Vừa trút hành trang xuống, tôi rút tờ ghi địa chỉ mẹ tôi do vú nuôi trao. Hỏi chủ nhân khách sạn chỉ dẫn giúp. Chủ nhân bảo: - Địa chỉ này rất gần đây. Vùng đó thật là yên tĩnh. Đi tàu hỏa chỉ cách năm trạm nghỉ thôi. Công tử hãy thư thả ngồi dùng trà một lát, tôi lo liệu mua giúp vé tàu cho. Tôi vốn quen người biết mặt rất nhiều, ít thấy ai siêu dật như công tử. Công tử viếng chốn ấy là phải. Dường như công tử nóng lòng đi ngay? Có công việc cần kíp hay sao? Tôi đáp: - Thăm viếng mẫu thân tôi. Ăn trưa xong, chủ nhân khách sạn tiễn chân tôi tới nhà ga. Tôi cảm kích lòng niềm nở ấy vô cùng. Tàu khởi hành. Qua hai trạm tới một nhà ga, danh là: “Đại thuyền”. Người xếp trên tàu bảo tôi: - Cậu xuống đây, sang tàu. Đi một trạm nữa, đến trạm thứ nhì là tới chốn vậy. Tôi đổi tàu, vào va gông ngồi xao xuyến ù lỳ. Lòng tôi lúc bấy giờ thật là khó tả. Tôi tự nhủ: “Chỉ một lát nữa thôi, thì cùng mẹ trùng phùng. Thật là… Thật là gây cấn. Đây có phải là niềm vui lớn nhất trong bình sinh của ta chăng?” Chợt lại chuyển niệm: “Từ nhỏ ta chẳng hay tin gì cả. Mà thế sự biến đổi liên miên, biết đâu thân mẫu chẳng dời nhà nơi chốn khác? Nếu hôm nay không gặp được mẹ, thì chịu đựng sao cảnh lạc loài?” Tim tôi bồi hồi lo âu dữ quá. Con tàu chợt dừng bánh. Tôi đưa mắt dòm ra khuôn cửa, thấy bảng đề ba chữ: “Đậu Tử Trạm”. Tôi xuống tàu, ra khỏi sân ga, nhìn bốn bề chẳng thấy người đi đường. Vùng này quả thật là vắng vẻ. Tôi mướn một chiếc xe tay (gần giống như xích lô đạp). Người kéo xe bôn bôn ba ba nhắm hướng đồng ruộng chạy nhanh. Lúc bấy giờ thời tiết thật lạnh lẽo. Nhìn ra xa chỉ thấy lớp lớp băng giá tích tụ hoang liêu mấy dặm dài. Tới chân một ngọn núi, xe rẽ về phía tả, rồi lăn dọc theo bờ biển. Chỉ thấy mấy khóm nhà chài. Một lũ bé con đi đi lại lại tìm chỗ thả cần câu. Cảnh vật thật là u liêu hết sức. Người kéo xe chợt dừng chân bảo: - Đây chính là vùng Anh Sơn. Công tử muốn đi về phía nào? Tôi đáp: - Anh Sơn chính là vùng này ư? Bèn xuống xe, mang va ly hành trang bước bộ. Đi khá lâu, tới một chốn nọ, tùng xanh, cát trắng. Mới dừng chân ngóng vọng một lúc, chợt thấy ở xa xa, giữa khoảng tùng bách xanh um, có một con đường, một nhịp cầu nho nhỏ dẫn tới một ngôi nhà gỗ. Ngôi nhà ẩn ẩn tựa lưng vào sườn núi hậu diện, mở ra phía biển ở tiền diện. Phía bên dưới nhịp cầu nho nhỏ kia, có một dòng tiểu khê nao nao chảy róc rách chạm vào đá vang lên một âm thanh vui vui rầu rầu rĩ rĩ. Tôi vội vã tiến về phía đó. Ngẩng đầu nhìn lên thấy bên tấm cửa có tấm bảng đề: “Tương Châu Đậu Tử Anh Sơn thôn - số 8” Tôi mừng rỡ quá. Chính chữ đó, chính là địa chỉ mẹ tôi. Bèn đưa tay gõ cửa nhẹ nhẹ. Một lúc lâu, vẫn chẳng nghe động tĩnh gì hết, dường như nhà vắng không người. Tôi bèn gõ cửa lần nữa. Một người đàn bà mở cửa bước ra. Nhìn người ấy, với tấm vải trắng buộc ở phía trước hình hài, thì tôi đoán ra đó là chị bếp. Tôi liền hỏi: - Xin thứ lỗi đường đột! Đây có phải là nhà của Hà Hợp phu nhân chăng? Người đàn bà đáp: - Phải. Tôi hỏi. - Tôi muốn gặp phu nhân. Phiền thím thông báo giùm cho. Người đàn bà tỏ vẻ trù trừ mà rằng: - Chủ nhân tôi bệnh nặng vừa mới khỏi. Thầy thuốc dặn rằng bà không nên tiếp khách. Khách đến đây có việc gì, xin cho biết để tôi thay mặt báo cho bà chủ rõ cũng được. Tôi nói: - Chủ nhân đây là mẹ của tôi. Tôi tên là Tam Lang. Tôi từ bên Trung Hoa sang đây, hôm nay mới tới Yokohama lần đầu. Nhờ thím thông báo gấp cho. Người đàn bà nghe tôi nói như thế thì giương đôi mắt nhìn tôi đăm đăm từ đầu tới chân. Suy gẫm âm thầm một chặp bàng hoàng hãi nhiên mà rằng: - Ồ! Công tử là Tam Lang thật sao? Tôi thường nghe chủ tôi nhắc tên thiếu chủ hằng ngày, và lo âu mãi chẳng biết thiếu chủ còn sống hay đã mất rồi. Nói xong, liền quay vào trong nhà. Một chặp sau trở ra, trang trọng mời tôi vào. Dẫn tôi đến hành lang. Một cô bé tóc xõa xá một lễ chào tôi bảo rằng: - Anh hai về may mắn quá chừng! Mẹ bệnh đã một tháng nay. Sáng nay mẹ mới thấy có khỏe ra chút ít. Bây giờ mẹ vừa thức giấc. Mời anh hai vào gặp mặt mẹ. Cô bé nói xong thì dắt tôi lên cầu thang. Tấm bình phong vừa xô qua một phía, thì thấy mẹ tôi đang ngồi trên giường, tựa vai vào bệ cửa sổ. Tóc buông lòa xòa bối rối. Bà nhìn tôi mỉm cười nhè nhẹ. Tôi trong lòng biết rằng nụ cười của từ mẫu như thế, thật còn xót xa gấp mấy lần gào khóc. Tôi chạy tới quỳ xuống bên chân mẹ, miệng không thốt ra được lời nào cả. Nước mắt thì trào ra như suối chảy. Lúc bấy giờ, chợt nghe từ mẫu ngậm ngùi nói: - Con tôi còn sống bình an. Đa tạ Trời Phật phù hộ. Tam Lang! Con hãy lau nước mắt nhìn mẹ đây. Mẹ đau lần này suýt lìa trần mấy phen. Tuổi già, sinh mệnh như ngọn đèn trước gió. Nay mẹ nhìn thấy con. Thì bệnh mẹ như dường không cánh mà bay, thân thể nghe khỏe khoắn rồi. Con đừng đau đớn nữa. Mẹ tôi cầm nước mắt lại. Đưa tay nâng tôi dậy. Từ từ bà quay nhìn cô bé, bảo rằng: - Đây là anh hai của con. Từ nhỏ anh sống xứ người, nên con chưa gặp mặt lần nào. Quay mặt lại nhìn tôi, mẹ nói tiếp: - Đó là đứa con gái nuôi của mẹ (dưỡng nữ). Năm nay nó mười một tuổi. Nhỏ hơn con năm tuổi. Nó là em của con vậy, nó săn sóc mẹ rất chu đáo, mẹ thương nó hết sức. Còn con chị của con ngày mai hay tin con đã về, thì nó sẽ tới gặp mặt. Chị của con đã lấy chồng hai năm nay. Việc nhà chồng bề bộn lắm, nên nó ít khi về nhà. Từ nay mẹ có được hai anh em con đây ở bên, thì thật là điều an ủi. Mẹ tạ ơn Trời Phật đã rủ lòng che chở không để cho con của mẹ tan nát thịt xương ở xứ người. Mẹ tôi nói xong, tôi nhìn cô em bé đang nép thân bên mẹ, hai mắt rướm lệ. Lúc bấy giờ, cảnh huống thật là tịch mịch đìu hiu. Cảnh vật bốn bề cũng khơi rộng những yêu thương và luyến tiếc của người ta. “Chỉ có mơ màng một bãi xa. Tuyệt mù chỉ nhạt phai và. Véo von tiếng chở lưu ly mộng. Trong khoảng đêm trường ma gọi ma”. Tuy nhiên? “Lòng xin bốn phía mở cho trăng Khách lạ mười phương cũng đãi đằng Nước ngọt vẫn tuôn, vườn đợi hái Đường không ngăn cấm, cỏ chờ băng” Dù sao chăng nữa? Vâng: “Những cặp chim hồn lạc hướng bay Tấc gang cách trở nhớ muôn ngày Cô hồn dựng núi lên cao ngất Lời chẳng giao lời tay tạ tay” Một lát sau mẹ tôi xoa đầu chúng tôi mà rằng: - Các con đừng buồn nữa. Mai mẹ sẽ khỏi bịnh, mốt mẹ sẽ dắt con tới viếng phần mộ ông ngoại con và ba con, cầu nguyện vong linh phù hộ cho con. Bà con thân thích nhà ta cũng đông đúc lắm. Sau này mẹ sẽ dẫn hai anh em con đi thăm viếng và du ngoạn khắp miền. Mẹ đau nặng, nằm mãi trên giường bệnh đã lâu, nay nhân dịp mà du hành một cuộc, cho thư thái xương xẩu và phong vật các làng xã quê người. Lúc bấy giờ chợt người bếp trở vào bên mẹ tôi, dường như có ý hỏi han điều gì? Mẹ tôi đứng lên và dặn em gái tôi như thế này: - Huệ Nhi, con hãy dẫn anh hai con ra ngoài xem phong cảnh trước nhà, anh con mới về, phong trần bộc bộc tội nghiệp quá! Xong bà quay sang phía tôi chỉ người bếp mà rằng: - Tam Lang, con hôm nay về ở gia đình, mọi sự đều do A Trúc coi sóc. A Trúc giúp việc nhà ta hơn mười năm nay, chị thật là người trung hậu thành thực, mẹ thương mến cô ta lắm lắm. Mẹ tôi nói xong thì bước xuống thang lầu, lo cơm nước buổi tối cho thằng con có dịp ăn no một trận. Tôi trong lòng nghĩ rằng trong thiên hạ, lòng nhân từ của người ta không đâu bằng tình thương của mẹ đối với con cái. Vì vậy, nên những thằng con đứa cái luôn luôn suốt kiếp phải phiêu bồng mới làm thơ lai rai được. “Người ta bảo người mẹ chàng hay khóc Chia gia tài cho con quý lệ đau Chàng là con một người mẹ hay sầu Nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ Người thi sĩ cũng nguyện cầu Thượng Đế Một đôi lần Nhưng vốn nghiệp đi hoang Thì chết rồi chắc người vẫn lang thang Như buổi sống ở trong bầu trăng gió Ở địa ngục hay Thiên đường không rõ…” Tôi bước theo chân em gái. Ra tới mặt trước nhà. Chính vào lúc trời chiều lãng vãng bóng hoàng hôn. Mặt trời lặn xuống bên dãy núi Yentfu. Ngư phủ quay thuyền về bến. Màu trời màu biển, màu sắc rặng núi xa xa, thật nhiên là thanh kỳ thiên nhật vậy. Hốt nhiên nghe vẳng lên giữa mù sương tịch mịch tiếng chuông chùa ở sau núi. Tiếng chuông chậm rãi hòa lan vào với tiếng chim hải âu, dõi theo tiếng thủy triều mà chìm vào hư không vắng lặng. Em gái bảo: - Đó là tiếng chuông chiều tại Thần Vũ cổ tự đấy anh ạ.