Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo

     hưa các ngài, tôi xin giới thiệu với các ngài là đã một phen tôi làm chủ báo! Cái vinh dự ấy, tôi không ngờ ngẫu nhiên lại có, bởi vì tôi tự biết sức học như tôi, còn xách dép cho những hạng viết báo mà các ngài cho là “tàng” bây giờ.
Nguyên khi tôi mới được hưởng cái gia tài năm ngàn đồng của cha tôi để lại, thì tôi ly dị ngay cái ghế lớp năm thứ nhất của một trường tư tại Hà thành.
Tôi về nhà quê ở, cũng rắp xếp bút nghiên theo thú điền viên, mơ mộng muốn được như các cụ ta ngày xưa, hưởng sự thanh nhàn mà ngâm hoa vịnh nguyệt. Song vì mình mới tuổi vào hạng cậu, nên những thơ văn tôi làm - nói vô phép các ngài - nó “khẳn” lắm! Nhưng khốn nỗi ở đời giá mình “khẳn” mà tự biết là “khẳn" thì còn làm gì có những hạng “bò sữa” như tôi! Ngày ấy, tôi tự đắc là thơ văn mới tập mà đã nảy tài, nên rất sính làm, mà động làm xong bài tuyệt tác nào - bởi vì bài nào tôi cũng cho là tuyệt tác - thì gởi ngay lên báo Đời Nay, là báo tôi mua năm, khẩn khoản nhờ ông chủ báo đăng cho. Được báo đăng, tôi càng tưởng tôi là thi sĩ đến nơi rồi, không ngày nào không đẻ ra được một bài tuyệt tác!
Tôi đang tưởng tượng tôi là một tay tai mắt trong làng thơ, mà cả nước không lạ gì tên và biệt hiệu, thì tình cờ một hôm tôi tiếp được một bức thư, mà vì bức thư ấy, tôi càng phóng đại cái giá trị của tôi già!
Cái phong bì đề tên tôi, trên có in hiệu tòa báo Đời Nay. Tôi tuy ngạc nhiên nhưng mừng quýnh, vội bóc ra coi.
Hà Nội, ngày 18 Avril 1928
Thưa tiên sinh,
Lâu nay, tiên sinh quá yêu bản báo mà thường có cho đăng những bài nhả ngọc phun châu, bản báo lấy làm thâm tạ cái thịnh tình ấy lắm.
Vậy muốn đáp lại tấm lòng quý hóa, bản báo chủ nhiệm định đến Chủ nhật này thì thân hành đến quý thự, để được hội kiến và hầu chuyện tiên sinh.
Nếu tiên sinh có bận gì, xin cho bản báo biết trước.
Kính chúc tiên sinh cùng quý quyển vạn an.
Ký tên.
Ồ! Ra tôi danh giá thế kia đấy! Thì ra ba chữ tên Lê Hùng Dũng của tôi cũng to lắm chứ nào có vừa đâu! Tiên sinh ư! Nhả ngọc phun châu ư! Thâm tạ ư! Thịnh tình ư! Tấm lòng quý hóa ư! Bản báo chủ nhiệm thân hành đến quý thự để hầu chuyện tiên sinh ư! Trời ơi! Tôi đến chết ngạt về sung sướng mất! Hãy hỏi ngay các ngài đây, các ngài thỉnh thoảng có đăng một vài bài lên báo, các ngài đã được cái hạnh phúc như tôi chưa? Tôi gọi hạnh phúc là đáng lắm, vì ngờ đâu một cậu học trò mới bỏ học, đã được một ông chủ nhiệm một tờ báo lớn quá yêu tìm đến tận nhà mà “hầu chuyện”. Hẳn là chưa. Vậy tất tôi có cái gì đặc biệt hơn các ngài, các ngài phải chịu câu nói ấy trước đã mới được. Không chịu nhau, nghe sao được chuyện của nhau.
Cho nên tôi bắt dọn dẹp nhà cửa, đường đi và vườn ao thật sạch sẽ ngay từ mấy hôm trước, để
khỏi phụ lòng hạ cố của vị quý nhân. Đến hôm Chủ nhật ấy, giá ai các ngay một cái gia tài năm ngàn nữa để nhờ tôi đi vắng, thì tôi cũng lắc đầu từ chối, bởi vì con người ta, chắc các ngài cũng hiểu thế, đủ lợi rồi thì phải thèm danh. Ấy, ông Hàn, ông Nghị cũng chui ở lỗ ấy mà ra cả.
Ông chủ nhiệm tử tế lắm. Tuy tôi ít tuổi hơn ông, nhưng không câu nào ông không dùng chữ tiên sinh mà gọi tôi. Khoa ngôn ngữ của ông thực là giỏi, giỏi đến nỗi lúc ông về, tôi đâm mê ông và nhớ ông.
Ông khen tôi thơ văn được công chúng rất hoan nghênh, đến nỗi nhiều độc giả phải viết thư về tòa báo hết lời ca tụng. Ừ, mà ông ấy nói có lý lắm. Chính tôi cũng tự biết là thơ văn của tôi bài nào cũng tuyệt tác; một đôi khi, tôi thấy nhiều câu còn đặc sắc bằng mấy thơ các cụ Yên Đổ, Tú Xương.
- Tiên sinh phải ra làm báo mới được, ông chủ nhiệm nói thế, nếu cứ ở nhà quê mãi, thì cái đại tài đến mai một đi mất!
Tôi cảm động, thở dài, ông ta lại nói tiếp:
- Tiên sinh phải để cái sự nghiệp về sau! Ở đời không nên tự túc. Ngay như tôi, nếu tôi tự túc, thì cứ việc ăn no ngủ kỹ như tiên sinh, còn ra làm báo làm gì cho nhọc xác. Khốn nỗi quốc dân mình ngu lắm; nếu bọn mình là hạng thượng lưu trí thức, mà không xuất đầu lộ diện để đưa đường chỉ nẻo cho họ, thì không đành lòng. Tiên sinh nghĩ sao?
- Ngài nói chí phải!
- Tôi mà được tiên sinh cộng tác, thì tôi thật là toại nguyện!
Tôi sung sướng hỏi:
- Ngài muốn dùng tôi?
- Không, tiên sinh cộng tác cùng tôi; nghĩa là anh em ta cùng đem hết tài lực vào để khuếch trương tờ báo cho ngày được hoàn toàn. Tôi vẫn bàn với anh em trên Hà Nội, mà chính ra họ cũng đồng ý với tôi cả, là giá mời được tiên sinh ra chuyến này, thì chỉ trong nửa tháng, các báo khác đến đổ hết!
Ồ! Quái! Ra không những tôi giỏi văn, lại kiêm cả giỏi võ! Không trách họ bảo một bài thơ có thể hàng được quân giặc, thì hay đâu, thơ văn tôi cũng có sức khỏe lạ thường đến như thế?
- Một mình tôi chủ trương một tờ báo lớn mỗi ngày xuất bản ngót vạn số, tôi thấy bất lực, tiên sinh ạ. Cho nên mục đích tôi về đây hôm nay, là để mời tiên sinh ra làm báo với tôi. Tiên sinh nghĩ sao?
- Ngài nói vậy, chúng tôi cảm tạ; còn như có làm hay không, tôi không dám nói trước, bởi vì trên còn cụ tôi, tôi phải hỏi ý kiến.
Ông chủ nhiệm bĩu môi, cười, và vỗ vai tôi:
- Ồ! Tiên sinh cẩn thận quá! Tiên sinh đã có địa vị, thì công việc của tiên sinh các cụ làm gì mà can thiệp vào nữa. Nghĩa là tiên sinh chỉ cần nói cho các cụ biết rằng bây giờ tiên sinh định làm thế ấy, làm thế nọ, chứ các cụ có phép nào cấm! Tiên sinh nghĩ tôi nói có phải không?
- Vâng, ngài nói chí phải!
- Ở đời không nên để lỡ cơ hội. Mà tôi thấy nhiều tờ báo, họ viết không sao ngửi được, thế mà bán chạy, có tức không! Thực, họ làm học trò mình không đáng, thế mà thỉnh thoảng họ lại dám nói hỗn cả với mình. Rồi biết đâu, những bài thơ văn tuyệt tác của tiên sinh mà cả quốc dân hoan nghênh, họ không vì dốt hoặc vì không hiểu mà đem ra bẻ một cách vô lý.
Bẻ thơ tôi! À, liệu hồn tờ báo nào đấy nhé! Phen này mà tôi ra thật, thì lại không đóng cửa sớm à!
- Thế thì tức lắm nhỉ!
- Vâng, tiên sinh phải biết quốc dân ta không có định kiến, thật đúng như đàn cừu. Báo khen ai, là họ phục người ấy; báo nhè ai ra công kích, thì giá trị to đến đâu cũng phải tiêu!
Tôi lại hiểu thêm một tí về tâm lý quần chúng.
- Vâng, ngài nói chí phải!
- Cho nên tiên sinh không ra chuyến này không xong. Tiên sinh đừng để cho độc giả phải thất vọng. Làm báo bây giờ, những hạng có học, có tài, như tiên sinh thực là hiếm có lắm. Cho nên tôi dám đoan trước với tiên sinh rằng tiên sinh chỉ làm trong ít lâu, thì báo Đời Nay hẳn mỗi ngày phải in đến hai vạn số! Chúng tôi mong tiên sinh lắm.

*

Muốn cho các ông ấy khỏi mong, và độc giả khỏi thất vọng, tôi bèn ton ton xách va-li lên ngay Hà Nội để làm báo Đời Nay. Ngay hôm tôi nhận việc, trên lá nhãn tờ báo ấy, đã thấy in ba chữ tên tôi, dưới cái chức “Phó chủ nhiệm”, là cái chức giá trị thứ hai trong tòa báo, rất xứng với món tiền bốn ngàn tôi vừa bỏ vào két ông Chánh chủ nhiệm.
Làm phó chủ nhiệm, thực dễ như ăn gỏi. Ngày diện quần áo tây rõ ngất, đeo cặp kính trắng không cận thị mà cũng không viễn thị, hai buổi cắp cái cặp da, trong đựng ít giấy má từ đời nào, không can hệ lắm đến việc báo, mở cửa vào nhà, qua tòa soạn, bắt tay hết ông chủ bút đến các ông trợ bút, rồi sang buồng ông chủ nhiệm, hút thuốc lá, chán chê rồi mới về bàn giấy, mở cửa sổ toang ra, ngồi tễu huýt còi, nhìn phong cảnh, thì còn gì khoái bằng!
Mà nói chuyện với những tay làm báo, cũng sướng thật. Không bao giờ họ làm mình thất vọng về cái tài cái đức của mình, đến nỗi một suýt nữa, giá đủ tuổi rồi, thì tôi ra ứng cử cả nghị viên! Tôi thấy tôi lịch duyệt hơn trước nhiều lắm. Này nhé, buổi tối thì đi học khôn ở dưới xóm cô đầu, ban ngày thì được xem hết cả các nhật trình, mà tờ nào, cũng ít ra là có một cái tiểu thuyết, dăm ba cái vẽ buồn cười, hoặc bài hài đàm giải trí. Những bài khác, tôi không thích xem, vì nó lạt như nước ốc. Thỉnh thoảng ngồi rỗi, thì sang tòa soạn, được nghe chuyện Hitler, Mussolini, nghe chuyện Nhật-Nga sừng sộ, nghe chuyện cô đầu Huệ sắp bỏ nhân tình đi lấy chồng. Khi nào cao hứng, thì tôi mới phải xùy dăm ba bài thơ, nhưng những thơ ấy, tuy tòa soạn bắt buộc phải đăng, song chỉ để dành những lúc tờ báo bị trống chỗ.
Được ba tháng an nhàn như thế, một hôm, ông chánh chủ nhiệm, bạn thân tôi, đến bàn giấy, hỏi tôi rằng:
- Này bác, bác còn tiền không?
- Còn để làm gì?
Ông ta lắc đầu, buồn bã nói:
- Nguy lắm, tình hình báo nguy lắm, bác ạ!
- Thế là tại làm sao?
- Khỉ quá, mình viết văn hay, nhưng báo “đếch” chạy!
Tôi an ủi:
- Thôi, ngót vạn số, bác còn muốn gì hơn?
- Nhưng không đủ chi tiêu. Bây giờ tôi nói thực. Tôi hết tiền rồi, có lẽ đến hết tháng này, báo phải đình bản!
Tôi kinh hãi, hỏi:
- Sao đến nỗi thế?
- Độ này báo không bán được! Tôi định nhường hẳn tờ báo này cho bác, vì tôi có việc phải đi Nam Kỳ!
Tôi ngậm ngùi, vơ vẩn nghĩ. Bạn tôi nói:
- Bác cứ đứng chủ trương một mình xem sao. Báo Đời Nay vẫn có cơ tiến lắm, nhưng không rõ lâu nay vì cái gì, đương chạy ngót vạn số mà tự nhiên sụt hẳn đi mất bảy nghìn. Mới biết quốc dân mình là ngu!
- Bác đừng giấu tôi. Bây giờ báo mỗi ngày in ra bao nhiêu?
- Hai nghìn tờ, nhưng ế mất đến năm trăm!
Tôi trợn mắt, nói:
- Nếu bác thôi, thì tôi làm một mình sao được, tôi chưa quen việc, vì từ ngày làm báo, tôi tin ở bác, tôi có biết tí nào đâu.
- Không, bác cứ làm, tự khắc quen; bác phải mạnh bạo hết sức đi, mới có thể lấy lại được món tiền bác bỏ vào cho tòa báo.
- Thế hiện trong “két” còn bao nhiêu?
- Tháng này còn nợ lại nhà in mất gần nghìn bạc.
- Vậy bốn nghìn của tôi hết cả?
- Phải, nguyên trước đã nợ về tiền in nhiều ít, nhưng bác đừng thất vọng vội. Ta phải làm, ta phải theo đuổi mục đích ta đến kỳ cùng.
Tôi thở dài, động lòng thương đến gia tài của cha...
- Bác không nên buồn. Chính tôi đã bỏ vào đây ngót một vạn, nhưng tôi cũng không tiếc, vì đã làm được việc công ích. Bác cứ thu xếp được độ hai ngàn nữa, thì công việc lại êm thấm như cũ ngay.
- Tôi không còn tiền nữa, bác ạ! Tôi chỉ có năm ngàn, bỏ vào tòa báo bốn ngàn, còn ngót ngàn ăn tiêu xa xỉ từ ngày lên Hà Nội tới nay, cũng chả còn mấy...
- Bác về xin bà cụ, thiếu gì!
- Cụ tôi không có đâu.
- Thế thì đi vay vậy, đã đâm lao thì phải theo lao, chứ chịu để dở chừng à! Bác thì hỏi đâu chả được dăm ngàn, chả có thì về mượn văn tự nhà, văn tự ruộng của ông Ấm cũng được.
Tôi ngẫm nghĩ; đêm hôm ấy về, rớt nước mắt.

*

Từ đầu tháng sau, chức phó chủ nhiệm bãi đi, vì ông chánh chủ nhiệm cũ từ chức, mà tôi thì thăng lên làm chủ nhiệm. Tôi được thăng chức là tự tôi đảm nhận cáng đáng lấy tờ báo, tức là tôi đền công tôi vừa thò tay vào ký cái văn tự vay hai ngàn.
Bỏ tiền ra thì xót ruột, nhưng cái lá nhãn tờ báo ngày nào cũng an ủi tôi. Ngắm cái chỗ đề tên chủ nhiệm, nó hay hay, nó thinh thích. Thôi thì cũng hả lòng; mấy ai đã đủ tư cách đứng đầu một cơ quan ngôn luận!
Tôi xem xét sổ sách, và coi sóc các việc trong tờ báo. Nửa tháng đầu, tôi đã thấy thất vọng quá. Báo ế đã làm cho tôi nản lòng, mà bạn hữu ở ngoài họ càng kêu tệ. Các bố chủ bút và trợ bút thì cứ ngồi ăn hại để đánh cắp bài, hoặc phóng tin ở các báo khác; vậy mà các bố vẫn tự đắc, mà tán dương những tác phám “bã mía” ấy, hình như họ có ý bịp hết, cho tôi là ngu xuẩn dễ lừa, hoặc cho tôi là thằng ưa nịnh. Có một giọng nói mà cứ nói mãi, thì đến người ngốc còn hiểu tâm lý họ, huống là tôi; dù có dễ lừa, dù có ưa nịnh, thì trước kia, chứ nay đã gần gụi họ ngót nửa năm trời thì làm gì mà không “lật tẩy” được họ! Tôi chán quá!
Nhưng một hôm, tôi thấy tình thế báo nguy ngập quá, không thể đứng vững trong vòng nửa tháng nữa, tôi định cho tờ báo chết quách đi để đỡ bận thân. Tôi nghĩ lại cái thân thế chủ báo của tôi, tôi nhớ đến bạn cũ, là ông chủ nhiệm cũ tờ Đời Nay, tôi oán ông ta, tự nhiên làm tôi đeo công mắc nợ.
Nhưng mà lối xoay xu người trước đã vạch sẵn, tôi tội gì không theo? Nguyên ít lâu nay, báo Đời Nay mới có một ông bạn lai cảo, là chủ đồn điền trên Phú Thọ. Tôi nhớ lại những thư ông ta viết lên tòa báo khẩn khoản xin bài, tôi mừng thầm đã có một chàng Lê Hùng Dũng mới! Thì đây, tôi lại phải diễn lại tấn kịch trước, là viết một bức thư cảm tình với người bạn thân của tòa báo ấy, hẹn ngày tôi đến chơi.
Tôi đến chơi, hẳn ông ta cũng lấy làm hân hạnh như tôi, sáu tháng về trước; thấy cách tiếp đãi ân cần tử tế, mà tôi xấu hổ về cái ngốc trước của tôi, bởi vì trong khi chuyện trò tưng bốc ông ta, tôi thấy ông ta cũng thấy sung sướng, y như tôi ngày nọ.
Tôi cũng dùng những lời đường mật mà tán tỉnh, mà nói khích, thì ông ấy cũng hăm hở, hăng hái muốn bóp chết các báo khác.
Kết cục ông ta lại bằng lòng bỏ ra năm ngàn bạc để mua lấy chức phó chủ nhiệm hão huyền.
Cái hình ảnh ngu dại của tôi ngày trước, hôm nào tôi cũng được trông thấy ở trong tòa báo hai buổi. Ông phó chủ nhiệm chỉ ngồi làm cảnh, hút thuốc lá và nói nhảm, chứ công việc tôi không những không cho biết, còn nói khoác thêm như trời. Tôi cười thầm bao nhiêu, tôi lại thương ông ta bấy nhiêu; giá bây giờ ông chủ nhiệm cũ có cầm đến tờ báo Đời Nay mà trông thấy mới nảy ra chức phó chủ nhiệm mới, có lẽ cũng phải buồn cười mà nghĩ rằng:
“À, thằng này đã khôn rồi, đã ‘chài’ được một thằng cha khác vào cạm”.
Năm ngàn bạc mới cũng chỉ có sự nghiệp như năm ngàn bạc cũ, là nuôi báo cô được các nhân mạng trong tòa báo một cách “đế vương” trong vài tháng. Rồi xét ra, không thể nào làm cho tờ Đời Nay tiến lên được một bước nào, tôi bèn đến bàn giấy ông phó chủ nhiệm, nói thực tình hình, và phủi tay, lộn túi, thoái vị, lìa báo giới về cái “nhà bò”.
Tờ báo Đời Nay lại bãi chức phó chủ nhiệm, nhưng biết đâu, sáu tháng nữa, cái chức ấy lại không lòi ra, vì ở xã hội này, chém bảy ngày không chết hết những thằng có tiền mà ngốc.
16 Avril 1934