Quý ròm ngồi ở bàn thứ tư, đếm từ trên xuống, dãy bàn gần cửa ra vào. Ngồi bên phải nó là Tiểu Long, ngồi bên trái nó là nhỏ Hạnh. Lúc làm bài, nó cựa quậy không yên, lúc nghiêng sang trái lúc chồm sang phải, cố xem thử hai đứa bạn nó viết những gì. Nhưng Quý ròm chả nhìn thấy gì cả. Cứ mỗi lần nó nhướn cổ nhòm vào tập, hai đứa bạn nó đều lấy tay che kín. - Coi chút đi! – Quý ròm năn nỉ nhỏ Hạnh. - Coi gì mà coi. Quý lo làm bài đi kìa! - Tôi làm gần xong rồi. - Vậy ngồi yên cho người khác làm. Quý ròm cáu lắm, không thèm ỉ ôi nữa. Nó quay sang Tiểu Long: - Coi chút đi! - Coi làm gì! Tao có đòi coi bài của mày đâu! Quý ròm kéo cánh tay Tiểu Long đang che bài làm. - Bỏ tay ra đi! Tao coi chút xíu thôi. Tiểu Long vờ nhìn lên bảng: - Thầy Phú đang “chiếu tướng” mày kìa! Thế là Quý ròm lật đật buông tay ra, bụng tức anh ách. Tuần sau, khi thầy Phú phát bài làm ra Quý ròm mới biết tại sao hai đứa bạn thân thiết nhất của mình kiên quyết không cho mình xem bài làm của tụi nó. Hoá ra “một ngày kỳ lạ” của Tiểu Long và nhỏ Hạnh đều có nhân vật chính là… Quý ròm. Theo Tiểu Long, ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó phát hiện ra Quý ròm đi… ở đợ cho người ta. Nó kể trong bài làm rằng nó suýt chút nữa bất tỉnh nhân sự khi phát hiện thằng bạn ròm của nó lui cui quét nhà quét sân cho anh em thằng Thời ra làm sao, lom khom xách nước đổ vô lu cho anh em thằng Thời như thế nào. Ngay cả chuyện thằng Quý rò xắt chuối nấu cám cho heo nó cũng lôi ra kể tuốt tuồn tuột… Thầy Phú đọc tới đâu, tụi bạn trong lớp cười lăn bò càng đến đó. Nhưng đến khi Tiểu Long cắt nghĩa tại sao Quý Ròm lại è lưng ra làm việc cho anh em thằng Thời quần quật như thế thì tụi bạn không cười nữa, thay vào đó những tiếng khụt khịt cảm động vang lên không ngớt, cứ như thể cả lớp bất thần bị cúm. Cho đến lúc đó Quý ròm vẫn ngồi chết trân trên ghế, bụng rủa thầm thằng mập về cái tội vạch áo… bạn cho người xem lưng. Chỉ khi thầy Phú đọc đoạn kết bằng giọng điệu ngân nga đầy biểu cảm khiến đứa nào đứa nấy rưng rưng, Quý ròm mới thở phào và bắt đầu vênh váo ngoảnh mặt nhìn quanh. Nhưng Quý ròm chỉ vênh váo được chút xíu thôi. Rồi lập tức xìu mặt xuống khi tụi bạn thi nhau khen Tiểu Long tới tấp: - Bạn Tiểu Long tưởng tượng hay ghê! - Tưởng tượng thế mới là tưởng tượng chứ! Gia Nghĩa xuýt xoa: - Ờ, nghe cứ y như thật! Thằng Lâm oang oang: - Hừm, còn khuya bạn Quý mới sử xự được như vậy ở ngoài đời! Tiếu Long liếc bạn, thấy Quý ròm ngồi xụi lơ như con mèo ướt, liền quay sang chỗ thằng Lâm ngồi, quắc mắt: - Tao viết chuyện thật đó, không phải bịa đâu! Lâm bĩu môi: - Xì! Có ma mới tin mày! Quý ròm đúng là xui tận mạng. Những gì Tiểu Long và nhỏ Hạnh viết về nó đều là chuyện có thật. Nhưng chuyện “kỳ lạ” thằng Long kể thì không đứa nào thèm tin còn chuyện “kỳ lạ” nhỏ Hạnh kể thì tụi nó đều tin răm rắp. Mà chuyện nhỏ Hạnh kể thì đâu có hay ho gì đâu. Đối với nhỏ Hạnh, ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó phát hiện Quý ròm, một đứa được sinh ra không phải để đánh nhau, được nhỏ Quỳnh Dao nhờ đi đánh nhau giúp và kết quả là một bên mắt của thằng ròm bầm tím như quả cà dái dê. Quý ròm bấm bụng nghe thầy Phú đọc bài làm của nhỏ Hạnh, chỉ mong thầy đọc xong, tụi bạn tiếp tục trầm trồ: - Bạn Hạnh tưởng tượng hay ghê! Hoặc nức nở: - Hay quá! Nghe cứ y như thật! Nhưng những điều xảy ra sau đó có gì giống như thế. Thầy Phú vừa dứt lời, Lan Kiều quay sang Quỳnh Như: - Quỳnh Dao là em của bạn phải không? - Ờ. - Chuyện Quỳnh Dao nhờ bạn Quý đi đánh nhau có thật không vậy? Con nhỏ Quỳnh Như vô tâm, không biết nỗi khổ của thằng ròm, nhanh nhẩu đáp: - Thật chứ sao không! Ngồi ngay sau lưng Quỳnh Dao là Hải quắn. Hải quắn cười hê hê: - Cần gì phải hỏi! Năm ngoái bạn Quý uýnh lộn bầm mắt, đóng vai “độc nhãn long” suốt một tuần, ai mà chẳng thấy! Lần này tới lượt nhỏ Hạnh cảm thấy áy náy với Quý ròm. Nó nguýt Hải quắn, phân bua: - Chuyện này Hạnh tưởng tượng ra đấy, không phải thật đâu! Hải quắn bắt chước thằng Lâm, cong môi “xì” một tiếng: - Chối gì mà chối! “Nhân chứng”, “vật chứng” sờ sờ ra đó mà kêu là tưởng tượng. - Kệ nó! Quý ròm níu tay nhỏ Hạnh, kêu khẽ. Nó sợ nhỏ Hạnh đôi co, thằng Lâm và thằng Quới Lương sẽ nổi hứng nhảy vô nói lung tung. Nhỏ Hạnh nghe lời bạn, không thèm ọ ẹ với tụi “tứ quậy” nữa. Nó quay sang Quý ròm, chép miệng: - Hạnh xin lỗi Quý nhé. - Hạnh có lỗi gì đâu! – Quý ròm cười gượng- Cái ngày con quỷ con Quỳnh Dao xúi tôi đánh lộn đúng là ngày kỳ lạ thật mà. Ở trên bảng, thầy Phú bắt đầu đọc đến bài làm của nhỏ Ngọc Thời. Ngọc Thời ngồi bàn trên cùng, ngay cạnh lớp phó kỷ luật Minh Trung, đối diện với bàn giáo viên. Cũng như Minh Trung, nó là học sinh trường Thống Nhất chuyển lên. Tụi bạn lập tức quên ngay chuyện “kỳ lạ” của Quý ròm, vểnh tai nghe từng lời của thầy Phú. Theo Ngọc Thời thì ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó không nhận ra… ba nó. Năm đó nó học lớp bảy. Có một hôm mẹ nó kẹt công chuyện, nhờ ba nó đi đón con. Xưa nay ba nó chưa bao giờ đặt chân tời trường nó học. Sáng đi chiều về, chỉ toàn mẹ nó đưa đón. Cho nên nó không nghĩ người đàn ông đang đứng đằng kia là ba nó. Tan học mười lăm phút, nó cùng tụi bạn chơi đá cầu ở sân trước, chốc chốc lại ngước nhìn ra cổng xem mẹ nó tới chưa. Trong một lần liếc mắt như vậy, giữa đám đông phụ huynh lố nhố tới đón con, nó thấy một người đàn ông quen quen, liền gật đầu chào rồi quay lại chơi tiếp, không nghĩ đó là ba nó. Lát sau mẹ nó tới, thấy ba nó ngồi lơ ngơ trên xe, ngạc nhiên hỏi “Sao anh còn ngồi đây? Con đâu?” Ba nó chỉ tay về phía nó “Nó chơi đá cầu đằng kia”. “Anh gọi nó chưa?”. “Chưa gọi. Nhưng nó thấy anh rồi. Chắc nó còn ham chơi. Kệ, cho nó chơi thêm một chút”. Mẹ nó dựng xe, hằm hằm bước lại phía nó, mắng “Sao con thấy ba tới đón mà để ba đợi cả buổi vậy? Ham chơi vừa vừa thôi chứ!”. Nó ngạc nhiên “Ủa, con có thấy ba đâu?”. “Sao ba bảo con nhìn thấy ba rồi”. Mẹ nó chỉ tay về phía ba nó “Ba con kìa”. Lúc đó nó tá hoả “Trời, khi nãy con thấy ai quen quen, tưởng ba của bạn nào liền gật đầu chào. Con đâu nghĩ là ba đi đón con”. Từ bữa đó, mẹ nó cứ kể đi kể lại chuyện “kỳ lạ” đó hoài khiến lần nào ba nó cũng nhăn như bị “Biết rồi! Khổ lắm! Anh đã hứa là sắp tới anh sẽ đi đón con thường xuyên rồi mà!”… Chuyện “kỳ lạ” của Ngọc Thời làm tụi bạn cười ngặt nghẽo. Quỳnh Như nghiêng đầu về phía Lan Kiều, tủm tỉm: - Làm gì có chuyện đó, Lan Kiều há! Thằng Tần hét tướng: - Chuyện này bịa là cái chắc rồi! - Chuyện thiệt đó! - Thằng Lâm ngoác miệng – Tôi từng gặp một chuyện giống y như vậy. Lần đó tôi đang đi ngoài đường, gặp ba tôi đi ngược chiều, tôi thấy quen quen, gật đầu chào. Hình như ba tôi cũng thấy tôi quen quen nên gật đầu chào lại. Hai bên chào nhau lịch sự hết biết luôn! - Xạo đi mày! - Thằng Tần quay xuống, nheo nheo mắt. - Lại thằng ghẻ ngứa này! – Lâm gầm lên – căn cứ vào đâu mà mày nói tao xạo. - He he, căn cứ vào cái tật hay xạo của mày chứ căn cứ vào đâu! Lớp học mỗi lúc một bát nháo, đến mức thầy Phú phải đập tay xuống bàn: - Các em im lặng nào. Thầy đã nói với các em rồi. Quan trọng là câu chuyện các em kể nêu lên được ý nghĩa gì, có giúp chúng ta rút ra được bài học nào không. Còn đó là chuyện thật hay chuyện tưởng tượng không phải là điều cốt yếu, các em không nên tranh cãi. Bài văn tiếp theo của thằng Cung, quả nhiên cả lớp không làm ầm ĩ nữa. Ngay cả những cái miệng lách chách của tụi “tứ quậy” (à quên, bây giờ gọi là “tam quậy” mới đúng) cũng im thít. Tụi học trò sở dĩ đột ngột trở nên ngoan ngoãn như vậy không phải vì lời giáo huấn của thầy Phú đã kịp ngấm vào óc tụi nó mà vì “một ngày kỳ lạ” của thằng Cung không có gì để cãi nhau. Đứa nào cũng biết thừa Cung bịa ra chuyện nó vớt được một cái lọ cổ trong con mương sau hè nhà nó. Và dĩ nhiên khi nó mở nắp thì có một ông thần lót tót chui ra. Để tạ ơn kẻ đã giải thoát mình, ông thần ban cho nó một điều ước. Thế là Cung ước được trở thành người vẽ đẹp nhất thế gian. Từ đó, tờ báo tường do “hoạ sĩ” Cung trang trí luôn luôn được giải nhất toàn trường. Đặc biệt, từ lúc được ban phép lạ, các chi tiết trong tranh của Cung vô cùng sinh động, mắt biết liếc, môi biết cười, chim biết vỗ cánh, càng biết đong đưa. Câu chuyện của Cung được thầy Phú cho 8 điểm khiến tụi bạn phản đối ầm ầm: - Chuyện của bạn Cung kỳ lạ thật, nhưng có ý nghĩa gì đâu thầy? - Ờ, câu chuyện chẳng chứa bài học nào hết mà được tới 8 điểm! Thầy Phú mỉm cười: - Bài học qua câu chuyện này là con người sống ở đời phải biết ước mơ, các em à. Tiếp theo bài văn của Cung, thầy Phú lần lượt đọc thêm bài của Xuyến Chi, Vành Khuyên, Đặng Đạo và thằng Mười. Cùng với bài làm của Hạnh, Tiểu Long và Ngọc Thời, đó là những bài có điểm cao nhất.