Ba

Giang Thanh từ chối những quyền lợi của người được tước hiệu “Nghệ Sĩ Ưu Tú” nếu như thuận trở về Hà Nội với đoàn ca múa. Cô xin ở lại Sàigòn, ghi danh vào học trường Quốc Gia Âm Nhạc nay cải biên nên thành Trường Âm Nhạc Nghệ thuật số #2, Lớp Đạo Diễn do quan niệm, nghệ sĩ trình diễn chỉ có một thời đoạn và một lãnh vực riêng: Hát, múa, phim, kịch.. Và sẽ bị hạn chế bởi tuổi tác, thời gian, yêu cầu của nghiệp vụ (cho dù tài nghệ xuất sắc, kỹ thuật điêu luyện đến đâu) - Nhưng những hạn chế nầy sẽ không tác động đối với chức năng đạo diễn, nếu không nói ngược lại – Càng ở lâu trong nghề, tuổi càng lớn, người đạo diễn ắt sẽ trở nên vững vàng, sâu sắc hơn. Tuy nhiên, cô cũng phải chịu những lời phê phán, trách móc, ác độc.. “Nó muốn ở lại Sàigòn là bị nhiễm cái mùi bơ thừa sữa cặn của bọn ngụy bỏ lại đấy mà.. Cái ngữ ấy rồi đây chỉ có nước nằm ngữa ra để bán thân nuôi miệng thôi.. Thằng Sơn ấy đã van lạy trước tập thể như thế mà nó còn đá thằng nhỏ như con chó thì nó còn biết thương ai.. Đứa nhỏ kia trước sau gì nó cũng cho vào nhà mồ côi để rộng đường đi ngang về tắt.” Đối với những lời “tiên tri” không mấy tốt lành nầy, cô đáp lại không khoan nhượng.. “Ở Miền Bắc, tao mười bốn tuổi còn nuôi được cả nhà dưới bom đạn Mỹ, hôm nay chúng mầy nói điêu, nói độc, rồi đây sẽ có ngày chạy tới bám vào gấu quần tao để xin xỏ.” Cô không dùng lời ngoa ngôn, trống rỗng, bởi sẵn có dự định (thật ra là quyết định) với hai khả năng giúp phần ưu thế: Một sắc vóc rực rỡ lồ lộ, và trí sáng thiên bẩm do từ trực giác bén nhạy, giúp cô thấy ra sự việc, lời nói, ý niệm của người khác từ lúc mới manh nha khởi động.. Hơn ai hết cô biết rõ về mình nên rất đỗi tự tin, đồng thời biết giữ vững tâm chất trong sáng do đã kinh qua cảnh khổ mà không bị nhận chìm xuống. Nhưng cô cũng sẵn sàng tiếng lời độc địa, khắc nghiệt ứng phó, trả lại chính xác từng chữ, từng câu với đối thủ. Chắc chắn một điều, Giang Thanh không hề sợ hãi, ngã lòng.
Miền Nam nói chung, Sàigòn nói riêng (hiện thực cụ thể nhất) sau 30/4/1975 rơi vào một tình trạng bi thảm kỳ dị suốt hơn trăm năm thành hình, xây dựng nên cảnh sắc riêng biệt, đặc dị tài hoa - Cảnh huống bi thảm do chính bản thân (người Miền Nam) góp phần khởi dựng, thực hiện qua một cuộc đổi đời đảo ngược nên thành tồi tệ - Cũng gọi là “cách mạng giải phóng dân tộc”, nếu nói theo ngôn ngữ chính trị thời thượng mà lần hồi không mấy ai cam tâm xử dụng do so sánh với thực tế khi “chưa giải phóng”. Những chuyến xe buýt vàng chạy đường Gia Định, xe xanh nội thành Sàigòn thoắt trở nên chuyện, tích đời xưa cũ. Nhà cửa, quán đàng Đường Lê Lợi, Tự Do, Lê Thánh Tôn bày ra vẻ buồn thảm tội nghiệp như cô gái ngày hôm trước còn mặc trên người những áo quần đắt tiền của thời trang thế giới nay lập tức thay bằng chiếc bà bà màu trắng, và quần đen nội hóa, chân mang đôi dép nhật đúc bằng nhựa làm từ Chợ Lớn, hiện thực chính xác miêu tả của Hoàng Cầm: Chân dép râu. Đầu thắt bím. Quần đen, áo trắng, dáng con sen..
Người Miền Nam vừa kinh ngạc, vừa buồn cười bởi hậu quả thất trận “lãng xẹt” quá mau chóng, vô lý của mình, đồng thời thấy rõ ra chân dung kẻ thắng trận.. Chỉ là một đối thủ lúng túng, xoay xở cây xẻng cá nhân mang nhản hiệu U.S. trên tay, ngơ ngác đi trước Toà Đô Chính, bối rối nhìn lên những cao ốc với lời tán thán.. Khiếp! Và người giúp việc nay là cứu tinh của gia đình qua lời trấn an kẻ cả..”Cậu, mợ đừng ngán đứa nào, cứ dời xuống dưới ga-ra mà ở; tui bây giờ là chủ nhà nầy, thuộc đội đặc công thành phố, phụ trách phụ nữ quận Phú Nhận (“Nhận” chứ không là “Nhuận”)”. Người ta bắt đầu ăn bo bo, củ mì thay hạt gạo mà chỉ tháng trước phải là “gạo Nàng Hương, Chợ Đào” mới có thể nuốt xuống một chén cơm với mâm thức ăn ít nhất cũng phải ba món “canh, xào, mặn”. Người Sàigòn phải trình bày toàn bộ ý nghĩ, cảm xúc của mình bằng một tỉnh từ tổng quát “tốt” với một lối nói “được học tập” sau nhiều đêm họp tổ khu phố, kiểm điểm, bình bầu, báo cáo thành tích thi đua lao động, tăng gia sản xuất.. Báo cáo cán bộ, tôi đã lao động tốt, đạt, và vượt chỉ tiêu mà trên giao.. Từ bà già bán bún ốc nơi Chợ Phú Nhuận, ông đạp xích lô, anh thanh niên chạy xe thồ, thằng bé chạy việc nơi tiệm phở quốc doanh.. Tất cả đều chung một lời báo cáo với một nội dung tất cả đồng học thuộc. Mỗi đêm từ 8 đến 11 giờ. Xong tất cả về đi ngủ để sáng sáu giờ ra công viên văn hóa tập thể dục theo nếp sống văn minh văn hóa mới.
Và để an ủi, người Sàigòn tự hoạt kê phần bất hạnh của mình qua những câu chế diễu.. “Đả đảo Thiệu-Kỳ cái gì cũng có. Hoan hô Hồ Chí Minh, mua cái đinh cũng phải xếp hàng..” Tuy nhiên cũng có một điều mà trước đây những chế độ cũ (thực dân, phong kiến, cộng hòa..) dẫu cố công bao nhiêu cũng không thực hiện được: Đấy là mọi người đều bình đẵng trong một tình huống cùng khổ, thảm hại qua một cơ chế kinh tế, xã hội gọi là “chế độ bao cấp”. Giang Thanh không thoát khỏi cảnh chung khốn cùng do vinh quang cách mạng cô góp phần xây dựng nên. Mức lương cố định của học viên trường Âm Nhạc Nghệ Thuật không thể giúp cô nuôi đủ bản thân, huống gì nay thêm bé Thanh Giang - Cô đão ngược tên mình đặt tên con để biểu lộ quyết chí - Đấy là đứa con của chính cô. Với riêng một mình cô. Vì bé Thanh Giang chỉ được đăng ký là con tư sinh do cô không có chứng chỉ kết hôn với ai, nên bé không được gọi là con trẻ của chế độ mới - Chế độ xã hội chủ nghĩa. Chế độ chấm dứt hiện tượng người bóc lột người. Thanh Giang không được tính vào mức lương của mẹ. Thế nên, Giang Thanh tìm cách phấn đấu để nuôi con.
Xin được chân chạy bàn ca đêm (ban ngày phải học tại lớp đạo diễn) ở nhà hàng Bát Đạt được hai bữa.. Đêm thứ ba, viên quản lý đến bên cạnh khi cô đang choàng chiếc áo đồng phục trước buổi làm.. Em đẹp quá, thơm quá.. Anh ta hít hít cánh mũi rộng để chứng thật đang được thấm đẫm hương thơm từ da thịt cô gái.. Giang Thanh ngừng mặc áo, nhìn gã quản lý.. Hiểu lầm sự im lặng của cô, anh ta tiến tới.. Em khỏi phải chạy bàn nữa, phí đi, đừng mặc áo chiêu đãi nầy kể từ đêm nay. Lên phòng anh, phòng quản lý, lầu tám, phòng có bể cá vàng đằng trước.. Không mặc thì bà đội lên đầu mầy ấy à.. Mầy nhầm người rồi! Giang Thanh chụp chiếc áo choàng lên đầu gã quản lý. Quay ngoắt bước đi. Cô cũng gặp phải “sự cố” tương tự tại vài nhà hàng khác, hoặc bị vợ của những viên quản lý đòi xé xác “con Bắc Kỳ trắng như đầm lai, đẹp như Thanh Nga, Mộng Tuyền..” Cuối cùng, cô chọn chân rửa chén tại Khách Sạn Nam Đô, cơ sở biên chế nên thành nhà hàng quốc doanh, địa điểm chiêu đãi chính thức cho những đoàn hát trung ương vào Sài Gòn công tác. Không ai biết cô diễn viên thoại kịch tài hoa, nghệ sĩ trình diễn ca, múa dân tộc điêu luyện, học viên biên đạo diễn xuất sắc cũng là cô phụ bếp (những đêm cuối tuần) lên ca với những chồng chén dĩa cao ngất, lầy nhầy thức ăn rửa bằng tay trần với xà phòng nội hóa. Nhưng Giang Thanh không hề ta thán, cô nói thành lời với chính mình.. Chẳng thấm vào đâu so với cảnh đội bom Mỹ chạy từ Mai Dịch về Hà Đông với cái bụng đói! Cô còn có được mối hân hoan khi xin với ban quản lý bớt một phần lương tính vào hai con gà xối mỡ đem về đãi bạn đồng lớp.. Ăn đi chúng mầy, đây là tiền lương của tao chứ không phải xin của ai. Chúng mầy ăn đi, từ ngày vào học đến giờ tao chưa đãi chúng mầy được một bữa cho đáng. Cũng bởi cô vốn có tính ham vui và ưa chăm sóc người khác vì đã hiểu nghĩa hạnh phúc khi được thương yêu và biễu lộ sự yêu thương cùng người.
..Đồng chí học viên Giang Thanh hãy báo cáo trước tập thể từ đâu đồng chí có được hai con gà quay đem về đãi các bạn học viên trong lớp đạo diễn.. Hai con gà ấy tính ra hơn một nửa mức lương căn bản của học viên. Chúng có từ đâu nếu không do những quan hệ bất chính!
Trong khoảng khắc, Giang Thanh uất ức nghẹn cứng vì không thể nghĩ sự tốt lành lại đưa đến hậu quả tồi tệ ác độc nầy. Nén xuống phẫn nộ, cô phản công.. Từ đâu mà có? Các đồng chí ám chỉ tôi đi làm gái mới có tiền để mua những con gà ấy chứ gì? Tôi không rẻ đến thế.. Nếu muốn làm gái, tôi biết đường xuống khách sạn Bến Nghé đi khách ngoại với những món tiền lớn gấp bội, hơn cả năm lương của tôi kìa..Và muốn biết vì sao tôi có những con gà kia hãy đến hỏi chỗ Nam Đô, đêm thứ bảy vừa rồi ở đấy chiêu đãi đoàn ca múa Hồng Hà từ ngoài Hà Nội vào, sau khi trình diễn nơi tụ điểm ca nhạc Bông Sen.. Nhưng giá sử như tôi phải đem thân đi làm gái thì các đồng chí cũng phải xấu hổ cùng tôi.. Chiến sĩ văn công đi B, Miền Nam được giải phóng rồi phải đem thân đi làm gái.. Ai xấu hổ hơn ai!? Ai đau xót hơn ai!? Thành quả cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà đẩy chiến sĩ, bộ đội vào chỗ phải bán thân nuôi miệng là làm sao? Và miếng thịt gà kia không phải chỉ cho riêng tôi, nhưng còn cho vào miệng các đồng chí đang ngồi ở đây để chủ trì vụ kiểm điểm nầy.. Xét xử tôi đi! Hãy kiểm điểm tôi đi! Ai được quyền kiểm điểm ai? Lấy cái gì để kiểm thảo, phê bình!? Giang Thanh đẩy không khí buổi kiểm điểm nên thành một màn bi kịch đen thẫm đoạ đày. Sau nầy nhớ lại, cô lấy làm tiếc đã không nói hay hơn, độc hơn thế nữa.. Bà đã không nói thì thôi, nói thì phải cho chúng mầy sống dỡ, chết dỡ mới được.
Cuối cùng, Giang Thanh quyết định rời Nhà Hàng Nam Đô đi vác cá ở chợ Cầu Ông Lãnh với lời nguyền rũa tự thân.. “Mã mẹ chúng mầy, bà lấy cái thân bà đây để nuôi con xem thử có đứa nào đụng đến, vòi vĩnh, bắt ép được!” Mỗi đêm, cô lén dậy từ lúc một giờ sáng, chêm mùng cho con ngủ yên, đạp xe xuống vựa cá góc đường Cô Giang/ Nguyễn Thái Học.. Vóc người cao, chắc, Giang Thanh đội thúng cá chạy thoăn thoắt không khó khăn, chỉ phiền nỗi nước cá chảy xuống tóc, ướt đẫm mặt, đậm mùi tanh tưởi.. Bốn giờ sáng trở về, gội đầu, tắm cho hết mùi cá đọng sâu chân tóc, trên da thịt. Cũng may trời miền Nam luôn nóng nực nên không phải chịu giá rét, nhưng ngâm nước suốt một giờ trong buổi sáng sớm lâu ngày sau nầy gây chứng viêm soang mũi làm tiếng nói của cô bị khàn đục mất âm sắc trong trẻo.. Bù lại, cảnh khổ tôi luyện ý chí Giang Thanh bền bỉ hơn, thông cảm trực tiếp cảnh khốn cùng của người (là chính bản thân). Cô dựng kịch “Bà Mẹ Can Đảm với Những Người Con” của Bertol Brecht để tố cáo tội ác của phát xít, tư bản gây chiến tranh đày đọa con người cần lao vô tội, và thủ vai người mẹ mà không ai có thể diễn xuất sánh cùng - Thật ra cô chỉ cần hiện thực nỗi đau của chính mình và những người đàn bà trong gia đình họ Uông trên sàn sân khấu mà thôi.
Vỡ kịch trên thật ra do ủy viên văn hóa tư tưởng trong ban bí thư nhà trường, Lê Đậu phỏng dịch từ nguyên tác của Bertol Brecht. Đậu người Thanh Hóa nơi đã có những ví von (thuần túy không chỉ là những ca dao, tục ngữ của địa phương nầy để miệt thị, chế diễu địa phương khác) thể hiệu đủ cá tính về người, việc của vùng đất đã nẩy sinh ra những cuộc huyết chiến kéo dài từ thế kỷ 16, 17..Nam/Bắc Triều; 60 năm); Trịnh/Nguyễn hơn trăm năm tranh hùng quanh khu vực hai bên Đèo Ngang.. Thanh Hoá ăn rau má, phá đường rầy! Người Thanh Hóa thực sự hãnh diện với tính chất kiên cường, mạnh mẽ, đánh phá của họ.. Đá như Thanh Hóa! Tức là mẫu mực kỹ thuật đá bóng tròn để (miễn có) đoạt thắng bất kể giá nào phải trả. Thanh Hóa không phải chỉ có vinh quang trên ngôn ngữ, thi ca, hò vè, nhưng thực tế đã có viên Đại Tá Đặng Vũ Nam đánh tan đạo binh Charlton, Le Page trên Đường Số 4 (1953), bắt sống hai chỉ huy cao cấp trên trận điạ, hũy diệt hoàn toàn một binh đoàn cơ động liên binh chủng của quân đội Pháp trong một cuộc vận động chiến tài tình, điêu luyện của chiến thuật du kích tiến lên trận địa chiến. Thanh Hóa là an toàn khu trong chiến tranh 1946-1954, và cũng là địa phương dẫn đầu trận đấu tố bật tung lũy tre ngàn năm che chở quê nhà, ghìm chặt xuống tiếng than của vạn con người thống khổ, đọa đầy. Đậu vào Nam với câu khẳng định: “Đéo mẹ chúng nó! Cần Thơ, Gia Định.. không riêng của người Nam. Đứa nào mạnh thì đứa đó lấy”. Đậu không dịch vỡ kịch chỉ vì công việc của người dịch thuật, phóng tác, nhưng như lời anh ta nói với Giang Thanh: “Tôi dịch vỡ kịch nầy để cho cô. Cô dựng nó nên thành kịch đáng giá khác với những bản kịch nhà quê của chúng nó.. Loại chiến sĩ cộng sản Paven (°) xúc tuyết làm cách mạng! Với nó, cô đi lên sân khấu lớn như đoàn kịch trung ương Mát-cơ-xva” Khi diễn thử, dẫu chẳng có cảm tình với Đậu, Giang Thanh cũng phải nói thầm: Lão quái nầy đáng phục thật, đối thoại của Bertol Brecht mà nó dịch ra cứ như kịch của Lưu Quang Vũ.
Sinh nhật Giang Thanh ba-mươi tuổi, 1985 dẫu đang thời bao cấp, khó khăn chung, vì bao nhiêu tài sản, kho tàng tịch thâu từ Miền Nam phải dồn trả nợ Nga, Tầu, và bù trừ cho thiếu thốn của (người) Miền Bắc đã phải chịu đựng từ 1945, 46.. Nhưng Sài Gòn vẫn không thể “nghèo ngang bằng” Hà Nội, Hải Phòng.. nên Đậu xoay được một bó hoa ba-mươi đoá hồng Brigitte, với chiếc bánh sinh nhật được những người tham dự trầm trồ đánh giá.. Bó hoa đẹp hơn lẵng hoa Bác Tôn gởi cho bộ chính trị ngoài ta và cái bánh lớn như mâm cối 82Ly Trung Quốc. Không hiểu lão “Đậu đéo” kiếm đâu ra được như thế như thế! Đậu sở dĩ có tính danh “đéo”, do anh ta luôn bắt đầu câu nói với.. “Ông đéo cần.. Chúng mầy đéo hiểu..” trong tất cả mọi giao dịch. Cũng chẳng phải trong ngôn ngữ bình thường mà ngay cả khi trò chuyện với viên bí thư bộ văn hóa.. “Báo cáo anh.. Tôi “đéo” nghĩ rằng bọn miền Nam có thể làm “đéo”gì được ta!” Viên bí thư vốn tổng hợp nhuần nhuyễn tính nhân dân và tính đảng” nên đã đáp lại: ”Nói vậy, cậu “đéo” hiểu gì về chúng nó cả..”. Riêng về nghĩa đen, Đậu không thể nhịn “đéo” cho dù một ngày theo như lời anh ta tự mô tả: “Đéo biết thế nào mà khi nào tao cũng cứ tưng tưng thế nầy.. Đéo mẹ, giá như là đàn bà ắt phải mỗi ngày nạo thai một lần!” Đậu không nói quá về mình, sợ rằng anh ta diễn tả không được chính xác hơn. Sài Gòn sau 1975 với đàn ông (miền Nam) hầu hết phải vào trại tập trung; bộ đội Miền Bắc chết rải dọc Trường Sơn.. Phần lớn phụ nữ (không học vấn (cho có học vẫn vô dụng), ngành nghề, tài sản..) muốn kiếm sống không còn gì ngoài thân xác của mình, nên người như Đậu với tật “đéo” không là trở ngại, mà đôi khi còn được “biễu dương”. Trước cổng nhà Đậu luôn có những cô gái ngồi đợi vì.. “Anh ấy có bảo em, mỗi khi ế khách, không chỗ ăn, chỗ ngủ thì đến đây..” Nhưng Đậu không chỉ “nhiều” với thói tục “đéo”, anh còn nhiều trong tất tả mọi phương tiện.. Ăn thì phải ăn cho đáng! Cắn miếng thịt phải ngập hàm răng.. Ăn ba thứ rau, dưa, cà muối.. ông đéo đụng tới bao giờ. Mất công đi.. ĩa!! Đậu không nói quá, anh không hề cho vào miệng bất kỳ các loại rau, trái, đậu nào...Trứng là rau của ông. Thịt là cơm của ông. Cái hỉm là bùa của ông! Ông la lối, hùng hổ như thế, học hành, chữ nghĩa như thế tại sao không viết nên cuốn sách nào đi.. Không lẻ cái đầu, trái tim của ông chỉ chứa ngần ấy thứ? Có người đặt câu hỏi khó với ý định bắt bí. Đậu nhanh chóng nắm chắc ý đối thủ, nhổ toẹt mẫu tàn thuốc đẫm nước bọt.. Cái đầu hả.. Thì chỉ nghĩ đến chuyện đéo, và cuộc đời ông đã là một tác phẩm hoàn chỉnh.. Đéo cần viết thêm một chữ  nào nữa. Còn quả tim.. Đéo mẹ, quả tim ông thuộc về đảng vinh quang.. Hê..hê! Đậu gằm gằm nhìn đối phương sau lớp kính dày. Với lối sống, ăn, ngủ, nghĩ như thế, chiếc đầu, thân thể Đậu luôn nóng như một khối lửa, nên anh chỉ có thể mặc quần sọt, áo tay ngắn không gài hai nút ở cổ. Đậu ngủ ngay trên sàn nhà, không hề nằm giường, nệm. Trong cung cách sống với quan niệm vừa kể, Giang Thanh là một “mục tiêu” Đậu không thể bỏ qua. Đéo mẹ, ông phải bắt cho được con bé nầy dẫu mầy có chạy lên giời! Khi Đậu chưởi thề nguyên chữ là gặp phải trường hợp vô cùng “khẩn trương” và rất có ý nghĩa.
°) Pavel: Nhân vật thanh niên cộng sản của tiểu thuyết cách mạng Nga
Thế nên, khi đến lúc, cô Thúy Hương, vợ Đậu một người đàn bà đẹp, chuyên làm người mẫu cho tạp chí thương mại, thời trang phụ nữ (Đậu mang vào Nam năm sau 1975) trở thành gánh nặng.. Em là người mẫu mà không chụp “nuy” thì phí đi, để hôm nào anh kêu thằng quay phim, chụp ảnh trong trường về nhà làm cho em mấy phùa.. Hương tin lời Đậu, cũng bởi người tình của cô (một tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp Sài Gòn trước 1975 cũng có nhận xét tương tự), hơn nữa cô cũng thích thú với dự kiến được tham dự vào “sinh hoạt văn minh tiên tiến mà trước kia bọn Mỹ-Ngụy (sa đọa) đã nâng lên hàng nghệ thuật”. Và khi anh chàng nhiếp ảnh đang lóng cóng sửa vị thế nằm cho Thúy Hương thì Đậu phá tông cửa phòng nhào vào với hai viên công an khu phố (dẫu anh ta có sẵn chìa khoá phòng).. Ối giời đất ơi! Ối giời đất ôi.. Cô người mẫu đẹp nhất Hà Nội! Vợ của tôi! Đậu ngã lăn lên đất trước để hai viên công an chụp hiện trường phạm tội. Đậu lấy được căn nhà Đường Nguyễn Huệ với cớ chứng “lỗi phần người vợ” - Căn phố mặt tiền trước 1975 là cơ sở Ảnh Viện Thăng Long, Thúy Hương chiếm dụng dưới danh nghĩa Hội Nhiếp Ảnh Giải Phóng.
Giữa buỗi tiệc sinh nhật Giang Thanh, Đậu trình ra tờ giấy ly dị với lý do: Vợ bị bắt gặp làm tình tại chỗ! Giang Thanh cũng đã quá mệt với cuộc sống đơn độc mà luôn có kẻ nhìn vào với ý định sỗ sàng.. Cho anh làm cha con bé của em đi! Cô thuận lấy Đậu với một giao ước: Lấy tôi, anh muốn ngủ với con nào thì mặc (tôi đã biết rõ anh “máu’ như thế nào), chỉ yêu cầu anh đừng mang gái về nhà khi tôi đi vắng.. Tôi không muốn con tôi (là con gái) thấy sự dơ bẩn ấy! Khi con tôi lớn, đưa ra ngoại quốc học là tôi vào chùa ngay. Chuyện gì chứ chuyện nhỏ ấy ông biết liệu, mợ đéo phải dặn! Đậu cam kết, quay mặt dấu nụ cười.. Con nầy ghê lắm, đéo đùa được với nó!
Sống vợ chồng chính thức được một tuần, Giang Thanh xác chứng điều cô nghi ngờ: Những mạnh mẽ ồn ào về “đéo” của Đậu chỉ cốt che dấu: Anh ta không có khả năng hoàn tất “nghĩa vụ (hoan lạc) làm chồng” - Để được trở nên thành một người cha theo nghĩa bình thường. Đậu bào chữa (khuyết điểm) của mình với nụ cười xuôi xị: Ông chỉ có cái mồm thôi, mợ đừng phiền! Nhưng chính khi Đậu bộc lộ điều yếu đuối tội nghiệp nầy với nụ cười ngây ngô con trẻ (rất hiếm hoi) thì lòng Giang Thanh lại lắng xuống.. Cô nói lời an ủi: Cũng chẳng quan trọng lắm, miễn là bố yêu thương, che chở mẹ con tôi.. Bố cứ việc ‘đéo” ở đâu như bố muốn từ trước đến nay, đừng đem gái về nhà, đừng rước bệnh vào người chỉ làm khổ thân, và xấu mặt tôi..
Để trả ơn sự thông cảm rộng lượng của vợ, ngày hôm sau Đậu mang giỏ đi chợ với cách hân hoan, nụ cười rộng mở kéo đến mang tai.. Tôi đi chợ về nấu ăn cho mẹ con nó. Lần đầu tiên Đậu mua những món rau, đậu, củ.. Đậu giải thích với người bán hàng: Tôi mua những thứ nầy nấu canh cho con bé ấy mà. Cũng là lần đầu anh không xử dụng chữ “đéo” trong lời nói. Và Giang Thanh thật tình cảm động khi Đậu lóng cóng bưng tô canh lên cho hai mẹ con.. Ông cả đời chỉ biết làm món nhắm, đây là lần đầu tiên ông phải làm “nội trợ” hầu mẹ con nhà mợ. Đậu cười rộn rã, hào hứng ngồi xuống với bé Thanh Giang.. Để bố cho mầy ăn nhá. Giang Thanh cười vui trong ánh mắt, cô nhủ thầm: Thôi thì lão có dở chứng gì mình cũng phải bỏ qua cho yên nhà lợi nước, chỉ mong được bình an thế nầy..
Nhưng sự cố gắng (có thiện ý) của Đậu bị lung lay sau lần xong trận tình cực độ thoả mãn (bởi không phải chịu trách nhiệm, ràng buộc bởi nghĩa vụ/ý nghĩa làm chồng) với nữ nghệ sĩ Xuân Hồng ngôi sao văn, thơ, ca nhạc từ Hà Nội vào công tác thành phố mang tên Bác. Nữ sĩ châm điếu thuốc Điện Biên bọc giấy bạc (thuốc là cao cấp nhất do Hà Nội sản xuất).. Vất đi, hút thứ ba số nầy (Thuốc lá nhập cảng, Hiệu 555), ngủ với ông mà hút đồ nhà quê mang từ Hà Nội vào là chưởi ông không bằng.. (Thật sự Đậu chỉ muốn chứng tỏ cách ăn chơi của “người Sàigòn để chộ người ngoài ta mới vào” chứ không có ý định bĩ thử cô nữ sĩ). Nhưng Xuân Hồng không phải tay vừa.. “Ông mã mẹ cả nhà anh.. Ba số với chẳng là ba số. Mồm anh chẳng ăn mắm tôm thịt chó, hút thuốc lào suốt cả mấy mươi năm hay sao.. Nay vừa được hầu con đĩ không chồng mà chửa, xin được chân bưng bô nhà nó đã quên mất ‘tính cách mạng trong sáng” của cán bộ văn hóa tư tưởng như lời anh thường lên lớp dạy chúng tôi.. Anh biết nó mô tả anh như thế nào không? Nó nói gì? Đậu ngồi nhỏm dậy. Nó bảo anh là thứ gà trống thiến, chỉ được cái mồm! Đậu có thể bỏ qua nhiều chuyện, nhưng bởi cô nữ sĩ vốn rất tinh nên biết đánh trúng ngay “tử huyệt” đối thủ.. Nó bảo như thế à? Đậu như ngồi phải đống lửa. Nó chẳng bảo thì ai mà biết ra, kể cả màn anh bưng bô hầu mẹ con nó. Đậu chống chế trống không, yếu ớt.. Vừa vừa thôi, liệu cái mồm! Cô nữ sĩ ỡm ờ.. Anh bảo nó với anh giữ mồm với nhau chứ bảo được ai.. Mà cũng lạ, người như anh sao mà dễ bị xỏ mũi đến thế? Tôi cứ ngỡ anh cao như núi, ai ngờ chỉ là một hòn đất.. Xuân Hồng biết nâng lên và đạp xuống. Đậu cáu kỉnh: Đéo đứa nào xỏ mũi được ông, ông không phải là loại người chui vào gầm giường la lối, đưa mông ra để đứa khác đá đít.. Đứa nào giỏi “quay” được ông, vì thương tình thì ông chịu nhũn thế thôi. Xuân Hồng xoay qua vấn đề “chí tử” thứ hai.. Kể từ ngày lấy ông nó đã tiêu hết mấy cây vàng.. Đòn quả rất hiệu lực. Đậu ấp úng.. Chuyện ấy liên quan gì đến cô. Nữ sĩ cười nhạt.. Không liên quan đến tôi, nhưng nói ra để báo cho ông rõ, cả Hà Nội người ta đang bàn chuyện: “Thằng Đậu đéo” (xin lỗi cho tôi nhắc lại đúng nguyên văn..) dở trò lưu manh lấy được cái nhà của con Thúy Hương nay lại đi cúng cho con Giang Thanh để được cái tiếng làm chồng hờ.. Mẹ kiếp, người như em đây cũng chỉ mong được tiếng về làm dâu nhà “Họ Lê Thanh Hóa” của bố.. Bố đâu phải là thằng nhỏ, con sen xách làn đi chợ về hầu mẹ con nhà nó, dọn cứt chó, cho mèo ăn.. Được bố làm chồng, cố vấn đường chữ nghĩa, em được giải thưởng văn học hội nhà văn liền một khi. Bố là một bậc thầy cơ mà!
Đậu lụp chụp bỏ áo vào quần, điếu thuốc ngậm ở miệng rung rung, đẫm ướt.. Địt mẹ chúng mầy cả lũ.. Nầy, muốn chưởi về nhà anh mà chưởi, tôi không phải là cái thùng rác để anh trút xuống những thứ thổ tả của nhà anh.. Xuân Hồng rít giọng. Rồi sẽ biết tay ông! Đậu quyết chí. Ông là cái đéo gì mà biết với chả biết! Xuân Hồng đổ tràn ly nước khiêu khích. Đùng đùng chạy xuống cầu thang, Đậu lẫm bẩm.. Địt mẹ chúng mầy.. Địt mẹ chúng mầy!
Nhưng khi Đậu bước chân vào nhà thì Giang Thanh đã ra tay trước.. Chén, dĩa, đồ sành, đồ sứ, gương soi, tủ kính, cửa sổ, bàn trang điểm.. Tất cả đã trở thành một đống vụn lỡm chởm vươn vải đầy nhà. Cô nói sắc gọn: Thằng khốn, tao đã truyền đời cho mầy từ ngày đầu tiên.. Mầy có quyền đi “đéo” bậy, nhưng cấm làm nhục mặt tao. Con đĩ Xuân Hồng đã đi rêu rao khắp những nơi tao quen biết, là tao chịu lấy mầy chỉ cốt chiếm cái nhà do mầy cướp được qua vụ dàn cảnh con Thúy Hương ngủ với thằng thợ chụp hình.. Tao lấy mầy là vì vàng, dẫu con buồi thối của mầy vất ra chó cũng chê, cái mặt mầy ác như con chó ngao.. Nhà nào.. Vàng nào.. hỡ?!
Giang Thanh trở nên là “kẻ thù” vì đã bày ra những “nhược điểm” chí tử không thể bù trừ, chuyển đổi của Đậu. Nhưng dẫu là kẻ bản lĩnh do gian nan cảnh khổ tôi luyện nên thành, cô vẫn nguyên vẹn tâm chất chân thật, mẫn cảm của một nghệ sĩ vốn xuất thân từ gia đình thế giá, văn hóa thuần nhã, cô không thể tưởng ra, lường trước những tình huống ti tiện hèn hạ, thủ đoạn ác độc hơn một cơn giận. Nên sau khi ra tay tàn phá, và thấy Đậu im lặng quét dọn với cách thức chịu đựng, hối lỗi.. Tất cả vật dụng bị đánh vỡ dồn lại hai cần xé lớn, Đậu cố sức xoay xở nhưng không thể xê dịch, chiếc kính trắng gãy gọng đong đưa một bên tai, đầu tóc rũ rượi.. Giang Thanh cảm thấy ái ngại về hành vi quá độ của mình, cô cười nhỏ, khẻ gắt.. Xê ra, chẳng làm được cái gì ra hồn.. Chỉ được cái mồm láo! Và cô hầu như đã quên mất phần lỗi của Đậu, khi qua hôm sau anh xuất một lượng vàng đi sắm lại những thứ đã bị đập vỡ với câu tán thán kèm nụ cười khỏa lấp.. Lần sau có đập vỡ, mợ nhớ chỉ đập cái nào bằng sành thôi, cái nào đắt tiền mợ tha cho nó! Chẳng có lần sau nào nữa.. Lần sau tôi đập vỡ đầu anh ra. Và cô thật quên hẳn tai nạn đã xẩy ra.
Như một cố tật không thể sửa đổi và cố ý thực hiện, Đậu lập lại thành tích “đéo bậy” không những một lần nhưng nhiều lần nhưng với một cách thức khôn ngoan, kín đáo hơn với những “đối tượng” mà anh cho là “vô hại”.. Anh giải thích với Giang Thanh: Tôi chẳng thích gì những con mụ ấy, chúng nó không đáng gót chân của mợ.. Nhưng tôi muốn cho chúng nó biết rằng người ngoài ta hơn bọn ngụy tất cả, kể cả cái khoảng trên giường! Giang Thanh trả lời cũng “cực kỳ”: Chẳng biết đứa nào “chiến thắng” đứa nào.. Ông hơn bọn ngụy cái gì tôi không biết, chứ vụ “khoảng trên giường” chắc ông thua chúng nó rồi.. Đừng nói phét với tôi! Thế mợ đã “test” với chúng nó rồi hay sao mà biết rõ thế? Giang Thanh mau chóng nổi xùng: Tôi chẳng hơi sức đâu để “tét, tiết” gì cả? Tôi chỉ nhìn dáng ông đi về sau mỗi lần mà ông gọi là đi “tiếp thu chiến lợi phẩm của bọn ngụy để lại” thì biết ngay?! Có “chiến lợi phẩm” nào đi tìm ông lần thứ hai, có chăng là do mấy cây vàng ông mang từ ngoài Bắc vào còn lại.. Nhưng tôi nói để ông yên tâm: Con bé lên cấp hai là tôi thôi ông ngay, vì tôi cũng đã kiếm được căn hộ ở Đường Nguyễn Trãi.. Ông tha hồ đi “trả thù ngụy quân, ngụy quyền” và trả tiền cho bọn “sản phẩm sa đọa do chế độ Mỹ-Thiệu” để lại.. Mặc xác ông với cái lũ đàn bà của ông.. Những “con cháu Bác Hồ” hay “tay sai Mỹ-Thiệu” đối với tôi chẳng khác gì nhau..
Những đối thoại kể trên có kết thúc tại lần Giang Thanh trình ra tờ giấy ly dị với lỗi phần “người chồng phạm tội ngoại tình”. Đậu ngẫn người, hỏi câu thành thật: Làm sao.. làm sao mợ có tờ giấy ấy? Giang Thanh từ tốn, cặn kẻ, dứt khoát: Tôi cấm ông xử dụng lối cậu, mợ, anh, em.. với tôi từ nay. Ông hỏi tôi làm sao có cái giấy nầy chứ gì.. Vậy là ông chẳng nhớ những thành tích “trả thù (vợ, con) bọn ngụy quân, ngụy quyền” đã khoe với tôi hay sao.. Ông dạy cho tôi nhiều điều, tôi phải học được đôi phần. Ông muốn nghe lại những thành tích kia không? Tôi đã sang ra nhiều cuộn băng, nghe lại hấp dẫn cực kỳ.. Với cái máy cassette mà ông khoe đã thâu băng lần làm tình với con mụ vợ bé thằng cha tổng trưởng ngụy gì đó đi Mỹ để lại trong biệt thự đường lên sân bay.. Ông nhớ lần ông vừa làm tình vừa chưởi để con mẹ thêm phần phấn khích không?
.. Thế thì mợ.. Nầy, đã bảo không “cậu, mợ”! Giang Thanh dứt khoát. Vâng, thế thì cô muốn gì? Chẳng muốn gì cả, tôi ra khỏi nhà nầy, không lấy của ông một cái bát, đôi đũa.. Hôm nào mời ông lên chơi nhà ở Nguyễn Trải, nhà số.. Hẻm 222, số ấy dễ nhớ..
..Bà cho tôi lên nhà bà, và bà xuống đây thăm tôi. Tôi van bà.. Tôi biết lỗi.. Cũng đã gần ba năm tôi sống với bà.. Tôi không thể không có bà và con bé.. Bà hiểu tôi.. Tôi không thể sống một mình! Đậu quỳ xuống hôn lên chân Giang Thanh.
Đấy là tôi nói riêng với ông, người ngoài không ai biết.. Chẳng tốt lành gì việc nay bỏ người nầy, mai đi lấy người khác. Đến khi nào ra khỏi nước với con bé, tôi sẽ tuyên bố công khai, rồi mọi người nghĩ sao tùy ý họ.. Sau khi mẹ con tôi dọn đến nhà Nguyễn Trải, ông muốn xuống ăn cơm thì gọi cho biết trước, hoặc tôi lên nấu nơi nhà nầy nếu hôm ấy tôi rảnh rỗi. Coi như hai vợ chồng ra riêng vì công việc..
Đậu úp mặt trên chân Giang Thanh rất lâu tỏ ý hàm ân, thống hối. ;