(6)

Các mối quan hệ giữa Nhà Trắng và CIA trong thời kỳ được nghiên cứu ở đây có thể trình bày tóm tắt hơn. Dưới thời Reagan, CIA có quan hệ đặc biệt gần gũi với Nhà Trắng, chủ yếu do Giám đốc Casey là bạn thân của Tổng thống và là người quản lý cuộc vận động tranh cử trong cả nước của Reagan.
Casey là Giám đốc CIA đầu tiên được cử làm thành viên nội các. Hơn nữa, Reagan ủng hộ nhiệt tình Casey trong việc bí mật chống lại ảnh hưởng của Liên Xô (mà vào giữa nhiệm kỳ của mình Reagan đã gọi là đế chế độc ác). Đáng tiếc là việc cho phép CIA tự do hành động đã dẫn đến những điều thái quá như vụ bê bối Iran.
Dưới thời Bush (cha), CIA may mắn có một vị đứng đầu cơ quan hành pháp hiểu rõ và đánh giá cao công tác tình báo như bất cứ ai đã từng phục vụ ở địa vị cao nhất trong cơ quan đó (Andrew 1995). Bush cũng thông cảm với hầu hết những yêu cầu về ngân sách của CIA mặc dù ông đã chấm dứt các hoạt động ngầm.
Chính quyền Clinton thì lại khác, với đặc trưng là tương đối ít lưu tâm đến chính sách đối ngoại (ít nhất là vào những năm đầu). Sự cố về tình báo ở Somali trong cuộc khủng hoảng đầu tiên và quan trọng của chính quyền về chính sách đối ngoại thất bại trong việc tìm hiểu ý định, và thậm chí cả nơi ở của thủ lĩnh bộ lạc Somalia là Tướng Mohammad Farah Aideed - đã làm cho các quan chức Hội đồng An ninh quốc gia nghi ngờ tính hữu ích của CIA (Aspin 1994).
Năm 1994, do sự thôi thúc của Bộ trưởng Quốc phòng Les Aspin, phó Tổng thống Al Gore và Cố vấn an ninh quốc gia Anthony Lake, Tổng thống Clinton quyết định lập một uỷ ban của Tổng thống về vai trò và khả năng của cộng đồng tình báo, và đây là biểu hiện đầu tiên về sự quan tâm đầu tiên của ông đến phương hướng mà CIA phải đi theo trong nhiệm kỳ của mình (tài liệu đã dẫn). Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Iohn Warner (Đảng Cộng hoà - bang Virginia) lại nghĩ đến một uỷ ban khác hẳn: một cuộc điều tra của Quốc hội với mục đích chủ yếu là làm cho nhân dân Hoa Kỳ yên tâm rằng CIA là một tổ chức hữu hiệu, cần phải duy trì, không nên bị giải thể, và thậm chí không nên bị thu nhỏ. Uỷ ban tình báo của Thượng nghị viện (mà ông Warner là một thành viên) đã chấp nhận ý kiến của ông và thúc đẩy việc lập một uỷ ban điều tra thuần tuý của Quốc hội.
Thoả hiệp cuối cùng là một đạo luật được thông qua năm 1994 về lập một uỷ ban chung của Tổng thống và Quốc hội với tên gọi Uỷ ban về vai trò và khả năng của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Đạo luật này cho phép Tổng thống chọn 9 thành viên của uỷ ban (tất cả đều thuộc Ban Cố vấn về tình báo đối ngoại của Tổng thống, kể cả phụ trách Ban đồng thời là Chủ tịch uỷ ban điều tra là Les Aspin), còn những người lãnh đạo Quốc hội của cả hai Đảng sẽ chọn 8 người còn lại (trong đó có Thượng nghị sĩ Warner). Uỷ ban bắt đầu làm việc vào tháng 3- 1995, và khi Aspin qua đời vào tháng 5 thì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đã thay thế ông.
Báo cáo của Uỷ ban đưa ra tháng 3 -1996 đã chủ yếu đáp ứng các mục đích của Warner. Thay vì đề nghị những cải cách rộng lớn, Uỷ ban quan trọng này cuộc điều tra đầu tiên vê chính sách tình báo trong 20 năm - đã đề cao công tác tốt đẹp của các cơ quan tình báo, giữ nguyên ngân sách, nêu một vài gợi ý khiêm tốn về cải tiến và sau đó nó đã biến mất, không còn tiếng tăm gì nữa (Uỷ ban về vai trò và khả năng 1996).
Có lẽ di sản bền vững nhất của Uỷ ban đó là đã cố gắng giúp cho John Deutch mở rộng quyền lực trong cộng đồng tình báo bằng cách đề nghị rằng Giám đốc CIA có quyền cùng với các bộ trưởng các bộ có liên quan chuẩn y việc bổ nhiệm giám đốc của tất cả các cơ quan tình báo. Uỷ ban đó còn đề nghị giám đốc CIA được quyền rộng rãi hơn trong các quyết đinh về ngân sách liên quan đến toàn bộ cộng đồng tình báo mặc dù từng cơ quan tình báo có lẽ sẽ đấu tranh chống lại những đề nghị ấy với sự giúp đỡ của các đồng minh trong quốc hội. Như Deutch đã thừa nhận trong một giác thư riêng gửi Tổng thống: Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng, Tổng Chưởng lý và Giám đốc FBI đã nêu lập luận, trong đó có những lý lẽ, chống lại việc mở rộng quyền hạn của Giám đốc CIA đôí với những sự bổ nhiệm (Deutch 1996a,3).