biết gì về cầm kỳ thi họa.
Bảo Ngọc ngạc nhiên, hỏi:
- Nàng thuộc về môn phái nào?
 Thanh Ngân sợ Bảo Ngọc hiểu rõ tông tích mình nên nói trớ:
- Võ công của nàng chỉ do gia gia nàng truyền dạy, mà tiểu đệ thì chẳng quan tâm đến việc giang hồ nên không hiểu gia gia nàng thuộc về môn phái nào.
Bảo Ngọc định dò hỏi Thanh Ngân thêm, nhưng lúc đó có một số người kéo vào tửu lâu. Đinh lão và hai cung vệ nhìn bọn họ thoáng biến sắc.  
Thanh Ngân thấy Bảo Ngọc cũng hơi chau mày khó chịu. Người đi đầu là một lão già lùn chùn chụt, nhưng hàm râu của lão lại qúa dài,  Thanh Ngân có cảm tưởng như kéo lê trên mặt đất. Trái ngược với lão, kẻ đi sau, bên phải lão là một người gầy như que củi, da nhẵn bóng và bên trái là một ông già râu rậm, to lớn, đen đủi như Trương Phi. Theo sau ba lão già quái dị là là bảy tám tên tráng hán mặc áo da ngắn để lộ những cánh tay vạm vỡ, đeo đầy khoen đồng lóng lánh.  Thanh Ngân thấy cặp mắt của lão lùn liếc quanh tửu lâu rồi đưa tay chỉ ba chiếc bàn bên cạnh Bảo Ngọc.
Những tên tráng hán đi sau lão, không cần kêu gọi tiểu nhị sắp chỗ, mà đến ngay những chiếc bàn đó hách dịch bảo thực khách đang ăn nhường lại cho họ.
Nhìn vẻ hung dữ của những người này, thực khách trên ba chiếc bàn chẳng dám nửa lời chống đối, miễn cưỡng đứng lên bưng đồ ăn của mình đi nơi khác.  Thanh Ngân không muốn liên hệ đến chuyện giang hồ, nhưng nhìn sự hách dịch của họ cũng cảm thấy xốn mắt.
Chờ tiểu nhị lau dọn sạch sẽ mấy chiếc bàn trống, một tên tráng hán khom lưng trước ba lão già:
- Xin mời động chủ và nhị vị sư thúc.
Lão già lùn ngồi xuống ghế đối diện với Bảo Ngọc, hai lão già đi hai bên ngồi xuống hai bên lão, còn bọn tráng hán tháp tùng thì chia nhau ngồi vào hai bàn bên cạnh.
Thực khách trong quán đông đảo, nhưng vốn là những thương buôn xuôi ngược, dày kinh nghiệm, nên len lén nhìn số người mới vào rồi lẳng lặng tính tiền, bước ra khỏi quán. Phút chốc trong quán chỉ còn số người của Bảo Ngọc và bọn họ.
Bảo Ngọc cười khà khà, châm rượu vào chén của mình và  Thanh Ngân rồi nói lớn:
- Ngân đệ! Đừng vì mấy con chuột hôi thối mà mất đi tửu hứng. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu! Nào! cụng thêm với ta chén này.
 Thanh Ngân cụng chén với Bảo Ngọc, thì nghe lão già lùn nói như thở than:
- Tội nghiệp! Tội nghiệp! Lão Trí Lân bạc phước chết non, lại đẻ ra đứa con bán nữ bán nam, hai cặp mắt lại hình như chẳng có con ngươi. Đúng là bạc phước! Họ Nùng thiệt bạc phước!
Đinh lão đập tay xuống bàn:
- Sầm lão tặc! Ngươi dám xúc phạm đến Đại Lịch cung!
Lão già râu rậm cũng hét lớn. Tiếng hét của lão làm ly cốc trong tửu lâu rung rinh:
- Đinh Nhất Hạc! Ngươi dám cả gan!
Bảo Ngọc cười khanh khách:
- Nhất cung, nhị động tranh chấp lâu năm, ta muốn thống nhất thành một mối nhưng chưa có dịp. Gặp nhau hôm nay..hà..hà...ta
cũng muốn xem Linh Hổ động các ngươi có những tài năng nào. Trường Tu Tẩu! Ta muốn được yên ổn, ăn uống no say trong một lúc, hẹn ngươi canh ba đêm nay tại bờ sông để tỉ thí hơn thua ngươi có đồng ý không nào?
Lão lùn vuốt râu:
- Khẩu khí lắm! Khẩu khí lắm! Nhưng coi thử ngươi có tư cách không đã. Nể tình lão Trí Lân ta mời ngươi ly rượu.
Lão nói xong đập nhẹ tay xuống bàn, ly rượu trên bàn lão bay nhanh qua Bảo Ngọc. Nàng mỉm cười đưa tay đón lấy.  Thanh Ngân biết ly rượu mang theo một luồng lực đạo ngàn cân. Đây là cách lão Trường Tu Tẩu thử xem nội lực của Bảo Ngọc ra sao. Bàn tay trắng trẻo của nàng đưa ra nhẹ nhàng nhưng cũng ám tàng một luồng nhu kình để ngăn chận lực đạo mạnh mẽ đó. Chiếc ly như bị chận lại giữa không trung một lúc lâu, rồi Bảo Ngọc mới cầm lấy được, không để rơi một giọt rượu nào. Bảo Ngọc đưa ly rượu lên miệng uống cạn rồi cười:
- Đa tạ Sầm động chủ mời rượu, ta cũng xin mời động chủ một ly đáp lại thạnh tình.
Nói xong, Bảo Ngọc vỗ nhẹ mặt bàn, một chiếc ly không lăng không từ từ bay về bàn lão Sầm động chủ, cùng lúc bàn tay trái của nàng đặt lên bình rượu và một tia rượu bắn theo hình cầu vòng rót vào chiếc ly đó. Chiếc ly vừa đầy, tia rượu như bị kéo ngược, từ từ rút vào bình rượu.
Trường Tu Tẩu cau mày khó chịu, nhưng lão lấy lại sắc thái bình thường ngay, cười lớn:
- Được lắm! Được lắm! Con nha đầu ngươi không đến nỗi tệ. Canh ba đêm nay gặp ngươi ở phiá tây bến đò.
Lão không đưa tay cầm lấy chén rượu của Bảo Ngọc, nhưng vận khí hút rượu trong ly. Rượu trong chiếc ly được gom lại thành tia như một con rắn bạc chui vào hàm râu của lão.
Uống xong ly rượu của Bảo Ngọc, lão đứng dậy ra lệnh cho thủ hạ:
- Đi nơi khác!
Lão bước đi, lão già cao gầy đặt một đỉnh bạc lên bàn, rồi cả bọn cùng bước theo chủ.
Chứng kiến Bảo Ngọc thi triển công phu, Thanh Ngân khen thầm trong lòng, nhưng cũng lấy làm khó xử vì như lão Trường Tu Tẩu đã nói rõ thì Bảo Ngọc là con gái, tự hỏi có thể làm lơ, cứ tiếp tục xưng hô với nàng là ca ca đệ đệ được không?
Chờ bọn Trường Tu Tẩu ra khỏi quán, Đinh Nhất Hạt đứng lên:
- Thưa cung chủ, Trường Tu Tẩu tâm địa bất lương, nhỏ mọn, võ công chẳng phải tầm thường, cuộc hẹn đêm nay chúng ta không thể không chuẩn bị.
Ý của lão  Thanh Ngân hiểu rõ muốn khuyên Bảo Ngọc ngưng uống rượu, bàn cách chuẩn bị ứng phó.
Bảo Ngọc xua tay:
- Thúc thúc bảo anh em đi nghỉ sớm. Thúc thúc và hai vị cung vệ chuẩn bị đêm nay tháp tùng với ta. Còn bây giờ! Thúc thúc cứ để ta được tự nhiên cùng Lê huynh đệ.
Thanh Ngân sợ Đinh Lão và người của Bảo Ngọc phật lòng mình, hơn nữa biết Bảo Ngọc là gái,  Thanh Ngân cũng không muốn kéo dài thì giờ với nàng nên nói:
- Tiểu đệ nghĩ trước trận quyết đấu, Bảo Ngọc ca nên nghỉ sớm, chuẩn bị mọi sự cho kỹ lưỡng. Tiểu đệ không hiểu võ công, thấy ca ca và lão Trường Tu Tẩu thi thố với nhau giống như tiên thuật, thật là mở rộng tầm mắt nhưng chẳng biết ai hơn ai. Theo binh pháp chuẩn bị chu đáo bao giờ cũng là điều kiện tất thắng. Tiểu đệ mạo muội khuyên ca ca nên nghe theo lời khuyên Đinh đại thúc.
Lão Đinh Nhất Hạc nhìn  Thanh Ngân bằng cặp mắt cảm tình, và định tiếp lời khuyên thêm Bảo Ngọc, thì nàng đã nói:
- Bất biến ứng vạn biến, lấy nhàn hạ mà tiếp địch là cách dùng binh của những bậc tài tướng xưa nay. Đinh thúc thúc! Mấy năm nay Bảo Ngọc ta chưa bao giờ lầm lẫn, mong thúc thúc cứ nghe theo lời ta đừng nói nhiều nữa.
Nàng nhìn  Thanh Ngân:
- Ở đây nóng bức, ta muốn cùng Ngân đệ dạo thuyền trên sông ngắm trăng, ngâm thơ, rồi xem ta kịch chiến với Trường Tu Tẩu, Ngân đệ có đồng ý không nào?
Người đàn bà áo hồng vội vàng khuyên can:
- Cung chủ! Trận chiến đêm nay không phải dễ dàng, Lê công tử không hiểu võ công e rằng...
Bảo Ngọc cười:
- Ngân đệ không biết võ công thì chẳng ai mạo phạm đến một thư sinh. Hoàng cung vệ không phải quan tâm. Khi rủ Ngân đệ đi xem trận đấu ta đã có cách xếp đặt.
Nàng nhìn  Thanh Ngân:
- Ngân đệ có dám đi với ta không nào?
Bị đẩy vào thế chẳng đặng đừng,  Thanh Ngân đành miễn cưỡng:
- Bảo Ngọc ca đã không lo sợ tiểu đệ làm cản trở tay chân, thì có đâu chẳng dám làm gan để xem ca ca ra uy mà mở rộng tầm mắt.
Bảo Ngọc vui vẻ:
- Ngân đệ đúng là một..thư sinh..nhưng hào khí can vân. Nào! chúng ta cùng đi ngắm cảnh, đề thơ. Nhất định nhờ những câu thơ của Ngân đệ mà ta sẽ làm cho lão râu dài đêm nay không còn manh giáp.
Nàng tự nhiên, một tay cầm bình rượu, một tay nắm tay  Thanh Ngân kéo  đứng lên. Đã nói mình chẳng biết võ công,  Thanh Ngân không dám dùng sức, đành để Bảo Ngọc kéo theo. Đinh Nhất Hạc và hai người đàn bà mở to mấy cặp mắt nhìn theo Bảo Ngọc. Khi nàng và Thanh Ngân ra khỏi tửu lâu, Đinh Nhất Hạc ra lệnh:
- Hai vị cung vệ thông tin cho tứ lão ở tiền đội và hậu đội đến đây gấp. Tứ kiếm theo ta ra bờ sông âm thầm hộ vệ cho cung chủ. Anh em còn lại lên phòng chia nhau bảo vệ hành trang.
Hai người đàn bà nghe lệnh giở khinh công chia nhau chạy đi. Đinh lão và bốn tráng hán được gọi là tứ kiếm cũng rảo bước theo sau.
Ra khỏi tửu lâu, Bảo Ngọc bỏ tay  Thanh Ngân, nhìn trời:
- Đáng tiếc! Đêm nay trăng không được sáng lắm, nhưng ta hy vọng không làm Ngân đệ mất nguồn thi hứng.
 Thanh Ngân cười:
- Được uống rượu với một kẻ anh hùng như Bảo Ngọc ca, tiểu đệ cũng sẽ lây cái hùng tâm tráng chí.
Tửu lâu cách bờ sông không xa, đi một lúc thì họ đến nơi. Bảo Ngọc hỏi mướn một chiếc thuyền và đưa cho chủ thuyền nguyên một đỉnh bạc, lão chủ thuyền mừng rỡ:
- Để tiểu nhân kêu Trần Tứ, một tay lái thuyền lành nghề chèo thuyền cho nhị vị công tử.
Thanh Ngân nghĩ đến trận chiến sắp tới, phe Trường Tu Tẩu có thể giở thủ đoạn với Bảo Ngọc, làm Trần Tứ bị họa lây nên nói:
- Ta biết chèo thuyền. Cứ để ta lo liệu.
Nghe  Thanh Ngân biết chèo thuyền, nghĩa là nàng sẽ được tự do với  Thanh Ngân hơn, Bảo Ngọc không dấu sự mừng rỡ:
- Ngân đệ biết chèo thuyền thật là... Ta chỉ biết cỡi ngựa, băng rừng, nhưng hy vọng cũng sẽ giúp được cho Ngân đệ một tay.
 Thanh Ngân cầm mái chèo, cúi xuống định cởi dày để lội ra thuyền, thì Bảo Ngọc nắm tay:
- Để ta đưa Ngân đệ xuống thuyền.
Nói xong nàng kéo Thanh Ngân phi thân xuống thuyền.  Thanh Ngân thu liễm nội công không trì chế, không đề khí,  thầm phục công phu của Bảo Ngọc, kéo theo một người nhưng hạ thân xuống thuyền nhẹ nhàng như trên đất bằng, không làm chiếc thuyền xao động.
Lão chủ thuyền nhìn thân thủ của Bảo Ngọc mở to cặp mắt kinh ngạc.
Xuống thuyền,  Thanh Ngân ngồi xuống kéo neo rồi đẩy thuyền tách bến. Bảo Ngọc nói:
- Ngân đệ định để thuyền xuôi giòng hay lên thượng lưu?
 Thanh Ngân suy nghĩ rồi nói:
- Tiểu đệ chèo ngược giòng một lúc rồi cho xuôi trở lại sẽ giúp Bảo Ngọc ca dễ dàng đến điểm hẹn hơn.
Bảo Ngọc:
- Ngân đệ tính như vậy thì hay lắm!
Và cười:
- Ngân đệ chèo thuyền ngược dòng nước, ta không muốn làm Ngân đệ phải chuyện vãn với ta tăng phần cực nhọc. Ta tịnh tâm một lúc nghĩ cách ứng phó với Trường Tu Tẩu, khi Ngân đệ mệt, để cho thuyền trôi chúng ta trò chuyện với nhau, Ngân đệ thấy thế nào?
 Thanh Ngân vô tình, nghĩ trong lòng Bảo Ngọc cũng đang lo âu về trận chiến xảy ra, nên vui vẻ:
- Bảo Ngọc ca cứ tự nhiên, tiểu đệ chèo thuyền đã quen không đến nỗi mệt nhọc đâu.
Bảo Ngọc nhìn  Thanh Ngân mỉm cười:
- Vậy thì ta có lời cảm ơn Ngân đệ.
Nàng nói xong, ngồi xuống khoang thuyền nhắm mắt hành công.  Thanh Ngân có nội công cao thâm, chiếc thuyền dưới mái chèo  lướt nhẹ trên mặt nước. Bảo Ngọc đang nhắm mắt dưỡng thần, không chuyện vãn,  Thanh Ngân cũng không muốn làm nàng phân tâm nên cũng im lặng đưa đẩy mái chèo. Sự im lặng dễ dàng đưa con người nhớ lại những kỷ niệm. Nhìn giòng sông  Thanh Ngân nhớ đến lúc trên thuyền cùng Kiều Linh và Kiều Loan, nhớ đến đêm chia tay Kiều Loan, nhớ đến lúc chèo thuyền hỏi thăm tung tích Kiều Linh. Đầu óc  Thanh Ngân lần lần chỉ còn hình bóng hai nàng Kiều tri kỷ, hai tay cứ tự động đưa theo mái chèo và đã là người có võ công, nội lực của  Thanh Ngân phản ứng tự nhiên theo cử động. Sau lưng  Thanh Ngân không có cặp mắt, nên không thấy Bảo Ngọc thỉnh thoảng nheo mắt mỉm cười đắc ý.
Chèo không biết bao nhiêu lâu,  Thanh Ngân mới nghe Bảo Ngọc lên tiếng:
- Chà! Ta đã để Ngân đệ chèo quá lâu rồi, và hình như chúng ta cũng đã cách bến đò khá xa. Ngân đệ nên nghỉ ngơi đi thôi.
 Thanh Ngân quay lại nhìn, không còn thấy đèn đuốc ở bến đò, biết mình đã đi khá xa, vội nói:
- Tiểu đệ không để ý. Hy vọng chúng ta quay lại cũng không đến nỗi làm Bảo Ngọc ca trễ hẹn.
Bảo Ngọc cười thanh thoát:
- Ta phải đa tạ hậu ý của Ngân đệ để ta có được nhiều thì giờ hơn để điều tức chuẩn bị cho trận đấu thì đúng hơn.
Nàng đứng dậy nhìn mặt trăng treo trên đỉnh đầu rồi nói:
- Còn rất nhiều thì giờ để được chuyện vãn cùng Ngân đệ.
Đôi mắt đen lấy láy của nàng nhìn  Thanh Ngân:
- Ngân đệ gọi ta là đại ca có làm Ngân đệ áy náy không?
 Thanh Ngân biết nàng sắp chính thức thú nhận mình là gái giả trai nên nói:
- Tiểu đệ biết Bảo Ngọc.. giả trai hẳn cũng phải có lý do riêng. Hơn nữa kêu Bảo Ngọc là ca ca hay tỷ tỷ, Bảo Ngọc..vẫn là Bảo Ngọc, tình huynh đệ chúng ta cũng chẳng vì thế mà ảnh hưởng.
Bảo Ngọc cầm bình rượu mang theo tu một hớp, rồi đưa cho  Thanh Ngân:
- Hay lắm! Uống với ta! Ta là gái, nhưng ta chỉ là con gái khi về cung, vào chốn phòng riêng. Xuất hiện trên giang hồ ta vẫn luôn luôn ăn mặc nam trang, muốn mình như một tu mi nam tử, kết bạn cùng anh hùng hào kiệt bốn phương. Ngân đệ nếu không chê ta là người con gái kỳ dị, thì cứ gọi là Bảo Ngọc ca.
Thanh Ngân cười:
- Khi mới gặp Bảo Ngọc, tiểu đệ đã biết là gái giả trai, thì tiếp tục gọi  Bảo Ngọc là đại ca vậy. Tuy nhiên, tiểu đệ cũng muốn nói, anh hùng và anh thư chưa hẳn ai đã hơn ai. Đã là bậc cân quắc anh thư hà tất cải đổi y phục để làm bậc anh hùng.
Bảo Ngọc chắp tay phía sau, đi lại trên sàn thuyền nói:
- Ngân đệ nói đúng lắm, nhưng người đời vẫn trọng nam khinh nữ, trong sự kết giao vẫn áy náy nữ nam. Ta làm sao tự do kết bạn với anh hùng hào khách nếu chẳng cải đổi nam trang? Và..một điều nữa bọn đàn ông..lại hay say mê nữ sắc. Họ có thể muốn kết bạn với ta vì..nhan sắc mà không phải đến từ tâm ý thanh cao.
Bảo Ngọc dở mũ, hất tung mái tóc mây óng ả hỏi  Thanh Ngân:
- Ngân đệ thấy ta là người con gái thế nào?
 Thanh Ngân tự nhiên ngắm nhìn Bảo Ngọc, nói:
- Bảo Ngọc..ca đúng là một trang quốc sắc.
Bảo Ngọc nheo mắt, xinh đẹp vô cùng, rồi cười khoái trá:
- Cảm ơn Ngân đệ! Ngân đệ muốn gọi ta là tỷ tỷ hay đại ca?
 Thanh Ngân thở dài:
- Lòng thì muốn gọi là tỷ tỷ, nhưng ý thì muốn gọi ca ca.
Bảo Ngọc nắc nẻ:
- Ngân đệ gọi ta là gì cũng được, chúng ta vẫn là tình bạn. Ta mong có một người bạn như Ngân đệ, nhưng cũng không muốn có những hiểu lầm cho hôn thê của Ngân đệ sau này.
Rồi nàng trầm ngâm nhìn sóng nước:
- Ta là gái, nhưng chí của ta là chí của kẻ muốn cởi đầu cơn gió dữ, chém kình ngư, đạp sóng biển đông...ta chẳng bao giờ vướng bận tình trường.
Nàng nhìn  Thanh Ngân:
- Chí của Ngân đệ thì sao? Ngân đệ còn dấu ta là chẳng biết võ công nữa hay không?
 Thanh Ngân thấy nàng đã nhắc đi nhắc lại mấy lần là mình có võ công, nghĩ có lẽ sự che dấu của mình không qua nổi cặp mắt của nàng nên thú nhận:
- Do một kỳ duyên tiểu đệ có học võ công. Tiểu đệ biết võ công đến bây giờ chỉ có một người duy nhất biết được và Bảo Ngọc ca là hai. Tiểu đệ không muốn dính líu vào việc giang hồ, chẳng có ý gì khác mong ca ca không trách cứ là đệ không thành thật.
Thanh Ngân nhìn nàng, thở dài nói tiếp:
- Lê  Thanh Ngân mà Thủy Ma Cung và Vạn Trúc Sơn Trang đang truy lùng cũng chính là tiểu đệ.
Bảo Ngọc la hoảng:
- Cái gì? Sao tên tiểu qủy Lê  Thanh Ngân là đệ? Tên dâm tặc tiền dâm hậu sát nổi tiếng giang hồ nghe nói chỉ có mười bốn mười lăm tuổi kia mà!
Thanh Ngân tức giận:
- Mấy tháng nay tiểu đệ ở đồi Thanh Bút không rời nửa bước, không hiểu ai vô sĩ đã tạo nên những vụ án này trút lên đầu đệ. Chúng vẫn nghĩ đệ là một đứa bé mười bốn mười lăm, vì không biết tiểu đệ sau khi gặp kỳ duyên đã thoát thai hoán cốt như bây giờ!
Bảo Ngọc nhìn  Thanh Ngân một lúc lâu rồi nói:
- Ta tin Ngân đệ bị kẻ thù ám hại. Bọn đó không ai ngoài Vạn Trúc Sơn Trang và Thủy Ma Cung. Kẻ thù Ngân đệ muốn đẩy Ngân đệ vào đất chết, biến thành công địch võ lâm.
Nàng lại nói:
- Đúng là kế di hại, vì không ai làm tội ác lại lưu tên họ của mình lại bao giờ.
Thanh Ngân cau mày:
- Tiểu đệ chí chỉ muốn sống đời tự tại an thân, đêm ngắm nguyệt, ngày xem hoa, viết sách, ngâm thơ, lại không tránh được những phiền toái trên chốn giang hồ. Dù sao tiểu đệ cũng phải truy tầm kẻ dụng tâm độc ác đó mới được.
Bảo Ngọc:
- Thế nào ta cũng sẽ giúp Ngân đệ một tay. Những vụ án gây ra đều nằm quanh vùng Thăng Long nên sai nha của triều đình truy lùng Ngân đệ đã đành, hiệp khách chính phái thì muốn giết Ngân đệ trừ hại cho dân, còn hắc đạo thì muốn giết Ngân đệ để lãnh thưởng của Vạn Trúc Sơn Trang và Thủy Ma Cung. Kỳ này đến Thăng Long Ngân đệ phải cẩn thận mới được. Ta đề nghị Ngân đệ tạm thời không dùng tên họ của mình nữa, dùng một tên khác để dễ bề theo dõi, tránh bớt phiền phức.
Nàng pha trò:
- Nếu Ngân đệ là gái, thì ta đề nghị Ngân đệ đổi tên là Lê thị Kính.
 Thanh Ngân cười:
- Cung kính không bằng phụng mạng, tiểu đệ không dùng được chữ thị, thì mượn chữ Bảo của ca ca, tạm thời lấy tên là Lê Bảo Kính.
Bảo Ngọc tán thưởng:
- Lê Bảo Kính! Lê Bảo Kính nghe ra còn có vẻ đàn ông hơn hai tiếng  Thanh Ngân. Đến Thăng Long ta sẽ gọi Ngân đệ là Bảo Kính.
Nàng nhìn trời:
- Đã gần đến giờ hẹn với Trường Tu Tẩu. Ta phải đi gặp  lão, nhờ Ngân đệ trả thuyền về bến, ngày mai chúng ta gặp nhau.
 Thanh Ngân:
- Tiểu đệ muốn đi với ca ca. Chúng ta cứ xuôi thuyền đến nơi, neo lại rồi lên bờ, tiểu đệ thấy cũng không có gì trở ngại.
Bảo Ngọc quấn vội lại mái tóc, đội lại mũ, cười nói:
- Nếu Ngân đệ muốn có thêm kẻ thù thì ta cũng chẳng ngại gì để Ngân đệ chứng kiến võ công thô thiển của ta.
Thanh Ngân:
- Tiểu đệ đã chứng kiến võ công của Vô Địch Thần Quyền Phạm thúc thúc, của Thiềm Mục Lão Nhân. Tiểu đệ không ngờ Ngọc ca còn trẻ tuổi mà võ công cũng đã đạt tới hàng thượng thặng như họ.
Bảo Ngọc:
- Ta cũng nhờ gặp được kỳ duyên như Ngân đệ. Tên Trường Tu Tẩu kỳ này hẳn thấm thía câu “hậu sinh khả úy”. Ngân đệ nghĩ trong bao nhiêu chiêu ta có thể hạ  lão?
Thanh Ngân:
- Việc thử nội công vừa rồi, Bảo Ngọc ca chỉ dùng bảy thành công lực cũng đã mau chóng thắng lão. Tiểu đệ đoán đại ca có thể hạ lão trong vòng hai trăm chiêu trở lại.
Bảo Ngọc khoan khoái:
- Ta cũng nghĩ như Ngân đệ, nhưng lão vốn là kẻ tiểu nhân nên ta cũng phải đề phòng.