Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 21
NHỊP ĐỘ

“Bạn thân mến, chúng tôi sung sướng chuyển đến bạn lời chào của P. kiều diễm. Theo đề nghị của P. chúng tôi xin thông báo là công việc của bạn tiến triển rất tốt, và những cổ phần mà cô ấy kiếm được từ tiền thưởng của bạn đã được bỏ vào một công việc đáng tin cậy, có thể trông đợi 12 đến 13 phần trăm lãi cho mỗi khoản vốn. Xin báo là tiền thưởng của bạn gồm 32.772 đô-la 12 xu. Tuy nhiên, do bạn đã yêu cầu gửi thuốc men, những đồ vàng bạc, nên chúng tôi đã chi đi 641 đô-la 3 xu, do vậy, số tiền còn lại là 32.131 đô-la 09 xu. Theo đánh giá của người chỉ huy chúng tôi, bạn sẽ đóng góp một phần lớn lao vào sự nghiệp giải phóng Na-gô-ni-a khỏi chế độ cộng sản. Yêu cầu bạn tiếp tục thông tin thường xuyên. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chúng tôi quan tâm hơn hết là: Ở Mát-xcơ-va có biết gì về sự giúp đỡ của chúng ta cho các nhóm đối lập chánh phủ và nếu biết thì cụ thể biết những gì? Sẽ có sự mở rộng viện trợ cho chế độ Gri-xô không? Chúng tôi rất quý các tin báo kịp thời của bạn về thời gian và nơi xuất phát các đoàn tàu thuỷ. Nay mai, chúng tôi sẽ gửi cho bạn những hướng dẫn mới và tất cả những gì lần trước bạn yêu cầu. Chúng tôi rất vui mừng vì mọi lo ngại của bạn giờ đã có thể loại bỏ. Sắp tới có lẽ chúng tôi đề nghị tạm nghỉ liên lạc bằng vô tuyến một thời gian để bảo mật, và sẽ thảo luận những hình thức làm việc mới cho giai đoạn tiếp. Xin chân thành chúc mừng bạn. Các bạn L và G của bạn”.
°

*

“Gửi Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ. Tối mật. Bộ phận vạch kế hoạch chiến lược.
Chiến dịch “Ngọn đuốc” đã bước vào giai đoạn cuối. Mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Cần liên lạc với lầu Năm góc về vấn đề cung cấp máy bay lên thẳng cho Ô-ga-nô vào thời gian gần nhất.
Các giai đoạn của kế hoạch:
Vào ngày N. (thứ bảy hoặc chủ nhật, rất…
thiếu trang 179,180,181,182
- Họ có đánh điện cho Dô-tốp không?
- Theo chỗ tôi biết thì không.
- Sao vậy?
- Trên thực tế, hai người đã ly dị rồi, họ sống mỗi người một nơi.
- Chị ta ốm khi nào?
- Ông già láng giềng của Đu-bốp kể là chị ấy bị quỵ từ buổi chiều. Đu-bốp xoa mù-tạt cho chị ấy, cho xông bằng mù-tạt, vỗ vỗ chân cho ra mồ hôi, anh ta lóng nga lóng ngóng, ông già nói thế, nhưng đã làm đủ mọi cách. Sáng ra anh ấy gọi xe cấp cứu, nhưng đã muộn.
- Tôi chẳng hiểu gì cả - Côn-xtan-ti-nốp nhắc lại - Chẳng thể hiểu cái quái gì cả!
Và ông gọi điện cho ban giải mã.
Pa-nốp báo cáo là đã ba ngày trở lại đây - tức là sau cái chết của Vin-te, không thấy có các bức điện vô tuyến đánh từ trung tâm tình báo CIA nữa.
- Vậy là chính chị ta đã thu những bức điện kia? – Côn-xtan-ti-nốp đăm chiêu hỏi, mắt nhìn sang Prô-xcu-rin.
- Chẳng thế, còn ai vào đây nữa!
- Ôi chao – Côn-xtan-ti-nốp lắc đầu, lấy điếu xì-gà ra, từ từ bóc lớp giấy bóng kính – Cho mọi người tập hợp, ta sẽ bàn bạc tình hình.
°

*

Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, vào hồi 7h15, như trước kia, trung tâm tình báo ở A-ten của CIA đã đánh cho tên gián điệp ở Mát-xcơ-va bức điện ngắn (1).
- Vậy là không phải Vin-te? – Côn-xtan-ti-nốp mời Prô-xcu-rin và Pa-nốp lên và hỏi.
- Cũng rất có thể là bọn chúng chưa kịp hay biết gì về việc chị ta chết đột ngột – Prô-xcu-rin không đồng ý!
- Cũng có thể… Thế Vin-te làm gì vào những ngày cuối cùng? Gặp gỡ với ai? Nói những chuyện gì?
- Rai-xa Ni-a-mê-tô-va nói là Vin-te đã ở chỗ chị ấy trước hôm chết, một cuộc gặp gỡ bình thường của các bạn gái, không có gì quan trọng cả, vui vẻ nữa, thế thôi.
- Đồng chí có hiểu tí gì không? Côn-xtan-ti-nốp hỏi Pa-nốp – Tôi thật không hiểu ra làm sao nữa. – Ông quay sang Prô-xcu-rin - để tôi sẽ đến gặp Rai-xa Ni-a-mê-tô-va nhé, dẫu sao tôi cũng có biết Vin-te, câu chuyện có thể có giá trị hơn. Anh báo trước cho chị ấy nhé, càng sớm càng tốt…
Tuy nhiên, ông phải hoãn lại cuộc đến thăm Rai-xa: Trung tướng Phê-đô-rốp đột ngột gọi Côn-xtan-ti-nốp, Prô-xcu-rin và Cô-nô-va-lốp lên. Mặt ông nhợt nhạt, nhợt nhạt đến mức xanh xao. Ông ngồi sau bàn, tay đặt lên phía trước và có thể trông rõ các ngón tay của ông đang nắm chặt hộp bút chì màu, các móng tay tím nhợt hẳn ra.
- Điều này cũng không là khám phá mới mẻ gì với các đồng chí – Ông nói - nếu như tôi khẳng định là trong tình báo, không ai tiến hành cuộc độc thoại bằng vô tuyến suốt trong một năm. Phải có hồi âm – đó là kẻ mà ta chưa có một khái niệm nào. Đây là một cuộc đối thoại mà sự sôi nổi của nó – như ta đã có dịp chứng minh - phụ thuộc vào tình hình căng thẳng đang dần tăng lên hiện nay trên lục địa châu Phi, cụ thể là Na-gô-ni-a. Kết luận thật rõ ràng: nguồn đưa tin là một kẻ rất am hiểu, hắn thông báo cho các ông chủ của hắn một loạt lĩnh vực rộng lớn của các vấn đề. Như thế là mỗi cuộc đối thoại đều làm thiệt hại cho chúng ta. Xác định mức độ thiệt hại này, hiện chưa thể làm được. Chúng ta sẽ xác định nó, nhưng càng làm muộn bao nhiêu càng phải trả giá đắt bấy nhiêu. Còn bây giờ các đồng chí hãy xem thông báo đặc biệt khẩn mà tôi vừa nhận được…
Phê-đô-rốp mở cặp giấy đỏ, dặng hắng và đọc chầm chậm như đánh vần từng chữ:
“Hôm nay vào hồi 5 giờ sáng, chiếc tàu vận tải U-xpen-xky, đăng ký tại cảng Ô-đét-xa, đã bị nổ khi đi vào cảng Luy-xbua với toàn bộ số hàng gửi cho Na-gô-ni-a. Chiếc tàu từ cảng Muốc-man-xcơ, chở máy móc nông nghiệp, xe vận tải và thuốc men. Ba nhân viên trong đội tàu đã hy sinh”.
Phê-đô-rốp chậm rãi nhìn các cán bộ công an một lượt rồi lại nắm tay vào và chuỗi tay ra, như thể cố làm cho nó ấm lên:
- Tôi cho rằng hành động này là trò phiêu lưu tự biên tự diễn của CIA; chính phủ chúng chưa thể chuẩn y cho một hành động trâng tráo như thế. Rốt cuộc là bọn chúng đã hiểu, tình hình phải làm như vậy và không thể giấu được hành tung của chúng nữa.
Phê-đô-rốp im lặng một lúc, rồi ông nói không kìm được nữa:
- Tôi nghĩ rằng sau khi nghe được tin báo về tai nạn của chiếc tàu chúng ta như thế, thì đến ngay cả Phê-lích Ét-mun-đô-vích (2) cũng sẽ xin từ chức. Rõ chưa? Xla-vin thì ngồi ngâm cứu ở Luy-xbua, các anh ngồi đây mà vạch kế hoạch, trong khi chúng giết người, phá hoại phương tiện kỹ thuật!... Các anh không tìm ra được thì cứ nói, để tôi còn thu xếp, cắt cử người khác!
Côn-xtan-ti-nốp nói nhỏ:
- Xla-vin đang thực hiện nhiệm vụ của mình một cách xứng đáng, chỉ có tôi, tôi xin sẵn sàng từ chức ngay.
Phê-đô-rốp rút tay khỏi bàn.
- Về việc anh từ chức thì hãy gượm: trước tiên anh hãy làm cho xong việc đáng phải làm đã. Có vậy thôi. Mời các anh về nghỉ.
(1) Nội dung bức điện lúc đó vẫn chưa giải mã được như sau: “Hôm nay, chúng tôi đã đọc tín hiệu kiểm tra của bạn. Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra ở chỗ đã hẹn vào thời gian thường lệ. G và L của bạn” (tác giả chú thích).
(2) Tức P.E Dgéc-din-xky, nhà hoạt động phản gián Xô-viết nổi tiếng, đứng đầu cơ quan an ninh Liên Xô hồi đầu Cách mạng tháng Mười (ND).

Truyện TASS được quyền tuyên bố Phần 1 - 4 Phần 5 - 7 Phần 8 - 10 Phần 11 Phần 12 Phần 13 Phần 14 Phần 15 Phần 16 Phần 17 PHẦN 18 Phần 19 Phần 20 Phần 21 Phần 22 !!!6972_15.htm!!! Đã xem 55253 lần. --!!tach_noi_dung!!--

Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 22
XLA-VIN

--!!tach_noi_dung!!--
Tại bữa chiêu đãi ở sứ quán Liên Xô, Glép kéo Dô-tốp ra một chỗ, chìa cho anh cuốn sách nhỏ bìa cứng, đã sờn, giải thích:
- Hoá ra cái này khó tìm quá đỗi: phải nhờ tận Oa-sinh-tơn, và nhà xuất bản sách Nga Cam-kin đã giúp đỡ.
- Rất cám ơn. Ông cho mượn được bao lâu?
- Cho mượn mãi mãi.
- Không cần đến thế, cảm tạ ông. Một tuần nhé?
- Được lắm, ông có muốn chụp phô-tô co-py lại trên máy Xê-rốt (1) không?
- Chỗ tôi cũng óc một cái máy Xê-rốt, tuy ọc ạch, nhưng tôi cũng sẽ cố gắng tự sao chụp lại.
Dô-tốp, vốn dân mọt sách, không kìm được mình, vội liếc ngay năm xuất bản của cuốn sách, viết về dân ca châu Phi: 1897.
- Cám ơn ông Giôn – anh nhắc lại, - tôi thật hết sức hàm ơn ông.
- Chính tôi phải cảm tạ ông mới phải, En-driu (2) ạ!
- Cảm tạ tôi? Về cái gì?
- Về tình bạn ông đối với chúng tôi.
- Tình bạn loại trừ khái niệm “tạ ơn”, ông Giôn ạ, ít ra thì cũng là người Nga chúng tôi nghĩ thế. “Tạ ơn”, có gì đó gắn vào với chuyện kinh doanh.
- À, thế nhân chuyện kinh doanh, ông có thể giúp tôi được không?
- Việc gì vậy?
- Tôi rất muốn gặp đại diện thương mại của các ông.
- Không có vấn đề gì khó, để tôi sẽ thu xếp. Nhưng về đề tài gặp gỡ?
- Về Na-gô-ni-a ấy mà.
- Ông có can hệ gì đến Na-gô-ni-a?
- Cũng như các ông thôi, tôi nghĩ đến tương lai của nước này. Chính phủ nước tôi bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về việc các ông cung cấp thiết bị kỹ thuật. Mà tôi sở dĩ biết chuyện này vì hãng tôi đang nghiên cứu làm thế nào cho các thiết bị của các ông chóng hỏng!
- Các ông giở trò vô ích thôi, Giôn ạ, chả lẽ các ông muốn có thêm một Việt Nam thứ hai?
- Chúng tôi thì không. Nhưng chính các ông muốn có đấy, En-đriu ạ! Đừng nghĩ rằng tôi ủng hộ Chính phủ tôi, ở đó cũng không có nhiều những đầu óc thông minh lắm đâu, tuy nhiên, cũng gọi là có dăm ba kẻ có nếp nhăn ở vỏ não. Chúng tôi đã không nhúng vào Na-gô-ni-a, chính là các ông đã thò tay vào đó. Các ông đã ký hiệp định với Gri-xô, vậy là nếu có chuyện gì, thì các ông sẽ viện trợ quân sự cho ông ta chứ gì.
- Ở vào địa vị tôi thì tôi sẽ chi viện.
- “Ở vào địa vị tôi”! Ông đâu phải là Chính phủ. Nói chung, dân chúng các ông ủng hộ một hành động như thế không?
- Dứt khoát là ủng hộ rồi.
- Chà, đấy mới đúng là cách trả lời của đàn ông…
- Khi nào ông có thể nói lại với xếp của ông?
- Ông hãy gọi điện vào khoảng 3 giờ chiều mai, ô-kê?
- Thoả thuận thế nhé. Nhờ ông chuyển lời hỏi thăm của tôi đến bà vợ kiều diễm của ông, En-đriu ạ.
- Cảm ơn ông.
- Khi nào ông đón bà ấy quay trở lại đây?
- Khi nhà tôi xong công việc ở Mát-xcơ-va.
Họ bắt tay nhau rổi chia tay. Cũng như mọi buổi tiếp tân, buổi này được tổ chức chào mừng dàn nhạc Xô-viết đến Luy-xbua, cũng là một hình thức của công tác ngoại giao: ở đó người ta hẹn nhau gặp gỡ, đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm, tuy không phải bao giờ cũng đáng quan tâm cho cả hai phía, trao đổi những thông tin đã được hiệu chỉnh chính xác và với liều lượng chính xác.
Còn Glép, sau khi rời khỏi chỗ Dô-tốp, đến trao đổi mấy câu xã giao lịch thiệp với tham tán về văn hoá của sứ quán, tỏ bày sự hào hứng của mình với nhạc trưởng dàn nhạc, ôm lấy anh một cách thân thiện và nói đùa:
- Khi quả núi không chịu đến với Ma-hô-mét, thì đã có Đức Phật triệu tập hội nghị các nước không liên kết lại với nhau (3). Chào Vít thân mến, ông biến đi đâu thế?
- Chỉ có ông biến đi mất, chứ tôi vẫn đang gắng làm việc đấy thôi.
- Ái chà chà, cái công việc quỷ quái ấy chứ gì!
- Cũng không đến nỗi quỷ quái lắm đâu!
- Tôi muốn nói gánh nặng của công việc, chứ không đề cập đến mục tiêu, Vít ạ!
- Tôi cũng đang nói về vấn đề ấy đấy, có điều gánh nặng của công việc không ai gọi là quỷ quái bao giờ! Còn nếu nói về gánh nặng mà chiếc xe “Fi-át” nhỏ bé của tôi thì lại là chuyện khác: Hãy thử mà bứt ra khỏi những con mắt tò mò, đi. Ở đây người ta quá tò mò phải thế không ông?
- Người ta theo dõi ông không rời chứ gì? – Glép thở dài – Làm thế nào được, phải quen đi thôi. Bọn họ còn theo dõi tôi cả ở trong cầu tiêu nữa ấy!... Thôi, hôm nay Pi-la đang đợi chúng ta để thết món Xpa-ghét-ti (4) đấy. Ông có thích ăn Xpa-ghét-ti không?
- Tôi thích, nếu có nhiều. Một nữ diễn viên Pháp thông minh đã nói thật chính xác về sự khác nhau giữa bàn ăn Mát-xcơ-va và bàn ăn phương Tây. Cô ta bảo: “các tủ kính bày hàng ở Mát-xcơ-va thì thật sơ sài, trông chẳng có gì hấp dẫn, nhưng nếu bạn đến chơi bất kỳ nhà ai thì nào cá hồng khô, nào giăm bông, nào phó-mát, chẳng thiếu gì! Còn bên chúng tôi thì các tủ kính bày cứ hoa cả mắt, thế nhưng đến chơi thì người ta chỉ mời bánh quy với cốc nước chè thôi!”. Nhận xét vui đấy chứ?
Glép phì cười:
- Được quá! Ác khẩu. Nhưng đúng! Sẽ có Xpa-ghét-ti, không những có cả phó-mát, mà tôi sẽ bảo để Pi-la chuẩn bị có cả thịt nữa, dù phải phá sản cũng cam… và ông sẽ tự đến, hay là tôi phải tìm cách nẫng ông ra khỏi lưới giám sát của các tay pin-kéc-tơn (5) địa phương?
- Thế thì để ông đánh tháo cho tôi hơn… Như thế về phía ông thật đĩnh đạt hết chỗ nói.
- Được, trước tiên để tôi đi kéo người thân của ông trước, sau rồi sẽ lên chỗ ông.
- Người thân của tôi, cô ấy lại ở Mát-xcơ-va kia, Giôn ạ!
- Tôi nói Pôn đấy!
- Ái chà, ông ấy đã là người thân của tôi ư? Ông phải chúc mừng tôi mới phải, có Pôn Đích là người của mình thật hết sức vinh dự.
- Ông ta đã đem câu chuyện về lão Nga xấu số ra để căn vặn tôi suốt.
- Lão Nga nào?
- Cái lão đã chữa cái ra-két cho ông ấy.
- Ác-khíp-kin, Bê-liu. Thế lão ta đúng thật là người Nga à?
- Hẳn rồi. Và người ta đã gọi lão hệt như Pôn đã gọi ông: I-van, Ai-ven.
- Tin ông lão chết đã đăng trên báo chưa?
- Có lẽ hiện giờ thì chưa. Tôi có các bạn làm việc ở FBI (Cục điều tra liên bang) nhưng đóng ở đây, họ cho rằng đăng tin này hãy còn sớm, ít số liệu. Họ cho rằng vụ này còn rất hay, chưa thể bình luận ngay được.
- Nếu ông biết thêm điều gì mới thì nói cho tôi hay với nhé.
- Ông định viết về số phận tên di cư xấu số ấy chăng?
- Nếu đó là một số phận ly kỳ thì sao lại không viết? Tôi sẽ viết đấy, nhất định thế!
- À, ông đã đọc tuyên bố của ông Ô-ga-nô chưa?
- Ông ta luôn có nhiều tuyên bố lắm, ông định nói về cái tuyên bố nào?
- Tuyên bố hôm nay. Các gã ký giả bên phía chúng tôi đã lọt vào gặp được ông ta, - ông ta vốn hay xua đuổi họ - báo chí đế quốc mà lại…
Xla-vin bật cười.
- Ông ta không chơi bóng bàn đấy chứ?
Glép chưa hiểu ra ngay, vươn người về phía người đối thoại – theo thói quen – và hỏi:
- Bóng bàn? Sao vậy? Ông định ngụ ý gì?
- Tôi ngụ ý đến một nền ngoại giao – Xla-vin đáp – Ông có nhớ đã từng có một kiểu ngoại giao như thế rồi không?
- À, đó là những trò chơi của tiến sĩ Kít-xinh-giơ. Nói chuyện với ông khó quá, ông quá am hiểu so với một ký giả, Vít ạ!
- Một ký giả không am hiểu thì thật là điều phi lý! Ông ạ, vậy ông Ô-ga-nô gần đây nhất đã tuyên bố những gì?
- Ông ta nói rằng cả các cố vấn của các ông, cả hàng hoá vẫn cung cấp cho Na-gô-ni-a, cũng không cứu vãn được cho Gri-xô khỏi sụp đổ. Ông ta bảo, đó chỉ là vấn đề của ba bốn tháng tới.
- Tôi nhớ, trước đây ông ta cũng đã tuyên bố thế rồi!
- Phải, chỉ có điều ông ta chưa nêu được thời hạn như bây giờ.
“Vậy là, bọn chúng đã có một thời hạn xác định – Xla-vin nghĩ – Tên kia dám để lộ thời hạn ba, bốn tháng là tối đa, cũng không phải thừa - Bọn chúng phải bắt đầu sớm hơn thế nhiều”.
Về nhà, Glép vào ngay phòng làm việc, hạ cửa sổ xếp nếp xuống cho kín, vặn nhạc to lên, lấy máy ghi âm nhỏ từ trong túi ra. Mi-crô được lắp trong một cái đồng hồ, rất tiện; hắn nối nó vào một hệ thống máy đặc biệt và bắt đầu chăm chú nghe. Các câu nói của Dô-tốp: “Chỗ tôi cũng có một cái máy Xê-rôx tuy ọc ạch nhưng tôi sẽ cố gắng tự sao chụp lại”, “Cám ơn ông Giôn, tôi thật hết sức hàm ơn ông”, “không có vấn đề gì khó để tôi sẽ thu xếp”, “ở vào địa vị tôi thì tôi sẽ chi viện”, “dứt khoát là ủng hộ rồi”, “ông hãy gọi điện vào khoảng ba giờ chiều mai, ô-kê!” hắn ghi sang băng có độ nhậy cao và cất nó vào két.
Thay quần áo xong xuôi, hắn đến chỗ Pi-la, chuyển cho ả cái máy ghi âm bé xíu thứ hai và nói:
- Tiểu thư xinh đẹp ơi, em sẽ phải hôn Dô-tốp, nói với hắn “Anh yêu quý” và trò chuyện sao cho hắn nói với em những lời sau đây: “Mệt quá, không thể làm hơn được nữa”, “Thôi kệ mọi thứ!”. Em có ba tiếng để hoàn tất kịch bản, kịp chứ? – Em hãy ngẫm nghĩ cho khéo, vì trong băng ghi âm chỉ ghi đủ có bốn mươi phút thôi, rõ chưa? Em nhớ bảo A-li-xa làm thêm thịt vào món Xpa-ghét-ti nhé. Tay Xla-vin này biết đòi hỏi những gì hắn muốn đấy. Hiện giờ ta hãy chịu khó chiều hắn một chút, được chứ?
(1) Xerox: Các máy sao chụp chính xác và nhanh chóng do hãng Rank – Xerox của Mỹ chế tạo (ND).
(2) Tên An-đrây đọc theo âm tiếng Anh (ND).
(3) Ngạn ngữ các nước Hồi giáo: khi nào quả núi không đến với Ma-hô-mét thì Ma-hô-mét sẽ tự mình đến với quả núi (ND).
(4) Món mì sợi Ý rất mềm và ngon (Spaghetti).
(5) Pin-kéc-tơn (Pinkecton): tên một hãng thám tử tư có tiếng ở Mỹ về sau trở thành danh từ chung để chỉ các thám thử (ND).
--!!tach_noi_dung!!--

Scan: Thái Nhi
Đánh máy :Hoa tulip
Nguồn: Vnthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 2 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--