Những người khôn

Một hôm, một bác nông dân rút ở xó nhà ra chiếc gậy gỗ trăn
rồi bảo vợ:
- Này nhà ạ, tôi đi ba ngày nữa mới về đấy. Nếu lái bò có đến
mua ba con bò nhà ta, thì nhà bán rẻ cũng được, nhưng phải lấy hai
trăm đồng, kém thì đừng có bán nghe chưa.
Vợ đáp:
- Nhà cứ việc đi đi, cầu trời phù hộ. Tôi ở nhà sẽ làm đúng lời
nhà dặn.
- Chà! Khi nhà còn bé đã có lần ngã đập đầu xuống đất, đến giờ
vẫn còn bị ảnh hưởng. Nhưng tôi dặn nhà nhớ, nếu nhà làm gì dớ
dẩn, tôi về sẽ đánh cho thâm tím mình mẩy bằng chiếc gậy tôi đang
cầm trong tay đây này, đến một năm cũng vẫn còn vết lằn, tôi nói
không ngoa đâu.
Nói rồi bác ta đi.
Sáng hôm sau, lái bò đến. Bác gái cũng không phải nói nhiều
lời. Hắn xem bò xong, hỏi giá rồi nói:
- Tình giá ấy được thôi, thật là giá chỗ bà con. Để tôi mang bò
đi ngay.
Hắn tháo dây buộc, lùa bò ra khỏi chuồng. Khi hắn dắt bò ra
khỏi sân thì bác gái nắm lấy tay áo hắn bảo:
- Bác phải đưa tôi hai trăm đồng đã, không thì tôi không để cho
đi đâu.
Lái bò đáp:
- Được, được thôi. ấy tôi quên không mang theo hầu bao.
Nhưng bác đừng lo. Bác cứ yên chí, thế nào tôi cũng trả sòng phẳng.
Này nhé, tôi mang đi hai con bò thôi, còn con thứ ba tôi để lại làm
tin.
Bác gái cho việc ấy là minh bạch, để cho tên lái mang bò đi và
nghĩ bụng:
- Thầy nó thấy mình khôn ngoan thế chắc là mừng lắm đấy.
Đến ngày thứ ba, bác nông dân đúng hẹn về nhà, hỏi ngay xem
bò đã bán chưa. Bác gái đáp:
- Dĩ nhiên là bán rồi, thầy nó ạ. Mà như thầy nó dặn, bán đúng
hai trăm đồng. Bò nhà mình thì cũng chẳng đáng giá ấy đâu, nhưng
bác lái thuận mua luôn, chẳng cò kè gì cả.
Bác trai hỏi:
- Thế tiền đâu?
- Tôi chưa cầm. Bác lái quên mang theo hầu bao nhưng bác ấy
mang lại ngay đấy. Bác ấy có để vật làm tin rất chắc chắn.
Bác trai hỏi:
- Của tin gì thế?
- Bác ấy để lại đây một trong ba con bò làm tin, trả tiền xong
mới dắt nốt đi. Tôi khôn lắm, thầy nó ạ! Tôi giữ lại con bé nhất vì
nó ăn ít nhất.
Bác trai tức quá, giơ gậy lên định cho bác gái một trận đòn như
bác đã bảo trước. Nhưng rồi bác lại hạ gậy xuống nói:
- Bu mày thật là ngu như bò, ngu nhất trần đời này. Nhưng tôi
thương hại bu nó quá. Thôi để tôi đi ba ngày nữa xem có gặp ai ngu
đần hơn bu mày không. Nếu gặp, thì sẽ tha cho bu mày. Nếu không
gặp thì tôi nhất định cho bu mày một trận đòn nên thân.
Bác đi theo đường cái rồi ngồi trên một hòn đá, đợi xem sự việc
ra sao. Bác thấy một chiếc xe đi tới. Trên xe chỉ có một người đàn
bà đứng chứ không ngồi trên đống rơm ở ngay trên xe mà cũng
không đi bộ dắt bò bên xe. Bác nghĩ bụng đây hẳn là người ngu đần
mình đang tìm, liền nhảy xuống và chạy loăng quăng trước xe y
như người mất trí.
Người đàn bà bảo bác:
- Ơ bác kia! Tôi có quen biết gì bác đâu? Bác ở đâu đến đây?
Bác nông dân đáp:
- Tôi ở trên trời rơi xuống đấy. Không biết làm cách nào lên trời
lại được. Bác có đưa tôi lên được không?
Người kia đáp:
- Không được đâu. Tôi có biết đường đâu. Nếu bác ở trên trời
xuống thì bác làm ơn cho tôi hỏi thăm nhà tôi ra sao. Thầy nó đã
chầu trời được ba năm nay. Chắc là bác có gặp thầy nó nhà tôi.
- Có, có tôi có gặp bác trai. Lẽ dĩ nhiên là mọi người không phải
ai nấy đều ổn cả đâu. Bác trai chăn cừu cũng lôi thôi rắc rối lắm, nó
nhảy lên núi, nó lạc vào bãi hoang, bác trai cứ phải luôn đi tìm để
hợp đàn. Quần áo mắc vào bụi rậm rơi từng mảnh, phơi cả da thịt
ra. Trên ấy không có tuyết, thánh Pêtrut không cho ai vào, như bà
nghe chuyện cổ tích đã biết đấy.
Người đàn bà kêu lên:
- Chết chưa, có ai ngờ đâu nông nỗi ấy! Để tôi đi lấy bộ quần áo
ngày chủ nhật còn treo trong tủ ở nhà, để thấy nó mặc cho lịch sự.
Nhờ bác làm ơn mang giúp cho thầy nó nhé!
Bác nông dân đáp:
- Không được đâu. Không thể mang quần áo lên trời được đâu.
Đến cổng trời là bị thu đấy.
- Này bác ạ, hôm qua tôi bán chỗ lúa tôi được khá tiền muốn
gửi lên cho thầy cháu. Nếu bác giấu tiền hộ vào túi chắc chẳng ai
biết đâu.
- Cũng được thôi! Để tôi giúp bác.
Bác kia nói:
- Thế bác ngồi đợi đây, tôi cho xe về nhà lấy tiền rồi trở lại
ngay. Ấy tôi không ngồi trên đống rơm, mà đứng trên xe để cho bò
kéo đỡ nặng đấy.
Bà ấy thúc bò đi.
Bác nông dân nghĩ bụng:
- Bà này hẳn có máu dở người. Nếu bà ta về lấy tiền thật thì
may cho mẹ đĩ nhà mình khỏi bị trận đòn.
Một lát sau, bà ta mang tiền chạy tới nhét vào túi bác. Trước
khi đi, bà ta còn đa tạ lòng tốt của bác mãi.
Bà về nhà thì gặp con trai ở ngoài đồng về. Bà liền kể cho con
gặp chuyện bất ngờ như thế nào và bảo:
- Mẹ mừng là gặp may gửi được cho thầy mày ít quà. Có ai ngờ
được là ở trên trời mà cũng còn bị thiếu thốn!
Con ngạc nhiên quá bảo:
- Mẹ ạ, ít khi có người ở trên trời rơi xuống như thế. Để con đi
ngay xem có gặp không. Để hỏi bác ta xem trên ấy ra sao, làm ăn
thế nào.
Anh ta đóng yên ngựa vội vã ra đi. Anh thấy bác nông dân
đang ngồi ở gốc cây liễu, định đếm tiền trong hầu bao. Anh gọi to
hỏi:
- Bác có gặp người ở trên trời rơi xuống không?
Bác nông dân đáp:
- Có, bác ta lại đi về rồi, bác ta trèo lên đỉnh núi kia để đi cho
gần. Anh chịu khó phi ngựa thì đuổi kịp đấy.
Anh thanh niên nói:
- Chà! Tôi làm suốt ngày, vất vả, lại phi ngựa đến đây thì mệt
lử rồi. Bác biết người ấy, bác làm ơn cưỡi ngựa này đến nói khéo cho
người ấy thuận lại đây hộ.
Bác nông dân nghĩ bụng gã này cũng lại tàng tàng. Bác bảo:
- Thôi thì để tôi giúp cậu vậy!
Bác trèo lên ngựa phóng nước đại.
Gã thanh niên ngồi đợi đến đêm cũng không thấy bác nông dân
trở về. Anh nghĩ bụng chắc là người kia vội vã về trời nên không
muốn quay lại và bác nông dân đã đưa cả ngựa cho người ấy mang
cho bố mình rồi. Anh quay về kể lại chuyện cho mẹ, nói là đã gửi
ngựa cho bố để bố khỏi phải đi bộ. Mẹ bảo:
- Con làm thế là phải. Con có đôi chân còn vững, đi bộ cũng
được.
Bác nông dân về đến nhà, nhốt ngựa vào chuồng cạnh con bò
giữ làm tin. Bác bảo vợ:
- Bu mày ạ! Bu mày may lắm nhé! Tôi gặp hai người còn ngu
đần hơn cả bu mày cơ. Lần này, tôi tha đánh bu mày, để dành dịp
khác.
Rồi bác châm điếu hút thuốc, ngồi vào chiếc ghế bành tứ đại và
bảo:
- Thật là món bở. Đổi hai con bò còm lấy một con ngựa béo, lại
thêm một hầu bao đầy tiền. Nếu ngu đần mà lại như thế này thì
mình cứ là trọng ngu đần mãi.
Bác nông dân nghĩ vậy, nhưng hẳn là các bạn còn thích những
người đần độn hơn.
Các em nghĩ sao về người bác nông dân? Chúng ta không nên
cư xử như người nông dân kia bởi vì không thiếu cách để kiểm tra
xem thiên hạ có ai ngu hơn vợ ông ta không, việc đi lừa người thật
thà và dại dột là vô lương tâm. Các em sẽ xử lý như thế nào nếu các
em là bác nông dân kia?