Chương 3

Buổi sáng, Dũng còn ngủ, nhưng Lan đã dậy. Chị đánh răng, rửa mặt, chải đầu, lấy túi chuẩn bị đi làm. Có người rao bánh mì ngoài ngõ. Lan chạy ra mua một ổ. Cầm bánh mì nóng giòn trên tay, Lan bỏ cẩn thận vào trong túi ni lông, để trên bàn học của Dũng rồi chị bước ra sân. Lúc đó, có anh đưa thư đến, hỏi:
- Xin lỗi cô, ở đây có ai tên Lan không?.
Dạ có, tôi là Lan đây.
Cô có thư, xin mời nhận.
Lan bối rối cầm phong thư. Cô nhìn bì thư, biết đó là thư của gia đình bởi những dòng chữ viết như to như những cọng rau muống rất khó đọc của anh Hai. Chị ngẩng lên định cảm ơn thì người đưa thư đã đi khuất.
Vừa cầm thư ở tay, Lan vừa chạy vội ra đường. Ở đó có chiếc xe buýt vừa dừng lại. Lan lên xe. Đông người quá, chị không dám mở thư ra đọc. Trên đường đi đến chỗ làm việc, Lan chỉ thầm mong là thư thăm hỏi bình thường...
Lúc xe buýt dừng lại, Lan vào nhà máy nhưng vẫn chưa vội xé thư ra đọc. Trước mắt chị là Hằng và các công nhân khác đang đứng đầy hành lang. Lan vội chạy đến chỗ Hằng:
- Sao vậy? Sao đứng đầy ngoài này thế?
Hằng hất hàm:
- Không nhìn thấy gì trên bảng thông báo sao?
Lan quay sang đọc: “HÔM NAY CÚP ĐIỆN, ĐẾN 10 GIỜ MỚI CÓ” và quay lại hỏi Hằng:
- Thế thì mình phải chờ à?
Hằng thản nhiên:
- Chứ sao. Thế còn may đấy. Bên phân xưởng I nghỉ rồi.
Sao lại nghỉ?
Hết việc chứ sao.
Lan thở dài. Chị rời khỏi đám đông, tìm một chỗ vắng để mở thư ra đọc. Những dòng chữ như nhảy múa trước mắt chị. Dường như có giọng nói của anh Hai vang lên:
- “Gửi hai em Dũng và Lan. Anh báo tin buồn cho hai em, má phải vô bệnh viện nằm từ hơn một tuần rồi. Bác sĩ chẩn đoán má bị tai biến mạch máu não. Anh đã bán đi hơn hai trăm gia. lúa để lấy tiền cấp cứu cho má nhưng chưa chắc đủ. Bà con chòm xóm cũng cho vay mượn ít nhiều. Thư này anh nhắn Lan, nếu em có tiền, gửi về cho má vì má vẫn đang hôn mê, chưa tỉnh được.”
Đọc xong lá thư, Lan buồn bã với tâm trạng rối bời. Vừa lúc đó, người quản đốc đến, giọng nói sang sảng:
- Tất cả về chỗ của mình nhận thông báo quan trọng.
Nghe thế, lập tức mọi công nhân đều giữ yên lặng. Ông ta nói:
- Ban Giám đốc Công ty xin thông báo với anh chị em công nhân một tin quan trọng, mong anh chị em bình tĩnh tiếp nhận. Tình hình xuất khẩu áo gió sang các nước Đông Âu của công ty ta, vào thời điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường biến động. Hàng chúng ta không bán được. Ban Giám đốc đã cố gắng rất nhiều trong vấn đề khai thác thị trường, nhưng chưa có kết quả. Vì vậy, anh chị em phải tạm thời nghỉ việc trong thời gian dài. Khi nào có việc, chúng tôi sẽ thông báo sau. Còn tiền lương, Công ty sẽ trả đến nửa ngày hôm nay. Xin mời mọi người đến phòng tài vụ nhận.
Mọi người ngồi im, không tin sự việc là diễn ra như thế. Lác đác có người vội đứng lên bàn tán như ong vỡ tổ:
- Đi nhận tiền ngay đi, đằng nào cũng thế rồi.
Đi đi. Chốc nữa đông lắm!
Lan ơi, đi nào!
Hằng kéo bạn. Nhưng Lan không đứng dậy được. Từ khi đọc thư, hình ảnh má thân thương cứ hiện lên trong óc chị. Rồi những lời thông báo từ quản đốc, tưởng như dao nhọn xuyên thẳng vào tâm trí Lan. Chị thấy xung quanh chao đảo. Những bức tường nghiêng ngả. Cây bên ngoài như xoay trong bão. Và hình ảnh má lúc gần lúc xa, khi ẩn khi hiện. Tự nhiên, Lan ứa nước mắt. Hằng tưởng bạn khóc vì chuyện vừa rồi, liền nói:
- Hết việc thì đi kiếm chỗ khác. Việc chi phải khóc?
Lan không nói được, nghẹn ngào. Chị chỉ biết lắc đầu rồi theo Hằng lên phòng tài vụ.
Không ngờ tại đây mọi việc diễn ra chóng vánh. Cô thủ quỹ nói gọn lỏn:
- Mỗi người được 195 ngàn đồng. Chỉ việc ký vào đây là xong.
Lan ký tên mình rồi nhận tiền. Chị mang ra ngoài, đứng một góc đếm lại một cách chăm chú, cẩn thận. Hằng thì khác. Nhận xong, nhét ngay vô túi quần. Đến bên Lan, Hằng nói:
- Đếm lại làm chi? Họ không bao giờ trả thừa cho mình đâu!
Lan cười xuôi xị:
- Ừ! Nếu có thừa thì mình đem vô trả lại cho họ.
Hằng cười phá lên:
- Đừng tưởng bở. Coi chừng lại thiếu đó.
Thiếu thì cũng phải vào nói lại chứ.
Không thiếu không thừa, chỉ đủ thôi. Mày chi li quá đấy Lan ơi!
Lan cự lại:
- Sao lại chi li? Tiền này là công sức mình bỏ ra mà, phải tằn tiện. Hằng ạ!
Hằng vẫn cười dễ dãi:
- Thế mi tưởng tao phung phí lắm hả? Thôi được, để chia buồn công ty hết việc, tao chiêu đãi mi bữa ni, được không?
Thôi, ra quán tốn tiền. Mi về nhà tao, tao nấu món ăn quê. Mi sẽ mê ngay.
Nhưng ở nhà có em mi không? Tao ngại hắn lắm. Sinh viên chi mà mồm mép dữ vậy?
Lan cười:
- Nó đi học rồi. Ngại chi, hắn tốt bụng lắm đó.
Lan cãi lại:
- Ừ thì em mi tốt bụng. Nhưng mi đừng ngây thơ quá. Đàn ông không quen mà tốt bụng với mình cũng đều có mục đích cả. Không ai giúp tụi mình cái gì vô tư đâu.
Vậy à?
Lan ngạc nhiên nhìn bạn cảm phục. Hằng cầm tay Lan:
- Mi tồ lắm. Rồi thành phố ni sẽ mở mắt cho mi.
Cả hai thong thả bước ra khỏi cổng công ty. Bỗng Lan hỏi Hằng:
- Hằng ơi, mi có biết bệnh “tai tiếng mạch máu não” là gì không?
Hằng phá lên cười:
- Căn bệnh chi mà lạ thế? Ngố thật! Phải nói là tai biến mạch máu não mới đúng. Thế mi bị à?
Giọng Lan trầm hẳn:
- Bệnh này có nguy hiểm không?
Nguy hiểm lắm. Ba tao mất cũng vì bệnh đó. Tức là có những mạch máu chạy lên não nhưng không hoạt động nữa. Não bị tê liệt. Con người hôn mê. Chỉ nằm chờ chết thôi.
Thôi, mi đừng nói nữa.
Hằng cười vô tâm:
- Mà tao cũng chỉ biết có thế thôi. Muốn biết rõ, mày phải hỏi Dũng, em mày, bác sĩ tương lai.
Hai người đến bến xe buýt. Họ lên xe.
Về nhà, Lan vội nấu hai tô mì gói, bưng lên. Trong lúc ăn, họ cảm thấy tô mì không ngon như mọi ngày. Lan âu lo:
- Hết việc rồi, mình phải kiếm việc chi làm hả Hằng?
Mua báo xem. Trên báo có mục cần người, họ rao tuyển nhiều lắm.
Lan đáp nhỏ nhẹ:
- Mình đọc rồi. Toàn tuyển những người có trình độ đại học, biết tiếng Anh với vi tính thôi. Bọn mình sao tới đó được.
Hằng vẫn ăn tô mì ngon lành:
- Thì cứ đi. Ăn xong, tụi mình tự ra phố tìm việc chứ sao. Cứ đi là có việc thôi.
Lan chép miệng:
- Nói bộ dễ nghe. Mình có phải là đàn ông đâu mà cứ ra đường là có việc?
Thôi, mày nghe tao. Đừng ngồi nhà bàn lùi nữa!
Lúc đó có tiếng lao xao ngoài cổng. Dũng về dẫn theo Hải và Lâm nữa. Lâm vác theo cây ghi ta, gảy phừng phừng, hát líu lô. Lan ghé nhỏ tai Hằng:
- Đừng nói chi chuyện hết việc ở chỗ mình nghen!
Hằng gật đầu. Vừa lúc đó, Dũng và các bạn bước vào. Dũng ngạc nhiên:
- Ủa, hôm nay sao hai người về sớm vậy?
Hằng đáp:
- Cúp điện. Công ty không cho về giữ lại làm chi? Đơn giản vậy mà cũng hỏi.
Lâm làm ra hiểu biết:
- Vậy hả? Nhưng chuyện cúp điện đối với ngành y không đơn giản đâu. Đang có mổ cho bệnh nhân mà cúp điện bệnh nhân đi toi ngay! Mà có khi bác sĩ cũng bị quy trách nhiệm nữa cũng nên.
Hằng lém lỉnh:
- Thế mới biết, điện là sự sống còn của tất cả!
Còn Lan đưa tay chỉ xuống bếp:
- Các em triết lý cao siêu quá. Thôi, làm mì ăn đi.
Dũng hỏi nhỏ:
- Chắc thiếu mì hả chị?
Không lo. Chị đã mua rồi.
Hay quá! Có hành ớt tiêu gì chưa?
Cũng có đủ. Em lột cho chị mấy củ hành, rồi lên nhà nói chuyện với bạn, để đó chị nấu chọ..
Đứng nhìn chị Lan nấu bếp, đảm đang chân tay, Dũng như chợt nhớ tới hình ảnh của má. Dáng chị Lan ngồi bên bấp cời lửa cũng giống dáng má sao! Dũng chợt thở dài, nói:
- Lâu rồi sao má không gởi thư cho chị em mình nhỉ?
Chắc má bận. Để chiều nay chị viết gửi về gia đình. Em cứ yên tâm, gắng học cho giỏi cho má vui lòng.
Dũng quay lên nhà:
- Vâng, em sẽ cố gắng.
Nồi mì được bưng lên. Dũng và hai bạn lôi ra mỗi đứa một ổ bánh mì. Họ bẻ ra bỏ vào trong nồi, cùng ăn và tranh nhau xem tờ báo Cười. Hải nói:
- Đưa đây, tao xem cái tranh siêu tưởng này chút xíu.
Dũng cãi:
- Còn hiện thực quá! Loại này siêu tưởng nỗi gì?
Đang nhai ngồm ngoàn, Hải tiếp lời:
- Đúng vậy, bọn mình mà vẽ tranh siêu tưởng có khi còn siêu hơn.
Thế mày định vẽ đề tài gì?
Hải đáp:
- Đề tài sinh viên tụi mình thôi. Chuyện ăn uống chẳng hạn...
Dũng reo lên:
- Hay đấy, thử nói nghe coi.
Này nhé, tụi mình ăn mì, đi chân đất mà toàn nghiên cứu những vấn đề vĩ mô, có tầm cỡ nhân loại, trong đầu lại ngập tràn những mộng ước tương lai, như thếâ không siêu thực là gì?
Phải là siêu siêu thực mới đúng!
Lâm nói:
- Vẽ đi. Giấy bút đây!
Thấy Dũng và bạn đang đùa vui, chị Lan bỗng hỏi:
- Nè Dũng, chiều nay em có phải đến trường không?
Dạ không!
Chị muốn mượn xe em để đi công chuyện với chị Hằng.
Dũng nói nhanh:
- Ồ, chị cứ lấy!
Hải chen ngang:
- Cả xe em nữa. Các chị cứ tự nhiên.
Hằng nói:
- Cám ơn.
Ngoài sân nắng đã leo vào tận trong cửa nhà. Mùi hương hoa ngâu thơm dịu thoảng vào trong căn nhà trọ....