Trên đường về, Bình không đi thẳng về nhà, Bình dừng lại trước cửa một công viên. Trước đây, có mấy khi Bình vào những chỗ như thế này đâu. Những nơi Bình hay đến là các cửa hàng quần áo, giày dép xịn, các quán cà phê, các điểm bán thuốc lá… Lần này chẳng hiểu sao, bước chân cứ đưa Bình vào đây. Có lẽ Bình cảm thấy cần có chỗ yên tĩnh lúc này, cần có không khí để thở chăng? Cảnh công viên thật là đẹp và yên lặng. Không phải là ngày thứ tư hay ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, nên công viên vắng hẳn tiếng trẻ em. Chỉ có những bé ở tuổi mẫu giáo nó có người trông, không đến trường hay những em bé còn quá nhỏ, được mẹ chúng hay những người giúp việc cho nằm trong xe đẩy, đi khắp công viên. Bình cứ mải mê nhìn. Trên một lối đi, một ông già đang vứt a mẩu bánh mì nho nhỏ cho chim ăn. Cả đàn chim sà vào người ông, đậu trên vai, trên cánh tay ông. Mọi người nhìn ông thán phục. cũng có những người thử làm như ông nhưng không được. Thấy mồi, đàn chim đến gần nhưng nhìn thấy người cho mồi, chúng ngần ngại một lát, rồi lại bay đi. Xa xa, những chú vịt với bộ lông màu quyến rũ đang lượn lờ trên mặt hồ phẳng lặng. Xung quanh hồ, người đi dạo, kẻ ngồi, người nằm trên những chiếc ghế được đặt sẵn. Mệt mỏi vì phải đi bộ đã nhiều, Bình chẳng còn hứng thú gì đi dạo ở đây nữa. Nằm bệt trên một chiếc ghế cạnh hồ, mắt nhắm lại, Bình mơ màng suy nghĩ… Xa Thái đã mấy tháng nay rồi mà Bình vẫn bàng hoàng, thắc mắc lòng tự hỏi. Vì sao Thái nói giỏi tiếng Pháp như vậy, giao tiếp các nơi Bình thấy Thái có thua ai đâu, sao Thái phải về nước vĩnh viễn khi chưa học xong, chưa có bằng cấp gì cả? Hay là cô Cúc không còn đủ tiền cung cấp cho Thái tiếp tục học nữa? Thái không muốn học hay vì lý do gì đó khiến Thái phải "giữa đường đứt gánh" như vậy? Mãi gần đây, Mai mới nói cho Bình biết điều Bình vẫn thường tự hỏi đó. ° Thái là con trai duy nhất của cô Cúc và chú Hùng. Bố Thái là cán bộ đối ngoại giỏi, có uy tín cả về năng lực chuyên môn, cả về đạo đức. Mẹ Thái là nhân viên, làm việc cùng cơ quan với chồng. Bố Thái qua đời cách đây mấy năm vì một căn bệnh hiểm nghèo. Năm Thái tốt nghiệp phổ thông trung học cũng là năm mẹ Thái được sứ quán đối ngoại cử sang công tác tại Paris một nhiệm kỳ ba năm. Thật may mắn, Thái đi cùng mẹ! Cả hai mẹ con ấp ủ bao mơ ước khi Thái sẽ được đào tạo ngành nghề trên đất Pháp. Từ ngày chú Hùng không còn nữa, bao nhiêu tình cảm yêu thương cô Cúc dồn hết vào đứa con trai. Cô lo lắng và chăm sóc Thái từng ly từng tí như sợ Thái bị đói hay bị ốm. vẫn chưa yên tâm, cô mua cho con những thứ con yêu cầu để đáp ứng việc học hành. Cô sắm cho Thái nào tivi, máy vi tính, nào điện thoại di động, thứ nào cũng loại thật xịn. Cũng như những học sinh Việt Nam khác đã đỗ tốt nghiệp phổ thông ở quê nhà, Thái phải theo học một năm ngoại ngữ vì vốn tiếng Pháp của Thái quá ít ỏi. mặc dù bố Thái, lúc còn sống, rất giỏi tiếng Pháp, nhưng Thái thì chẳng mặn mà gì với cái món này. Cô Cúc ở lo lắng quá sức. Nghe những người đi trước góp ý, cô cho con mình ghi danh vào học tiếng ở trường Đại học Sorbonne IV. Đó là nơi vừa nổi tiếng vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy. Song hành với những điểm quý giá đó là tiền học phí rất cao. Thời gian học sáu tháng kể cả các kỳ nghỉ trong đó, ví dụ hai tuần nghỉ năm mới và Noel, hai tuần nghỉ đông..mỗi tuần 25 tiết học, số tiền học phí phải đóng khoảng hai nghìn Euro, tương đương bốn mươi triệu đồng Việt Nam. Vậy rồi, Thái nản dần. Có những hôm, Thái sợ không viết được bài để trả thầy, Thái trốn học. Thái không dám nói với mẹ điều ấy vì sợ mẹ buồn. Mỗi lần Thái đi học về, mẹ Thái lại chuẩn bị những món ăn ngon để bồi bổ cho Thái. Sáu tháng học trôi qua, Thái chẳng lấy được cái chứng chỉ nào cả. Cực chẳng đã, mẹ Thái lại cho Thái ghi danh học tiếp một khoá nữa. Lần này, Thái có tiến bộ hơn về khẩu ngữ. Sau sáu tháng học tiếp, Thái nói tiếng Pháp trôi chảy hơn nhưng những bài viết bằng tiếng Pháp vẫn chẳng cải thiện được là bao. Khi ghi danh vào trường đại học, lẽ ra Thái phải làm một bài kiểm tra viết về ngữ pháp như tất cả các sinh viên nước ngoài đến Pháp học, song Thái chỉ phải tham dự cuộc phỏng vấn xét duyệt vào trường đại học thôi, bởi vì Thái là con cán bộ đối ngoại. Thái đã vượt qua cuộc phỏng vấn ấy. Vậy là, sang năm thứ hai ở Pháp, Thái là sinh viên năm thứ nhất khoa Kinh tế, trường đại học Sorbonne ở Panthéon, Paris. Khi học kỳ I kết thúc, Thái tham dự đủ các môn thi, nhưng 9/12 môn thi không đạt điểm. Thái thấy nản. Vào trường, Thái được biết, ở các trường đại học, năm thứ nhất là năm thanh lọc. Có những trường chỉ có 30% sinh viên đủ tiêu chuẩn học tiếp lên năm thứ hai. Phần thì thấy khả năng của mình không theo nổi, phần thì thiếu nghị lực, không tự giác, không chịu học hỏi. Thái không theo học nữa, cứ để cho năm học trôi tuột đi (thường ở các trường đại học như vậy, khoa tổ chức những giờ giúp sinh viên yếu các môn học, do các sinh viên giỏi đang học những năm trên hay sinh viên mới ra trường được giữ lại làm giáo viên, đảm nhận). Khi năm học kết thúc, kết quả học tập của Thái chẳng có gì cả. Thái buồn một mà mẹ Thái buồn mười. Cô Cúc đặt hết hy vọng vào đứa con trai. Đúng là tài sản chẳng có gì nhiều, giàu có chẳng hơn ai nhưng cô Cúc đã hy sinh tất cả cho con mình. Có lẽ như vậy, cô cũng phải bớt ăn, bớt tiêu mới có điều kiện cho cho Thái. Thái nói với mẹ rằng Thái cũng hiểu những lo lắng của mẹ, cũng muốn học tốt để vui lòng mẹ nhưng Thái không muốn học và không học được, rằng Thái cũng đâu có muốn thua kém bạn bè…Nói là hiểu mẹ, thương mẹ vậy, nhưng rồi sự lười biếng, tính đua đòi, thích mua sắm những loại giày dép, quần áo có nhãn hiệu nổi tiếng, làm Thái quên hết. được mẹ nuông chiều, ỷ vào mẹ, Thái đã hoàn toàn không tự giác và không tạo cho mình tính tự lập. Rồi năm tiếp theo, Thái bảo mẹ cứ yên tâm. Thái ghi danh vào học năm thứ nhất khoa Luật, Đại học Sorbonne II. Thái giải thích với mẹ là năm trước Thái đồng ý học ngành Kinh tế để chiều theo nguyện vọng của mẹ chứ không phải vì Thái yêu ngành đó. Thái cho rằng ngành Luật hợp với mình hơn vì Thái nói nhiều và rất ưa giao tiếp. Lúc nói như vậy, Thái không hề nghĩ rằng học Luật đòi hỏi phải đọc, viết nhiều và phần lớn các môn học là lý thuyết, đòi hỏi kiến thức xã hội rộng. Mặc cho mẹ và bao bạn bè ngăn cản, Thái cứ khăng khăng làm thủ tục nộp cho trường và vượt qua cuộc phỏng vấn không mấy khó khăn của ban giám khảo là cán bộ đào tạo của Khoa. Thái được nhận vào trường. Thấy Thái phấn khởi ra mặt, thoả mãn với ngành nghề đã lựa chọn, dần dần mẹ Thái cũng thấy yên tâm. Thời gian cứ thế trôi, mẹ Thái vẫn thấy con đến trường đều đặn nên đâu có để ý. Hơn nữa, khi có con học đại học ở Pháp, nếu bố mẹ có để ý mà con không tự giác thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Mẹ Thái thừa hiểu, khi con là sinh viên, dù cô có lo, có đến trường hỏi tình hình học tập của con, cũng chỉ nhận được câu trả lời: "Con bà đến tuổi trưởng thành, chúng tôi không có quyền nói những gì thuộc về con bà. Nếu bà muốn, bà có thể gặp trực tiếp giáo viên giảng dạy lớp con bà học". Làm có thể gặp trực tiếp giáo viên bộ môn được? Trong những tài liệu của trường phát, không có số điện thoại cũng như địa chỉ gia đình của từng giáo viên. Mà ở một đất nước tiên tiến như Pháp làm sao có thể đến nhà riêng của giáo viên được nếu như không có mối quan hệ bạn bè, họ hàng thân thiết với họ. Ngay từ trường phổ thông cơ sở, trường phổ thông trung học cho đến trường cao đẳng hay trường đại học, giáo viên không bao giờ tổ chức dạy thêm hay phụ đạo gì cho học sinh lớp mình dạy. Ở nước Cộng hoà Pháp, hệ thống giáo dục và đào tạo đã đi vào quy củ từ nhiều năm và đặc biệt rất nghiêm túc. Thi tốt nghiệp phổ thông trung học rất khó. Lúc còn học ở trường phổ thông cơ sở và kể cả trường phổ thông trung học, học sinh cứ nghỉ buổi học hay giờ học nào, hay thậm chí đi học muộn, phòng phụ trách học tập gửi ngay giấy báo về cho phụ huynh vào cuối tháng đó. trường hướng nghiệp ngay khi học sinh đang đi học lớp 1o để đến lớp 11 và 12 là chuyên môn hoá rồi. Học sinh nào không học được những môn học cần cho ngành chọn, nhà trường sẽ yêu cầu gặp phụ huynh học sinh đó để báo ngay việc chuyển đổi. Thi tốt nghiệp không những học sinh phải đủ điểm của hơn chục môn thi cuối lớp 12, mà còn tính cả điểm của quá trình học hia năm cuối cấp cộng với điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Pháp ở lớp 11. Chính vì vậy, cái bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của học sinh có được rất khó và có giá trịn như một cuốn hộ chiếu, để sau đó, học sinh có thể tự ghi danh vào các trường đại học theo sự lựa chọn của mình và được trường đại học đó chấp nhận chứ không phải thi vào đại học như ở Việt Nam. Chỉ trừ khi học sinh muốn học tiếp hai năm dự bị (hai năm học này được tính tương đương với hai năm học đại học đại cương ở trường đại học), hồ sơ sẽ được xét duyệt rất kỹ để rồi sau hai năm đó, nếu học sinh có khả năng, sẽ dự thi tuyển vào các trường lớn như đại học Sư phạm, đại học Bách khoa, đại học Thương mại, vv.v..Nếu khi thi tốt nghiệp phổ thông, học sinh lấy được tấm bằng có xếp hạng tương đối khá, khá hay giỏi thì khi xin vào trường đại học sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Học sinh Pháp được đào tạo cơ bản ngay từ nhỏ, có tính tự lập cao nên lúc vào đại học là gần như tự giác hoàn toàn. Họ phải học theo tính chất tự nghiên cứu, tự đi thư viện để tìm sách vở, tài liệu theo một danh sách thư mục mà thầy cô giáo phát cho sau những buổi giảng trên lớp. Những buổi học trên giảng đường, sinh viên muốn đến hay không, thầy cô giáo không biết, không quan tâm, chỉ biết giảng bài (trừ những giờ thực hành là có điểm danh và châm điểm), nhưng đến lúc thi không được thì sinh viên phải chịu hậu quả. Sinh viên nước ngoài tới Pháp học, thầy cô giáo không phân biệt giữa người Pháp và người nước ngoài để nhân nhượng về vấn đề tiếng Pháp còn yếu hay chưa chuẩn. Các thầy cô giáo đánh giá khá công bằng khi một học sinh có thành tích. Thậm chí, các thầy cô rất thích và quý sinh viên Việt Nam về tính cần cù, chịu khó. Khi học kỳ I của Thái kết thúc cũng là lúc Đại sứ quán Việt Nam tại Paris tổ chức Tết Nguyên đán. Cũng như mọi năm, cán bộ Việt Nam công tác ở các cơ quan đại diện đều được mời đến dự. Bình cũng được cô Cúc, mẹ Thái, mời vào. Cô Cúc vẫn thấp thỏm về tình hình học tập của con mình. Không thể giấu mãi được, Thái đành phải nói kết quả thi học kỳ cho mẹ biết. Cô Cúc cay đắng chấp nhận cái điều có thật không thể tin nổi đó. con cô không thể qua nổi các kỳ thi của một cái ngành nghe thật hay nhưng học vô cùng khó. Học một ngành khoa học xã hội, sinh viên phải tự giác đọc nhiều. Phần lớn các môn học đòi hỏi phải học và làm việc tại các thư viện. Ở Pháp gần ba năm rồi mà Thái không có thói quen làm việc ở thư viện. một điều chắc chắn Thái không vượt qua nổi là muốn làm việc có hiệu quả ở các thư viện phải có tính kiên trì. Ở các thư viện lớn, hàng ngày cứ đầu giờ sáng và đầu giờ chiều mở cửa, độc giả phải xếp hàng, có lúc phải chờ hàng giờ mới vào được. Dù xếp hàng dài nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ lượt. Vào đến thư viện, phải biết sử dụng thẻ qua máy để lấy phiếu ghi tên, chỗ ngồi…Mỗi người một bàn nhưng các dãy bàn kê sát nhau, trừ lối đi lại để tiết kiệm diện tích, có đèn bàn, đủ ánh sáng để đọc và tra cứu. không khí thật tĩnh lăng và nghiêm túc. Ai nấy đều cắm đầu cắm cổ vào sách vở, vào công việc của mình. Có khát nước hay đói thì phải dùng thẻ của mình để ra khỏi phòng đọc, xuống phía dưới, mới có máy tự động phục vụ, ăn uống xong rồi mới được trở lại chỗ của mình. Buổi trưa, những thư viện lớn vẫn mở cửa. nhưng muốn ăn đủ bữa, phải tìm chỗ ăn ngoài thư viện hoặc mang theo đồ ăn, song tuyệt đối không được ăn trong phòng đọc. Máy móc, sách, tài liệu, gần như đầy đủ bởi vì những loại sách nhiều người tra cứu, thư viện không cho mượn về nhà. Vì thế, nhiều người phải đến thư viện mới có đủ tài liệu để nghiên cứu, học tập. Những thư viện mở cửa từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối. Vậy mà nhiều hôm gần đến giờ đóng cửa người đọc vẫn còn đông, đặc biệt là vào mùa thi cử. Học nghiêm túc, tích cực mà nhiều sinh viên vẫn không qua nổi các kỳ thi. Mỗi lần thi lại, sinh viên phải đóng tiền và vì thế cũng có những người phải bỏ học dở dang, chuyển sang hệ cao đẳng hoặc trung cấp…Các môn thi vấn đáp, thí sinh không những phải hiểu câu hỏi của ban giám khảo, trả lời đúng, mà còn phải biết tìm cách lý giải để bảo vệ ý kiến của mình. Các môn thi viết còn khó hơn vì nếu chỉ học thuộc, trả lời nguyên xi như trong sách giáo khoa thì may ra chỉ đạt điểm trung bình, nếu không phạm phải lỗi nào, cũng có khi không đạt điểm. Muốn được điểm cao, phải biết cách phân tích, tóm tắt, tổng hợp, bình luận những điều mình hiểu từ những vấn đề thầy cô giáo giảng và từ những kiến thức trong sách giáo khoa cũng như từ các tài liệu liên quan. Lúc thi cử mới thấy giáo viên, cán bộ coi thi và thí sinh nghiêm túc vô cùng. Đôi lúc có ai đó không nhớ bài, tí toáy mở tài liệu, nếu không bị giám thị phát hiện thì lại bị chính thí sinh ngồi gần phát hiện ra, báo cáo sự việc với giám thị. Những thí sinh như vậy không phải là xấu bụng mà họ muốn có sự công bằng, minh bạch. Giáo dục của Pháp đề cao tính trung thực. Thà thí sinh mang tiếng là học kém chứ không chấp nhận chịu tiếng gian lận. Và chỉ cần có người báo cáo sự việc, dù thí sinh đã dùng được tài liệu rồi hay chưa, giám thị kiểm tra lại, lập ngay biên bản, thu bài thi và mời thí sinh ấy ra khỏi phòng thi. Trong giờ thi, ai nấy tự làm bài của mình. Nếu không hiểu, không làm được, đành nộp giấy trắng. Có lẽ cách học và thái độ đẹp trong thi cử như vậy, có được, cũng là nhờ vào hệ thống giáo dục, đào tạo sinh viên đã được làm quen từ nhỏ, từ những năm còn học ở trường phổ thông cơ sở cho đến sau này. Sinh viên Pháp nói chung là tốt, cũng rất sòng phẳng. Sòng phẳng trong học hành, thi cử, sòng phẳng trong ăn uống, sinh hoạt…Rủ nhau đi ăn hoặc đi chơi đâu đó, số tiền phải chi, phần ai nấy trả. Cũng như phần lớn các cặp vợ chồng sống chung với nhau, mỗi người đều có tài khoản riêng và tiền của ai người ấy giữ. Trong giao tiếp, Thái tỏ ra mạnh dạn và nói năng trôi chảy nhưng cũng chỉ thật sự trôi chảy khi giao tiếp sinh hoạt bình thường thôi, chứ khi phải tranh luận về một vấn đề gì bắt buộc phải dùng những lời giải thích, lập luận thì Thái cũng chịu. Những bài thi viết, phải lập luận, phải phân tích, phải bình luận thì Thái thấy khó khăn vô cùng. Vì ít đọc, ít tham khảo tài liệu cộng với kiến thức xã hội kém cỏi, những bàithi viết của Thái không đủ điểm, ở nhiều môn điểm còn cách xa điểm trung bình. Biết con mình không thể học được các môn xã hội dù nó thích, mình lại sắp sửa hết nhiệm kỳ phải về nước, cô Cúc đã bắt con làm hồ sơ chuyển về tỉnh học ngành tin học ở một trường cao đẳng. một mặt ở tỉnh việc học đỡ căng thẳng hơn, mặt khác, Thái sẽ ít có điều kiện tiếp xúc với số bạn bè lười biếng, ăn chơi ở Paris. Thái tìm mọi cách phản kháng nhưng vì kinh tế còn phải phụ thuộc nên dù không muốn, Thái cũng phải chấp nhận. Rồi hè đến! Hè về, ở Paris, không có tiếng ve sầu kêu ra rả suốt ngày đêm trên các cành cây, không thấy hoa phượng đỏ thắm rực rỡ khắp nơi như ở Hà Nội. Ở Paris, mùa hè đến được báo trước bằng lượng khách du lịch ngày mỗi đông trên các đường phố, bằng những cú điện thoại liên tiếp gọi về các hãng hàng không đặt vé, bằng sự nô nức chuẩn bị đi nghỉ h` của người dân. Sau hè năm đó, mẹ Thái phải từ biệt đứa con trai của mình và những người đồng nghiệp mến thương, chia tay các bạn Pháp để trở về nước, nhận công tác mới. Còn một mình, Thái xác định là phải cố gắng tập trung vào học tập. Tuy nhiên sự cố gắng ấy không đêu đặn. Vào năm học mới, Thái tỏ vẻ tích cực, cũng đi thư viện, cũng cố gắng dùng từ điển để thêm vốn từ vựng. Nhưng rồi gặp những bài toán khó, những câu hỏi đòi hỏi phải phân tích, chứng minh, Thái lại nản. sắp đến kỳ thi học kỳ I, lẽ ra phải lao vào học thi. Thái lại nhìn ngó ngành học của những bạn khác. Do chủ quan coi thường, thấy mình ghi danh hay phỏng vấn vào trường đại học nào cũng được nhận, Thái mơ hồ tiếp tục "trò chơi" đổi trường, đổi ngành một lần nữa. "Việt Nam đang trên đà phát triển, Việt Nam sẽ được gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam ngày càng mở cửa làm ăn với nhiều nước lớn. Ta nhất định sè học ngành thương mại. Với kiến thức ta thu lượm được, dù sống, làm việc ở Tây hay ở Ta, ta sẽ tha hồ hốt bạc, Pháp là nước nổi tiếng về rượu vang, bánh mì và phó mát, ta đã nghiên cứu mấy cái trường đại học thương mại, cái tên nghe kêu lắm". Thái cứ nói một mình như vậy và cứ như Thái đã cầm chắc cái bằng đại học đến nơi rồi. có lẽ lúc đó, Thái chẳng khác gì cô gái trong câu chuyện của Pháp "Brette và bình sữa trên đầu", cô ta vừa đội sữa đi ra chợ bán, vừa mơ tưởng đến những gì cô ta sẽ có được từ số tiền bán bình sữa của mình nhưng rốt cục, cô ta chỉ thu được con số không vì bình sữa bị đổ xuống đất vỡ tan khi cô ta thích chí nhảy cẫng lên. Cứ miên man trong ảo tưởng, đứng núi này lại nhìn núi nọ, thiếu bản lĩnh trong việc chọn ngành nghề, Thái đã để mất hết. ngoài tiền bạc, Thái mất quá nhiều thời gian cộng thêm là rắc rối về mặt giấy tờ hợp pháp mà cho đến khi thao thao bất tuyệt một mình, Thái không một mảy may nghĩ tới. đã quá tam ba bận rồi mà Thái đâu có thèm quan tâm. Thái không quan tâm nhưng sở Cảnh sát của thành phố Thái học lại quan tâm. Trên máy tính của họ, hồ sơ của Thái từ lúc sang được ghi một cách rõ ràng, cặn kẽ từng thời gian một. Lần này Thái lại ghi danh vào trường Cao đẳng Thương mại. trường này lập tức gửi ngay hồ sơ cho Thái. Sau khi điền vào hồ sơ và viết đơn xin học, Thái được nhận nếu như Thái qua được kỳ phỏng vấn. Phỏng vấn đối với Thái thì dễ ợt, vì dù sao Thái nói năng cũng lưu loát, âm điệu lại còn tây tây nữa. Ai mới tiếp xúc, nghe Thái nói, đều khen và cho rằng Thái đúng là con nhà nòi. Vậy là Thái được nhận vào trường, chỉ còn chờ ngày nhập học. không hiểu sao Thái vẫn có vẻ vênh vang, tự hào lắm. mặc dù từng học và từng qua các kỳ thi, chắc chắn Thái biết được rằng ở Pháp, vào trường đại học, cao đẳng thì cực dễ, song tốt nghiệp lại không hề dễ. phải học theo đúng nghĩa học, học trầy vẩy thì mới dám chắc. Biết là vậy nhưng Thái cứ đổi trường, đổi ngành như người ta thay áo vậy. Lần này thì Thái khăng khăng thề thốt sẽ đi đến cùng ngành nghề đã chọn. Nhưng rồi không hiểu nếu học Thái sè đi đến cùng ở học kỳ I hay học kỳ II? Thật không may cho Thái, nguyện vọng cháy bỏng chưa kịp thực hiện thì Thái phải vĩnh viễn rời đất nước nổi tiếng về rượu vang, bánh mì và pho mát. Sở Cảnh sát không thể cấp tiếp thẻ lưu trú cho một sinh viên người nước ngoài, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, bốn năm ở trên đất nước họ, mà không có một bản ghi nhận kết quả học tập của một năm nào trọn vẹn ngoài chứng chỉ học tiếng Pháp. Ba năm liên tiếp Thái học ở ba trường đại học, cao đẳng khác nhau, nhưng không có hiệu quả.