Chương 6

Ca Thơ cùng Diệu Linh về lại Sài Gòn ngay buổi chiều sau khi ghé qua nhà. Ông Công đang coi ti vi. Ông ngạc nhiên khi thấy Thơ về sớm, bên cạnh còn có cả Diệu Linh, ông hỏi:
– Con gái không đi làm à? Còn Diệu Linh, cháu xuống lâu chưa?
Diệu Linh cười tươi:
– Cháu nhận lệnh của mẹ cháu phải xuống rước Ca Thơ lên Sài Gòn. Bác cho phép Ca Thơ lên nhà cháu chứ?
Ông Công cau mày:
– Đã xảy ra chuyện gì hả Linh? Kể cho bác nghe coi?
Diệu Linh cười nhẹ:
– Đâu có gì ạ. Cháu phải mời Ca Thơ lên làm cố vấn cho người mẫu của mẹ cháu.
Ông Công hiểu ra:
– Vậy mà không chịu nói ngay để bác lo con bé Thơ đã làm hư chuyện của mẹ cháu.
– Ngược lại đó bác ơi! Công ty cháu đoạt giải, chắc chắn Ca Thơ có phần thưởng xứng đáng. Cháu sẽ nói ba mẹ cháu xây lại nhà cho bác.
– Ba đừng nghe Diệu Linh nói lung tung. Nhà này đâu đã xuống cấp gì, còn ở được cho đến khi nào, tự ta đủ khả năng, ta nhất định biến căn nhà của ta thành căn nhà đẹp không thua gì nhà anh Quang bên cạnh.
Diệu Linh cong môi:
Ta nói nghiêm túc đấy. Hiện tại, công ty đã có phần thường lớn cho bộ sưu tập của Ca Thơ, đây là qui định chứ không phải mẹ ta trả công cho Thơ đâu.
Nếu công ty đoạt thêm giải trình diễn trang phục, các hợp đồng được ký kết, Ca Thơ cũng có phần lương nữa đó.
Ca Thơ rùn vai:
– Ta không nhận thì sao?
– Điên quá nhỏ ơi. Công sức của nhỏ, chứ đâu phải mẹ ta cho không Thơ.
Tại sao lại từ chối thành quả của mình?
Ông Công chậm rãi:
– Chuyện đâu còn đó. Hai đứa về Sài Gòn thì thu xếp đi cho khỏi tối.
Ca Thơ dịu dàng:
– Ba đừng nhân lúc con vắng nhà, tự ra ngoài tìm việc nhé. Ba phải uống thuốc đúng toa đấy.
– Ôi! Con bé này, làm như ba là con nít hay sao, con phải dặn kỹ thế hả.
– Con lạ gì tính ba, con không ở nhà, không canh chừng giờ giấc, e rằng ba sẽ bỏ uống thuốc ấy. Con đi hai ngày mới về nên con không thể yên tâm cho sức khỏe của ba.
– Chị Hai đừng bận tâm. Em sẽ không để ba phải ăn bánh mì trừ cơm đâu.
Giọng Ca Thi vang lên.
Ca Thơ mừng rỡ:
– Em đi học về rồi hả Thi, vậy tốt rồi.
Ca Thi cười:
– Chị Hai định nói gì với em hả? Nếu là việc chăm sóc ba, thì chị đừng lo.
Em không tệ đến mức hai cha con phải ra chợ mua cơm về ăn đâu.
Ca Thơ cười:
– Nghe em nói, chị yên tâm giao ba cho em đó. Chị phải lên nhà chị Linh vài ngày, em ráng lo cơn nước đủ đầy để ba ăn uống cho nóng nghe Thi.
– Dạ?
– Nhớ nhắc ba uống thuốc theo toa nhé! Ba chưa thật sự ổn định đâu. Đừng nấu cơm khô quá và nhất là phải nấu canh, mùa này thời khô nóng, ăn uống không canh, không rau, con người dễ mệt mỏi lắm.
Ca Thi ôm vai Thơ:
– Chị hai, chị dặn kỹ cứ như chị đi lấy chồng mấy tháng mới ghé nhà vậy.
Hai ngày thôi mà.
Ca Thơ trầm tĩnh:
– Tại chị lo chứ bộ.
Ông Công gắt đùa:
– Còn không mau đi cho sớm, con dặn hoài ba sẽ quên luôn đó.
Ca Thơ cười nhẹ:
– Con xin phép ba, tụi con đi đây.
– Chạy xe cẩn thận nghe Diệu Linh, đường sá đạo này xe cộ nhiều lắm, Ca Thơ tay lái còn yếu, cháu đừng để nó chạy xe nhé.
Diệu Linh cười:
– Cháu biết rồi, thưa bác cháu đi! Chị đi nhé Thi.
Diệu Linh đề máy chiếc Dylan, trước khi cho xe chạy, cô còn nhìn qua nhà Quang. Cổng nhà Quang khép kín, nhưng trong sân có vài chiếc xe máy và phòng khách nhà anh vọng ra tiếng cười nói rộn rã. Chắc nhà Quang đang có khách nên anh đã không ra gặp Ca Thơ, Linh lao xe ra khỏi con hẻm nhỏ.
Bà Hân vừa nghe tiếng còi xe ngoài cổng, bà bật đậy nói với chồng:
– Chắc con Linh về.
Ông Hân cười:
– Kiểu nhấn còi đó ngoài con gái cưng của em ra, còn lẫn với ai chứ. Bây giờ em yên tâm được chưa? Để anh ra mở cổng cho con.
Bà so vai:
– Em chưa nhìn thấy Ca Thơ thì em chưa thể yên tâm. Anh cứ ngồi xuống, em mở được mà.
Bà mau mắn chạy ra mở cổng. Diệu Linh ngạc nhiên:
– Chị Minh đâu, sao mẹ lại mở cửa?
Bà Hân cười nhẹ:
– Bộ mẹ không thể làm được công việc này hay sao?
– Con chỉ thấy lạ nên nói thế thôi. Chứ mẹ thì con đâu dám chê ạ.
– Cha cô, bẻm mép vừa thôi.
Ca Thơ kêu nhỏ:
– Người ta nói “mẹ hát con khen hay” chứ phải Diệu Linh múa mép đâu dì ơi.
– Cháu chào dì.
Bà Hân cầm tay Ca Thơ:
– Cháu chịu lên nhà dì thì tốt quá rồi. Từ trưa đến giờ dì cứ lo cháu không thể đi xa.
Ca Thơ cười cười:
– Cháu từ chối được dì và Diệu Linh ư?
Bà Hân cười tươi:
– Dì biết Ca Thơ của dì luôn là người trọng tình trọng nghĩa. Nào, vô nhà đi cháu.
Diệu Linh nói:
– Bây giờ trong mắt mẹ chỉ còn Ca Thơ thôi. Mẹ hãy tiếp nó nhé, con phải ra ngoài chút nữa.
Bà Hân cau mày:
– Tối rồi, ba con đang chờ con về để cùng ăn cơn. Con muốn gì chứ, khi không lại giận lẫy.
Diệu Linh cong môi:
– Ai nói với mẹ con giận lẫy, là con muốn ra ngoài mua vài món trái cây Ca Thơ thích. Tối nay tụi con phải thức để làm việc mà.
Bà Hân cười:
– Tưởng gì, chứ mấy thứ vặt vãnh đó, mẹ đã mua đủ cả, có thêm trái ổi xá lị bịch muối ớt Tây Ninh, mẹ để tất cả trong tủ lạnh. Con cứ ở nhà ăn cơm, lát nữa muốn ăn gì thêm, mẹ sẽ mua cho con, được chưa nào?
Ca Thơ lần đầu tiên lên nhà Diệu Linh, cô không ngờ ba mẹ Diệu Linh sau thời gian xa cách gia đình cô, bây giờ họ đã có một cơ ngơi sang trọng. Cuộc thi thời trang lần này thành công, họ tạo được cho mình một thương hiệu riêng, chắc chắn gia đình bà Hân còn giàu hơn nữa. Cô chạnh lòng nghĩ đến hoàn cảnh của mình mà ngậm ngùi.
Ông Hân vui vẻ hỏi thăm tình hình sức khỏe ba Ca Thơ. Tình thân mà ba mẹ Linh dành cho Ca Thơ, phần nào khiến cô ấm lòng, không còn e dè, mặc cảm nữa.
Bữa cơm tối kết thúc, Diệu Linh chở Ca Thơ đến công ty Mùa Hạ, những cô người mẫu nổi tiếng được bà Hân mời đã tới. Họ sẽ là những người mặc các bộ đồ do Ca Thơ thiết kế. Mùa Hạ đoạt giải hay không cũng nhờ vào hình dáng xinh tươi của các cô gái Minh Thư, Ánh Loan, Yến Ngọc, Khánh Mỹ... này đây.
Ca Thơ không tin rằng bản thân cô đã tạo nên dược các bộ thời trang rất bắt mắt. Buổi tập diễn ra nghiêm túc đúng theo sự hướng dẫn của đạo diễn.
Diệu Linh không nén được cảm xúc, cô nói với Ca Thơ:
– Linh hoàn toàn bị bất ngờ khi nhìn các chị ấy mặc đồ của Thơ cắt may. Ai tin nổi nhà thiết kế lại bình dị tới mức quê mùa trong trang phục chính mình.
Ca Thơ so vai:
– Đừng khen nhiều quá, kẻo mũi ta nổ cái đùng thì gay đấy. Đẹp, ai nhìn cũng thích, ta giống Linh thôi. Khổ nổi, để có một bộ đồ đẹp, quá tin kém, người lao động chỉ có thể mơ chứ không dám xài. Ta đã thử tạo mẫu trên chất liệu vải thường, giá bình dân. Nhìn bên ngoài ai biết chứ. Nhưng còn các ông bà chủ, người sẽ đầu tư để tung hàng ra thị trường họ có nghĩ tới khát khao của người nghèo không? Hay họ sẽ tăng giá bán lên rất cao? Ta buồn là vậy.
Diệu Linh gật đầu:
– Thơ nói phải, nhà đầu tư sản xuất họ cần lợi nhuận, kinh doanh mà.
Ca Thơ nhếch môi:
– Nhưng đừng quên rằng xã hội nào, mức tiêu thụ lớn hơn cả vẫn nhằm vào các tầng lớp dân lao động.
– Ý của Thơ, hàng bán ra nhiều, lời ít một chút cũng không lỗ phải không?
– Ăn nhau ở số lượng hàng tiêu thụ nhiều hay ít.
– Linh sẽ bàn với mẹ ý kiến của Thơ.
– Dì Hân bán giá bình dân. Ca Thơ hứa thiết kế cho dì những mặt hàng độc quyền. Thơ không nói láo đâu. Chỉ cần thêm vài nút thắt, sửa một nắp túi áo thôi bộ trang phục sẽ khác mốt liền. Tuổi xì tin bây giờ các cô cậu thích mô đen, không cần vải đẹp. Mặc vài ba lần họ bỏ ấy mà.
Thơ rất rành trang phục, vậy mà cuộc sống của Thơ quá đơn giản. Sau lần này, Thơ nên thay đổi đi.
– Ước mơ muôn đời chỉ là ước mơ thô. Dù sao ta nên đối diện thực tế.
Hai cô gái trở về nhà khi thành phố đã đi vào chiều sâu của màn đêm. Bà Hân vẫn còn thức chờ cửa.
Diệu Linh nhăn nhó:
– Mẹ à, con đâu còn nhỏ nhặt nữa, cơn nói hoài sao mẹ cứ thức chờ con thế.
Bà Hân nhẹ giọng:
– Tại mẹ lớn tuổi khó ngủ. Hơn nữa, mẹ muốn chờ hai đứa để thông báo một chuyện.
Ca Thơ hỏi:
– Xảy ra chuyện gì hay sao dì?
Bà Hân lắc đầu:
– Không! Ban tổ chức cuộc thi gởi giấy mời đặc biệt cho người thiết kế thời trang.
– Dì muốn cháu cùng đi, Thơ ạ!
Ca Thơ chối phắt:
– Cháu xin lổi, cháu không đi đâu dì ạ!
Diệu Linh nhìn Thơ:
– Tại sao hả Thơ? Nếu vì lo cho sức khỏe của ba Thơ, những ngày Thơ ra Hà Nội, ba mẹ Linh sẽ cho người xuống phụ Ca Thơ.
Bà Hân gật đầu:
– Diệu Linh nói phải đó cháu. Cháu không thể vắng mặt vì hôm ấy ban tổ chức cuộc thi còn trao giải thưởng cho người thiết kế thời trang.
Ca Thơ cười hiền:
– Được ra Hà Nội, được ngồi vào hàng ghế dành cho khách mời ở một nơi mà cháu không hề mơ ước, cháu cũng ham đi lắm. Cháu không phải lo cho ba, cũng không vì sự eo hẹp kinh tế. Tại cháu không thể cùng lúc trở thành nhà thiết kế cho cả 2 công ty. Dì hãy hiểu cho cháu.
Diệu Linh lanh chanh:
– Thơ nói vậy ta phần nào cảm thông được nỗi khổ của Thơ. Nhưng chắc chắn Đông Phương cũng có giấy mời cho Thơ, chả lẽ Thơ cũng từ chối?
Ca Thơ méo mó:
– Biết chọn cách nào hơn, là do ta ôm đồm nên phải lãnh hậu quả thôi. Ta không thừa nhận mình đã thiết kế thời trang cho Linh và cả Đông Phương là được chứ gì.
Bà Hân trầm tĩnh:
– Cháu không nhận vậy ai thay cháu được hả Thơ?
Ca Thơ rùn vai:
– Điều này cháu dự tính trước rồi. Tại dì và Diệu Linh vì vui mừng quá nên không nhìn kỹ tên người thiết kế, ở những mẫu trang phục cháu đều ghi tên tắt của Diệu Linh.
Diệu Linh trợn mặt:
– Trời đất! Ai biểu Thơ làm vậy hả? Như thế là không công bằng, khó khăn lắm Thơ mới tạo cho mình được cơ hội, Linh không thể “ngồi mát xơi bát vàng”. Linh không nhận đâu, kệ Thơ đấy.
Ca Thơ bình thản:
– Giữa chúng ta còn có sự tính toán cặn kẽ chi li vậy à? Linh phải nhớ một điều, Linh được đào tạo qua trường lớp bên Pháp có bằng chứng chỉ chuyên viên ngắn hạn. Còn Thơ thì chả có gì cả, đừng khiến Thơ khó nghĩ.
Hiểu tính Ca Thơ nói sao làm vậy, mẹ con bà Hân đành thở dài chấp nhân sự sắp đặt do Thơ tạo nên. Bà Hân chỉ yêu cầu:
– Hứa với dì, cháu sẽ nhận tất cả giải thưởng của ban tổ chức trao, dù dưới hình thức nào.
Ca Thơ đồng ý. Cô đơn giản nghĩ rằng giải thưởng bất quá cũng chỉ là nón quà tượng trưng. Cô nhận để Diệu Lình vui cũng được.
Đúng như lời cảnh cáo trước của Diệu Linh. Tối hôm sau Ca Thơ về nhà, cô ngỡ ngàng khi thấy Vĩnh Hoàng đang ngồi nói chuyện cùng ba cô.Căn phòng khách bé xíu, chiếc ghế nhựa cũ mèm. Vậy mà câu chuyện giữa hai người đàn ông cứ nổ như bắp rang. Ca Thơ nhận ra vẻ mặt vui vẻ, giọng nói của ba đã trở về sự sảng khoái như hồi ba chưa đổ bệnh. Anh chàng Vĩnh Hoàng này quả là đa hệ. Ba của Thơ vốn nghiêm khắc. Ông ít khi cởi mở trước người lạ. Vậy mà hôm nay Vĩnh Hoàng đã làm được.
– Thưa ba con mới về!
Ca Thơ khẽ chào ông Công, Quay nhìn Hoàng, cô nói:
– Giám đốc tìm tôi có việc gì à?
Ông Công cười cười:
– Con về thì tốt rồi, Cậu ấy chờ con cả buổi chiều nay đấy. Con tiếp cậu ấy nhé! Cậu cứ thoải mái trao đổi với Ca Thơ, tôi không cản trở công việc của con gái tôi đâu, tôi xin phép được vào phòng nghỉ trước.
Ca Thơ vội vã:
– Ba để con đưa ba về phòng.
– Ba đâu có bệnh hoạn gì, con đừng biến ba chưa già đã cỗi như vậy.
Ca Thơ cười nhẹ:
– Con xin lỗi, con không có ý đó. Dì Hân gửi cho ba ít thuốc bổ con từ chối không được, phải nhận đưa về cho ba dùng.
Ông Công chép miệng:
– Hai cái người đó, cả con bé Diệu Linh nữa muốn ba là bệnh nhân hoài chắc. Ca Thi học thêm chưa về, cũng chưa ăn cơm chiều, lát em về con nhớ nhắc nó ăn uống điều độ, kẻo bao tử nát như ba nữa. Cậu ngồi chơi nhé!
Vĩnh Hoàng từ tốn:
– Dạ! Xin bác cứ để cháu tự nhiên ạ.
Chờ ba vô phòng, Ca Thơ mới hất mặt:
– Anh tìm tôi làm gì thế?
Vĩnh Hoàng cười cười:
– Phải có lý do tôi mới đến đây được à?
Ca Thơ mím môi:
– Tôi không đùa đâu. Nếu anh chờ tôi chỉ để nói chuyện tếu, thì xin lỗi anh, tôi bây giờ chỉ muốn... tiễn khách để đi ngủ.
Vĩnh Hoàng kinh ngạc:
– Mới hơn 7 giờ, ai ngủ vào giờ này?
– Tôi là gà mà. Anh không nói là tôi để anh ngồi một mình đó. Tôi buồn ngủ lắm.
Hoàng trầm tĩnh:
– Cô thật khác các cô gái tôi từng quen. Tôi chưa hề bị ai đuổi cả. Cô là người đầu tiên đấy.
Miệng nói, tay Hoàng lấy từ túi áo ra một phong bì màu hồng đặt trước mặt Ca Thơ:
– Tôi gởi Thơ cái này.
Ca Thơ kêu lên:
– Sếp cũng thích chơi trò thư từ à? Lãng mạn nhỉ, nhưng tôi rất ghét đọc thư tình của người ta.
– Đây không phải là thư tỏ tình.
– Vậy nó là cái gì?
– Giấy mời của ban tổ chức cuộc thi thời trang toàn quốc.
– Gửi cho tôi à?
– Ca Thơ là nhà thiết kế, tất nhiên họ gởi giấy mời cô.
Ca Thơ chậm rãi:
– Tôi không đi đâu.
Vĩnh Hoàng kêu nhỏ:
– Tại sao? Cô không muốn vươn lên, không muốn trở thành một người nổi tiếng à?
– Tôi... tất nhiên là tôi có mục đích riêng.
– Làm người, phấn đấu để đạt d0ược ước mơ không phải ai cũng hoàn thành tâm nguyện của mình. Trở thành nhà thiết kế, cô sẽ có tiền, gia đình cô sẽ được thoải mái hơn bởi cuộc sống của cô không còn vất vả nữa. May mắn hơn, cô được ra nước ngoài, được học hỏi ở các nước bạn. Người ta tốn kém bạc tỉ, thậm chí rất nhiều cô gái sẵn sàng đổi cả nhân cách của họ....
Ca Thơ ngắt lời Hoàng:
– Anh không cần dẫn chứng để thuyết phục tôi. Tôi tự biết bản thân tôi cần gì, lúc nào. Tôi chỉ may mắn chút đỉnh, còn thực lực tôi chưa đủ trình độ lấn thời gian để được xã hội công nhận một cách tâm phục, khẩu phục vì thế tôi xin được từ chối lời mời này.
Vĩnh Hoàng chép miệng:
– Tôi thì dễ rồi, nhưng cô biểu tôi phải giải thích thế nào về các mẫu trang phục?
– Chủ nhân của nó chả lẽ không tồn tại?
Ca Thơ cắn môi:
– Tôi nghĩ anh nên chọn một kỹ sư nào đó giỏi nhất phòng thiết kế và tuyên bố những bộ thời trang đó là của họ.
Vĩnh Hoàng lắc đầu:
– Cô đừng xúi tôi làm bậy. Pháp luật ban hành luật dành cho các tác giả trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, hội họa, ca nhạc, không ai có thế đánh cắp bản quyền của người khác.
Ca Thơ nhẹ nhàng:
– Là tôi tự đồng ý, tôi không đòi hỏi, không bố giác anh thì ai tố giác anh chứ.
– Vậy nhé!
Vĩnh Hoàng vẫn nói:
– Thơ không thuyết phục được tôi theo kiểu bằng cấp đâu. Cơ hội chỉ đến một hai lần trong đời, tôi không muốn Thơ thiệt thòi. Tôi biết cô có nỗi vướng mắc trong lòng, cô không thể nói ra. Tôi càng không thể lợi dụng cô. Chính bà ngoại tôi rất muốn cô đi cùng. Theo nguyên tắc, tất cả những bộ sưu tập mẫu, được thiết kế trình diễn đều phải có chuyên viên đi cùng. Ca Thơ phải đi thôi.
– Anh đừng ép tôi, được không?
– Tôi không hề ép cô. Tôi chỉ muốn tốt cho cô.
Ca Thơ cắn môi, cô đâu phải người không hiểu lý lẽ. Cô thuyết phục được Diệu Linh cũng vì sợ Đông Phương bắt cô xuất hiện. Bây giờ cô không lui được rồi. Liệu khi biết cô chỉ vẽ theo ngẫu hứng tự nhiên, người ta sẽ nghĩ gì về cô.
Trân trọng, biểu dương? Hay khinh khi, bài xích? Ca Thơ ơi. Phải làm sao đây?
Vĩnh Hoàng lặng lẽ quan sát Ca Thơ. Tương lai của cô phụ thuộc lần này đấy.
Ca Thơ thở dài:
– Mấy ngày nữa phải tập trung?
Vĩnh Hoàng vui vẻ:
– Cuối cùng cô đã nghĩ được thông suốt. Chỉ còn ba ngày, Thơ cần chuẩn bị gì không?
Ca Thơ chậm rãi:
– Tôi chưa bao giờ đến những nơi sang trọng, chưa một lần xuất hiện trước đám đông. Anh khiến tôi không biết phải chuẩn bị gì.
Vĩnh Hoàng nhiệt tình:
– Việc ăn ở, công ty chi trả hết. Hà Nội mùa này đang vào thu, trang phục không cần rườm rà, tốn kém. Ngày mai tôi sẽ dẫn cô đi mua thêm vài thứ đồ dùng.
Ca Thơ so vai:
– Tự nhiên anh tốt với tôi quá vậy. Anh đừng gây thêm sự hiểu lầm cho Mẫn Chi của anh. Tôi tự biết lo cho bản thân mình.
– Cái gì mà Mẫn Chi của tôi. Tôi và cổ là bạn bè thôi. Lần này cô ấy hận tôi chất ngất kìa. Bởi tôi đã thắng cổ mà không cần sự trợ giúp từ cô ấy. Không sao, tôi quan tâm cô vì cô đã giúp công ty, vì cô là thư ký của tôi. Nói thiệt nhé, dù không có giấy mời của ban tổ chức, cô vẫn phải đi cùng tôi đó. Công việc mà.
Bây giờ tôi về đây, nãy giờ nhìn cô ngáp hoài, tôi thấy tội nghiệp Thơ quá. Cho tôi gởi lời chào bác trai.
Dứt lời, Vĩnh Hoàng đứng lên. Ca Thơ kéo áo Hoàng:
– Khoan đã!
– Còn gì à?
– Tôi nhận phong bì có giấy mời, còn phong bì này anh đem về cho.
Vĩnh Hoàng điềm đạm:
– Số tiền này là tiền thưởng của công ty dành cho cá nhân nào có những đóng góp đem lợi nhuận về cho công ty:
Không phải tiền tham ô lạm dụng gì, Thơ hãy nhận lấy, mới là muột phần tư số tiền Thơ sẽ nhận được sau cuộc chung kết.
Mồ hôi, sức lao động của Thơ tạo nên đó.
Ca Thơ nghẹn giọng:
– Giám đốc... anh nói thật hả?
– Thật trăm phần trăm. Tôi nói dối Thơ, lần sau Thơ cứ việc đuổi tôi ra khỏi... nhà Thơ.
Vĩnh Hoàng cười thật tươi. Ca Thơ không biết phải làm sao, cô ngẩn ngơ, hết nhìn theo Hoàng lại nhìn xuống tay. Chiếc bì thư khá nặng. Cô tròn mắt trước sấp tiền dày cộm, còn seri, giấy bạc một trăm ngàn đồng. Chắc phải 10 triệu. Hoàng có lầm không nhỉ? Chỉ với 5 bộ thời trang mẫu thôi. Cô dễ dàng có được số tiền khá lớn từ công ty Đông Phương và Mùa Hạ! Hoàng nói đúng, đến lúc cô cần làm gì đó thật lớn cho tương lai của mình và cả gia đình cô.
Mẫn Chi sững sờ, các cô người mẫu của công ty Đông Phương lần lượt trình diễn đủ tám loại thời trang được chấm điểm lọt vào vòng chung kết. Vĩnh hoàng là đàn ông vậy mà anh đã thành công trên lĩnh vực tạo mẫu mã cho phái nữ. Từng bộ đồ được biểu hiện theo 1 cách rất tao nhã sang trọng. Đặc biệt nó hoàn toàn mang tính sáng tạo, không lặp lại từ bất kì mẫu hàng nào, Hoàng có những mẫu mã rất phụ nữ, rất đằm thắm như thế, nó không hề giống các bộ thời trang Hoàng thường vẽ. Ra Hà Nội lần này, Mẫn Chi không có dịp đi chung Hoàng. Cô phải tháp tùng bà nội và cả bộ “tổng tham mưu” của gia đình họ Cao.
Bà Mai Lan thở dài:
– Chúng ta thua bà ấy rồi.
Mẫn Chi vỗ về bà nội:
– Bà đừng xúc động như thế bà ạ! Cháu nghĩ chúng ta còn cơ hội. Mùa Hạ chưa thi mà nội.
Bà Lan nhếch môi:
– Bà không biết Mùa Hạ là công ty nào, nó tồn tại ở Sài Gòn đã bao năm. Bà không thể tin nổi, một công ty tập trung nhiều chuyên viên thiết kế nổi tiếng như chúng ta, lại dễ dàng thua họ. Chả lẽ, đã đến lúc chúng ta không thể giữ công ty.
Mẫn Chi kêu lên:
– Nội à! Bất quá chỉ là vài mẫu hàng có cần nội phải đưa người ta lên cao quá như thế không nội?
– Cháu không hiểu được đâu.
Trên sàn diễn, các cô người mẫu đang khoe những bộ trang phục mùa hè rất đẹp, rất khỏe, đầy cá tính, lại nhí nhảnh dễ thương của công ty Mùa Hạ. Người ta xì xầm bàn tán. Mẫn Chi ngỡ ngàng, con nhỏ Diệu Linh chỉ vừa qua một khóa đào tạo ngắn ngày ở Pháp, nó học vì thích chứ không phải vì “nghề nghiệp” như Chi. Vậy mà nó vẫn làm nên được chuyện bất ngờ. Chi đã chủ quan coi thường đối thủ.
Thêm một bất ngờ khiến Mẫn Chi kinh ngạc. Người bước lên sân khấu để nhận giải “nhà thiết kế giỏỉ” lại là Ca Thơ. Con nhỏ “hai lúa” từng bị cô khinh khi ấy, không ngờ lại là người đã cho ra đời tất cả bộ sưu tập của Đông Phương.
Mẫn Chi khẽ đưa mắt nhìn quanh. Đông quá, cô không tìm được Vĩnh Hoàng. Người ta gọi tên cô, tên Diệu Linh, nhưng cô không còn cơ hội bước lên bục vinh quang như cô gái trên kia. Đặng Trần Ca Thơ, một cái tên vừa lạ tai, vừa độc đáo, y như các bộ trang phục cô ta tạo nên. Ca Thơ là bạn Diệu Linh.
Có khi nào Mùa Hạ đã thuê Ca Thơ tạo mẫu không nhỉ? Nếu đúng là vậy, cô nhất định tìm ra sự thật để tố giác Diệu Linh.
Ca Thơ không hề biết cô đang bị Mẫn Chi ghen ghét. Cô đang bối rối trước hàng chục câu phỏng vấn của phóng viên các tòa soạn báo. Người ta đều muốn có được một tiết lộ gì đó về nhà thiết kế trẻ tuổi đầy triển vọng này. Cô không quen kieu bị các ống kính chiếu vào mặt. Ca Thơ cầu cứu Vĩnh Hoàng:
– Anh giúp Thơ trả lời họ đi!
Vĩnh Hoàng giơ tay cười thật tươi:
– Xin lỗi các vị, Ca Thơ của chúng tôi không được khỏe, phiền mọi người đừng hỏi cô ấy nữa.
Một cô phóng viên nhìn Vĩnh Hoàng:
– Anh là gì của cô Ca Thơ? Tại sao anh nó Ca Thơ không khỏe?
Vĩnh Hoàng đìềm tĩnh:
– Tôi là giám đốc phụ trách phần sản xuất hàng của Đông Phương. Ca Thơ không khỏa, vì suốt thời gian để chuẩn bị tham dự cuộc thi cô phải làm việc cả ngày và đêm.
Cô phóng viên mỉm cười:
– Thì ra là vậy. Anh cho tôi hỏi thêm một câu:
Ca Thơ đã có gia đình chưa?
Vĩnh Hoàng so vai:
– Điều này đâu liên quan đến những thành công của cô Ca Thơ. Tôi có thể không trả lời được chứ.
– Tôi đã nói trước đây là chuyện tò mò của các nhà báo. Tại tôi thấy cô ấy còn trẻ, nhưng các bộ thời rang do cô ấy tạo nên lại chứng minh bản lĩnh, kinh nghiệm sống của cổ rất già giặn, đầy cá tính:
– Thật ra thì tôi chỉ có thể nói:
Ca Thơ chưa có gia đình riêng.
– Vậy anh và cô ấy liệu có thể vượt qua giới hạn không?
– Tại sao cô lại hỏi như thế?
– Vì anh luôn nói “Ca Thơ của chúng tôi” nên tôi nghĩ anh và Ca Thơ chắc chắn có mối quan hệ vượt trên cả tính đồng nghiệp.
– Chúng tôi chỉ là bạn.
Dứt lời Vĩnh Hoàng cầm tay Ca Thơ, kéo cô thoát khỏi vòng phỏng vấn của các phóng viên thật nhanh. Họ chỉ dừng lại khi nhận ra mình đang đứng ở một hành lang vắng người. Ca Thơ lo lắng hỏi:
– Đây là đâu thế?
Vĩnh Hoàng thật thà:
– Tôi cũng không biết:
Ca Thơ kêu lên:
– Trời đất, nói như anh thì chúng ta đã ra khỏi nhà văn hóa à?
– Tôi nghĩ là thế. Vì lúc đó để giúp cô thoát khỏi các nhà báo, tôi cắm đầu cắm cổ kéo cô đi lối sau. Nhưng Thơ yên tâm. Hà Nội đối với tôi cũng dễ tìm một địa chỉ như Sài Gòn thôi. Cô đừng căng thẳng quá.
Ca Thơ khổ sở:
– Anh bảo tôi không căng thẳng được à? Tôi đang rầu thúi ruột vì sự nặng nề từ những bó hoa này đây. Cứ ôm mãi chúng trên tay thì trước sau gì tôi cũng bị người ta tò mò, phát hiện được tôi là ai. Vứt hoa đi thì tôi lại thấy mình có lỗi với những người ái mộ mình. Sao mà tôi thèm được ung dung tự tại thế.
Vĩnh Hoàng như thông cảm:
– Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ mau chóng gọi taxi để chúng ta cùng về khách sạn.
Ca Thơ gật đầu:
– Anh mau kêu đi! Tôi vừa đói vừa buồn ngủ đây này.
Vĩnh Hoàng rút điện thoại, anh gọi hãng taxi Gia Lâm. Ca Thơ so vai, khi thấy Hoàng bấm máy:
– Này anh biết chúng ta đang ở đường phố nào không, mà gọi họ nhỉ?
Vĩnh Hoàng bứt tóc, chép miệng:
– Khỉ thật! Tất cả đều tại mấy tay nhà báo mà ra cả. Thôi, Thơ cố gắng thêm chút nữa tìm được tên đường phố, mới có thể định hướng về khách sạn.
Ca Thơ im lặng đi bên Hoàng. Cô chỉ nghe đói bụng, còn đôi chân của cô vẫn dư sức dạo khắp phố phường Hà Nội trắng đêm. Vĩnh Hoàng như đọc được suy nghĩ của cô. Anh dừng chân bên một gánh hàng rong vỉa hè. Ca Thơ chớp mắt:
– Anh hỏi đường hả? Thành phố chứ đâu phải thôn quê, chịu khó đi chút nữa sẽ thấy tên phố, trước mặt có ngã ba kìa.
Vĩnh Hoàng trầm ấm, kéo tay cô:
– Chúng ta ăn tạm tô bánh đa nhé?
Ca Thơ hỏi:
– Bánh đa là món gì?
– Giống bánh phở, Ca Thơ ăn rồi biết, không tệ đâu.
Người phụ nữ niềm nở:
– Cô cậu ăn canh nhé! Bánh đa cua hay bánh đa giò heo. Ngồi xuống đi cô.
Ca Thơ theo Hoàng ngồi xuống chiếc ghế nhựa thấp tè. Ngay lập tức chiếc bàn tre được gấp theo kiểu bàn dã chiến được đặt ra. Chiếc bàn nhỏ xíu, chỉ đặt vừa hai tô đồ ăn và hộp giấy lau miệng.
Vĩnh Hoàng hỏi Ca Thơ, anh biểu người phụ nữ làm hal tô “bánh đa nấu cua”. Mùi thơm của hành, của tô bánh bốc lên thơm phức. Và đúng như lời quảng cáo của Hoàng. Ca Thơ chưa bao giờ được ăn một món ăn ngon như thế.
Một phần do cô đói bụng thật. Một phần nữa, do cách nấu của người Hà Nội thật sự có một mùi vị riêng biệt.
Vĩnh Hoàng rỉ tai Thơ:
– Nếu muốn, Thơ cứ tự nhiên. Lần đầu tiên tôi ăn món này, tôi ăn tới tô thứ ba.
Ca Thơ cười:
– Công nhận anh cũng ngộ thiệt. Từ Sài Gòn ra Hà Nội, chắc anh đều đi bằng tư cách một giám đốc, có xe đưa xe đón. Sao lại biết ăn mấy món ăn bình dân này chứ?
Vĩnh Hoàng cười nhẹ:
– Thời sinh viên của tôi cũng “ba chìm bảy nổi lắm”. Được gia đình chu cấp tiền bạc dư dả tôi luôn bao bạn bè ăn uống xả láng vào những ngày đầu tháng.
Vậy là những ngày cuối tháng, tôi không còn là “cậu ấm” nữa. Tôi theo bạn bè đi đạp xe ba gác, đi phục vụ đám cưới, cả chuyện viết panô quảng cáo nữa. Việc gì cũng phải làm để phục vụ bao tử không bị lép.
Ca Thơ nhìn Hoàng:
– Anh không xạo đấy chứ. Cậu ấm duy nhất của một bà tổng giám đốc không còn con cháu thừa kế, ngoài anh. Chả lẽ bà tổng để cháu ruột mình thiếu thốn?
Vĩnh Hoàng chậm rãi:
– Bà ngoại rất cưng chiều tôi. Tính bà rất nghiêm, bà không muốn tôi hư hỏng. Bà nhất định không cho tôi thêm, bất cứ tôi năn nỉ thế nào, nếu không giải trình được lý do sự chi tiêu ấy. Bà muốn tôi hiểu được giá trị đồng tiền. Nhờ đó, thời sinh viên của tôi, bạn bè nhớ đến tôi, bởi tôi giống như “người hai mang” vậy.
Ca Thơ cười khúc khích:
– Tưởng anh đi đạp ba gác máy cũng được à Vĩnh Hoàng so vai:
– Đói thì đầu gối phải bò. Chuyện gì làm không được, tất cả phụ thuộc vào mình thôi. Cũng nhờ vậy tôi khám phá ra một điều. Không phải các nhà hàng, quán ăn có bảng hiệu xịn đều nấu được món ngon, thành phố còn rất nhiều con hẻm nhỏ, khó đi, nơi dân nghèo qui tụ lại là nơi có rất nhiều món ăn ngon miệng, rẻ tiền. Nhờ phát hiện này, năm cuối cùng tôi ra Hà Nội bảo vệ luận án kến trúc sư, tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Ca Thơ hỏi tới:
– Theo lời anh kể, anh học kiến.trúc à?
– Ừ! Từ bé tôi đã mê môn họa, thích xếp hình những ngôi nhà. Bà ngoại không cản khi tôi thi đại học kiến trúc. Bà chỉ gợi ý:
“gia đình kinh doanh ngành may mặc, thời trang. Ngoại nghĩ cháu nên theo ngành của ngoại, bà già rồi, tất cả chỉ còn trông cậy vào cháu”. Tôi mất ba đêm suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định học thêm ngành thời trang, vì môn hội họa đồng lúc có thể học được cả hai ngành tôi thích.
CaThơ thở dài:
– Dẫu sao thì anh cũng còn may mắn gấp mười lần tôi. Được đi học luôn là điều hạnh phúc mà tôi khao khát.
– Nghe bác trai nói Thơ thi đậu đại học kinh tế với số điếm hạng ưu. Sao Thơ từ chối nhận học bổng để được học tiếp.
– Cuộc sống đâu chỉ đơn giản gói ghém bằng số tiền học phí mỗi năm. Tằn tiện cỡ nào, thì tôi cũng phải mất vài trăm ngàn mỗi tháng vào việc ăn ở. Ba tôi đau bệnh, ai nuôi chị em tôi nếu tôi cứ ích kỷ, muốn đạt cho được mơ ước của mình. Tôi đâu còn cách chọn lựa.
– Thơ còn ý định học tiếp không?
– Có chứ, là tôi tính đăng ký học tại chức ban đêm, ngày tôi đi làm thêm.
Vĩnh Hoàng trầm giọng:
– Thơ đang nắm trong tay một số tiền khá lớn. Hay là Thơ đi học tiếp?
– Cám ơn lời khuyên của anh. Tôi đã sẵn dự tính tương lai của mình. Bây giờ chúng ta về nhé!
Trả tiền ăn xong, cả hai rảo bước lên ngã ba. Nhìn bảng hiệu ghi tên phố, Vĩnh Hoàng không ngờ anh đã kéo Thơ đi xa như vậy. Đúng là chỉ một con hẻm tắt, nhưng khiến người ta đi hoài không ra được đường lớn. Giờ này về khách sạn không có Hoàng, chắc bà ngoại đang lo lắng cho anh lắm. Vĩnh Hoàng gọi taxi, chỉ năm phút, anh đã cùng Ca Thơ ngồi lên xe, quay vào khách sạn. Hà Nội buổi tối mùa thu trời bắt đầu se lạnh, cái se lạnh dễ thương dành cho những đôi tình nhân. Vĩnh Hoàng khẽ cười, anh mỗi lúc mỗi thích tính cách của Ca Thơ. Nhưng không dễ dàng gì đột phá được trái tim cô gái lúc này. Anh cần kiên nhẫn, nếu anh thật sự thích Ca Thơ.