- 4 -

Quân châm tiếp một điếu thuốc, tiếp tục câu chuyện chẳng có gì là vui của anh:
- Cái việc lớn xảy ra ở miền Nam này đều được bàn trong các bữa ăn, kế bên các đống tiền, có quan hệ xa gần với cái bao tử, như anh Chương nói. Ví như cuối năm 69, tôi được ông Lầu Phước Ngũ mời ăn cơm tại nhà hàng Đồng Khánh của ông. Tôi muốn nói thêm về cái ông họ Lầu này, là dân buôn nhưng khiếp lắm. Buôn á phiện mà chở bằng xe xúc, đục ruột cây nhét nhựa đen vào. Các danh tướng Đỗ Cao Trí, Nguyễn Hữu Có, Vĩnh Lộc, nói cho gọn, các ông chỉ huy của vùng 2, đều là đàn em của ông Lầu cả, là nhân viên tải hàng cả. Các hãng máy bay đi Bangkok, đi Singapore, đi Hồng Kông, đều do một tay ông thao túng. Đó là kinh tế chính trị học, thôi, không nói tới cái chuyện ấy nữa. Nói tiếp cái bữa ăn do ông Lầu là chủ tiệc, ngoài tôi là một thằng nhà báo vô danh còn thiếu tướng Phạm Đổng, bộ trưởng cựu chiến binh, anh cả của quân đội Cộng hòa, có Sơn Ngọc Thành, lãnh tụ Serei Khmer, kẻ đối đầu với Sihanouk, có Robert Shaplen cũng là nhà báo như tôi, nhưng có danh hơn và được giới quan chức Việt Nam kính nể hơn. Bàn chuyện gì? Bàn việc lật đổ ông Sihanouk để đưa ông Lon Nol lên thay. Cơ hội lật đổ sẽ nhằm lúc ông hoàng sang Pháp chữa bệnh. Ông Lầu nói: "Nếu ông Thành làm thủ tướng thì tôi thích hơn, mối bang giao hai nước Việt - Miên sẽ phát triển tốt đẹp hơn". Bang giao có nghĩa là buôn á phiện vì bọn này có quan hệ buôn bán với Lý Mi, hiện nay ông chủ của khu Tam Giác Vàng nổi tiếng Thái - Lào - Miến. Sơn Ngọc Thành còn nói với tôi và Shaplen: "Xin các ông giới thiệu trước quốc tế phong trào Serei - Khmer và những người lãnh đạo của phong trào này. Chúng tôi không dám quên ơn các ông". Tôi quên một chi tiết, có một người đứng lùi lại phía sau một chút nhưng có tham dự buổi họp, các anh chị đều có quen, là chú Phùng.
Anh Quý nói rất nhỏ, nhưng vẫn đủ để tôi nghe rõ:
- Có cả Phùng à? Cái lai lịch của thằng cha này xem ra cũng lớn nhỉ.
Quân dừng lại, điếu thuốc trên tay đã cháy quá nửa, anh dụi luôn vào đĩa gạt tàn, hớp một chút rượu, nói tiếp câu chuyện chẳng lấy làm gì vui nhưng xem chừng đã được sự chú ý của mọi người.
- Có mấy năm tôi là người làm công cho hãng Reuter. Ông chủ của tôi là thằng Jimmy Haln, giám đốc của hãng ở Đông Nam á. Hắn là người Nam Hàn nhưng vô dân Anh, có tú tài Anh. Vợ hắn là bí thơ của Lý Quang Diệu, chỉ biết tiếng Tàu mà không biết tiếng Cao Ly. Thằng cha rất đẹp trai, cái đẹp của một thằng rất lạnh, rất rắn. Nó là người của tình báo Anh. Thằng Kohlman thì bọn ta đều biết nó là quan chức của CIA rồi, mà nó cũng không giấu diếm. Nhưng cái thằng Legeur thì xem ra chưa có ai tin nó là Xịa. Thưa, Xịa đấy ạ, Xịa có cỡ đấy ạ. Nó vốn là phụ tá của Thomas Polgar, tiền nhiệm của Polgar là Edward Shackley. Cả thằng Tôm lẫn thằng Tét đều là Giám đốc tình báo ở Viễn Đông. Tôi vốn bồ bịch từ nhiều năm với Kohlman, nó ở Việt Nam từ thời Ngô Đình Diệm, năm nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ hai năm, mười năm cả thảy. Cáo già đấy! Nó thích chó mà tôi cũng thích chó. Quen thân nhau vì cùng có một câu chuyện để nói.
Anh Đại giơ một ngón tay:
- Anh Quân chỉ thích có chó thôi à?
Chị Hoàng phẩy tay, gắt to:
- Đừng có pha trò nhạt, bố ạ, để Quân nó kể tiếp nào.
- Không, mình hỏi thật chứ không có ý giễu đâu. Anh Quân này, chỉ biết chơi có chó thì ngoại lai quá, Tây quá, người á Đông mình sâu sắc hơn, thường là biết chơi cả ba loại: một là chó vì nó trung thành, thứ hai là cá vì nó suy tư, thứ ba là chim vì nó bay nhảy, hành động. Một đời người biết hành động, lại biết suy tư và rất trung thành với chí hướng dẫu có chết cũng thỏa lắm.
Anh Quý cầm tẩu ở tay, nói theo:
- Mình góp thêm một mẩu chuyện cho vui. Cái năm tôi và Phạm Đăng Lâm họp hội nghị bốn bên ở Paris, thì Kỳ cũng sang. Trước hôtel của vợ chồng Kỳ ở không có ký giả săn tin, phỏng vấn mà chỉ có các ông các bà bá tước, nam tước nuôi chó, đem chó đến giới thiệu với Kỳ. Hắn sộp, xài tiền ngon, bán được thì lãi lắm, cố vấn chính trị của Kỳ là Đặng Đức Khôi, hắn chính là một chuyên gia về chó, mà Kỳ cũng chỉ bàn với hắn về các giống chó, chứ không bàn chuyện chính trị. Bố hắn là Đặng Đức Dục thì lại rành về chim với mèo.
Quân nói tiếp:
- Có một con berger, loại đã đổi giống, thấp chứ không cao, tuyệt đẹp, để ở Michigan đưa tới nuôi ở Florida, có một người bạn gửi qua Việt Nam cho tôi. Hắn kêu điện thoại báo trước cả tuần, con berger đó sẽ qua Tokyo bằng máy bay của hãng Panam, từ đó lại chuyển sang máy bay của hãng Air France. Cả tiền chó và tiền chuyên chở vừa tròn một ngàn đôn. Đem về nhà được một tuần thì lão Kohlman mò tới xin xem mặt con chó quý phái ấy. Và nó mê quá, không dám hỏi mua lại, nhưng tuần nào cũng đến ám mình một buổi, mất cả việc. Cuối cùng tôi cho hắn luôn.
Chị Hoàng kêu lên:
- Thằng Kohlman là cái cứt gì mà mày phải cho. Của một đồng, công một nén, quân đến ngu!
Quân cười như kẻ vô tâm:
- Giữ lại cũng chẳng được, vừa mất công nuôi chó lại mất công tiếp mấy thằng gàn đến xem chó. Cho luôn. Từ đó Kohlman coi tôi như cha nội nó. Cái thằng thích chó nhưng chẳng biết tí gì về cái nghề nuôi, nghề dạy chó cả. Tôi chơi chó công phu lắm, phải mua năm một tạp chí chuyên về chó, tờ Dog World (7), một đôn một cuốn. Bình của chó mình phải biết, đâu có hỏi được mấy ông bác sĩ thú y. Mỗi lần con chó đau nó lại đánh xe tới kêu tôi lại coi, như một bác sĩ chó thực thụ. Một lần đến nhà nó, tôi chạm mặt với chính ngay partron (8) của tôi là thằng Haln, rồi thằng Legeur, lão Lầu Phước Ngũ và cả chú Phùng của nhà này.
Cái kết thúc thật bất ngờ, không một ai có thể tưởng tượng nổi, lại có mối quan hệ nào đó giữa chú Phùng hiền lành, nhân nghĩa với cái đám tình báo gian manh kia. Anh Chương ngồi ngẩn ra, rồi chép miệng bảo bà chị:
- Quái lạ nhỉ, một thằng nhà buôn Tàu lại đến chơi nhà thằng tình báo Mỹ. Khó tin quá!
Chị Hoàng, cố vấn chính trị của ông em, tự khoe cái gì cũng tính được trước, bàng hoàng thật sự:
- Một thằng đút tay trong ống áo lại bồ bịch được với một thằng ghếch cẳng lên bàn, bất ngờ nhỉ? Hoàn toàn bất ngờ!
Quân:
- Cái gì bất ngờ?
Chị Hoàng:
- Chuyện ông Phùng nhà này!
- Có gì mà bất ngờ.
- Mỹ - Tàu hợp tác mày có bị bất ngờ không?
- Cũng không bất ngờ.
Chị Hoàng hỏi mỉa mai:
- Riêng mày được biết trước?
- Nhiều người biết trước, cứ gì tôi.
Anh Chương nheo mắt:
- Mấy ông lãnh đạo Hà Nội có biết trước không?
- Họ không biết trước thì làm sao có ngày Ba mươi tháng Tư?
Anh Chương:
- Chúng tôi cũng được biết trước chút ít, nhưng chúng tôi đã từ chối mọi sự hợp tác.
Quân:
- Ngày 9 tháng 1 năm 1945 Mao Trạch Đông gặp thiếu tá Ray Gromley, Trưởng đoàn quan sát quân sự của Mỹ tại Diên An đề nghị được đến Washington cùng với Chu Ân Lai gặp Roossevelt. Gromley đánh giá Mao chỉ là lãnh tụ một cuộc cách mạng của nông dân thôi, chứ chưa phải là cộng sản chính cống. Tướng Wedemeyer đặc phái viên của Roosevelt tại Trung Hoa liền gạt phắt cái đề nghị quan trọng đó đi, vì viên tướng này đã bị Tưởng mua rồi. Tưởng muốn là lãnh tụ độc tôn không thích có một đối thủ chính trị quá nguy hiểm.
Anh Chương nhìn Quân đầy vẻ nghi ngờ:
- Một chuyện quan trọng như thế tại sao tôi không được biết nhỉ?
Chị Hoàng khinh khỉnh:
- Nó bịa ra đấy, mồm mép nhà báo ai mà tin được!
Quân cười ầm ầm, nhô hẳn người về phía anh Chương, hỏi:
- Ông không thể tin được ở tôi, hả?
Anh Chương trả lời dứt khoát:
- Không, không thể tin, chẳng có bằng chứng nào để tin được cái chuyện. Mít Xoài của anh!
Quân đập tay xuống bàn, cười to hơn:
- Người ta thường chê các chính khách ít đọc, có đúng thật. Tôi nói theo tạp chí Những vấn đề đối ngoại, tạp chí Foreign Affairs, số ra tháng 10 năm 1972.
Anh Chương hỏi lại:
- Bài do ai viết?
- Bài của Barbara Tuchman, nhan đề If Mao had come to Washington (9). Chắc là anh có biết bà Tuchman chứ, tay tổ của nghề báo chúng tôi đấy, chuyên sục mũi vào các đống tài liệu mật của nhiều chính phủ. Chính bà cũng sợ bạn đọc khó tin nên phần chú thích có ghi rõ những chuyện trên đây được trích ra từ các tư liệu số 322 và 324 của phái đoàn Trùng Khánh tại Cục Lưu trữ quốc gia.
Quân ngừng lại một chút, da mặt hơi tái vì mấy ly rượu, giọng nói dịu hẳn không còn cái vẻ bỡn cợt, thách thức nữa:
- Tôi nói các anh chị đừng giận, cái nhà này xưa nay chỉ sống bằng mộng tưởng, bằng giả định. Xưa kia có làm chính trị cũng là thứ chính trị giả định. Kẻ thù, đồng minh, dân chúng cũng đều giả định tuốt. Thắng bại cũng giả định. Các nhà chính trị giả định, như trong quân đội có cái cấp đại úy giả định, đại tá giả định, capitaine fictif, politicien fictif, victoire fictive. Chính khách giả định là chính khách lý tưởng. Được cái danh chính khách, lại không phải chịu mọi sự khốn khó của một chính khách. Còn bây giờ muốn làm chính khách sẽ là chính khách thực thụ, politicien définitif, với mọi sự khốn khó thực thụ. Các anh chị dám có gan làm không? Được thì làm tổng thống, còn thua thì nhất định phải ăn cơm tù cả đời. Theo ý tôi... Thôi, để lát nữa tôi nói, gần sang một năm mới tôi sẽ nói, nói xong sẽ cút thẳng, có chửi cũng không kịp. Còn bây giờ, ta nên nói những chuyện vui vui hơn. Ô hay, chưa có cơm, hả? Chị Bơ ơi! Cho bọn em ăn cơm!
°
Trong bữa ăn tối hôm ấy, từ lúc Bình tới, nói gì làm gì tôi đều liếc mắt sang phía Bình một chút, đón đợi, thăm dò thái độ của hắn. Với những người khác họ có chửi cộng sản hay bênh cộng sản, tôi đều không quan tâm mấy, họ chửi cũng chẳng hại được mình, họ bênh cũng chẳng làm mình sang trọng hơn. Viết được về họ kể ra cũng vui vui, không viết được gì về họ cũng chẳng ai nỡ trách tại sao lại thiếu. Họ đã bị quên rồi. Cái số phận của họ mất dần sự quyến rũ. Người ta chỉ say mê có những người của hôm nay thôi. Do đó mà tôi khổ tôi bực chỉ vì Bình đã nhận xét: "Chú Việt hay nhân nhượng". Sống nhân nhượng, viết cũng nhân nhượng. Chỉ mong giữ được cái thân cho yên, không bị đụng chạm, không bị quấy rầy. Có mặt mà hóa ra không có mặt, có tiếng nói mà hóa ra không có tiếng nói, có sống mà sự đóng góp vào cuộc sống đang biến hóa, đang phát triển quá ít ỏi. Bình uống được rượu, hắn có thể uống cả chai mà quầng mắt chỉ hơi ửng tím một chút. Có lẽ do mấy năm sống ở Mạc Tư Khoa nghiên cứu công tác quản lý của ngành công nghiệp hóa học mà hắn biết uống rượu chăng? Nhưng hắn chỉ uống khi nào thích, còn đã không thích thì một giọt cũng không đụng, cả nửa năm không nhắp một ngụm rượu cũng không sao. Như lúc này ly rượu trước mặt hắn vẫn đầy, bữa nay hắn không thích uống, hắn thản nhiên xúc gắp các món ăn, nghe lơ đãng câu chuyện lẩn thẩn, xa lạ của mọi người, thỉnh thoảng lại nghiêng mặt mỉn cười với tôi như một đồng minh trong cách suy nghĩ và đánh giá. Chưa hẳn cách nghĩ và đánh giá của tôi đã hoàn toàn giống với Bình. Cùng một chí hướng thật nhưng lại cách nhau cả một thế hệ, cách nhau cả về kinh nghiệm và sự từng trải. Mỗi lần gặp nhau hắn thường thử thách tôi bằng cách kể một câu chuyện trong xí nghiệp rồi hỏi tôi nên kết luận như thế nào. Chú cháu tranh luận ỏm tỏi cả buổi, cuối cùng hắn cười xòa: "Mọi việc giải quyết theo cách của chú thì còn lâu mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội". Tôi thích sự dàn hòa, sự nhân nhượng lẫn nhau, làm việc trong tinh thần đồng chí, đồng đội. Còn hắn thì tất cả là qui chế, là pháp luật, là trách nhiệm công dân. Cái xã hội chủ nghĩa của tôi nhân đạo hơn, cái chủ nghĩa xã hội của hắn xem chừng khắc nghiệt hơn. Anh Hoàng cũng rất thích thằng cháu Việt cộng. Anh không quan tâm tới xu hướng chính trị của người này hay người kia, mà chỉ xét nét có cái tư cách viên chức nhà nước của họ, bất kỳ thuộc chế độ chính trị nào. Có lần anh nói chuyện với tôi: "Vào bureau (10) của Pháp thằng nào cũng thắt cà-vạt, cổ cồn, mày râu nhẵn nhụi, nước hoa thơm nức, làm việc lịch sự và nghiêm trang lắm, kỳ thực chỉ là cái vỏ ngoài thôi, còn đóng cửa buồng lại chúng nó toàn tán chuyện láo cả, công việc chậm như rùa, cái bệnh quan liêu của Pháp trầm trọng lắm, khó tiến xa được. Thằng Mỹ thì khác hẳn, ngồi thì quay lưng ghế về phía khách, xoạng chân ra hai bên, có khi cao hứng còn đưa cả cẳng lên bàn, nhưng toàn nói chuyện đứng đắn, việc của mình hẳn hoi mà hắn đã nhận làm dẫu có chạy cũng không theo kịp". Tôi hỏi: "Còn cách làm việc của bọn tôi?". Anh trả lời rất đắn đo: "Đừng nghĩ tôi là phản động nhá, bộ máy hành chính của các cậu còn kém lắm". Riêng thằng Bình thì anh có nhận xét khác hẳn: "Nó lịch sự, tinh tế như Pháp, mà lại nhanh chóng, thiết thực như Mỹ" - "Anh làm việc với nó bao giờ mà anh biết?" - "Biết chứ, nhờ nó vài việc là biết ngay cái cách làm của nó". Anh Hoàng yêu Bình như một đồng nghiệp lý tưởng còn tôi quyến luyến Bình như một công dân của xã hội mới. Cuộc đời của anh viên chức dầu tài giỏi là mấy cũng hết sức tẻ nhạt, nếu muốn viết về cái tẻ nhạt có lẽ nên viết về họ. Thế là tôi với Bình lại khác ý kiến nhau rồi. Tôi thích mẫu người sáng tạo, phong trần một chút, mẫu nhân vật văn học. Bình thích loại người chấp hành thật nghiêm chỉnh mọi quy cách, hiểu thật hoàn hảo công việc của mình. Hắn rất yêu ông bác viên chức. Theo hắn, nếu bộ máy hành chính của một thành phố đào tạo được một ngàn người tận tụy với nghề nghiệp như ông Hoàng thì tình hình sẽ đổi khác rất nhiều. Nhà văn chế giễu một người suốt đời làm cái nghề cạo giấy buồn tẻ là rất vô trách nhiệm. Ai cũng muốn là một nhân vật được chú ý thì xã hội không thể tồn tại. Cơ thể con người là một sự phân công hoàn hảo, tạo hóa bao giờ cũng có lý, gọi là ruột thừa vì y học chưa tìm ra cái có ích của khúc thịt đó thôi. Đã là sự sống thì không có thừa, cũng không thể thiếu. Guồng máy quản lý xã hội của ta còn chưa tìm ra công thức thích hợp nhất cho nó, còn nhiều bộ phận thừa, nhiều chi tiết thừa, nên năng lực hành động không nhanh, không mạnh.
Một xã hội viên chức, cứ cho là những viên chức rất mẫu cán, cũng hết sức đáng buồn. Tất cả đều hoạt động trong một quy chế nhất định, đi theo một hàng lối nhất định thì văn học hết đất dụng võ. Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy dẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ. Bạn đọc thích gì nào? Thích đọc những tác phẩm văn chương tuyệt diệu hay thích cái hạnh phúc có thể tính trước của một xã hội đã ổn định? Vứt cái văn chương của chú đi, đục nước béo nhà văn là không được! Xã hội cần cái bình thường, cái ổn định, cái có thể tính trước, Bình nói thế. Anh Hoàng cũng rất thích một xã hội dân chủ và ổn định, người ta không phải lo cái gì khác ngoài công việc của mình. Vậy mà giữa họ vẫn cứ khác nhau. Ông bác nói với đứa cháu đầy âu yếm:
- Nếu con sống ở trong này hồi xưa, nhất định bác sẽ gửi con sang Pháp học trường ENA (11) hay sang Mỹ học trường Michigan. Những nhà cai trị lỗi lạc đều xuất thân từ hai trường nổi tiếng ấy cả.
Bình giương mắt, hỏi:
- Chế độ tư bản có cho phép cấp dưới cãi lại cấp trên không? Không phải cãi một lần mà nhiều lần.
- Trong chế độ tư bản người được làm sếp bao giờ cũng giỏi hơn nhân viên của họ, bằng cấp cao hơn, từng trải cũng nhiều hơn, cãi làm sao nổi. Nếu một nhân viên có tật hay cãi thì họ sẽ thải ra khỏi sở để tuyển người khác vào thay.
Bình cười:
- Ô, thế thì phiền quá, bác nhỉ? Người có tật hay cãi như cháu đến thất nghiệp mất. Không, cháu không thích cái chế độ tư bản của bác đâu.
Tôi hỏi ý tứ:
- Tức là anh có thích cái mẫu người phóng khoáng, đứng ngoài quy tắc một chút, chứ không hẳn là những viên chức ngoan ngoãn.
Bình hơi đỏ mặt, nhìn tôi trách móc:
- Một cán bộ tận tụy hoàn toàn không giống với mẫu người luôn luôn nhân nhượng, chú ạ.
Tôi cũng hơi nóng mặt, nhưng nín lặng.
Quân cũng đã quay sang góp chuyện:
- Theo ý cậu nên có những viên chức tận tụy nhưng đôi lúc còn phải biết tranh cãi?
Bình trả lời gay gắt:
- Biết nói với chú thế nào! Chú là người của một chế độ, cháu là người của một chế độ, giữa chúng ta có bao nhiêu là cái khác nhau.
Quân đưa mắt nhìn tôi, gương mặt anh sáng lên như thấp thoáng có một nụ cười:
- Đúng vậy thật. Cậu có cách gì nói cho bọn mình hiểu rõ thêm một chút không?
- Có chứ, tháng 12 năm 75, cháu vào Sài Gòn làm việc tại một xí nghiệp sơn. Giám đốc vốn là kỹ sư cơ khí ở Viện thiết kế thuộc Bộ cơ khí luyện kim, một phó giám đốc là trung cấp kỹ thuật cơ khí, và một phó giám đốc nữa làm công tác kinh doanh. Trong bốn người ở Hà Nội vào, chỉ có cháu là biết kỹ thuật làm sơn, nên vừa là trưởng phòng kỹ thuật, vừa làm vật tư, rồi làm kế hoạch kiêm luôn cả tính toán giá thành.
Anh Đại lại giơ tay, hỏi xen:
- Xin lỗi, cho bác hỏi Bình một chút, cái sujet cháu chọn làm luận án tốt nghiệp là gì? Bác cũng là một kỹ sư hóa học, hai bằng, một bằng của trường đại học Wiesbaden và một bằng của trường đại học Toulouse. Nhưng cổ lắm rồi, tốt nghiệp từ nửa thế kỷ trước là quá cổ!
- Thưa bác, đề tài làm luận án tốt nghiệp của cháu là phân tích đồng vị bền của các nguyên tố hóa học bằng phương pháp khối phổ. Cháu xin nói tiếp, làm vật tư của một xí nghiệp mới tiếp nhận trong năm 75 có nghĩa là đem tiền mặt đến gặp các nhà buôn vật tư ở Sài Gòn. Tiền đút vào trong bao bì, vài ba trăm ngàn là thường, tính theo tiền bây giờ đấy. Giá cả chưa có ai định cho hết. Tự cháu đặt ra giá cho xí nghiệp, tự cháu đi mua và tự cháu quyết toán. Nguyên liệu làm sơn có bảy tám thứ, xin lấy một thứ làm ví dụ, như nhựa an-kít chẳng hạn. Giá một kí lô nhựa từ 2đ20 đến 2đ60 là mua được mà mỗi ngày phải dùng từ hai đến ba tấn nhựa an-kít. Trong việc mua bán này có một người đứng ra làm môi giới, anh ta là đại diện cho một nhà máy làm sơn của tư nhân, có nguyên liệu thừa bán cho xí nghiệp của cháu. Chúng cháu thỏa thuận với cái giá 2đ20 một kí lô nhựa, mà mình ước tính ở nhà có thể từ 2đ40 đến 2đ60. Người môi giới còn gợi ý sẽ ghi giá tiền trong hóa đơn là 2đ40, một cách giữ khách hàng mà, cái số thừa hai hào một ký sẽ tùy nơi mình trích ra một khoản nho nhỏ biếu họ làm tiền trà thuốc. Một lần mua là từ mười tấn đến mười lăm tấn. Mỗi cân được lời hai hào, các bác tính đi, chỉ cần gật đầu một cái, có ngay trong tay từ hai đến ba ngàn bạc. Một tháng cháu mua khoảng bảy mươi đến chín mươi tấn, thu chi các khoản rồi, có thể bỏ túi được mười lăm ngàn. Mười lăm ngàn của năm 75, giá vàng có ba đồng một lượng! Một món tiền không nhỏ tí nào, mà lương trưởng phòng kỹ thuật vẻn vẹn có tám mươi đồng bạc. Cháu xin nói thành thật với các bác, cháu vẫn yêu cầu anh kia ghi trong hóa đơn là 2đ20, lại trích một khoản tiền là hai trăm ngàn tặng riêng anh để chi vào các khoản phí tổn. Anh ta hỏi cháu: "Anh không có gì sao? Tôi sẵn sàng ghi vào hóa đơn là 2đ40, có gì là không hợp pháp?". Cháu trả lời: "Chúng ta tính toán có khác nhau. Anh là người làm công cho một xí nghiệp, còn tôi là người chủ của một xí nghiệp".
Nét mặt Quân cứng lại, hoàn toàn không tự nhiên, tôi biết anh đang cố kìm giữ sự xúc động. Anh nói đúng, ngay với một tình báo viên già dặn cũng không thể tự giấu kín với tất cả, trong mọi lúc. Làm sao có thể tự chủ được trước những xúc động rất bất ngờ? Chị Hoàng kêu não nuột:
- Cái họ Trần chẳng có dính dáng gì đến mày mà sao mày giống người họ Trần thế. Dở hơi, một lũ dở hơi, tam tứ đại dở hơi!
Anh Chương bình phẩm:
- Được đấy, rất được đấy! Cái tiếng bao giờ cũng đẹp hơn cái miếng, nhưng rồi có ngày sẽ khổ vì cái tiếng Bình ạ.
Chị Hảo cũng than thở:
- Tôi cũng là người họ Trần, nhưng không đến nỗi ngốc nghếch như anh. Thiếu gì người ăn vụng, miếng ăn của họ còn to gấp trăm lần của anh ấy chứ. Anh sạch nhưng anh nghèo người ta cũng khinh cho.
Bình vẫn cười rất hồn nhiên:
- Năm ngoái, cháu là phó phòng kỹ thuật của Công ty sản xuất công nghệ phẩm, nên được làm ủy viên thường trực của tổ cải tạo tư bản tư doanh thuộc ngành công nghệ phẩm. Có một hộ sản xuất sơn hắc ín ở quận 6, nhỏ thôi, có chừng hai chục người làm. Cơ sở này thuộc diện được giải tỏa, nhưng chưa kịp làm thì người chủ đã tới gặp cháu rồi. Ông ta xin được tiếp tục sản xuất, vì nguyên liệu cũng chẳng còn được bao nhiêu, sau đó sẽ xin đi vùng kinh tế mới, ở đó cũng có nhiều mối bạn hàng. Ông ta nhấn mạnh: "Xin ông giúp cho, chúng tôi không bao giờ dám quên ơn ông". Việc chẳng có gì, nhưng cái thủ tục hành chính của mình nó rềnh ràng chậm chạp nên thường phải kéo dài từ hai tuần đến một tháng, mà họ thì muốn làm cho nhanh, trong một hai ngày. Làm thế nào được! Nhưng chỉ năm ngày sau, trên đường đến sở làm, cháu gặp lại ông chủ làm sơn hắc ín, ông ta đã giơ tay lên, cười toe toét: "Chào anh nhá! Cái việc của tôi thế mà xong rồi!". Tức là ông ta đã được một ông cán bộ nào đó tận tình giúp đỡ rồi.
Chuyện của hôm nay dẫu buồn đến đâu, dẫu bực đến đâu vẫn cứ vui, vì nó là máu thịt của hôm nay, của giờ này, nó tươi rói, nó đỏ hồng. Cả mọi người đều cười, cái cười thật tự nhiên, thật sảng khoái. Chuyện đời mà, có thể này và cũng có cả thế kia, đâu chỉ có một màu duy nhất. Bình cũng vui, anh kể cho vui chứ không có ý định tranh cãi:
- Chưa bao giờ anh tư sản cỡ nhỏ làm giàu lại dễ như bây giờ. Xưa kia còn bị hàng hóa nước ngoài cạnh tranh, nay không có hoặc chỉ có rất ít, cũng không bị bọn tư bản cá mập khống chế, chèn ép, xí nghiệp của họ bị trưng thu rồi, người quản lý cái tài sản ấy là bọn cháu, mà chúng cháu làm ăn còn dở lắm, nên chưa làm ra được nhiều sản phẩm, hoặc có sản phẩm nhưng giá thành lại cao. Năm vừa rồi, một xưởng mỹ phẩm ký hợp đồng với một xí nghiệp cỡ nhỏ làm ve chai, người chủ là Hoa kiều, còn trẻ nhưng khéo lắm, ma quỷ lắm. Nhà nước phải cung cấp cho họ một số hóa chất khan hiếm như sôđa, ASH, tức sôđa không ngấm nước, hay sôđa khan cũng thế. Họ nhận làm vì có lợi, công làm thì chịu lỗ, nhưng lãi cái phần bớt xén định mức vật tư của nhà nước. Khi cháu xét cái định mức vật tư giao cho họ thấy dư nhiều, muốn bớt đi nhưng anh em không bằng lòng, hợp đồng đã ký rồi, nói đi nói lại sao tiện. Vả lại xí nghiệp quốc doanh làm thủy tinh còn đòi định mức cao hơn, mà sản phẩm lại xấu hơn thì sao? Rồi nguyên liệu cũng không còn để đưa cho họ nữa, họ xin được tự xoay sở lấy, cuối cùng mắc nợ tới 20 tấn sôđa khan, mà mỗi kí lô giá ngoài từ hai mươi đến hăm sáu đồng. Xí nghiệp này báo nợ lên Sở, Sở cử người xuống một đoàn kiểm tra xem xét lại thì ông chủ Hoa kiều liền gạt đi, nói là không có nợ, làm gì có nợ? Mà nợ họ thật. Nợ trên dưới hai chục vạn! Một thằng buôn, vốn tính toán chi li từng đồng, bỗng dưng vứt bỏ hai chục vạn như mớ giấy lộn? Kỳ quái chưa? Chắc hẳn cái bên trong phải có rất nhiều trò lắt léo. Khi cháu hỏi đồng chí giám đốc, ông nói rất nhẹ: "Mình nợ thật, nhưng họ lại bảo không có nợ thì mình cũng lờ luôn, càng hay!"... Dễ nghe chưa? Mà chịu đấy! Làm viên chức thời xưa thì chịu, việc của thượng cấp có dính dáng gì đến mình. Nhưng cháu lại sinh vào cái thời này, là một viên chức của nhà nước cách mạng nên cháu sẽ không chịu, mà phải làm cho rõ lẽ. Cháu biết là cháu có thể thua, vì cái ông ấy vừa được Sở khen thưởng, lại được đề bạt làm phó giám đốc một liên hợp xí nghiệp hết sức quan trọng rồi.