Nho lo-lắng liếc nhìn Hảo đang mở bức điện-tín mà người phát thơ vừa đưa tới. Hảo đọc xong rồi châu mày. Nho lỏi: - Tin lành hay dữ?Hảo làm thinh, trao bức điện-tín cho chồng. Nho đọc:
Bà Hoàng úp hụi stop. Về ngay để đi thưa.
MAI
- Hụi bao nhiêu? Nho hỏi.- Sáu ngàn, hai mươi tay. - Có cần về lắm hay không? - Sao lại không. Phải đi thưa đông đủ tay em, người ta mới lo mau lẹ cho mình.- Chừng nào đi?- Đi ngay.- Nắng quá!- Mặc kệ. Ba người ăn cơm trưa vừa xong. Nắng trưa đè nặng mí mắt của họ xuống, nên Nho ngại lái xe. Ông thở ra, uể-oải đứng lên nói:- Thôi, để anh đi thay đồ.- Không cần.- Em lái còn non lắm.- Em đi xe lô.- Rồi làm sao mà trở ra.- Thì cũng ra bằng xe lô. - Nhưng tối, làm gì có xe ra. - Em đâu có ra liền nội ngày nay được. Về rồi còn phải đi thăm các bả, các chỉ xem sao, rồi mới vô đơn, tốn ít lắm cũng hai ngày. Nho bây giờ mới sực biết thư vậy và mừng quýnh lên. Ông cố giấu nỗi vui nó chực lộ ra trên mặt ông. Hảo đã sắp đặt bức điện-tín giả nầy, đã đoán biết phản-động của Nho khi ông ta hay tin bà phải rời Vũng-tàu. Nho không làm sao che đậy được tình-cảm của ông cả.Bà chửi thầm trong bụng: - Đồ dịch vật, thích chết đi mà cứ làm bộ hoài. Cái quân đờn-ông thật khốn nạn quá.Nho nhìn Liên mà hỏi: - Liên về với chị hay ở lại? Liên chậm-lụt, lại không biết phải nên về thay nên ở. Nàng còn làm thinh thì Hảo nói:- Bắt em nó đi chi cho mệt. Em cực chẳng đã phải chịu đi nắng, chịu ngồi xe chật như vầy, chớ khi không, ai mắc mớ gì mà…- Em đi xe đưa hành-khách, anh ngại lắm: Tài-xế các thứ xe ấy họ hay chạy ẩu.- Không hề gì. Giấc trưa nầy xe lô nó ưa “dù” lắm. Đi xe “dù” rộng-rãi, băng trước trống trơn, tài-xế nó không bị ép, dễ day trở hơn trên các chuyến thường. Thôi em đi sửa-soạn ngay đây.Ông Nho nối gót theo vợ lên buồng. Liên cũng lên buồng nàng để nghỉ trưa.Mọi khi, ăn cơm trưa xong, thì mắt Nho híp lại. Nắng và rượu đã rủ con buồn ngủ đến liền sau bữa ăn. Nhưng hôm nay, ông Nho mắt trao-tráo mà nhìn vợ điểm-trang. Tuy vậy, ông không thấy vợ, mà chỉ thấy những cảnh tương-lai mà ông đang sắp đặt ra.Hảo trang-điểm xong, bước lại kéo má chồng một cái rồi nói: - Hãy ngoan nhé, rồi em cưng. Vài bữa em về, em mua quà về cho.Nho kéo vợ xuống, hôn lên trán Hảo một cái rồi nói:- Xong thì ra liền nghen! - Thành-thật hay không?- Sao em lại hỏi lạ vậy? - Biết đâu. Em có cảm-giác rằng anh mong em ở mãi trong ấy. - Xí, nói bậy hoài.- Hừ, bậy hay không rồi sẽ biết.Hảo khéo đến đỗi hay nói bóng nói gió đến một sự phản-bội có thể của Nho. Nói đến sự ấy một cách hiền-lành như vậy, người đờn-ông sẽ đoán biết là phản-động của nàng sẽ không mạnh-mẽ bao nhiêu, một khi công chuyện đổ bể ra. Đó là một lối khuyến-khích gián-tiếp, như là nói: - Em biết anh sẽ phản-bội, nhưng em không làm sao ngăn anh được cả. Âu cũng là số-phận của em. Bọn đờn-ông các anh đều như thế cả thì biết sao bây giờ!Đờn-bà làm thinh về khoản đó là đờn-bà khôn. Đối-phương sẽ mù tịt về ý-nghĩ của họ nên ghê sợ lắm, không biết họ sẽ làm dữ đến đâu. Đờn-bà hâm-dọa luôn-luôn thì một là ngóc, hai là ngầm xúi giục như Hảo đây.Hảo lại vả vào má chồng một cái rồi đi ra. Nho kêu nói:- Nhớ xong thì trở ra liền.- Em ở luôn trong ấy.Hảo đã khép cửa buồng lại, nên câu của bà nghe như người ở xa lắm nói.Nho nằm đó, lật qua lật lại những mưu kế sẽ thi-hành, nhưng quả ông chưa quyết-định được nên dùng mưu nào cho thành-công. Một lát ông lim-dim mắt rồi ngủ thiếp đi.°
° °
Nho giựt mình thức dậy thì có cảm-giác rằng mình ngủ đã lâu lắm. Ông đưa cánh tay lên xem đồng-hồ thì quả đã bốn giờ rưỡi chiều rồi.Tuy vậy, ông còn vật-vựa một hồi nữa mới dậy được để đi rửa mặt.Trái với mọi ngày, hôm nay Nho mặc y-phục đi dạo mát chớ không mặc sơ-sài một chiếc quần Ka-ki và áo thun nữa. Sửa-soạn xong, ông bước ra ngoài, đi lại trước buồng Liên mà réo: - Liên ơi, Liên!- Dạ.- Em đã thức rồi hả?- Dạ lâu rồi.- Em ăn mặc thế nào ?- Em mặc bà-ba.- Chớ không sửa-soạn đi tắm à?- Đợi anh lâu quá, em không biết anh tính sao, nên xem như chiều nay ở nhà. - Em đang làm gì đó?- Em đang ở không.- Vô được chăng? Vừa hỏi, Nho vừa nắm hột xoài cửa mà vặn. Liên vừa đáp nửa câu là ông đã vào tới buồng.- Vô đi chớ, nhà của anh.- Nhà của anh, nhưng mà buồng của em.Liên thấy Nho ăn mặc như thế thì hơi ngạc-nhiên một chút, cười rồi nói:- Chiều hôm nay khác các bữa. Anh không dậy đúng giờ, lại không sửa-soạn đi tắm. Em nghe kỳ-kỳ, trái với thói quen, nên không biết làm sao cả. - Theo thói quen mãi cũng chán. Em đi dạo mát với anh nghen.- Tùy anh. Nhưng sao anh hỏi em không sửa soạn đi tắm.- Thì hỏi vậy thôi. Nếu em đã sửa soạn đi tắm thì anh lại làm theo em. - Nhưng sao lại không đi tắm như mọi bữa chiều khác.- Thì không muốn theo thói quen... Nói chơi vậy chớ hôm nay chiều thứ bảy, họ ra đông quá, bãi trước bãi sau gì cũng đen nghẹt người ta thì mình không tắm là hơn. Em sửa-soạn đi, anh đợi em dưới sân. Đừng có sửa-soạn lâu như Hảo, bắt anh đợi rụt giò. Em không cần làm gì hết mà cũng đã đẹp lắm rồi.- Em không bắt anh đợi đâu mà lo. Em đánh phấn sơ qua thôi.- Ý đừng có đánh phấn.- Chớ nắng ăn đen quá. - Đen quyền, để vậy đẹp hơn.Năm phút sau, hai người đã ra ngoài và đi bộ trên đường.Dân đi tắm biển, người mới và người cũ hay ngó nhau. Họ dễ phân-biệt với nhau, nên nhìn qua là biết: người cũ thì người nào da mặt cũng sạm đen, người mới thì mang cả cái màu xanh mét ở các châu-thành ra, người cũ tắm chán rồi nên thích đi dạo để xem kẻ khác nôn nao tắm, người mới thì thấy nước biển như bợm nhậu thấy rượu nếp. Người cũ hãnh-diện, mắt nói thầm lên: “Ta ra đây đã lâu, tắm chán chê rồi, nhà ngươi mới lót-tót theo sau”. Người mới mắt cũng đối lại: “Ừ, ở đâu có nhà ngươi thì có ta, nào ta có thua ai đâu”.Nhưng cả hai lớp người cùng một ý-chí: khoe sự xứng đôi vừa lứa của cặp mình. Họ nhìn nhau để trầm trồ nhau, để sung-sướng thấy cặp của họ không kém cặp nào khác, hoặc để hãnh-diện vì cặp của họ hơn các cặp khác. Nho đi với vợ vẫn bảnh như thường. Nhưng đi với Liên ông thích hơn. Liên trẻ hơn, cặp Nho-Liên chắc-chắn được người ta trầm-trồ hơn. Nhưng không phải vì thế mà ông thích. Nho có cảm-giác như sự hiểu lầm của thiên-hạ nói to lên cho Liên nghe. Nàng nghe mà không phản-đối bằng cách bỏ về, tức là ngầm nhận sự hiểu lầm đó. Đi với cô gái ngầm hiểu cô là vợ của mình quả có thích hơn đi với một cô gái nghĩ khác. Thích nhứt là được những kẻ bán hàng mời mọc: “Ông bà mua giùm chục cam”. “Đậu rang dòn đây thầy cô”. Và những người quen biết sơ-sài nhận lầm: “À, rua anh Nho, chị đây phải không anh ? Chào chị”.Nho không bao giờ thèm đính-chánh những ngộ-nhận kia, mà chỉ ngó Liên mà lặng-lẽ cười. Liên ban đầu khó chịu lắm, nhưng sau quen đi, và thấy bất lực trước những sự hiểu lầm liên-tiếp của người chung-quanh nên đành chịu số-phận và cũng ngó Nho mà cười cái cười tùng đảng với nhau.- Liên biết tại sao họ ngộ nhận như vậy hay không ?- Không. Tại sao vậy ?Nho hỏi rồi phát sợ lên, không dám cắt-nghĩa nữa. Nhưng ông ta đâm bạo, đâm liều và giải-thích:- Là tại mình xứng đôi lắm, mà Liên lại không có vẻ lẳng-lơ của những cô nhơn-tình, nên người ta chỉ có thể nghĩ rằng Liên là vợ anh thôi.- Xin anh đừng nói xàm.Lời phản-đối của Liên nghe hiền-hiền ở cái giọng. Thật ra Liên không có nghĩ gì quấy cả, nhưng vì mến và nể Nho nên cô không xẳng giọng được. Dè đâu sự dịu ngọt tương-đối ấy là một sự khuyến-khích gián-tiếp khiến Nho hiểu lầm rằng đó chỉ là sự phản-đối lấy lệ. Họ không đưa nhau ra bãi biển mà chỉ ngồi dưới một gốc cây già dưới chơn quả núi bên trái, phía trong nầy.- Sao năm rồi Liên ít lên chơi như vậy ? Nho hỏi.- Thì em cũng lên như mọi năm, vài kỳ thôi.Sự thật là như thế. Nhưng Nho bắt đầu nghe cần sự lui tới của Liên và chợt ngạc-nhiên vì các cuộc viếng lơi của các năm qua.“Lạ quá, ông nghĩ, sao trước kia nó ít tới quá mà mình không sốt ruột? Nó tới, mình cũng xem thường, không chú-ý đến nó bao nhiêu. Nếu từ đây mà nó lơ-là như vậy nữa, chắc mình sẽ buồn lắm. Nhưng nó không lơ-là nữa được vì mình quyết thành-công trong việc tỏ tình với nó ở mùa tắm nầy. Trời ơi, nó đẹp thế kia, sao từ thuở giờ mình lại không thấy”.Liên đẹp thật. Nho nhìn xuống hai bàn chơn nàng thì thấy nó non mởn như chơn con gái xứ lạnh. Liên ngồi xếp tè-he rất kín-đáo và rất dễ thương vì sự kín-đáo ấy. Nho không biết nói thêm gì, và cũng không tìm được câu chuyện gì để nói. Ông chợt thấy là ông đã yêu, yêu như hồi còn con trai, lòng rộn-ràng tình-cảm mà miệng không thốt ra được gì cả.Nho nhìn lại Liên xem cô ta thế nào để đoán ý-nghĩ của cô. Liên cố-nhiên là cũng đang làm thinh. Nhưng cô không ngó mông để mơ-mộng mà lại rứt liền tay những ngọn cỏ khô, khiến thấy rõ là cô ta cũng đang nghĩ lung-tung.Người con gái đẹp thì nhiều tình-cảm; người con gái đẹp nầy lại sống một mình từ thuở bé, không có anh em, chị em để không-khí trong nhà huyên-náo lên. Đời sống cô quạnh ấy càng tăng cường tình-cảm của cô. Phương chi cô giống như một bãi sa-mạc mùa nào cũng nhìn mây lũ-lượt kéo qua mà không bao giờ ghé lại, thì giờ đây, một đám mây bay thấp sà-sà chỉ chực mưa xuống, làm sao cô khỏi đón chờ trận mưa ấy, mặc dầu căn-bản luân-lý của cô kêu lên ầm-ỉ là trận nưa ấy trái đạo. Nho thấy điều-kiện đã chín muồi. Nhưng kinh-nghiện lại dạy ông biết rằng dầu vậy cũng không thể tỏ tình ngay thẳng được. Cái vốn luân-lý của con người coi vậy mà rất dồi-dào, luôn-luôn đứng lên bảo-vệ cho khuynh-hướug tuột dốc của bản-năng.Chỉ có thể tỏ tình ngay thẳng được trong những mối yêu đương không ngang trái thôi. Ở đây, phải làm liều, may được, rủi không, hoặc phải đợi một dịp tốt nào khó mong xảy đến, xô họ nhào vào tay nhau, như một đám chết đuối chẳng hạn. Nhưng Liên lại lội giỏi như con rái. Bỗng Liên kêu oái lên một tiếng thất-thanh và giựt chơn như vừa bị phỏng lửa nơi đó: Nho dòm xuống thì thấy một con kiến nhọt đen thui đang cắn vào mô bàn chơn nàng. Nho vội vàng cúi xuống lấy hai ngón tay bóp con kiến nát nhừ. Nhưng càng nó vẫn không chịu buông da của nạn nhơn của nó ra, khiến Nho phải rứt một cái mạnh làm cho Liên lạì kêu lên một tiếng nữa rồi hít-hà nghe đến nát ruột. - Hết rồi, nó dã rời khỏi da em rồi. - Kiến gì mà to quá như vậy anh? - Kiến nhọt.- Ghê quá!- Bên Mỹ có một thứ kiến lửa to bằng bốn con kiến nhọt nầy. Chúng nó còn ghê gấp trăm lần kiến nhọt, vì chúng đi từ đàn đông hàng mấy triệu con. Ở đâu chúng qua là cây cối rạp hết. Vô-phước cho con vật nào chạy không kịp. Chỉ năm phút thôi là con vật ấy bị cắn xé ra từng mảnh vụn và chun vào bụng kiến. Đến voi cũng phải sợ chúng nữa là.- Ghê quá. Ý ui, sao bây giờ nó nhức như vầy?- Kiến nhọt chắc có nọc độc. Dấu cắn của nó nhức-nhối lắm. Nói rồi Nho lại cúi uống mà thoa nơi vết thương bàn chơn của Liên. Ông thật tình mà làm như vậy chớ không ẩn ý gì xằng bậy cả. Nhưng Liên cũng khó chịu, đưa chơn đi nơi khác mà tránh và nói:- Thôi, kệ để mặc em. Liền lúc ấy Nho vụt thấy năm sáu con kiến nhọt nữa đang bò trên ống quần của Liên. Hoảng-hốt ông vội chụp bắt bằng cả hai tay. Nhưng Liên hoảng-sợ hơn, phủi lia-lịa, không phải phủi kiến mà phủi tay quá bạo của Nho. Nho thấy rõ là đạo binh phòng vệ còn mạnh lắm, ông chưa tấn-công mà phản-ứng hoả-lực nó đã tỏ ra quyết-liệt vô cùng.°
° °
Hai ngày đã trôi qua. Đôi bên có thân-mật hơn lên, nhưng Nho cũng chưa bước thêm được bước quyết-định nào. Ông sốt ruột lắm, vì theo lẽ thì Hảo đã xong công việc và trở ra lúc nào không biết chừng. Nếu Hảo trở ra thì cái việc ngàn năm một thuở không bao giờ tái-hiện nữa được. Không bao giờ gần-gũi song đôi với Liên một lần thứ nhì nữa, mà Liên lại sẽ sực tỉnh một khi Hảo có mặt,và đạo binh phòng-vệ hiện đang mệt-mỏi sẽ được lịnh hăng-hái thêm ra.Từ hôm ra đây tới nay, nhà nầy chưa ăn hải-vị lần nào cả, trừ cá biển ra. Hôm nay, Nho quyết liều ăn một bữa cho đỡ thèm. Và cái người dễ nhiểm độc là Hảo, không có ở đó, thì chắc sẽ không mang hại bao nhiêu. Hảo hễ ăn hải-vị là bị nổi mề-đai, còn ông thì chỉ đau bụng xoàng thôi. Cơ-thể của Liên sẽ phản-ứng ra sao, âu cũng là một dịp để biết thử.Bữa ăn trưa hôm ấy, hai người bỏ cơm mà ăn rất nhiều con vòm. Con vòm ngon đến đỗi mang tục danh thô tục là “… tiên”. Họ ăn lấy no. Nho có uống rượu mạnh cho ngon miệng thêm, còn Liên thì chỉ thêm chanh như ăn sò huyết.Đến chiều tối không chuyện gì lạ xảy ra cả. Họ đi tắm như thường và tối lại đi dạo mát dưới bóng trăng.Nho thấy cứ đi với nhau mà nói chuyện suông mãi cũng chẳng ích gì, nên tuyên-bố về nhà ngủ. Thật ra về nhà, ông chỉ nằm mà vật lộn với ý xằng và nỗi lo thất-bại.Những tiếng động bên ngoài không lọt vào tai ông được. Thành ra đến gần chín giờ rưỡi, ông mới nghe Liên đi lên đi xuống thang lầu. Tiềm-thức ông đã ý niệm những buớc đi đó. Bây giờ chợt ý-thức ra, ông mới sực nhớ rằng Liên đi như vậy từ khi mới về nhà đến giờ.Nho lắng tai nghe ngóng thì thấy Liên không ngớt đi. Lần đó Liên trở về buồng và ông đợi lâu quá mà không nghe nàng trở ra. Nho mở cửa ra đứng ngoài cu-loa thì nhận thấy có tiếng rên nho-nhỏ trong phòng Liên. Ông vội bước qua đó, hỏi lớn:- Gì đó Liên? Vô có được không?Hình như là Liên nói: “được” mà nói nhỏ quá. Nho nắm cái tay vặn, vặn khóa và bước vào. Liên nằm ôm gối mà rên hừ-hừ.- Gì đó em?- Ăn con vòm khi trưa, xem bộ không êm.- Đi ngoài mấy lần rồi?- Sáu lần.- Có gì khác nữa hay không?- Không anh à.Ý nghĩ đầu tiên của Nho là mời bảc-sĩ. Nhưng nghĩ lại thì không có gì đáng lo lắm, vả ông cũng không biết bác-sĩ ở đâu, nên trở về buồng mình mà lấy ống thuốc cầm.Đoạn ông trở qua phòng Liên rót nửa tách nước trà rồi trút ra hai viên thuốc.- Em uống cái nầy, một lát thì khỏi.Liên cắn răng ráng ngồi dậy, tiếp lấy thuốc và nước rồi uống từ viên một.- Đấp mền lại. Có gì nhiều thêm thì kêu anh ngay.- Dạ. Nho về phòng đợi già nửa tiếng đồng hồ mà không nghe Liên ra vào nữa. - Thuốc đã có công hiệu, ông lẩm-bẩm, rồi bước xuống giường để qua thăm lại con bịnh.- Liên ơi, vô có được không? Ông lại gọi cửa.- Anh cứ vô.Liên trùm mền mà còn run-rẩy, mặc dầu trời nóng bức.- Làm sao nữa đó em?- Em nghe lạnh, lạnh cả thân-thể, nhứt là bụng và tay chơn.- Hậu-chứng của một buổi đi ngoài. Không sao đâu để anh giúp em.Nho nhìn quanh-quất thì chú ý đến cái vỏ bình-tích đậy bằng chiếc nệm tròn. Ông bước lại lấy chiếc nệm con ấy, đứng suy-nghĩ giây lâu rồi à một tiếng vui mừng: trên bàn nước, đặt một cái rê-sô con. Nho đi đến bàn, gắn điện vào rồi cầm chiếc nệm mà hơ trên rê-sô. Ông trở qua trở lại vài bận cho nệm nóng đều rồi lui lại giường Liên vạch mí mền lên, đấp nệm nóng vào chơn nàng.Đang hơ chơn nầy thì chơn kia của Liên bị vọp bẻ. Nho phải buông nệm để bóp cho vọp tan. Suốt buổi cứu-cấp, Nho hành-động máy-móc như một nhà nghề, trời biết cho ông là không hề ông nghĩ qua điều xằng-bậy nào. Lo-lắng và tận-tâm đã giúp ông dẹp được tà-tâm qua một bên.Con bịnh vì mệt và khó-chịu nên cũng chẳng nghe gì lạ và nghĩ gì đến phải đục tâm.Sau nửa tiếng đồng-hồ hơ bóp, Liên đỡ nhiều lắm. Nàng nghe ấm lại như thường và biết nực-nội. Nàng nghĩ tới việc tốc mền ra, nhưng bây giờ không dám nữa. Qua khỏi cơn bịnh, nết e-ngại trở về, mà nết ấy là dấu hiệu của những ý-nghĩ không ngay vậy.°
° °
- Điện-tín nói gì?Nho không đáp, chỉ mỉm cười và lặng-lẽ trao bức dây thép cho Liên, Liên đọc: Công việc xong nhưng còn mệt stop. Vài hôn nữa mới ra.HẢOĐiện-văn không có gì khả nghi cả, thế mà Liên cũng ngồi suy-nghĩ một lúc lâu, cố tìm xem trong đó có ẩn một tiếng mỉa-mai nào hay chăng, hoặc có ló đuôi sự giả-dối nào hay không?Từ hôm mù-quáng buông rơi mình trong tay Nho, nàng đâm ra sợ-hãi tất cả, từ tiếng động nhỏ cho đến cái nhìn của chị bếp mà gia đình Nho đã dẫn theo.Nàng lo sợ Hảo trở ra, nhưng lại sót ruột mà thấy Hảo không ra.Từ hôm đó, nàng soát lại tất cả những gì đã xảy ra từ ngày nàng lên chơi Sàigòn và có cảm-giác rằng Hảo đã sắp đặt công việc để đưa nàng vào vực thẩm.Cảm-giác ấy khiến nàng thấy bức điện-tín nầy cũng thuộc vào chương-trình của Hảo nữa.Nhưng Hảo làm như vậy với mục-đích gì? Đó là câu hỏi mà nàng đáp không được, vì không biết bí mật gia-đình của người ta. Nhờ đáp không được, nên nàng tạm cho lo sợ của mình là vô-lý và tạm an-lòng được.Bức điện-tín ấy quả thuộc vào kế-hoạch của Hảo, Hảo định Nho quá lo sợ thiếu thời-giờ rồi vội vàng mà hỏng việc, và Liên cũng vì nỗi lo sợ ấy mà phòng-thủ gắt gao thêm.Sau phút điên cuồng ấy, Liên đã khóc nức-nở một tiếng đồng-hồ. Gái thơ thường điên và không đủ lý-trí để ý-thức rằng mình điên. Còn gái lỡ-thời già-dặn rồi nên khó điên lắm, mà lỡ điên xong là thấy ngay và hối-hận vô-cùng. Mối tình ngang trái nầy thật không đưa đến đâu cả. Liên thấy rõ như vậy. Người ta có thể hư thân mà không bí ngõ, và giải-pháp tệ-lậu nào cũng giúp người ta thoát được một cách sạch-sẽ cả. Phần nàng, lâm vào tuyệt đạo, khó lui, mà tới cũng không có đường.Nho luôn-luôn ở một bên nàng để an-ủi, thề thốt sẽ bảo-vệ nàng đến cùng và lo châu-dáo cho tương-lai của nàng. Nhưng nàng không thể nào tín-nhiệm được nơi lời bảo-đảm cổ-điển: “Trăm ngàn cũng cứ trông vào một ta”.Nàng yêu hay không? Có, nàng đã yêu Nho, yêu với cả tấm lòng nàng nên không đưa điều-kiện gì trước lúc sẩy vời, và cũng chẳng trách móc gì sau đó. Nàng chỉ khóc thôi, khóc số phận mình mà chỗ tới thật là bấp-bênh mờ-mịt. Vì thế trăng mật của họ lu mờ như trăng mùa mưa dầm; những phút vui-vẻ thơ-mộng thật là ngắn-ngủi và rồi băn-khoăn lại đến tô sầu lên mặt, lên lòng Liên, và lệ của Liên lại xóa mờ thời-gian thần-tiên của Nho. Lại còn người thứ ba cứ luôn luôn hâm dọa bằng sự có mặt sắp tới của nó:Ba hôm nữa sẽ ra.HẢOĐó là bức điện-tín thứ nhì mà họ tiếp được. Nhưng lại có bức điện-tín thứ ba:Bốn hôm nữa mới ra được.HẢOMục-đích đoán chừng đã đạt, Hảo đâm ghen, phá đám chơi cho bỏ ghét. Những bức dây thép ấy làm cho họ phải đếm từng giờ suốt mấy ngày hạnh-phúc của họ.Nếu Hảo nói bảy hôm nữa sẽ ra là họ có thể ung-dung trong ít lắm năm ngày để sung-sướng. Đàng nầy bà chia hai cái thời-gian một tuần lễ ấy ra, thế là mỗi đoạn còn rất ngắn, họ phải chừa lại nhiều ngày lo-lắng hơn, như ta hút thuốc vấn vậy: cũng thời hai khối thuốc bằng nhau mà khối nầy vấn thành một điếu dài, khối kia vấn thành nhiều điếu ngắn thì bên khối những điếu ngắn phải bỏ tàn nhiều hơn.Sau vài hôm không thiết gì cả, Liên hay hỏi Nho câu hỏi cổ-điển nầy mà cô gái nào cũng hỏi nhơn tình cả:- Rồi làm sao anh.Câu hỏi tắt ấy nghĩa rõ là như thế nầy: Rồi về sau tương-lai mối tình ta sẽ ra sao? Hoặc: Nếu chị ấy hay được thì làm sao? Hay là: Biết cha mẹ anh có bằng lòng cho phép anh cưới em không?Đối với người khác, Nho chỉ cười hề-hề rồi đáp một cách rất lãng-mạn:- Ối, yêu nhau thì cứ yêu, nghĩ đến ngày sau làm gì cho mất vui. Yêu nhau một ngày đắm-đuối, không bận âu-lo còn thích hơn là yêu nhau ngàn ngày trong một giải-pháp lưng- chừng, không thoả-mãn ai cả.Nhưng đối với Liên ông không thể lẫn trốn như vậy được. Liên thuộc vào hạng người chỉ yêu một lần thôi và bám níu vào tình yêu ấy mãi.Nhưng lẫn trốn làm chi ? Nho đã làm một công mà hai việc: ngoại tình để thỏa thú tính buông cương của đờn-ông và tìm một phụ-nữ hẳn hòi để kiếm con. Như thế ông cần tính chuyện lâu-dài với người phụ-nữ nầy, để có con với người ta, và có con xong, ở đời với người ta vì đứa con ấy.- Em là vợ của anh, Nho đáp. Không phải vợ bé đâu vì em khỏi ra mặt để được ai nhìn nhận cả. Em sẽ lập riêng một gia-đình, nhà em, em ở. - Nhưng chị ấy...- Đã bảo nhà em, em ở thì chị ấy làm gì được em.- Em không sợ chị ấy làm gì em, nhưng ngại chỉ rầu buồn, còn em thì mang tiếng giựt chồng của người ta, tệ hơn nữa của một người cô họ.- Em khỏi lo. Nó không làm sao biết được đâu.Đến ngày thứ bảy quả nhiên Hảo trở ra, y theo lời hẹn trong dây thép.Nho đã trường-trải trong sự phản bội nên không khó chịu chút nào lúc gặp lại vợ.Trái lại Liên xẻn-lẻn, trông thấy là biết ngay có chuyện gì bất-chánh xảy ra.Suốt tuần nay, nàng cố tập một bộ mặt thản-nhiên, nếu mừng-rỡ được càng tốt, để tiếp Hảo, và chuẩn-bị sẵn vài câu hỏi đáp cho tự nhiên và xuôi rót. Nhưng khi thấy mặt Hảo, nàng hoảng-sợ như tội của nàng lộ ra trên mặt nàng bằng những chữ viết to. Câu hỏi chào mừng mà nàng sắp đặt, đã trốn đâu mất. Mà câu đáp cũng chẳng dùng được tuốt vì Hảo hỏi một câu bất ngờ:- Có chuyện gì lạ hay không?À, sao chị ta lại hỏi lạ thế? Chị ta đoán biết có gì lạ à? Liên ú-ớ mãi mà không đáp đuợc, khiển Hảo cười dòn lên mà rằng:- Con nầy sao mà như ốc mượn hồn!Lời ấy lại khiến nàng giựt nẩy mình. Nàng là ốc mượn hồn thật đó, xác như như thế mà hồn đã khác rồi, một cái hồn băn-khoăn sợ-sệt, và hối-hận vô-cùng.Nhưng sao Hảo lại biết tâm-trạng của nàng được? Cái cười của Hảo sao mà nghe mỉa-mai quá lẽ, như chế-nhạo, hâm-he nàng. Cũng may là Nho đánh trống lấp bằng môt câu chuyện ngộ-nghĩnh nên Liên đỡ xẻn lẻn được và được bình-tĩnh lần ra; Nho nói:- Liên nó bảo thành-ngữ “ốc mượn hồn” là sai, từ hôm nó bắt được một con ốc thứ đó. Nó nói phải kêu là “sâu mượn xác” mới đúng.Mùa nực còn dài. Dân tắm biển không ngớt ra thêm, nhưng Hảo đến được hai hôm thì tuyên bố hạ màn nghỉ mát.Trận đánh đã có kết-quả thì chiến-trường mà bà đã chọn không còn cần ích nữa. Chẳng những thế, nó lại có hại; bà phải gai mắt ngày một thì còn gì là bộ thần-kinh của bà. Thà là họ yêu nhau ở đâu, khuất mắt bà thì thôi chớ bẹo-bẹo ra đó ai mà chịu cho thấu. Lẽ thứ nhì là sự có mặt luôn-luôn của bà ngăn trở sự gặp-gỡ lén lút của họ. Nho không nói dối được là vi công việc, để đi vắng nhà.Hảo muốn mối tình nầy cho thật chóng kết-quả. Kết-quả mà đến chậm thì bà sẽ khổ lâu.Nếu Nho không làm lỗi gì, Nho đã phản-đối: ông nghỉ chưa thật khỏe, mà bạn-hữu trong giới ông ta không còn ai ở Sàigòn cả thì về đó làm gì.Nhưng từ đây, bà nội-trợ kia đã biến thành một bà chúa, không thể mích lòng bà ta đưọc. Vả lại về Sàigòn, tuy thế mà lại thích hơn vì có dịp gần Liên. Vậy hôm sau là họ cơm ghe bè bạn trở lại thủ-đô. Liên ở đó không quá hai ngày thì xin về. Lần đầu-tiên, nàng vắng nhà lâu quá, nên vội về là tự-nhiên.Tiễn Liên ra bến xe, Hảo cảm-giác là đang mất con mồi. Từ đây Liên sẽ không bao giờ đến nữa. Nàng sẽ đi Sàigòn thường lắm, nhưng lại để gặp Nho nơi khác và cố tránh cái nhà kiêng-kỵ nầy.Giai đoạn thứ nhì của kế-hoạch mới khó thực-hành làm sao. Gạt Liên và Nho vào tròng thì dễ mà giữ Liên thì khó. Phải, bà phải cầm lấy Liên trong tay mới mong chụp được đứa con tương-lai mà bà sẽ nuôi làm con. Đứa con ấy vừa có đủ tình máu mủ để bà thương, bà quí nó, lại vừa không bị một bà mẹ đòi lại lôi-thôi gì, vì Liên chắc phải sợ xấu-hổ, lén-lút mà đẻ, rồi lìa con càng sớm càng hay.Nho lại khỏi thắc-mắc vì mẹ của đứa bé không thuộc giống tốt, lý-lẽ mà ông ta đã đưa ra để từ-chối việc nuôi con nuôi.