Chương 5

1
Nếu bắt buộc phải quên thì Bạch sẽ quên được cái gì. Và nếu bắt buộc phải thật nhớ thì Bạch sẽ nhớ nhất cái gì. Khi đang đọc lại dang dở những cuốn sách mà tôi thích, khi đang chập chờn sắp viết được, tôi thỉnh thoảng cũng hay hỏi tôi như vậy. Nói chung, người viết mà biết hỏi đa phần dễ chịu hơn người viết mà biết trả lời. Vì rất nhiều trang viết thường thường chỉ là mặc cảm rồi mặc cả với ký ức. Tôi có một ký ức không hay, một ký ức rạn vỡ bị sành sỏi theo một kiểu mà tôi cố muốn. Proust đã loay hoay đặt tên cho những dòng chữ của mình. Đi tìm lại thời gian đã mất. Chỉ duy nhất có đám nhà văn mới hiển ngôn được một ý niệm quay quắt mơ hồ đột ngột trở thành sang trọng trôi chẩy đến vậy. Ký ức thì được gìn giữ bằng chữ và chữ thì lại được gìn giữ bằng những cố gắng lắp ghép lờ mờ trung thực của đám nhà văn. Lúc tôi khoảng sáu hay bẩy tuổi gì đấy, sau một lần ông ngoại tôi về quê mạn duyên hải Phát Diệm, khi lên có rưng rưng cầm theo một cái mai cua bể đã phơi khô. Con cua này có từ thời thánh Phan xi cô Xa vi ê lúc Người vào Cửa Bạng. Thánh nhân gặp bão đánh rơi tràng hạt và con cua cắp lên hoàn trả. Cái mai cua đấy to vào khoảng hai mu bàn tay người lớn mầu hồng pha trắng và hình như chỉ có hai mầu ấy. Ông ngoại chỉ cho tôi cây Thánh giá nhờ nhờ hồng nhạt ở chính giữa. Hai bên là hai cây nến trắng, đầu mỗi ngọn nến có một ngọn lửa cũng mầu hồng đang leo lét cháy. Hai cây nến đều có giá đỡ, đại loại như cái giá đồng cắm nến người ta bây giờ đang bán ở phố Hàng Quạt. Cái mai cua đấy thường được để dưới chân tượng Đức Bà. Rồi tôi nghệch ngoạc làm vỡ nó, cái mép viền lô nhô răng cưa rời ra. Ông ngoại tôi không đánh, chỉ tóm tóc tôi mà lắc. Ông ngoại tôi lấy hình như là nhựa đường (hồi ấy chắc không có keo dán) gắn lại. Phía trong mai cua có một vệt bẩn đen. Lần thứ hai tôi làm vỡ thì vô phương, cái mai tan thành sáu bẩy mảnh. Ông ngoại tôi cầm cái mai cua bần thần, rồi Người lầm rầm làm dấu đọc kinh Kính Mừng hoặc là Tin Kính, chắc chỉ một trong hai kinh đó. Không hiểu sao tôi nhớ rất lâu cái mai cua có từ thời ông thánh Phan xi cô. Trên bàn viết của tôi, tôi để linh tinh nhiều thứ. Nhưng tôi muốn có nhất là cái mai cua đấy. Nếu có nó, chắc tôi viết văn sẽ bớt cố. Ký ức của tôi nhiều khi lem nhem những vệt gắn nhựa đường. Tôi nhiều lần bỗng nhiên bị nhớ về những chuyện tình dục. Hoặc nằm bơ vơ đần độn một mình hoặc đang đứng giữa nhộn nhạo đám đông. Có thể là do chợt thấy một cái cúc ngực hớ hênh để hở thấp thoáng bầu vú gợn tròn, mà cũng có thể là một khoảng méo mó loang lổ vôi trắng đã dị dạng trên trần nhà. Khi bải hoải bàng hoàng bối rối bừng tỉnh, chợt nhiên thấy mình trống rỗng vô nghĩa. Mà vô nghĩa nhất là thấy cuộc đời nhạt nhẽo của mình cũng có một ý nghĩa. Đó là khi sống gần hết với nó thì mới biết nó vô nghĩa đến chừng nào. Mối tình đầu của Bạch đáng kể là khó quên, cuộc hôn nhân của Bạch có thật lắm chuyện khó chịu không muốn nhớ, nhưng tất cả chỉ là vớ vẩn so với cái day dứt ám ảnh về cô bé ấy. Tôi thì thường bị ám ảnh về nhân vật Vũ nhiều hơn là về nhân vật Bạch. Có thể là Vũ ở ngoài tôi còn Bạch thì ở trong tôi. Thật ra, đã là con thì làm gì có con yêu con ghét. Mẹ tôi hay thở dài khi thấy hai chị em tôi chành choẹ nhau. Còn cái cô bé ấy hơi hơi gầy gầy giống Cẩm My và chắc ít hơn Cẩm My chừng ba tuổi.
“ Cháu chào các cô, cháu chào các chú”
Cô bé ngực tròn căng rất đàn bà, mắt cận không đeo kính. Với một thiếu nữ quyến rũ thì cặp kính trắng luôn ngăn bớt lẳng lơ, nó là một thứ đai trinh tiết. Cái phòng, nơi Bạch đã làm công chức toàn là đàn bà. Một vườn hồng không có hoa không có nụ nhan nhản toàn gai lác đác mấy cái lá răng cưa. Bạch tròn ba mươi sáu tuổi và sau khi âm thầm in tập truyện ngắn đầu tay thì tóc phảng phất có lẫn sợi bạc. Lúc tôi mới qua tuổi bốn mươi cũng bị thật nhiều thiếu nữ gọi là chú. Cười cười vậy thôi nhưng sâu xa cũng đau lòng.
“ Chắc chú chẳng còn nhớ cháu”
Cô bé ngày xưa cười tươi và bây giờ thiếu phụ cười buồn. Vừa là cô bé vừa là thiếu phụ đưa tôi trang giấy trắng lọc lõi những chữ xấu của tôi. Thư tình của văn nhân đã có một tập truyện ngắn bao giờ cũng biết cách làm người khác cảm động. Tôi len lén nhớ lại cái buổi chiều tàn gió mùa Đông Bắc ở Đại Lải. Tôi bơ vơ với cái kịch bản phim ở trại sáng tác rồi một mình gặp cả đám nữ sinh trường sư phạm Xuân Hoà đi chơi hồ muộn. Tám chín cô bé đùa té nước vào nhau trong buổi chiều vẫn hơi hơi lạnh. Những thiếu nữ ở xa Hà Nội tròn mẩy một sự rắn chắc trong trắng không biết rằng nước hồ đã buốt. Tôi đăng đắng ngắm những trò đùa của tuổi trẻ, tôi biết rằng tôi vĩnh viễn không còn ở đấy. Một cô bé da nâu mắt đen dút dát trông xe đạp lẫn lộn nhiều guốc dép thỉnh thoảng nhìn trộm tôi. Tôi lại gần. Tôi cố rụt dè hỏi bằng giọng của cái thời sinh viên. Cô bé năm thứ nhất khoa văn tò mò nhìn. Và giờ đây thiếu phụ ba mươi tư tuổi sồ sề cũng nhìn tôi.
“ Tại sao cháu không đùa với các bạn”
Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba từ mồm các Sở Khanh luôn luôn là điều phức tạp. Một tiểu thuyết lãng mạn vừa xếch xi vừa vô duyên trước bẩy nhăm có tiêu đề “ Xin đừng gọi anh bằng chú”. Tôi đã chứng kiến vô số những bữa rượu văn nghệ sĩ mà những Mét già móm mém hơi men tỏ tình với các cô bé chán đời văn khoa năm cuối. Nhưng ở đấy gọi là em, còn tôi đê tiện hơn hay trong trắng hơn khi gọi cô bé là cháu. Cô bé bẽn lẽn hỏi ngược.
“ Chú là nhà thơ à”
Rất nhiều nhà thơ tha hoá để trở thành nhà phê bình. Tôi viết văn xuôi và thời thanh niên lầm lạc hiếm hoi lắm mới làm thơ. Tại sao tôi không làm thơ và tại sao tôi không thể làm thơ được. Có lẽ, bản chất của thi ca là luôn luôn tinh khiết.
“ Chú viết văn xuôi, còn bây giờ chú đang làm phim”.
Tôi đã đi tắt ngang qua cuộc đời của nhiều cô bé. Rất nhiều lần tháu cáy đi đó tôi chẳng còn nhớ được điều gì. Cô bé đã vào tận phòng riêng trong trại sáng tác thăm tôi theo một lời mời có thừa khôn ngoan của một gã đàn ông đầy kinh nghiệm với đàn bà. Hình như tôi đã lấy đi sự trong trắng của cô bé. Nụ hôn từ cô bé đượm mùi oi khói của chái bếp nghèo chỉ quen đun rơm rạ. Cô bé tỉnh lẻ mê văn lãng mạn 30 – 45, nhiều nhất là Thạch Lam có lẫn lộn một ít Khái Hưng, Nguyễn Tuân. Thiếu phụ đã là cô giáo dạy văn cấp Hai ngập ngừng cười mắt rạn chân chim.
“ Cháu còn giữ tất cả những thư chú gửi”
Cũng chẳng nhiều nhặn gì, tôi ang áng nhớ là không quá bốn lá. Hai lá thư cuối cùng thanh minh theo kiểu chân trời góc bể duyên phận bèo bọt chưa tới, tha thứ cho nhau nhé. Nào có ai trách gì ai. Đểu giả thì cứ phải phòng thân để mai sau còn đường lui về mà thành nhà đạo đức lớn. Tôi muốn nhân vật Bạch khác tôi, đại loại là biết chân thành với người rồi tự biết trung thực với mình. Trưởng phòng giới thiệu giọng ngoan không thể tả.
“ Đây là cô Loan A phó phòng, đây là cô Loan B tổ trưởng Công đoàn”
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi dài dằng dặc làm công chức của Bạch, suýt một lần Bạch được làm tổ phó công đoàn. Tháng ấy ngày ấy, cung Quan Lộc của Bạch đại kết, nó được phát chiếu từ cả ba sao Thiên quan Thiên mã Thiên phúc. Cái cung số tử vi có công suất ba mã lực ấy đã vất vả đến tối đa mà vẫn không đẩy nổi Bạch vào hoạn lộ. Phiếu của trưởng phòng để trắng, không rõ là tán thành hay phản đối. Cũng có thể trưởng phòng quan liêu trịnh thượng chẳng thèm để ý. Cũng có thể trưởng phòng vô thức theo thói quen của người có hai giới tính nên thích kiểu nước đôi. ở cơ quan của Bạch những người mờ mịt giới tính không hiếm hoi lắm. Đa phần đều là đàn ông, ngoại hình bảo thế và khoa học cũng bảo thế. Đây không phải là nông nổi mốt mà có từ vững chắc truyền thống của ngành, một truyền thống đương nhiên sợ sếp và phấn đấu giống được như sếp. Giám đốc ngành dọc trực tiếp của Bạch ( từ hồi vào làm, Bạch đã trải qua bốn đời) thì tất thẩy đều bảnh bao râu ria lèm bèm nói nhiều như một mụ đàn bà. Đương kim giám đốc là người Bắc zdin nhưng vẫn được gọi là anh Hai. Sếp chính thức có hai vợ và vợ chính thức có hai
con gái. Cả hai ái nữ đều vừa ngu vừa ngoan ngây thơ như hai con bê trong truyện ngắn “Cỏ non” in ở sách giáo khoa hồi Bạch học trung học. Cả hai lơ mơ tốt nghiệp bét bảng một trường đại học dân lập rồi về làm một chỗ xuất sắc cùng phòng Bạch. “ Cháu sẽ ngồi ở bàn này, nếu có gì chưa biết thì các cô các chú sẽ hết sức giúp đỡ” Trưởng phòng xun xoe đi sau giám đốc và giám đốc cố giấu vẻ xun xoe đi sau cô bé và cô bé cố giấu vẻ tiểu thư quan lớn ngoan ngoãn vâng. Ngoan ngoãn là phẩm chất nổi trội của những công chức bình thường. Cô bé là khác thường. Tất nhiên phải từ cái họ, nó độc đáo nửa Chàm nửa Kinh nửa Tầu nửa Việt. Cái họ khét tiếng của sếp nhất ngập tràn trên đủ loại văn bản báo cáo khen thưởng kỷ luật sa thải biên chế. Khi Bạch may mắn được nhận vào đây làm Bạch tủm tỉm nhìn chữ ký loằng ngoằng họ của sếp. Nếu phát âm nhanh, phải kềm chế lắm mới không bật cười. Cô bé sinh viên quý tộc thực tập được ngồi phụ việc cho một chị phó phòng đảm trách phần vay những dự án ngoài kế hoạch. Phần việc hơi bận nhưng mầu mỡ. Khách hàng ở đó đa phần là những gã trung niên đầu bôi dầu trơn mồm cũng bôi dầu trơn tiền tiêu như nước. Giống như nhiều sếp quan trọng vừa vừa ở ngành của Bạch thường thường thay nhau đi tù, đám khách hàng đấy nói chung là khó nhớ mặt, vì cứ sau một thời gian trôi chẩy giao dịch thì đột ngột lại bị công an bắt.
“ Suốt ngày họ cứ thích mời em đi ăn trưa”
Bạch chưa bao giờ hỏi, là sau những bữa ăn trưa họ có mời cô bé đi đâu nữa không. Cho đến lúc ấy, hầu như các bữa ăn trưa là cô bé rủ Bạch. Có một lần cô bé rủ Bạch đi vũ trường trên một chiếc Mercedes bốn chỗ. Ngoài Bạch và cô bé còn hai đôi nữa. Đôi tình nhân chủ xe ngồi ở ghế trước, tất nhiên là chàng lái. ở băng ghế sau, Bạch cứng người ngồi sát thành xe cố giữ bình thường nhịp thở. Cặp tình nhân còn lại ngồi lẫn lộn lên nhau vì nàng đó khoảng bằng tuổi cô bé nhưng khá béo. Cô bé giới thiệu với các bạn.
“ Đây là anh Bạch, nhà văn, người mà tớ sẽ yêu”
Bốn nam nữ thanh niên kia không tò mò lắm nhìn Bạch, rồi thân mật chào hê lô. Bạch ấp úng ngậm hột thị. Chưa khi nào chưa ở đâu, Bạch nói với cô bé là anh viết văn. Gã nhóc chủ xe châm điếu cigar cho Bạch trong tiếng nhạc tức ngực sành điệu hỏi.
“ Anh hay viết cho báo nào”
ở sàn nhẩy đã có một đám tròn tròn đông bọn trẻ con đang cuồng loạn rún rẩy người la hét. Hầu hết bọn chúng đều vừa cắn một viên “lắc” tròn tròn mầu hồng nhạt. Bạch gào lên tiếng được tiếng mất là mình chưa bao giờ viết báo. Gã nhóc tóc hoe vàng cố đẩy nàng khá béo dịch ra cụng ly Whisky với Bạch.
“ Cách đây hai tháng bọn em có đấm tan tành một thằng nhà báo già”
Vụ đấy thì Bạch biết. Vào thư viện Bạch hay đọc linh tinh nhiều báo. Vụ đấy không ồn ào lắm. Duy nhất chỉ có một hai tờ bên ngành thể thao đăng. ảnh cùng trang vô tình giới thiệu về một trận chung kết đấm bốc. Nghe nói nhà báo già bị gẫy hai răng cửa nhưng rút lại đơn kiện. Hai ông bố của hai cậu bé này suýt soát là bộ trưởng. Đấm nhà báo xong, hai du học sinh chưa du côn quay lại úc trả nợ nốt môn thi, không hiểu có phải là môn đạo đức công dân hay không. Nhà báo già trả lời phỏng vấn rằng mình luôn thông cảm với những người ít tuổi. Hơn nữa, nền kinh tế nước ta muốn hoá rồng thì chỉ còn biết trông vào lớp trí thức trẻ. Hai bà mẹ cũng trả lời phỏng vấn đều nói là con giai của mình cai sữa muộn, vừa lành vừa ngoan nên nông nổi.
“ Nhà em thì nộp năm ngàn Mỹ còn nhà thằng này thì đền bẩy ngàn. Địt mẹ bọn già”
Cô bé quàng tay vào cổ Bạch, kéo lại gần, như muốn tránh cho Bạch nghe những chuyện theo cô là dung tục. Bạch hỏi.
“ Làm sao em lại biết là anh viết văn”
Cô bé cười, già giặn thế. Bạch ở những tháng ấy ngây ngất như là yêu. Bạch đi làm đều đặn cố không nhìn về phía cô bé. Phòng của Bạch có chừng ba chục phụ nữ và hai gã đàn ông, trưởng phòng và Bạch. Một gã vất vả hãnh diện làm sếp luôn mồm kêu bất hạnh vì tảo hôn. Ngấm ngầm ngắc ngứ đang định yêu một nàng có chồng biền biệt tham tán thương mại ở châu Âu. Một gã làm nhân viên hoang mang viết văn đã thất tình đã âm thầm tập tọng nghiện rượu. Nàng sinh viên trường Thuốc tròn trĩnh vừa tốt nghiệp không đột ngột lắm nửa vui nửa buồn nửa chính nửa tà lưỡng lự quyết định lên xe hoa. Bạch lờ nhờ nhìn, giọng nàng thăm thẳm chập chờn vời vợi. Đấy là về sau, khi viết lại Bạch mường tượng nhớ là như thế, chứ lúc ấy ngữ điệu của tình phụ chắc nó khác. Gần đây tôi hay bị viết những loại từ dấp dính. Đại loại kiểu như, cái khoảng trông trống liêu xiêu bảng lảng của buổi tàn chiều. Đọc kỹ lại thì thấy hơi sến, nhưng không hiểu sao không dứt bút được.
“ Em sẽ không mời anh đâu, vì em biết anh sẽ rất buồn”
Cô sinh viên Dược nhiều mỡ vì thói quen thích ngậm vitamin rồi đây lúc lắc trở thành bà chủ một tiệm thuốc lớn nhất nhì Hà Nội luôn tự hào tự tin tự mãn là mình sâu sắc hiểu và cảm thông được với văn chương.
“ Anh nói thật đi, có phải vì yêu em mà anh đi viết văn”
Nếu nhìn từ ngoài thì đúng thế và nếu nhìn từ trong thì hình như thế. Tại sao bỗng nhiên có một người lại đau đớn ngồi xuống nghĩ rồi cắm cúi mà viết. Cái day dứt kiên trì đấy, liệu có phải là ma đưa lối quỷ dẫn đường. Bạch đọc đi đọc lại cái truyện ngắn đầu tiên được đăng trên một tạp chí văn chương có tiếng. Hôm ra bưu điện cầm cái giấy mời lĩnh nhuận bút, Bạch bước thấp bước cao, cảm xúc giống hệt cái hôm nhận tờ thông báo điểm đỗ đại học. Chênh vênh là hạnh phúc. Bạch và cô bé người yêu học Dược lang thang trôi mấy vòng quanh Hà Nội. Cả hai dung dăng dung dẻ vào một quán cà phê nhỏ. Cô bé khe khẽ đọc một lần nữa đoạn kết nơi mà theo cô đọng nhiều nhất tài năng của Bạch, rồi khúc khích cười dịu dàng ngẩng lên.
“ Em sẽ hôn anh nếu anh đăng thêm được một truyện ngắn nữa”
Bốn ngày sau, không cần phải đăng thêm truyện ngắn, Bạch vẫn được hơn cả hôn cô bé. Lúc ấy, Bạch và người yêu Bạch đều trẻ, thỉnh thoảng trong bóng tối rất hay âu yếm cầm tay nhau. Đến một điểm nào đấy thì khó dừng. Giống hệt như mối tình đầu, tất cả các người viết thường khởi nguyên từ trong trắng. Rồi gần như tất cả bị tha hoá bởi sự ma mị quyến rũ từ cái gọi là danh hiệu nhà văn. Đã là danh thì đa phần đều hão hề phù phiếm. Những nhà đã thành văn đấy mê muội nhan nhản đi lại ở khắp nơi. Họ nghĩ là họ đặc biệt và họ luôn lo lắng bị lẫn vào những người bình thường khác. Họ nghiêm khắc hãi sợ người khác không biết là họ đang viết văn đang làm thơ. Những khái niệm có vẻ có giá trị bởi được nhiều người tử tế tôn trọng. Họ tất bật nhìn ngó xung quanh, họ không có khả năng đi một mình, đi âm thầm. Họ mất vẻ bình thường, xơ xác không thể làm nổi một cái nghề dung dị nào. Họ sợ cái đám đông bầy nhầy mà họ phải vất vả lắm lươn lẹo lắm mới thoát ra được sẽ dễ dàng nuốt chửng lại họ. Mối mặc cảm bị nuốt lẫn vào đó thường trực ám ảnh đã đẩy họ tự tạo ra nhiều sự nhố nhăng khác biệt bằng một loạt lố bịch. Chính vì thế trông họ ở đâu cũng dễ nhận. Thật bất hạnh cho những nhà văn phải đóng vai nhà văn. Hồi ấy, Bạch chưa đi làm công chức và chăm chỉ đi lễ nhà thờ. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Khi phải đối thoại với im lặng thì nhà văn và tu sĩ có nhiều thao tác nghĩ rất giống nhau. Thế nhưng, nhà văn thường cố phải chuyên nghiệp, còn tu sĩ, chưa bao giờ thấy ai là nghiệp dư. Và nhà văn, những lúc trông giống tu sĩ nhiều nhất là tu hết trọn vẹn một chai. Đều đều buổi tối, thất tình thất nghiệp Bạch ngồi rệ đường quán cóc vỉa hè Lê văn Hưu gượng gạo bần thần nuốt từng chén rượu đắng mùi thuốc kháng sinh. Trong điển dược, liệu thất tình có được xếp vào loại độc tố bảng A. Chống chỉ định là nước mắt là thuốc ngủ là buồn phiền dằn vặt. Bạch bẻ bút đốt bản thảo. Bạch đều đặn trở thành công chức đằng đẵng mười một năm. Và nếu không có chuyện ly dị, Bạch chắc chắn sẽ làm đủ hai mươi mốt năm, thừa tiêu chuẩn nghỉ mất sức. Có thể đấy là ý Chúa, nhưng được đi làm ở công sở này thì là mối nhân duyên với một độc giả mà Bạch quen trong thư viện. Anh ta có cái tên tầm thường của một thời chuộng sự hào hùng. Nguyễn mạnh Cường. Anh ta làm hợp đồng trông xe đạp ở Ngân hàng và là một con mọt sách. Hình như chưa vợ, thường thường chữ và đàn bà rất khó ở chung với nhau. Những tháng bị nghỉ việc, anh ta liên miên ngồi chúi mũi vào đọc. Anh ta có đọc vài truyện ngắn của Bạch và khăng khăng Bạch sẽ là một nhà văn lớn. Thế quái nào thì được coi là nhà văn lớn. Liệu nhà văn lớn có phải là người đã thoát khỏi ra được những bì tị tầm thường. Sau nhiều lần bị nài nỉ, tôi lưỡng lự đồng ý buông xuôi đi ra quán cà phê để thực hiện cuộc phỏng vấn với cô bé phóng viên của tờ Văn Nghệ và Gia đình. Cô bé mắt một mí lễ phép gọi tôi bằng chú, giữa hai câu hỏi ngừng mút thìa nói là tôi có muốn nghe ý kiến của một nữ văn sĩ đang uy tín thời thượng phát biểu về cuốn tiểu thuyết của tôi không. Tôi muốn cô bé bình tĩnh cũng như tôi sẽ giữ bình tĩnh khi phải nghe lại thêm một lần nữa. Tương tự như cái hôm ở nhà bà giáo sư dạy văn học Pháp thích kiểu đàm đạo sang trọng sa lông. Hồi ấy, tôi là món đầu bữa, tôi đang là hiện tượng của văn học. Bà này soi mói rồi xếch mé hỏi. “ Anh có muốn nghe nguyên văn câu của cái Tũn nói về anh không”. Tôi gật đầu, vì nhỡ nếu có lắc thì vẫn sẽ được nghe. Tũn là tên tục của nữ văn sĩ đang thời thượng kia, một cái tên rất khó biết xuất sứ. ở các tỉnh lẻ thường người ta hay gọi tên con gái như vậy, ở thành phố nhiều gia đình bần hàn cũng gọi con như vậy. “Dạ thưa, chị cứ nói”. Bà ta nói bằng một ngữ điệu khoái khẩu mà chỉ thường gặp ở đàn bà nhiều chữ. Câu nói đó thật dài và với trí nhớ của một giáo sư thì câu đó được dẫn ra nguyên văn. Cô bé phóng viên cũng nói gần như thế nhưng lược bớt đi những mạt sát ác độc. Cả bà giáo sư và cả cô bé đều hau háu nhìn mặt tôi. Nó xanh hay nó trắng nhỉ. Tôi nhấp ít rượu thấy buồn buồn và cũng thấy một chun chút đau đớn. Là nhà văn thì phải viết cho dù nổi tiếng hay không nổi tiếng. Nhưng có tí tẹo danh mọn thì thật khắc nghiệt, cảm thấy khó viết hơn. Hoàn toàn không hẳn là hết vốn sống hay cạn kiến thức. Có nhiều lý do dung tục lắm. Thường thì cả đời một người viết, luôn luôn bị bôi. Người này bôi cho tí son người kia bôi cho tí mực. Cũng có người do phúc phận kém, hầu như toàn bị bôi bẩn. Văn chương với họ là một chuỗi điếm nhục, chỉ còn đôi chút lấp lánh trong trắng từ xa xa độc giả. Người viết cần rất nhiều điềm tĩnh, điềm tĩnh để mà viết nữa. Thực ra những đánh giá những phẩm bình của đông đảo không hẳn có quá nhiều uy lực như bọn họ lầm tưởng. Người trót viết văn thành danh nào mà chẳng có đông người đố kỵ. Nhẹ nhàng thì bằng mặt không bằng lòng. Nặng nề thì tố cáo nhau vu oan nhau. Tào Phi bảo “văn nhân tương khinh”. Đừng quá dung tục hiểu theo kiểu bọn nhà văn không cần toa lét. Nhiều người viết tỉnh táo tử tế đã đơn giản lầm lạc cho đó là một đặc chất làm nên nhà văn. Khinh lẫn nhau, có quan liêu quá không. Khi Tào Phi nói câu đó ông ta mới chỉ là một quan chức văn nghệ. Tất nhiên là một quan chức rất lớn, lớn đến mức sau đấy ông ta đã trở thành Nguỵ Văn Đế. Từ vị thế của ông ta chắc chắn dễ dàng sẽ nhìn thấy nhiều cái hèn hạ của đám người cầm bút. Rất đông độc giả tầm thường hay học đòi cái kiểu nhìn này. Và nếu Tào Phi còn sống để chấp chính, chắc sẽ không bao giờ tư đồ Vương Lãng được cầm quân phơi mặt trước trận tiền. Vương Lãng văn hay nhưng thật thà không quen nghe thể loại đay nghiến nghị luận phê bình. Khổng Minh đanh đá mắng chết ông ta là một kỳ tích nhưng không hề là quái sự. Gia Cát thừa tướng đã lỗi lạc hiểu phê bình văn học là một vũ khí. Có thể trực tiếp giết được người. Phanh phui, soi mói, mổ xẻ một tác phẩm thông thường đòi hỏi thao tác của một đồ tể. Cẩm My dịu dàng cụng ly với Bạch, hai người lè nhè uống hết gần một chai rưỡi Giôn đen qua trưa. Hôm vừa rồi sinh nhật Bạch, cô vất vả đi tìm mua tặng anh trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa, ấn bản hiếm hoi mười ba tập của nhà xuất bản Phổ Thông cuối những năm sáu mươi. Tranh minh hoạ rất đẹp được vẽ theo từ nguyên bản tiếng Tầu. Sau khi chia tay Vũ, hoặc là Cẩm my ngồi uống một mình hoặc là song ẩm với Bạch. Cái quán cá sát bờ sông Hồng vẫn vậy. Gió sông vẫn uể oải hoang mang chạy trên sóng nước lờ đờ trôi mầu đỏ. Gã chủ quán đĩ thoã mắt híp cũng đã già, hình như có cô đơn hơn vì năm ngoái gã vừa ly dị vợ. Cẩm My gọi thêm bao thuốc “555”, bâng quơ hỏi.
“ Thật ra các nhà văn có biết thương nhau không”
“ Anh nghĩ chắc là có, nhất là những văn tài”
“ Thế mà em nghe đâu đó rằng Tônxtôi rất không ưa Đốt”
Đấy là qua mồm của Goócky. Tất nhiên không cần phải qua đó, trong nhiều bài viết Tônxtôi cũng nói thẳng sự ghét của mình. Ông cũng không ưa Gớt, ông nói chín mươi tám phần trăm cái viết của Gớt là đồ bỏ. Thế nhưng thái độ này không ăn nhập vào luận cứ của chính trị gia Tào Phi. Khi Tônxtôi nói về Đốt là như thế này. “ Tôi không chịu được cách ông ta kể về Hoàng thân Mưskin. Có cái gì đó rất giả dối. Nếu ông hoàng thân tâm thần đó không giả dối thì tác giả của nó phải giả dối. Ngài Đốt rất tệ, ngài ta ốm yếu nên nhìn thấy ai cũng là đang ốm”. Những văn cách lớn thì thường thành thực. Rất nhiều người nói khi viết Anna Karêlina và Phục sinh thì Tônxtôi phải cố. Cố đây là cố gắng thành thực. Người phụ nữ của Tônxtôi vốn không quá phức tạp bởi quan niệm của ông về đàn bà là tương đối rõ ràng. Những con giống cái. Tônxtôi tin có Chúa, ông hình như là một tín đồ Cơ Đốc nhưng hơn hết ông là một nhà văn. Đốt thì đương nhiên ngược lại, ông là một nhà văn nhưng hơn hết ông là người có đức tin. Điều này quyết định đến văn cách của hai ông. ở Đốt không có cái bải hoải hoài nghi mà người ta rất dễ thấy trong những trang viết ở tác giả của cha Xéc Ghi. Nhưng suy cho cùng nhân cách và văn cách là hai chuyện khác hẳn nhau.
“Vậy một nhân cách tồi vẫn tạo ra một văn cách vĩ đại”
Chắc không là vậy. Tất nhiên nếu chỉ hóng hớt nghe thì một nhân cách bình thường vẫn có thể tạo ra một văn cách lỗi lạc. Lịch sử văn học (đương nhiên nó đã bị xuyên tạc sửa chữa bằng rất nhiều tay bút chủ quan đầy tò mò, đã minh chứng điều đó). Đơn cử như một nhà văn ở ta, Bạch hú hoạ chọn một ông nhà binh viết văn đang nổi tiếng như cồn.
“ Chúng mình nói chuyện khác đi”
Từ hồi thôi hẳn không gặp Vũ, Cẩm My khi ngồi với Bạch thường linh tinh hay nói chuyện văn học. Cũng chẳng phải cố lắm, lúc đã quá trống rỗng bối rối những câu chuyện vô thưởng vô phạt dễ làm người ta dịu dàng thương lẫn được nhau. Một cái tầu kéo xà lan ì ạch chạy qua, Cẩm My nhoi nhói xót xa nhớ.
“ Anh xin lỗi, nhìn em anh tưởng em hào hứng với đề tài này”
“ Nghề của bọn em mà, gây hào hứng cho người khác cũng không phải là một nghệ thuật khó lắm”
Bạch nhìn Cẩm My, những người đàn bà đẹp thường là lạ và họ lạ nhất là khi họ cay đắng. Cô bé tiểu thư sinh viên quý tộc chỉ mới biết hờn dỗi đanh đá. Sẽ mất bao nhiêu lâu để cô bé trở thành chua chát. Đã là nhung là lụa thì phải rất vất vả mới bị có nếp nhăn. Cái công sở mà Bạch đang làm vĩnh viễn là sạch sẽ phẳng phiu. Bạch thu xếp ít tiền liều lĩnh run rẩy đi theo Mạnh Cường cầu âu đến gặp giám đốc sau khi anh này vô tình đọc được một thông báo tuyển người dán bơ vơ sau cánh cửa phòng toa lét. Giám đốc của hồi ấy còn nghênh ngang chưa ra toà, dư tiền xa xỉ ngó sang văn chương, nông nổi nhầm tưởng sự lập dị của Mạnh Cường là một thứ văn nghệ sĩ. Có lẽ nhà Bạch phúc dầy nên may mắn đủ đường. Bạch thân cô thế cô đỗ kỳ thi tuyển công chức ấy không phải vì Bạch có bằng ưu đại học kinh tế, cũng không phải vì cái phong bì nhẹ hều mà đang lúc phê phê giám đốc nhón tay làm phúc. Bạch đỗ vì bốn trong năm suất đương nhiên được nhận vào đột ngột khinh bỉ từ chối. Những năm ấy bắt đầu có mốt các cậu ấm cô chiêu rửng mỡ bỏ tiền đi du học ở Tây ở Tầu ở Mỹ. Sau một tuần thẹn thùng ngoan ngoãn đi làm, Bạch dạn dĩ đầy biết ơn đến ngắm cái cánh cửa phòng toa lét nơi đã dán cái thông báo đẫm đầy nhân hậu nhân văn nhân nghĩa. Thực ra lịch sử ngành ngân hàng nên dành một chương cho cái khu phụ này. Theo lời kể của một số cựu công chức, chỗ mà bây giờ có cái hộp mica được chiếu sáng từ trong để nổi bật một chữ xanh thẫm “man” thì ngày xưa nghệch ngoạc một bảng gỗ mộc kẻ dòng chữ sơn vàng “ nhà vệ sinh nam”. Tới thời kinh tế thị trường, ngay phía dưới cái hộp mica có thanh lịch thêm vào một tấm lô gô bằng nhựa in hình đầu người đàn ông đội mũ phớt, kiểu mũ nhang nhác giống mũ của trưởng phòng hành chính. Bên phía đối diện, chữ “nhà vệ sinh nữ” được thay bằng “women”, không ngẫu nhiên là danh từ số nhiều, tỷ lệ chị em trong cơ quan bao giờ cũng vượt trội. Lô gô để dưới hộp mica này là hình cách điệu một phụ nữ mặc váy đầm. Phải rất tinh tế thì mới nhận ra đây là kiểu váy thanh nhã hao hao kiểu jupe của bà phó giám đốc phụ trách ngân quỹ đã từng một thời là người tình của ông trưởng phòng hành chính. Hồi Bạch mới đi làm, khu vệ sinh còn nhếch nhác lắm. Bạch bị đại tràng kinh niên, hay lì lợm ngồi lâu hơn người bình thường. Mắt buồn bâng quơ nhìn vào thùng gỗ để giấy thải. Đại loại không cần phải nhậy cảm cũng biết người ngồi trước là ở đẳng cấp nào. Các sếp đa phần dùng giấy công văn hoặc báo khổ rộng xa xỉ. Còn đám nhân viên thì lẫn lộn tuỳ hứng đủ loại, nhưng nói chung là khổ hẹp. Những năm gạo châu củi quế tám nhăm tám sáu, kinh tế Việt Nam đang ở điểm rơi thấp nhất. Những người cẩn thận thường dọc riêng giấy vệ sinh kín đáo cất ở ngăn kéo bàn làm việc. Hôm lĩnh lương lần đầu, Bạch trân trọng mời Mạnh Cường đi uống rượu Vốt Ca ở quán thịt chó Nhật Tân. Nguyễn mạnh Cường là một độc giả lạ. Phải vất vả lạy van lắm anh ta mới có được một thẻ đọc ở thư viện. Thư viện Quốc gia có quái tục là chỉ cấp thẻ cho sinh viên năm cuối và những cán bộ có vẻ đến nghiên cứu đã có bằng đại học. Mạnh Cường chưa học hết phổ thông và anh ta tôn sùng chữ. Anh chàng độc thân háo hức đọc sách qua trưa mụ mị đến sâm sẩm chiều muộn. Mái tóc dài sớm muối tiêu trên vầng trán gồ rộng làm anh ta mang vẻ uyên bác nghệ sĩ. Trí nhớ vớ vẩn trong trắng tươi mới cường ký làm rất nhiều sinh viên năm cuối nhầm anh ta là phiên bản của Giacốp Menđen, một độc giả thiên tài trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn áo Stefan Zvaig. Bạch biết anh ta sẽ vĩnh viễn không giống bởi tư duy của anh ta có quá nhiều điểm mù. Anh ta đơn thuần chỉ là con mọt sách theo nghĩa đen tối và đay nghiến nhất. Rất nhiều trí thức Việt Nam cứ tưởng mình thành đạt là nhờ chăm học. Rất nhiều nhà văn Việt Nam lấy chuyện Goócky khổ đọc mà làm gương. Xác chữ muôn đời chỉ là xác chữ. Nguyễn mạnh Cường bê bết và lầy nhầy mùi xác chữ. ở thư viện Quốc gia nồng nàn một cái mùi ấy. Bạch bỏ không đọc ở thư viện để đi làm công chức vào khoảng lưng lửng giữa một mùa thu. Lá rụng heo may của tàn thu là sắp kỳ thi đầu. Thư viện có đông thêm sinh viên và mùi hôi hám đậm đặc từ các ký túc xá cũng nồng nặc hơn. Chừng mười ba năm nữa thư viện sẽ lắp máy điều hoà nhiệt độ. Và lúc đó nhiều học giả trung niên sạch sẽ thường rất thích ngồi cạnh những cô bé sinh viên ngoại tỉnh ngầy ngậy mũm mĩm. Những nữ sinh có lắm mồ hôi thường tồ, khi đọc mệt buồn ngủ hoặc viết tiểu luận dài mỏi cổ hay để buột khuy ngực. Công chức khác sinh viên, không bao giờ để buột khuy. Tất nhiên, không kể vài công chức nam độ tuổi sắp nghỉ hưu, sau một hồi ngắm vuốt rất lâu trong phòng vệ sinh thỉnh thoảng vô ý quên có để mở phéc mơ tuya cửa quần. Cô bé vừa khanh khách cười vừa kể những chuyện ấy cho Bạch. Cô bé ngồi vắt vẻo trên thành cầu Chương Dương, gió hè lồng lộng thổi cặp đùi tròn trĩnh trong cái quần ống côn chặt lửng.
“ Anh có muốn về nhà em không”
“ Không”
“ Anh bị mặc cảm à”
“ Không”
Cô bé tụt hẳn xuống thành cầu lấy hai tay beo đều hai má Bạch như người lớn thường làm khi nựng trẻ con. Nhiều buổi chiều muộn chỉ riêng có hai đứa, sau những lúc thật nồng nàn, cô bé nằm vừa bâng quơ hát vừa thích bẹo má Bạch.
“ Em muốn chụp với anh một kiểu ảnh cả hai đứa đều không mặc gì”
Rồi mãi tới sau này khi Bạch và cô bé vĩnh viễn không còn gặp nhau, Bạch vẫn loay hoay không hiểu là tại sao lúc ấy Bạch lại cáu. Có một khoảng cách thật xa thật rộng, không phải là chuyện tuổi tác, giữa Bạch và cô bé. Một khoảng cách mòn nhẵn hấp dẫn quyến rũ những người viết tiểu thuyết. Tôi đã thật chán khi phải cố giữ chuyện tình của Vũ và Cẩm My. Một mô típ vừa sến vừa rỗng tuyếch với sang trọng hoàng tử và xơ xác thôn nữ. Văn chương bị lặp lại đáng sợ như văn chương nhạt nhẽo. Thật tuyệt vọng khi biết câu chữ của bao đêm vất vả thức chỉ là một thứ cliché vô hồn. Tôi muốn viết một câu chuyện tình thật cảm động cho nhân vật Bạch. Thế nhưng tệ nhất là phải viết cố, kể cả cố đậm đà không dối trá. Viết văn tự thân là một công việc rất linh tinh và lan man, nó luôn lẩn khất lẫn lộn vào cuộc sống thật. Nhưng tôi không tin khi nghe Flaubert nói đầy quả quyết tách biệt. “Cuộc đời này quá ngắn, không đủ cho cả văn chương và đàn bà”. Thời sinh viên, tôi đam mê Hemingway và Đốt, tôi bị những chi tiết đời tư của hai ông quyến rũ. Đốt triền miên đánh bạc đến hai giờ sáng và ba giờ thì ngồi vào viết. Anh em nhà Karamazop ra đời như vậy. Hemingway cứ viết nửa trang là uống hết nửa lít. Không phải là bình thường như bia hoặc tầm thường như vang mà là Brandy 43 độ cồn. Tất nhiên chỉ là nghe hóng hớt qua mồm những tiểu luận vô bằng cớ của đám người viết đàn anh. Văn học nước ngoài ở Việt Nam trước giải phóng Sài Gòn bẩy nhăm, tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa được dịch nhiều nhất đáng kể là Tônxtôi và Goócky. Tôi thường bị nhớ về hai ông này. Lao động của những nhà văn lớp trước luôn là tò mò lớn của lớp viết sau. Có cái gì huyền hoặc như bịp bợm, lại có cái gì lung linh như phép mầu. Tônxtôi tự thú nhận rằng mình là tay làm tình lọc lõi rất khoẻ. Cảm giác của tôi là giống cảm giác của nhà văn trẻ Goócky khi nghe chuyện ấy. Tất nhiên, khi đã trưởng thành biết chua chát tôi ngờ ngợ nhiều hoài nghi hơn.
Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nghĩ rằng Goócky là một tay nhà văn có chữ nghĩa thật thà, kể cả tới cái thời pê rết trôi ka biết bao người gào lên cái ông nhà văn bất tài vô sản cố đóng vai cộng sản ấy là vô địch giả dối. Văn chương là cái bị dùng theo thời thế, nhẹ thì bóp méo nặng thì xuyên tạc. Chữ nghĩa về bản chất vốn đã sẵn sàng đạo đức giả thì đừng thêm cho nó sự giả đạo đức nữa. Hôm đầu tiên cô bé lại gần Bạch là một buổi chiều muộn, cả phòng bơ vơ còn hai người. Ngân hàng của Bạch đang chập chững ai ti hoá. Những lớp tin học truyền khẩu cấp tốc cố nhồi vào những cái đầu đa phần có bằng tại chức những thuật ngữ xa lạ đầy củ chuối. ếch xeo thì viết như thế nào, tại sao đã mai cờ rô sốp lại còn mi cờ rô xóp. Các đồng chí hãy bình tĩnh. Buớc một là gõ vào phím này. Buớc hai mới gõ vào phím này. Tuyệt đối không được gõ sang cái phím này, nó sẽ vô cùng nguy hiểm. Mặt mũi mọi người phăng phắc trang nghiêm nhưng trong bụng cồn cào uất ức. Gõ vào cái đầu thằng bố mày. Từ gương mẫu trưởng phòng đến xộc xệch nhân viên đều đoàn kết âm thầm văng tục vào cái bọn máy tính. Nếu bình thường đối chiếu sổ sách bằng tay thì muộn nhất là về năm giờ, còn đối chiếu qua máy thì cả tuần này chưa lúc nào được về trước tám giờ. Thỉnh thoảng gõ Enter, bỗng nó tòi ra một đống số quỷ số ma rồi đột ngột máy treo cứng. Sếp nhất là Thứ trưởng Tổng giám đốc lên phát biểu trước hội thảo nghèn nghẹn ngơ ngác đông người. “In tờ nét nghĩa là một cái mạng. Không phải ngẫu nhiên thế giới người ta lại gọi nó là cách mạng tin học”. Phòng Bạch tăng cường ba kỹ sư computer lơ mơ chuyên môn ngành ngang hai nữ một nam mặt xanh mét trẻ ranh tóc tai dựng ngược trên cái đầu mụ mị như bưởi ủng vì bị hỏi nhiều, vật vờ đi lại. Sự lệch kênh không đồng bộ của cả cái hệ thống nhưng lại a dua nôn nóng thành tích làm cả cái mạng rách như một cái mạng. Trưởng phòng trước khi khởi động máy thường thường thắp ba nén hương, nhân viên thành tâm làm theo, ơn Chúa hình như có đỡ đi thật. Đã có thể cắt cử người trực, mọi người hoan hỉ thay nhau về sớm. Chiều hôm ấy là phiên trực của Bạch. Warcraft đã lên tới bài bốn, pháo và cung nỏ đều được update hết cỡ. Bạch vặn vẹo cả người xoay tròn con chuột cố chống trả đám địch quân đang tìm cách vượt sông.
“ Clich vào chỗ này này, chỉ cần bấm một lần là di chuyển được toàn bộ”.
Bạch giật mình ngẩng lên. Và chỉ cần thế thôi, một khẩu pháo khủng khiếp mò ra từ rặng cây tối, một phát đủ chính xác để năm gã cung thủ mà Bạch vất vả nâng niu giữ, đổ kềnh ra nằm giẫy giẫy. Bạch văng được nửa câu chửi, chợt nhận ra tiểu thư con sếp, cố kịp nuốt nửa còn lại vào họng.
“ Bây giờ ai còn chơi trò trẻ con này. Warcraft mức ba thì bài thấp nhất cũng là súng laze”
Mẹ mày, con nhóc nhà ông kễnh. Bạch lịch sự nhổ thầm câu chửi vào khăn mùi xoa. Đồ mất dạy, nói với người lớn chỉ toàn nói trống không. Bạch xun xoe khe khẽ cười nịnh chào cô bé. Bạch tự phụ là mình có học, khi đã đê tiện thì phải đê tiện xuất sắc nhất. Lúc buổi sáng, cô bé công khai ngồi xe của bố tới cơ quan, vô tình bắt gặp Bạch đi làm muộn đang len lén vòng qua lối nhỏ khu toa lét. Hình như lúc ấy Bạch có ngấm ngầm gập người chào theo kiểu Nhật.
“ Cháu làm ơn cho chú nhờ, cháu đang ngồi lên tập văn bản quan trọng nhất của ngành mình”
Cô bé hồn nhiên nghiêng mông, kéo ra cuốn nhật ký theo dõi trực đối chiếu. Rồi vẫn ngồi trên mặt bàn, mấy ngón tay trắng muốt lật lật cuốn sổ.
“ Có người hay phải trực nhỉ”
Trưởng phòng họp toàn thể nhân viên nhiều buổi chiều để dân chủ phân công. Các bà các chị nhao nhao sồn sồn phản đối, khi biết phải làm thêm giờ mà không được thêm tiền. Rồi thì quả chín tự nhiên rụng, Bạch đương nhiên trở thành chuyên gia vĩnh viễn ngồi trực. Bạch là trai tân là khoẻ mạnh là chưa vướng bận chuyện gia đình. Và hơn hết, sau gần ba năm đi làm, Bạch đã lộ là thân cô thế cô họ hàng tứ bề nội ngoại tuyệt không có ai làm sếp ở ngành. Trưởng phòng trịnh thượng lưu ý là sang năm sẽ tới kỳ xét nâng lương một số nhân viên mới. Bạch vô cùng thèm được đấm vào mõm sếp, và Bạch hớn hở vinh dự nhận nhiêm vụ.
“ Thế cứ trực xong thì lại đi uống rượu à”
Lần này thì Bạch nhìn thẳng, cố nén vẻ tò mò. Bạch chẳng thấy sợ gì, nhưng cũng chẳng muốn đám ruồi muỗi cơ quan vo ve vào quanh đời tư.
“ Ơ, thế ra nhà cháu ở gần cái quán đấy. Quán ấy buồn cười nhỉ, ngoài thì bầy bình rượu mà trong chỉ bán toàn chè đỗ đen. Chú bị gan, bác sĩ dặn là phải ăn thật nhiều đồ ngọt”
“ Đây thích ăn chè lắm, hôm nào cho đi cùng nhé”
Cô bé long lanh nhìn thẳng vào mắt Bạch, vẻ a dua ngây thơ. Bạch bỗng thấy tim hụt nhịp gờn gợn như là buốt. Đã hơn vài lần, Bạch cay đắng gặp phải bọn nhiều tiền dửng mỡ. Cái lần đầu tiên là hồi năm thứ nhất, cô bé ấy là con ông giáo sư hiệu phó biết buôn lậu. Bạch cục cằn.
“ Chè ở đấy nấu đường mía thứ cấp, trẻ con ăn dễ bị táo tỏng lắm”
Cô bé khúc khích cười. Bạch ngạc nhiên nhìn, cô bé bỗng đỏ mặt khẽ quay đi nhưng vẫn cười. Màn hình computer dịu dàng hiện chữ accomplishment. May thế, hôm nay Bạch nhớ có thắp hương. Bạch chậm rãi tắt máy, lấy khăn từ tốn phủ lên. Rồi nắn nót ký sổ, ghi vài dòng vắn tắt vào sổ nhật ký trực. Cô bé không sốt ruột đứng chờ, vẫn nhìn Bạch, khe khẽ hỏi.
“ Mình đi bộ hay gọi tắc xi”
Cái mô bai của cô bé thánh thót một điệu nhạc. Cô bé nói là hôm nay làm rất bận và sẽ về rất muộn. Bạch sờ túi quần sau âm thầm nắn ví, ga lăng lững thững dẫn cô bé vào quán bia Đức cách cơ quan chừng hai con phố nhỏ.
“ Em không muốn vào đấy đâu. Em muốn ra cái quán anh hay ngồi cơ”.
Bạch nao nao mở cửa xe cho cô bé. Cái quán rượu cỏ gần ngã ba Lê văn Hưu đang đúng giờ cao điểm, ồn ào khách nhậu. Chủ quán mắt cận lòi, vốn là thầy giáo dạy toán hồi cấp Ba của Bạch, khẽ liếc xéo cô bé.
“ Gọi thêm cái gì không, hôm nay có chả nhái đấy”
Bạch chọn góc khuất, thật ra căn nhà vuông chằn chặn nhốn nháo người này thì không có góc khuất. Cô bé tỏ vẻ sành điệu cụng chén sành đầy rượu.
“ Năm mươi phần trăm”
Bạch cụng chén và cho đến tận bây giờ vẫn đau đớn không thể quên được vẻ nhăn nhó của cô bé, cái vẻ trong trắng của thiếu nữ lần đầu tiên uống ngụm lớn rượu trắng. Rượu của quán thầy Vinh từ xửa xưa đã là rượu gạo nếp thật. Nó có mầu trong vừa đủ, giá cả chẳng đắt chẳng rẻ. Bao nhiêu năm vẫn một kiểu cốc sành, loại được bán đầy rẫy ở các xe thồ rong giả thương hiệu Bát Tràng. Khi Hà Nội ồn ào uống các loại rượu ngâm, hoặc tắc kè hoặc bìm bịp hoặc táo mèo hoặc thuốc Bắc cường dương Minh Mạng, thì quán Vinh vẫn chuyên doanh rượu trắng. Bạch từ khi lê la nhiều ở đây, luôn tự an ủi là mình chỉ vì tình thầy trò. Bạch hồi học phổ thông, môn toán tạm được nhưng chưa đến mức xuất sắc để thầy Vinh quý. Thầy Vinh về hưu non thành chủ quán rượu là học nghề từ đằng nhà vợ. Khi bán đến năm thứ ba thì thầy bắt đầu văng tục nhiều, vì khách uống càng ngày càng tạp. Thầy chửi bậy chưa quen, ngữ điệu thường nhấn vào chữ tục nhất nên người nghe thấy ngô nghê độc đáo, khách hàng thường nhại theo để mà trêu nhau. Bạch đôi khi ngồi quán lạ, chợt thấy ai đó to giọng văng tục theo kiểu “ con cặc – cái – thằng – bố mày” thì tự biết ngay đấy là khách hàng đã thâm niên ngồi ở quán Vinh. Rồi đây, Bạch và cô bé cũng chỉ đến quán Vinh thêm một lần nữa.
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
....................................................................................................................................
......................................................................................................................
“ Và Ngài đã nói với tôi. Đó là những lời chí thành và chân thật. Chính Thiên Chúa, đấng chỉ dẫn các tiên tri đã sai Thiên Thần của người đến tỏ cho các tôi tớ người những điều kíp phải xẩy đến. Và đây, Ta sẽ đến. Phúc cho ai nắm giữ các lời tiên tri chép trong sách này. Chính tôi là Gio An đã nghe và đã thấy các sự ấy. Khi đã nghe và thấy rồi, tôi sấp mình bái lậy dưới chân Thiên Thần đã chỉ cho tôi các điều ấy. Nhưng Ngài bảo tôi, con đừng thế. Ta cũng là đầy tớ của cùng một Chúa với ngươi cũng như các tiên tri, các anh em ngươi và tất cả những ai tuân giữ các lời chép trong sách này. Ngươi hãy thờ lạy Thiên Chúa. Và Ngài lại bảo tôi. Đừng niêm phong các lời tiên tri viết trong sách này. Vì thời giờ đã gần đến. Kẻ bất lương thì hãy bất lương nữa. kẻ nhơ nhớp thì hãy nhơ nhớp nữa. Và kẻ công chính thì hãy công chính nữa. Kẻ làm Thánh thì hãy cứ thánh hoá mình nữa. Ta sắp đến để trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ đã làm. Ta là An pha là Ô mê ga là đầu hết và là sau hết. Là khởi nguyên và là cùng tận. Phúc cho những ai đã giặt áo mình, chúng sẽ được quyền trên cây sự sống và được ngang qua cổng mà vào thành. Ngoài kia phường khuyển súc, phù phép, dâm bôn, sát nhân, tà đạo cùng tất cả những kẻ ưa thích và làm những sự gian trá”
( Khải Huyền 22; 6 – 15)
Anh chàng đầu nậu đã in cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, nhiệt tình hỏi.
“ Bao giờ thì ông xong cuốn này”
Tôi muốn anh ta ứng thêm ít tiền nữa, nhưng ngại quá.

Xem Tiếp: ----