1
Liệt Ngự Khấu đi sang nước Tề, nửa đường quay về, gặp Bá Hôn Mâu Nhân[1]. Bá Hôn Mâu Nhân hỏi: - Sao lại trở về? Đáp: - Vì tôi sợ. - Sợ cái gì? - Tôi ăn tại mười nhà làm tương mà năm nhà dọn cho tôi ăn trước. - Như vậy thì có gì mà sợ? - Sợ vì lòng chân thành của tôi không hoàn toàn mà nó hiện ra rực rỡ bên ngoài. Dùng cái bề ngoài ấy mà chấn phục nhân tâm, khiến người ta trọng tôi hơn các bậc trưởng lão, như vậy tai nạn sẽ tới. Những người bán tương ấy chỉ sống bằng nghề bán thức ăn, lợi không được bao, quyền thế lại chẳng có gì mà còn đối xử với tôi như vậy, huống hồ ông vua một vạn cổ xe [tức nước Tề], thân thể mệt nhọc vì việc nước, tâm trí để hết vào chính sự. Ông ấy sẽ giao trọng trách cho tôi, xét xem tôi có được việc không. Vì vậy mà tôi sợ. Bá Hôn Mâu Nhân bảo: - Anh nhận xét sáng suốt đấy. Nhưng dù anh làm một thường dân thì người ta cũng qui phụ anh. Ít lâu sau, lại nhà [Liệt Ngự Khấu], thấy dép để đầy ngoài cửa[2], Bá Hôn Mâu Nhân đứng hướng về phương Bắc, cằm tì vào chiếc gậy, một lát rồi lặng thinh đi về. Người coi cửa[3] cho Liệt tử hay. Liệt tử không kịp xỏ dép, vội vàng xách dép chạy theo, tới cổng thì đuổi kịp, hỏi: - Thầy tới mà sao không chỉ cho tôi phương thuốc gì [tức một lời khuyên răn nào]? Bá Hôn Mâu Nhân đáp: - Vô ích. Ta đã bảo anh rằng người ta sẽ qui phụ anh đấy, quả nhiên như vậy. Không phải là anh cố ý làm cho người ta qui phụ anh, mà là anh không biết cách làm cho người ta đừng qui phụ anh. Cần gì phải làm điều dị thường để cho người ta cảm mộ mình trước như vậy? Không có lí họ thúc đẩy anh tỏ tài riêng của anh ra[4]. Những người giao thiệp với anh không có gì để nói với anh cả. Những lời nhỏ nhen của họ có hại như thuốc độc đấy. Anh mê muội, không giác ngộ thì làm sao có thể cải hoá anh được[5]. Kẻ khéo léo thì lao khổ, kẻ thông minh thì đa ưu. Người vô tài thì [an phận] không cầu gì cả, ăn no rồi ngao du, như một chiếc thuyền không bị cột, phiêu lưu trên mặt nước. Họ hư tâm mà ngao du[6].2
Một người nước Trịnh tên là Hoãn ra rả học bài ở đất Cầu Thi. Chỉ trong ba năm thành một Nho gia, ân trạch lan tới ba họ, như nước sông Hoàng Hà thấm nhuần tới chín dặm [ở hai bên bờ]. Người đó cho em học đạo Mặc, thành một Mặc gia. Nho và Mặc tranh luận nhau, người cha bên người em tên là Địch. Mười năm sau, Hoãn [tức giận] tự sát. Một đêm, người cha nằm mộng thấy Hoãn về bảo: - Chính tôi cho con ông học thành một Mặc gia, thế mà không bao giờ ông thăm mộ tôi, nơi đó cây bá mùa thu đã có trái? Con người sở dĩ được chút tài gì, thì cái đó không phải công của người mà là do trời cho. Trời khiến như vậy mới được như vậy. Hoãn kia tự cho mình có tài hơn người mà khinh cha thì không khác gì người nước Tề đào giếng rồi cấm không cho ai lại uống[7]. Hết thảy người đời nay đều như tên Hoãn đó. Do dó, [ta có thể kết luận rằng] người có đức phải đừng nghĩ rằng mình có đức, huống hồ là người có Đạo. [Khoe rằng mình có Đạo] người xưa bảo là mắc cái tội trái đạo trời (hoặc cướp công trời).3
Thánh nhân yên ở chỗ yên, không yên ở chỗ không yên; người thường yên ở chỗ không yên, không yên ở chỗ yên[8]. Trang tử bảo: Biết Đạo là điều dễ; không nói về Đạo mới khó. Biết mà không nói là tiến lại thiên nhiên; biết mà nói là tiến tới “nhân vi”. Cổ nhân tiến tới thiên nhiên chứ không tiến tới nhân vi.4
Chu Bình Mạn tốn cả gia sản là ngàn vàng để nhờ Chi Li Ích dạy cho cách mổ thịt rồng. Sau ba năm, kĩ thuật tinh xảo rồi mà không có chỗ dùng.5
Thánh nhân không cho cái tất nhiên là tất nhiên cho nên không dùng binh (hoặc không giao tranh); người thường cho cái không tất nhiên là tất nhiên nên hay dùng binh. Thích dùng binh thì tìm cách thoả mãn sở thích của mình. Trông cậy vào binh lực thì sẽ chết. Trí tuệ của kẻ tầm thường thì chỉ nghĩ tới lễ vật và thư từ, thù tạc, khiến tinh thần mệt mỏi vào những việc nông cạn, thô lậu. Vậy mà họ tưởng mình dùng Đạo giúp hết cả vạn vật, đạt được sự hợp nhất và sự hư tĩng của hình thể. Như vậy mê hoặc về vũ trụ, bị luỵ về hình thể mà không biết được nguồn gốc của vạn vật. Bậc chí nhân đưa tinh thần về chỗ Vô thuỷ mà vui ở chỗ Hư vô; như nước chảy mà không có hình tích, phát tiết ở chỗ cực trong sạch. Buồn thay! Trí tuệ cho anh biết được cái nhỏ nhặt như ngọn lông mà không biết được cái đạo lớn yên tĩnh.5
Một người nước Tống tên là Tào Thương được vua Tống sai đi sứ qua Tần, khi đi chỉ có năm cỗ xe. Vua Tần bằng lòng ông ta lắm, cho một trăm cỗ. Về tới Tống, ông ta gặp Trang tử, bảo: - Ở trong một đường hẽm trong một xóm nghèo khổ, quẫn quách tới nỗi phải bện dép để sống, đói tới nỗi cổ ngẳng, mặt xanh xao, đó là sở đoản của Thương tôi. Nhất đán gặp vua một nước vạn cỗ xe rồi được tặng một trăm cỗ xe, đó là sở trường của Thương tôi. Trang tử đáp: - Vua Tần bị bệnh, vời một y sĩ tới trị. Y sĩ mổ một cái nhọt lớn, nặn hết mũ ra, vua Tần thưởng cho một cỗ xe; còn kẻ nào liếm trĩ của ông thì ông thưởng cho năm cỗ xe. Vậy việc càng đê tiện thì càng được thưởng nhiều. Phải ông trị bệnh trĩ cho vua Tần không, sao mà được thưởng nhiều xe như vậy? Thôi ông cút đi”.6
Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Nhan Hạp: - Quả nhân muốn dùng Trọng Ni làm tướng quốc, nước có thể khá hơn được không? Nhan Hạp đáp: - Nước sẽ nguy thêm. Ông Trọng Ni ấy tai hại lắm! Trang sức bằng lông chim và hình vẽ, chỉ dùng những lời hoa mĩ, coi chi tiết là chủ yếu, dạy dân che dấu bản tính[9], mà không biết rằng mình không thành tín. Lòng và tinh thần dân theo ông ấy thì không hướng thượng được. Trọng Ni thích hợp với nhà vua ư? Nhà vua muốn tôi đồng ý[10] với nhà vua ư? Nếu vậy thì nhà vua lầm rồi. Khiến cho vua bỏ chân tính mà học cái hư nguỵ, thì làm sao gọi là dạy dân được. Nếu nhà vua mưu tính cái lợi cho đời sau thì nên bỏ ý ấy đi, chỉ làm cho dân thêm khó trị thôi.8
Gia ân cho người mà không quên được công mình, đó không phải là đức nhân của trời. Con buôn là hạng đáng khinh, tuy có lúc phải giao thiệp với họ nhưng trong lòng mình vẫn khinh họ[11]. Hình phạt ở ngoài [nghĩa là về thể xác] là búa rìu và gông cùm; hình phạt ở trong là sự dao động và thái quá. Kẻ tiểu nhân bị hình phạt ở ngoài thì bị tra tấn bằng búa rìu, gông cùm, bị hình phạt ở trong thì bị âm dương hành hạ. Chỉ bậc chí nhân là tránh được cả hình phạt ở ngoài lẫn ở trong.9
Khổng Tử bảo: “Lòng người ta hiểm hơn sông núi, khó biết hơn trời nữa. Vì trời còn có những hiện tượng đúng kì: xuân hạ thu đông, sáng và tối; còn người ta thì bề ngoài thì kín đáo mà trong lòng thì sâu thẳm. Cho nên có kẻ bề ngoài thận trọng mà hành vi lại phóng túng; có kẻ bề ngoài có vẻ trưởng thượng đáng kính mà lòng thì xấu xa; có kẻ bề ngoài nhu thuận, hẹp hòi mà lòng lại khoáng đạt; có kẻ bề ngoài cứng cỏi mà lòng lại nhu nhược; có kẻ bề ngoài hoà hoãn mà trong lòng lại nóng nảy. Cho nên có kẻ ham điều nhân nghĩa như khát khao, mà lại trốn nhân nghĩa như trốn lửa. Cho nên bậc quân tử dùng người thì sai đi xa để xét lòng trung tín của họ, giao cho những việc gần để xét lòng kính cẩn của họ; bảo làm những việc khó để xét tài năng của họ; thình lình hỏi họ để xét trí thông minh của họ; đưa ra một kì hạn gấp để họ có giữ chữ tín không; giao phó tiền bạc để xem họ có đức nhân (tức bất vị lợi?) không; bảo cho họ biết trước việc nguy hiểm để xem có đổi tiết tháo không; cho họ uống rượu say để xem họ có giữ được phép tắc không; cho họ ở những chốn hổn tạp (trai gái sống chung với nhau) xem họ có dâm loạn không. Thí nghiệm chín cách như trên rồi thì biết được kẻ nào xấu xa”.10
Chính Khảo Phụ lần đầu được lệnh bổ dụng thì cúi đầu xuống, lần thứ nhì thì khom lưng xuống, lần thứ ba[12] thì phủ phục xuống, men theo tường mà chạy. Cung kính như vậy thì ai dám đem việc không phải phép mà làm nhục ông ta?[13] Hạng phàm phu lần đầu được lệnh bổ dụng thì vênh vênh váo váo; lần thì nhảy múa trên xe, lần thứ ba thì goi chú bác bằng tên tục. Ai dám so sánh hạng đó với vua Nghiêu và Hứa Do?[14]°
Hoạ không gì lớn bằng đức có tâm[15] mà tâm có mắt, tâm có mắt nên nhìn bằng tâm, mà nhìn bằng tâm thì bại hoại.[16] Có năm loại hung đức, mà tệ nhất là đức ở trong tâm. Thế nào là đức ở trong tâm? Đức ở trong tâm là tự cho mình phải và chê tất cả những cái người ta không làm[17]. Cùng khốn có tám loại cực đoan; thông đạt có ba cái tất nhiên; thân thể có sáu tạng phủ. Đẹp đẻ, có râu, cao, lớn, cường tráng, bảnh bao, dũng mãnh, quả cảm, tám cái đó mà hơn người thì sẽ bị cùng khốn. Theo sau người, khuất phục người, sợ người ta về ba cái đó mà chịu kém người thì sẽ thông đạt (thành công). Trí tuệ mà lộ ra ngoài thì chỉ đeo đuổi ngoại vật; dõng mãnh nóng nảy, thì gây sự oán thù; hay bàn về nhân nghĩa thì bị người ta trách móc. Hiểu rõ phép đạt sinh thì hanh thông; dùng trí tuệ thì hoá nhỏ nhen; hiểu rõ mệnh trời thì tuỳ thuận tự nhiên, mà hiểu vận mệnh thì tuỳ ngộ nhi an.11
Một người lại bái kiến vua Tống, được ân tứ mười cổ xe, đánh mười cổ xe đó lại khoe Trang tử, Trang tử bảo: - Trên bờ Hoàng Hà có một gia đình nghèo, sống nhờ nghề đan cỏ ngải. Một hôm một người con lặn xuống vực, vớt được một viên ngọc châu đáng giá ngàn vàng. Người cha bảo con: “Lấy một phiến đá đập bể nó đi! Một viên ngọc đáng giá ngàn vàng tất phải ở dưới cằm một con rồng đen trong một vực sâu chín đợt. Con lấy được nó chắc là trong khi con rồng đó ngủ; nó tỉnh dậy thì còn gì là đời con nữa!”. Nước Tống ngày nay còn sâu hơn cái vực chín đợt, mà vua Tống còn hung dữ hơn con rồng đen nữa. Chú được mười cỗ xe đó chắc là trong lúc ông ta ngủ; ông ấy mà tỉnh dậy thì tất chú bị nát thây mất.12
Một ông vua muốn vời Trang tử ra làm quan. Trang tử đáp sứ giả: - Ông có thấy con bò để tế đất không? Người ta trùm cho nó tấm gấm thêu, cho nó ăn cỏ và đậu lớn, để một ngày kia đắt nó lại thái miếu, giết nó để tế. Lúc đó nó có muốn làm một con bê cô độc, phỏng có được không?13
Trang tử hấp hối. Môn sinh bàn với nhau sẽ hậu táng. Ông nghe được bảo: - Đừng. Ta đã có trời đất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa? Môn sinh đáp: - Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa xác thầy. Trang tử bảo: - Tại trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị kiến và sâu đục (đằng nào cũng vậy). Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài trên mà cho các loài dưới?14
Dùng cái không quân bình[18] để quân bình vạn vật, thì cái quân bình đó không phải là quân bình. Dùng cái không ứng nghiệm để ứng nghiệm vạn vật thì cái ứng nghiệm đó không phải là ứng nghiệm. Trí thông minh bị ngoại vật sai khiến, duy sự thần linh là ứng nghiệm được vạn vật. Trí thông minh không bằng sự thần linh, điều đó ai cũng biết từ lâu rồi. Mà kẻ ngu muội vẫn trông cậy vào trí thông minh, chìm đắm vào nhân sự, dụng công vô ích. Đáng thương thay!TỪ VÔ QUỈ VÀ LIỆT NGỰ KHẤU
Chương Từ Vô Quỉ này, hình thức và nội dung đều rất phức tạp, có những bài thuần tuý lí luận (bài 4, 13, 14, 15), có những bài là ngụ ngôn (bài 3, 9, 10, 12) hoặc cố sự (bài 5, 6, 7, 8), lại có những bài (1, 2) khó mà quyết định được là cố sự (truyện có thật) hay ngụ ngôn (truyện tưởng tượng). Tìm một vài tư tưởng làm trung tâm cho chương thì không thấy. Bài 2, 3: bàn về cách trị dân, khuyên không nên bắt dân lao khổ để cung phụng “tai mắt mũi miệng” của mình, không nên theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh (bài 2); phải trừ cái hại cho dân, cũng như người chăn ngựa phải trừ cái hại cho ngựa (bài 3). Bài 1: bảo muốn làm cho vua cười thì đừng giảng đạo đức cho họ nghe. Bài 4: khuyên đừng nên chìm đắm vào ngoại vật. Bài 5: bàn về cái lẽ phải được mọi người chấp nhận. Bài 6: chép cố sự Trang tử thương tiếp Huệ tử. Bài 7: chép cố sự Quản Trọng giới thiệu Thấp Bằng với Tề Hoàn công. Bài 8: cảnh cáo ta hễ tự phụ, khoe tài thì chết. Bài 9: khuyên nên mai danh ẩn tích. Bài 10: bàn về đức của thánh nhân. Bài 11: chỉ là một truyện coi tướng. Bài 12: bảo hiền nhân có lợi mà cũng có hại cho xã hội. Bài 13: vẽ chân dung ba hạng người: hạng hợm hĩnh, hạng cẩu thả sống gởi, hạng còng lưng giúp ích cho đời. Bài 14 và 15: gồm những tư tưởng vụn về chân nhân và Đạo. Xét chung tư tưởng hợp với Trang mà cũng có vài bài (10, 12) hợp với Lão, nhưng không phát huy thêm được gì. Bảo các tác giả chương này ở trong môn phái Trang hay thuộc nhóm Đạo gia thì cũng được. Bài 7 chép trong Liệt tử (VI.3) và trong Lữ thị Xuân Thu (chương Quí Công) vì vậy mà ta có thể đoán tác giả ở cuối thời Chiến Quốc, và sự thu thập các tạp văn trong chương đã được thực hiện vào đời Hán. Chương XXXII Liệt Ngự Khấu này ngắn hơn Từ Vô Quỉ mà có phần phức tạp hơn nữa. Cũng không có chủ điểm. Đại khái có thể coi là những bài văn ngắn của môn phái Trang tử do người đời Hán sưu tập.[19]Chú thích:[1] Liệt Ngự Khấu tức Liệt tử. – Bá Hôn Mâu Nhân là một ẩn sĩ nước Sở, Liệt tử rất trọng.[2] Dép của môn đệ hoặc hạng khách khứa trọng Liệt tử.[3] Người này có nhiệm vụ thông báo khi có khách tới.[4] Nguyên văn: dao nhi bản tài, có sách dịch là làm dao động bản tính của anh.[5] Bài này, từ đầu tới đây, tôi đã dịch trong cuốn Liệt tử, trang 130-33. Nay tôi dịch lại để sửa vài chữ ở những đoạn trên, còn đoạn cuối này, đành để như cũ, vì tối nghĩa quá, không biết dịch sao cho đúng.[6] Mấy hàng cuối này không có trong cuốn Liệt tử và không liên lạc gì với truyện, tách ra phải hơn.[7] Nước đó của trời chứ đâu phải của mình mà cấm, cũng như tài của Hoãn là do trời cho, có gì mà tự đắc. Hai câu này L.K.h. dịch là: Người em thành một Mặc gia là do thiên phú. Người anh (tên Hoãn) tự cho đó là công của mình mà trách cha bênh vực em, thì cũng không khác gì người nước Tể đào giếng rồi cấm không cho ai lại uống. Dịch như vậy thì trên dưới hô ứng nhau mật thiết hơn; dịch như trên thì sát nghĩa hơn.[8] V.P.C. chú giải: như Liệt Ngự Khấu thấy năm nhà bán tương dọn cho mình ăn trước mà sợ, rốt cuộc bị người ta qui phụ nhiều quá (coi bài 1 chương này) thế là lòng bất an không thắng được sự dao động của vật, nhưng cái đó ngoài dự liệu của ông, mà sự không an ở chỗ không an của ông khác với người thường. H.C.H. dịch là: Thánh nhân thuận theo bản tính của vật, không ép vật theo mình, người thường là trái hẳn bản tính để truy cầu ngoại vật, không cho vật thuận theo tự nhiên. L.K.h. giảng: Thánh nhân sửa mình hoài nên sung sướng, không truy cầu ngoại vật mà hại cho mình; còn người thương đeo duổi cái lợi vật chất nó không tuỳ thuộc họ, mà không nghĩ tới sự tu tâm dưỡng tính nó tuỳ thuộc họ. Tiền Mục chẳng giảng gì cả, để cho chúng ta hiểu ra sao thì hiểu. Có lẽ họ Tiền này khôn hơn cả.[9] L.K.h. dịch là: biến đổi bản tính của mình để dạy dân.[10] Dư di dữ?. Tiền Mục dịch là: muốn tôi vui ư? [11] Câu này H.C.H. dịch là: khiến cho con buôn khinh họ (tức hạng người không quên công đức của mình), tuy có thời đàm luận với họ, nhưng trong lòng vẫn không cho là phải (?).[12] Có sách giảng: lần đầu được đề cửa làm chức sĩ, lần thứ nhì lên chứ đại phu, lần thứ ba lên chức khanh.[13] Nguyên văn: thục cảm bất quĩ. L.K.h. dịch là: ai dám không bắt chước.[14] Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do không thèm nhận.[15] Phải chăng cố ý làm điều đức hạnh như H.C.H. giảng? Hay là: có ý thức về đức của mình, nhận rằng mình có đức, như L.K.h. dịch?[16] Chắc tác giả muốn nói nhận xét sự vật không bằng mắt mà bằng thành kiến, bằng sự yêu ghét của mình, nhận rằng mình có đức, như L.K.h. dịch?[17] Tôi thú thực không hiểu tác giả muốn nói gì.[18] Nguyên văn là bình. L.K.h. dịch là hoà bình.[19] Trong chương XXIV Từ Vô Quỉ có một bài (bài 6) và trong chương XXXII Liệt Ngự Khấu có đến bốn bài (6, 11, 12, 13) chép cố sự về Trang tử; cả năm bài đó đều được cụ Nguyễn Hiến Lê dẫn trong tiểu mục Đời sống (của Trang tử). [Goldfish]