Chương 2

 
Đây là cuộc đi chơi xa đầu tiên trong đời của chị em Ngọc Vạn. Chúa Sãi đã cẩn thận cho bà vú Minh Nguyệt cùng theo để hầu hạ các công nữ. Vú Minh Nguyệt là người siêng năng, cần mẫn, làm việc gì cũng tận tụy. Vú đã sống với gia đình chúa Sãi trên hai mươi lăm năm nay. Cả bốn công nữ, kể cả Ngọc Liên là phó tướng phu nhân bây giờ, đều qua tay vú bồng bế nâng niu từ thuở bé.
 Trong số bốn công nữ, vú vẫn dành riêng một tình yêu đặc biệt cho Ngọc Vạn. Ngọc Vạn chào đời lúc chúa Sãi còn đang giữ chức trấn thủ Quảng Nam. Vú Minh Nguyệt đã có một kỷ niệm sâu sắc với Ngọc Vạn ngay khi nàng còn đỏ hỏn. Thời đó những dinh cơ quan tướng đều còn xây dựng đơn sơ, vách phên đan bằng tre nứa, quét vôi, cột kèo bằng gỗ, có khi bằng tre, mái thì phần nhiều lợp tranh hay lá chung quân. Ngay chính dinh phủ chúa Nguyễn ban đầu cũng chỉ vách nứa mái tranh.
 Nhằm vào buổi hạn hán, khu vực dinh trấn thủ đã xảy một vụ hỏa hoạn bất ngờ, lúc Ngọc Vạn mới có năm ngày tuổi... Khi vụ cháy xảy ra, vú Minh Nguyệt chính là người đang giữ nhiệm vụ chăm sóc Ngọc Vạn. Vú bồng cô bé cố chạy ra xa khu vực đang cháy, tới một bãi cỏ xanh dưới một tàng cây lớn. Vú trải tấm chăn lên cỏ rồi đặt Ngọc Vạn xuống. Cô bé nằm dưới bóng râm mát trong chốc lát đã ngủ ngon lành. Vú yên trí bèn bước ra cách vài bước để nhìn đám người đang chữa lửa làm việc.
 Bỗng vú giật mình thấy một trong mấy người bị thương được khiêng ra là Thiếu Hóa - người em ruột của vú. Thiếu Hóa bị cây cháy ngã đè nhằm, đang lâm tình trạng nguy ngập. Vú quá hoảng hốt quên luôn cả nhiệm vụ chính, phóng mình tới lo việc cứu người em. Mãi tới khi có người hỏi đến tiểu thư Ngọc Vạn, vú mới giật mình ba chân bốn cẳng chạy về chỗ bà đặt tiểu thư nằm. Gần tới nơi, bà bỗng hét lên - Thôi rồi! - Một con trăn lớn nằm ngay chỗ mà vú đã đặt Ngọc Vạn, nó lại đang gồng mình nuốt một con gì còn mắc ở cổ họng.
 . Trời ơi! Tôi hại tiểu thư rồi!
 Vú Minh Nguyệt khóc ré lên, mặt tái mét, run bần bật, người muốn khuỵu xuống. Tiếng thét thất thanh của vú làm cho mọi người chú ý. Ai nấy đều hoảng hốt chạy lại. May thay! Tiểu thư Ngọc Vạn vẫn còn đang ngủ ngon lành ngay bên cạnh con trăn. Nó chỉ cần quảy mình một cái là cô bé khó an toàn. Vú Minh Nguyệt vẫn run bần bật không biết xử trí ra sao. Một người lính đã nhanh nhẹn chạy lại bồng tiểu thư lên đem lại trao cho bà.
 Con trăn bị người ta bắt dễ dàng vì đang mắc kẹt con mồi trong cổ, không kháng cự hay bỏ chạy được. Thì ra một con thỏ ở đâu bị động vì vụ cháy đã chạy đến thế mạng cho Ngọc Vạn.
 Dĩ nhiên lần đó vú bị trách mắng nặng nề. Thoát chết vụ này, ai cũng cho rằng tiểu thư Ngọc Vạn có mạng lớn, có phần phước phi thường. 
 Ngọc Vạn còn có nhiều điểm đặc biệt khác với những trẻ con cùng lứa tuổi. Nàng rất ít khóc ít cười. Ai cho ăn gì ăn nấy, cho uống gì uống nấy, không đòi, không chê không hất như mọi trẻ em khác. Có ai bồng bế cũng được mà đặt xuống giường thì cũng nằm tự nhiên. Khi nằm một mình, Ngọc Vạn cứ lặng lẽ ngắm trần nhà, nhìn những con thằn lằn đuổi nhau bên vách, đến mỏi mắt lại quay ra ngủ. Bình thường thì dễ dãi vậy nhưng khi cô bé giận lẫy cũng ra chiều quyết liệt lắm. Một lần, lúc mới hơn nửa năm tuổi, Ngọc Vạn đang bú, vì mới mọc răng bị ngứa sao đó, cô bé đã cắn một cái làm phu nhân đau quá nạt lên một tiếng. Cô bé lập tức nhả vú, mắt liếc mẹ một cái rồi bò tránh ra xa. Thế mà bé không khóc một tiếng. Phu nhân thấy tội kéo lại cho bú tiếp nhưng bé lắc đầu nguầy nguậy. Ai dỗ gì bé cũng không chịu. Mọi người nghĩ bé giận lẫy cùng lắm cũng chỉ qua một giấc ngủ rồi thôi, không ngờ liên tiếp ba ngày sau bé vẫn nhất định không chịu bú. Hết người này đến người khác thay nhau dỗ dành. Đút cháo vào miệng bé cũng không nhai không nuốt, cứ ngậm trân trân một ít rồi thôi, có khi còn nhả ra lại. Chuyện đó đã làm cả nhà vừa lo cuống lên vừa buồn cười. Sang ngày thứ tư chính vú Minh Nguyệt đã dỗ được bé ăn cháo bình thường rồi trở lại bú mẹ như trước.
 Khi lên bốn tuổi, Ngọc Vạn được chính mẹ mình dạy học chữ lẫn nữ công. Ngọc Vạn ham học, thích chữ nghĩa hơn thêu thùa. Cô bé học hành tấn tới một cách lạ thường. Chúa Sãi thấy vậy mừng lắm, những khi rảnh rỗi chúa cũng thân hành dạy thêm cho Ngọc Vạn. Từ mười tuổi trở lên cô bắt đầu mê đọc về những nhân vật lịch sử. Nàng tỏ ra rất say sưa khi đọc các chuyện Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan, Mạnh Lệ Quân, Võ Hậu...
 Chúa Sãi thấy vậy một lần hỏi nàng:
 - Những nhân vật nữ đó con thích ai nhất?
 - Thưa cha, ngoài Bà Trưng, Bà Triệu, con thích Ỷ Lan, Mạnh Lệ Quân.
 Chúa Sãi sung sướng nói với vương phi:
 - Con ta sau này không phải tầm thường đâu! Nó có thể làm rạng danh cho nhà mình đấy.
 Sau đó, chúa mời thầy giỏi vào cung dạy cho Ngọc Vạn.
 Lên mười lăm tuổi, Ngọc Vạn đã trở thành một thiếu nữ diễm lệ. Nàng vẫn rất ít nói ít cười, gương mặt nàng gần như lúc nào cũng nghiêm nghị, trầm ngâm. Hằng ngày nàng chỉ chuyên lo cắm cúi vào sách vở chứ không chú ý đến việc trang điểm như phần nhiều các cô gái mới lớn. Tuy vậy, sắc đẹp bẩm sinh của nàng vẫn mỗi ngày mỗi khởi sắc dị thường...
 Nhân một ngày giỗ của chúa Tiên, lúc con cháu tề tựu đông đúc, chúa Sãi nói:
 - Lúc lâm chung cha ta có dặn "Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam có các núi Hải Vân, thật là nơi trời dành cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời". Ý cha ta là muốn con cháu khởi nghiệp lớn từ đây. Vậy, tất cả con cháu, mỗi người phải đem hết khả năng mình thực hiện ý nguyện của cha ông, để tạo sự nghiệp cho bản thân, đem lại niềm vinh quang cho dòng họ, để ông bà ở cõi bên kia cũng được thỏa lòng.
 Trong khi các công tử tranh nhau bàn tán xôn xao về kế hoạch giữ nước, bành trướng lãnh thổ như thế nào thì công nữ Ngọc Liên cười nói với ba người em gái:
 - Mấy việc đó để đàn ông lo, chị em mình cứ giữ phận bếp núc thêu thùa cho tốt là được rồi, phải không mấy dì?
 Trong bốn công nữ của chúa, công nữ lớn tuổi nhất là Ngọc Liên đã gả cho phó tướng Nguyễn Hữu Vinh. Ba công nữ kế tiếp là Ngọc Vạn lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi, Ngọc Khoa mười ba và Ngọc Đỉnh mười hai. Hình như có chủ định sẵn, chúa Sãi nhìn các con gái cười và hỏi lại:
 - Các con có đồng ý với chị Ngọc Liên không? Theo cha thấy thì nhiều lúc người đàn bà cũng làm được những việc rất quan trọng mà có thể đàn ông làm không nổi. Giả sử như vụ Tiên Chúa ta mưu lừa được tướng Mạc Lập Bạo, nếu không có Ngô Thị Ngọc Lâm thì liệu việc có thành không? Ngay cả việc Tiên Chúa ta được vào trấn thủ Thuận Hóa, thoát ra ngoài tầm nanh vuốt chúa Trịnh cũng là nhờ một lời của Mụ Cô Bà Ngọc Bảo của các con. Ta vẫn hi vọng rằng các công nữ của ta còn có thể làm được những công việc to lớn hơn thế nữa đấy!
 Công nữ Ngọc Đỉnh, cô gái út của chúa, nhõng nhẽo thưa:
 - Phụ thân nói vậy chứ tụi con thì làm ra trò gì được! Đàn ông việc nước đàn bà việc nhà như chị Ngọc Liên nói vẫn là chuyện thường tình.
 Công nữ Ngọc Vạn nghe em nói như thế thì gắt:
 - Em con nít biết gì mà nói leo! Đàn bà đâu phải ai cũng như em nghĩ? Em không thấy bà Trưng bà Triệu đó sao? Chị rất hãnh diện cho em biết thời kỳ đất nước ta bị Tàu chiếm và đô hộ, người khởi nghĩa đuổi Tàu giành độc lập đầu tiên không phải là đàn ông mà là hai người đàn bà: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nối gót  hai bà lại có bà Triệu Thị Trinh nổi dậy chống giặc Ngô với câu nói bất khuất để đời: "Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu cong lưng chịu làm tôi tớ cho người ta!". Câu nói ấy chứng tỏ chúng ta đâu thua sút gì đàn ông? Ngoài ra, rất nhiều vị nữ lưu phương Bắc đã tạo được những việc động trời như một nàng Tây Thi làm sụp đổ nước Ngô bá chủ, một Võ Hậu suýt làm cho nhà Đại Đường tiêu vong... Đó là những chuyện đã xảy ra sử sách còn ghi rõ, đâu phải đàn bà chỉ biết nữ công hay bếp núc?
 Quay sang nhìn cha, Ngọc Vạn nói:
 - Chuyện nữ lưu anh hùng trong thiên hạ xưa nay quá nhiều khó mà kể ra hết trong một lúc được. Con chỉ muốn được phụ vương kể lại thành tích của hai vị nữ lưu có liên hệ đến việc dựng nghiệp của tiên vương ta cho chúng con cùng nghe, phụ vương có vui lòng không?
 Chúa Sãi nói:
 - Con nói đúng lắm. Con cháu cũng cần biết rõ công nghiệp cha ông đã gặp những khó khăn như thế nào...
 Năm Đinh Hợi, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Nội tổ ta (Nguyễn Kim) là một cựu thần nhà Lê, nhờ người Lào giúp đỡ, khởi binh chống nhà Mạc, phò nhà Lê. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì nội tổ ta bị một hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Bấy giờ nội tổ ta tuy có hai người con trai là bác Uông và cha ta, nhưng cả hai đều còn nhỏ nên dượng ta là Trịnh Kiểm lên thay nắm binh quyền. Cờ đã vào tay, dượng Trịnh Kiểm bắt đầu nuôi môïng lớn. Thấy hai người em vợ tuy còn nhỏ nhưng đều tỏ ra thông minh, anh dũng, dượng Trịnh Kiểm không đươc yên lòng. Thế rồi một hôm trong lúc cha ta đến chơi nhà một người bạn chưa về, bác Uông ở nhà sau khi ăn cơm tối xong bỗng vật mình lăn lộn một chốc rồi chết. Cả nhà ta lo sợ nhốn nháo lên. Những người thân thích của gia đình ta đều cho rằng đây là một âm mưu đầu độc. Mấy ngày sau, ông Nguyễn Ư Dĩ, ông cậu ruột của cha ta, lén tìm đến nhà ông Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin hỏi kế bảo toàn mạng sống cho cha ta. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là một nhà túc học, đỗ trạng nguyên thời Mạc, giỏi phép bấm độn, người thời bấy giờ vẫn quen gọi là Trạng Trình. Từ hàng vương giả tới dân chúng không ai không kính ngưỡng ông, ai cũng tin là ông biết được chuyện đã qua và chuyện sắp tới. Khi khách đến, gặp lúc Trạng Trình đang chăm chú xem một một hòn non bộ đặt trong một bể nước trước mặt nhà. Nguyễn Ư Dĩ vái chào, Trạng Trình chỉ gật đầu một cái rồi lại chăm chú vào hòn non bộ. Khách kiên nhẫn chờ đợi một lúc khá lâu mà Trạng Trình vẫn coi như không. Sau cùng, bất đắc dĩ khách phải liều trình bày sự việc. Không biết Trạng Trình có nghe gì không, chỉ thấy ông ta vẫn điềm nhiên quan sát hòn non bộ, rồi vẫn chẳng ngó ngàng đến khách, nói một câu: "Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân". Ông Nguyễn Ư Dĩ hiểu ý bèn trở về ngầm bàn với cha ta và người cô của ta là Ngọc Bảo, vợ dượng Trịnh Kiểm. Thế rồi một hôm cô Ngọc Bảo nói với chồng:
 - Thuận Hóa là đất biên ải dân tình chưa thuần thục, hay bị người Chiêm quấy nhiễu, lại còn đang chịu nhiều ảnh hưởng của họ Mạc, nếu tướng công không chọn hạng trọng thần cho vào trấn giư, lỡ sơ sẩy để lọt vào tay giặc thì ta hai mặt thọ địch chịu sao nổi?
 Trịnh Kiểm nói:
 - Ta vẫn lo nghĩ về việc ấy lắm chứ, nhưng ta chưa biết chọn ai xứng đáng để giao phó nhiệm vụ quan trọng đó.
 - Hay là tướng công cho em Hoàng gánh vác nhiệm vụ ấy được không?
 Trịnh Kiểm suy nghĩ - một ý tưởng mới lóe lên: Cái chết của Nguyễn Uông đã làm ông mang tai tiếng không ít. Ông không muốn chịu mang tiếng thêm một vụ khác. Khốn nỗi Nguyễn Hoàng còn ở bên cạnh ông ngày nào thì  địa vị của ông còn bấp bênh ngày ấy. Theo ông nghĩ, Thuận Hóa là chốn ác địa xa xôi, cô lập, hay bị người Chàm quấy phá, vả lại đất đai nghèo nàn, khó làm gì nên chuyện đáng ngại về sau. Nếu Nguyễn Hoàng vào đó mà khỏi chết vì tay họ Mạc hay giặc Chiêm thì cũng chết già giữa chốn thiểm địa sỏi đá ấy. Đây là ý kiến của chính người chị ruột Nguyễn Hoàng thì ông còn ngại gì nữa? Nghĩ như thế xong, Trịnh Kiểm mừng rỡ tự nhủ: "Thế là ta đã có cách giải quyết một vấn đề gai góc mà ta đã suy nghĩ nát nước bấy lâu nay". Trịnh Kiểm liền làm ra vẻ tươi cười xuề xòa nói với vợ:
 - Có thế mà ta nghĩ không ra! Phu nhân đã muốn thế sao ta lại chẳng nghe lời chứ?
 Thế là cha ta được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa.
 Nhưng lịch sử đã biến chuyển một cách kỳ diệu. Trịnh Kiểm đưa cha ta vào Thuận Hóa hoàn toàn không phải do hảo ý. Ông nghĩ rằng Thuận Hóa sẽ thành nơi buộc chân cha ta. Ai ngờ cha ta vào vùng đất xấu ấy lại như hùm gặp rừng cao, rồng về biển cả...
 Năm Mậu Ngọ, khi đoàn thuyền của cha ta đi qua Thanh Nghệ Tịnh thì rất nhiều người hưởng ứng đem cả gia đình đi theo. Trong đó có những danh thần như Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống...
 Năm Canh Ngọ, dượng Trịnh Kiểm qua đời, trao quyền lại cho con là Trịnh Cối. Nhưng Trịnh Cối là người hay rượu chè bê bối, thưởng phạt bất minh nên tướng sĩ không phục. Người em của Cối là Trịnh Tùng biết rằng nếu cứ để quyền hành trong tay anh mình thì thế nào công nghiệp ông cha gây dựng cũng sẽ sụp đổ. Thế là Tùng cướp vua Lê đem về Nghệ An để chống lại Trịnh Cối.
 Không bỏ lỡ cơ hội huynh đệ tương tàn này, nhà Mạc bèn cử đại binh thủy bộ rầm rộ chia làm hai mặt, một mặt do tướng Mạc Kính Điển chỉ huy đánh vào Thanh Hoa (về sau đổi thành Thanh Hóa), một mặt do tướng Lập Bạo đánh vào Thuận Hóa để dứt đường tiếp viện của cha ta.
 Trịnh Cối không đủ sức một phía chống quân Trịnh Tùng, một phía chống quân Mạc, núng thế phải đầu hàng và dâng Thanh Hoa cho nhà Mạc. Trong khi đó, Trịnh Tùng giữ vững được Nghệ An rồi phản công quân Mạc chiếm lại được Thanh Hoa.
Năm Nhâm Thân, Lập Bạo đem quân theo đường biển vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị). Cha ta thấy quân Mạc quá mạnh, lại do một danh tướng chỉ huy thì lấy làm lo lắng lắm. Người bèn họp những kẻ dưới quyền lại bàn bạc nhưng không ai nghĩ ra kế gì có thể thi hành được.
 Một hôm trời đã quá khuya, cha ta vẫn ngồi bên ngọn đèn, có vẻ suy nghĩ rất căng. Người thiếp của cha ta bưng lên một tô chè đậu xanh đến bên cạnh mà người vẫn không hay biết, nàng cất giọng thanh tao:
 - Mời chúa công dùng một tô chè cho khỏe người. Chiều này không thấy chúa công ăn uống gì cả mà không đói à? Hình như chúa công có điều gì suy nghĩ căng thẳng lắm thì phải!
 Cha ta quay lại nhìn người đàn bà. Đó là nàng Ngô Thị Ngọc Lâm, một người thiếp trẻ đẹp mà người đang yêu quí. Người thở dài:
 - Cám ơn nàng, ta bận lo nghĩ  quá nên quên đói mất! Không biết mai mốt nàng có còn dịp để săn sóc cho ta như thế này nữa không đây?
 Ngọc Lâm ngạc nhiên lo lắng hỏi:
 - Thiếp có lỗi gì mà chúa công nói như thế xin cho thiếp rõ được không?
 - Không phải, nàng đâu có lỗi gì. Nhưng ta, ta đang gặp khó khăn. Nếu chuyến này không thắng được Lập Bạo ta e giữ thân ta không nổi nữa làm sao mà giữ nàng!
 - Lập Bạo dữ tợn đến thế kia à, chúa công?
 Cha ta nhìn người thiếp trẻ đẹp như tiên dưới ánh đèn, một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu ông:
 - Nàng là Điêu Thuyền của ta đấy ư? Ừ, tại sao ta không nghĩ đến kế này?
 Thế là người kéo nàng thiếp ngồi xuống bên cạnh mình...
 Mấy hôm sau, gần ngã ba Gia Độ, một vùng dân cư còn thưa thớt, trên bờ sông Thạch Hãn, gần trại của quân Mạc bỗng xuất hiện một quán rượu. Chủ quán rượu là một cô gái trẻ rất thanh lịch, xinh xắn, nụ cười luôn nở trên môi... Đặc biệt là rượu của cô rất ngon, không đâu sánh kịp. Khách hàng tìm đến nườm nượp và không ngớt lời khen ngợi. Không mấy chốc tiếng đồn về cô bán rượu đã tới tai vị chủ tướng anh hùng Lập Bạo. Ông tướng xa nhà lâu ngày trong người hừng hực thèm khát hương vị gia đình bèn thân hành đến quán mong khuây khoa chốc lát. Thấy bậc quí nhân vào quán, cô gái làm một mâm thức nhắm thật ngon với một bình rượu quí bưng ra. Cô hàng nói năng chào mời rất lịch thiệp, khuôn phép khiến ông tướng hài lòng lắm. Cái vẻ đoan trang, xinh đẹp, ăn nói dịu dàng của cô gái đã thật sự chinh phục được lòng cảm mến của ông tướng. Ông thân mật hỏi:
 - Cô em tên gì? Nhà cửa ở đâu mà đến mở quán rượu đây?
 - Bẩm tướng quân, em tên Diệu Liễu, họ Ngô. Nhà em cũng khá gần đây thôi.
 - Có chồng con chi chưa?
 - Bẩm tướng quân, em là con đầu trong gia đình, cha mẹ nghèo, các em còn nhỏ cả nên em còn phải ở nhà để giúp đỡ cha mẹ, chưa dám nghĩ đến chuyện chồng con.
 - Nếu ta giúp em bỗng lộc để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng các em, em có bằng lòng không?
 - Bẩm tướng quân, em đâu dám phiền ngài đến thế?
 - Phiền gì đâu? Em không hiểu ý ta à? Nếu em chịu theo làm bậu bạn, chia sẻ vui buồn cùng ta trong những lúc quân vụ bận rộn thì ta sẵn sàng lo trọn việc đó thay em. Em nghĩ thế nào?
 - Bẩm tướng quân, làm sao áo mặc qua đầu! Mọi việc phải do cha mẹ em quyết định, em không dám có ý kiến.
 - Hay là thế này - nói đến đây, vị tướng gọi người lính tùy tùng bảo đem đến một túi nhỏ, có lẽ đựng bạc, đặt xuống bàn - Đây là chút quà mọn ta tặng gia đình để phụ vào việc chi dụng. Em hãy trình với cha mẹ lòng thành cầu thân của ta nhé!
 Cô gái cau mặt, tay đẩy túi bạc trả lại, nói:
 - Không được đâu! Tướng quân là người có địa vị, có quyền hành, đứng trên phương diện quốc gia, dĩ nhiên tướng quân là thầy dạy đạo lý cho nhân dân. Nếu tướng quân thật tình thương em, xin tướng quân cho người mang sính lễ đến thưa chuyện với cha mẹ em đàng hoàng, có họ hàng chứng kiến, cho được danh chánh ngôn thuận mới phải chứ đâu phải lấy tiền bạc mà mua chác như thế này?
 Lập Bạo hơi ngượng, ông nói:
 - Ta xin lỗi, em nói phải đấy, chuyện đó không khó gì. Ta sẽ làm cho gia đình em vô cùng vinh dự bằng cách cho một đội binh hùng hậu lễ phục đàng hoàng mang sính lễ đến nhà cầu thân, em bằng lòng chứ!
 Lập Bạo nói xong, nhìn cô gái chờ đợi nụ cười và cặp mắt ngạc nhiên sung sướng lóe lên, nhưng ông chỉ thấy cô gái lắc đầu:
 - Thưa tướng quân, như thế cũng không nên đâu! Người dân quê vốn rất sợ lính tráng, thấy lính hùng hổ vào xóm chắc họ trốn hết thôi. Đám hỏi chỉ cần đi vài chục người là đủ. Được bà con xóm làng tấm tắc khen ngợi cái hình ảnh oai phong lẫm liệt của chàng rể, thế là vinh dự cho gia đình em rồi!
 Viên dũng tướng nghe những lời ngọt lịm của giai nhân, đã quên hết mọi sự cảnh giác đề phòng. Ông hỏi han tánh tình, sở thích, nhu cầu, ước vọng của cha mẹ nàng một cách ân cần.
 Mấy hôm sau, tướng Lập Bạo cùng mấy chục lính tráng mang lễ vật hiên ngang đi vào một thôn vắng bên bờ sông Thạch Hãn, nơi mà cô gái cho biết có nhà ở của cha mẹ nàng. Nhưng đoàn người đi hỏi vợ đã sa vào ổ phục kích của một đội lính Thuận Hóa. Ông tướng can đảm Lập Bạo và toàn bộ những người cùng đi đều bị tiêu diệt sạch.
 Thừa thắng, cha ta xua binh đánh cho quân Mạc thua tan tác. Một số bị giết, một số chạy trốn ra truông nhà Hồ ẩn náu làm giặc cỏ, còn bao nhiêu phải đầu hàng.
 Số quân Mạc chịu đầu hàng được cha ta đưa vào khẩn hoang lập được một số làng quanh vùng Cồn Tiên (Tây Bắc Quảng Trị)...
 Nghe cha kể xong, Ngọc Vạn hân hoan nói:
 - Nếu được đặt vào một vị trí thích hợp, con tin rằng con cũng sẽ giúp được một phần trong sự nghiệp của cha ông để không thẹn với những người đi trước!
 Mọi người nghe thế đều vỗ tay hoan nghênh ầm lên. Chúa Sãi nghe cũng lộ rõ nét vui mừng, chúa nhìn Ngọc Vạn gật gật đầu khoái chí. Công nữ Ngọc Khoa thấy vậy cũng nói:
 - Chị Ngọc Vạn góp phần xây dựng cho sự nghiệp của cha ông được thì con cũng góp phần được chứ!
 Chúa Sãi lại nhìn sang Ngọc Khoa cũng gật gật đầu cười:
 - Cũng được lắm! Cứ tin ở mình các con sẽ toại nguyện.
 Ngọc Liên nhìn cha cười nói:
 - Thế là chỉ có con và Ngọc Đỉnh vô dụng!
 Chúa Sãi lại cười:
 - Trâu đi cày, mèo bắt chuột, không ai vô dụng hết. Điều quan trọng là mỗi người phải gắng làm hết bổn phận của mình. Nhưng nếu may mắn có tài lớn, tài lạ thì ta phải cố gắng phát huy, không nên để nó mai một uổng đi! Các con phải biết điều đó.
 Từ đó về sau những khi rảnh rỗi chúa Sãi thường cho gọi Ngọc Vạn đến, cha con bàn luận việc chính trị cổ kim rất tương đắc.
 Như có một thứ bùa ngải nào đó trợ sức, công nữ Ngọc Vạn ngày càng phát triển một vẻ đẹp huyền hoặc đã làm tê tái lòng bao nhiêu người thấy nàng. Đặc biệt trong vẻ đẹp huyền hoặc ấy lại còn chứa đựng cả vẻ nghiêm trang, lạnh lùng đầy bí ẩn. Rất hiếm khi Ngọc Vạn có một nụ cười. Nàng thông minh, kiến thức rộng rãi nhưng tánh khí có vẻ kiêu bạc, lãnh đạm khác hẳn những chị em gái của nàng đều có phong cách bình dân, bặt thiệp dễ hòa đồng với mọi người... Bởi thế, nhiều khi vương phi phải than thở: "Người dẫu đẹp mấy mà khó tánh đến như Ngọc Vạn, anh chàng nào gặp phải mày rồi cũng khổ!".