Chương hai: Siêu hình học của khoa kinh tế chính trị
Phương pháp
Nhận xét thứ tư

Bây giờ, chúng ta hãy xem khi ông Proudhon ứng dụng phép biện chứng của Hegel vào khoa kinh tế chính trị, ông ta đã sửa đổi phép biện chứng ấy như thế nào? Đối với ông ta, ông Proudhon, thì bất cứ phạm trù kinh tế nào cũng có hai mặt, một mặt tốt, một mặt xấu. ông ta xem xét các phạm trù như người tiểu tư sản xem xét những vĩ nhân của lịch sử: Napoléon là một vĩ nhân: ông ta đã làm nhiều việc tốt, nhưng ông ta cũng đã làm nhiều việc xấu.
Đối với ông Proudhon, mặt tốt và mặt xấu, lợi và hại, đều nhập cục lại, họp thành mâu thuẫn vốn có trong mỗi phạm trù kinh tế.
Vấn đề giải quyết: giữ lại mặt tốt và loại bỏ mặt xấu.
Chế độ nô lệ là một phạm trù kinh tế như mọi phạm trù khác. Vậy thì nó cũng có hai mặt của nó. Hãy để mặt xấu đấy và chúng ta hãy nói đến mặt tốt của chế độ nô lệ. Dĩ nhiên là chỉ nói đến chế độ nô lệ trực tiếp, chế độ nô lệ của người da đen ở Xu-ri-nam, ở Bra-xin, ở những bang miền Nam của Bắc Mỹ.
Chế độ nô lệ trực tiếp là cơ sở của công nghiệp của giai cấp tư sản, cũng giống như máy móc, tín dụng, v.v.. Không có chế độ nô lệ thì không có bông; không có bông thì không có công nghiệp hiện đại. Chính chế độ nô lệ đã làm cho các thuộc địa có giá trị của chúng, chính các thuộc địa đã tạo ra thương mại của thế giới, chính thương mại của thế giới là điều kiện cần thiết của đại công nghiệp. Cho nên chế độ nô lệ là một phạm trù kinh tế quan trọng bậc nhất.
Không có chế độ nô lệ thì Bắc Mỹ, xứ sở tiến bộ nhất, sẽ biến thành xứ sở của chế độ gia trưởng. Hãy xóa Bắc Mỹ trên bản đồ thế giới đi, người ta sẽ thấy trạng thái vô chính phủ, sự suy sụp hoàn toàn của thương mại hiện đại và của văn minh hiện đại. Xoá bỏ chế độ nô lệ có nghĩa là xóa bỏ Bắc Mỹ trên bản đồ các dân tộc [1].
Cho nên, chế độ nô lệ, vì nó là một phạm trù kinh tế, đã luôn luôn tồn tại trong các thiết chế của các dân tộc. Các dân tộc hiện đại chỉ biết ngu trang chế độ nô lệ trong nước họ mà thôi, nhưng họ đã áp đặt chế độ nô lệ không chút ngu trang cho thế giới mới.
ông Proudhon đã làm như thế nào để cứu chế độ nô lệ? ông ta sẽ đặt vấn đề: giữ lại mặt tốt của phạm trù kinh tế ấy, loại bỏ mặt xấu của nó.
Hegel không có vấn đề để đặt ra. ông ấy chỉ có phép biện chứng. ông Proudhon chỉ có ngôn ngữ của phép biện chứng của Hegel mà thôi. Vận động biện chứng của ông ta, chinh là sự phân biệt một cách giáo điều mặt tốt và mặt xấu.
Chúng ta hãy tạm coi bản thân ông Proudhon là một phạm trù. Chúng ta hãy xét mặt tốt và mặt xấu của ông ta, mặt hơn và mặt kém của ông ta.
Nếu như ông ta có mặt hơn Hegel ở chỗ là đề ra những vấn đề mà ông ta tự dành cho mình quyền giải quyết vì lợi ích cao nhất của loài người, thì ông ta lại có mặt kém là khi phải sản sinh ra, bằng công việc sản sinh biện chứng, một phạm trù mới thì ông ta lại mắc cái chứng mất năng lực sản sinh. Cái cấu thành bản chất của sự vận động biện chứng, chính là sự cùng nhau tồn tại của hai mặt mâu thuẫn, sự đấu tranh giữa hai mặt ấy và sự dung hợp của hai mặt ấy thành một phạm trù mới. Chỉ với việc tự đề ra cho mình vấn đề loại bỏ mặt xấu, người ta cũng đã chặn đứng sự vận động biện chứng rồi. Không phải là phạm trù đang tự đề ra và tự đối lập với bản thân nó, do bản chất mâu thuẫn của nó, mà chính là ông Proudhon đang xúc động, vùng vẫy, giãy giụa giữa hai mặt của phạm trù. Bị hãm như vậy trong một con đường cụt mà ông ta khó lòng thoát ra khỏi bằng những thủ đoạn hợp pháp, ông Proudhon liền gắng sức một cách tuyệt vọng nhảy thẳng một bước đến một phạm trù mới. Chính bấy giờ là lúc mà cái chuỗi trong lý tính lộ ra trước con mắt ngạc nhiên của ông ta.
ông ta vớ lấy cái phạm trù mà ông ta bắt gặp trước hết và ông ta tuì tiện gán cho nó cái đặc tính là chữa được những mặt kém của phạm trù cần phải làm cho trong sạch. Như vậy, nếu cứ tin vào ông Proudhon thì thuế má chữa được những mặt kém của độc quyền; cán cân thương mại chữa được những mặt kém của thuế má; quyền sở hữu ruộng đất chữa được những mặt kém của tín dụng.
Bằng cách xem xét như vậy những phạm trù kinh tế, xem xét dần dần từ cái nọ đến cái kia, từng cái một, và bằng cách lấy phạm trù này làm thuốc giải độc cho phạm trù kia, ông Proudhon đi đến chỗ tạo ra được, bằng cái mớ hỗn hợp những mâu thuẫn và thuốc giải độc cho những mâu thuẫn ấy, hai tập đầy mâu thuẫn mà ông ta gọi một cách đúng đắn là: "Hệ thống những mâu thuẫn kinh tế".