Dịch giả: Minh Đăng Khánh
Chương 37
Tình hình cực kỳ căng thẳng

Lúc bấy giờ, Vônca bèn tuyên bố với giọng hăm dọa:
- Ông coi chừng, sẽ lôi thôi to đấy?
- Muốn ra sao thì ra.
Đúng lúc đó, thủ môn “Dubilô” bị trượt ngay ở chỗ hoàn toàn khô ráo và để cho quả bóng thứ ba lọt vào cầu môn.
- À, ra thế đấy! - Vônca nghiến căng ken két. - Thế có nghĩa là ông không muốn yên lành tử tế? Được rồi!
Vônca nhảy vọt lên chiếc ghế băng và vừa chỉ thẳng ngón tay vào ông Khốttabít đang ngồi bên chân nó, vừa kêu lên:
- Các ông ơi! Ông già này lúc nào cũng tiếp tay cho đội “Saiba”!
- Ai tiếp tay? Trọng tài tiếp tay à? Cậu nói gì thế? - Những người xung quanh xôn xao.
- Ồ! không, không phải trọng tài!... Trọng tài thì dính dáng gì ở đây? Chính ông già này đang tiếp tay... Xin hãy để cho mình được yên?
Câu cuối cùng, Vônca nói với Giênia đang sợ hãi giật tay áo cậu bạn của mình. Giênia hiểu rằng cuộc cãi cọ giữa Vônca và ông già chẳng đem lại được điều gì tốt lành cả. Nhưng Vônca vẫn chẳng chịu thôi, mặc dù chẳng có ai tin lời nó nói.
Những người xung quanh cười phá lên:
- Thế chú em bảo rằng từ đây, từ khán đài Bắc này, ông già này lại tự dưng di chuyển được khung cầu môn! Hi hi hi! Chắc ông ta có trong túi cái nút bấm đặc biệt để điều khiển khung cầu môn từ xa? Có lẽ ông già này đã tung những quả bóng xuống sân cũng nên?
- Chính ông ấy đấy! - Vônca xác nhận bằng một giọng gay gắt, làm mọi người lại phá lên cười.
- Thế vụ động đất ở Chilê (1) cũng do ông già này gây ra sao? Hô hô hô! Ha ha ha! Hi hi hi!
- Không, không phải ông ấy gây ra vụ động đất ở Chilê đâu ạ! - Vônca thật thà giải thích. - Động đất là do những chuyển động tai hại của vỏ trái đất gây ra. Hơn nữa, chuyện đó lại xảy ra ở tận Chilê. Còn ông già này thì vừa mới ở trong bình chui ra.
Một người đứng tuổi hâm mộ bóng đá liền xen vào cuộc nói chuyện. Ông này ngồi đằng sau Vônca. Vônca biết ông, vì ông ở ngay cạnh nhà. Tên ông là Épghêni Dakharôvích. Chính ông đã đặt tên cho con mèo Xibia của mình là Khômích để tỏ lòng yêu mến người thủ môn nổi tiếng. Lúc tiếng cười đã bớt đi đôi chút, ông bèn bảo Vônca với ý tốt:
- Này, tốt hơn hết là chính chú em đừng nên chui vào bình, đừng tự làm mất uy tín trước mặt mọi người, đừng nói linh tinh và đừng cản trở ngại khác theo dõi trận đấu, dõi. Chú em ạ, sắp có chuyện đến nơi và chẳng cần chú em thì tình hình cũng đã xấu lắm rồi! (Ông Épghêni cũng cổ vũ cho đội “Dubilô”).
Quả thực, còn 11 phút nữa mới tới giờ giải lao mà tỷ số đã lên tới 14-0 nghiêng về phía đội “Saiba”.
Đội “Dubilô” luôn luôn gặp phải những chuyện kỳ lạ nào đó. Đội này dường như mới tập chơi: chuyền bóng kém cỏi và vô lý làm ai cũng phải sửng sốt, các cầu thủ chốc chốc lại ngã lăn kềnh, cứ như hôm nay họ mới tập đi vậy.
Còn hàng hậu vệ thì chơi hết sức khó hiểu. Các kiện tướng bóng đá lão luyện mới chỉ thấy quả bóng thôi đã hốt hoảng chạy giạt sang hai bên, trông chừng như đó là quả bom sắp nổ tới nơi.
Hai người bạn trẻ tuổi của chúng ta mới cảm thấy cay đắng làm sao! Hừ, đúng là cõng rắn cắn gà nhà: chúng lại đi giải thích cho ông Khốttabít thể lệ chơi bóng đá! Làm gì bây giờ? Làm sao giúp được các cầu thủ “Dubilô” để phục hồi sự công bằng đây? Biết làm gì với ông Khốttabít được? Thậm chí làm ầm lên cũng chẳng ăn thua. Cùng lắm thì cũng phải kiếm cách làm cho ông thần già không chú ý đến sân bóng, nơi đã diễn ra tấn bi kịch thể thao có một không hai ấy.
Giênia đã tìm ra lối thoát. Nó giúi vào tay ông Khốttabít tờ báo Thể thao Xôviết:
- Ông hãy đọc đi để mà biết, ông đang làm nhục trước con mắt cả nước một đội bóng tuyệt vời như thế nào!
Nói rồi, Giênia chỉ vào trang báo, nơi có hàng tít in bằng chữ lớn: “Một đội bóng đang lớn lên”.
- “Trong mùa bóng này, đội bóng đá của hội thể thao tự nguyện “Dubilô” đã nâng cao một cách rõ rệt tài nghệ của mình”. - Ông Khốttabít đọc thành tiếng. – “Trận đấu gần đây ở Cuibưsép mà đội này chơi với các cầu thủ đội bóng địa phương “Đôi cánh Xôviết”, đã chứng tỏ ra rằng qua đội này...”. Hay quá! - Ông Khốttabít nhận xét và mải mê đọc tiếp.
Hai cậu bé sung sướng nháy mắt cho nhau. Ông Khốttabít vừa mới cầm báo đọc, đội “Dubilô” đã như được thay hình đổi dạng. Hàng tiền đạo đội này lập tức chứng tỏ rằng bài báo đăng trên tờ Thể thao Xôviết hôm nay là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Gần như mỗi cú sút của các cầu thủ đội “Dubilô” đều kèm theo luồng âm thanh dữ dội của mấy chục nghìn tiếng reo hò hân hoan. Trong vòng nửa phút, trận đấu đã chuyển sang sân “Saiba”. Sút.... Sút nữa đi!... Các cầu thủ “Dubilô” quả là những chàng trai tài ba.
Chỉ cần vài khoảnh khắc nữa thôi là cuối cùng họ sẽ “làm ướt” được cái tỷ số “khô khốc” đen đủi của mình.
- A ha! - Ông Epghêni bắt đầu la hét ầm ĩ sau lưng Vônca. - Các bạn đã thấy chưa! Tôi đã bảo mà!... Họ sẽ cho cánh “Saiba” chó ngáp phải ruồi biết tay...
Chao ôi, giá mà ông ấy kìm hãm được trong lòng nỗi hân hoan của mình! Giá mà ông ấy đừng thụi một nắm đấm vào hông ông Khốttabít với vẻ đắc thắng, cứ như các cầu thủ “Dubilô” là những cậu con cưng nhất hạng của ông hay chúng cũng là những học trò cưng của ông!
Giật mình vì cú thụi ấy ông Khốttabít rời tờ báo, liếc cặp mắt đã thành thạo xuống sân bóng, đánh giá được tình thế trong chớp mắt và trả tờ báo cho cu cậu Giênia lại, ỉu xìu ngay lập tức:
- Ta sẽ đọc sau.
Ông già vội vã rút một sợi râu và những nỗi khổ đau nhục nhã không sao hiểu nổi của đội “Dubilô” lại tiếp diễn.
15-0!
16-0!
18-0!
23-0!
Trung bình cứ 40 giây lại có một quả bóng bay vào cầu môn “Dubilô”.
Thủ môn “Dubilô” gặp phải chuyện gì thế kia? Tại sao anh lại áp mặt vào cột dọc và chỉ thét lên “Ối mẹ ơi!” mỗi khi bóng sút vào cầu môn của mình? Tại sao bỗng nhiên anh lại rời khỏi cầu môn với vẻ mặt trầm ngâm đúng vào lúc quyết định nhất, khi mà trận đấu diễn ra quyết liệt ngay sát khu phạt bóng?
- Thật là nhục nhã! - Từ các khán đài, người ta la ó thủ môn, - Thật là bậy bạ! Sao lại chơi như thế kia?
Nhưng anh ta, một thủ môn nổi tiếng, vẫn tiếp tục rời cầu môn đi qua một bên với bước chân không vững lúc các cầu thủ “Saiba vừa mới tiến lại gần.
- Cậu sao thế? - Cầu thủ dự bị vô cùng lo sợ. - Hay là cậu bị mất hồn rồi?
- Đúng là mình bị mất hồn thật. Lúc nào cũng như có người túm cổ mình mà lôi vậy. Mình chống lại, nhưng hắn ta lại xô mình ra khỏi cầu môn. Mình cố nhào tới quả bóng, còn hắn ta thì ép chặt mình vào cột dọc và mình bị ép chặt đến nỗi không sao vùng ra được.
- Chao ôi, cậu khốn to rồi, Grisa ơil
- Còn phải nói!...
Cảnh tượng trên sân vận động khác thường đến nỗi không một người nào có mặt ở đó, kể cả những người soát vé, các anh công an và những người bán hàng rong, lại không bày tỏ một cách ầm ĩ thái độ sửng sốt ghê gớm của mình trước những biến cố phi thường đang diễn ra trước mắt họ.
Chỉ có một ngươi nhăn mặt trong các trận đấu bóng là mặc dù cũng sửng sốt ghê gớm, nhưng không hề bày tỏ thái độ của mình trước những biến cố ấy. Đó là một người đàn ông trầm lặng đến kinh ngạc và điềm tĩnh đến kỳ lạ, 56 tuổi, hơi gầy, tóc bạc, cao lêu nghêu, có bộ mặt dài vàng khè, kín đáo. Bộ mặt đó rất ít biểu lộ sắc thái tình cảm cả những ngày có các trận đấu địa phương lẫn những ngày có các trận đấu chung kết, là những ngày mà chỉ một cú sút bóng thành công cũng đủ quyết định đội nào được đeo huy chương vàng vô địch quốc gia trong suốt cả năm. Người đàn ông ấy bao giờ cũng lạnh lùng, ngồi thẳng người, không cựa quậy và trên vầng trán cao của ông ta không thể hiện một điều gì cả như nhà thơ nọ đã nói nhân một việc khác hẳn.
Hôm nay, ông lại ngồi đúng cái chỗ quen thuộc của mình, ngay trước mặt ông Khốttabít. Ông cổ vũ cho đội “Dubilô”. Ta có thể hình dung được những cảm xúc mạnh nào đang vò xé bộ ngực lép kẹp, xương xẩu của ông, một bộ ngực của viên thư lại tiêu biểu. Nhưng chỉ cặp mắt đưa đi đưa lại và cái đầu quay trái quay phải một cách khó nhận, thấy mới chứng tỏ rằng ông ta không hề thờ ơ đối với những gì đang diễn ra trên sân bóng. Có lẽ ông bị đau tim, ông phải giữ mình, bởi vì những cảm xúc quá mạnh thường đe dọa ông bằng những chuyện rắc rối hết sức nghiêm trọng. Nhưng thậm chí khi ông quen tay lục tìm trong túi áo véttông của mình cái hộp con đựng đường tán nhỏ và cái lọ thuốc trợ tim, rồi bắt đầu vừa nhỏ từng giọt thuốc vào đường, vừa không rời mắt khỏi các cầu thủ, bộ mặt của ông vẫn bất động như cũ, cứ như ông nhìn vào chỗ trống vậy.Tỷ số 23-0 suýt nữa làm ông tắt thở. Ông bỗng hé cặp môi mỏng xám ngoét của mình và cất lên giọng khàn khàn:
- Giá mà bây giờ có người bán nước khoáng boócgiômi nhỉ!
Ông Khốttabít như mở cờ trong bụng, sung sướng trước những thành công kỳ diệu của các cầu thủ “Saiba”, cho nên hơn bất cứ lúc nào hết, ông sẵn sàng đem lại niềm vui cho mọi ngươi. Sau khi nghe câu nói của con người lạnh lùng ngồi trước mặt mình, ông già bí mật búng ngón tay toanh trách, thế là trên tay người đó bỗng xuất hiện từ đâu không biết một ly nước khoáng boócgiômi mát lạnh.
Bất cứ ai ở địa vị ngươi đó cũng phải lấy làm ngạc nhiên và ít ra cũng đưa mắt nhìn những người ngồi xung quanh. Thế nhưng ông ta, vẫn với bộ mặt lạnh như tiền không hề thay đổi, thản nhiên đưa cái ly đọng hơi nước bên ngoài lên miệng, song ông chưa kịp uống: Các cầu thủ “Dubilô” tội nghiệp đang bị đe dọa thua thêm bàn thứ 24.
Ngừơi đàn ông lạnh lùng nọ cứ ngồi đờ ra như thế với cái tay cầm ly giơ lên. Giênia vẫn còn mải nghĩ cách cứu đội bóng đã bị thua một cách nhục nhã, liền giật lấy ly nước khoáng boócgiômi trên tay người cổ vũ bơ phờ và hất toàn bộ chỗ nước trong ly vào bộ râu của ông Khốttabít.
- Quỷ quyệt làm sao! Quỷ quyệt, hèn hạ biết chừng nào! - Ông thần già kêu lên và bắt đầu vội vã rứt hết sợi râu này đền sợi râu khác.
Thay vì tiếng “tưng” trong trẻo, hai cậu bé thích thú nghe thấy tiếng rung ỉu xìu của một sợi dây nhỏ kéo căng.
- Thế tiếp tay cánh “Saiba” không phải là quỷ quyệt à? - Vôlca hỏi ông Khốttabít với giọng móc máy. - Thà cứ im đi cho được việc!
Trong lúc đó, hệt như sau bàn thua thứ 14, các cầu thủ “Dubilô” được hồi tỉnh, lại chọc thủng tuyến tiền vệ và tuyến hậu vệ của đội “Saiba”, quyết liệt dẫn bóng về phía cầu môn của đội này.
Do “ngồi chơi xới nước” đã lâu, hàng hậu vệ “Saiba” đâm ra “hư hỏng” và không thể nhanh chóng dốc hết mình để đương đầu với mối nguy bất ngờ. Còn thủ môn “Saiba” lúc đó vẫn thản nhiên ngồi nhằn hạt dưa trên thảm cỏ. Khi anh ta đứng dậy được, số hạt dưa chưa nhằn hết làm cho anh bị hóc, thì các cầu thủ “Dubilô” đã sút bóng vào ngay chính giữa khung cầu môn không có người bảo vệ. Thật là đáng đời!...
Nhưng đúng lúc đó, một tiếng “tưng” trong trẻo vang lên, làm cho hai cậu bạn trẻ của chúng ta rầu hết chỗ nói. Thì ra cuối cùng ông Khốttabít vẫn tìm được một sợi râu khô. Than ôi Giênia, Giênia, cặp mắt tinh tường và đôi tay chính xác của cậu để ở đâu? Tại sao cậu không đề phòng cẩn thận? Bây giờ thì đội “Dubilô” xôi hỏng bỏng không rồi.
- Ông Khốttabít thân yêu ơi, ông Khốttabít yêu quý ơi, ông hãy cho đội “Dubilô” gỡ lại tí chút đi! - Vônca năn nỉ.
Nhưng ông Khốttabít giả bộ chẳng nghe thấy gì hết và quả bóng đang bay vào giữa khung cầu môn “Saiba” bỗng ngoặt về phía cột dọc bên trái rồi giáng vào đó một cú mạnh đến nỗi quả bóng liền dội ngược trở lại, bay suốt cả sân, vừa bay vừa cố tránh các cầu thủ “Dubilô” đón đường nó, cứ như nó là một vật sống vậy và cuối cùng nó nhẹ nhàng lăn vào cái cầu môn nhiều đau khổ của đội “Dubilô”.
24-0! Với hai đội ngang sức nhau, tỷ số này đã làm cho mọi người phải sửng sốt.
Lúc bấy giờ, Vônca hoàn toàn mất tự chủ.
- Tôi yêu cầu ông, một lần cuối ra lệnh cho ông phải chấm dứt ngay lập tức cái trò nhạo báng đó! - Vônca khẽ rít vào tai ông Khốttabít. - Nếu không, tôi sẽ tuyệt giao vĩnh viễn với ông! Ông hãy chọn đi: hoặc là tôi, hoặc là đội “Saiba”!
- Chính cậu cũng là một người hâm mộ bóng đá chẳng lẽ cậu lại không hiểu nổi ta sao? - Ông già van nài. Nhưng khi cảm thấy, qua nét mặt của Vônca, hẳn là lần này tình bạn của hai ông cháu sẽ đi tiêu, ông Khốttabít đành phải nói nhỏ. - Ta xin sẵn sàng đợi lệnh của cậu
- Các cầu thủ “Dubilô” không hề có lỗi trong ông cổ vũ cho đội “Saiba”. Ông đã làm nhục họ trước con mắt cả nước! Bây giờ, ông hãy làm cho mọi người thấy rằng họ không hề có lỗi trong việc họ bị thua.
- Xin tuân lệnh, hỡi cậu thủ môn trẻ tuổi của tâm hồn ta?
Tiếng còi của trọng tài báo hiệu giờ giải lao vẫn còn chưa dứt thì 11 cầu thủ trong đội bóng đá của hội thể thao tự nguyện “Dubilô” đã bắt đầu đồng loạt hắt hơi và ho sù sụ.
Họ nối đuôi nhau xếp hàng chuệch choạc, rồi uể oải bước vào phòng thay quần áo của mình, ra đi vừa hắt hơi và ho liên tục.
Một phút sau, người ta phải gọi bác sĩ vào đấy: toàn đội đều cảm thấy khó chịu trong người. Bác sĩ bắt mạch tất cả các cầu thủ đề nghị họ cởi áo, sau đó xem khoang miệng rồi đến lượt mình, ông gọi trọng tài vào phòng thay quần áo của đội “Dubilô”:
- Này, anh Luca Épghêniêvích, phải hoãn trận đấu lại thôi, còn tỷ số trận đấu thì phải coi là không có giá trị.
- Tại sao vậy?
- Tại vì đội “Dubilô” không thể xuống sân bóng ít nhất là 7 ngày. - Bác sĩ trả lời với vẻ bối rối. - Cả đội đều bị bệnh.
- Bị bệnh?! Bệnh gì?
- Một trường hợp rất kỳ lạ trong y học, anh Luca Épghêniêvích ạ. Tất cả 11 anh chàng người lớn hẳn hoi này đã đồng loạt mắc một chứng bệnh trẻ con: bệnh sởi! Luca Épghêniêvích, chính tôi cũng không thể nào tin được nếu như tôi không vừa khám họ hết sức kỹ lưỡng...
Trận đấu có một không hai trong lịch sử môn bóng đá đã kết thúc như vậy đó. Trong trận này, một người cổ vũ đã có thể dùng phép thuật để tác động đến quá trình diễn biến của trận đấu. Như các bạn thấy đấy, việc đó chẳng đem lại điều gì tốt lành cả.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Bệnh sởi, giáo sư nổi tiếng L.I. Côkliuxơ đã mô tả tỉ mỉ sự việc hiếm có: 11 vận động viên người lớn đã đồng loạt mắc bệnh sởi lần thứ hai trong đời mình, nhưng hôm sau ngủ dậy lại hoàn toàn khỏe mạnh. Bài báo có đầu đề là “Đấy, đã thấy chưa!”. Bài này thành công tới mức không thể nào mượn được số tạp chí có đăng bài đó trong các thư viện. Số tạp chí ấy liên tục được mọi người chuyền tay nhau đọc.
Vì thế các bạn đọc thân mến của tôi, tốt hơn hết là đừng đi tìm số tạp chí ấy. Dẫu sao thì các bạn cũng chẳng tìm được nó đâu, chỉ tổ mất thì giờ vô ích mà thôi.
---
(1) Một nước ở châu Mỹ Latinh, cách Liên Xô rất xa - N.D.