Chương 3

Hội chợ triển lãm bày bán những mặt hàng chất lượng cao được khách tiêu dùng hưởng ứng đông đảo.
Sau lúc sáng cãi cọ với Tuyên, Mỹ Linh cảm thấy buồn chán, mua sắm cho khuây khoả. Qua nhiều gian hàng rồi mà vẫn chưa chọn được món vừa ý, Mỹ Linh tự hỏi: "Không biết tại hàng sản xuất chưa đạt yêu cầu hay bởi sự bực bội làm cho cô khó tính?" Chân vẫn bước đều đến chỗ có khách vây thật đông, tò mò Mỹ Linh xen vào nhìn. Thì ra mọi người đang chơi tranh cát. Những tấm tranh mẫu được vẽ sẵn trên giấy cứng, chỉ cần gỡ mảng giấy phía trên, bên trong bề mặt được phủ chất dính. Người chơi tuỳ ý chọn lựa màu cát phù hợp với bức tranh rồi trải đều lên từng chỗ.
Thấy cũng ngồ ngộ, Mỹ Linh bỏ tiền ra mua một tấm làm hoạ sĩ bất đắc dĩ để thư dãn đầu óc. Đang lúi húi bên những thau cát màu, bỗng có bàn tay ai đập nhẹ vào vai:
− Tập tành làm tranh cát hở nhỏ?
Giọng nói nghe quen quen, Mỹ Linh quay lại rồi kêu lên:
− Ủa! Trúc Ly! Mày cũng có mặt nơi đông đảo này nữa à?
Trúc Ly cười tươi, đáp lại cũng bằng câu hỏi:
− Đi với ai thế?
− Một mình! Còn mày?
− Cũng vậy! Đã mua được món gì rồi?
Mỹ Linh lắc đầu:
− Chẳng thấy gì vừa ý cả.
− Giỏ của tao cũng còn rỗng tuếch. Kỳ này hội chợ có nhiều tay gian manh trà trộn bán hàng dỏm.
− Ừm! Tao thấy cũng giống y như mày.
Trúc Ly rủ rê:
− Thôi, về nhà tao ăn tối rồi mình tâm sự với nhau còn có lý hơn.
− Được đó! Lâu ghê tụi mình mới gặp lại.
Cả hai chạy Honda bên nhau nói nói cười cười, gió đêm lùa vào tóc mát rượi.
Đến ngã rẽ Mỹ Linh chạy thẳng, Trúc Ly bảo:
− Ê! Ngoặt xe qua đây!
− Ủa! Tao nhớ nhà mày chạy hết đường này mà.
− Tao mua nhà mới, dời đi rồi.
Mỹ Linh tặc lưỡi:
− Chà! Nay phát tài, giàu có lên há. Trúng mánh phải không?
Trúc Ly cười mỉm:
− Chẳng lẽ gặp vận đen hoài.
Đến nơi Mỹ Linh ngắm nghía căn nhà một hồi rồi tấm tắc khen:
− Đẹp nhỉ! Rộng rãi thoáng mát. Biết bao giờ tao sắm được như mày.
− Lo gì! Ông Tuyên thừa hưởng gia tài to tướng. Mai mốt mày tha hồ.
Mỹ Linh bĩu môi:
− Thôi! Đừng nhắc tới thằng chả nữa. Chán bỏ xừ.
− Sao vậy?
− Tụi tao mới cãi nhau hồi sáng. Tao giận bỏ đi luôn mặc cho hắn gọi.
Trúc Ly vỗ vỗ ghế salon:
− Ngồi xuống nói cho tao nghe xem.
Mỹ Linh buông người cái phịch:
− Cũng tại con quỷ sứ kia xen vào. Tao chẳng biết phải trừ nó bằng cách nào cho rảnh.
− Ai thế? Mày nói gì tao không hiểu.
Ngả đầu ra sau, dáng mỏi mệt Mỹ Linh đáp:
− Mày có tin ông Tuyên, ông Toàn cùng khoái nhỏ con gái ấy không?
Trúc Ly nhướng mày:
− Bộ nó đẹp lắm à?
− Xí! Xấu còn hơn ma lem.
− Vậy chắc nó chơi bùa chứ gì?
Mỹ Linh lắc đầu:
− Thời này mà mày còn mê tín sau?
− Chứ hổng lẽ nó tầm thường mà mày lại chịu thua. Nhưng con nhỏ ấy làm gì và ở đâu?
− Ôi! Một đứa đầu đường xó chợ được gia đình mướn vào để chăm sóc cho Toàn.
Trúc Ly trề môi:
− Như vậy mày dở ơi là dở. Gặp tao hả..... a lê hất một ngày là ra khỏi ngay.
− Mày chỉ giỏi cái miệng. Tao đâu có dịp được gần gũi bên họ như nó.
− Thì mày phải tìm cách chinh phục gia đình. Tao thấy mày đủ điều kiện mà.
Mỹ Linh nhão giọng:
− Mày bảo tao muối mặt nhào vô chăm sóc Toàn hở. Tao đâu phải hạng làm thuê làm mướn. Lý ra mày làm việc ấy đúng hơn đó.
Trúc Ly nhún vai:
− Thôi! Dứt ra được tao đã mừng muốn chết rồi. Lạng quạng lộ tẩy thì khốn.
− Mốc xì! Chuyện đã qua một thời gian dài đâu ai còn nhắc tới nữa. Mày xung phong chăm sóc cho Toàn. Như vậy khi Toàn chết đi mày mới được chia gia tài chứ.
Trúc Ly khoát tay:
− Mày đừng xúi dại. Tự nguyện nuôi thằng chả để chôn vùi cuộc đời xuân sắc của tao hả?
− Thì mày chịu đựng qua một thời gian thôi.
− Hổng dám đâu! Chỉ bị chấn thương cột sống không đi được chứ ngoài ra đâu có bệnh gì. Biết chừng nào hắn mới ngoẻo.
Mỹ Linh đáp:
− Muốn ăn thì phải lăn vô bếp.
− Khỏi cần lăn tao cũng có được thằng bồ đủ điều kiện còn hơn Toàn gấp mấy lần.
− Mày tìm ở đâu ra vậy? Hắn làm nghề gì? Đẹp trai giàu có không?
Mỹ Linh hỏi một hơi không kịp thở, Trúc Ly hãnh diện trả lời:
− Một tay ca sĩ vừa nổi tiếng, bô trai, hào hoa. Ngôi nhà này là tổ uyên ương của tụi tao đó.
− Ngon há! Hắn bỏ tiền ra mua phải không?
Trúc Ly ừ yếu xìu.
− Tụi bây định chừng nào mời tao ăn cưới?
− Tụi tao chưa nghĩ tới. Vả lại ca sĩ lấy vợ sớm sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Có người yêu còn không dám công khai cho khán giả biết nữa là.
Mỹ Linh trề môi:
− Vậy mày được danh dự gì? Yêu nhau mà lén lút thà không yêu còn hơn.
− Cần gì ai biết! Trái tim của Mẫn Đạt thuộc về tao là đủ.
− Này... nghệ sĩ lãng mạn lắm đó con! Chưa chắc hắn là của riêng mày đâu. Coi chừng đó. Đừng vội mừng.
Trúc Ly chép miệng:
− Chuyện ấy mày khỏi phải nhắc. Đương nhiên tao có cách giữ Mẫn Đạt chứ.
− Lấy chồng ca sĩ khổ cả một đời mày ơi. Suy nghĩ kỹ lại đi. Họ chẳng chung tình với ai cả đời đâu.
Trúc Ly làm mặt giận:
− Sao mày cản ngăn tao hoài. Lý ra mày phải mừng cho tao mới đúng chứ.
− Đừng tưởng tao ganh với mày. Tại thương mày tao mới khuyên thế thôi.
− Cám ơn! Nhưng tao đã quyết định rồi. Sao này có khổ tao cũng cam.
Mỹ Linh nhún vai:
− Được! Mày không thích thì tao không nói nữa. Bây giờ mời tao tới nhà rồi định bỏ đói tao phải không?
Trúc Ly bật cười:
− Quên nữa! Mau xuống nhà sau với tao. Có món này đãi mày ngon lắm.
− Món gì vậy?
− Thịt bò bít tết ăn với khoai tây chiên.
Mỹ Linh xoa tay ngồi vào bàn:
− Chà... nhỏ này sang dữ ta. Bữa nay chắc tao có lộc ăn.
− Ừ. cứ ngồi yên đó mà chờ. Thịt đã ướp sẵn để trong ngăn lạnh. Chỉ vài phút là có ngay.
Vừa nói Trúc Ly vừa đặt chảo lên bếp gaz, bỏ một ít bơ vào. Đợi bơ tan ra, Trúc Ly bỏ từng miếng thịt bò vô, cháy bốc khói thơm lựng. Nhanh tay trở vàng hai mặt rồi gắp ra bỏ vào đĩa. Đẩy đến trước mặt bạn, Trúc Ly nói:
− Xong... ăn đi nhỏ. Thưởng thức chút tài nấu bếp của tao xem có ngon không.
Mỹ Linh cắt từng miếng nhỏ cho vào miệng rồi gật gù:
− Rất tuyệt! Mày giỏi hơn tao nhiều.
Mẫn Đạt cũng khen tài nấu nướng của tao. Dự tiệc đâu đâu cũng dành bụng về nhà ăn cơm.
Mỹ Linh bảo:
− Đàn bà giỏi nội trợ cũng là một bí quyết đế giữ chồng đó mày.
− Ừ! Rất đúng!
− Mẫn Đạt thường về đây ngủ chứ?
Trúc Ly gật:
− Ngày nào cũng có mặt. Chỉ trừ khi đi lưu diễn các nơi xa.
− Mày có đi theo không?
− Theo làm gì mệt xác. Cùng lắm cũng chỉ vài ngày là về.
Mỹ Linh nói đùa:
- Mày không sợ thả lỏng, hắn ta sẽ cặp bồ sao?
− Bồ bịch gì, tiền bạc tao nắm hết cả.
− Mày lầm! Cần gì tiền? Mấy đứa con gái choai choai chỉ yêu ngoại hình, yêu tiếng hát.
− Tao chấp chúng nó. Vả lại Mẫn Đạt cũng cần có những Fan hâm mộ mình chứ.  Nếu làm chúng thất vọng chúng sẽ tẩy chay.
Mỹ Linh gục gặc:
− Mày nói cũng phải! Chuyện tình cảm của mày vậy là vui rồi. Còn tao thì chán thật. Đôi lúc tao muốn chia tay với Tuyên cho rồi.
− Tao khuyên mày đừng nóng. Chuyện đâu còn có đó. Theo tao, Tuyên yêu mày thật lòng mà.
− Lúc trước thì vậy, nhưng bây giờ đã khác. Mày xem con nhỏ ấy làm hoa hồng, Tuyên tự ý bỏ công tìm kiếm nơi bỏ mối cho nó.
Trúc Ly nhíu mày:
− Tuyên chịu khó đến vậy sao? Nhưng công việc chính của nó là chăm sóc Toàn mà.
− Bởi vậy mới nói. Nó bày đặt ra chuyện làm hoa để khoe tài rồi lại dụ khị Toàn cùng làm nữa chứ.
Ngừng một chút, Mỹ Linh tiếp:
− Thế mà cả nhà đồng tình, chẳng có phản ứng gì cả. Mày nghĩ xem có tức không?
− À... dễ hiểu thôi, tại vì việc làm nhẹ nhàng đó giúp cho tin thần của Toàn được thoải mái để quên đi sự buồn chán. Có ích lắm đó chứ.
− Cả mày cũng cho là vậy nữa à? Mỹ Linh nói với giọng giận hờn.
Trúc Ly cười mơn:
− Thôi! Tạm quên chuyện ấy đi đế ăn cho ngon. Hạ hồi phân giải, tức tối coi chừng bị mắc nghẹn à nhe.
− Buồn quá tìm đến mày để được an ủi ngờ đâu mày nói làm tao chán thêm.
− Vậy thì cho tao xin lỗi. Bây giờ để tao bày kế này cho mày hả giận nghe.
Mỹ Linh hỏi ngay:
− Kế gì? tao đang chờ nghe đây.
− Mày biết chỗ Tuyên gửi hoa bán dùm Thuý An không?
− Biết! Nhỏ Minh Thư mua chứ ai.
Trúc Ly mách nước:
− Vậy dễ ợt. Mày phá họ bằng cách bảo nhỏ ấy đừng mua nữa. Thế là họ hổng giò, việc làm hoa hồng sẽ ngưng lại ngay.
− Rồi Tuyên cũng sẽ tìm mối khác.
− Đương nhiên, nhưng mày cũng đỡ tức phần nào. Đúng không?
Mỹ Linh gật ngay:
− Ừm! Thà vậy! Thôi khuya rồi tao về đây, để rủi bồ mày về lại ganh tỵ.
− Mẫn Đạt chưa về giờ này đâu. Đên nào cũng từ một giờ sáng.
− Mày thức đợi để mở cửa à?
Trúc Ly lắc đầu:
− Tao cứ ngủ. Tội gì phải đợi chờ. Mỗi đứa giữ riêng chìa khoá mà.
− Ừ... thế cũng tiện. Này hôm nào rảnh đến giả bộ thăm Toàn để nhìn mặt nhỏ Thuý An cho biết đi.
Trúc Ly lắc đầu nguầy nguậy:
− Tao chả thèm. Cô ta đâu dính dấp gì với tao nữa.
Mỹ Linh nguýt bạn dài ngoằng trước khi ra cổng.
oOo
Thuý An chất những chậu hoa vào chiếc bao lớn. Toàn cầm miệng bao cho cô bỏ vào.
Hai người loay hoay mãi mà vẫn không thể chất hết vào được.
Tuyên bước vào nói:
− Coi chừng chúng đè lên nhau gãy cả đó nhe. Thôi, chịu khó đưa từ từ ra xe đi.
Toàn ngước lên hỏi:
− Định chở bằng xe hơi à?
Thuý An cũng ngước nhìn Tuyên.
Ngó cô, Tuyên hỏi lại:
− Chứ Thuý An tính chở bằng gì?
− Bằng xe đạp! - Cô đáp.
− Eo ơi! Không tiện đâu! Nhiều qúa chở một lần sao hết được?
Thuý An đáp:
− Thì chịu khó chở nhiều lần.
− Đường xa lắm đó! Khoảng mấy chục cây số lận.
− Bao nhiêu ấy thì thấm tháp gì. Đối với tôi như vậy là thường.
Tuyên nói:
− Để lần sau, nếu cô muốn đi xe đạp thì đi. Còn bây giờ không lẽ người đi xe phải chạy chậm chờ người đi xe đạp?
Thuý An chần chừ.
Tuyên tiếp:
− Cứ đi với tôi lần đầu cho biết đã.
− Hay anh cho địa chỉ đi. Tôi sẽ tìm tới đó.
Tuyên không đáp, ngó Toàn đợi ý kiến. Dù không mấy thích Toàn vẫn nói:
− Thuý An nên đi xe với Tuyên cho tiện. Cồng kềnh qúa rất khó chở bằng xe đạp.
Nể Toàn, cô bằng lòng. Phụ với Tuyên mang hết các chậu hoa chất vào cốp xe xong, cô vào băng sau ngồi.
Tuyên không cản, nhưng nói đùa:
− Như vậy Thuý An trở nên cô chủ còn tôi hoá thành tài xế đó nghe.
Cô cũng cười đáp lại:
− Anh thông cảm cho tôi đổi ngôi bữa nay đi nhé.
Tuyên bật cười theo, hai người im lặng một lúc lâu, Tuyên lên tiếng hỏi:
− Qua một thời gian sống ở nhà tôi và chăm sóc Toàn, có điều gì làm cho cô bất mãn không?
Thuý An chép miệng:
− Ban đầu có khó khăn nhưng về sau mọi việc điều tốt. Vả lại tôi thuộc dạng làm thuê, làm gì dám tỏ ra bất mãn. Còn anh, nhật xét về tôi thế nào?
− Cô là người rất can đảm và có ý chí.
− Không phải đâu! Tại tôi khổ quá nên phải cố gắng thôi.
− Những người đến trước cô họ cũng nghèo đó chứ. Sao họ không kiên nhẫn được như cô.
Thuý An bảo:
− Có thể người ta còn có chỗ khác để nương tựa. Còn tôi thì không. Nhưng nhờ vậy mà tôi không bị thất nghiệp, lại may mắn được anh giúp đỡ để có thêm thu nhập nữa.
− Tôi chỉ giúp lời. Cô siêng năng thì mới ra tiền chứ. Ước chi bạn gái của tôi cũng chịu khó làm việc như cô nhỉ.
− Anh có cô bạn gái xinh ghê! Nhưng sao dạo này ít thấy cô ấy đến?
Tuyên đáp:
− Có chứ! Mà chỉ thỉnh thoảng vì tôi bận bịu suốt. Đôi khi Mỹ Linh không hiểu cứ trách tôi lơ là.
− Để cổ khỏi phiền trách, hai người cưới nhau là xong ngay.
Tuyên lắc đầu:
− Tôi còn yêu tự do, chưa muốn bị ràng buộc.
− Nhưng con gái thì chỉ có một thời. Bắt người ta đợi hoài cũng khó lắm đó.
− Nếu chung thuỷ với nhau thì đâu có gì phải lo. Tôi luôn quan niện dồi dào kinh tế thì gia đình mới hạnh phúc.
Thuý An mỉm miệng:
− Anh cần gì phải lo. Cơ sở làm ăn đã có sẵn. Vả lại, anh gần như con trai độc nhất.
− Không đâu! Còn Toàn nữa chi.
− Anh Toàn đã là phế nhân. Hoạ may có phép nhiệm mầu nào.
Tuyên nhíu mày:
− Câu ấy cô chỉ được nói với tôi thôi. Không được quyền nói với nó. Là người chăm sóc cô phải khuyên nhủ an ủi để Toàn còn có hy vọng mà sống chứ.
Thuý An cúi đầu lặng thinh.
Tuyên nhìn cô trong kính chiếu hậu:
− Sao đột nhiên im thin thít vậy? Cô giận tôi à?
Thuý An mỉm miệng:
− Không! Anh nói rất đúng, cớ gì tôi lại giận anh. Nhưng việc ấy anh không nói tôi cũng hiểu.
Tuyên hài lòng gật:
− Biết vậy nhưng tôi vẫn nhắc. Từ hôm có Thuý An, em tôi bỗng dưng thay đổi tính tình. Không phải do nơi nó đâu mà tất cả là nhờ cô. Cô là ân nhân của gia đình tôi.
Thuý An lắc đầu:
− Anh nói qúa lời rồi! Tôi chỉ làm bổn phận của tôi thôi, chẳng qua anh ấy là người có nghị lực.
Cuộc trò chuyện giữa hai người gián đoạn khi xe của Tuyên đã đến nơi.
Minh Thư bước ra tươi cười:
− Eo ơi! Chở hoa bằng xe du lịch, sang qúa thế!
Tuyên giới thiệu ngay:
− Đây là người làm ra những chậu hoa đó, cô chủ.
Thuý An khẻ gật đầu chào. Minh Thư đáp lễ lại.
Tuyên bảo:
− Hôm nay tôi đưa cô ấy đến để cho cổ biết chổ.
Minh Thư nhìn Thuý An:
− Chị khéo tay lắm. Ở đây tôi cần số lượng không hạn chế. Càng nhiều càng tốt.
− Vâng! Tôi sẽ cố gắng.
− Ngoài hoa hồng, chị con làm được những hoa khác không?
Thuý An gật:
− Được! Tôi có thể làm hoa cúc, phong lan, cẩm chướng...
− Vậy thì tốt qúa. Chị làm cho tôi nhiều loại đi. Vì khách hàng mỗi người mỗi ý mà.
Thuý An ngập ngừng ngó Tuyên:
− Nhưng tôi không được thoải mái về thời gian. Vả lại, làm các loại hoa vải thì phải sắm thêm dụng cụ.
Tuyên nói ngay:
− Cứ nhận lời đi. Mọi việc tôi sẽ giúp cô.
Thuý An lắc đầu:
− Không được đâu. Đây chi là công việc phụ, tôi chỉ tận dụng những giờ rỗi rảnh.
− Tôi thấy không hề gì. Được bao nhiêu giao hàng bấy nhiêu. Đúng không cô chủ?
Minh Thư đáp lời Tuyên:
− Dạ! Tuỳ nơi chị ấy.
− Tôi không dám hứa đâu ạ.
Cả Tuyên và Minh Thư cùng cười:
− Đã bảo yên tâm. Chả ai ép đâu mà. - Tuyên bảo.
− Tôi nghĩ chị thật may mắn, vì làm hoa mà có người hổ trợ cho việc tiếp thị, rồi lại bỏ công ra chuyên chở nữa. Nếu như tôi chắc là tôi hăng hái làm được nhiều lắm đấy.
Thuý An ngó Minh Thư tủm tỉm đáp:
− Anh Tuyên giúp tôi rất nhiều. Đúng là tôi đã quá làm phiền ảnh, đến đây cho biết chổ, để mai mốt tôi sẽ tự mang tới cho ảnh khỏi mất công.
Minh Thu nói đùa:
− Để sau này không phải mang ơn anh ấy chứ gì?
− Thì đã mang ơn rồi còn gì nữa. Nhưng mỗi chút mỗi nhờ thì ngại lắm. Vả lại anh ấy giúp đến đây xem như từ đầu đến cuối rồi.
− Tôi mà được một người đàn ông nhiệt tình như vậy chắc là tôi quý lắm.
Thuý An lắc đầu, cử chỉ của cô khiến Minh Thư ngạc nhiên:
− Chị chưa có bạn trai ư? - Thuý An hỏi.
Minh Thư nhún vai:
− Có! Nhưng chưa thân thiết lắm.
− Vì sao?
− Tại vì chưa hợp. Tôi thích mẫu người lịch lãm và hơi tếu một chút. Nhưng chưa gặp. Hay nói đúng ra là gặp rồi nhưng..... Thuý An hỏi thúc:
− Nhưng thế nào?
− Hình như người ta đã có người.
Vừa đáp Minh Thư vừa liếc nhanh qua Tuyên.
− Sao chị biết? - Thuý An lém lỉnh.
Minh Thư chúm chím:
− Tôi đóan như vậy thôi.
− Chưa chắc lắm đâu. Vả lại mới chỉ là bạn thì còn có thể thay đổi mà.
Tuyên nhìn hai cô gái:
− Chà... hai người nói tôi nghe chả hiểu gì cả. Có vẻ như đang ám chỉ ai đó thì phải.
Thuý An không đáp, nhìn ra ngoài trời, cô hối Tuyên:
− Thôi, trưa rồi, chúng ta về đi kẻo Toàn đợi.
Minh Thư lấy máy tính ra, nhanh nhẹn bấm phím tính tiền:
− Đây xin gửi cho hai người. Ai là người nhận đây?
Tuyên chỉ Thuý An, đùa cợt:
− Đương nhiên là cô ấy. Tôi chỉ là người chở mướn thôi.
Ông Nhân chấp tay sau lưng qua lại bên những khóm hồng. Vừa đi ông vừa ngắm nghía có vẻ như mãn nguyện.
− Ông ơi! Trà sen tôi đã pha rồi đây. Ông vào mà uống.
Nghe tiếng vợ gọi ông quay lại gật đầu thay cho lời đáp, rồi ông vẫn tiếp tục vòng vòng quanh vườn. Hương thơm của nhiều loại hoa hoà quyện trong gió ông cảm thấy tâm hồn ông lâng lâng đến nổi không thể rời bước.
Thấy chồng lâu qá không vào, bà Nhân cũng bước ra:
− Trà nguội hết rồi ông ơi. - Bà nhắc nhở.
Ông đưa tay vẩy:
− Bà lại đây mà xem. Hoa hôm nay nở đầy trời này. Đẹp không!
Chầm chậm bước tới, bà Nhân khẻ xoay người ngắm nghía:
− Ừm! Rất đẹp! Thật không uổng công ông chăm sóc. Hay là đế tôi mang trà ra đây để ông vừa uống vừa ngắm.
− Ừ! Phải đó. - ông đáp.
Bà Nhân quay lưng đi thoăn thoắt. Vài phút sau hai ông bà ngồi đối diện nhau trên chiến bàn đá dưới gốc cây ngọc lan.
Khẽ nhấp một ngụm trà, ông Nhân nói với vợ:
− Bà còn nhớ không, lúc đầu mình trồng hoa, chăm sóc thật kỹ càng, vậy mà nó vẫn cứ chết.
Bà gật nhẹ:
− À.. bây giờ thì vườn tược xanh rờn. Hoa nở muôn màu muôn vẻ. Ông thật là hay đó.
Ông Nhân mỉm cười hài lòng:
− Được như ngày nay tôi phải bỏ ra nhiều công cán. Đó là nhưng kinh nghiệm xương máu đó bà.
Mỉm cười bà Nhân đáp:
− Càng lâu với công việc thì càng tích luỹ sự hiểu biết nhiều hơn. Nhưng chăm sóc là chuyện của ông còn tôi thì chỉ biết ngắm hoa thôi nghe.
− Ừm! Mỗi người mỗi công việc riêng chứ. Bà thì chỉ đảm trách trong nhà, còn bên ngoài thì để cho tôi.
− À, hôm nay thứ bảy ông không vào công ty sao?
Ông Nhân rót thêm trà vào ly:
− Lý ra tôi phải đi đó chứ. Nhưng tôi muốn ở nhà đế nói chuyện với thằng Tuyên một chút. Nó đâu rồi hở bà?
− Tôi cũng chả biết nữa. Lúc sáng sớm tôi bận đi chợ.
− À... Còn chiếc xe con đâu?
Bà Nhân chợt nói:
− Ôi... ông hỏi tôi mới nhớ. Bữa nay Tuyên lấy xe chở mấy chậu hoa hồng mang đến cửa hàng dùm Thuý An.
Ông Nhân làm thinh một lát rồi bảo:
− Sao khi không nó nhiệt tình với con bé ấy quá vậy?
− Theo tôi... có lẽ nó muốn cho thằng Toàn vui vì được dịp làm phụ với Thuý An để giết thời gian.
− Biết phải vậy không hay vì một điều khác?
Bà Nhân nhíu mày:
− Ông muốn nói đến điều gì?
− À... tôi thấy lúc này coi bộ thằng Tuyên có vẻ lạ lắm. Dường như nó chán con bé Mỹ Linh hay sao ấy.
− Nhìn vào đâu mà ông nói thế?
Ông Nhân đáp:
− Dạo này tụi nó ít gặp nhau. Mà con bé đó cũng chẳng thấy đến nhà mình chơi nữa.
− Có lẽ Mỹ Linh cũng bận bịu công việc. Chắc đã xin được việc làm rồi.
− Chưa chắc! Nghe thằng Tuyên bảo bạn gái nó không được kiên nhẫn lắm. Làm nơi nào cũng chẳng bền.
Bà Nhân gật nhẹ:
− Ừm! Người như vậy rất khó thành công trong cuộc sống. Nhưng dẫu sao thì chúng nó cũng đã yêu nhau ông ạ.
− Nếu thằng Tuyên không tìm hiểu kỹ tôi e sau này chúng nó khó có hạnh phúc.
− Hai đứa quen nhau đã mấy năm nay, còn lạ lùng gì nhau nữa đâu. Một khi đã thương nhau rồi thì lỗi lầm gì chúng cũng khoả lấp cho nhau được cả.
Ông Nhân chép miệng:
− Người ta bảo... non sông dễ đổi bản tính khó dời. Bây giờ đang trong giai đoạn yêu nhau thì sao cũng được cả, nhưng khi cưới rồi thì bất mãn lắm. Toàn là chịu đựng và chịu đựng.
Vừa nói đến đó thì chợt nghe có tiếng xe hơi nghiến trên đá sỏi, hai ông bà nhìn ra:
− Kìa! Chúng đã về - Bà Nhân bảo.
Ông đưa tay vẫy:
− Tuyên! Đem xe vào rồi ra đây nhá.
Nghe gọi Thuý An cũng quay lại nhìn rồi le lưỡi rụt vai.
Hiểu ý Tuyên trấn an:
− Cô sợ à? Không hề gì đâu.
− Có lẽ hai bác đã thấy - An nói.
− Ba mẹ tôi biết lâu rồi.
Thuý An chép miệng:
− Thì chỉ biết tôi tận dụng thời gian rảnh để làm hoa... chứ còn việc anh giúp tôi tìm mối và chở đi thì.....
Tuyên cướp lời:
− Thì đã sao nào? Đã bảo đừng lo. Tôi có cách nói của tôi. Vả lại ba mẹ tôi là người rất thông cảm.
− Nhưng tôi vẫn thấy ngại ngại sao ấy.
− Ừm.. nếu không tin cô cứ đi với tôi lại gặp ba mẹ tôi.
Thuý An lắc đầu nguầy nguậy. Tuyên định chụp tai cô lôi đi, cô nhanh nhẹn tránh né miệng la bai bải:
− Thôi thôi! Hổng đám đâu. Đừng ép buộc tôi.
Tuyên bật cười:
− Coi vậy mà nhát gan dữ há. Thôi lần này tha cho cô.
Vừa nói Tuyên vừa mở cửa xe bước xuống. Thuý An cũng bước theo:
− À quên! Còn tiền bán hoa này tính sao anh Tuyên?
− Thì tiền của cô, cô giữ đi.
− Còn xăng nhớt, công cán của anh nữa chi?
Tuyên mỉm miệng đùa cợt:
− Thì để đó. Lâu lâu tích luỹ lại lấy cho nó nhiều.
Dứt lời Tuyên quay lưng.
Ông Nhân nhìn con trai từ đàng xa.
Đến gần, không đợi Tuyên kịp ngồi xuống ông đã hỏi:
− Con với Thuý An đi đâu về vậy?
− Dạ... con chở dùm cô ấy mấy chậu hoa đem đến cửa hàng.
− Nhiều không mà phải dùng đến xe hơi?
Tuyên đáp hơi ngập ngừng:
− Cũng không nhiều mấy, nhưng chở bằng xe đạp rất bất tiện vì hơi cồng kềnh.
− À... nếu vậy thì phải chịu khó đi nhiều lần.
Tuyên nói nhỏ:
− Nhưng đường xa mấy chục cây số lận ba.
− Ba hiểu! Nhưng ví dụ như Thuý An ở nơi khác thì cô ta sẽ nhờ ai?
− Thưa ba! Thuý An không giống những người khác đâu. Cô ấy rất tự trọng. Việc chở bằng xe hơi là do con tự nguyện để được giúp cổ.
Ông Nhân gật gù:
− Nghĩa là Thuý An từ chối nhưng con cố nài nỉ phải không? Vậy con trai của ba qúa nhiệt tình đó.
Tuyên cúi đầu im lặng. Ông Nhân kín đáo ngó Tuyên dò xét:
− Này.. nghe ba nói... con có ý tốt giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn. Điều ấy ba không ngăn cấm.
Ngừng một chút ông tiếp:
− Nhưng ba muốn nhắc nhở con. Đừng có tỏ ra qúa quan tâm đến Thuý An coi chựng bị em con hiểu lầm. Ba không cần nói chắc con cũng biết, nhờ có Thuý An bên cạnh mà Toàn mới thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Tuyên gật nhẹ:
− Vâng! Ba hãy an tâm. Con hứa sẽ không bao giờ làm cho Toàn buồn vì con cả. Từ nay con sẽ ráng dè dặt hơn.
Ông Nhân mỉm cười hài lòng:
− Còn Mỹ Linh? Lúc này sao ba ít thấy cô ấy đến chơi?
− Chắc cô ấy bận bịu việc làm mới nên không có thời gian.
Ông Nhân nhìn Tuyên như dò xét:
− Nói thật cho ba nghe đi... hai đứa có buồn gì nhau không?
Tuyên im lặng một chút rồi đáp:
− Con thấy dường như con với Mỹ Linh không hợp nhau.
− Lạ không! Quen nhau mấy năm nay rồi con mới phát hiện ra điều đó ư?
− Dạ con thấy đã lâu, nhưng cứ ngỡ có thể khoả lấp được. Không ngờ càng ngày lại càng.....
Ông Nhân tiếp lời:
− Khó hoà đồng chứ gì! Ngộ há! Sao ngày xưa con chịu đựng được mà bây giờ lại không? Ba biết lý do rồi, tại vì lúc này con đã có đối tượng để so sánh.
Ngừng một chút, ông Nhân nhìn thẳng vào mặt con trai hỏi:
− Đúng không?
Tuyên hơi bối rối bởi ánh mắt nghiêm nghị ấy.
Hai người nín thinh một lúc lâu, bà Nhân đã bỏ vào nhà từ khi nào vì muốn đế cho cha con dể dàng tâm sự.
Lát sau ông Nhân dịu giọng:
− Ba biết con rất thương Toàn nên ba khuyên con phải thương nó nhiều hơn nữa.  Hãy nhường nó tất cả vì nó bất hạnh hơn con. Con dám hứa điều đó với ba không?
Tuyên ngó xuống đất như suy nghĩ rồi gật:
− Dạ... con sẽ làm đúng điều ba dạy. Nhưng xin ba đừng cản trở con vì con muốn giúp Thuý An phát xuất từ ý tốt.
− Được! Ba chấp nhận! Nhưng nhớ đừng nhiệt tâm qúa. Chỉ thỉnh thoảng thôi.
− Vâng! Còn chuyện gì nữa không ba?
Ông Nhân đáp:
− Còn chứ! Chuyện sau cùng không kém quan trọng hơn chuyện trước.
Tuyên im lặng lắng tai nghe.
Ông Nhân đằng hắng:
− Như ba nói từ lâu, ba chỉ có hai đứa con trai thôi. Nhưng thằng Toàn đã tàn phế rồi nên tất cả sự nghiệp này ba muốn kế tục.
Ngừng lại hớp một ngụm trà rồi ông tiếp:
− Vậy mà thấy còn cứ dửng dưng làm như con chẳng thích.
Tuyên từ tốn trả lời:
− Khi xưa ba bảo Toàn có năng khiếu lãnh đạo hơn con nên sau này nó sẽ thay ba điều hành xí nghiệp. Còn con thì ba cho được quyền chọn ngành nào con thích.
Ông Nhân gật đầu:
− Ừm! Đúng! Nhưng con đã thấy... tai nạn xảy ra bất ngờ cho Toàn nên bây giờ nó chẳng thể nhận công việc ấy được.
Tuyên dựa ra ghế:
− Con đã tốt nghiệp ngành địa chất vậy mà con chẳng được theo đuổi nghề mà con đam mê.
− Ba cũng biết tính con hiếu động, muốn đi đây đi đó để thám hiểm. Còn đảm trách công ty thì chỉ quanh quẩn có một chỗ mà con cảm thấy tù túng. Nhưng bây giờ hoàn cảnh gia đình mình như thế thì biết làm sao.
Tuyên nhìn vào khoảng không trước mặt, suy nghĩ miên man. Năm nay ba Tuyên gìa đi nhiều, bởi việc không may đưa tới làm cho đứa con trai trở nên tật nguyền.
Phần phải gánh vác công việc của công ty. Lý ra vào tuổi của ông phải được về hưu để an dưỡng tinh thần chứ đâu còn bận bịu lo toan nữa.
Nghĩ vậy, Tuyên quyết định dứt khoát hoài bão của mình mà nói với cha:
− Lâu nay sỡ dĩ để cho ba buồn lòng vì con vẫn chưa có can đảm từ bỏ ước vọng của mình. Nãy giờ qua lời ba nói, con cảm thấy thấm thía, biết con đã sai lầm vì chỉ nghĩ đến bản thân.
Ông Nhân gật nhẹ, nét mặt dãn ra.
Tuyên nói một hơi dài:
− Bắt đầu từ hôm nay con xin hứa sẽ đến công ty để tập sự thay ba. Và con sẽ cố gắng làm cho ba hài lòng.
Ông Nhân mỉm cười sung sướng:
− Trình độ của con dư sức đảm nhận công việc. Ba biết con rất cần mẫn và tháo vát. Rồi con sẽ bị cuốn hút vào cho mà xem.
Tuyên thích chí tủm tỉm cười.