6.

Đối phó với các quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật là một khó khăn lớn lúc này mà Đảng ta phải đương đầu. Ở miền Bắc, có tin Tưởng Giới Thạch sẽ đưa vào một số quân rất đông. Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Thường vụ đã bàn sách lược đối với bọn Tưởng.
Dã tâm của bọn Quốc dân đảng Trung Hoa, chúng ta đã rõ. Chúng là kẻ thù không đội trời chung của cách mạng. Ta phải cảnh giác đề phòng chúng lật ta để thay thế băng bọn tay sai. Tuy nhiên, lúc này cần phải hoà hoãn với chúng, phải khôn khéo, tìm mọi cách tránh xung đột. Chính quyền cách mạng vừa thành lập đang cần có thời gian để củng cố và xây dựng lực lượng. Khẩu hiệu để ra là “Hoa Việt thân thiện”
Thực hiện đối sách này với bọn Tưởng thật không dễ dàng. Đồng bào ta được sự giáo dục của Đảng từ lâu, đã biết Hồng quân Trung Hoa mới là bạn của ta. Quan đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch chính là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Trung Quốc; chúng cũng là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Việt Nam. Đồng bào ta vốn rất căm ghét chúng.
Quân Tưởng lại là một đội quân mang nhiều tính chất thổ phỉ. Chắc chắn, khi tràn vào ta, chúng sẽ có nhiều hành động khiến cho đồng bào phẫn nộ, dễ xảy ra xung đột. Thường vụ đã phải cử người lên các tỉnh phía trên, phổ biến chủ trương, cùng các đồng chí lãnh đạo ở địa phương chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ và nhân dân trước khi quân Tưởng kéo vào.
Sau khi Nhật đău hàng, Hà Ứng Khâm, tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa, một tên chống cộng khét tiếng, đã thúc Lư Hán điều quân vào miền Bắc Việt Nam cho thật nhanh. Kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” đã được chuẩn bị từ lâu. Bọn quân phiệt Quốc dân đảng tin rằng đây là một thời cơ rất thuận lợi đề thôn tính miền Bắc Việt Nam. Chúng tính ít nhất cũng đặt được từ vĩ tuyến 16 trở ra, một chính quyền tay sai ngoan ngoãn thực hiện mọi chỉ thị của chúng.
Bọn quân phiệt Quốc dân đảng sắp sẵn những con bài, gồm những tên tay sai người Việt ở Trung hoa như: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam... Chúng thuộc hai tổ chức: Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng sống từ lâu ở nước ngoài, không có liên hệ gì với phong trào trong nước. Chúng tự nhận là những người Việt Nam yêu nước theo chủ nghĩa quốc gia, nhưng thực ra là một bọn phản động mưu toan dựa vào Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và mũi súng quân Tưởng để kiếm sống. Quân Tưởng đi vào Việt Nam bằng hai đường, nên bọn này cũng chia làm hai bộ phận đi theo chúng.
Vì tổ chức luộm thuộm, thiếu phương tiện vận chuyển phải đi bộ, không có hậu cần đi cùng, đến đâu cũng phải xoay ăn, lại thiếu cả quân số, vừa đi vừa vét quân lính dọc đường, nên chúng đi khá chậm.
Phía Vân Nam, quân đoàn 93 thuộc đệ nhất phương diện quân của Lư Hán, theo kế hoạch sẽ đi dọc sông Hồng đến Hà Nội. Cuối tháng Tám mới tới Lào Cai. Phía Quảng Tây, quân đoàn 62, lực lượng của quân đội Quốc dân đảng trung ương. có tướng Tiêu Văn đi cùng, sẽ đi đường Lạng Sơn, Cao Bằng xuống Hà Nội, mãi đầu tháng chín mới vượt qua biên giới.
Hai quân đoàn khác, quân đoàn 52 của trung ương và quân đoàn 60 của Vân Nam đi tiếp theo, sẽ chia nhau xuống Hải Phòng, vào Vinh và Đà Nẵng.
Tổng quân số của chúng vào miền Bắc là mười tám vạn người. Các quân đoàn Vân Nam nhiều binh lính ốm đau, ô hợp, kém huấn luyện. Những quân đoàn của trung ương mạnh hơn, về tổ chức cũng dỡ luộm thuộm. Bốn quân đoàn này được đặt dưới quyền chỉ huy chung của tướng Lư Hán. Tiêu Văn, một phó tướng của Trương Phát Khuê, từ lâu theo dõi vấn đề Việt Nam, lãnh trách nhiệm với bọn quân phiệt Quốc dân đảng trong việc sắp xếp chế độ chính trị tại miền Bắc.
Nguyễn Hải Thần theo quân đoàn 62 vào Lạng Sơn, thì được tin Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra mắt trước một triệu đồng bào tại thủ đô Hà Nội.
Những tên chỉ huy quân đoàn 62 đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang ta tại Lạng Sơn, Cao Bằng. Bộ đội ta không chịu. Chúng đem quân tới chiếm các doanh trại của Quân giải phóng. Bọn Việt Nam cách mệnh đồng minh hội núp sau lưỡi lê quân Tưởng, xông vào trụ sở của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Để tránh xô xát lớn, các cơ quan chính quyền, đoàn thể và các lực lượng vũ trang ta phải tạm giãnêra vùng chung quanh. Nhân dân lập tức thực hiện “vườn không, nhà trống”. Thị xã trở nên vắng ngắt. Bọn Việt Nam cách mệnh đồng minh hội đi lùng khắp nơi không kiếm ra đủ số người để làm một cuộc mít tinh nhỏ cho Nguyễn Hải Thần ra mắt. Chúng đành in một số truyền đơn phản đối việc Việt Minh thành lập Chính phủ lâm thời và nêu lên mười ba điều thảo phạt Chính phủ Hồ Chí Minh. Không có ai mà phân phát, chúng đem truyền đơn rải khắp đường ngang lối tắt.
Bọn Việt Nam quốc dân đảng do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam cầm đầu, đi theo quân đoàn 93 Vân Nam. Cũng dựa vào mũi súng của quân Tưởng, chúng tới đâu là tìm cách lật đổ chính quyền của nhân dân ta tại đó. Chúng lập trụ sở, tập họp bọn phản động ở địa phương, quấy nhiễu, phá phách, cướp của, giết người. Thày nào tớ ấy, bọn quân ô hợp của Long Vân hoạt động giống y như những tên thổ phỉ.
Tại một số nơi chưa được phổ biến kỹ chủ trương, những cuộc xung đột giữa các lực lượng vũ trang của nhân dân ta với quân Tưởng đã xảy ra.
Các cơ quan chính quyền và bộ đội ta được lệnh tạm rút ra ngoài một số thị trấn, thị xã ở vài tỉnh miền biên giới và dọc đường xe lửa từ Vân Nam về.
Trong nửa đầu tháng chín, gần hai chục vạn quân Tưởng đã tràn ra hầu khắp các tỉnh miền Bắc như một bệnh dịch. Theo gót chúng là những bọn tay sai tức tối vì thấy khó có cơ hội kiếm ăn to. Trước mắt chúng là lực lượng cách mạng rất lớn mạnh, một chính quyền rất đàng hoàng với những cơ sở chính trị vững chắc, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Chúng câng trở nên trơ tráo, lộ rõ nguyên hình bọn lưu vong mất gốc, được che chở bằng lưỡi lê quân đội phản động nước ngoài.
Ngày 1 tháng Chín, tướng Lư Hán đáp máy bay đến Hà Nội.
Mấy hôm sau, những bản bố cáo dài dằng dặc được dán khắp nơi. Bọn quân phiệt Quốc dân đảng Trung Hoa coi như chúng tới một nơi không có chính quyền. Chúng tự cho chúng quyền giữ trị an trong thành phố. Chúng quy định giá trị của tiền Quan kim, tiền Quốc tệ, những thứ tiền giấy từ lâu đã trở thành mớ giấy lộn. Chúng đề ra cả những quy định để kiểm soát xe cộ đi lại trong thành phố.
Lư Hán tới được vài ngày thì A-lét-xăng-đơ-ri cũng xuất hiện ở Hà Nội. Viên tướng chỉ huy quân đội lê-dương Pháp tại Bắc Kỳ, đã đem bọn tàn quân chạy trốn sang Côn Minh trước cuộc tấn công của quân đội Nhật đêm mồng 9 tháng Ba năm nay, tại sao cũng đến được đây. Tình ý giữa bọn Tưởng và bọn Pháp ra sao là vấn đề cần được chú ý.