Nga đã tỉnh, cử động và nhận thức được mọi việc xung quanh. Việc đầu tiên khi tỉnh dậy, Nga cuống cuồng tìm đôi chân và đôi tay, xem nó có còn lành lặn. Nó vẫn còn nguyên vẹn. Nga mỉm cuời, nụ cười như hoa tulip.
Ngày thứ năm, bác sĩ gọi Tú vào phòng và báo cho gã biết Nga đã qua nguy hiểm. Hiện giờ chỉ cần nghỉ ngơi và tiêm thuốc điều trị đều đặn thì khoảng một tháng nữa có thể xuất viện.
“Có nên báo cho gia đình Nga biết không?” Chỉ cần một bức điện khẩn, cả nhà Nga sẽ khăn gói đi thăm con ngay. Điều ấy là chắc chắn. Gã đi đi lại lại với bao băn khoăn suy tính. Cuối cùng gã quyết định im lặng. Hiện giờ gã cũng đã nghỉ việc. Điều ấy do gã hay do tình yêu? Không hiểu sao cứ mỗi lần trở về với đàn bà là gã lại bỏ việc. Đàn bà và sự nghiệp của gã thật xung khắc. Nhưng nếu cho gã được lựa chọn, gã sẽ vẫn không thể sống thiếu đàn bà, vì đàn bà sẽ đẻ ra giống nòi, lý lẽ của gã lúc nào cũng mang một ý nghĩa nguồn cội.
- Em muốn về nhà trọ. Hết nhiều tiền của anh lắm rồi. Em thấy ái ngại cho anh quá! – Nga rên lên, đôi mắt ánh lên sự áy náy và nỗi lo lắng về vật chất. Không phải Nga không biết Tú thừa khả năng lo cho cô, mà Nga sợ tình yêu trong sáng của mình sẽ bị đồng tiền làm mất đi giá trị đẹp đẽ vốn có của nó.
- Ai bảo em là hết nhiều tiền? – Gã an ủi. – chắc là mấy cô y tá thực tập đúng không? Em cứ nghỉ ngơi đi, đừng lo nghĩ nhiều. Khi nào em khỏe hẳn, chúng ta sẽ về quê. – Mắt Tú lấp lánh nhìn Nga, gieo vào Nga niềm hy vọng, niềm tin vào sự trở về.
Ba tháng nằm viện. Tính sơ sơ cũng mất ba chục triệu. Sang đưa 2.000USD cũng gần hết. Nga sắp khỏi rồi, hỏi Sang nữa thì thừa, mà không hỏi thì thiếu. Về nhà lấy tiền bố mẹ thấy ái ngại. Đàn bà và tiền bạc luôn ràng buộc gã. Nhưng với Nga, đó còn là trách nhiệm của một người đàn ông nữa.
Ba tháng ở bên chăm sóc Nga, gã có một cảm giác rất lạ, một chút gì gia đình, một chút gì tình thương, một chút gì tình yêu và rất nhiều sự cảm thông. Gã nghĩ về người đàn bà yêu mình nhất và người đàn bà gã từng ưu ái nhất. Không ai sướng hơn ai. Mỗi người đều có một nỗi khổ. Lúc này, với gã, Nga như ngôi chùa để gã đeo tràng hạt, mặc áo cà sa ngồi tĩnh tâm niệm Phật.
Tình yêu là tận cùng của sự thanh thản và niềm kiêu hãnh. Gã không thấy sợ hãi khi ở bên Nga. Những người phụ nữ từng trãi cho gã cảm giác yên ấm, tự tin khi lên giường, thực hiện niềm đam mê giống loài. Nhưng cũng chính họ lại đốt cháy những giá trị đạo đức mà bản thân gã không bao giờ dám đặt chân đến.
Sang lao vào vòng tay đàn bà, đàn bà lao vào vòng tay hắn. Cái vòng tròn của trò đuổi bắt: tiền – tình – tiền ấy sẽ chẳng bao giờ ngã ngũ. Một ngày cuối năm, trời xâm xẩm tối, một cô gái ăn vận kiểu nhà quê, đôi mắt buồn rười rượi, ngồi co ro ở cổng công ty Sang. Cô gái trông già nua, hình như có bầu. Ông bảo vệ lắc đầu nhìn cô gái cảm thông. Ông đưa áo mưa cho cô mặc tạm, ngoài trời bắt đầu mưa nặng hạt.
Cô gái vẫn trơ như đá, có vẻ bị phụ tình. Thời buổi hiện đại, đàn bà vẫn bị thiệt thòi nhiều hơn. Nghe kể ở Ả Rập Xê Út, một phụ nữ bị phạt hai trăm roi và hai năm tù vì bị sáu người đàn ông hãm hiếp. Nếu ở Việt Nam và những nước tự do dân chủ trên thế giới thì người phụ nữ Ả Rập kia chỉ là nạn nhân. Pháp luật sẽ đòi sự công bằng cho người phụ nữ bị chà đạp.
Cô ta đến gặp Sang có việc gì nhỉ? Ông bảo vệ nói rằng cô gái lên đây từ hôm qua. Sang nhất định không chịu gặp, hắn sai thằng cave trong công ty đem ột bọc tiền xuống và dúi vào tay cô. Nhưng cô không chịu nhận và chỉ đòi gặp Sang có một lần rồi bỏ đi với hai bàn tay trắng. Kể cũng lạ! Vừa lúc ấy Tú đến chơi. Thấy cô gái bị ngất xỉu vì cảm lạnh ngay trước cửa thang máy, gã cùng ông bảo vệ vội đưa cô gái lạ vào bệnh viện. Ngồi trong taxi, nghe ông bảo vệ kể sơ qua về chuyện cô gái, Tú thấy rất băn khoăn, hễ nghe có chuyện gì liên quan đến Sang, Tú lại chột dạ thấy hình như có gì uẩn khúc. Đàn bà và Sang có duyên nợ. Dẫu vì bất cứ lý do gì thì Sang cũng là kẻ chủ ý gieo rắc vào cuộc đời đàn bà những vết cứa. Cô gái được đưa vào khoa sản, kiểm tra khỏe thai nhi, đo huyết áp sản phụ, có dấu hiệu tụt, hai ngày chưa ăn gì. Ông bảo vệ cập rập dúi tờ 100.000 vào chiếc phong bì dính nước mưa nhàu nhĩ. Ông bác sĩ tuổi còn trung niên, mắt đục ngàu, kính dày cộp, khám và chẩn đóan rồi chuyển cô gái lên phòng điều trị.
Nửa tiếng sau, cô tỉnh dậy giọng thều thào, mệt mỏi. Cô đến từ Nam Định, làm nghề bốc mộ và lượm xác người chết đường, chết sông. Năm ngoái, chính tay cô đã vớt được gần bốn mươi xác nạn nhân chết trôi từ sông Hồng đổ về. Nửa đêm, cảnh sát giao thông gọi cô đến lượm xác và khâm liệm cho người xấu số gặp tai nạn rủi ro. Chẳng ai thích cái nghề rợn tóc gáy này. Lúc sương rơi tờ mờ sáng, lúc mưa lâu ngày, ánh lân tinh lập lòe khắp nghĩa địa, cô ngồi đợi đến giờ Hòang Đạo để thay áo cho người xấu số. Có lúc cảm thấy sợ hãi và khao khát sự yêu thương của người đàn ông kinh khủng. Nhưng cô xấu quá, lại nghèo nữa, chẳng có người đàn ông nào dám yêu cô. Rồi cô gặp Sang trong một tình cảnh cũng éo le. Xe của hắn và đối tác người nước ngoài lao xuống sông. Lúc ấy là chiều tối, phải đợi đến sáng hôm sau mới gọi được cứu hộ giao thông vớt xe lên. Ông khách nước ngoài về khách sạn thay đồ và nghỉ ngơi. Sang được mấy anh cảnh sát giao thông thân quen đưa vào nhà cô ở gần đó để lập biên bản về vụ tai nạn. Chẳng hiểu sao khi cảnh sát giao thông đi rồi, Sang lại ở đó không về. Chính cái đêm ấy, cô mang thai. Chưa bao giờ cô biết đến cái cảm giác được yêu lạ lùng đến thế. Cô lên gặp Sang, không phải để cầm một nắm tiền to đùng đi nạo thai. Đời nào cô chịu bỏ đứa bé này. Cô muốn Sang cho cô cái cảm giác được yêu như thế lần nữa. Nhưng đó chỉ là giấc mơ. Nhìn kỹ người đàn bà xấu xí này, Tú mới sửng sốt nhận ra cô ta si tình và chân thật quá đỗi. Sang đã căm ghét đàn bà hơi thái quá.
Cô vẫn giữ cái thai trong bụng và ra viện ngày hôm sau. Cô thanh tóan viện phí và cầm mớ giấy xét nghiệm vào đưa cho Sang. Mặt hắn tỉnh queo, cười phớt đời. Điều đó là hết sức bình thường. Sang bảo đàn bà đã tự nguyện cho thì đừng bao giờ đòi hỏi trách nhiệm. Hắn không đòi cô ta phải sinh con. Hắn không thích bị gán ghép vào một mớ trách nhiệm loằng ngoằng.
Điều duy nhất Tú được cô ta nhắn nhủ lại, đó là bé gái, cô định sẽ đặt tên bé là Sang Thanh. Tự dưng Tú thấy chạnh lòng như ai dó chạm vào vết xước quá khứ của gã. Vì đến bây giờ, hắn chưa gặp người con gái nào tự nguyện sinh và nuôi con một mình, không đòi hỏi cũng không oán trách. Đàn bà có quyền được ích kỉ, có quyền được tận hưởng những vũ điệu mới mẻ của cuộc sống tiện nghi.
Tú và Sang, gần như có một tỷ lệ thuận với những người đàn bà. Chỉ có điều hơi khác, Tú ban đầu tìm đến đàn bà là chân thật. Còn Sang thì chỉ xác định thỏa mãn và chơi bời. Tự hắn đã lấy roi quất vào cách sống của hắn. Mà những vết đau sẽ trả giá vào ngày hôm sau. Giá như Tú không ôm đồm nhưng mối tình hão huyền, biết đâu Sang sẽ nghe lời gã để kịp dừng lại đúng lúc và xây dựng lại hình ảnh bản thân mình.
*
Nga đang khỏe dần. Chiều nào Tú cũng dẫn Nga đi dạo chơi ở công viên. Nga còn rất yếu nên phải ngồi xe đẩy. Sang đường cũng là mối hiểm họa đối với những người đi bộ. Hôm trước hai ông giáo sư người Mỹ bị một phen hú hồn, phải bó bột nằm một chỗ vì gặp một đám chíp hôi phóng nhanh vượt ẩu.
- Bụi quá! Đi nhanh qua chỗ này đi anh Tú. – Nga đưa tay kéo khẩu trang che mặt, một tay xua xua bụi đường.
- Bụi à? – Tú vừa hỏi vừa đưa mất nhìn trước nhìn sau vì sợ gặp một hung thần xa lộ. Gã rảo bước thật nhanh rồi đẩy xe lên vỉa hè, rẽ ngay vào công viên. Nga thư thái, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm hát dăm ba câu nhạc Trịnh. Nhiều hôm nằm trong phòng bệnh ở tầng sáu của bệnh viện, Nga thẫn thờ nhìn xuống đường phố, đôi mắt nhòe nhọet nước. Nga từng ước một ngày gần đây, được trở về với nhịp sống bình thường, được đi lại, làm việc, được víêt bài. Nghề báo đòi hỏi sự năng động, họat bát, xông xáo. Vậy mà Nga nằm một chỗ trói chân, trói cẳng, trói cả khát vọng, đam mê. Nếu Tú không ở bên, truyền cho Nga chút nhựa sống, chút hy vọng, chút tình thương, không biết Nga có vượt qua nổi không?
Đang đi, Tú và Nga gặp một người điên, tóc tai rối bù, người điên vừa đi vừa cười, vừa hát vu vơ: “Ta là người đàn bà đẹp, đẹp như hoa cúc dại, đẹp như dòng nước mát, không có sự đàng điềm của, thế giới đàn ông sẽ chết, lalala…”.
- Khổ thế anh Tú, anh có tiền lẻ không? Em thấy bà ta tội nghiệp quá!
- Người ta bị điên tình đấy em ạ. Nếu cần sự bố thí, anh tin chắc bà ta vẫn cần tình yêu hơn.
Tú cười hiền khi nghe Nga vặn vẹo:
- Thế lấy đâu ra tình yêu để cho người đàn bà kia bây giờ hả anh? Tình yêu phù phiếm.
Nga ngước nhìn Tú, chờ đợi, mơ hồ.
Thực ra, Nga đã biết tất cả về Tú. Nga im lặng vì lẽ gì? Vì tủi hổ, vì thất vọng, vì niềm tin ngốc nghếch, thần thánh? Chưa bao giờ Nga góp ý hay nhăn nhó khi Tú chơi với Sang – một thằng đàn ông có lối sống nhà thổ. Đàn bà là hàng hóa. Đàn bà cần tiền hay cần tình yêu đều giống nhau, có thể mua được.
Chưa bao giờ Nga tỏ ra ghen tuông hay coi thường những người đàn bà Tú đã từng quan hệ. Thậm chí có lần Tú cố tình cho Nga nhìn thấy mình đi với Duệ, nắm lấy tay Duệ nhưng Nga vẫn im lặng nhẫn nhịn. Chỉ có đôi mắt là ngôn ngữ hiếm hoi mà Tú đọc được của Nga lúc bấy giờ, ánh mắt Nga buồn, suy tư và nhìn xa xăm, cố lảng tránh hình ảnh của Tú và Duệ. Thực ra, lúc ấy Tú rất sợ Nga buồn, nhưng gã lại muốn làm Nga ghen. Đàn ông và đàn bà phức tạp như nhau. Cái phức tạp của những chàng trai trẻ khi đi tìm hạnh phúc đích thực nhưng thất bại nhiều lần, giống như việc đem thùng bị thủng đi múc nước. Đúng lúc gã mất niềm tin vào tình yêu và muốn bắn đại bác vào quá khứ thì Nga xuất hiện và giữ gã lại.
Niềm tin là chút gia vị tinh thần làm cho người ta không bị chết đuối trong sự viển vông. Không biết Nga có phải là người đàn bà cuối cùng níu Tú lại? Nước hồ xanh ngắt, công viên xanh ngắt. Ánh hòang hôn vàng rực. Tú đưa Nga về nhà trọ. Hai hôm trước Nga ra viện, bác sĩ gọi điện vào kiểm tra vế mổ. Tất cả dường như đã lành lặn. Chỉ có điều thi thoảng Nga lại bị đau nửa đầu do dư chấn từ cú va đập quá mạnh. Cuối tuần, Nga muốn về quê. Bố Nga có nhắn mấy cô bạn cùng quê làm việc ở ngoài này tìm Nga, nhưng mãi hôm nay máy di động của Nga mới bật. Hàng chục tin nhắn. Nga hỏang hồn và thẫn thờ:
Bố và dì đã đăng báo tìm Nga rồi, Nga đang ở đâu?
Mình đã nhờ bên truyền hình đăng tin tìm Nga. Không hiểu vì sao Nga mất tích như vậy.
Mấy tháng nay, cả gia đình náo lọan tìm kiếm, không có kết quả. Lúc này gã mới thấy hơi lo lắng và ái ngại vì lúc Nga nằm viện, gã đã không báo cho gia đình cô biết. Ba tháng nằm viện, ba tháng điều trị ngoại trú dưới bàn tay chăm sóc của gã, Nga không nghĩ đã gây ra chấn động tâm lý lớn lao đối với gia đình mình như vậy. Chiếc taxi bốn chô đỗ ở đầu làng, gã dìu Nga xuống xe. Nga để tóc dài hơi, hơi gầy một chút, da xanh xao. Cả làng quan họ nhìn Nga như một liền chị nửa mùa. Hàng chục ánh mắt đổ dồn về phía Nga, nhìn xóay vào sự thay đổi của Nga với ánh mắt tò mò, xen lẫn dè bỉu.
Nga bất ngờ vì thái độ thiếu thân thiện của dân làng. Tú còn bất ngờ hơn nhưng không thể đóan nổi, rốt cuộc những ánh mắt khinh bỉ, xét nét dán vào gương mặt còn ốm yếu của Nga là do đâu?
Bố Nga đứng sững như cây, một cái cây héo hon vì thiếu nhựa sống, lá cây tàn úa. Bàn tay xương xẩu của bố Nga lần lần sờ trên gương mặt con gái như thể ông không tin cô gái đứng trước mặt ông là Nga. Một ngày, có hàng ngàn vạn điều xảy ra, trong hàng vạn điều ấy, có những chuyện giống như cổ tích, có những chuyện giống như ác mộng.
- Con đã trở về! – Giọng bố Nga run run nấc lên những tiếc kinh hòang. Trong sự kinh hòang ấy, gã thấy có nét gì xúc động, có nét gì sợ hãi. Sau giây phút hạnh ngộ hiếm hoi, ông đờ đẫm nhìn Nga từ đầu xuống chân. Ông quay sang những ánh mắt tò mò. Cái nhìn của ông muốn xua đuổi, muốn thanh minh, muốn được bình yên đòan tụ với người thân…
- Con không làm cave, con nói thật đấy bố ạ.
- Hãy nhìn vào mắt bố và nói với bố điều ấy một lần nữa. Mấy tháng con không liên lạc, hàng ngàn tin đồn đã dội xuống gia đình ra, bố chết cay chết đắng. Bố không mặt mũi nào nhìn thiên hạ.
- Con không làm cave! Con nói thật đấy bố ạ.
Nga nhìn thẳng vào gương mặt người cha khắc khổ tội nghiệp. Lúc ấy gã thấy Nga thanh thản lạ lùng. Gã thấy thương Nga hơn bao giờ hết. Trong tình yêu có tình thương và trong tình thương có tình yêu. Nhiều tình cảm dành cho Nga khiến gã muốn là chiếc ô dù vững chãi che mưa che nắng cho nàng. Nga mong manh yếu đuối. Lần đầu tiên gã có cảm giác một người con gái cần đến sự che chở của gã, cần tình yêu của gã.
Để minh chứng cho sự trong sạch của mình, Nga cúi xuống chỉ cho bố những vết khâu trên đầu đã liền sẹo, những vết khâu trên đôi chân thẳng tắp, trắng muốt.
- Con bị tai nạn, con không muốn bố và dì biết rồi vất vả vì con.
Bố Nga chết lặng khi Tú cho ông xem hồ sơ bệnh á. Vậy mà dân làng đã nhìn con gái ông như một cave mang bệnh hết thời. Có nhiều lời đồn độc địa rằng họ thấy Nga đi khách đều đặn ở một khách sạn gần bờ hồ. Nga mặc chiếc váy cũn cỡn, chiếc áo xẻ hình chữ “V” sâu gần đến rốn. Miệng lưỡi thế gian đáng sợ đến nổi bố Nga bị ốm thập tử nhất sinh vì suy nghĩ.
Bữa cơm đòan tụ của gia đình Nga thật đầm ấm. Tú được gia đình Nga coi như ân nhân. Một cảm giác dễ chịu, mộc mạc. Tin đồn là nguyên nhân khiến nhiều mảnh đời bị dồn đuổi đến bước đường cùng. Sau lũy tre làng, tin đồn có thể hướng đến bất cứ ai, không giới hạn trình độ, lứa tuổi. Nạn nhân của những tin đồn thổi kiểu này không có chỗ bấu víu, phần lớn là phớt đời, hoặc hy vọng thời gian sẽ “rửa oan” cho mình.
Nga đã có Tú ở bên che chở, đó là điềm lành. Bởi nếu gã không đưa Nga về hôm nay, là Giếng Chùa sẽ biến dư luận thành búa rìu, nhát búa ấy cứ giáng xuống gia đình Nga cho tới khi nỗi oan khuất của Nga tứa máu.
Chỉ chơi ở quê Nga có một tuần, gã đã đọc thuộc suy nghĩ, cái nhìn của con người nơi đây. Những nhà giàu thì cố gắng tích cóp cho giàu hơn, những nhà nghèo thì cố gắng để vươn tới mức trung bình khá, còn những gia đình nào chấp nhận cuộc sống an phận thì cứ ngồi đấy mà than thân trách phận, đừng hòng vay mượn hay nhờ vả những người giàu. Văn hóa làng quê đổi khác, những cặp vợ chồng mới cưới đã kịp cập nhật phim con heo về xem vào tuần trăng mật, nhưng cái nhìn của người dân quê về những cô gái làm cave, cặp bồ và sống lang chạ vẫn không thay đổi.
Nga bị gán cho tội làm gái hư vì cô mất tích đúng dịp báo chí, truyền hình sôi sục với hàng lọat hình ảnh những cô gái bị lừa bán sang động mại dâm của Hàn Quốc, Trung Quốc. Chẳng mấy khi làng quê lại có những sự kiện động trời gây ồn ào dư luận như thế để bàn tán.
Buổi chiều, Tú ngồi uống bia với Sang ở quán Cây Sung. Hai chiếc điện thỏai của Sang cứ rung lên khúc nhạc chuông nghe rất xúc cảm. Bài hát Đôi bờ như chạm đến những khoảnh khắc sâu thẳm của tâm trạng cô đơn. Sang mà cô đơn? Tú nhớ có lần Hạnh từng bảo: “Cô đơn không phải khi người ta ngồi một mình và nhìn vu vơ ra một khoảng không xa xăm. Cô đơn là khi người ta yêu đắm say nhưng đáp lại là sự hờ hững, là khi người ta muốn chạy trốn khỏi cái vòng luẩn quẩn nhưng lại bị vòng luẩn quẩn ấy siết chặt”.
Bữa nhậu bị gián đọan nửa chừng khi thằng em của Sang lướt con Dylan đến, mặt hốt hoảng:
- Anh Sang! Anh phải giải quyết vụ này, không thì chết. – Mặt Sang cau có. Trên đời này hắn ghét nhất là bị làm phiền khi đang vui vẻ với bạn bè. Đối với thằng đàn ông đã nếm trãi những cay đắng, phũ phàng của cuộc đời nhiều thì giá trị của tình thân thật đáng quý. Việc thằng đàn em thân tín đến tìm thằng Sang không phải là chuyện đùa. Hắn ghé tai thì thào to nhỏ với Sang điều gì đó. Mặt Sang thảng thốt như người vừa đánh rơi đống của. Sang chào Tú rồi vội vã ra về. Mãi đến chập tối Sang mới điện thọai báo cho Tú biết sự tình, giọng nhẹ nhõm:
- Qua rồi mày ạ! Thằng đàn em của tao không chiều khách lại ăn cắp tiền của khách. Hắn vừa mới ra đầu thú sau nửa ngày lẩn trốn. Cũng may hắn nhận tội mà không khai báo gì thêm, dù thế nào tao cũng phải sa thải hắn…
- Mày còn cần tiền để mua mấy biệt thự và khu công nghiệp nữa? – Tú tỏ vẻ lo lắng xen lẫn bực dọc.
- Mày hỏi thế có ý gì? – Sang thanh minh – Tiền là phương tiện để người ta đánh bóng tên tuổi của mình thôi, tiền chẳng để làm gì hết. Tao muốn dùng tiền làm từ thiện, mua mấy tờ báo uy tín để quảng bá hình ảnh của Mạnh Thường Quân, tao muốn họ hàng, làng xóm đều nhìn tao như một thần tượng. Tao muốn đi đến đâu, ngồi ở đâu cũng được mọi người nhận ra mình. Sắp tới tao sẽ làm từ thiện ở những vùng lũ lớn. Tao muốn mày đi theo để viết một bà ký hay phóng sự về chuyến đi đó.
- Mày háo danh chứ không phải mày có lòng hướng thiện! – Tú phản ứng dữ dội trước cách sống của Sang.
Không hề tỏ ra giận dữ, Sang buông một tiếng cười lớn. Tú không rõ tiếng cười ấy là sự nhạo báng cuộc đời hay nhạo báng tư duy chậm tiến của gã? Giọng hắn mỉa mai: “Không làm được thì thuê…, không có tiền thì chẳng có gì cả”.
Bây giờ việc làm từ thiện không đơn thuần xuất phát cái tâm nữa mà là mốt thời thượng. Thế nhưng nhiều và rất nhiều cảnh đời mơ ước những tấm lòng từ thiện bốc đồng kiểu Sang để gia cảnh vượt qua khó khăn trước mắt. Hắn hãnh diện khi đến đâu, những nạn nhân vùng lũ cũng nhìn hắn như cha mẹ, gặp ai hắn cũng cúi xuống ân cần hỏi han, nắm tay động viên. Gặp em nhỏ hắn lại bế thốc lên, như thể hắn rất đồng cảm với cảnh ngộ éo le của em nhỏ đó. Tú bắt đầu khó chịu vì sự dối trá háo danh của Sang. Ngày mai, trên tivi sẽ phát sóng trực tiếp cái nghĩa cử cao cả này của hắn. Mười giây xuất hiện trên truyền hình bây giờ là bảy triệu, không biết hắn chi bao nhiêu để nuôi năm tờ báo bán chạy đồng lọat viết tít bài lớn về họat động từ thiện của hắn cùng kênh truyền hình quốc gia để quảng bá hình ảnh?
Diễn viên điện ảnh tuy nghèo nhưng có danh, đi đâu cũng được quen mặt chỉ tên. Cuộc đời luôn có sự công bằng, đánh đổi tiền bạc lấy sự nổi tiếng, sự nổi tiếng lấy tiền bạc vẫn đang là xu thế của cuộc sống hiện giờ. Kinh doanh thương mại bằng hình ảnh bây giờ là hữu hiệu nhất. Người có tiền ai cũng thuộc làu quy luật đó. Nhưng để ứng dụng quy luật đó vào thực tế cuộc sống thì phải là những bộ óc tinh xảo và đầy ắp mưu mô. Dù thế nào Tú cũng không thể phủ nhận một điều là Sang quá giỏi.
Chị Giang phải nhập viên khẩn cấp vì bị nhồi máu cơ tim. Bác sĩ bảo kiểu gì cũng phải mổ, không thì sống cũng bằng thừa, chẳng có hy vọng sinh đẻ gì, tính mạng sẽ bị đe dọa và có thể dẫn đến cái chết bất đắc kỳ tử.
Mẹ Tú chết điếng người khi thấy cô con gái mặt mũi tái ngắt. Bố phải uống hai chén trà xanh mà vẫn run run đi ra đi vào chờ đợi tin tức từ phòng mổ. Những trái tim yêu thương máu mủ ruột rà đều hướng về phòng mổ. Chị Giang đang hôn mê sâu. Nỗi buồn lấp đầy tâm trạng đến mức mẹ không còn nước mắt để yếu mềm nữa.
Không thấy đạo diễn có bảy hình xăm ở bên chị Giang. Chắc là anh ta lẩn trốn mất rồi. Tú bị một sự ám ảnh rong ruổi trong ý nghĩ rằng chị Giang đang bị trả giá cho sự ngốc nghếch. Không biết nếu qua cơn nguy kịch này chị Giang có đủ bản lĩnh để đứng lên làm lại cuộc đời mình nữa không? Đàn ông có hai loại, một là người và một là thằng người. Nếu ai cũng gặp người đàn ông chân chính thì những kẻ xấu xa vứt bỏ cho ai?
Lâu đài cát trong trí tưởng tượng của chị Giang vỡ toang. Sóng xô những đụn cát ra ngoài đại dương, đại dương lại trả về bờ những đụn cát mỏng tang như lụa. Những dải cát mong manh như cơ thể của trinh nữ. Những vết chân phàm trần thô tục dẫm vào sẽ hằn lên những tì vét. Chị Giang bé nhỏ đến tội nghiệp. Ba ngày sau mổ chị mở được mắt nhưng còn yếu ớt như ngọn cây. Mẹ xúc thìa sữa bé tí tẹo cho chị ăn cũng phải nhẹ nhàng vì sợ chạm vào sự mong manh thần thánh của chị.
Ca mổ thành công tốt đẹp. 5.000USD là cả một khỏan khổng lồ đối với một gia đình nghèo. Nhưng đối với bố mẹ gã thì chỉ như chút sơn móng tay bị phai một ít lớp màu đỏ rực. Mẹ quý chị Giang hơn tất cả những gì mẹ có trong két sắt và sổ tiết kiệm.
Lần này ở viện, gã không phải làm phong bì đút cho bác sĩ mổ và đội ngũ y tá, trưởng khoa, giám đốc bệnh viện nữa. Mẹ gã lo chu tòan mọi việc. Phòng bệnh hạng nhất dành cho hai người. Gọi là phòng hạng nhất vì căn phòng rộng 15m2, có hai giường đệm, vệ sinh khép kín, điều hòa tủ lạnh và truyền hình kỹ thuật số. Bệnh viện làm dịch vụ này rõ ràng có mục đích kinh doanh. Bởi 600.000 đồng cho hai bệnh nhân một ngày không phải là rẻ, nhưng những bệnh nhân thuộc giới thượng lưu không thể sống khổ một ngày. Mà bệnh viện cũng không tìm ra nguồn thu nào béo bở hơn nhưng loại hình dịch vụ cho giới thượng lưu.
Ngoài trời mưa tầm tã. Từ hôm chị Giang vào viện, trời đổ mưa suốt, không lúc nào tạnh. Nhiều lúc thấy bố đúng bên cửa sổ thở dài, mẹ nhìn chị Giang lo âu, gã mới thấy giá trị của cuộc sống gia đình thật bền vững. Lúc này, gã là chỗ dựa vững chãi nhất của bố mẹ. Mặc dù công việc của gã lúc này chỉ đơn giản là đi gọi bác sĩ những khi chị Giang có triểu chứng tụt huyết áp, nôn, sốt cao hoặc chạy đi mua cho bố mẹ, chị Giang những đồ lặt vặt để dùng tạm trong bệnh viện. Bố mẹ mệt rã rời, chưa khi nào gã thấy không khí gia đình mình lại ảm đạm và suy sụp nhanh như thế. Những ngày này gã gần như quên mất cuộc sống của mình, quên mất rằng mình cần phải yêu và tiếp tục duy trì tình yêu của mình để làm mới những góc nhìn cũ kĩ. Nhìn đâu cũng thấy áo blouse trắng, những cô y tá thoăn thoắt như sóc, bức tường bệnh viện cũng sơn màu trắng tóat, lạnh lẽo và ảm đạm.
Tú giật mình vì nghe thấy tiếng khóc xé toang cả trời đất. Người phụ nữ có chồng ở cùng khu điều trị với chị Giang đổ sụp xuống đất như bức tường xây gặp bão lớn. Đứa trẻ lên bốn tuổi ré lên khóc theo người thân. Cảnh tượng đập vào mắt gã là một gia đình nhận xác người thân từ phòng mổ tim của bệnh viện. Anh chồng ba mươi tuổi, cặp bồ với vợ của một tay buôn đồ cổ có máu mặt. Chẳng may, chuyện vỡ lở nên thằng chồng bị cắm sừng đã thuê một băng nhóm xã hội đen xử lý tình địch. Trên cơ thể nạn nhân không một vết dao, khám nghiệm tử thi không thấy dấu vết gì. Người vợ trẻ điên cuồng vì sự mặn mà chăn gối vẫn chưa thỏa mãn. Chỉ được chồng đầu gối tay ấp những khi anh ta say và không nhận ra đó là vợ mình nữa, nhưng chị vẫn chấp nhận sự hờ hững ấy vì anh rất hào hoa và giao tiếp khóang đạt. Chị cho rằng anh có nhiều đàn bà mê đắm là chuyện bình thường. Nên cái chết của anh khiến chị như phát điên, chị đổ lỗi cho cái chết của anh là vì chị không quan tâm và chu đáo với anh. Lúc anh còn hôn mê sau, tim còn đập, chị nhận được lá thư nặc danh nói bóng gió rằng chồng chị đã bị xử lý, nếu chị để công an vào cuộc điều tra thì con trai chị sẽ là nạn nhân tiếp theo. Bức thư ấy là manh mối duy nhất của vụ án, nên chị muốn nhìn thấy kẻ đã phá tan hạnh phúc của mình. Chị muốn biết hắn đã dùng thủ đọan gì giết chồng chị? Nỗi buồn lớn ấy xâu xé tâm can chị khiến chị đôi lúc bị mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng. Chị muốn trở thành một kiếm hiệp, một cai thủ võ lâm hay một tướng bà trong dân anh chị. Chị muốn chính tay mình sẽ xử lý tên giết người theo cái cách của chị.
Nhưng cuộc đời không hay theo ý muốn. Khi chị gặp tên giết người, chị lại không muốn giết hắn nữa. Cái chết của chồng chị đã được kẻ tình địch tử tế cảnh báo trước. Hắn bảo với chị:
- Tôi đã khuyên anh ta nhiều lần nhưng anh ta không nghe. Những chuyến đi buôn đường dài hắn còn về nhà tô ngủ. Vợ tôi là một con đàn bà lang chạ, dửng mỡ. Nó sẵn sàng chi tiền không tiếc tay cho thằng bồ nào biết cách chiều nó. Chồng chị là một thằng điếm mạt hạng. Để diệt cỏ phải diệt tận gốc, tôi ra đầu thú vì tội thuê người giết chồng chị; đồng thời tôi đã giết vợ mình tối qua.
Chị chết điếng khi nghe câu chuyện kể về anh. Lúc ấy chị muốn anh tỉnh lại, dù chỉ một lần thôi, để chị được sỉ nhục anh. Thì ra bấy lâu nay, chị và thằng con trai bốn tuổi vẫn tin rằng họ đang sống rất hạnh phúc; họ tự hào vì anh là thư ký cho tổng giám đốc một công ty lương thực thực phẩm. Chị lạnh run người khi nghe kể về sự bệnh họan của chồng chị:
- Mấy mụ bạn của vợ tôi đều là bồ của hắn ta. Có lần tại nhà tôi đã có những cuộc truy hoan tập thể, trong đó hắn và một vài gã đàn ông khác nữa.
Nước mắt chảy vào trong. Nỗi đau đớn tủi hổ cứ đè nặng lên cuộc đời của chị. Khốn khổ nhất là buồn mà không thể chia sẻ, muốn khóc mà không dám khóc.
Xác anh đã đưa lên xe mà chị không nhấc nổi chân. Mẹ gã cứ lắc đầu thương tiếc ngậm ngùi khi nghe kể về cuộc đời của chị. Mẹ bảo chị Giang cũng trạc tuổi chị, cũng may chưa chạm chân đến hôn nhân. Gặp thằng đàn ông tử tế thì còn đỡ khổ. Nhưng ba cuộc tình lướt qua cuộc đời chị Giang như ba ánh chớp, sáng thì rất sáng nhưng nhanh thì cũng rất nhanh.
Chị Giang vẫn đang được truyền đạm, nước, muối, nước hoa quả. Đầu tuần tới chị sẽ ra viện. Mẹ sai chị giúp việc về sửa sang căn phòng của chị, mấy tủ quần áo cũ được thay bằng chiếc tủ gỗ đánh vecni bóng loáng. Thêm vào đó là chiếc bàn trang điểm, tự tay mẹ đã chọn nước hoa và mỹ phẩm Hàn Quốc mà chị ưa thích. Chiếc rèm cửa sổ màu hồng rực được treo lên để xua đi không khí mưa gió ảm đạm. Không gì bằng mẹ và con gái. Mẹ bảo, theo duy tâm chị với mẹ mệnh hợp. Có lẽ vì vậy mà mẹ chiều chị hết mực.
Chỉ còn mấy ngày nữa là tết âm lịch. Sắp bước sang năm mới. Nhiều người vẫn chờ đợi thời khắc năm hết tết đến. Mứt tết, bánh kẹo, hoa quả bày la liệt trên những quầy tạp hóa ở chợ. Tú cảm thấy phấn khích với không khí chợ Tết ở quê Nga. Nhìn gương mặt ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Ngoài thành phố, siêu thị là trung tâm thương mại dành cho người có thu nhập cao. Đối với những người có thu nhập thấp thì những chợ lớn cũng đủ cho họ một cái Tết như ý. Nga tất bật dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ, bàn ghế, bát đĩa. Sự xuất hiện của Nga trong ngôi nhà bình dị ấy làm nó có thêm sức sống mới, như thể đang hồi xuân. Bố Nga ngồi gói bánh chưng thi thoảng lại tủm tỉm cười, bà mẹ kế gương mặt lơ đễnh nhìn ra ngoài ngõ hóng chuyện với mất người hàng xóm đi chợ Tết về.
Tú nhận được một tin nhắn của Sang: “Tối ba mươi tết, tôi khao ông bữa tiệc đón giao thừa bằng một ả mới mười lăm tuổi, còn trinh. Tôi vừa đặt tiền hai đứa, giá cắt cổ đấy. Đừng từ chối nhé!”.
Tú vẫn băn khoăn không biết Sang đưa cho mẹ bao nhiêu tiền tiết kiệm mà bố mẹ hắn hiện đang sống trong một biệt thự sang trọng, có tới hai osin. Bố hắn vẫn nát rượu nhưng toàn rượu ngoại đắt tiền. Quần áo đẹp, tiền nhiều, rượu ngon, đồ tẩm bổ nhiều nên trông bố hắn đỡ thảm hại hơn dạo trước. Nga liếc tú bằng đôi mắt dao cau, giọng đưa đẩy ngờ vực:
- Hình như anh Sang lại mời anh vào chương trình mới phải không?
- Đâu có! – Gã chốt phắt. Không biết từ bao giờ gã mới biết sợ Nga mỗi khi có chuyện gì mờ ám. Nga tỏ ý không hài lòng khi gã không thành thật. Không nói thêm gì, Nga lại miệt mài lau chùi, dọn dẹp. Mái tóc Nga rủ xuống, thi thỏang lại đưa đi đưa lại nom thật kiên trì, nhẫn nại.
Sau khi Nga ra viện, Tú quyết định quay lại với nghề báo. Nhưng không phải làm một phóng viên suốt ngày chạy lon ton đi viết bài nữa. Gã được một tờ báo mới phát hành mời về làm thư kí tòa soạn. Nghề này nhàn hạ mà thu nhập lại ổn định nếu có mối quan hệ rộng rãi. Thời gian từ thứ Hai đến thứ Sáu, gã phải thúc giục đội ngũ phóng viên bài vở thật đầy đủ, chu toàn. Nhưng hai ngày cuối tuần, gã hòan tòan rãnh rỗi cho những việc cá nhân. Thời gian ấy, gã hầu như dành cho Nga. Hai đứa thường xuyên về quê dã ngọai, leo núi, thăm chùa chiền. Nga là người duy tâm và thích khám phá. Không chỉ riêng Nga, hầu như những ngôi chùa cổ ngoài miền Bắc này Nga đều đặt chân đến. Kinh Phật dạy nhiều điều hay lắm, Nga có niềm tin rằng nếu khi chết đi không muốn bị đày xuống Âm phủ thì tâm phải hướng về cõi Phật. Nga tin rằng thế giới không chỉ dành cho người trần mắt thịt. Những người đã chết đi, thể xác trả về đất mẹ nhưng linh hồn vẫn tìm những người thân để bấu víu. Hương khói cho người đã mất không chỉ là tục lệ, còn là niềm tin vào sự bất tử của những linh hồn.
Tú vẫn không biết những gì đã trải qua giữa gã và Nga đã đủ gọi là tình yêu chưa? Bởi nếu không có tình yêu chắc gã không có đủ niềm tin và sự kiên nhẫn để chăm sóc Nga chừng ấy ngày trời. Sang bảo rằng nếu gã mà sống vào thời bao cấp chắc là hợp, vì con người gã lúc nào cũng có vẻ nguyên tắc đến mức khốt-ta-bít. Những người mang tư tưởng như gã là kinh doanh kiểu Sang chắc là không hợp. Thứ bảy tuần trước Nga rủ gã đi xem phim. Nga bảo cô sẽ cố gắng thay đổi lối của gã. Nga muốn thổi vào hồn gã những cảm quan mới về nghệ thuật.
Bộ phim James Bond do Daniel Craig thủ vai thực sự là quả bom tấn với sức hút với viên mãn về công nghệ làm phim hiện đại, nội dung phim lôi cuốn, hấp dẫn. Những bộ phim Việt Nam với cảnh áo nâu sòng, quần lựa đen dần trở nên lạc lõng trong sự lựa chọn nghệ thuật của gã. Điều ấy chứng tỏ sự nỗ lực của Nga trong việc bồi dưỡng nghệ thuật cho tâm hồn gã đã được ghi nhận.