Chương 4

 
Chiều hôm sau, Mạc mẫu cho người mời công nữ Ngọc Liên đến bàn chuyện. Ngọc Liên tuy sinh ra trong chốn cành vàng lá ngọc nhưng tính tình bình dị, ăn ở với gia đình chồng một mực kính thuận. Nàng nghe mẹ chồng gọi liền lật đật vào hầu:
 - Mẹ cho gọi con chắc có việc gì?
 - Ừ, mẹ cũng muốn bàn với con một chuyện khá hệ trọng. Như con biết đó, mẹ chỉ có hai đứa cháu kêu bằng cô là thằng Huy và thằng Vụ. Thằng Vụ còn con nít không nói làm chi. Riêng thằng Huy đã trưởng thành, mẹ vẫn mong nó lập gia đình để có cháu nối giòng. Mẹ đã gợi ý, đã thúc giục bao nhiêu lần nhưng nó vẫn lờ đi. Bất ngờ hôm nay nó bỗng có ý định ấy, con thử giúp ý mẹ xem có thể lựa chọn mối nào cho nó không?
 Công nữ Ngọc Liên cười:
 - Thế thì con biết chú ấy muốn lựa chọn chỗ nào rồi!
 Mạc mẫu làm ra vẻ ngạc nhiên:
 - Thế theo con biết thì nó muốn lựa chọn mối nào? Và mối ấy có thể thành tựu hay gặp trở ngại gì không?
 - Thật ra thì con cũng chỉ đoán chừng thôi, hình như chú ấy cảm đứa em gái của con là Ngọc Vạn. Nhưng nếu con đoán đúng thì việc cũng hơi khó. Ngọc Vạn rất khó tính, nó chưa biết để ý đến đàn ông.
 Mạc mẫu lộ sắc mừng:
 - Chuyện duyên số biết đâu mà nói trước. Nếu con đoán như vậy mà đúng, mẹ tin rằng việc có thể thành. Con có khóc mẹ mới cho bú chứ! Vợ chồng con thương thằng Huy thì gắng lo giúp cho em nhé!
 - Mẹ bảo con giúp bằng cách nào?
 - Con là người trong nhà dễ nói. Con hãy ướm ý trước với nhà chúa cùng vương phi xem thế nào rồi mẹ sẽ tùy lúc thuận tiện mà nhờ người làm mai mối, như vậy đỡ bỡ ngỡ hơn.
 - Con xin vâng lời mẹ dạy!
°
 Mấy hôm sau, công nữ Ngọc Liên về phủ thăm cha mẹ.
 Trong một bữa uống trà, Ngọc Liên trình bày ý nguyện của Mạc mẫu với gia đình. Chúa chỉ hỏi sơ về việc học hành, cách ăn ở của Đình Huy rồi vui vẻ nói:
 - Gã họ Trần này xem cũng khá, làm rể ta được đấy! Nhưng ta cũng muốn biết ý của Ngọc Vạn đã.
 Vương phi cho gọi Ngọc Vạn đến nói:
 - Con gái lớn ai cũng phải lấy chồng. Nay Mạc mẫu muốn hỏi con cho công tử Trần Đình Huy, theo cha con, người ấy cũng là hạng nhân tài, ý con thế nào?
 Ngọc Vạn không tỏ vẻ e lệ gì cả, đáp:
 - Ước nguyện của con vẫn là muốn kén được một người chồng có thể lập nên công nghiệp lưu danh về sau. Nếu cha mẹ thấy họ Trần là người xứng đáng thì con không mong gì hơn nữa.
 Câu trả lời của Ngọc Vạn làm cho chúa Sãi lẫn vương phi rất hài lòng. Chúa Sãi vốn tính bình dân, lại rất quí trọng nhân tài. Chúa nghĩ  thương Đình Huy mồ côi nên nói với Ngọc Liên:
 - Con về bảo với Mạc mẫu, chẳng cần mối dong rườm rà, ta biết Đình Huy mồ côi eo hẹp, chớ bày biện ra làm gì, chỉ cần lo liệu sính lễ tượng trưng cho đủ lệ thì thôi, đừng ngại gì hết.
°
 Chúa Sãi đã chọn tháng Giêng năm Canh Thân, cho phép gia đình Đình Huy chính thức đi hỏi công nữ Ngọc Vạn.
 Trong buổi nạp nhận sính lễ, chúa Sãi ân cần nói với Đình Huy:
 - Từ giờ phút này, ta coi con như người trong nhà. Ta hi vọng ta đã chọn được rể hiền không khác Hưng Đạo vương chọn được Phạm Ngũ Lão. Ta cũng tin rằng, con sẽ làm rạng rỡ cho dòng họ Trần của con và con gái ta cũng được vinh hiển lây. Theo lệ xưa, từ ngày nhận sính lễ đến ngày thành thân đã có ấn định hẳn hòi: con thiên tử thời gian một năm, con chư hầu thời gian nửa năm, con đại phu thời gian ba tháng, thứ dân thì một tháng. Nay ta ở địa vị chư hầu dưới vua Lê, vậy, sáu tháng nữa ta sẽ tổ chức lễ thành hôn cho các con. Ta mong rằng, bất cứ lúc nào con cũng chuyên cần trau dồi kiến thức, văn hóa, đạo đức để sau này có thể phò vua giúp nước hữu hiệu hơn...
 Ai nấy đều khen đây đúng là một cặp trai tài gái sắc rất cân xứng. Chúa và vương phi chỉ hơi áy náy về cái vẻ sầu muộn của con gái mình. Hai vị vẫn mong tình yêu đôi lứa sẽ làm xóa bớt đi phần nào cái chứng cố hữu đó. Chúa đặc biệt cho phép trong thời gian chưa làm lễ cưới, Đình Huy có thể tùy tiện đến thăm vị hôn thê để trò chuyện khi cần.
°
 Theo lời khuyên "Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân"của cụ Trạng Trình, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng xin được vào trấn thủ Thuận Hóa. Mười hai năm sau ông kiêm lãnh thêm xứ Quảng Nam đeo ấn Tổng Trấn nên phần lãnh thổ ông cai trị gọi chung là Thuận Quảng. Ông sinh được mười hai người con gồm mười trai, hai gái.
 Đoan Quốc công phu nhân là Nguyễn thị một hôm mộng thấy một bà tiên đến cho bà một chữ Phúc thật lớn. Lúc bấy giờ bà đang mang thai người con thứ sáu. Khi thức dậy bà vui mừng bàn với chồng nên đặt tên cho đứa con đang ở trong bụng là Phúc. Nhưng Quốc công lại cho rằng đặt tên Phúc như thế thì chỉ có một người hưởng được, nên lấy chữ Phúc ấy làm chữ lót để nhiều con cháu cùng hưởng phúc chung. Thế là khi người con thứ sáu ra đời, Quốc công đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Chi phái Nguyễn Phúc ra đời từ đó.
 Có thể nói chữ Phúc đó đã ứng vận thật. Khi chúa Nguyễn Hoàng mất, năm người con sinh trước Nguyễn Phúc Nguyên tên không có chữ Phúc đệm thì bốn người đã mất trước cha mình, người thứ năm Nguyễn Hải lại đang bị chúa Trịnh giữ làm con tin ở Bắc hà, Nguyễn Phúc Nguyên nghiễm nhiên thành người kế nghiệp cha. Người đời vẫn quen gọi ông là chúa Sãi.
 Chúa Sãi là người nhiều cơ mưu, có chí cương cường như cha. Lên cầm quyền, ông trọng dụng nhân tài, được nhiều người giúp đỡ, trong đó có một nhân vật kiệt xuất là Đào Duy Từ, được người đời ví như Khổng Minh Gia Cát Lượng và nhiều danh tướng nổi bật như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật... Một mặt ông cho xây lũy Trường Dục và lũy Thầy để lấy thế đối đầu với chúa Trịnh, mặt khác, ông tìm cách để bành trướng lãnh thổ về phương Nam...
 Vào tháng hai năm Canh Thân, vua Chiêm Thành là Pô Romê cho người sang nạp cống phẩm đồng thời ngỏ ý xin cầu hôn với một công nữ. Lúc bấy giờ thế lực chúa Sãi tuy đã lớn mạnh nhưng chúa lại bận rộn chuẩn bị chống lại chúa Trịnh ở miền Bắc đang rấp rem tấn công vào. Thế là chúa Sãi nghĩ ngay đến việc dùng người đàn bà để khống chế nước Chiêm. Chúa đem việc ấy bàn với quần thần. Ai nấy đều khuyên chúa nên hi sinh chấp nhận thỉnh cầu của vua Chiêm. Đó là cách bảo đảm nhất để khỏi lo lắng về hậu phương nếu phải đánh nhau với quân Trịnh.
 Một buổi tối, chúa Sãi cho mời vương phi cùng ba công nữ ngồi lại rồi nói: 
 - Ta muốn nói một câu chuyện hết sức quan trọng đối với gia đình ta. Vừa rồi sứ Chiêm Thành đến cống hàng năm, có ngỏ ý xin ta gả một công nữ cho vua Pô Romê. Chính ta cũng mong muốn có một cuộc hôn nhân như thế. Đối với ta, đây không phải là một cuộc hôn nhân bình thường mà phải là một cuộc hôn nhân có tính toán. Ta coi đây là một tin vui lớn lao cho mình, tất nhiên ta phải gả một công nữ. Tuy nhiên, muốn đảm nhận vai trò này rất khó, phải là một người sắc sảo, khôn ngoan dốc hết tâm lực ra mới được. Tiếc rằng, Ngọc Vạn đã đính hôn với Đình Huy mất rồi!
 Ngừng một chốc, chúa tiếp:
 - Cuộc hôn nhân này có thể giúp ta thêm một bước Nam Tiến vững chắc mà giảm thiểu được sự đổ máu. Việc này hệ trọng vô cùng. Đáng tiếc là sứ Chiêm không đến sớm hơn năm ba tháng nữa, ta có thể dễ bề xoay xở hơn!
 Vương phi nói:
 - Ngọc Vạn đã gả cho người khác rồi thì đem Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm cũng được chứ! Mười ba mười bốn tuổi rồi chứ nhỏ nhoi gì! Đưa đi làm hoàng hậu chứ phải đưa đi làm gì đâu mà ngại?
 Rồi bà quay sang nhìn công nữ Ngọc Khoa cười:
 - Con muốn làm hoàng hậu Chiêm Thành không? Hoàng hậu là mẹ của cả một nước, oai quyền vinh sang vô cùng. Đi ra một bước cũng được quan quân tiền  hô hậu ủng, dân chúng răm rắp cúi đầu sùng bái. Con chịu nhé!
 Công nữ Ngọc Khoa hỏi lại:
 - Việc làm hoàng hậu nước Chiêm Thành thì con đâu có ngại gì. Nhưng con muốn biết mình phải làm thế nào để giúp phụ vương thêm một bước Nam Tiến vững chắc mà giảm thiểu được sự đổ máu như phụ vương nói đây?
 Chúa Sãi sung sướng nói:
 - Con đã biết chú tâm mà hỏi lại như vậy thì thật đáng mừng cho nhà ta. Ta cứ tưởng rằng con còn quá trẻ, không đủ sức để gánh vác việc đó. Như vậy, con sẽ trở thành hoàng hậu nước Chiêm - và cũng sẽ là một nữ anh hùng của dân tộc Việt! Những chuyện gì con sẽ phải làm, ta sẽ lần lượt dạy cho con!
 Vương phi nhìn Ngọc Khoa rồi nói với chồng:
 - Nói vậy chứ Ngọc Khoa còn nhỏ quá. Cứ hứa hôn cho vua Chiêm yên lòng nhưng đợi vài ba năm nữa rồi cho cưới cũng được chứ!
 Nãy giờ công nữ Ngọc Vạn vẫn im lặng chăm chú theo dõi mọi diễn tiến của cuộc nói chuyện trong gia đình. Khi thấy chúa Sãi đã quyết định gả Ngọc Khoa cho vua Chiêm, Ngọc Vạn nói với Ngọc Khoa:
 - Chúc mừng cho em! Em đã có cơ hội để mang lại niềm vinh quang cho đất nước. Tên em sẽ sáng chói mãi trong lịch sử nước Việt nếu em khéo léo, uyển chuyển sử dụng tối đa vai trò của mình. Thật tình, lâu nay chị vẫn mong có được một cơ hội như vậy, nhưng phải nói là chị đã vô duyên. Chị thành thật chúc mừng và tin rằng em sẽ thành công!
 Ngọc Khoa có vẻ sung sướng, tươi cười nói:
 - Cám ơn phụ vương và mẫu phi đã ban cho con cái vinh dự lớn lao đó. Con sẽ gắng hết sức mình để làm những gì con có thể làm được. Đáng lẽ vinh dự này phải dành cho chị Ngọc Vạn, em tin rằng chị sẽ làm tuyệt hảo hơn em nhiều. Rất tiếc, duyên số đã ràng buộc cản trở chị, em xin nguyện cố gắng để làm chị hài lòng.
 Nghe Ngọc Khoa ăn nói lưu loát rạch ròi như vậy, chúa Sãi vô cùng ngạc nhiên. Chúa vì chăm lo việc nước quá, ít có thì giờ chuyện vãn với con cái, chúa không ngờ đứa con gái mười bốn tuổi của mình trưởng thành đến thế. Chúa cho đây là cái phúc lớn của nhà mình, nét mặt chúa càng rạng rỡ:
 - Con ta đã khôn trước tuổi mà ta lại không hề biết chớ! Vậy là ta khỏi phải lo lắng gì nữa. Ngày mai, ta sẽ cho thông báo với sứ Chiêm việc này.
°
 Nước Chân Lạp vào khoảng thế kỷ 12 là thời kỳ cực thịnh của họ. Lãnh thổ Chân Lạp lúc bấy giờ rộng lớn bao trùm một phần đất Xiêm La, Hạ Lào, Chiêm Thành. Vì quá giàu mạnh, triều đình Chân Lạp đâm ra xài phí hết sức xa xỉ. Họ đã đẻ ra những công trình xây cất đền tháp đồ sộ. Tiêu biểu như đền tháp Angkor Wat thờ thần Ấn giáo Vishnu thực hiện dưới thời vua Suryavarman II (1130-1150), đền tháp Angkor Thom thờ Phật giáo thực hiện dưới thời vua Jayavarman VII (1181-1219), đều là những công trình được coi là vĩ đại nhất thế kỷ. Đặc tính người dân Chân Lạp rất tôn kính những nơi thờ cúng, tôn kính những cái gì mà họ nghĩ rằng tổ tiên họ yêu thích. Do đó, họ sẵn sàng chịu ở trong những căn nhà rách nát mà vẫn hăng hái dốc của cải ra đóng góp cho các công cuộc xây cất. Kết quả là những công trình xây cất vĩ đại ấy đã làm cho kho đụn quốc gia ráo cạn, dân chúng kiệt quệ. Đến đầu thế kỷ 13 thì đế quốc Chân Lạp bắt đầu tuột dốc thê thảm. Nhiều vùng đất biên cảnh bị các nước láng giềng xâm chiếm mà triều đình đành bó tay. Trong khi đó, nước Xiêm La trước kia là chư hầu của Chân Lạp ngày càng cường thịnh. Một thời gian sau, Xiêm La đã hoán đổi vị thế và không ngừng trở lại lấn áp Chân Lạp.
 Gần ba thế kỷ liền, nhiều lần người Xiêm La gần nuốt trộng được Chân Lạp. Người Xiêm không ngừng nay đánh mai phá làm dân Chân Lạp điêu đứng vô cùng.
 Đầu thế kỷ 17, người Xiêm đã dựng được một vị vua bù nhìn tức Soryopor (1603-1618) cai trị nước Chân Lạp với một số quần thần thân Xiêm đóng đô ở Long Úc (Lovek). Vua Soryopor cùng đám tay chân đã buộc quan lại lẫn người dân Chân Lạp phải mặc y phục Xiêm, đem các phong tục của người Xiêm áp dụng trên đất nước Chân Lạp. Dân Chân Lạp rất bất mãn, mầm loạn mỗi ngày mỗi lớn đe dọa cả triều đình. Để cứu nguy cho dòng họ, nhà vua phải nhường ngôi lại cho một người con có tinh thần bài Xiêm rất mãnh liệt tức vua Chey Chetta II.
 Vua Chey Chetta II lên ngôi xong (1618), liền cố gắng phục hồi triều nghi, không thần phục vua Xiêm nữa. Để bày tỏ ý chí phục hưng và độc lập, vua Chey cho dời đô từ Long Úc về Oudong hai năm sau đó. Ngài lựa chọn một số người có tinh thần chống Xiêm cho giữ các chức vụ then chốt trong triều. Nhưng ông chỉ làm có vậy. Vì sợ mất lòng người Xiêm và làm cha mình buồn, nhà vua không đủ can đảm loại trừ những kẻ thân Xiêm đang làm quan tại triều. Vì thế, triều đình Chân Lạp bấy giờ thành có hai phe, dĩ nhiên là phe bài Xiêm của vua Chey đang ở thời kỳ thắng thế.
Lúc bấy giờ nước Xiêm càng cường thịnh, họ liên tục động binh ở biên giới làm người dân Chân Lạp luôn hoảng hốt rúng động không yên. Triều đình Chân Lạp lúc nào cũng ở trong tình trạng báo động.
 Một hôm vua Chey hội quần thần lại bàn luận, vua nói:
- Người Xiêm lòng tham không đáy, lúc nào cũng chực thôn tính Chân Lạp ta. Thực lực ta thì quá yếu kém khó chống cự nổi họ, các quan hãy nghĩ giúp ta phương kế làm sao bây giờ?
 Một vị đại thần là Mông Cun thưa:
 - Theo thần nghĩ, nước ta cần thiết phải tìm một đối lực để dựa mà chống lại người Xiêm. Nếu không, sớm muộn gì đất nước chúng ta cũng sẽ mất vào tay họ thôi.
 Hoàng thân Nặc Nậu nói:
 - Tâu hoàng thượng, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng tìm một đối lực khả dĩ chống lại người Xiêm cũng khó lắm. Trong những nước lớn có Trung Hoa thì quá xa nước ta. Vả, nước Xiêm lại là phiên thần của Trung Hoa rồi, chắc gì ta nói họ đã nghe bằng lời người Xiêm nói! Lân cận nước ta có nước Chiêm Thành và nước Lào đều suy yếu quá đâu mong gì! Giờ chỉ còn nước Đại Việt hơi gần, chúng ta xét thử có thể trông cậy gì được ở họ chăng?
 Vua Chey Chetta II nói:
 - Nước Đại Việt thì dĩ nhiên có thể đương đầu nổi người Xiêm rồi. Nhưng thời gian mới đây nghe họ cũng bị nội loạn liên miên, không biết bây giờ thế nào?
 Đại thần Mông Cun nói:
 - Đại Việt có nội loạn thật, nhưng bây giờ việc phân chia của họ đã tạm ổn định. Miền Bắc họ Trịnh đang cầm quyền nhưng vẫn còn có họ Mạc kèn cựa ở phía giáp biên giới Trung Quốc nên cũng khó mà giúp đỡ gì cho ta. Duy có họ Nguyễn cầm quyền ở miền Thuận Quảng là một thế lực đang lên, chúng ta nên liên kết với họ chăng?
 Vua Chey nghe đại thần Mông Cun trình bày xong lộ rõ sắc mừng, nói:
 - Vậy thì chúng ta còn đợi gì nữa mà không thông sứ với họ ngay đi! Các quan có gì cần bàn thêm không?
 Đại thần Mông Cun thưa tiếp:
 - Đây là việc hết sức quan trọng, bệ hạ nên suy nghĩ cho thật chín chắn. Trước hết, chúng ta chỉ nên đặt nền móng ngoại giao với Thuận Hóa, còn việc nhờ cậy họ giúp đỡ để chống lại người Xiêm, thiết tưởng, phải dè dặt xem tình ý họ ra sao đã. Nếu không, biết đâu chúng ta lại không đuổi sói đằng trước rước báo cửa sau!
 Hoàng thân Nặc Nậu nói:
 - Thuận Hóa dầu mạnh, nhưng họ còn cách trở nước ta bởi nước Chiêm Thành. Họ có thể đưa vài mưu sĩ, một ít quân lính sang giúp đỡ chúng ta thì được chứ nào dám đưa toàn quân đi xâm lăng ta mà sợ! Họ Trịnh đang sẵn sàng đánh úp sau lưng họ bất cứ lúc nào há lẽ họ không biết? Chúng ta chỉ cần mượn họ một lực lượng tượng trưng để dọa cho người Xiêm chùn chân thôi đâu có ngại gì!
 Bàn qua tính lại một hồi, kết cục, triều đình Chân Lạp đi tới quyết định đặt nền móng ngoại giao liên kết với chính quyền Thuận Hóa.
 Lực lượng quân sự Thuận Quảng của Đại Việt hồi ấy càng ngày càng trở nên hùng mạnh. Nhưng gặp lúc họ Trịnh cũng đang thịnh nên họ Nguyễn chưa dám nghĩ đến chuyện Bắc tiến. Thế là họ Nguyễn đành nhìn vào phương Nam. Khi dò biết được bên kia phần đất Chiêm Thành còn có một xứ sở đất đai phì nhiêu mênh mông bát ngát, họ Nguyễn đã vạch ngay một hướng đi cho mình...
 Tình thế đã đưa đẩy hai thế lực Thuận Quảng và Chân Lạp nhắm vào nhau mặc dầu mỗi bên nhìn theo một nhãn quan riêng biệt. Thuận Hóa nhìn Chân Lạp như một cô gái giàu có đang cô đơn, muốn kết thân để trục lợi. Chân Lạp nhìn Thuận Hóa như một chàng trai tuấn tú có thể che chở cho mình khỏi bị những kẻ khác quấy quá...
 Thế là hai thế lực ấy đều cố ý xích lại gần nhau.
 Khi phái đoàn sứ giả Chân Lạp đầu tiên đến Thuận Hóa, chúa Sãi mừng lắm, cho người tiếp đãi rất nồng hậu. Chúa vẫn đang mong mỏi một cơ hội như thế này. Sau đó chúa lập tức cho sứ sang Chân Lạp đáp lễ. Từ đó hai nước cử sứ giả qua lại liên miên.
 Trước mắt chúa Sãi, phần đất Chiêm Thành coi như là đất Việt rồi. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, sớm muộn rồi cũng có lúc biên giới nước Việt tiếp giáp với Chân Lạp. Cho nên khi vua Pô Romê cầu hôn, chúa Sãi tuy vui mừng gả con nhưng chúa vẫn nghĩ giá như vua Chân Lạp cầu hôn thì càng tốt hơn nhiều...
 Nào ngờ điều ước muốn đó của chúa Sãi cũng đến quá dễ dàng!
 Sau vụ đính hôn giữa vua Chiêm Pô Romê với công nữ Ngọc Khoa chưa đầy hai tháng, vua Chey Chetta II của Chân Lạp cũng cho sứ sang Thuận Hóa thỉnh cầu kết hôn với một công nữ.