ROI VỌT

"Con đĩ chó, tao đánh mà mày dám bỏ chạy hả? Có giỏi thì mầy cút khỏi nhà tao luôn đi. Ðừng có quay về nữa đó... đồ con đ.. ĩ.. ĩ..." Ðó là những lời cay cú sau cùng mà tôi còn nhớ được về người mẹ thân yêu của tôi. Ai đâu đó đã đặt lên hai câu ca dao thật là ác nghiệt: "thương cho roi, cho vọt; ghét cho ngọt cho bùi." Nếu cho ca dao là đúng thì tôi thật sự là một đứa con gái sống ngập tràn trong hạnh phúc. Bằng chứng của sự thương yêu vô bờ bến là dấu vết của những lằn roi tôi hưởng hằng ngày còn in hằn trên lưng, mông, ngực, đùi, tay, và thậm chí trên mặt. Có thể nói bà ta, khi nộ khí xung thiên thì chỉ biết quất thẳng tay cho hả dạ chứ không cần biết là quất trúng vào vị trí nào trên thân thể tôi. Roi vọt thì hưởng nhiều rồi cũng quen đi. Cái mà làm tôi khó chịu nhất là những cụm từ thô tục mà bà ta sử dụng. Nhiều khi chính bản thân tôi cũng không thể ngờ rằng đó là những lời lẽ được thoát từ cửa miệng của một người mẹ đối với một đứa con. Khi lên bảy, tôi đã sớm nhận thức được cái vị đau khổ của roi vọt. Thú thật rằng tôi không còn nhớ rằng đâu là lần đầu bị đánh. Tôi đã chai lì rồi thì phải. Roi vọt chỉ làm tôi đau nhất thời, nhưng những từ ngữ đay nghiến kia thì đã thấm từ từ vào tâm khảm tôi tự thuở nào. Tình mẫu tử giữa mẹ tôi và tôi chỉ vỏn vẹn là một thứ tình gượng gạo. Sự gượng gạo ấy lại gia tăng gấp bội từ khi ba tôi mất. Năm sau đó, bà ta tái giá và tôi đã thật sự trở thành cái gai trong mắt của bà ta và của luôn cả người cha ghẻ. Sự có mặt của tôi chỉ là một thứ gì thừa thãi không hơn không kém.
Nếu cái thương đem đến roi vọt và cái ghét mang đến ngọt bùi, thì cho tôi xin "bị" ghét dù chỉ một lần để tôi được biết đâu là cái ngọt cái bùi của tình mẹ. Thú thật, tôi thèm được thương, chỉ một tình thương tầm thường: một cử chỉ vuốt ve, một cái xoa đầu, một lần nựng má, một tiếng gọi "con". Tôi mong lắm và mong lắm...
Tức nước vỡ bờ. Sau khi tôi bị bà ta đánh cho một trận nhừ tử; sau nhiều lần bị chửi bằng những từ ngữ tục tĩu, dơ bẩn mà tôi nghĩ không một đứa con nào phải bị chịu đựng, tôi đã quyết định bỏ nhà đi. Có lẽ đó là biện pháp tốt nhất. Không phải đó là những gì mà mẹ của tôi mong muốn sao. Tôi nghĩ thầm, "thôi, ra đi như vậy cũng tốt... sự ra đi của mình sẽ mang lại sự thoải mái cho mọi người mà."
Ở vào tuổi mười lăm mà tôi đã thấm nhuần nỗi cô đơn, nỗi côi cút, nỗi khổ của một đứa trẻ bụi đời không gia cư. Tôi bất cần tất cả mọi người. Tôi mặc tình để cho cuộc đời trôi nổi và không cần biết đến ngày mai...
Không công nhận mẹ tôi là một nhà tiên tri cũng không được vì bà ta đã đoán trúng số mạng tôi rồi còn gì. Không biết bà ta suy nghĩ gì khi buông lời nguyền cay nghiệt để buộc tôi vào số kiếp đã an bài. Vâng, tôi đã trở thành một con điếm. Hay nói đúng hơn, tôi đã trở thành con đĩ chó lê lết từng hộp đêm để dụ phường đàn ông mua vui qua đêm. Tôi ngụp lặn trong sa đọa để tự lực cánh sinh. Những gì Ðấng Tạo Hóa ban cho tôi, tôi rất quí nhưng tôi đành đánh đổi tất cả vì sinh tồn. Tôi chấp nhận thương đau và bán đi cái "tôi". Người đời có thể chỉ trích và trách cứ, nhưng đừng bao giờ cho rằng mình thanh bạch hơn một khi người chưa rơi vào hoàn cảnh bất nan di như tôi đã từng trải.
Thời gian trôi qua như thoi đưa. Thấm thoát, tôi dấn thân vào mê lộ đã được mười năm. Dòng đời trôi dạt và dĩ nhiên tôi cũng già theo năm tháng. Ở vào tuổi hai mươi lăm mà tôi đã cảm thấy cằn cội vô thường. Tôi không còn là tôi. Ðúng hơn, tôi đã không còn là con Diễm của mười năm trước. Vào lứa tuổi này của những đứa con gái khác thì là thời kì sung mãn nhất. Còn tôi ư, hình như tôi đã từ từ đi lùi vào bóng tối. Cái đẹp của tôi không còn quyến rũ được những thằng thanh niên trẻ. Chẳng qua tôi còn moi được tí tiền của những bậc đáng tuổi cha, tuổi chú, và thậm chí tuổi ông là vì tôi được liệt kê vào thành phần có kinh nghiệm và biết chiều chuộng khách. Nhiều lúc tôi thật tủi hổ với bản thân mình, kinh nghiệm ư rồi sẽ giúp được gì cho tương lai khi nhan sắc không còn. Kinh nghiệm mà đã phải đánh đổi bằng thể xác, bằng sự héo mòn của tháng năm thì có đáng không nhỉ. Vì sinh tồn ư. Không. Tôi đã không bán thân vì sinh tồn từ tám năm qua. Tôi đã trở thành nô lệ của đồng tiền vì tôi muốn cho chính mình những sự phồn hoa, sự thoải mái do đồng tiền mang đến. Nói đúng hơn, tôi đã tiếp tục bán thân vì mãnh lực đồng tiền. Ðồng tiền đi liền khúc ruột mà. Có tiền mua tiên cũng được? Nhưng mà không; đồng tiền của tôi đã không mang lại cho tôi một cuộc tình chân thật. Tôi phải chấp nhận sự thật thôi. Người ta bỏ tiền mua vui thâu đêm. Tôi bỏ thân ra phục vụ. Bằng vào đó, khi tôi muốn tìm một tình yêu thì tôi lại phải bỏ đồng tiền của tôi tìm được để mua cho chính mình thứ tình yêu tạm bợ.
Có một đêm, tôi bừng tỉnh dậy và ngó lại mình trong gương; khi những phấn son lòe loẹt đã được tước bỏ, tôi không còn nhận ra mình. Tôi đã già. Tấm thân nhơ nhớp giờ càng cảm thấy thêm phần nhơ nhớp. Quay lưng ngó lại, người đàn ông của ngày hôm qua đang ngủ say vùi, vô tình để lồ lộ tấm thân trần truồng như nhộng đã làm tôi ghê tởm. Trời, một người đàn ông mà tôi không hề quen biết, chỉ sau vài câu xã giao, chào hỏi, sau vài cái vuốt ve, mơn trớn đi cùng với tờ 50 Ðô thơm lừng mùi Mỹ, tôi đã chào thua, chấp nhận trong sự vui vẽ để lên giường. Ðây không phải lần đầu tiên tôi cảm thấy ghê tởm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy ghê tởm trong tủi nhục. Có lẽ là đã đến lúc tôi phải nên tự nguyện giải nghệ.
Tôi đã từng nuôi mộng... tôi nuôi mộng rằng một ngày nào đó không xa, sẽ có một thân hào nhân sĩ vào chốn lầu xanh cứu vớt mĩ nhân như là nhân vật chính trong phim Pretty Woman được một nhà triệu phú cứu vớt thân xác tội lỗi và mang về tôn làm một đấng phu nhân. Vị hoàng tử của lòng tôi đâu nhỉ. Tôi đã đợi, đợi từ mười năm nay rồi còn gì. Nhiều lần tôi đã tự đay nghiến với chính tôi, "tỉnh mộng lại đi Diễm ơi. Thân hào nhân sĩ nào mà lại vào chốn dơ bẩn để cứu mầy. Dù có thì cũng đâu đến lượt mầy. Có cứu thì người ta cũng cứu những cô gái trẻ choi choi chưa dính nhiều vào cái dơ cái bẩn của xã hội. Còn mầy thì dù có đem thân xác đi rửa sông Tiền Giang ba ngày còn chưa đủ sạch thì ai mà thèm. Làm ơn dùm đi. Bỏ cái ý định của mầy đi." Rồi thì tôi đã quyết định và bỏ lại sau lưng những gì của ngày hôm qua; bỏ lại cái sa đọa của ngày tháng cũ...
Ðó là chuyện của năm năm trước. Tôi của ngày hôm nay đã khác xưa, đã lấy lại được một tí gì của cái "tôi". Tôi của năm năm sau đã được lột xác để trở thành một người vợ đảm đang. Dĩ vãng đau buồn đã được tôi cất giữ lại một góc của con tim tội lỗi. Tôi đã tìm cho chính mình một hoàng tử của lòng tôi. Tuyệt nhiên anh ta không biết gì về quá khứ trụy lạc của người vợ bại hoại. Tôi không thành thật ư? Ðúng. Tôi không thành thật cùng chồng. Xin đừng trách tôi. Hãy tội nghiệp tôi chứ. Hãy cho tôi xin được sống, được sống trong hạnh phúc. Tôi sẽ đền bù mà. Tôi xin hứa sẽ làm bổn phận của một người vợ, một người mẹ đúng nghĩa.
À mà trách nhiệm của một người mẹ là gì nhỉ? Có lẽ đối với mỗi người, thì chữ trách nhiệm được mang một ý nghĩa khác nhau. Ðối với tôi ư? Tôi chỉ biết là tôi cho con tôi một tình thương vô bờ vô bến. Tôi cho Bé Dạ Lan tất cả mà một người mẹ có thể cho con. Con tôi được sinh ra và lớn lên trong sự nuông chiều. À mà lộn, tôi phải nói rằng tôi ghét con tôi lắm thì mới đúng vì tôi chỉ cho ngọt cho bùi. Trong bộ từ điển cá nhân tôi đã đánh mất đi một số từ thông dụng. Câu "con đĩ chó" ngày nào bây giờ đã bị đánh rơi chữ "đĩ". Tôi chỉ giữ lại hai chữ "con chó". Bé Dạ Lan đã được tôi gán cho cái tên chó con từ khi vừa lọt lòng mẹ. Ðêm nào tôi cũng đặt bé Dạ Lan vào giường. Thường thì tôi thì thầm bên tai bé lời trìu mến, "chó con của mẹ ngủ đi, khi con thức thì mẹ vẫn ngồi đây đợi..."
Chồng tôi, Ðạt, nhiều lần gặn hỏi rằng tại sao tôi chiều Bé Dạ Lan quá độ. Chính tôi cũng không biết rõ câu trả lời. Phải chăng tôi chiều bé là vì bé là dòng máu mủ của tôi hay là tôi đang cố cho con mình những gì mà mình không được hưởng; sự nâng niu, thương yêu, chiều chuộng.. v... v... Ðối với tôi, thương con tôi là thương chính bản thân tôi vậy.
Một đêm, chồng tôi tâm sự. Anh ta lại nhắc một câu bất hủ, "em chiều Dạ Lan quá coi chừng nó hư đó. Có thương nó thì cũng phải dạy chứ." Tôi chỉ trả lời trong sự thông cảm, "em ghét chó con lắm anh ơi. Người ta nói 'thương cho roi cho vọt mà, ghét cho ngọt cho bùi', vậy thì em đã chứng minh là em ghét chó con lắm rồi." Chồng tôi hình như mỉm cười thì thầm bên tai tôi, "ghét như em thì ai mà chẳng mong được em ghét. Sáng đến giờ toàn lo cho con không. Bây giờ đến phiên anh nè. Anh cũng muốn được em ghét đó. À mà em phải ghét anh nhiều, nhiều thật nhiều nhé cưng... " Tôi liếc mắt đưa tình pha lẫn tí lẳng lơ và với tay tắt ngọn đèn điện. Hai đứa tôi được bao trùm trong bóng tối của hạnh phúc. Trong đêm khuya vắng lặng, Ðạt từ từ rên khẽ...
° Xin tặng cho những người con đã không có được một bà mẹ hiền để chia sẻ niềm vui trong dịp LỄ HIỀN MẪU...
Mother's Day 2004