Chương 3

Tôi đưa hai tay, trả bản thảo cho nhà văn. Khi đã đọc xong cái tập giấy dầy in không biết bao nhiêu là chữ như thế này, tự nhiên tôi muốn tò mò. Thiếu nữ trong truyện đương nhiên không phải là tôi, nhất là khi cô ta nghĩ ngợi về tình dục. Tôi trắng trợn nhìn mắt anh và nhà văn khe khẽ cúi đầu. Rất nhiều người lớn không muốn một sự minh bạch. Hình như tôi cũng đã lớn và tôi ơi, vĩnh viễn không còn nhỏ nữa. Thật ra, khi đưa cho người lớn bất cứ cái gì nên phải đưa hai tay. Người lớn là người hơn tuổi, là sếp, là người mình kính trọng hoặc giả vờ kính trọng. Người lớn còn là cái gì nữa hả người lớn. Bố tôi vẫn có thói quen đưa như thế. Còn mẹ tôi, thỉnh thoảng có. Người được giáo dục tốt là người giữ được nhiều thói quen. Không phải cố, họ dễ dàng làm đúng. Tôi hay phải cố để tránh làm sai. Con bé ánh, em gái tôi thua tôi bốn tuổi, nó là đứa chúa trùm làm sai. Tôi có sai không khi tôi thấy thích nhà văn. Và tôi có lầm lẫn không khi tôi thấy hơn cả là thích. Những tờ bản thảo in bằng máy lazer HP, tôi mất nhiều công vuốt phẳng nhưng vẫn nhầu. Quần áo tôi cũng hay bị nhầu, vì khi tôi chập chờn ngủ, tôi hay bị lăn lộn một mình trên giường. Đấy là tại sao tôi thích mặc quần jean và áo phông sợi thô. Còn thật thích là không mặc áo lót. Rất nhiều người đàn ông có học, lúc tôi bâng quơ ngồi đối diện, luôn chăm chú đánh vần những chữ tiếng Anh gập ghềnh trên ngực áo của tôi. Ngực của tôi, tôi thật để ý đến nó vào khoảng năm học lớp tám. Con bé Điệp, nhà ở gần chợ Giời, vài lần rủ tôi tắm chung, hai đứa tò mò xem ngực của nhau. Cái núm vú mầu hồng nhạt và bên ngực trái của tôi có một nốt ruồi tươi đỏ. Thầy Quý lùn dậy thể dục, khi bắt tôi sửa lại động tác lộn xà kép đã cố tình chạm khuỷ tay vào nó. Hình như tôi có thấy sợ, nhưng lẫn lộn là một sự bực mình. Thầy Quý lùn lởm khởm nhiều râu, trông bẩn thỉu đê tiện mặc dù suốt ngày nồng nặc mùi xà phòng tắm vội. Cái đêm đó tôi dấm dúi thức để ngực trần trước gương lan man nhìn. Rồi tôi trằn trọc ngủ. Tôi ngủ say vẫn giẫy, ngày bé bố mẹ tôi kêu vậy. Còn bây giờ, vài người đàn ông khác cũng kêu “Em trằn trọc ghê lắm”. Trằn trọc nghe sang và sâu sắc nội tâm. Tôi liếc nhẹ nhà văn. Tất cả đàn ông đều ngấm ngầm tế nhị thích hai thứ đó. Bọn họ đều muốn đàn bà nông nổi trong trắng ngây thơ, vì đấy là cái nền để làm bật lên sự trầm sâu cao cả tinh tế ở các quý ngài. Nhà văn hình như nhăn nhó. Tôi biết và hy vọng anh sâu xa khác tất cả những đàn ông mà tôi đã biết. Đàn ông luôn huyênh hoang tự hào giăng bẫy và không hề biết tự hỏi là tại sao những người đàn bà lại cố tình rụt rè mắc bẫy. Họ luôn ngây ngô cắn móng tay đầy vẻ sửng sốt khi không đột ngột lắm chứng kiến một cảnh mà họ biết tỏng là đàn ông công phu vất vả dàn dựng. Và đàn bà xúc động thật. Tất cả đàn bà khi nói dối, đều không tin lắm vào điều họ nói. Cũng không quá khó, chỉ cần nhang nhác giống người đàn bà đẹp Julia Robert lúc diễn với Richard Gere. Còn đàn ông khi nói dối lại hợm hĩnh chân thành tin theo. Trong một cái trò chơi đòi hỏi rất nhiều sự chân thành thì đàn bà dễ khóc hơn hay là đàn ông dễ khóc hơn. Tôi thiên về đám đàn ông vì bọn họ luôn đau đớn say mê tự lừa mình. Cao thượng trung thực hy sinh vị tha, những thương hiệu có thể đề chữ for men đặc biệt quyến rũ. Bọn đàn ông tầm thường có chút tiền rất khoái cái kiểu cư xử triệu phú chưa lộ mặt với cô gái điếm nghèo. Hoặc oai hơn, quân vương vi hành ngẫu nhiên gặp thôn nữ. Mấy con bé tre trẻ trong đoàn tôi say mê xem phim vua hào hoa Khang Hy cố giấu mặt nhếch nhác đi lại ở vùng Giang Nam ứa tinh rồng để rơi lại vài giọt máu hoàng tộc. Kịch bản sướt mướt lợi hại này luôn hiệu quả cho cả hai phía đàn ông đàn bà. Chỉ tiếc là vua chúa Việt nam bẽn lẽn cấm cung ít vi hành, hoạ hoằn lắm mới giang hồ vặt. Nhà văn tế nhị vuốt lại các mép khổ A4 bị cong queo.
- Em thấy thế nào
- Em thấy nó là lạ. Cái chính là em thấy khó hiểu
Nhà văn hỏi thật dịu dàng và tôi rất hay bị những dịu dàng có thật nó quyến rũ. Tôi là tôi ơi, tôi đã lớn rồi. Lớn đến mức tôi đủ ngây thơ để mà phạm tội. Nhà văn nhờ tôi đọc những đoạn, đúng hơn là những chương anh viết về một nhân vật nữ chính, một người mẫu. Đấy là nghề tôi đang làm và đã làm. Tôi biết, anh rất ngại đưa cho ai bản thảo đang dang dở, nhưng anh có vẻ lo lắng và hình như tin cậy tôi. Tôi cầm nửa tháng và đọc kỹ. Nhà văn là một người đàn ông mà lâu lắm rồi ở tôi mới thấy hơi hơi tôn trọng.
- Em thấy khó hiểu hay là khó đọc
- Cái cô người mẫu đấy nhiều chữ quá
Khoảng năm năm lại đây hầu như tôi không đọc tiểu thuyết, nhất là những quyển dầy. Cũng không hẳn là do cuộc sống gấp gáp hay là do tại truyền hình như vô số người ra vẻ thông minh đổ tại. Hồi năm cuối trung học và vài năm đầu đại học tôi đọc được nhiều. Có phải lúc ấy là tôi đang còn trong trắng. Các nhà văn khi viết liệu họ có biết phân biệt độc giả. Độc giả ưu tú nhất là những độc giả trong trắng. Họ đọc không phải vì lấy kiến thức, họ đọc vì yêu. Họ đọc vì thấy các câu chữ giản dị kia nói giúp cho họ những sâu kín cay đắng nồng nhiệt mà họ luôn luẩn quẩn nghĩ không sao thốt nổi thành lời. Thật hạnh phúc cho một tác giả nào chỉ có toàn độc giả như thế. Đã có lần tôi đau đáu bâng quơ hỏi, tại sao anh lại viết. Đó không phải là một câu hỏi mà là một luận án tiến sĩ. Tại sao người ta lại cứ làm trầm trọng những câu hỏi. Có phải các nhà văn đều không thích sự nông nổi trong trắng mà chỉ thích những thông minh sắc sảo. Họ tưởng thế là họ sẽ được khác những người khác. Nhiều khi văn chương tồn tại được là nhờ độc giả hay đọc sai. Tôi bây giờ đã lười đọc. Dạo này tôi chỉ gà gật uể oải đưa mắt liếc qua nhan nhản những tập truyện ngắn giông giống nhau. Vài truyện ngắn làm tôi nhớ lâu, thường là được in trên tờ Heritage, một tạp chí gì đó của ngành hàng không. Tôi phải đi máy bay nhiều mà thời gian bay thì dài, tôi lại là đứa khó ngủ. Có một lần tôi bay từ Hà nội ngồi cạnh một thanh niên mặt sáng sủa nhang nhác vẻ của một kỹ sư người thành phố. Anh này chăm chú đọc một tiểu thuyết dầy mà tôi đoán là của Pháp vì có nhiều chữ le hoặc la. Tôi lim dim ngủ và thỉnh thoảng liếc trộm anh ta. Anh ta có tư thế đọc lạ, cặp kính trắng cúi gầm không rời trang sách để thấp gần ngang dưới bụng. Máy bay sắp xuống Tân sơn Nhất, tôi ngồi thẳng dậy và tôi thấy cửa quần bò của tôi quên không kéo phẹc mơ tuya. Lúc trước bữa ăn tôi có vào toa lét một lần. Tôi nhìn thẳng sang anh ta, anh kỹ sư vẫn trong trắng một vẻ đọc ngơ
ngác trí thức. Tôi biết tôi hay nghĩ bậy nhưng tôi cũng hay gặp phải bọn đàn ông giả vờ. Bọn họ thường giả vờ được rất dài rất lâu và rất nhiều lần. Và kiểu giả vờ được lặp nhiều nhất là đang đau khổ trong ngang tàng khinh bạc hoặc trung thực thơ ngây trí thức. Nói cho cùng, đọc sách cũng chẳng phải thao tác tối tân ghê gớm gì, người ta hay phải đọc truyện chỉ vì đơn giản đó là sở thích. Chẳng có chuyện trí não nông sâu ở đây. Cũng giống như tôi mê nghe nhạc trẻ hay tôi ưa ngồi trống rỗng một mình nhâm nhi nhìn mông lung. Nhưng tôi đặc biệt thích được ngồi với những người như nhà văn. Anh không làm tôi chán hoặc phải cố gượng gạo. Nhà văn thật thà cảm ơn, một câu khá khách sáo, tôi bật thoải mái cười. Nhà văn rất muốn cô người mẫu trong tiểu thuyết phải sắc sảo từng trải và cô ta là người thích đọc. Sẽ có bao nhiêu những người mẫu như vậy ở ngoài đời. Đương nhiên cô ta sẽ vừa đanh đá lại vừa tốt.
Em hiểu nôm na là như vậy
Nhà văn gật gù rồi lắc lắc cái đầu, anh nhấp ngụm nhỏ Whisky cố giữ vẻ mặt thản nhiên. Gần đây mọi người đều muốn nhân vật văn học phải phức điệu phải đa dạng. Trong đằng đẵng cao thượng phải có lẩn khuất nhiều thấp hèn. Trong mê muội nghiệt ngã xấu vẫn loé sáng vài điểm thiện lương. Như thế mới gần gũi giống thật, mới không cứng nhắc sơ lược. Bố khỉ, lý thuyết nào chẳng xám đục như lý thuyết nào. Cuộc sống thật linh tinh ngớ ngẩn không có lý thuyết. Tuyệt đối không có một hiện thực nào chung cho tất cả mọi người. Mỗi cách nhìn là tạo ra mỗi thế giới riêng biệt. Cái nhìn toàn tri, có chăng, chỉ nằm trong nhãn quan của các thánh. Hô hào văn học phản ánh và bám sát hiện thực đã được mặc định là một nhiệm vụ bất khả. Hơn một lần nhà văn có tuổi Tônxtôi nói với nhà văn kém tuổi Mácxim Goócky rằng. “Tất cả chúng ta ton là những tay chúa “sáng tác”. Như tôi đây cũng thế, đôi khi đang viết thế này bỗng dưng thấy thương hại một nhân vật nào đấy, thế là bèn thêm cho hắn một nét gì tốt tốt, còn nhân vật khác thì lại bớt đi, để cho những nhân vật đứng cạnh hắn đừng đến nỗi đen tối quá. Chính vì thế nên tôi mới nói nghệ thuật hóa là lừa dối, là xuyên tạc võ đoán và có hại cho con người. Không viết về cuộc sống thật đúng như thực trạng của nó, mà lại đi viết về cách bản thân mình nghĩ về cuộc sống”. Đại văn hào phát biểu điều này sau khi trong tay đã có Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karêlina và Phục sinh. Cuộc sống thật thì đều đều nhàn nhạt khó nắm bắt và đa phần vô nghĩa. Chính nỗi sợ hãi sự vô nghĩa đã đẩy con người tới chỗ luôn ý nghĩa hoá cuộc sống của mình. Những nhà văn thành danh rất thành thạo trong cái thao tác tô cho cuộc sống thật nhiều mầu mè. Một trong những cái ấy gọi là nhân văn hay nhân bản gì gì đó. Cô bé đang ngồi ở đây sẽ nghĩ mình có ý nghĩa nào không khi bị hay được vào trong tiểu thuyết.
“ Hồi đầu tiên em nhìn thấy ảnh của chính mình trên báo, một cảm giác run run khó tả. Cái buổi phát hình đầu tiên cũng vậy. Em nghe không rõ tay phóng viên truyền hình gọi đến nói đích xác giờ, báo hại cho cả nhà em ngồi chòng trọc xem bằng hết chương trình ti vi tối hôm đó. Nó chỉ là một tin ngắn văn nghệ năm mươi giây. Em ra diễn đứng ở hàng thứ hai, ca mê ra lướt qua mặt cái vèo. Mẹ em hồi hộp hét lên. Đứa em gái em đúng lúc ấy có phôn bạn nó gọi, cứ tiếc mãi”
Tôi và nhà văn đều biết bây giờ trên internet ngập đầy những ảnh người mẫu Việt khoả thân bị chụp trộm. Cũng chưa hẳn là bị chụp trộm. Một con bé ở đoàn tôi ngốc nghếch thanh minh với báo điện tử là những hình đó đúng là của nó và không thể nhớ là ai đã chụp. Nó cong queo đứng rất xấu, vài vệt thâm ghẻ từ thời mò cua bắt ốc lộ liễu phản cảm ở đùi non. Con bé đó khóc với thằng già người tình mới tròn một tuần, nó nói là thằng người tình cũ đê tiện đã có vợ cố tình dùng kỹ xảo để bôi xấu nó. Tôi ít khi kể cho nhà văn những chuyện xung quanh của tôi. Tôi chỉ kể cho nhà văn rất nhiều câu chuyện về tôi. Những câu chuyện mà cô người mẫu của anh chắc chắn không nghĩ như thế. Hồi tôi lớp tám hay lớp chín gì đó, ngực tôi nhu nhú tỳ vào mép bàn có cậu bạn cùng lớp đã thầm yêu tôi. Cậu ta viết lời tỏ tình vào trang cuối bài tập toán. Tôi ghét môn toán, và nếu cậu ta có viết vào vở tập làm văn thì tôi cũng ghét. Tôi đang rất mến cậu lớp trưởng ở lớp bên cạnh. Lớp trưởng dong dỏng mảnh gầy thanh nhã sáng sủa cận thị học giỏi. Đại loại trông hao hao giống những thí sinh nam trong chương trình ti vi Đường lên đỉnh Ôlempia. Nhà lớp trưởng rất giầu, cậu ta biết chơi đàn oóc, có xe máy riêng. Cậu ta có rất nhiều thiếu nữ giống như tôi, hoặc tóc dài đuôi sam hoặc tóc ngắn tỉa thẳng thầm nhìn trộm. Để giữ con giai, thỉnh thoảng mẹ cậu ta lái xe hơi đến tận cổng trường đón quý tử. Đấy là mụ đàn bà có khuôn mặt rất đáng ghét. Nó giống hệt những nét lúc lắc phởn chỉ có ở đám nữ thương gia đang hý hửng trong ngày hội các doanh nhân được ti vi truyền hình trực tiếp. ở thì tương lai, tôi sẽ còn phải gặp nhan nhản những khuôn mặt như thế. Vào một buổi tối tập văn nghệ muộn, tôi đã công phu tìm cớ để cậu ta chở tôi về. Cậu ta là nhạc công đệm đàn, tôi là con bướm trong đội múa minh hoạ cho tiết mục đồng ca “ Tiến lên đoàn viên”. Đến khoảng nửa đường tôi nói là tôi muốn lên cầu Thăng Long. Cậu ta ngần ngừ nhưng cũng chiều theo, rõ ràng là mặt mũi có căng thẳng hồi hộp. Chúng tôi đứng ở thành cầu nhìn xuống dòng sông Hồng đen thẫm lác đác sao trời. Cậu ta bắt đầu vuốt ve tóc tôi. Là sành điệu chứ không phải là lơ ngơ công tử. Rồi một đám thanh niên mất dậy đi ngang. Chúng tôi đều là vụng dại liều lĩnh lần đầu lên đây, chưa biết gì về những chuyện hoen ố mất an ninh trật tự được giăng đầy trên các báo. Hai đứa trẻ mười ba mười bốn quả là mồi ngon cho sự bức bí tẻ nhạt dung tục. Đèn cầu thì rất sáng và thỉnh thoảng lại có xe cảnh sát vụt qua. Bọn đó chỉ dám dừng lại trêu thôi nhưng trêu rất bậy. Với cái đà đấy, trong cái đám tối tăm bầy đàn trai làng kia thể nào cũng có một bàn tay ngu ngốc thô bạo sờ vào tôi. Lớp trưởng run rẩy và nếu lớp trưởng chỉ run rẩy nép hẳn vào tôi thì có lẽ tôi không giống như bây giờ. Cậu ta ấp úng bằng mắt bằng môi lẩy bẩy bán rẻ tôi. Sự đê tiện đến quá sớm ở cái tuổi của cậu ta làm kinh ngạc cái đám thô lỗ bẩn thỉu nhà quê. Thằng đại ca đầu chó đầu gấu gì đó quát tha cho chúng tôi. Cho đến giờ tôi luôn hiểu là tại sao những gã đàn ông khéo léo tiểu thị dân hay bị đám trai trẻ nông dân chúng nó ghét. Văn minh đô thị thường làm cho bọn già trở thành lưu manh và bọn trẻ trở thành quay quắt. Lớp trưởng im lặng phóng xe chở tôi về nhà. Tôi đứng ở cửa hoàn hồn nhìn theo và tôi đã đứng như thế tới gần một tiếng.
“ Em nhớ nhiều câu chuyện buồn nhỉ”
“ Anh đừng quá nghĩ sai về em. Em cũng có rất nhiều những câu chuyện vui, những câu chuyện kết thúc có hậu”
Đã có nhiều người nghĩ văn chương phải chua chát buồn mới hay. Cô bé có cặp mắt rất sáng. Đẹp thật. Những người có cặp mắt như thế đều là những người thông minh và không hiểu sao những người thông minh thường hay gặp thật lắm chuyện buồn.
“ Em sẽ kể chuyện này cho anh nghe, có lẽ là vui”
“ Không, em không phải cố đâu”
Tôi không ngây thơ nghĩ những chuyện của tôi là sẽ giúp cho anh viết. Sâu xa, tôi cũng muốn nói. Đấy có phải là một điều bất bình thường. Anh cuời. Tôi cười. Nói được hết vài điều dằn đọng nặng nề trong lòng hình như là nhu cầu đương nhiên của những người lành mạnh. Anh bảo, đã có những lúc không làm sao viết được, anh lang thang tìm một nơi thật vắng rồi gào lên, cứ gào lên.
“ Thật á”
Anh gật. Tôi và nhà văn ngồi uống nửa bia nửa rượu ở một chỗ nào đó của Hà nội. Có lẽ tôi đang ở cái đoạn tuổi vẩn vơ. Bâng quơ nhớ, bâng quơ nghĩ. Mọi thứ xung quanh nhiều lúc nhoè nét lãng đãng mơ hồ. Tôi bỗng muốn nhìn thật chậm nhà văn và hình như anh cũng mông lung cảm được điều đó.
- Anh có ai là bạn thật thân không.
- Nếu tôi cố nghĩ thì chắc sẽ nói là có
- Nhà văn các anh ai cũng nói điệu như thế à
- Thỉnh thoảng thôi. Nhất là khi được ngồi với một phụ nữ đẹp.
Tôi ơi, đấy là tán gái đấy nhớ, đừng có mà ngu ngơ vơ vào. Tôi có đẹp không, chắc chắn cái cô người mẫu trong tiểu thuyết phải là rất đẹp. Tôi không hiểu cô ta lắm, nếu những dòng độc thoại ấy đích thực là của cô ta. Phụ nữ rất khó khi phải minh bạch và càng vô cùng khó khi phải trắng trợn. ở trong cuốn tiểu thuyết kia, đã có vài sự áp đặt nào đấy. Tôi nhìn xung quanh và tôi muốn uống rượu. Quán có vườn lưa thưa người đã lác đác vài cặp tình nhân. Trời dịu dàng rét, cái lạnh không đặc biệt lắm của một mùa đông bình thường. Mây bơ vơ ngổn ngang mầu xam xám. Tôi hình như thích mùa Hè hơn, hình như thôi. Thích có phải là đôi khi hay nghĩ hoặc nhớ về nó. Thế còn yêu, chắc là liên miên chỉ nghĩ về nó. Trong tiểu thuyết của nhà văn, cái cô người mẫu rất hay nghĩ về mối tình của cô ta. Nhưng chưa chắc cô ta đã quá yêu cái anh chàng đó. Biết đâu đấy cô ta chỉ yêu bản thân cô ta. Tự yêu mình, thấy nhiều cuốn sách đã nói thế là xấu. Phải vị tha. Vị tha là một chữ lừa dối cổ kính. Tôi cũng đã yêu người khác. Và rồi tôi cũng suýt phải tìm chỗ vắng mà gào lên. Nhà văn đang quàng một cái khăn phu la sợi thô, có mầu rất hợp với cái áo khoác da mịn phơn phớt nâu chín mận. Tôi nhìn gói quà. Người ta đồn rằng các nghệ sĩ khi tặng quà rất hay cầu kỳ tìm được đồ độc đáo.
- Anh vừa đi nước ngoài về à.
- Cũng về được hơn tháng rồi. Có một nhà xuất bản ký hợp đồng dịch in cho tôi một cuốn sách.
- Có phải quyển này không ạ.
- Không, đơn giản cuốn này đangdở. Cái quyển mà tôi có đưa cho Cẩm My đọc.
- Em không phải tên là Cẩm My.
- ồ, tôi xin lỗi. Quen tay viết đến khi nói cũng bị quen.
Nhà văn cho đến giờ vẫn xưng là tôi. Tôi và em, nghe không tình tứ lắm. Anh và em, cũng chẳng tình tứ hơn gì. Đại từ nhân xưng không quan trọng khi muốn biểu lộ tình cảm. Nhưng với riêng tôi, ở lúc này, tôi thích anh xưng là anh. Dù sao cũng đỡ một vài cách bức. Nhà văn cười. Tôi lấy gói Dunhill xanh trong xắc của tôi tự châm một điếu. Tôi dùng diêm, chưa bao giờ dùng bật lửa. Cứ ở khách sạn là tôi giữ riêng lại cho mình bao diêm. Cũng định sưu tầm, nhưng không thành vì tính tôi hay quên. Hơn nữa, người sưu tầm phải là người hay đi đó đi đây. Tôi chưa bao giờ được đi nước ngoài, nhưng quả thật tôi cũng hay mơ. Những giấc mơ đôi khi muốn quên, đôi khi lại muốn nhớ. Tôi muốn mình gặp được thật nhiều những giấc mơ vui, đại loại như kiểu một cuốn phim hài, nhưng hầu như không có. Tôi đã hỏi rất nhiều người và họ cũng thật thà nói là không có. Nhiều nhất vẫn là những giấc mơ say đắm đam mê thăng hoa cuồng nhiệt. Còn vui nhất là mơ bắt được tiền hoặc lạc vào một chỗ lộng lẫy lạ có rất nhiều thức ăn ngon. Cái cô người mẫu kia không bao giờ sẽ mơ giống tôi, cho dù nhà văn cứ thích viết thế. Tôi thỉnh thoảng cũng có những giấc mơ sex, nói chung, ấn tượng không là rõ rệt lắm. Còn trần truồng đi dọc sông Xen, đấy là văn mơ. Những giấc mơ của tôi vô cùng linh tinh và các giấc mơ nhớ được thường là những giấc mơ sợ. Về đại thể thì chúng giống nhau. Mình cứ đang loay hoay đi hoặc bước thấp bước cao trên một bức tường vun vút dựng đứng. Hoặc chênh vênh ở một mép núi mà chắc chắn dưới sâu là một vực thẳm. Phía cao tít, chật hẹp nhiều mây hình thù và mầu sắc đều nặng nề. Rồi chợt hụt hẫng rơi xuống. Những giấc mơ kiểu này tôi đã có trước khi yêu. Mẹ tôi bảo là chẳng độc đáo gì, hầu như thiếu nữ nào cũng đều mơ như vậy.
Cẩm My nheo mắt nhìn mẹ, sẽ cố nghĩ ra một câu no đấy để chọc tức.
“ Mẹ có bao giờ mơ thấy chú Quảng không”
Chắc chắn mẹ tôi đã mơ thấy gã trưởng phòng hành chính ấy. Khuôn mặt tầm thường tròn đê tiện vừa phải, tay ôm chặt bệ xí bệt đang lơ lửng bay bay. Nếu mẹ tôi không mơ được thế, tôi sẽ mơ hộ. Còn bố tôi, có lẽ ông là loại người rất ít mơ vì ông hay ngủ gật. Hệ quả của những buổi hội thảo khoa học dài dòng vô bổ triền miên. Những giấc ngủ chập chờn đứt đoạn vụn vặt sẽ bóp nát một giấc mơ di.
Tôi muốn nói với nhà văn là những đoạn như đoạn này rất xa lạ với hoàn cảnh của riêng tôi. Bố mẹ tôi không phải là trí thức và lại càng không phải là nghệ sĩ. Mơ mộng linh tinh là điều xa xỉ đối với họ. Tôi hỏi.
“ Tại sao các nhà văn lại thích viết về giấc mơ. Có phải vì nó dễ bịa”
Thoạt đầu thì rất nhiều người viết cũng nghĩ như thế. Cứ để bút cố tình miên man trôi trong một dòng vô thức có chủ ý. Hơn nữa văn chương là mơ mộng mà. Rồi dần dần thấy nó khó, đành kêu kiểu viết đấy là vớ vẩn. Y xì như chuyện sex. Tình dục là đề tài triền miên quấy rầy người viết. Nhưng tả “dâm” cho thật hay thì quá khó. Những dâm thư kiệt tác luôn là hiếm hoi. Đành loanh quanh lộn trái lộn phải vấn đề hoặc cho là dung tục hoặc cho là thanh cao. Và có một điều hơi lạ là những người thích viết “dâm” bất kể tuổi tác già hay trẻ đều rất huyênh hoang. Có thể họ tự nghĩ mình là dũng cảm. Thật ra đã viết được văn hay thì hầu như không có kẻ hèn nhát. Tôi không đợi nhà văn hỏi, tự kể.
“ Đã vài lần em mơ thấy mình bị. Biết nói thế nào nhỉ, bị cưỡng bức. Không phải, gọi thế không hẳn đúng. Nó mạnh và ghê hơn thế rất nhiều”
Lần này thì tôi liếc nhà văn. Mặt anh trầm trầm lạnh luẩn quẩn khói thuốc. Đúng ra thì phải gọi là cưỡng hiếp. Thế nhưng cô bé không thể nói nổi, từ đấy tục quá. Mà chính mình cũng không thể viết nổi. Nếu cố viết sẽ là đạo đức giả. Nó tởm y như phải cố viết về một cái gì ra vẻ là thanh sạch, ra vẻ là cao đạo. Đấy là chưa kể đến những cấm kỵ của truyền thống văn hoá, cách đọc của độc giả. Sự kiểm duyệt của nhà xuất bản hoặc cao hơn nhà xuất bản. Thế nhưng, dù nói xuôi nói ngược thích nhất là vẫn được viết hồn nhiên. Cái ngày viết những trang đầu của cuốn tiểu thuyết đầu, chân tay hồn nhiên thật. Mà bây giờ hồn nhiên nhất là được đột ngột thò tay nghịch tóc cô bé. Tôi mơ hồ cảm thấy mặt nhà văn nong nóng đỏ. Một cái gì của đàn ông loé rất nhanh trong phía sâu cặp mắt trầm tĩnh của nhà văn. Tôi rất muốn anh biết là tôi đang dịu dàng. Tôi nhìn lên cao, thở hơi thuốc thật dài, trời lạnh làm khói thuốc lâu tan. Tôi tôn trọng và rất mến anh, không hẳn vì cái danh hiệu nhà văn. Tôi thường biết được tôi và không mơ hồ lắm khi biết nhà văn cũng là đàn ông. Nếu không khắt khe thì cũng có thể coi là mẫu đàn ông quyến rũ. Tôi khúc khích cười.
“ Nhiều lúc, tôi rất muốn đoán được là em đang cười gì”
Lần này thì tôi hơi đỏ mặt, chắc tôi đã nghĩ ra là tôi hơi vô duyên.
“ Nếu anh đoán được thì em sẽ xin lỗi, em quên mất là em đang ngồi với một nhà văn”
Anh cười buồn. Những lời bâng quơ khách sáo đôi khi làm một vài người viết nhậy cảm đau lòng. Khoảng hai năm sau cuốn tiểu thuyết đầu tiên được in, có ai hỏi anh làm gì, anh rụt dè “ Tôi viết văn”. Người đối diện tò mò nhìn anh và những buổi chiều đằng đẵng anh tò mò nhìn mình. Truyền thống phương Đông trọng chữ và một trong vài tinh hoa của chữ là văn. Người ta thường thường tôn trọng nhà văn và luôn luôn nghi ngờ những người có danh xưng như vậy. Nhà văn ở ta tự hiểu và được hiểu là to tát. Họ có xứng đáng được tôn vinh như vậy không. Rất nhiều nhà văn tự tin là mình đang mang một mật sứ đã được thiên khải. Họ xuống cõi thế này xem xét rồi được phép mở miệng phán truyền. Nhà văn chắc chắn không phải là một ngôn sứ. Nếu được là vậy anh ta đã không vớ vẩn đau khổ không linh tinh nhầm lẫn và không bối rối mệt mỏi. Lạy chúa, xin người bảo vệ cho chúng con khỏi những vấy bẩn dung tục.
“ Anh đã chán nghe em kể chuyện chưa”
Nhà văn lúng búng, tự đánh trống lảng bằng cách rót thêm ly đầy Whisky. Chợt nhiên, anh nhìn tôi rồi bật cười. Một cái cười trẻ trung và thật thà. Có một hôm tôi đã uống say cùng với anh, có thêm bạn bè của anh. Có lẽ là do tôi đã bị cuốn vào những tiếng cười vui vẻ phóng khoáng. Tại sao nhiều đàn ông có những nụ cười đáng mến như thế lại ít cười. Anh nhăn nhó. Tôi lè lưỡi trêu anh. Người ta hay nhăn nhó khi đang phải viết cho xong một cuốn tiểu thuyết đang dở. Hoặc cố phải giải thích một điều đểu giả có thực. Biết nói thế nào cho cô bé dễ hiểu. Đàn ông đa phần đều biết sức mạnh của cười. Không cứ là tán gái đâu, trước mặt bất kể trẻ hay già, chỉ chờ dịp, bọn đàn ông luôn tuôn ra những tràng cười phóng khoáng trung thực vô tư. Đấy là một phương pháp tối ưu để tiếp thị niềm tin cho kẻ khác. Ha, ha, ha. Cười giả khó đoán và nguy hiểm gấp bội khóc giả. Khóc giả đòi hỏi phải mặt dầy hơn, nhưng cười giả sâu xa luôn đểu cáng khốn nạn hơn. Khóc giả nhiều lúc còn làm phí công diễn, vì sầu muộn bi ai thường xẩy ra chỗ có ít người. Còn cười giả luôn hiện diện chỗ đông đảo bầy đàn, ai mà chẳng thích được chứng tỏ ở chỗ người nhiều
nhan nhản.
“Cái anh nhà văn tên là Bạch trong tiểu thuyết, có vẻ không cay đắng nhiều như anh”.
Nhà văn ngậm ngùi ừ, có một cái gì đấy rất non nớt dễ thương. Tôi nhìn anh. Mái tóc mềm mại khẽ cúi, chơm chớm muối tiêu. Thật ra, anh và tôi. Hừ. Nếu anh không quá lớn tuổi thì tôi đã chủ động cầm tay anh. Anh có những ngón tay dài và xanh xao. Tôi mong tất cả các nhà văn đều có một bàn tay như vậy. Bàn tay đầu tiên xiết chặt tôi là một bàn tay rất khoẻ. Những ngón tay đam mê nóng hừng hực. Anh ta là một thương gia trẻ và giầu. Đến bây giờ anh ta vẫn sẽ là vậy, vì quanh tôi nào có cái gì đổi thay. Để có hai điều kiện tuyệt vời đơn giản ấy, đương nhiên bố anh ta phải là quan chức. Tôi nhìn thấy ông ta vài lần trên ti vi và một lần ngoài đời thực. Mái tóc đen nhuộm kỹ lộ vài chân tóc bạc âm thầm phảng phất nước hoa. Thế là quá đủ, ông ta đã tỉnh táo nheo mắt rủ tôi đi chơi Băng cốc. Tôi ngạc nhiên run rẩy, không nhớ là cáu hay là sợ ấp úng một câu đúng ngữ pháp đến khó quên “Cháu là bạn gái của con trai bác”. Ông ta cười. Về sau khi xem ti vi, tôi có để ý ông ta rất hay cười, tất nhiên chỉ là tươi tươi, mỗi khi xong một đoạn nói dài. Cả hội trường hớn hở vỗ tay. Quan chức hầu hết luôn có vẻ tự tin khi mị dân, bởi đơn giản dân chúng thường rất thích được lừa mị. Đến bây giờ tôi đã ang áng hiểu tại sao một người đạo mạo tóc bạc quan cách trí thức long lanh như thế mà lại thô bạo thô bỉ đến cỡ đó. Chắc đấy không phải là sự liều lĩnh của kẻ vô học mà là sự tự tin của một thằng già có nhiều tiền và nhiều quyền. Thời tôi đang sống có rất đông những người già mất nết. Báo chí nhiều năm lại đây liên tục kêu ca là thanh niên hư hỏng, chắc là đúng. Thanh niên lúc nào cũng mất dậy thì thử hỏi cụ già đứng đắn ở đâu ra. Trong cuốn tiểu thuyết thì tôi có người yêu là một quan chức. Anh ta có nhiều vẻ tốt, không phù phiếm và đặc biệt là không thích đám đông. Lạ nhỉ. Đã là quan chức thì đương nhiên phải giầu mà đã giầu rồi thì thỉnh thoảng có làm những buổi ồn ào tiếp tân. Tôi được mời đến một bữa đại loại như dạ hội ở phố Tôn Đản, một đoạn phố nhỏ nhắn vắng lặng một cách khôn tả. Bữa tiệc đứng tổ chức trong khuôn viên một biệt thự kiểu Pháp, rất hiếm hoi còn sót lại ở giữa cái Hà Nội đang sầm sập xây nhà hộp. Tôi đi cùng với ông nhạc sĩ để râu ba chòm tử tế vừa vừa, đã có thời làm bầu sô cho nhóm người mẫu chúng tôi. Bũa ăn bắt đầu và tôi quá ngạc nhiên khi nghe tuyên bố đây là kỷ niệm lễ cưới bạc của hai vợ chồng chủ nhà. Ông chủ nhà hói đầu đạo mạo có một vẻ thô lỗ nông dân nào đấy nhưng phong độ phảng phất một vẻ sinh viên, chắc rơi rớt từ hồi còn trẻ vất vả. Bà vợ thì hoàn toàn lố bịch, cùng cục ngắn trong một bộ váy dạ tiệc mà người ta thường cắt riêng cho những cô gái chân dài. Khuôn viên ngập đầy những nam nữ diễn viên nhờ nhỡ, ca sĩ người mẫu đẳng cấp hao hao tôi, lác đác thêm mấy nhà văn hay hiện trên ti vi. Ông chủ là thứ trưởng một ngành kinh tế nhưng tha thiết yêu văn nghệ. Tuy nhiên đông nhất vượt trội nhất vẫn là những thương gia, những quan chức cỡ vụ quen thói khệnh khạng dâm dật, những giám đốc trọc phú rất thích hóm hỉnh nói chữ. Những người luôn thiển cận tin rằng họ có một tâm hồn thăm thẳm phức tạp. Muốn hiểu hết được họ thì phải viết hàng chục tập trường thiên tiểu thuyết. Còn nếu cho họ thời gian thì họ chính là tác giả của cái chục tập trường thiên ấy.
“Chú quen vợ hay chồng”. Tôi hỏi nhỏ ông nhạc sĩ.
“Chú chỉ biết thằng con giai”.
Nhạc sĩ chỉ cho tôi và tôi à, cái thằng đó thì tôi cũng biết. Cái thằng đó hơn tôi chừng dăm tuổi, ki keo ranh ma lắm, thế mà tại sao nó lại a dua để cho bố mẹ nó làm trò ngớ ngẩn như thế này. Nó đã nhiều lần thông minh biết rất đúng thân phận của nó, biết rất rõ nó chui từ đâu ra. Đám cưới vàng đám cưới bạc hay vớ vẩn như sắt gỉ, vẫn là thứ lễ nghi xa xỉ dành riêng cho giới thượng lưu quý tộc, bố mẹ nó là nông dân chen chân vào học mót để làm gì. Bọn công tử con quan thời mới thường thường sâu sắc hiểu rồi tận dụng được bố mẹ. Anh chàng thương nhân trẻ suýt nữa tôi sẽ yêu cằn nhằn “ Ba anh tham lắm. Ba anh biết bọn con gái bây giờ cần gì”. Bọn con gái trẻ bây giờ cần gì. Thế hệ phụ nữ đàn bà như tôi cần gì. Bố con nhà ấy liệu thật biết cái cần của tôi không. Và tại sao các người nghĩ là các người đã biết đúng. Hay là cụ thể cái nghề người mẫu đã làm xuyên tạc tôi. Cái hôm đầu tiên tôi gặp anh chàng thương gia trẻ là ở một buổi diễn thử đã quá giờ ăn trưa. Chúng tôi đang cố đi những vòng cuối cùng cho buổi diễn thật ngày mai. Hai chị em người mẫu sinh đôi, một nói nhiều một nói ít gầm gừ mệt mỏi quát mắng chúng tôi. Cả hai đều là đồng giám đốc của công ty thời trang “Người Đẹp” chuyên lo mọi việc cho các người mẫu đi trình diễn. Rồi vài ba năm nữa, cả hai đều bị bắt với tội danh “Tú bà” vì tổ chức môi giới mãi dâm giữa những cô gái chân dài mông thon và các đại gia chân ngắn bụng bệu. Bỗng lộn xộn một đám khách sang trọng lảo đảo say bạn thân của hai bà bầu sô đi vào nghênh ngang ngồi mấy hàng ghế đầu. Những cặp mắt ngầu đòng đọc đỏ bốn mươi nhăm độ Whisky trắng trợn lè nhè nhìn. Anh ta có vẻ tỉnh táo nhất trầm ngâm say đắm chỉ nhìn tôi. Rồi đây tôi sẽ biết đấy là một trong vài đòn ruột của anh ta. Khuôn mặt lộ vẻ thông minh sâu sắc giữa ồn ào gào thét của nông nổi rượu bia. Một phượng hoàng giữa một bầy gà. Ngần ấy tuổi đã thâm hậu giả dối, cao đồ xuất xứ tại danh môn. Chó đến như thế chắc chắn cả họ phải là chó.
“ Nói yêu em ngay từ cái nhìn đầu thì nghe cải lương quá. Nhưng ở em toát ra một cái gì đấy rất lạ, lạ một cách khác thường”
Tôi mười bẩy xấp xỉ sang mười tám tuổi. Hè năm vừa rồi tôi thi vào trường Sư phạm ngoại ngữ bị thiếu ba điểm và tôi xúc động.
“ Anh vẫn chưa nói với em anh tên là gì”
“ Anh tên là Tuấn, Vũ anh Tuấn. Ông nội anh họ Vũ. Bố anh cũng họ Vũ”
Tôi khúc khích cười và để yên cho Tuấn hững hờ nghịch tóc. Chúng tôi đã đi chơi riêng với nhau vài buổi bằng cái xe ô tô cũng riêng của Tuấn. Nhà Tuấn đúng dòng thư hương, những ngón tay của Tuấn trắng ngần thuôn hình quản bút, rất quyến rũ khi chầm chậm lan man quanh gò ngực của tôi. Ông nội Tuấn là nhà nho vét, học trường Hậu bổ rồi làm quan nho nhỏ dưới thời phong kiến có niên hiệu Bảo Đại. Cách mạng thành công, ông nội Tuấn cáo quan rồi theo cách mạng được coi là nhân sĩ cỡ hàng tỉnh. Hôm làm khao, vài bạn bè đồng liêu xa xưa lẩm cẩm hình như đố kỵ không đến mừng chỉ gửi lời chúc miệng, thế là gặp thời rồi. Quan lại cũ mà muốn thành nhân sĩ quốc gia thì bét nhất cũng phải là hàm nhị phẩm hoặc nguyên chức Thị lang cựu triều. Ông nội Tuấn mới đang mon men tứ phẩm. Như thế gọi là số đỏ hay là phúc dầy. Đến thời bố Tuấn mọi sự càng hanh thông. Ông là một trong vài ba cán bộ Kinh Tài trẻ hiếm hoi có lý lịch bình thường được làm nghiên cứu sinh đi du học ở Liên Xô. Mả tổ chắc táng cả ngòi bút lẫn quản bút, bố Tuấn học hành đại tiến. Ông làm phó tiến sĩ dễ dàng như thôn nữ bây giờ làm ca ve. Ông giỏi nhiều ngoại ngữ vì ông thích tâm sự trên giường với nhiều mầu da. Rồi không ngẫu nhiên lắm ông thành con rể một Trung ương uỷ viên có truyền thống nông dân hiếu học. Từ thập niên tám mươi, đất nước càng hoà bình lại càng cần những quan chức vừa hồng vừa chuyên, bố Tuấn khéo léo đương nhiên trở thành hạt giống quí. Đến thời Tuấn, nét mực bôi sẫm trong gia phả vẫn không hề phai, Tuấn luôn học trường chuyên lớp chọn. Chính giữa đại sảnh của gia đình, bên cạnh thủ bút đại tự nguệch ngoạc chữ Nho của ông nội, là ảnh Tuấn trắng đen đang đọc báo cáo thành tích học sinh giỏi toàn quốc có Thủ tướng đang âu yếm trân trọng nhìn. Tuấn du học, có hai bằng đại học của hai trường lớn ở Nga và úc. Vài người uyên bác trong họ Vũ, vớt vát còn nhớ chữ Nho khi chép gia phả gọi Tuấn là lưỡng quốc cử nhân.
“Em dính bầu rồi”
Tôi bảo Tuấn. Hai đứa vừa đi Hạ Long, quấn quýt với nhau suốt một tuần. Tuấn chân thành lo lắng, khuyên là đừng uống thuốc linh tinh đợi đến đúng ngày đi hút là an toàn nhất. Tôi gật đầu, chúng tôi đang còn rất trẻ. Tôi làm ở một phòng khám tư, gần gần phía dốc ra đê Yên phụ, kín đáo và sạch sẽ. Bà bác sĩ già phốp pháp nói năng ngọt ngào nhưng ánh mắt nhìn thì vô cảm. Với tôi, đây là lần đầu tiên. Nói tôi không hoang mang thì không đúng nhưng cũng chẳng nghĩ hơn nghĩ thiệt gì, đại loại là đầu căng căng trống rỗng. Tôi hỏi nhà văn.
“ Anh đã từng yêu cô gái nào chỉ mới chừng gần mười bẩy chưa”
“ Cũng có, nhưng là yêu thầm”
“ Khi anh hôn cô bé ấy, anh thấy thế nào”
“ Chưa, chưa bao giờ. Cái hồi đấy nó khác, nó có quá nhiều rào cản mà người ta tưởng rằng là đạo đức. Và nếu có một sự dung tục thì cũng là một kiểu dung tục khác”
Đã là dung tục, đã là bẩn thỉu thì chẳng có bao giờ là khác. Tuấn đưa tôi đến phòng khám bằng cái xe Toyota Lexus ba chấm hai. Tuấn ngồi chờ ở phòng ngoài không uống rượu và hút thuốc lá mù mịt. Cả phòng khám chỉ có chúng tôi. Những tiếng tích tắc khô khốc hằn rõ đều đặn từ cái đồng hồ treo tường kiểu dáng cầu kỳ. Tôi nằm nghỉ chừng hai tiếng rồi Tuấn đưa tôi về nhà hàng kiêm khách sạn Hoa Mai ăn trưa. Không phải ngẫu nhiên mà tôi đòi Tuấn đưa đến đây, lần đầu tiên tôi ở với Tuấn qua đêm không giữ gìn gì là trên phòng 204 tầng hai. Căn phòng tuyệt vời xinh xắn, mọi thứ tinh khiết trắng. Cái giường gỗ đúc mầu cẩm thạch ngỗ nghĩnh tạc những thằng bé con mũm mĩm cởi truồng đang vật nhau. Tính ngược lại đúng, thì ngày đấy tôi sẽ là mẹ. Chưa bao giờ, kể cả ngay lúc này là lúc đã thật bình tĩnh tôi cũng chưa thể hình dung nổi thế nào là làm mẹ. Một ý nghĩ váng vất linh tinh lờ mờ. Liệu Tuấn có bao giờ nghĩ mình đã từng là bố. Tuấn sắt nhỏ từng miếng bít tết
bò Mỹ dịu dàng để sang đĩa của tôi. Tôi khẽ há mồm, Tuấn nhè nhẹ cười đút cho tôi. Trước đây, khi ăn hải sản hoặc tôm hùm hoặc cua biển, Tuấn không bao giờ cho phép tôi được đụng tay. Vì sau đấy, chỉ còn hai đứa trong phòng, Tuấn có thói quen mê man mút những đầu ngón tay của tôi. Đang trệu trạo nhai, tôi nghẹn ngào nức nở khóc. Tôi mười tám tuổi và chưa bao giờ nghĩ mình là sẽ có con. Và tôi khóc cũng chẳng phải lý do sâu xa gì cả, chỉ vì đột nhiên thấy luẩn quẩn phiền muộn. Tuấn ôm vai tôi dìu lên phòng và Tuấn nhẹ nhàng ghì chặt lấy tôi thì thào an ủi. Tôi thả lỏng người nghe Tuấn trầm ấm hát một khúc hát Nga. Rồi anh rờ rờ vào cái của tôi đã bị bà bác sĩ già làm kiểu cũ cẩn thận cạo sạch. Chợt Tuấn bật cười hôn tôi, tôi cũng phì cười. Lúc ấy tôi mới biết tôi yêu anh đến mức nào, mới cần anh đến mức nào. Chúng tôi còn trẻ, hạnh phúc của chúng tôi là những thứ thật nhỏ nhẹ, những thứ mà người lớn vô tâm hay ác ý coi là lặt vặt. Tuấn đưa tôi về nhà để tôi nằm nghỉ, bà bác sĩ dặn là tôi hoạt động càng ít thì càng tốt. Chiều tối hôm ấy nhà tôi không có ai. Mẹ tôi đi chợ xong về thẳng nhà dì Thu bàn chuyện giỗ ông ngoại. Mẹ tôi có một gánh hàng xén nho nhỏ, chừng nửa tháng nay mẹ tôi càu cạu bẳn tính, ban Quản lý chợ ham chơi bài tá lả đang tìm cách tăng giá thuê chỗ ngồi. Bố tôi sửa mo rát báo ba giờ chiều đi làm mười một giờ khuya mới về. Dạo này cứ trở trời là ông đau khớp và liên tục húng hắng ho. Không ngày nào mà ông không hút hết hai cái bao thuốc lá đen sì rẻ tiền. Con bé út học thi thông tầm, nó mê vẽ đang luyện vẽ khát khao mong thành hoạ sĩ. Rồi nó cũng sẽ thi trượt trường Mỹ thuật, lang thang theo mấy gã râu ria thợ vẽ uống rượu như nước, đôi khi hút thuốc lào tần ngần vênh mặt lên trời thả khói tạo hình Van Gốc. May mà nó cũng biết chán, bẻ hoa tay quay ngang sang kiếm tiền. Khoảng hai năm nay, quần áo của tôi và bạn tôi mặc biểu diễn quá nửa là do nó thiết kế. Báo chí lá cải khen thời trang mà nó tạo mốt tuy có phong phanh hở hang nhưng luôn chứa chấp đường nét kỷ hà và cảm thức hoang vu vũ trụ. Bộ Văn hoá có tặng nó một bằng khen, thừa nhận một sự vất vả sáng tạo tuy luôn bay bổng mà vẫn bám chặt vào những ba rem nghiêm ngặt của Bộ. Mẫu trang phục biểu diễn của nó, chỗ ngắn nhất luôn dài hơn quy định một xăng ti mét. Con bé út nhiều nghệ sĩ tính hay nằm ngửa nhìn trần nhà. Trần nhà tôi loang lổ vôi cũ, tôi nhìn mãi chẳng thấy có cái gì. Đã hơn tám rưỡi tối mà mẹ tôi vẫn chưa về. Tôi tự ép mình uống hết cốc sữa đầy rồi gọi tắc xi đến Hoa Mai. Tôi cồn cào nhớ Tuấn và mô bai của anh thì tắt. Tiền sảnh khách sạn vắng người, tôi mông lung ngồi ở quầy rượu nhai kẹo cao su và một cô receptionist mới thay ca quen mặt đi ngang nói Tuấn có ở trên phòng. Tôi hơi ngạc nhiên và đi lên. Cầu thang gỗ mầu sẫm đỏ sang trọng, khách sạn này có hơn bẩy mươi phần trăm vốn là của Tuấn hoặc của bố Tuấn. Hai bố con Tuấn còn vài khách sạn có quy mô lớn hơn như thế này nữa ở miền Trung và ở Sài gòn. Tôi gõ cửa phòng 204 và Tuấn chủ quan mở cửa. Anh ta không bao giờ ngờ rằng tôi sẽ quay lại trong tối nay. Tôi cũng không bao giờ ngờ vì tôi đang yêu. Chao ôi là mối tình đầu. Tôi đã thấy gì thì tôi cũng không muốn nhớ và cũng không muốn kể. Cô gái đang nằm trong phòng cùng đoàn với tôi, hình như hơn tôi một tuổi. Cô ta người Đà Nẵng, hai năm trước là ca sĩ kiêm gái bao của một nhạc sĩ nổi tiếng. Nhạc sĩ ở Việt nam nhiều người có tài đào luyện gái tơ thành gái đĩ. Tôi đã về nhà và liên miên sau đó tôi đã hút thuốc. Những ánh đèn nườm nượp của bao nhiêu loại xe loè nhoè vun vút trôi. Tôi tự bấm sâu móng tay của mình vào huyệt Thái Dương rồi đi tắm nước lạnh. Bà bác sĩ bảo tôi phải kiêng đừng động vào nước tối thiểu là hai mươi tư tiếng. Bà ta đã dặn dò được bao nhiêu thiếu nữ. Lương y vào vai mẹ hiền thì cát xê là bao nhiêu. Tôi lễnh loãng nằm rờn rợn cay đắng, mắt mũi bải hoải tỉnh táo. Tôi nhớ ra là lúc trưa nếu tôi không kêu đau thì Tuấn cũng đã đòi. Đàn ông hay thật, có thể làm tình ở mọi nơi mọi lúc. Sau hôm sinh nhật mười chín tuổi thì tôi đã uống được nhiều rượu. Không thấy ngon, không thấy thích nhưng không khí quanh chai rượu làm tôi đỡ nghĩ bơ vơ. Tôi có thể uống liền một chai Whisky Scott bẩy nhăm loại Black Label mà không nôn không say. Không một đàn ông nào biết được bí mật này, cái bí mật tôi luyện từ máu và nước mắt. Đã có rất nhiều gã trung niên ngu xuẩn phung phí vô số tiền cố chuốc tôi say để dâm dật đưa tôi vào phòng. Đàn ông ơi là đàn ông. Tiền ơi là tiền. Những cô gái mới lớn hoặc đã lớn, đừng bao giờ tin vào bọn đàn ông có súng sính bạc.
- Hôm nay không nói chuyện văn chương nữa. Anh uống thật nhiều đi, em mời anh.
- Cẩm My đã uống say bao giờ chưa.
Cẩm My đã có một lần uống say khướt với Bạch ở một quán rượu Bạch quen. Quán bán lằng nhằng nhiều món quê, có bánh đúc chấm tương, có bún đậu chấm mắm tôm. Người uống ngồi lổn nhổn trên những chiếu vuông trải bệt, trông xinh xinh sặc sỡ nhiều mầu. Lao xao những ánh mắt nhìn Cẩm My, hôm ấy cô mặc cái đầm đỏ, cổ áo khoét hơi hơi rộng. Bạch lơ mơ biết chuyện về Vũ, anh đau đớn hy vọng là Cẩm My sẽ vượt được. Trong vô số những thứ thiêng liêng hay bị bán, thì mối tình đầu thường là thứ bị bán rẻ nhất. Cẩm My gầy đi trông thấy, khoé mắt hốc hác đen đằm đặm mặn những cặn lệ thầm. Bạch uống một hai chén đầu luôn luôn từ từ, kiểu người ta khởi động khi sắp chạy ma ra tông. Bỗng ở phía bàn lảo đảo góc trong có một người gọi Bạch. Người đó chỉ gọi “ Ê ”. Bạch cười, giơ chén ngang mày điệu bộ cải lương cung kính, người gọi cũng cười.
“ Bạn anh ”.
“ ừ, tệ hơn thế, là bạn thân”
“ Anh ta làm gì, vì có một vài người ngồi cạnh anh ta em có biết”.
“ Làm thơ”
“ Có kiêm làm luôn giám đốc không”
“ Không, bạn của anh là một người thơ chuyên nghiệp”
Cho đến khi gặp Bạch, Cẩm My chưa bao giờ được gặp một nhà thơ thật. Các bữa rượu mà người ta hay mời Cẩm My uống, thỉnh thoảng cũng ướt đẫm thơ. Những người đọc thơ bất kể tuổi tác giọng đều núng nính ngân nga mượt mà. Hoặc gầy hoặc béo. Người gầy thì hay đọc thể thơ bậc thang, lô nhô xương xẩu gập ghềnh. Người béo thì hay đọc loại lục bát, tròn trĩnh nuột nà phúc hậu. Vũ chẳng bao giờ đọc thơ. Cẩm My nhói đau đột ngột bị nhớ, cô da diết muốn quên.
“ Bạn anh đã bỏ làm thơ rồi ”
“ Anh chưa thấy ai đã là thi sĩ mà lại đi bỏ thơ”.
 “ Mấy tay ngồi cạnh bạn anh, đều là bọn triệu phú tiền Mỹ cả đấy”
“ Anh không biết. Anh bạn của anh chỉ thích uống rượu”.
Những thương gia có dư tiền, rất nhiều người thích ngồi linh tinh uống với đám văn nghệ sĩ. Có lẽ Ba Ba nấu chuối Kỳ Đà xào lăn hay Tôm hùm hấp muối vẫn làm bọn họ nhạt mồm. Họ muốn bổ xung cho thêm đậm đà thực đơn. Chẳng hiểu nhà thơ nói gì, sau đấy nhiều người bàn bên ấy lần lượt ồn ào sang cụng chén. Cẩm My đều đặn chạm ly uống trăm phần trăm không hẳn là để cho Bạch đỡ khó xử, hôm nay cô muốn uống. Cô lại thấy nhói nhớ và Bạch chắc đã biết.
“ Về đi em”.
“ Bỏ tay ra. H h h... Lũ đàn ông các người”
“ Em bám anh thật chặt nhớ. Anh sẽ đi chầm chậm thôi”
Cẩm My rũ rượi ngồi sau gục đầu vào vai Bạch. Cái xe Way Tầu loạng choạng lắm, Bạch nhắc đi nhắc lại những lời an ủi vô nghĩa. Cẩm My bắt đầu lè nhè hát, Bạch lục mãi trong xắc cô để tìm cái khoá cửa. Cẩm My trèo lên giường, mê mệt ngủ cho đến sáng muộn ngày hôm sau. Cô mở mắt, nhìn thấy Bạch còn nguyên quần áo đang gà gật rũ đầu tựa vào đi văng.
Chợt nhiên, tôi bỗng thấy mênh mông chán. Tôi chán tất cả toàn bộ câu chuyện mà chúng tôi đã nói hoặc hình như những cái linh tinh mà riêng tôi đã nghĩ. Tất thẩy cả hai chúng tôi đều cố muốn cho nó có một vẻ ý nghĩa nào đấy. Những câu chuyện được nghĩ lại bằng chữ bao giờ cũng có vẻ sang trọng. Thật ra nó vớ vẩn nó trống rỗng hơn rất nhiều. Mọi thứ đều là xa xỉ, hầu hết mọi người đều hiểu như vậy nhưng không thể làm khác vậy. Tôi mệt mỏi nói, không hẳn là để cho trôi chuyện mà ao ước muốn biết là tại sao.
- Cái hôm đọc đến đoạn này, vô tình em cũng uống nhiều rượu. Em cũng thấy hay nhưng vẫn thấy nó giả giả như thế nào ấy. Một người đàn ông với một người đàn bà có cảm tình với nhau, rồi cả hai trong trắng ngủ bên nhau qua đêm. Có vẻ không giống thật.
Nhà văn là lạ nhìn tôi. Tôi nhấp giọng bằng một ngụm rượu thật lớn, tôi bỗng thấy mình muốn hét, đúng hơn là chỉ muốn mình buông thả. Tôi đã ướm là không nói chuyện văn chương nữa cơ mà. Tôi dài dại nhìn nhà văn và hình như đã thấy anh vừa nhìn tròn quanh ngực tôi. Tôi thở dài. Nhà văn đón cái thở dài của tôi giông giống như một sự đồng loã. Anh nghĩ gì về câu góp ý nửa đùa nửa thật của tôi. Tôi dướn cổ lắc lắc lại tóc, cái dây buộc đã lỏng trễ tràng tuột xuống phía dưới gáy. Tôi sẽ để nó tuột hẳn. Chúng tôi cũng đã uống nhiều nhiều rồi. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ có một người bạn trai giống như anh chàng nhà văn Bạch. Có phải vì thế mà người ta bắt buộc phải đi đọc tiểu thuyết. Nhà văn không bất ngờ lắm, khẽ khàng cầm tay tôi.
Hôm nay chúng mình uống thật say nhé.
Tôi tầm thường gật đầu. Tôi không phải là Cẩm My./.