1- MỰC TRỞ THÀNH BẠN CỦA BÉ NHƯ THẾ NÀO?

 
Bé tên là Thanh nhưng ông nội thích gọi là Bé nên cả nhà và những người quen biết, trừ ở trường, đều gọi là Bé. Ngay bố cũng vậy. Năm nay Bé đã học lớp Ba rồi mà thư nào bố gửi về cũng viết “Bé yêu của bố”.
Bố luôn luôn đi xa, ở nhà Bé sống với ông nội, mẹ và chú bạn bốn chân: con Mực.
Có người hay nói: “dại như chó”, Bé chẳng tin. Cứ xem như chú Mực của cậu thì rõ.
Người ta gọi chú chó này là Mực vì chú đen tuyền từ mõm đến đuôi, từ lưng đến móng chân, chỉ trừ hai vệt trắng dưới mắt. Có vẻ chú khoái cái tên dân dã nọ. Hễ nghe gọi “Mực! Mực!” thì dù đang bận ăn, hay đang bận nghịch cái chổi, cái dép, chú cũng vội ngửng đầu, ngoáy tít cái đuôi.
Ông nội bảo: - Nuôi chó không phải để làm vật cảnh hoặc để khoe mẽ làm sang như ai đó; cũng không phải chỉ để canh nhà. Nhà ta ít người, có con chó thêm vui nhà, vui cửa.
Chẳng phải tự nhiên mà Mực trở thành bạn của Bé. Nhóc chó nào cũng thích kết thân, trẻ nít của giống người cũng vậy thôi. Nếu thấy một cún con đang khều khều cái chổi, hoặc đang nghếch nhìn đám gà vịt, ấy là nhóc ta đang tìm bạn chơi đấy. Nhưng đó là lúc còn bé. Còn bé, cũng giống như ở giống người, chó hay nhung nhăng hiếu động một cách ngây ngô. Nhưng khác với người, chó lớn lên rồi thì khó tránh được cảnh sống thui thủi chỉ biết lo làm phận sự, nếu không có những cô bé, cậu bé chủ nhà dễ thương đối với loài vật.
Mực ta sinh ra ở cái nhà này sau Bé mấy năm. Mẹ chú màu mun, sinh ra bốn nhỏ toàn là đực, mỗi đứa một sắc riêng: hung, vàng sẫm, vện và đen tuyền. Hồi đó, họ nhà chó ở xóm của Bé bỗng bị một tai hoạ ghê gớm đe doạ: một con hoá dại chạy lồng khắp xóm khiến người ta phải đập chết. Ông nội bèn bảo: “Phải bán mấy mẹ con con chó này đi thôi”. Và một người ở tận đâu đâu đã đến xem và đã ngã giá. Chỉ chờ mấy cún con cứng cáp hơn là họ sẽ rước cả đi. Mẹ Mun thù địch ra mặt với người mua chó. Khi người kia đến gần ổ để xem, mụ đe doạ, xua đuổi. Rồi khi người ấy vừa ra khỏi ngõ và nhân khi nhà có vẻ vắng người, mụ vội vàng cho sơ tán bầy con. Mụ ngoạm rất nhẹ nhàng vào gáy từng đứa rồi tha đi. Mấy chú nhỏ co bốn chân lại quều quào trong không, đầu và đuôi ngọ nguậy trông rất nhộn.
Ông nội đứng kín một nơi nhìn thấy Mực ta được mẹ chó tha đi đầu tiên, dù chú chẳng phải là “anh cả”, - chú lọt lòng mẹ gần bét. Chuyện đó cùng với những dấu hiệu khác đời của Mực khiến ông nội chú ý. Chẳng hạn, trái với ba “anh em” cùng lứa suốt ngày quẩn quanh trong ổ, Mực hay tha thẩn trong phòng, đưa mũi đánh hơi vật nọ, đưa chân khều cái kia, ra cái điều tìm hiểu, thăm dò. Chẳng hạn, Mực không hay tè bậy ra nền nhà như ba nhỏ kia. Chỉ cần dẫn dắt một lần là chú nhớ. Chú lại có vẻ hay ăn chóng lớn hơn cả. Thêm đó là cái màu đen mượt của chú. Bởi vậy, ông nội mới quyết định dành Mực lại không bán theo đàn. Khác với các trẻ nhỏ loài người, Mực không la khóc hôm chia li với mẹ và các anh em. Ý hẳn chú cũng tưởng họ chỉ làm một chuyến đi chơi xa rồi lại trở về. Bởi vậy, chú chỉ chạy tung tăng hít hít mũi, vẫy vẫy đuôi và sủa vọng mấy tiếng “óc, óc” như đưa tiễn. Khỏi phải nói, mẹ chó đã kháng cự quyết liệt, nhất là phải bỏ lại đứa con cưng. Nhưng biết làm sao được khi người đã muốn thế! Mực ta thì mải chơi. Nhưng đến bữa tìm vú mẹ chẳng thấy đâu, chú mới cảm thấy hết sự trống vẳng của cái ổ rơm ấm cúng giờ đã trở nên hoang lạnh. Mực bỏ ăn mấy ngày, nằm xẹp một chỗ. Cũng may tuổi nhỏ chóng quên. Vả chăng, loài chó cũng không quen nhớ dai những chuyện loại ấy (nếu trái lại thì loài người khá là phiền).
Thế là Mực ta ở lại một mình nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Chú ta chẳng buồn lâu như đã nói. Chú lại thích loăng quăng. Chú có thể nghịch với một chiếc dép cùn vứt nơi xó nhà suốt buổi. Chú lân la tới chỗ các cô, cậu gà đang ăn trong sân. Chú ngửi mấy hạt ngô, hạt thóc, ý chừng cũng muốn nếm xem có gì hấp dẫn mà bọn hai chân không tay này khoái ăn thế. Nhưng chú thất vọng. Tức mình, chú mới quát lên mấy tiếng ra oai nghe “nhách! nhách!” rất buồn cười. Tuy vậy, lũ gà cũng nhớn nhác lảng ra, khiến chú vội vẫy đuôi làm lành. Chú làm vậy là thừa vì bọn gà sau một thoáng đã lại sán vào bữa cỗ của chúng mà thi nhau mổ lấy, mổ để. Từ đấy, chúng phớt lờ những tiếng quát của Mực ta. Ngay cả khi chú giả bộ nổi hung nhảy chồm vào một con gà nào thì nó cũng chỉ né tránh tí chút rồi lại xông vào cuộc ăn, như không hề biết có chú. Trong bọn gà có lão trống gộc. Lão này to kềnh càng, bước đi khệnh khạng, chỉ nhìn thiên hạ bằng một bên mắt. Lão đội trên đầu một cái mũ đỏ gay và khoác trên mình một cái áo rườm rà, sặc sỡ. Một lần, Mực mon men đến gần Trống Gộc để ngắm bộ cánh kì lạ nọ; hoặc giả chú cũng định làm quen chăng? Nhưng không may cho chú, lúc đó lão Gộc đang bận việc riêng. Lão xệ một bên cánh đưa chân gẩy xành xạch và cong cần cổ, cúi cái đầu dữ tướng, rồi vừa kêu “ục, ục” trong cổ họng, vừa lượn sát vào mấy mụ gà mái. Lão đâu có thèm biết đến ý tốt của Mực. Lão bực mình cho là chú đến phá đám bèn bổ một mỏ vào trán chú nhỏ. Có lẽ vì đau thì ít mà ức thì nhiều, chú bèn la toáng lên: “Ăng, ăng, sao lại đánh tôi? Ăng, ăng, sao mà ác thế!”. Mấy mụ gà mái thấy vậy bèn tản đi mất. Lão Gộc trơ ra một mình, nghểnh đầu, ấm ức trong cổ: “Tức! tức!” Lão rất vô tâm, lão chỉ hơi lé mắt nhìn thằng nhỏ đang la, lúc lắc đầu ngạc nhiên không hiểu vì sao mà thằng bé làm om sòm lên như vậy, rồi thản nhiên vỗ cánh, gân cổ lên ca một bài: “Cô cồ cô… ô…ô… Đời thật là vui…!”. Xong, lão nghiêng nghé xem có ai tán thưởng không. Chẳng có ai cả. Thế mà lão cũng cứ ưỡn ngực bước đi rất điệu. Từ đó Mực cạch, không thèm làm thân với cái lão nghênh ngang, tự phụ ấy nữa.
Nhưng mà, không có bạn chơi thì chán chết. Vậy là chú tìm được một bạn vào loại đặc biệt. Đó là chú mèo mướp con. Tuổi nhỏ chẳng bao giờ biết thù hằn, dù đó là mối thù truyền kiếp. Ấy vậy nên Mướp ta chịu chơi và dám chơi với Mực ta. Hai đứa có lúc vờn nô nhau, đùa rỡn nhau rất ngộ. Đành rằng kiểu nô rỡn của mèo con không ồn ào như của chó con, nhưng bụng dạ trẻ nhỏ vốn rộng rãi. Phiền một nỗi, càng lớn thêm thì sự khác biệt giữa chúng càng khó có thể dung hoà. Mướp ta thì hầu như nằm lim dim ngủ suốt ngày. Mực ta thì không thế, ban ngày thảng hoặc có nằm thì cũng chỉ là để nghỉ ngơi tí chút khi rảnh rỗi. Mực không thương được cách nằm của Mướp. Thằng cha bạ đâu cũng nằm được! Thậm chí trên đôi gối trắng bong của cặp vợ chồng sắp cưới. Thậm chí trên cả bàn thờ nhà người ta. Hễ nơi nào êm êm và kín kín một chút là hắn trèo lên và ren rén nằm ệp ngay xuống. Mực thì thường nằm vào nơi quen thuộc và trước khi nằm bao giờ cũng bước vần quanh mấy vòng rồi mới đặt mình một cách ý tứ. Mướp ghét Mực cái tính mà chú cho là bắng nhắng, có nghĩa là đánh hơi thấy gì lạ là kêu tướng lên: “Đâu? Đâu? Xem mau!”. Mướp không biết như thế là Mực đang làm nhiệm vụ. Cho nên Mực có lí do để ghét Mướp lười. Thực ra thì Mướp làm việc về đêm, vào những giờ mà lũ giặc chuột công khai phá phách. Trong khi Mực đi tuần ngoài sân, ngoài vườn thì Mướp sục trong nhà, trong bếp. Công bằng mà nói thì Mướp có nhàn hơn Mực thật, vì Mực canh phòng suốt ngày đêm và chẳng bao giờ rời nhà chủ mà rong chơi nhà hàng xóm như Mướp. Mỗi loài vật được nuôi trong nhà đều có phận sự riêng vì người. Mực chẳng ganh tị gì với Mướp. Nhưng thực tình Mực thấy loài mèo chẳng đàng hoàng chút nào. Chúng không chịu mang tên riêng người đặt cho. Đố ai gọi “Mướp! Mướp!” mà thằng Mướp ấy chịu đến. Chỉ có nhại “meo, meo” thì may ra. Cũng đố ai dạy được lũ mèo đừng ăn vụng. Về tính xấu này, con người nhiều khi xếp chó và mèo vào cùng một duộc nên mới có câu “chó treo, mèo đậy”. Thật không công bằng! Như Mực đây đã được luyện chỉ ăn những gì và khi nào mà chủ cho phép. Mực và Mướp càng trưởng thành thì cái sự không thích nhau cứ vô tình lộ ra ngoài ý muốn của chúng. Vừa thoáng thấy bóng Mực là Mướp mắt trước mắt sau chực tót lên chỗ cao. Còn Mực hễ nhìn thấy anh bạn thời nhỏ là tự nhiên mắt nheo, mũi chun, răng nanh nhe ra chẳng thân thiện chút nào. Bởi thế, hai bên ngày càng xa nhau rồi đi đến “ghét nhau như chó và mèo” thật. Thế là Mực lại mất đi một bạn.
Thật đáng buồn! Lỗi chẳng tại Mướp, càng chẳng tại Mực. Sự thật, Mực đã xa cái tuổi nghịch chổi hoặc la cà xem bọn gà vịt; cũng đã qua cái tuổi ham nô đùa, rong chơi. Vào dịp đó, Bé đã biết đi lại tung tăng, đã biết chơi, đã biết nghịch. Bé thích sờ đầu, sờ cổ, sờ lưng Mực. Xét theo tuổi tác họ nhà chó thì Mực ta đã đến độ thanh niên. Nhưng chú vẫn khoái được Bé vuốt ve. Khi những ngón tay bụ bẫm của Bé mân mê những sợi lông đen ánh của Mực, chú hầu như mềm người ra, mắt lim dim, sướng ra mặt. Nhiều lúc để tỏ vẻ hàm ơn, chú liếm tay, liếm người Bé, khiến cậu buồn buồn nhảy cẫng, hoặc cười ré lên thích chí. Khi Bé đã cưỡi ngựa gỗ thạo, cậu bèn trèo lên lưng Mực. Mực đứng im ve vẩy đuôi. Cậu chủ vừa nhún nhẩy vừa kêu “ong! ong!”, chú hiểu ý ngay. Bé cũng biết nương nhẹ con vật. Hai chân Bé buông thõng hai bên, đầu ngón chạm đất hẩy hẩy theo nhịp bước của Mực, thành ra Bé đi ngựa sáu chân. Mực rất thích được Bé cưỡi. Chú đưa Bé đi dạo trong nhà, trong sân, thậm chí ra tới đầu ngõ. Chú bước êm, thong thả, cẩn thận. Những lúc ấy thì dù thằng Mướp có khiêu khích, chú cũng không thèm chấp.