Samandji

     ến hai tháng nay, tôi không gặp Samandji. Đó là một chú lính da đen ở đạo quân Thuộc địa thứ chín: một con bò mộng nuôi chờ ngày mổ thịt. Anh ta trông dữ tợn vì hai con mắt trắng dã trên màu da mun, song bản tính thực hiền lành, chất phác.
Sở dĩ tôi thích Samandji, vì hắn là người ngoại quốc, vả lại hắn phục tôi là giống văn minh hơn, cũng như tôi kính phục người Nhật Bản. Bởi thế, thỉnh thoảng tôi trịch thượng, lên mặt đàn anh, sai bảo anh ta chẳng khác một kẻ bộ hạ trung thành.
Đến hai tháng nay, tôi không thấy Chủ nhật anh ta đến chơi tôi nữa.
Rồi hôm qua, trong khi đi dán mũi vào ở cửa kính các hiệu, tôi thấy bị một bàn tay sắt vỗ sụn cả vai.
Tôi quay lại: rành rành Samandji bằng xương, bằng thịt hẳn hoi. Ngạc nhiên, tôi trố mắt nhìn anh ta mà hỏi:
- Anh ở lỗ nào chui ra đấy?
- Ở Thượng Hải về. Vất vả quá!
- Làm gì bên ấy?
Anh ta nghểnh cao người lên, vênh mặt mà trả lời:
- Dẹp giặc!
- Ấy chết! nguy hiểm thế à? May mà không bỏ mạng đấy.
Câu nói của tôi như có hiệu lực gì vào tâm hồn anh, mà anh ta tỏ ra vẻ ngạc nhiên trong cái lòng trắng mắt:
- Sao anh hèn thế? Chết về nước mà anh sợ à? Chả trách anh không dám đi lính.
Tôi cố làm ra cách thẹn vì câu nói ít can đảm của mình, không muốn làm nhầu mất tấm lòng ái quốc của anh ấy.
- Lại sắp đi tu rượu hẳn?
Tôi vội lảng sang chuyện khác như thế. Anh đáp:
- Không, về nhà tôi.
- Anh có nhà đấy à? Diện nhỉ!
- Tôi mới thuê một cái gác xinh lắm, ở gần đây.
- Một mình anh, làm gì hoang thế?
- Không...
Tôi hiểu ý, cười, anh ta cũng nhếch mép cười theo: một cái chớp loáng trong đêm hôm ba mươi!
Một chốc, tôi đã ngồi bên cái bàn ăn phủ khăn trắng.
Samandji đi rót rượu cho tôi uống.
- Đâu? Còn ai nữa đâu?
Tôi hỏi nửa đùa nửa thật, biết câu ấy đối với An Nam mình thì khiếm nhã, song đối với anh ta, chỉ là câu chuyện thường.
- Nó còn đương bảo đun nước trong bếp.
Ngay lúc đó, tôi thấy tiếng dép lẹp kẹp sau lưng tôi, rồi tiếng reo:
- Đã về đấy mình?
Theo sau một câu nhỏ hơn:
- Ai thế?
- Bạn thân tôi. Chào ông ấy đi.
Tôi vội ngoảnh lại: một người đàn bà rộng khổ, cũng mồm đỏ, cũng đít cong, cúi đầu chào tôi.
Tôi lúng túng không biết dùng tiếng gì trả lời, may thay hai vợ chòng anh ta bá cổ hôn nhau, làm lấp cả tiếng ầm ừ của tôi đáp lại.
Trông cảnh tưọng hai cây thịt ôm chặt lấy nhau mà bất giác tôi nghĩ tới cuộc thế giới hòa bình, cuộc tương thân, tương ái của các màu da.
Song tôi lại quên không hiểu cái nguyên nhân sự thương yêu đó ở đâu mà ra, mà nồng nàn đến thế.
Vợ Samandji trông có vẻ lắm. Chằng hiểu cạo lượt nước hàng ở mặt đi, thì còn trơ ra màu gì, chứ ngay lúc đó, đứng bên một cái cột nhà cháy, thì chị ta cũng còn được chút mỹ thuật.
Mỹ thuật nhất là cái ngực đầy như cái ví của nhà tư bản, như cái óc của ông Nghị trước ngày họp hội đồng.
Song đó chẳng phải là cái chỗ tôi kính phục chị.
Tôi không ngờ một người đàn bà ở cái sọt ấy, mà chiều chồng khéo đến thế.
Chị ta ngồi đối diện với Samandji, con mắt đưa tình, miệng cười chúm chím.
Tôi thì cứ trố mắt nhìn tấn hoạt tượng đó, trong lòng nôn nao; cũng một cảnh gia đình “sống để mà yêu” đó.
Bàn tay nhẫy những thịt, nhanh nhẹn rót rượu cho chồng, cho khách, cho mình.
Ông bạn đen của tôi chừng như khoái chí lắm, uống mãi, rồi kể chuyện, nào khi ra trận, nào lúc nằm hầm, nào tiến, nào lui, vào sinh ra tử. Giọng nói có vẻ tự nhiên, yên phận.
Còn cô vợ, lúc dún vai, khi rụt cổ, bĩu môi, dẩu mỏ, cũng có vẻ tự nhiên của một người thập thành.
Song, tôi lấy làm lạ một điều, là khóe thu ba không khi nào đánh ngang sang chỗ tôi, chỉ chăm chú vào cặp môi dầy diễu võ giương oai. Tôi đương cảm phục tấm ái tình chân thật của chị ta, thì bỗng nhiên tôi giật mình: trên bàn chân tôi có vật gì đè xuống. Tôi tưởng Samandji cao hứng, sắp đưa cả gót giầy vào ống cẳng tôi, tôi vội vàng rụt lại.
Chẳng bao lâu, tôi lại thấy cái cảm giác ấy nữa. Lần này tôi không tưởng nữa, vì chính là bàn chân nóng hôi hổi đụng vào chân tôi. Tôi co cẳng lại. Cái bàn chân đuổi theo tôi, tôi lại chạy. Trong gầm bàn, nấp dưới chiếc khăn trắng bỏ xõa, thực là một cuộc bắt cóc của hai bàn chân.
Một lúc, bí thế, tôi đành để yên.
Samandji vẫn chuyện, tôi vẫn nghe, cái mồm đỏ vẫn cử động, mà bàn chân tôi đành chịu ngồi tù.
Thỉnh thoảng vợ Samandji lại ru ngủ chồng bằng những cái vỗ vai, những cái phủi bụi áo: âu yếm nhau ghê!
Một phút. Hai phút...
Lần này thực là nguy. Hai cái ống cẳng đầy những thịt, nóng hôi hổi gác lên đầu gối tôi, rồi tôi thấy mấy đầu ngón chân nghi ngoáy trên đùi tôi.
- Trận đánh này kịch liệt hơn trận trước. Hôm ấy trời mưa tuyết...
Samandji vẫn mê lên về kể chuyện, vì anh vẫn tưởng vợ anh và tôi mê lên về nghe chuyện.
Quả tim tôi đập đến vỡ ra mất, mà thần trí tôi thì rối loạn.
Đã vậy, tôi vẫn phải cười gượng với bạn, nhưng cái cười vàng như miếng nghệ, tay thì nhấc lên, bỏ xuống cái cốc hãy còn đầy những rượu men nồng.
Samandji càng uống lại càng nói, càng nói, tôi lại càng thấy đầu gối bị đè chặt, tê cả bắp đùi.
Bỗng anh ta ngắt câu chuyện, lườm tôi mà bảo rằng:
- Anh không tốt.
Ấy chết! Nguy to rồi. Cái này có lẽ hắn biết mà hắn cho một quả tống thì còn gì là mũi! Hàng tóc gáy của tôi rợn lên cả một lượt.
Tôi ứ cổ mà hỏi:
- Tôi không tốt? Anh say à?
- Không! Tôi không say. Cả vợ tôi cũng không tốt.
Nhanh như điện, hai ống cẳng đầy thịt biến mất: đầu gối tôi được tự do.
- Thế nào không tốt, mình?
Mặt chị vợ cơ chừng cũng tái mét trong lần phấn, vì tôi nghe thấy giọng nói hơi run.
Tôi tưởng tượng như bị nhốt trong một cái chuồng hổ, hay nguy hiểm hơn, bị nhét vào một hội quán nào để bắt nghe diễn thuyết.
Hai chúng tôi như hai tên tội phạm sắp đến lúc tuyên án tử hình.
Mặt tôi cố tỏ ra vẻ ngạc nhiên, cái mồm đỏ cũng cố đẻ ra một nụ cười héo hắt.
Một chốc, Samandji lè nhè lên giọng:
- Anh đừng có giấu tôi nữa, tôi hiểu cả rồi...
- Anh hiểu cả cái gì? Tôi làm gì anh?
- Anh đừng có giấu tôi nữa, cũng như tôi không giấu vợ tôi, tôi thường bảo nó rằng: “Khi tao về thì mày hôn tao, mà khi tao vào trại, thì ban ngày, mày đi đánh chắn, ban đêm mày ngủ với người khác, mày không tốt”. Có thế mà nó không chừa. Tôi cũng chán, không muốn bảo nó nữa. Thôi mặc nó. Tôi nghe nói anh sắp lấy vợ, mà anh không cho tôi biết, không hỏi tôi. Đừng lấy nữa. Mình chẳng thể tin được nó. Nếu anh có vợ, anh không tốt.
Tôi nhảy một bước dài từ cái ngạc nhiên nọ sang cái ngạc nhiên kia. Nào ngờ đâu tôi chỉ phải nghe cái bản án gọn lỏn mà bình thường có như thế.
- Anh Samandji, tôi khen anh đấy, ở với vợ trung thành và có độ lượng.
- Anh tính tôi làm thế nào? Đứa nào cũng vậy, thì thà im đi còn hơn, bảo nó, nó chẳng nghe thì thôi.
Nói xong, Samandji cười. Tôi cũng cười. Đến chị vợ cũng cười. Ba cái cười tự nhiên không có vẻ ngượng nghịu.