Bản dịch: BÙI GIÁNG
Chương 17

Tân toan hái củ cuốc cày
Mồ hôi máu lệ nhuộm đầy tay thôi
Nghèo xơ xác luống trông vời
Tháng năm hồ diện nước vơi lại đầy.
Ngày hôm sau, buổi sáng trời xanh vô cùng. Nhưng khí hậu rất lạnh lẽo. Thâm đông quý tiết thật là đến chỗ gay cấn. Mẹ tôi dậy sớm bảo người bếp sắp đặt bánh trái ra và đồ ăn thức uống, mọi người tề tựu trong phòng, tiếng nói vui tươi nhộn nhịp nghe như chạy tràn. Hôm nay người chị tôi sắp quay về nhà chồng. Tĩnh Tử lúc bấy giờ búi tóc theo thời xưa đời Ngụy “hiểu hà trang” (khói mây buổi sáng). Một món tóc lòa xòa lệch nghiêng xuống vai bên phải. Lối búi tóc đó tuyệt nhiên không có gì giống thời trang lúc bấy giờ. Nàng e lệ nghiêng thân chào tôi, trông càng kiều diễm thêm ra. Tôi lại bên lò bếp ngồi xuống, lòng cứ bồi hồi không yên nhân vì trong đêm trước nói chuyện với nàng bên bãi biển, tôi chưa nói rõ ràng cái gì ra cái gì cả với Tĩnh Tử.
Lát sau chị tôi từ biệt mọi người, thì Tĩnh Tử nắm tay em tôi đưa chị tôi ra cửa. Tôi bước theo sau. Ra tới đường, mẹ tôi đứng một bên bảo tôi hãy đưa chân chị tôi. Tĩnh Tử nghe thì vẻ mặt lộ vui mừng, nàng liền chạy cầm mũ sách can đen lại cho tôi.
Tôi nói:
-Cám ơn a tỷ ân cần chiếu cố.
Chúng tôi cùng đi tới nhà ga. Tới khi còi tàu huýt, tôi từ biệt chị. Trên đường về chỉ còn tôi và Tĩnh Tử và em gái tôi mà thôi. Tĩnh Tử chậm rãi bước đi, xa xa trông thấy những người nông dân cày cấy, nàng đưa tay chỉ cho tôi nhìn, thuận miệng nàng ngâm:
Thái lăng tân khổ phế lê sừ
Huyết chỉ lưu chu quỷ chất khô
Vô lực mãi điền liêu chủng thủy
Cận lai hồ diện diệc thu tô
(Hái củ tân toan lưỡi cuốc cày
Mồ hôi máu lệ nhuốm đầy tay
Không tiền mua ruộng đành cấy mướn
Hồ diện đến ngày lại mướn thuê…
)
Tam Lang! Đó có phải là thơ của Phạm Thạch Hồ (Fan Sek-hu) hay không? Tại đời Tống dĩ nhiên. Thế mà cho đến ngày nay trong nước ta tiền thuế ruộng cũng nặng nề quá mức. Em nghĩ tới những người nhà quê mà thương cảm vô cùng.
Tĩnh Tử nói xong thì thở dài, bỗng chốc mặt mày nàng ửng đỏ. Nhìn tôi nói:
-Tam Lang có thấy nhọc mệt chăng? Mấy ngày nay trong mình có thường không? Sáng nay em nghe mẹ em cho biết rằng ba bữa nữa, mẹ em sẽ dẫn em gái anh cùng em về Sương Căn. Chẳng rõ lúc bấy giờ anh Tam Lang có bằng lòng cùng chúng em đặt lại gót giày dép lên đường?
Nghe nàng nói như thế, bao ý niệm bỗng theo nhau tới, tôi không kịp đáp ngay. Quay nhìn nàng, mặt nàng che ở phía sau tấm dù, nàng đưa mắt nhìn, có vẻ như bẽn lẽn.
Tôi nói:
-Nếu mẹ tôi đi, ắt tôi cũng theo mẹ đi. Nói xong, thì quay nhìn nàng một lần nữa, thấy mày mặt nàng đượm vẻ buồn rầu. Phút chốc bỗng thấy Tĩnh Tử òa khóc nói:
-Sáng nay vào phòng ăn, em nhìn thấy anh Tam Lang vẻ mặt sầu não? Chẳng lẽ trong mình anh có đau ốm gì? Còn nếu anh Tam Lang có điều chi thương cảm, xin anh đừng ngại nói ra cho em rõ, anh đừng xem em như người ngoài.
Tôi trầm ngâm ù lỳ không đáp.
Tĩnh Tử lại ôn tồn hỏi tiếp:
-Anh giận em đấy ư? Sao chẳng thèm đáp lời em hỏi:
Tôi dừng bước cất cao giọng nói:
-Lòng tôi bồi hồi, chẳng rõ do nguyên nhân nào. Làm phiền a tỷ chiếu cố hỏi han, tự thấy xấu hổ còn biết nói năng gì! Chỉ mong a tỷ độ lượng thứ cho.
Tôi vừa bước đi vừa suy nghĩ. Bỗng nhiên tim máu giật mình, không chịu đựng nổi, thất thanh la hoảng:
-Hỡi ôi! Lòng tôi đau đớn ân hận thế này, ắt là không bao giờ nguôi được.
Tĩnh Tử tuy nghe rõ lời tôi, nhưng tuyệt nhiên chưa ngờ ra tâm ý tôi muốn nói gì. Nàng lặng lẽ không thốt lời nào cả. Nhưng từ đó gương mặt nàng nhuốm đầy ảo não trông thật hết sức tiều tụy. Nàng rút tấm khăn hồng ra lau nước mắt, lầm lũi đi, xiêu xiêu lệch lệch. Nàng vẫn kiếm ra lời an ủi tôi, vừa an ủi tôi nàng vừa tiếp tục khóc mãi, đến nỗi áo nàng ướt đẫm nước mắt.
Tôi kinh hoàng tự nhủ:
-Cả hai đứa chúng tôi cùng thê thảm thế này, ắt là không sống lâu được.
Gần trưa, chúng tôi về tới nhà. Tĩnh Tử và tôi, không đứa nào đến phòng ăn dùng bữa.