Tôi đau ốm suốt bốn ngày đêm xong xuôi một trận, thì mới đủ sức bình yên, không cần phải dùng thuốc thang nữa. Mẹ tôi và dì tôi và mọi người trong nhà, ai ai cũng tưng bừng nét mặt. Ấy vào ngày mồng ba tháng ba. Khí trời thanh tân tôi ngồi dậy lại bên cửa sổ, vén tấm màn nhìn ra ngoài. Sắc núi rực rỡ chân trời, hoa lá chim chóc thi đua nhau đâm bông và ríu rít, trong một trận trường kỳ thi đua gây cấn. Nửa như phản kháng nhau. Nửa như ứng đáp nhau. Lại thêm một nửa như… như nhiên thường hằng chan hòa từng cơn cơn thái hư tịch mịch. Lòng tôi thư thái dị thường. Chợt tưởng như một sự: Dường như suốt mấy ngày đau ốm, mỗi phen từ trận mê man lò dò tỉnh giấc, mỗi phen lại dường như khứu giác lại chạm phải mùi hương xuân sắc bất khả tư nghị. Chẳng rõ là hoa hay lá? Hay đạo hạnh? A na tam miệu tam Bồ đề? Tứ Bồ Tát? Ngũ ni cô? Thật quả là tôi không phân biệt được rõ. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng đó ắt nhiên là một loại hương phấn bốc hơi pha màu xiêm nghê thường quần duệ địa vậy. Bên giường tôi nằm trên chiếc bàn nhỏ, mỗi buổi mai, lại mỗi có một bó hoa tươi tốt đặt gọn gàng ôn tồn nằm yên vui trong cái lọ. Màu hoa gì như thế? Sắc hương thênh thênh, hoa tâm như còn chứa đọng giọt sương ướt át rất mực liên tồn từng khoảnh khắc sát na. Hôm nay chợt thấy một bức phỉ thúy khâm trâm đặt trên chiếc bàn. Ban sơ tôi nghĩ rằng đó là đồ vật thơ ngây của em gái rất mực nữ lang Tĩnh Tử Kiyoko và như vậy thì hiển nhiên bó hoa tươi tốt lòe xòe ắt cũng chẳng vật lòe xòe của mỹ nhân loe lói diễm kiều kia đó vậy. Mới hay rằng đó té ra là hiển nhiên như thế. Tôi lại chậm rãi nhớ ra rằng ngày trước tợ hồ như từng đã có phen ôn tồn tương thức. Ấy nhân vì ngày trước tại trong phòng văn tiểu thư con gái mục sư Robert tôi từng đã có phen lăn tăn nhìn thấy tấm họa hình ảnh nữ sĩ Hy Lạp Sappho do bàn tay một nghệ sĩ Đức quốc. Hình ảnh đó và nữ lang ôn tồn này trông giống nhau quá sức. Cũng hai con mắt đen láy tròn trĩnh ưu tư. Cũng làn mi liễu cong vòng vang lừng trên mặt ngọc. Cũng hai môi khép mở mơ hồ lúc làn tóc mây lòa xòa buông xuống một bóng hoàng hôn của bình minh kỳ ảo phiêu bồng. Đương lúc tôi trầm ngâm như thế, chợt đưa mắt lưu ý tới phía dưới màn the, trần thiết cựu kỳ phong nhã. Có một chiếc bàn với hình hài trái xoan trứng ngỗng thiên nga lồ lộ. Trên có đặt một chiếc gương soi, một chiếc hộp nạm bạc, và bút nghiên, và đèo thêm một dải lụa hồng tua tủa nem dén mép rìa râu mọc thơ ngây. Không một hột bụi nào đậu vào trong cụm ngây thơ nọ. Bên cạnh lại có một chiếc rương nho nhỏ học trò đựng sách gỗ lá cây, hình trạng giống như cái tổ ong tò vò, hoặc cái chuồng bồ câu tư lự. Sách chứa trong đó khá nhiều. Tôi lò dò tiến lại lần giở ra xem xét lai rai nhận xét một vài. Đều là sách cổ xưa Trung Quốc, tới lúc nhìn qua tường vách bên tả, lại thấy một chiếc bàn ghế nhỏ cỏn con, trên có đặt một chiếc nhạn trụ minh tranh, tợ hồ như còn văng vẳng dư âm phảng phất trên huyền ty loan phím. Lúc bấy giờ, tôi mới chịu kinh hoảng hiểu ra rằng đó là căn phòng lầu các của khuê nữ rất mực Tĩnh Tử (Kiyoko). Trong lòng tôi lại càng thêm thán phục nữ lang nọ đa tài, học rộng, thâm thúy xuất trần, thật quả có như là bình sinh hóa thân của Ma Cô Tiên Tử (Nường Tiên kiều diễm ở trong núi Ma Cô) Ma Cô là núi, mô ca là rừng? Hỡi ôi! Kiyoko sư muội sư nương nõn nường tài hoa ra như thế? - Anh hoa phát tiết ra ngoài? Ngàn thu rất mực một tài hoa riêng? Lúc bấy giờ, tôi lại cảm thấy trong lòng như có nảy ra một sở niệm tiêu dao phiêu bồng. Rồi sau đó, lại tiêu điều phủ nhiên nhược thất? Như đang giữa cơn đánh mất một cái gì? Chợt thấy mẹ tôi lên thang gác, tay cầm hai bộ áo xuân. Mẹ bảo: -Tam Lang, hôm nay cuồng phong đại tuyết đã đề huề rút lui. Mùa đông đã đi qua rồi. Thì con hãy thử mặc bộ quần áo này vào mừng xuân. Tôi cầm lấy hai bộ quần áo, rồi xuống bên mẹ tôi trên chiếc ghế dài nệm gấm viền tua, có lò xo bối rối. Mẹ tôi âu yếm nhìn tôi đưa tay vò đầu tôi, sờ vào trán tôi và hỏi: -Con cảm thấy thế nào tới sáng nay? Tôi đáp: -Con cảm thấy thư thái. Không có chi khổ nhọc gay cấn, chỉ xương xẩu còn hơi mỏi mệt máu me chút ít mà thôi. Bao giờ mẹ sẽ dẫn con và em gái về nhà? Con cũng chưa gặp lại người chị của con. Mẹ đáp: -Lúc nào cũng được. Ban đầu mẹ có ý chờ con bình phục sẽ quay về. Nhưng dì của con đêm qua lại một hai khẩn khoản yêu cầu mẹ khoan đi vội. Sáng nay đã gởi thư cho chị con biết tin. Dì con còn một sự việc thiết tâm lắm lắm, cùng mẹ bàn bạc qua loa. Nếu như con ở đây thấy thư thái thì mẹ cũng không có ý về nhà ngay làm gì. Con biết rằng mẹ tuổi đã cao, cuộc đời đã xế, thân thuộc sinh bình ai ai cũng đã già hết cả rồi. Cũng chẳng còn năng lui tới thăm viếng nhau. Đâu còn có như thời xuân xanh tới lui ngày ngày nô nức nữa? Ngày nay mẹ đưa mắt nhìn bốn phía chỉ duy còn có chỗ dì con là nơi chốn thân mật bịch bồ, hình ảnh thong dong tương hợp. Huống nữa dì thấy con, thì trong lòng dì vui mừng vô hạn, thì con trọ lại đây cũng chẳng khác chi ở giữa gia đình. Mẹ biết tính tình con chỉ mong ước cảnh u tịch, thì ở lại đây trọ căn gác này là rất thích hợp vậy. Căn gác này vốn là khuê phòng của Tĩnh Tử. Từ ngày con tới thì Tĩnh Tử mới dọn xuống phòng dưới, cùng với em gái của con ở chung. Tam Lang con ở lại đây, nếu thấy không thích hợp, thì hãy nói thật tình cho mẹ rõ. Tôi đáp: -Con xin tuân lời mẹ dạy bảo. Phong vật nhà dì thật là tốt đẹp, ở lại một thời gian, lòng con rất sung sướng. Lúc bấy giờ người bếp vào cho hay rằng cơm sáng đã dọn tề chỉnh. Mẹ tôi hân nhiên khoan khoái, bảo tôi thay y phục đặng xuống phòng điểm tâm. Theo gót mẹ xuống tới phòng ăn, tôi thốt lời cảm tạ ôn tồn dì tôi hậu đãi ân cần chiếu cố. Dì tôi đón tôi vào, hân hoan vạn trạng. Đưa mắt nhìn tôi mà rằng: -Nhờ ơn Trời phật, Tam Lang đã khỏi bệnh. Tĩnh Tử con hãy lẹ chân bước tới chào anh Tam Lang của con đi, xem sáng nay anh con cảm thấy thế nào? Thoáng một cái, đã thấy ngọc nhân gót sen vi vút, dìu dặt bước qua như bóng nhạn ngang trời, lướt tới bên tôi, trang trọng cung thân xá một cái, rất mực “mái cột” môn tường phong nhã sả phạ chiêm bao. Lúc bấy giờ ngọc nhân phong tư tài mạo vân mấn xum xuê tót vời thể thái, phong độ càng nhìn càng siêu, càng ngó càng ưa và mến, và cũng càng như bán khai bao hàm khôn xiết chất mối khuynh thành khiến cho bình sinh, phải chịu trận tam sinh khuynh quốc. Hỡi ôi! Sự thể đã ra như thế nào, thiết thân láng giềng lân cận, nửa mơ hồ bất định lưu ly, nửa một cơn lồng lộng thinh không dìu dặt cuộc phiêu bồng lảo đảo. Làm sao tôi còn dám? Trận khôn hàn vô hạn ngẩng mặt nhìn nhau? Nhưng chả lẽ bỏ chạy mất? Như quân cướp đi chinh phục xóm làng bỗng hãi nhiên rút lui về sào huyệt? Vì bất thình lình cảm thấy bị vây bọc, bốn bề bị tập kích giáp công? Dù sao thì dù, dù co giò chạy trốn, dù đứng lại đại từ bi ù lỳ ra đó, dù sao thì dù, cũng cảm thấy ở trong mình toàn thể hình hài, xương xẩu, máu me, xương bánh chè, xương sườn suốt dọc xương sống, cùng một loạt thi đua nhau tam bành lảo đảo, tứ trướng gào kêu trong trận rụng rơi toàn diện. Lả tả toàn phương, không có cách gì cưỡng áp, đành phó mặc cho danh hoàn bờ cõi thổi đợt đợt gió về mà xô đẩy như đẩy xô quay tít những chiếc lá ngô đồng lúc thu sang trong trận gió may heo hút.(Dư bất cảm hồi mâu chính thị, duy tâm như phiêu nhiên phù động, như thu phong xuy lạc diệp, bất tri hà sở chỉ, bất thức hà phương lưu, bất hội hà xứ đình, Bất nghiệp hà sở đậu) - Bản dịch Anh ngữ: "I did not have the courage to turn my eyes to look directly at her, but my heart fluttered aimlessly, like falling leaves wafted by autumnal winds and not knowing wither they would land” - Tôi chẳng có can đảm đưa mắt nhìn thẳng vào mắt nàng, nhưng mà trái tim tôi phù động phiêu nhiên bất định, giống như những lá rơi, bị gió thu xô đẩy, và chẳng rõ sẽ rơi rụng vào nơi đâu mà cập bờ cập bến. Anh em tôi cùng mẹ tôi cư lưu tại nhà dì tôi giữa một vùng hồng nhan thiên hương gay cấn bốc hơi lừng tia ra như thế, quả thật chẳng khác gì đem thân thế mà ủy thác vào Vườn Tược Nhà Trời, vào Đào Nguyên Bích Động, Thanh Ngạn Xum Xuê, bốn bề Xiêm Nghê Thánh thót, Thần Thơ Oản Oẻn Ngây dại thêm ra. Dì tôi vốn đã yêu tôi rất mực, tôi chỉ còn biết dâng lên một vạn cung kính một ngàn kính cung, cẩn trọng để phụng bồi a dì, a mẫu cho hân hoan sắc mà thôi, tự thân cảm thấy từng bừng phiêu bồng thái thậm. Nếu trong lòng thảng hoặc có vướng víu chạm phải những gì chả rõ của cái quá khứ đoạn trường về luẩn quẩn một cái bên, thì tôi lại tựa lưng vào những gốc cây tùng cây bách, nhìn cái nước chảy lòe xòe, hoặc cầm quyển thi thư mà giải muộn. Phòng văn Tĩnh Tử vốn chứa nhiều sách lý học đời Tống, ngoài ra còn vài loại Phạn chương, Lư văn nữa, đã bị con trùng sâu bọ rủ rê dán chuột gặm mòn bên những bầy mối hoen hoen. Đọc không ra được các nét chữ. Thảy đều là thi thư ra Đường. Lại còn thêm vài bản dịch Ba la Đa và Ma Hát Thư, ấy là những thi thư thuật sự thiên trường địa hậu đậu lại bờ hoa. Hai quyển thư này ngày nay đã thất truyền tại Trung Quốc. Duy chỉ trong Hoa Nghiêm kinh là ngẫu nhiên có nhắc tới danh xưng hai bộ sách đó, và nghe nói rằng ấy là do bàn tay Mã Minh Bồ Tát soạn ra. Ngày nay bản dịch Anh ngữ (của ông Dutt) về những cuộc chinh phạt của những bộ lạc Bhrata, cũng là một phần trong bộ sách đó.